Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 16/5/2022

  • |
T5g.org.vn - Viêm gan bí ẩn: Có cần xét nghiệm men gan cho trẻ?; Số ca nhiễm Covid-19 trên cả nước giảm mạnh, còn gần 1.600 ca; Không bỏ thanh toán bảo hiểm y tế đối với máy đặt, máy mượn tại bệnh viện…

 

Viêm gan bí ẩn: Có cần xét nghiệm men gan cho trẻ?

Hiện nay trên mạng xã hội lan truyền nhiều nội dung khuyến cáo phụ huynh đưa trẻ đi xét nghiệm men gan nếu con có dấu hiệu đau bụng nôn trớ.

Theo các bác sĩ, tuy nguyên nhân của chứng viêm gan bí ẩn chưa được xác định nhưng khả năng cao là do siêu vi. Nếu nguyên nhân do siêu vi thì việc xét nghiệm men gan cho trẻ sẽ không có giá trị trong việc phòng ngừa hay xác định trẻ có nguy cơ mắc chứng viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân này hay không.

Nhiều nguyên nhân gây viêm gan ở trẻ

Viêm gan ở trẻ em là bệnh đã có từ lâu, tác nhân rất đa dạng. Viêm gan có thể do hóa chất, ngộ độc, bệnh nền hoặc một bệnh chuyển hóa nào đó. Do vậy, việc đi xét nghiệm gan để kiểm tra xem bé có bị viêm gan bí ẩn hay không là việc không thể thực hiện được. Đây là khuyến cáo của bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi Hội Truyền nhiễm TP.HCM.

Theo BS Khanh, hiện có một số dịch vụ dựa vào các triệu chứng đơn thuần về tiêu hóa ở trẻ như nôn ói, đau bụng, tiêu chảy và gán ghép nên xét nghiệm tiền viêm gan, điều này là không chính xác. Hiện nay tỷ lệ trẻ bị rối loạn tiêu hóa và sau đó sức khỏe bình thường trở lại rất cao trong mùa này. Xét nghiệm ra chỉ số men gan cao chưa thể kết luận có mắc phải viêm gan bí ẩn hay không và cũng không có cơ sở để điều trị. Khi có 2 triệu chứng dễ nhận thấy nhất là vàng da và nước tiểu sẫm màu, mới nghĩ đến khả năng gan đang bị tổn thương có thể do bệnh viêm gan bí ẩn.

BS Lê Thanh Phuông thông tin: Hiện BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã khuyến cáo đến các cơ sở y tế trên địa bàn, nếu có trường hợp nào bất thường liên quan đến viêm gan có thể chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới để các BS chuyên khoa gan tiến hành hội chẩn và thực hiện các xét nghiệm chuyên biệt nhằm xác định nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.

BS Lê Thanh Phuông, Trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Trưởng đơn vị chuyên về gan - Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM, nhận định làm xét nghiệm men gan vì sợ trẻ mắc viêm gan bí ẩn là không cần thiết, đồng thời khuyến cáo phụ huynh không làm theo phong trào và những thông tin lan truyền trên mạng xã hội dẫn đến phí thời gian và tiền bạc. Hiện tại ở VN, các bệnh về gan rất phổ biến. Trẻ em thường mắc nhiều nhất là viêm gan siêu vi B đến C và A. Đặc biệt, dịch viêm gan B ở trẻ em có thể bùng phát gây ung thư gan, xơ gan và tử vong, BV Bệnh nhiệt đới cũng tiếp nhận khá nhiều trường hợp viêm gan cấp tính do siêu vi B. Tuy nhiên hiện nay đã có chương trình tiêm chủng quốc gia viêm gan B ở trẻ em, phụ huynh nên ưu tiên cho trẻ đi tiêm ngừa để phòng bệnh.

Các BS cũng lưu ý: Nếu trẻ mắc các vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa, đường hô hấp, nhất là trong thời điểm đang bùng dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng, cần đưa đến cơ sở y tế để BS chẩn đoán và quyết định xét nghiệm nào là cần thiết thực hiện.

Cần làm gì nếu nghi trẻ mắc bệnh viêm gan bí ẩn?

Theo BS Lê Thanh Phuông, viêm gan bí ẩn có thể hiểu là một dạng viêm gan cấp ở trẻ em chưa rõ nguyên nhân, nhiều khả năng là vi rút adeno - loại vi rút không quá mới ở nước ta. Thời điểm hiện tại, BV Bệnh nhiệt đới cũng chưa tiếp nhận bất kỳ trường hợp nào đến khám có bất thường về gan liên quan đến chứng viêm gan cấp này.

BS Trương Hữu Khanh tư vấn: Nếu nghi ngờ trẻ mắc phải viêm gan bí ẩn, cụ thể trẻ bị vàng da, vàng mắt, nước tiểu sậm màu, phụ huynh cần có những điều lưu ý như sau: Đầu tiên, phải cho trẻ hạn chế vận động, vì nếu đã vàng da do suy gan mà vận động nhiều sẽ dẫn đến gan suy nhanh hơn. Hai là, cần chú ý đến tất cả loại thuốc uống, đặc biệt là paracetamol. Nếu trẻ sốt, có thể uống paracetamol được nhưng liều lượng vừa phải, chỉ 10 mg trên 1 kg cân nặng của trẻ và lưu ý uống sau 6 tiếng mỗi lần, thì sẽ không ảnh hưởng đến gan. Còn các loại kháng sinh khác phải thận trọng hỏi ý kiến BS xem thuốc đó có làm suy hay nguy cơ tổn thương gan hay không.

Hiện nay, với các bệnh viêm gan do siêu vi cấp, BV Nhi Đồng 2 (khoa Nhiễm, khoa Tiêu hóa, khoa Hồi sức…) và BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM (chuyên khoa về gan) tiếp nhận và điều trị rất thường xuyên. Với các trường hợp viêm gan mức độ nhẹ, trẻ được khuyến khích nghỉ ngơi, có chế độ ăn an toàn theo chỉ định BS, tránh sử dụng các loại thuốc quá phức tạp; trường hợp nặng có thể chữa trị tiền hôn mê gan, lọc gan…

Quy trình này theo BS Khanh là đã có sẵn. BV Nhi Đồng 2 cũng đã có kế hoạch sẵn sàng phối hợp với Sở Y tế và các phòng xét nghiệm lớn để khi tiếp nhận ca viêm gan cấp không rõ nguyên nhân như vậy sẽ tiến hành xét nghiệm để xác định tác nhân và điều trị. Như vậy, khả năng xét nghiệm thu dung và điều trị không có gì thay đổi hay quá phức tạp mà đều đã được chuẩn bị. (Thanh niên, trang 15).

 

Thanh toán BHYT dịch vụ dùng máy mượn: Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội bất nhất?

Nhiều bệnh viện phản ánh đang gặp khó khăn khi Bộ Y tế bất ngờ có công văn liên quan đến quy định thanh toán các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy đặt của các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất cho bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT). Ngày 15-5, Bộ Y tế đã có phản hồi về việc này.

Bộ Y tế: Vẫn thực hiện như cũ

Theo Bộ Y tế, giai đoạn vừa qua, nhu cầu về trang thiết bị của các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là rất lớn, trong khi nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn vay ODA, vốn viện trợ, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của các đơn vị còn rất hạn chế và không đáp ứng nhu cầu. Do vậy, các cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai hình thức đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất mang máy đến đặt hoặc cho mượn máy. Để bảo đảm thanh toán BHYT đối với hình thức này, ngày 12-4-2018 Bộ Y tế đã có Công văn số 2009/BYT-KHTC gửi Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam về việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT trên máy mượn, máy đặt.

Tiếp theo đó, ngày 2-10-2018, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã thống nhất việc thanh toán tại thông báo số 1039/TB-BYT-BHXH, trong đó nêu rõ: “Thống nhất tiếp tục thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng các máy do đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất cho mượn hoặc đặt dựa trên kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu và hợp đồng đã ký. Sau khi hết hợp đồng nếu tiếp tục thực hiện thì phải thực hiện theo quy định của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Các cơ sở khám chữa bệnh phải tuân thủ quy trình chuyên môn trong chỉ định sử dụng các dịch vụ”.

Đến nay vẫn chưa có văn bản nào bãi bỏ thông báo số 1039/TB-BYT-BHXHVN. Như vậy, theo Bộ Y tế, việc thanh toán BHYT đối với máy đặt, máy mượn hiện nay đang được thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn 6807/BYT-BH ngày 9-11-2018 của Bộ Y tế và không liên quan đến việc bãi bỏ Công văn số 2009/BYT-KHTC. Đồng thời, bộ cho biết đang làm việc với BHXH Việt Nam để thống nhất hướng dẫn các nội dung cụ thể cho các đơn vị thực hiện. Trường hợp vượt thẩm quyền hai bên sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, giải quyết theo quy định.

Người bệnh mất quyền lợi

Trong khi đó, nhiều bệnh viện cho biết đang gặp khó khăn về việc bảo đảm quyền lợi cho bệnh nhân BHYT khi sử dụng các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy đặt của những công ty trúng thầu vật tư, hóa chất. Lý do, mới đây (ngày 9-5), Bộ Y tế ban hành Công văn 2348 gửi BHXH Việt Nam có nội dung bãi bỏ Công văn số 2009/BYT-KHTC ngày 12-4-2018 về thanh toán các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy đặt ở các bệnh viện. Tiếp đó, ngày 12-5, BHXH Việt Nam có Công văn 1261 gửi các cơ quan BHXH tỉnh, thành phố về việc dừng thanh toán BHYT đối với dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy đặt kể từ ngày 9-5.

Bệnh viện K Trung ương mỗi năm tiếp nhận tới 500.000 lượt người bệnh đến khám, cho biết, người bệnh có thẻ BHYT đến khám tại bệnh viện chiếm 30% lượt khám và 96% số người điều trị. Trước khi có dịch Covid-19 xảy ra, mỗi năm, bệnh viện thực hiện 4 triệu xét nghiệm sinh hóa - miễn dịch, 1 triệu xét nghiệm huyết học, vi sinh và 35.000 xét nghiệm hóa mô miễn dịch. Đa số thiết bị thực hiện những kỹ thuật xét nghiệm tại bệnh viện là mượn, đặt. Theo lãnh đạo bệnh viện, nếu dừng việc thanh toán chi phi khám chữa bệnh BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy đặt sẽ khiến không chỉ Bệnh viện K mà các bệnh viện khác gặp khó khăn. Thậm chí phải tạm dừng nhiều hoạt động khám chữa bệnh liên quan đến xét nghiệm vì các loại máy móc này chủ yếu là mượn, đặt. Quyền lợi của người bệnh có BHYT chắc chắn bị ảnh hưởng.

Mới đây, Sở Y tế TPHCM cũng có báo cáo phản ánh, sau khi Công văn 2348 của Bộ Y tế và Công văn 1261 của BHXH Việt Nam được ban hành, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TPHCM gặp rất nhiều lúng túng khi triển khai thực hiện. Sở Y tế và BHXH TPHCM đã họp và thống nhất đề xuất UBND TPHCM kiến nghị Bộ Y tế, BHXH Việt Nam xem xét, chấp thuận tiếp tục thanh toán chi phí xét nghiệm BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện từ máy đặt, máy mượn tại bệnh viện cho đến khi có hướng dẫn mới của các cấp có thẩm quyền. Trong trường hợp phải dừng thanh toán, cần có lộ trình để các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TPHCM có đủ thời gian chuẩn bị. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Không bỏ thanh toán bảo hiểm y tế đối với máy đặt, máy mượn tại bệnh viện

Ngày 9-5-2022, Bộ Y tế có Công văn số 2348/BYT-KHTC gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc bãi bỏ Công văn số 2009/BYT-KHTC ngày 12-4-2018 của Bộ Y tế về thanh toán các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy do các đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất đặt.

Liên quan đến việc bãi bỏ Công văn số 2009 này, sáng nay (15-5), Bộ Y tế phát đi thông cáo báo chí khẳng định, việc thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) đối với máy đặt, máy mượn hiện nay đang được thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 6807/BYT-BH ngày 9-11-2018 của Bộ Y tế và không liên quan đến việc bãi bỏ Công văn số 2009.

Theo đó, trong giai đoạn vừa qua, nhu cầu về trang thiết bị của các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là rất lớn, trong khi nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn vay ODA, vốn viện trợ, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của các đơn vị… còn rất hạn chế và không đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Nhằm đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã triển khai nhiều giải pháp để có trang thiết bị phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ được giao và bảo đảm người dân được thụ hưởng dịch vụ có chất lượng, trong đó có hình thức đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất mang máy đến đặt hoặc cho mượn máy.

Để bảo đảm thanh toán BHYT đối với hình thức này, đồng thời phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Y tế đã có Công văn số 2009/BYT-KHTC ngày 12-4-2018 gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT trên máy mượn, máy đặt.

Tiếp theo đó, ngày 2-10-2018, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thống nhất việc thanh toán tại Thông báo số 1039/TB-BYT-BHXH, trong đó nêu rõ: “Thống nhất tiếp tục thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng các máy do đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất cho mượn hoặc đặt theo kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu và hợp đồng đã ký; sau khi hết hợp đồng nếu tiếp tục thực hiện thì phải thực hiện theo quy định của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26-12-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Các cơ sở khám, chữa bệnh phải tuân thủ quy trình chuyên môn trong chỉ định sử dụng các dịch vụ”.

Bộ Y tế đã có Công văn số 6807/BYT-BH ngày 9-11-2018 sao gửi Thông báo số 1039/TB-BYT-BHXHVN nêu trên đến các đơn vị, địa phương và đến nay vẫn chưa có văn bản nào bãi bỏ Thông báo số 1039/TB-BYT-BHXHVN.

Như vậy, việc thanh toán BHYT đối với máy đặt, máy mượn hiện nay đang được thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 6807/BYT-BH ngày 9-11-2018 của Bộ Y tế và không liên quan đến việc bãi bỏ Công văn số 2009/BYT-KHTC.

Bộ Y tế sẽ làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thống nhất hướng dẫn các nội dung cụ thể cho các đơn vị thực hiện. Trường hợp vượt thẩm quyền, hai bên sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, giải quyết theo quy định. Sau khi có thông tin chính thức kết quả làm việc giữa hai bên, Bộ Y tế sẽ tiếp tục thông tin. (Hà Nội mới, trang 1).

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 8: “Bộ Y tế khẳng định không bỏ bảo hiểm y tế với dịch vụ từ máy đặt, máy mượn”; Nhân dân, trang 7: “Không bỏ thanh toán BHYT đối với máy đặt, máy mượn tại các cơ sở khám, chữa bệnh”.

 

Số ca nhiễm Covid-19 trên cả nước giảm mạnh, còn gần 1.600 ca

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 1.594 ca nhiễm mới tại 47 tỉnh, thành phố (giảm 301 ca so với ngày trước đó). Ngoài ra, trong 24 giờ qua, nước ta không ghi nhận ca mắc Covid-19 tử vong.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Vĩnh Phúc (giảm 51 ca), Nghệ An (giảm 35 ca), Lai Châu (giảm 30 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Bắc Ninh (tăng 57 ca), Đà Nẵng (tăng 19 ca), Bình Phước (tăng 15 ca).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 2.493 ca/ngày.

Cụ thể, tính từ 16h ngày 14-5 đến 16h ngày 15-5, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 1.594 ca nhiễm mới tại 47 tỉnh, thành phố (có 1.029 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (461), Quảng Ninh (88), Nghệ An (80), Yên Bái (80), Tuyên Quang (73), Phú Thọ (73), Bắc Ninh (57), Thái Bình (47), Đà Nẵng (46), Quảng Bình (46), Thái Nguyên (45), Lào Cai (44), Vĩnh Phúc (41), Ninh Bình (29), Sơn La (28), Bình Phước (26), Nam Định (26), thành phố Hồ Chí Minh (25), Bình Dương (24), Bắc Kạn (23), Hà Nam (23), Hải Dương (22), Hà Tĩnh (21), Hòa Bình (20), Hải Phòng (19), Hưng Yên (19), Lâm Đồng (18), Lạng Sơn (14), Cao Bằng (12), Điện Biên (9), Hà Giang (8), Bình Định (7), Quảng Trị (6), Gia Lai (5), Lai Châu (4), Bình Thuận (4), Bà Rịa - Vũng Tàu (3), Kiên Giang (3), Đồng Tháp (3), Tây Ninh (2), Thừa Thiên - Huế (2), Hậu Giang (2), Bắc Giang (2), Khánh Hòa (1), Vĩnh Long (1), Trà Vinh (1), Bạc Liêu (1).

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.696.630 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.085 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4-2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.688.877 ca, trong đó có 9.352.223 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Hà Nội (1.595.101), thành phố Hồ Chí Minh (608.954), Nghệ An (483.509), Bắc Giang (386.441), Bình Dương (383.669).

Về tình hình điều trị, có thêm 5.448 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 9.355.040. Ngoài ra, hiện có 340 bệnh nhân đang thở ôxy.

Về số bệnh nhân tử vong, trong 24 giờ qua, nước ta không ghi nhận ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 1 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.065 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. (Hà Nội mới, trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang