Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 16/7/2015

  • |
T5g.org.vn - Lập trạm dã chiến phòng dịch bạch hầu; Đau cổ họng 6 người chết: có ổ bệnh bạch hầu tại địa phương; Tạo hình thành công gương mặt người phụ nữ bị bom nổ

Lập trạm dã chiến phòng dịch bạch hầu

Người dân tộc Bh’noong thuộc xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) hơn tuần qua hoang mang và lo sợ khi một ổ dịch bạch hầu bùng phát tại thôn 8A và 8B khiến ít nhất 3 người chết, 10 người nhập viện.

Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết: Sáng 15/7 đoàn công tác của Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế Quảng Nam đã họp về tình hình ổ dịch xảy ra tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn. Qua đó xác định đã xuất hiện ổ dịch bạch hầu ở Phước Lộc.

Cũng trong ngày, Sở có báo cáo gửi Bộ Y tế và cơ quan chức năng về tình hình ổ dịch ở xã Phước Lộc. Theo đó, tình hình dịch bệnh tạm ổn định. Qua giám sát, phát hiện, theo dõi tại thực địa đã ghi nhận 13 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu với các triệu chứng: sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó. 10 ca đã được điều trị ổn định, 3 ca đã tử vong. Thực hiện xét nghiệm ở 10/13 ca (do 3 ca không lấy được mẫu bệnh phẩm vì bệnh nhân và người nhà không hợp tác) đã có kết quả của 7 mẫu xét nghiệm, có 1 ca dương tính, đã được điều trị ổn định. 2 ca tử vong có kết quả âm tính.

Theo ông Hai, Sở Y tế Quảng Nam vẫn đang bố trí đội phòng dịch cơ động ở tại vùng dịch để tiếp tục phát hiện các trường hợp mắc bệnh mới để kịp thời chữa trị. Trong khi đó, ông Huỳnh Tấn Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn, cho biết: Ngày 7/7, khi xã Phước Lộc báo cáo về cái chết của chị Hồ Thị Nẩy ở thôn 8A với triệu chứng của bệnh bạch hầu, Trung tâm lập tức tổ chức đoàn khám sàng lọc tại thôn 8A, 8B của xã Phước Lộc.

Đến 10/7 đã vận động và đưa về Trung tâm Y tế huyện 8 ca nhiễm bệnh, trong đó có 2 trường hợp nặng phải chuyển xuống bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam để chữa trị.

Tuy nhiên, ngày 11/7, bệnh nhân Hồ Văn Quý, 16 tuổi, đã tử vong ở bệnh viện tỉnh. Riêng Hồ Thị Viên, 17 tuổi, không hợp tác, bỏ bệnh viện tỉnh về điều trị tại Trung tâm Y tế huyện và tử vong vào ngày 12/7. Ngoài 6 trường hợp đang chữa trị tại huyện, còn có 4 trường hợp khác đang được chữa trị và theo dõi tại trạm y tế xã Phước Lộc.

Theo ông Dũng, các trường hợp nhập viện đều có hạch vùng hầu, amidan bị sưng, cổ họng mưng mủ, khó khăn trong việc ăn uống. Các bệnh nhân tại trung tâm đang được cách ly và điều trị bằng cách nâng sức đề kháng và uống thuốc kháng sinh. Riêng 3 trường hợp tử vong trong tháng 5/2015 cũng xảy ra tại 2 thôn 8A và 8B của xã Phước Lộc, theo ông Dũng rất khó xác định có phải chết cùng triệu chứng bệnh này hay không vì người dân không báo nên trung tâm không nắm được.

Ông Dũng cũng cho biết, Trung tâm y tế dự phòng đã phun khử trùng, khử độc khắp trên địa bàn toàn xã Phước Lộc. Hiện, Sở Y tế và Trung tâm Y tế huyện đã lập trạm dã chiến với gần 10 y bác sỹ ngay tại xã Phước Lộc để tổ chức khám, phát hiện và chữa bệnh kịp thời.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết công tác chỉ đạo dập mầm bệnh và an dân vẫn đang được chính quyền triển khai quyết liệt. Hiện các ngả đường vào ra vùng núi thôn 8A và 8B đang được chốt chặn. Người trong làng không ra ngoài và người bên ngoài không được phép vào khu vực này. Những nhân viên của Trung tâm y tế dự phòng đang tiếp tục phun Cloruamin B để khử trùng. Người dân được cấp thuốc kháng sinh để uống ngày 2 lần. Ngoài ra, huyện đã hỗ trợ kinh phí, cấp gạo cho những bệnh nhân đang được chữa trị tại Trung tâm Y tế huyện và trạm y tế xã (Tiền phong trang 3, Thanh niên trang 4, Lao động trang 2, Nông thôn ngày nay trang 5).

Đau cổ họng 6 người chết: có ổ bệnh bạch hầu tại địa phương

Viện Pasteur Nha Trang đã lấy mẫu 10/13 ca (ba ca không lấy được mẫu vì bệnh nhân và người nhà không hợp tác) để xét nghiệm, kết quả có một ca dương tính với bệnh bạch hầu. Chiều 15-7, ông Nguyễn Văn Hai - giám đốc Sở Y tế Quảng Nam - cho biết đã có báo cáo gửi Bộ Y tế về tình hình dịch bệnh tại xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) khiến sáu người chết (Tuổi Trẻ ngày 15-7 đã đăng). Theo ông Hai, có ổ dịch bệnh bạch hầu tại địa phương này.

Hiện có 13 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu với các triệu chứng: sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó... tại hai thôn 8A, 8B (xã Phước Lộc).

Viện Pasteur Nha Trang đã lấy mẫu 10/13 ca (ba ca không lấy được mẫu vì bệnh nhân và người nhà không hợp tác) để xét nghiệm, kết quả có một ca dương tính với bệnh bạch hầu, ba mẫu đang chờ kết quả. Hai ca tử vong có kết quả âm tính với bệnh bạch hầu.

Ông Hai cho biết thêm do người dân sống ở vùng sâu vùng xa, đây là xã duy nhất chưa có điện, giao thông còn hạn chế nên lực lượng y tế khó tiếp cận người dân. Ông Hai cho hay sắp đến sẽ tổ chức các chiến dịch tiêm văcxin phòng bệnh cho toàn bộ người dân xã Phước Lộc.

“Dịch bạch hầu có nguy cơ lây lan qua đường hô hấp nếu tiếp xúc gần bệnh nhân. Mười mấy năm rồi Quảng Nam mới xuất hiện ổ dịch như vậy” - ông Hai nói.

Trong khi đó, trao đổi ngày 15-7, ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết khi xét nghiệm trong nhóm người dân thôn 8B, phát hiện một số thanh niên mang mầm bệnh bạch hầu (người lành mang trùng) và cho rằng mầm mống bệnh bạch hầu có lưu hành trong vùng (Tuổi trẻ trang 14).

Tạo hình thành công gương mặt người phụ nữ bị bom nổ

Ngày 15/7, PGS TS Lê Hành - chuyên gia tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM - cho biết, nỗ lực của ê kíp phẫu thuật gồm nhiều chuyên khoa nhằm trả lại gương mặt xinh đẹp cho nạn nhân nữ sống sót trong vụ nổ do cưa bom xảy ra tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã thành công. Trước đó, Tiền Phong đã đưa tin về tai nạn thương tâm xảy ra vào sáng 28/5, khiến người trực tiếp cưa bom là ông Lê Văn Minh (52 tuổi) chết tại chỗ. Nạn nhân may mắn sống sót là chị Nguyễn Thị Châu Phú (27 tuổi), chị bị thương nặng khi đang nấu cơm trong bếp gần chỗ bom nổ.

Chị Phú được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương vùng đầu, mặt và cánh tay bên phải. Đặc biệt, tổn vùng mặt hết sức phức tạp do mảnh bom đã phạt mất hoàn toàn lỗ mũi, gò má, môi trên…

Theo bác sĩ Hành, sau khi được mổ cấp cứu, sắp xếp các phần mô cơ bị mất và chờ viết thương ổn định. Đến ngày 9/7 vừa qua, bệnh viện đã quyết định tiến hành ca phẫu thuật tiếp theo để trả lại gương mặt cho bệnh nhân. Sau ca mổ kéo dài 12 tiếng đồng hồ, hiện sức khỏe chị Phú đã hoàn toàn ổn định, tinh thần sảng khoái với phần tháp mũi và má được tạo hình khá mỹ mãn. 

“Chúng tôi đã lấy khoảng 5x15 cm vạc da cẳng tay, da vùng trán, mô sụn sườn để tạo thóp mũi và những vùng da bị mất ở má, môi trên”, ông nói. Về mặt thẩm mỹ, cần thêm 3 tháng nữa, bệnh viện sẽ tiếp tục hoàn thiện vấn đề tạo hình mũi sao cho hoàn chỉnh, cân đối và tự nhiên nhất.

Đóng vai trò khá quan trọng ca mổ, bác sĩ Trần Văn Dương - chuyên gia vi phẫu khoa chấn thương chỉnh hình - cho biết, tổn thương trên mặt của chị Phú do hỏa khí gây ra nên nguy cơ khiến ca mổ đi đến thất bại rất cao. Tuy nhiên, tất cả đã được cả 3 chuyên khoa tai mũi họng, tạo hình thẩm mỹ và vi phẫu phối hợp, đánh giá được các tình huống có thể xảy trước ca mổ, giúp giảm thiểu tuyệt đối rủi ro (Tiền phong online, Tuổi trẻ trang 14).

Nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế Thủ đô những tháng cuối năm: Đầu tư mạnh cho tuyến cơ sở

Sáng 15-7, Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015. Một lần nữa vấn đề tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho mạng lưới y tế cơ sở chính là giải pháp căn cơ giúp giảm quá tải cho các bệnh viện (BV) tuyến trên lại được đề cập.

Vẫn bức xúc quá tải bệnh viện

Thời gian qua, ngành y tế Thủ đô đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tổ chức lại hoạt động của các khoa khám bệnh gắn với thực hiện tốt quản lý chất lượng BV, tạo thuận lợi cho người bệnh đến khám, điều trị, rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Mặt khác, các cơ sở y tế cũng công khai, minh bạch trong thu - chi viện phí để người dân được biết, giảm dần hình thức thanh toán viện phí trực tiếp. Tại các BV có nhiều bệnh nhân nặng như: Đa khoa Xanh Pôn, Đức Giang, Thanh Nhàn, Phụ sản, Hà Đông… đã tổ chức tốt công tác chăm sóc và điều trị cho người bệnh, quan tâm tới đối tượng chính sách, người nghèo. Tuy nhiên, công tác khám chữa bệnh vẫn gặp không ít khó khăn.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, tình trạng quá tải bệnh nhân tại một số khoa, phòng của BV tuyến thành phố vẫn đang là vấn đề bức xúc. Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng BV, vệ sinh trong BV cũng gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất, trang thiết bị của một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu, nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản hạn chế, không bố trí bảo đảm tiến độ các công trình, dự án đầu tư nâng cấp và xây mới các BV…

Đề cập đến giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, mạng lưới y tế cơ sở vốn gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu với chi phí hợp lý, tránh bệnh nặng mới đi điều trị nhưng hiện có nhiều hạn chế. Vì vậy, trong năm 2015, ngành y tế Thủ đô phấn đấu có 90% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Hiện nay, Sở Y tế đang rà soát trên diện rộng để xây dựng đề án nâng cấp, sửa chữa và xây mới các trạm y tế, trong đó có 214 trạm cần nâng cấp, mở rộng; 82 trạm y tế xây mới với tổng mức kinh phí dự kiến khoảng 1.500 tỷ đồng. "Cùng với việc tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh, nâng cao trình độ chuyên môn cho các bác sĩ tại tuyến y tế cơ sở, Sở Y tế còn tập trung xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Cụ thể, mỗi trung tâm y tế sẽ có ít nhất một mô hình phòng khám bác sĩ gia đình", ông Nguyễn Khắc Hiền nói.

Nâng cấp, xây mới nhiều bệnh viện tuyến thành phố

Những tháng cuối năm, thành phố sẽ phát triển mạnh và có chọn lọc các trung tâm y tế chuyên sâu của Thủ đô, mở rộng hợp tác quốc tế về y tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực đào tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ mới trong y học, phát triển các cơ sở khám chữa bệnh hiện đại. Bên cạnh đó, thành phố sẽ hoàn thiện đề án ghép tạng giai đoạn II, cụ thể là ghép gan và ghép tế bào gốc tại BV Đa khoa Xanh Pôn, đồng thời triển khai phẫu thuật nội soi ở 100% các BV đa khoa tuyến huyện. Ngành y tế cũng tiếp tục nâng cao tính công bằng trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là các dịch vụ khám chữa bệnh cho người nghèo.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền đề nghị thành phố quan tâm về lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản để xây mới, nâng cấp và hoàn thiện một số BV trên địa bàn. Cụ thể là khởi công BV Nhi Hà Nội vào tháng 10 tới, chuẩn bị đầu tư một số BV như: BV Đa khoa Xanh Pôn cơ sở 2, BV Bệnh nhiệt đới Hà Nội, BV Tim Hà Nội cơ sở 2; hoàn thiện nhằm đưa vào khai thác sử dụng BV Đa khoa Đông Anh, Sóc Sơn, Ba Vì, Đức Giang, cải tạo khoa Nhi BV Đa khoa Xanh Pôn, đồng thời cho phép triển khai dự án BV Đa khoa huyện Thường Tín do cơ sở ngày càng xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân…

Để nâng cao chất lượng chuyên môn cho các đơn vị y tế tuyến cơ sở, đặc biệt là các BV đa khoa tuyến huyện, giúp người dân được hưởng dịch vụ y tế chất lượng tốt ngay tại địa phương, hạn chế chuyển viện, giảm quá tải cho các BV tuyến thành phố và trung ương, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, thời gian tới ngành y tế tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề khám, chữa bệnh. Mặt khác, ưu tiên tập trung xây dựng kế hoạch hỗ trợ nâng cao chất lượng chuyên môn khối các BV đa khoa hạng III tuyến huyện, nhất là chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên khoa mũi nhọn cho tuyến y tế cơ sở.

Phấn đấu đến năm 2020, hệ thống các cơ sở y tế công lập, dân lập và các cơ sở y tế trung ương đóng trên địa bàn thành phố đạt tỷ lệ 13,5 bác sĩ/10.000 dân. Cùng với đó là áp dụng các kỹ thuật cao trong công tác khám chữa bệnh để Hà Nội xứng đáng là trung tâm y khoa hàng đầu của đất nước, ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới (Hà Nội mới trang 7).

Đó là bản năng của người thầy thuốc

Một người bệnh được chuyển vào cấp cứu trong tình trạng thập tử nhất sinh, chỉ chậm vài phút có thể mất mạng. Chạy đua với thời gian, các y, bác sĩ từ nhiều khoa, phòng ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được huy động để thực hiện ca mổ ngay tại phòng cấp cứu mà không kịp có trang bị phòng hộ theo đúng tiêu chuẩn. Ca mổ kết thúc, người bệnh được cứu sống, nhưng 19 y, bác sĩ đã bị phơi nhiễm vi-rút HIV. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao những nhân viên y tế đó lại không mặc trang phục phòng hộ cho an toàn? Nhưng vào thực tế thời điểm đó, việc mặc đầy đủ trang phục phòng hộ cũng phải mất một, hai phút trong khi sinh mạng người bệnh chỉ tính bằng giây nên việc cứu người là quan trọng hơn cả.

Cấp cứu người bệnh là công việc thường xuyên của các bệnh viện. Nhưng sự việc cùng một lúc nhiều cán bộ y tế như thế cùng bị phơi nhiễm HIV trong khi cấp cứu người bệnh là trường hợp ít gặp. Nghề cứu người thật hạnh phúc nhưng cũng thật hà khắc. Chưa thể nói trước được điều gì sẽ đến, nhất là môi trường bệnh viện, người thầy thuốc luôn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm các bệnh dịch. Một bác sĩ trực tiếp tham gia ca mổ đã bộc bạch: "Trước chúng tôi là một mạng người yếu đuối, sự sống nằm trong tay chúng tôi, một tích tắc chậm chạp, e ngại của người thầy thuốc sẽ tước đi quyền sống của họ. Chúng tôi chỉ biết hành động theo bản năng người thầy thuốc".

Ngay sau sự việc diễn ra, cả 19 nhân viên y tế tham gia ca mổ đã được làm các xét nghiệm và uống thuốc kháng vi-rút để dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS và tiếp tục theo dõi định kỳ trong thời gian ba đến sáu tháng. Thời gian và kết quả xét nghiệm sẽ trả lời nhưng sự cống hiến, hy sinh thầm lặng, tinh thần hết lòng vì người bệnh của các cán bộ y tế để cứu sống người bệnh trong cơn nguy cấp, bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra với bản thân mình không phải ai cũng biết.

Với những biện pháp xử lý kịp thời cũng như cơ sở khoa học, khả năng 19 y, bác sĩ nhiễm vi-rút HIV là rất thấp. Nhưng nó đã để lại những bài học sâu sắc đối với các cơ sở y tế trong cả nước. Đó là việc tiếp tục bổ sung, chuẩn bị tốt nhất các phương án, phương tiện bảo vệ nhân viên y tế. Cần trang bị sẵn những bộ bảo hộ phẫu thuật phòng lây nhiễm HIV cho bác sĩ ngay tại phòng khám cấp cứu, trong khi hiện nay các bệnh viện thường chỉ để các bộ phòng hộ nhiễm HIV ở phòng phẫu thuật. Hơn ai hết, chính người bệnh, gia đình người bệnh khi đến cơ sở y tế cần có sự hợp tác chặt chẽ với nhân viên y tế, cung cấp những dữ liệu cần thiết để tránh rủi ro cho những người chung quanh, nhất là những người làm nghề trị bệnh cứu người (Nhân dân trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang