Bộ Công an: Cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long có yếu tố vụ lợi
Ngày 30-6, Bộ Công an họp báo về kết quả công tác công an 6 tháng đầu năm. Lãnh đạo bộ cho biết thời gian qua, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu được tập trung chỉ đạo quyết liệt với phương châm "cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực"...
Bác tin đồn ông Nguyễn Thanh Long tự tử
Tại buổi họp báo, phóng viên Tuổi Trẻ đề nghị Bộ Công an thông tin về kết quả điều tra sai phạm của cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh cũng như về tin đồn ông Long và ông Nguyễn Quang Tuấn, cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, tự tử trong trại tạm giam.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, cục phó Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), cho biết trong vụ Việt Á, cơ quan công an tập trung điều tra 4 nhóm tội danh, trong đó trung tâm sai phạm là sản xuất, phân phối, móc ngoặc đấu thầu và chi tiền ngoài hợp đồng.
"Kit xét nghiệm do Việt Á sản xuất là sản phẩm nghiên cứu đề tài cấp quốc gia. 3 triệu kit mà Việt Á nhập khẩu từ Trung Quốc không liên quan đến vụ án. Được biết, số lượng nhập khẩu này là để tài trợ chứ không có chuyện đưa vào dán tem mác của Việt Á", ông Thành nói.
Đáng chú ý, lãnh đạo C03 khẳng định thông tin ông Nguyễn Thanh Long và ông Nguyễn Quang Tuấn tự tử là tin đồn thất thiệt. "Hai bị can đang được giam giữ, chế độ giam giữ đúng quy định. Tâm lý của hai bị can là hoàn toàn bình thường. Không có câu chuyện tự tử. Chúng tôi rất bức xúc về thông tin sai sự thật này", ông Thành khẳng định.
Lãnh đạo C03 cho biết cựu bộ trưởng Bộ Y tế bị điều tra tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. "Tội danh đã nói lên có vụ lợi hay không vụ lợi. Có yếu tố vụ lợi chúng tôi mới khởi tố tội danh này. Chúng tôi đang điều tra và sẽ kết luận, thông tin kịp thời khi có căn cứ, cơ sở", ông Thành cho biết (Tuổi trẻ, trang 5; Thanh niên, trang 5).
Tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế
Hôm qua, ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế), cho biết, ngày 29/6, Trung tâm tổ chức mở Hồ sơ đề xuất tài chính các gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia giai đoạn 2022-2023 với 106 danh mục.
Dự kiến trong tháng 7, Trung tâm sẽ công bố kết quả lựa chọn nhà thầu sau khi tổ chuyên gia đánh giá, thẩm định, xem xét cần có kiến nghị, đánh giá thêm gì không. Liên quan công tác đấu thầu mua sắm thuốc, ông Dũng cho biết Trung tâm đã gửi thư đàm phán giá lần 1 với 62 thuốc biệt dược, thuốc gốc có giá trị sử dụng lớn.
Ngày 30/6, ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lí dược (Bộ Y tế) thông tin, dự kiến đến 15/7, sẽ có khoảng 3.000 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, sinh phẩm y tế... có giấy đăng kí lưu hành hết hạn ngày 31/12 được công bố gia hạn hiệu lực số đăng kí theo quy định. Đây sẽ là đợt công bố thứ 2 về gia hạn hiệu lực số đăng kí. Trước đó, đầu tháng 6, Cục Quản lí dược thông báo 6.251 thuốc, nguyên liệu làm thuốc nước ngoài, thuốc, nguyên liệu sản xuất trong nước, vắc xin và sinh phẩm y tế hết hạn trước 30/6 được gia hạn hiệu lực số đăng kí. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Y tế cấp giấy đăng kí lưu hành cho 963 thuốc.
40 sở y tế, bệnh viện thiếu thuốc
Tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế với các bệnh viện trực thuộc Bộ và Sở Y tế các tỉnh, thành phố về thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các địa phương (diễn ra ngày 29/6), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thẳng thắn cho rằng, nguyên nhân chủ quan là chính, với việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm được triển khai; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường; chậm gia hạn đăng kí thuốc; công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa tích cực, quyết liệt; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ; một số cán bộ, ngành, địa phương thiếu mạnh mẽ, sợ trách nhiệm, không dám làm…
Báo cáo tại cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long,Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), cho biết, thống kê đối với 34/63 Sở Y tế, 21/39 bệnh viện tuyến Trung ương và 2 bệnh viện trực thuộc trường đại học cho thấy, 28/34 Sở Y tế báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương; 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị. Trong đó, các thuốc thiếu tại cơ sở khám chữa bệnh bao gồm một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.
Bên cạnh đó, có 26/34 Sở Y tế và 15/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất, chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm. Có 14/34 Sở Y tế và 8/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế như: thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên sâu…
Tìm nhiều giải pháp
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, nhằm giải quyết tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, ngành y tế đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế và trang thiết bị...
Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các Sở Y tế lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hoá, dịch vụ dùng trong khám bệnh, chữa bệnh phải đảm bảo tính chủ động, công khai, minh bạch, có tính kế thừa và dự phòng hợp lí để tránh tình trạng bị động giữa các kì kế hoạch... Cùng đó, Bộ Y tế đã cấp 738 giấy phép nhập khẩu sinh phẩm chẩn đoán in vitro; 21.762 giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế và 22 số lưu hành trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cấp bách, 856 số lưu hành đối với trang thiết bị y tế loại C, D. Đến nay đã có trên 140.000 thông tin kê khai giá trang thiết bị y tế được công khai trên Cổng điện tử của Bộ Y tế. Đẩy mạnh thực hiện phân cấp việc cấp phép trang thiết bị y tế. Tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận đăng kí thuốc, giải quyết các hồ sơ tồn đọng theo đúng quy định. Tập trung đẩy nhanh tiến độ các gói thầu đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán giá (Tiền phong, trang 6).
Mở thầu quốc gia 106 danh mục thuốc
Ngày 30-6, ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, Bộ Y tế cho biết, để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, hóa chất xét nghiệm, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia vừa tổ chức mở hồ sơ đề xuất tài chính các gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022-2023 với 106 danh mục thuốc.
Dự kiến trong tháng 7-2022, trung tâm sẽ công bố kết quả lựa chọn nhà thầu sau khi tổ chuyên gia đánh giá, thẩm định.
Trong khi đó, đại diện Cục Quản lý Dược cho biết, dự kiến đến ngày 15-7 tới sẽ có khoảng 3.000 loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc, sinh phẩm y tế có giấy đăng ký lưu hành hết hạn vào ngày 31-12-2022 được công bố gia hạn hiệu lực số đăng ký theo quy định tại khoản 1, điều 14, Nghị định số 29/2022/NĐ-CP ngày 29-4-2022 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30-12-2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây sẽ là đợt công bố thứ 2 về gia hạn hiệu lực số đăng ký lưu hành thuốc.
Trước đó, đầu tháng 6-2022, Cục Quản lý Dược đã thông báo 6.251 thuốc, nguyên liệu làm thuốc và 193 vaccine, sinh phẩm y tế hết hạn trước 30-6 được gia hạn hiệu lực số đăng ký. Các thuốc điều trị được gia hạn thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau như thuốc điều trị bệnh đường hô hấp, dạ dày, kháng sinh, thuốc hạ sốt giảm đau.
Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại nhiều bệnh viện và địa phương, Bộ Y tế đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các gói thầu đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán giá. Đồng thời đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu; tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận đăng ký thuốc, giải quyết các hồ sơ tồn đọng theo đúng quy định (Sài Gòn giải phóng, trang 1).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không được để thiếu thuốc
Ngày 30/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác của Chính phủ đã kiểm tra công tác phòng chống dịch tại TPHCM, thị sát tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, thăm hỏi, lắng nghe những chia sẻ của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho hay đã nhận được rất nhiều thông tin từ các cơ sở y tế về tình trạng thiếu thuốc và thiếu vật tư y tế trên cả nước, trong đó có TPHCM. Ông yêu cầu TPHCM giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. “Tất cả các đơn vị liên quan phải khẩn trương thực hiện bất kể ngày đêm, không thể chấp nhận các báo cáo mang tính hình thức tuần sau bắt đầu làm khâu này, tuần tới bắt đầu làm khâu kia bởi người dân đã cận kề cái chết không thể đợi tuần sau”, ông nói (Tiền phong, trang 6).
Tiêm vaccine là góp phần bảo vệ cộng đồng
Ngày 30-6, Đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm trưởng đoàn đã đi thực tế kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tiêm chủng vaccine Covid-19 trên địa bàn TPHCM. Đi cùng đoàn có Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng.
Báo cáo tại buổi làm việc, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, tính đến ngày 29-6, số ca mắc SXH tích lũy trên địa bàn TPHCM là 20.952 ca, tăng 172,5% với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 10 trường hợp tử vong. Các quận, huyện có ca mắc cao gồm: quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, quận 12, huyện Hóc Môn, TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, quận Tân Phú.
Nguyên nhân các địa phương này có số ca mắc tăng cao là do công tác đề diệt lăng quăng, diệt muỗi chưa thực sự trở thành thói quen trong nhận thức và hành động của người dân. Ngoài công tác truyền thông chưa phát huy hiệu quả thì việc xử phạt về các vi phạm trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết còn nhiều hạn chế.
Đa số các địa phương không xử phạt hoặc khó xử phạt các cá nhân, tập thể vi phạm. Tính từ năm 2015 đến 2021 đã có 1.547 quyết định xử phạt được ban hành nhưng trong 6 tháng đầu năm 2022 toàn thành phố chỉ có 9 quyết định được ban hành.
Trước bối cảnh dịch SXH đang có tăng nhanh, nguy cơ bùng phát và nhằm nâng cao hiệu quả điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, Hội Y học TPHCM cùng với Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Nhi Đồng 2, Bệnh Nhiệt đới đã tổ chức các lớp tập huấn cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh SXH (cơ bản và nâng cao) đến các bác sĩ và nhân viên y tế tham gia công tác chẩn đoán, điều trị bệnh tại các bệnh viện trung tâm y tế quận huyện, TP Thủ Đức và các cơ sở khám chữa bệnh bao gồm cả công lập và tư nhân.
Tính đến thời điểm hiện nay có 15 lớp tập huấn với khoảng 3.600 bác sĩ, điều dưỡng tham dự.
“Sở Y tế đã tổ chức họp Tổ chuyên gia về điều trị SXH để kịp thời đưa ra các hướng dẫn trong chẩn đoán và điều trị; tổ chức họp rút kinh nghiệm trong công tác chẩn đoán và điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, xây dựng hướng dẫn điều trị SXH trên thai phụ và có kế hoạch tổ chức kiểm tra công tác chẩn đoán và điều trị SXH ở các cơ sở khám, chữa bệnh đặc biệt là hệ thống phòng khám tư nhân. Đảm bảo chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc dự phòng (dịch truyền, dung dịch cao phân tử, máu và các chế phẩm của máu..) để kịp thời cho điều trị SXH”, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu thông tin.
Liên quan đến công tác tiêm vaccine Covid-19, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, đến nay TPHCM đã nhận từ Bộ Y tế hơn 20,4 triệu liều vaccine Covid-19. Hiện số vaccine tồn kho vẫn còn hơn 490.500 liều và số vaccine này Bộ Y tế không nhận trả lại. Do tỷ lệ người dân tiêm vaccine Covid-19 vẫn còn thấp, ngày 14-6 vừa qua, TPHCM đã triển khai Tháng cao điểm tiêm vaccine Covid-19, nhờ thế số lượng người dân đi tiêm chủng đã đông hơn.
Phân luồng, phân tuyến điều trị SXH chưa thực sự hiệu quả
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, vấn đề phân luồng, phân tuyến điều trị SXH của các địa phương phía Nam chưa thực sự hiệu quả. Có đến 50% trường hợp bệnh nặng điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là do từ tuyến dưới chuyển lên. Việc đưa quá nhiều bệnh nhân lên tuyến trên vừa khiến các bệnh viện tuyến cuối quá tải, không đáp ứng điều trị, vừa có nguy cơ lây nhiễm chéo ngay tại cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, đối với công tác tiêm chủng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế yêu cầu, TPHCM cần rà soát lại các đối tượng tiêm chủng, nhất là những đối tượng nguy cơ như người cao tuổi, người mắc các bệnh lý mạn tính, miễn dịch… Cán bộ, nhân viên y tế cần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động người dân tiêm vaccine Covid-19.
Qua thực tế kiểm tra và nghe báo cáo từ các đơn vị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, dịch SXH đến sớm, chưa đến đỉnh dịch nhưng số nhiễm đã vượt đỉnh những năm trước. TPHCM đã triển khai nhiều đợt ra quân phòng chống SXH, dọn dẹp vệ sinh nhưng yêu cầu phải làm liên tục, không chỉ một lần.
Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Y tế rà soát lại vấn đề vì sao tỷ lệ chuyển tuyến bệnh nhân SXH quá nhiều? Có hay không tình trạng tuyến dưới thiếu thuốc điều trị, vật tư y tế nên chuyển bệnh nhân lên tuyến trên? Nếu thiếu thuốc, vật tư y tế thì phải giải quyết ngay bởi vì người bệnh không thể chờ đợi được.
Thừa nhận tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 mũi nhắc lại còn thấp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nguyên nhân là do công tác tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả. “Một năm trước, khi vaccine còn khan hiếm thì số lượng người chết lên đến hàng ngàn người. Nhờ có vaccine mà dịch bệnh đã được kiểm soát, người dân trở nên có tâm lý chủ quan, vì thế việc tiêm mũi 3, mũi 4 đã chững lại. Mặc dù số ca mắc giảm nhưng nguy cơ vẫn lơ lửng trên đầu và dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nếu như không tiêm vaccine”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu, ngành y tế TPHCM cần tăng cường, vận động tuyên truyền để người dân hiểu, tiêm vaccine không chỉ giữ cho sức khỏe của mình mà còn là góp phần bảo vệ cộng đồng. Việc tuyên truyền, vận động cần đi sâu, đi sát để lắng nghe những băn khoăn, tâm tư của người dân, từ đó tư vấn, giải đáp để người dân hiểu và đồng thuận.
Trước đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch SXH tại phường 5, quận 8 và công tác điều trị SXH tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM (Sài Gòn giải phóng, trang 7; Tuổi trẻ, trang 14).
Hàng chục trường hợp đi du lịch, công tác phía Nam về mắc sốt xuất huyết nặng
Ngày 30-6, thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, một người đàn ông 38 tuổi quê Bình Định, làm nghề lái xe đường dài chạy tuyến Nam Bắc, vừa được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu vì sốt xuất huyết biến chứng hiếm gặp.
Anh này chạy xe từ Long An đến cửa khẩu Lạng Sơn, có biểu hiện sốt từ nhà. Khi đến Lạng Sơn, triệu chứng sốt tăng nặng, kèm lên cơn co giật nên bệnh nhân được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn rồi chuyển về Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt cao, rối loạn ý thức.
Sau khi được chọc dịch não tủy và làm xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue, tiểu cầu hạ 70 G/L. Kết quả xét nghiệm dịch não tủy và chụp cộng hưởng từ sọ não thể hiện đây là trường hợp sốt xuất huyết có biểu hiện viêm não-màng não.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trường hợp của bệnh nhân kể trên là biến chứng nặng, ít gặp. Rất may sau khi vào viện đã được hồi sức kịp thời và điều trị theo đúng phác đồ nên hiện bệnh nhân đã hết sốt, tiểu cầu đã tăng dần trở lại.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, một tháng nay, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị cho hàng chục trường hợp sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo, đa số là do đi du lịch hoặc di chuyển từ khu vực phía Nam ra. Dự báo số ca nhập viện sẽ tăng trong thời gian tới.
Đơn cử như nữ bệnh nhân 66 tuổi quê Hà Nam, có đi du lịch tại Đồng Nai, Đắk Lắk, Gia Lai. Sau về quê 5 ngày thì bà bắt đầu sốt. Bệnh nhân có tiền sử đau xương khớp, sử dụng thuốc nam không rõ loại.
Sau 5 ngày điều trị ở địa phương, tình trạng bệnh xấu đi, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nặng, tiểu cầu hạ chỉ còn 6g/l, có biểu hiện cô đặc máu kèm theo các hiện tượng thoát huyết tương, tràn dịch màng bụng, suy thận, men gan tăng tăng cao. Bệnh nhân đã được điều trị kịp thời, truyền dịch theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.
Hiện nay miền Bắc đang vào giữa hè, thời tiết nắng nóng kèm mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn Aedes egypti (gây bệnh sốt xuất huyết) sinh sản phát triển, kết hợp với việc người dân đi du lịch, nghỉ hè, nhu cầu đi lại gia tăng.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân có tiền sử dịch tễ đi - về từ các vùng đang lưu hành, bùng phát dịch sốt xuất huyết cần lưu ý nếu thấy có biểu hiện, triệu chứng của bệnh cần sớm đi khám.
Người dân cũng cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi cắn khi đi du lịch như mang theo kem chống muỗi, ngủ màn, tránh xa nơi có muỗi cắn để không bị nhiễm bệnh (An ninh thủ đô, trang 8).
Bắt tạm giam nguyên giám đốc CDC Bình Phước Nguyễn Văn Sáu
Ngày 30-6, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước phối hợp Viện KSND cùng cấp đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Văn Sáu, nguyên giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Phước.
Ông Sáu bị khởi tố, bắt tạm giam vì tham gia lập hồ sơ hợp thức việc đấu thầu mua sắm sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 của Công ty Việt Á và Công ty TNHH thương mại dịch vụ Thuận Giang không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại tài sản nhà nước 5 tỉ đồng.
Cùng bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi trên có bị can Lê Thành Bắc, nhân viên khoa dược, CDC Bình Phước. Các quyết định khởi tố, bắt tạm giam đã được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn.
Trong sáng cùng ngày, lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét nơi ở và nơi làm việc của 2 bị can.
Trước đó, đầu tháng 3-2022, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước khóa XI đã họp phiên thứ 19, quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Sáu. Đồng thời, kỷ luật Đảng ủy bộ phận CDC Bình Phước, nhiệm kỳ 2020-2022 bằng hình thức khiển trách.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước nhận định Đảng ủy bộ phận CDC Bình Phước đã buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra, giám sát để một số cán bộ, nhân viên trung tâm vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật trong việc mua vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Ông Sáu với vai trò đảng ủy viên Đảng ủy Sở Y tế, bí thư Đảng ủy bộ phận, giám đốc CDC Bình Phước cùng chịu trách nhiệm về những khuyết điểm, vi phạm của Đảng ủy bộ phận CDC Bình Phước.
Ngoài ra, trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, ông Sáu còn vi phạm quy định của Ban Chấp hành trung ương về những điều đảng viên không được làm. Những vi phạm nêu trên rất nghiêm trọng, làm mất uy tín của bản thân và tổ chức Đảng nơi ông công tác.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Đảng ủy khối cơ quan - doanh nghiệp tỉnh, Đảng ủy Sở Y tế chỉ đạo, xem xét, xử lý các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến các vi phạm.
Sau đó, đầu tháng 4-2022, giám đốc Sở Y tế tỉnh Quách Ái Đức đã ký quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Sáu bằng hình thức cách chức. Lý do, ông Sáu vi phạm quy định về xử lý cán bộ, công chức, viên chức (Tuổi trẻ, trang 5; Thanh niên, trang 5; Công an nhân dân, trang 8).