Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 17/9/2017

  • |
T5g.org.vn - Tự chủ tài chính tại các bệnh viện công - Cơ hội lớn, thách thức nhiều; Báo động người trẻ tự ngược đãi bản thân; Làm thế nào để bổ sung vitamin C đúng cách?; Sai lầm thường gặp ở bệnh tay - chân - miệng.

 

Tự chủ tài chính tại các bệnh viện công - Cơ hội lớn, thách thức nhiều

Bắt đầu từ 1-10, tất cả các bệnh viện (BV) công lập trên địa bàn TPHCM sẽ chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính (TCTC). Đây được coi là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của ngành y tế nhằm phù hợp với cơ chế thị trường, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, khi TCTC, các BV sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn. PV Báo SGGP đã trao đổi với PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, về vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: Ông có thể nói rõ hơn về chủ trương TCTC tại các BV công lập trên địa bàn TPHCM từ 1-10 tới đây?

PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG: Bắt đầu từ 1-10, tất cả các BV công lập trên địa bàn TPHCM sẽ TCTC. Có nghĩa là ngân sách không còn rót xuống cho các BV và các BV phải tự lo toàn bộ nguồn thu cũng như tự cân đối thu - chi trong BV. Đây là chủ trương lớn của Chính phủ và lãnh đạo TPHCM. Sở dĩ, TPHCM lựa chọn thời điểm từ 1-10 bởi đây cũng chính là thời điểm điều chỉnh giá dịch vụ y tế với người không tham gia BHYT. Tôi nghĩ rằng đó là một xu thế tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Tuy nhiên, trong thời gian đầu, các khoản chi đầu tư như xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị lớn, các BV vẫn cần sự hỗ trợ từ TP do khả năng của các BV hầu như chưa cáng đáng được.

Khi TCTC, các BV sẽ phải tự cân đối thu - chi, hay nói cách khác là “tự bơi” theo kiểu “lời ăn lỗ chịu”, rõ ràng là một thách thức, bởi họ đã quen với “bầu sữa” ngân sách rót xuống?

Trong giai đoạn đầu, các BV sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, bởi từ trước đến nay, các BV này chủ yếu sống bằng ngân sách. Lo nhất là quỹ lương trả cho nhân viên, bởi trước đây ít nhất ngân sách rót xuống sẽ giúp BV đủ trang trải phần này, nhưng khi đã tự chủ hoàn toàn, các BV buộc phải tự tính toán toàn bộ thu - chi. Do đó, nhiều BV sẽ rơi vào tình trạng “chới với”. Khó khăn thứ 2 là về nhân lực. Tôi dự đoán trong thời gian tới sẽ có những sự thay đổi lớn về nhân lực và đây cũng chính là điều mà các BV lo lắng hiện nay. Dù TCTC nhưng các BV vẫn phải tuân thủ quy định của nhà nước, nếu với một BV tư nhân họ sẵn sàng sa thải nhân viên nếu làm việc không tốt nhưng với BV công lập thì lại không thể.

Để có thể tự đứng vững trong cơ chế thị trường, các BV phải làm như thế nào, thưa ông? 

Cốt yếu là phải thay đổi trong suy nghĩ và hành động của cả lãnh đạo BV cũng như nhân viên y tế, phải coi người bệnh là khách hàng của mình. Nếu BV phục vụ không tốt, nhân viên y tế phục vụ không chu đáo thì người dân sẽ lựa chọn khám chữa bệnh ở một BV khác, bởi hiện nay những người có thẻ BHYT có thể đến bất cứ BV nào trong cùng tuyến quận, huyện và từ năm 2021 sẽ liên thông tuyến tỉnh. Khi bệnh nhân không đến nữa thì sẽ không có nguồn thu và BV càng rơi vào khó khăn. Làm sao để khi người bệnh đến, họ và gia đình hài lòng, là thách thức không nhỏ đối với các BV.

Muốn tồn tại, các BV phải phát triển bền vững trong thế “kiềng ba chân”. Thứ nhất là phát triển chuyên môn kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, bởi nếu chuyên môn yếu BV sẽ phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên thì sẽ mất nguồn thu. Thứ 2 là không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng khám chữa bệnh, tạo ra sự cạnh tranh giữa các BV với nhau. Cạnh tranh ở đây không chỉ để giữ người bệnh mà cạnh tranh còn để giữ cán bộ nhân viên nữa. Thứ 3 là phải tuân thủ mọi quy định của pháp luật, không phải tự chủ thì anh muốn làm gì thì làm.

Người dân lo ngại khi phải TCTC sẽ xuất hiện các hiện tượng như BV tìm mọi cách trục lợi BHYT, “tận thu” bệnh nhân để tăng nguồn thu, tăng lợi nhuận. Vậy bài toán quản lý ở đây là gì?

Dù TCTC nhưng các BV vẫn phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, theo các quy định của ngành y tế. Chúng tôi đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng lên kế hoạch quản lý tự chủ của các BV cũng như hướng dẫn các BV tuân thủ quy định của pháp luật.

Trong 5 năm qua, bên cạnh yêu cầu các BV tuân thủ các quy định của Bộ Y tế thì ngành y tế TPHCM đã có thêm quy định phải tuân thủ phác đồ điều trị. Tuân thủ đúng phác đồ điều trị, thường xuyên kiểm tra giám sát đó là trách nhiệm của các nhân viên y tế, lãnh đạo BV và cơ quan quản lý ngành. Hiện Sở Y tế TPHCM đã xây dựng kho dữ liệu phác đồ điều trị của riêng ngành y tế TPHCM và đây là căn cứ để giám sát, kiểm tra việc các bác sĩ, BV có tuân thủ đúng phác đồ điều trị hay không.

Xin cảm ơn ông!

BS Trần Văn Khanh - Giám đốc BV Quận 2:

Hiện giá viện phí chưa tính đúng, tính đủ, mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành giá. Vẫn còn 3 yếu tố chưa được tính vào giá viện phí là khấu hao tài sản - trang thiết bị, điện nước, đào tạo - nghiên cứu khoa học. Nếu giá viện phí được tính đúng, tính đủ thì khi TCTC, các BV sẽ đỡ chật vật hơn (Sài Gòn giải phóng, trang 2).

 

Báo động người trẻ tự ngược đãi bản thân

Tại các bệnh viện ở TP.HCM ngày càng có nhiều ca bệnh mà người trẻ tự ngược đãi bản thân bằng cách dùng dao lam rạch tay chân hay đập đầu vào tường.

Bác sĩ Lâm Hiếu Minh, Trưởng khoa Sức khỏe tâm trí, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM, cho biết bệnh trầm cảm đang gia tăng rất nhanh ở VN. Khi người trầm cảm nhiều hơn thì hành vi tự hủy hoại bản thân cũng sẽ tăng lên. Trong đó, độ tuổi thanh thiếu niên (13 - 21 tuổi) là đối tượng bị trầm cảm rất cao. Thậm chí có những cháu chỉ mới học lớp 2, lớp 3 đã bị trầm cảm.

Bóc cả thịt ra khỏi cơ thể

Những ca tự ngược đãi hay hủy hoại bản thân gần đây được cộng đồng quan tâm nhiều có thể kể đến trường hợp một nam sinh (quê Thanh Hóa) vì những biến cố của gia đình, học tập sa sút dẫn tới hoảng loạn, lo lắng, căng thẳng rồi thường xuyên đập đầu vào tường, phải nhập viện để điều trị. Trước đó dân mạng đã chia sẻ chóng mặt đoạn video quay cảnh một cô gái Nghệ An dùng dao lam rạch tay mình với lời thách thức “cứ chia tay tau đi” rồi đăng trên trang cá nhân.

Đấy chỉ là những trường hợp điển hình làm rúng động mạng xã hội. Khi có mặt tại các phòng khám chuyên về tâm thần, tâm lý, chúng tôi chứng kiến nhiều người trẻ với những biểu hiện chung là cúi gằm mặt và ngại giao tiếp, đến để điều trị về triệu chứng tự hành hạ bản thân này.

Tại Khoa Sức khỏe tâm trí, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM, chúng tôi ghi nhận trường hợp một học sinh 13 tuổi đến điều trị trong tình trạng nhiều vết thẹo cũ lẫn vết thương mới do dùng mảnh chai để rạch tay mình rất nhiều lần.

Qua lời kể của bác sĩ Lâm Hiếu Minh, tình trạng của cô bé này là do chứng kiến cảnh cha mẹ thường xuyên gây gổ, đánh nhau khiến cô bé sợ hãi và lo lắng, rồi dần dần trở nên nóng tính và đập đồ vật. Một lần vô tình đập đồ, mảnh thủy tinh vỡ bắn vào người nhưng cô bé không cảm thấy đau mà lại có cảm giác rất dễ chịu (!). Từ đó cứ mỗi lần cha mẹ cãi nhau là nữ sinh này lại vào phòng, đóng cửa và lấy mảnh chai rạch tay mình để quên đi cảm giác sợ hãi, lo lắng.

Trường hợp cô gái N.V.K (26 tuổi, TP.HCM) xung đột với mẹ vì bị cấm cản chuyện hôn nhân, mỗi lần xung đột K. rất căng thẳng và buồn bực, thế là tự dùng móng tay cào khắp thân thể.

Bác sĩ Minh cũng cho biết thêm có nhiều ca đến điều trị với mức độ thương tổn nặng do dùng móng tay để bóc tách thịt trên cánh tay, rất hãi hùng.

Hệ quả của bệnh trầm cảm tăng

Theo bác sĩ Minh, đây là triệu chứng nằm trong số những bệnh về tâm thần, và có nhiều bệnh tâm thần gây ra tình trạng tự hủy hoại bản thân. Trong đó có thể kể đến trầm cảm, loạn thần do ma túy, loạn thần do rượu bia, tâm thần phân liệt, rối loạn nhân cách, rối loạn hành vi. Tuy nhiên, bệnh trầm cảm chiếm đến 80% các ca có hành vi tự hành hạ bản thân.

Lý giải cho bệnh trầm cảm ngày một tăng, bác sĩ Minh cho rằng những vấn đề về tâm lý ngày càng căng thẳng hơn, nhất là ở lứa tuổi vị thành niên như áp lực học hành, những vấn đề về gia đình. Ngoài ra, những tổn thương mà các cháu gặp phải trong quá trình phát triển ngày càng nhiều hơn như bạo hành gia đình, lạm dụng xâm hại tình dục, lạm dụng thể chất, lạm dụng tinh thần… Những yếu tố thuận tiện cho trầm cảm tăng thì dẫn đến bệnh này tăng. Đặc trưng của bệnh trầm cảm ở lứa tuổi vị thành niên là những hành vi tự hủy hoại bản thân.

Bác sĩ Trần Duy Tâm (Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM) phân tích thêm: “Hành vi tự hủy hoại bản thân ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Bởi những hành vi tự hủy hoại là mang tính tiêu cực nhưng thường hay thu rút trong chính bản thân. Đối với nam, thông thường dễ đi kiếm những hành vi phi pháp phóng chiếu ra bên ngoài xã hội như đua xe, nhậu nhẹt, đánh lộn... Còn với bản chất của nữ thì thường quay lại để chống bản thân nhiều hơn”.

“Nếu không can thiệp kịp thời thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, có thể dẫn đến tự sát. Bởi đến một lúc nào đó cảm giác đau đớn không thỏa mãn được nữa hoặc tổn thương càng mạnh hơn thì không còn muốn hành hạ bản thân nữa, mà sẽ nghĩ đến cái chết”, bác sĩ Minh cảnh báo.

Còn theo bác sĩ Tâm: “30% trường hợp đã bị sẽ tái phát trở lại, vì vậy nếu chúng ta có con cháu hay người thân đã từng bị thì phải luôn tìm cách quan sát và hỏi han. Đừng nên có suy nghĩ là chuyện đã qua không dám nhắc lại, vì mình càng giấu thì những yếu tố này càng có nguy cơ tái diễn hơn nữa”.

“Mỗi người cần được trang bị kỹ năng nhận diện, quản lý và giải tỏa cảm xúc ngay từ khi còn nhỏ. Đối với những người gặp khó khăn, có xu hướng hoặc đã tự tổn thương, cần được quan tâm hỗ trợ từ người thân, bạn bè, những người có chuyên môn như các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm lý” (Thanh niên, trang 14).

 

Làm thế nào để bổ sung vitamin C đúng cách?

Nhiều người nghĩ rằng vitamin C có thể bổ sung bằng thuốc là được, thế nhưng, thực tế thì đây không phải là cách hoàn hảo cho những người đang thiếu hụt loại vitamin này.

Chìa khóa phòng bách bệnh

Là một axit hòa tan trong nước, vitamin C đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và phòng chống bệnh tật. Thiếu vitamin C sẽ ảnh hưởng tới quá trình tạo sợi collagen, đặc biệt trong các mao mạch, mô liên kết, mô xương. Lúc đó, sẹo sẽ khó lành, mao mạch dễ vỡ, quá trình hình thành xương, răng bị hạn chế, đặc biệt là với trẻ nhỏ.

Thực tế cho thấy, vitamin C còn can thiệp vào quá trình chuyển hoá năng lượng nên thiếu nó, chúng ta sẽ mệt mỏi. Không chỉ vậy, hàm lượng vitamin C không đủ, cơ thể cũng không thể chuyển hóa sắt và axit folic. Nhiều người bị thiếu máu do thiếu sắt cũng một phần xuất phát từ nguyên nhân này.

Ngoài ra, khi đi vào cơ thể, vitamin C sẽ tham gia vào quá trình tạo các chất dẫn truyền thần kinh như: Norepinephrine, Serotnin, axit  amin Tyrosine. Bởi thế, nếu thiếu nó, bạn sẽ cảm thấy khó tập trung, trí nhớ giảm sút.

Triệu chứng điển hình nhất của thiếu vitamin C là viêm lợi, chảy máu chân răng, cơ thể bỗng dưng xuất hiện những vết bầm tím, vết thương mãi không chịu lành, hay nhiễm trùng, thường xuyên bị các bệnh thời tiết như: cúm, viêm phế quản, nang lông bị sừng hóa...

Trong những trường hợp này, nếu không bổ sung vitamin C kịp thời,  nguy cơ tử vong có thể xảy ra do chảy máu ồ ạt hoặc do thiếu máu cục bộ cơ tim. Chế độ ăn thiếu vitamin C sẽ làm giảm lượng vitamin C có trong cơ thể 3-4%/ngày. Do đó, nếu chủ quan, tình trạng thiếu vitamin C sẽ ngày càng trở nên trầm trọng.

Vitamin C tổng hợp: Dễ đào thải khỏi cơ thể 

Mặc dù vitamin C có vai trò quan trọng đối với sức khỏe, thế nhưng, hầu hết chúng ta lại không ý thức được vấn đề đó. Trên thực tế, chúng ta lo lắng về tình trạng thiếu sắt, thiếu canxi, kẽm, vitamin D..., song thiếu vitamin C  lại không được nhắc tới. Đặc biệt, ngay cả khi có những triệu chứng điển hình của sự thiếu hụt dưỡng chất này thì cũng ít người nghĩ về nó.

Trong trường hợp ý thức được tình trạng thiếu vitamin C, đa phần mọi người sẽ nghĩ đến việc bổ sung bằng các loại thuốc tổng hợp. Thế nhưng, theo bác sĩ Hà Thị Việt Hòa, Phòng khám Dinh dưỡng, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, vitamin C ở dạng tổng hợp rất dễ bị ô xit hóa và chuyển hóa thành axit oxalic, dễ bị bay hơi nên không giữ được lâu trong cơ thể.

Cho nên, để khắc phục tình trạng này, bạn sẽ phải sử dụng hàm lượng vitamin C khá lớn. Thế nhưng, rắc rối là nếu dùng vitamin C hàm lượng lớn một lúc, nó có thể gây kích ứng dạ dày, nhất là ở những người đã từng có tiền sử bệnh về đường tiêu hóa.

Hơn nữa, khi bổ sung bằng dược phẩm, dễ dẫn đến trường hợp thừa vitamin C - nguyên nhân gây ra các bệnh lý không mong muốn như: loét dạ dày, tá tràng; viêm bàng quang, tiêu chảy, tăng tạo sỏi thận và gây bệnh gút...

Do đó, để điều trị tình trạng thiếu vitamin C, bạn chỉ nên sử dụng 1-2gr/ngày và dùng trong 15 ngày liên tục. Thông thường, các triệu chứng toàn thân sẽ giảm dần trong một ngày đầu và các triệu chứng khác sẽ mất đi trong vòng từ 1 - 4 tuần. Sau thời gian này, nếu tình trạng không được cải thiện, bạn cần đến bác sĩ để có được tư vấn tốt nhất.

Trái ngược với các dược phẩm, bổ sung vitamin C bằng thực phẩm là an toàn hơn cả. Bởi lẽ, theo bác sĩ Hà Thị Việt Hòa, vitamin C trong hoa quả, rau xanh không tồn tại dưới dạng đơn độc mà sẽ kết hợp với các chất như flavonoid, peptide... tạo thành hỗn hợp, làm tăng hoạt tính của vitamin C cũng như bảo toàn, ổn định hàm lượng. Một điểm nữa là vì nó có khối lượng phân tử cao nên khó phân hủy và không bị đào thải ra khỏi cơ thể nhiều như vitamin C tổng hợp. Vì vậy, nếu sử dụng vitamin C trong hoa quả sẽ giữ được hàm lượng lâu hơn cũng như tăng khả năng hấp thụ và tiêu hóa. Cho nên, trong trường hợp bị thiếu vitamin C, giải pháp  hiệu quả nhất là tăng cường các thực phẩm giàu chất này.

Thế nhưng, bạn cũng cần lưu ý rằng: vitamin C rất không bền, dễ hòa tan trong nước và dễ bị phân hủy ở nhiệt độ cao nên những thức ăn được chế biến sẵn hoặc để lâu ngày đều bị mất dưỡng chất này. Bên cạnh đó, vitamin C dễ tan trong nước nên không tích lũy trong cơ thể, vì vậy nó cần được cung cấp hàng ngày.

Vitamin C trong hoa quả, rau xanh không tồn tại dưới dạng đơn độc mà sẽ kết hợp với các chất như flavonoid, peptide... tạo thành hỗn hợp, làm tăng hoạt tính của vitamin C cũng như bảo toàn, ổn định hàm lượng. Một điểm nữa là vì nó có khối lượng phân tử cao nên khó phân hủy và không bị đào thải ra khỏi cơ thể. Vì vậy, nếu sử dụng vitamin C trong hoa quả sẽ giữ được hàm lượng lâu hơn cũng như tăng khả năng hấp thụ và tiêu hóa (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Sai lầm thường gặp ở bệnh tay - chân - miệng

Gần đây, số ca bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng, đúng dịp học sinh tựu trường. Mặc dù đây là bệnh nhẹ, các triệu chứng sẽ tự khỏi song vẫn có thể tiến triển nặng với các biến chứng nguy hiểm nếu chăm sóc không đúng cách.

Nhầm lẫn bệnh loét miệng với tay chân miệng

Để phân biệt bệnh loét miệng với tay chân miệng, chỉ cần xem xét những bọng nước đó có xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối của trẻ hay không. Nếu là viêm loét miệng bình thường thì vết loét thường nhỏ, xuất hiện ở niêm mạc má, môi, nướu hoặc dưới lưỡi. Nếu thấy có bọng nước, lại xuất hiện các triệu chứng nặng như co giật, đi loạng choạng, nôn ói liên tục, sốt cao khó hạ, phải đưa trẻ vào bệnh viện ngay.

Vệ sinh răng miệng sai cách

Khi bị tay chân miệng, các nốt phỏng mọc trong miệng là vấn đề đáng ngại nhất khiến trẻ đau không ăn được, không cho cha mẹ vệ sinh răng miệng dẫn đến nguy cơ bị bội nhiễm. Nhiều bố mẹ đã dùng khăn sữa, bông gạc thấm nước muối rửa răng miệng cho trẻ, tăng nguy cơ chạm, vỡ các nốt phỏng, làm vết loét thêm nặng. Cách vệ sinh miệng tốt nhất là uống nhiều nước, sử dụng nước muối sinh lý súc miệng cho trẻ sau mỗi lần ăn, trước khi đi ngủ, ngủ dậy. 

Kiêng cữ quá mức

Trẻ bị bệnh tay chân miệng không cần kiêng cữ, các mụn nước bên ngoài da cũng không cần bôi thuốc, việc vệ sinh mụn nước chỉ cần 1 lần/ngày, chú ý không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da trẻ bệnh. Cũng không cần ép trẻ ăn quá nhiều, cho trẻ ăn uống đủ chất để bổ sung protein, kẽm, vitamin A và C nhằm tăng cường hệ miễn dịch. Ngoài ra, chỉ nên cho trẻ uống hạ sốt khi bé sốt trên 38,5 độ C, cho trẻ ở nơi thông thoáng, mặc đồ rộng rãi. Nhiều người ủ ấm quá mức khiến trẻ ra mồ hôi càng làm tình trạng nặng hơn. 

Chỉ trẻ nhỏ mới mắc tay chân miệng

Bệnh xảy ra cho mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là nhóm dưới 3 tuổi. Tuy vậy, tỷ lệ mắc bệnh tay chân miệng ở người lớn vẫn chiếm khoảng 1% trong số trường hợp mắc.

Không cách ly

Virus gây bệnh tay chân miệng có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Do đó, khả năng lây nhiễm rất lớn. Bởi vậy, trẻ bị bệnh tay chân miệng phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

Bệnh chỉ xảy ra vào thời điểm chuyển mùa

Bệnh xảy ra cả năm. Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế, hàng năm bệnh thường bùng phát vào 2 thời điểm, từ tháng 4 đến tháng 6 và từ tháng 10 đến tháng 12.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Giai đoạn toàn phát có thể kéo dài từ 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh như loét miệng, phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; sốt nhẹ, nôn (An ninh Thủ đô, trang 8).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang