Dịch sởi đang trong chu kỳ bùng phát cao
Ngày 17-1, trước chiều hướng diễn biến phức tạp của dịch sởi với nhiều người mắc phải nhập viện điều trị, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đã khuyến cáo về việc phòng ngừa dịch bệnh nguy hiểm này.
Bộ Y tế chỉ rõ, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên, thường xảy ra vào mùa đông - xuân, với tốc độ lây nhiễm rất cao từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp. Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não… có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ bị mắc sởi, trong khi cơ thể đã có bệnh nền. Đối với phụ nữ bị mắc sởi khi mang thai có thể gây sảy thai, sinh non.
Bộ Y tế khuyến cáo, chủ động thực hiện tiêm chủng vaccine, đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất phòng bệnh sởi. Đưa trẻ từ 9-12 tháng tuổi đến cơ sở y tế để được tiêm vaccine phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Đưa trẻ đi tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi tại các vùng nguy cơ theo các đợt tổ chức tiêm của ngành y tế và chính quyền địa phương.
Trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vaccine sởi cần được tiêm vaccine tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, nếu không tiêm sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân, đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết dịch mũi họng. Cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch. Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc người nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế… (Sài Gòn giải phóng, trang 7)
Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 2: “Nhiều bệnh nhân sởi biến chứng mới nhập viện”
Người nhà nạn nhân yêu cầu Bệnh viện Hòa Bình bồi thường
Ngày 17-1, phiên tòa xét xử vụ án tai biến chạy thận xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình) tiếp tục thẩm vấn các bị cáo và những người có liên quan tới vụ án.
Đại diện gia đình các nạn nhân cũng đề nghị hội đồng xét xử tuyên bị cáo Hoàng Công Lương (bác sĩ Đơn nguyên lọc máu, Khoa Hồi sức tích cực) vô tội, đồng thời xin giảm trách nhiệm hình sự cho các bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh), Trần Văn Sơn (nhân viên Phòng Vật tư - Thiết bị y tế) và Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Sơn); riêng với 3 bị cáo: Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BV Hòa Bình), Hoàng Đình Khiếu (nguyên Phó Giám đốc BV Hòa Bình) và Trần Văn Thắng (nguyên Trưởng phòng Vật tư - Thiết bị y tế, BV Hòa Bình), đề nghị hội đồng xét xử xử lý theo quy định của pháp luật. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)
Ngành Y tế Thủ đô phát động thi đua nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Ngày 17-1, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết phong trào thi đua và hoạt động công đoàn ngành Y tế Hà Nội năm 2018, triển khai nhiệm vụ và phát động phong trào thi đua năm 2019.
Ông Trịnh Tố Tâm, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội cho biết, trong năm 2018, ngành Y tế Thủ đô đã hoàn thành tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ y tế cho nhân dân các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Việc nâng cao chất lượng bệnh viện, đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, cải thiện môi trường y tế xanh - sạch - đẹp được tăng cường. Cán bộ y tế có sự chuyển biến rõ nét về phong cách, thái độ phục vụ.
Năm 2019, Công đoàn ngành Y tế Thủ đô phát động phong trào thi đua nhằm tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa về nhận thức; nâng cao kỷ cương, ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn; phát huy khả năng sáng tạo và thay đổi thái độ, phong cách ứng xử, phục vụ... của cán bộ, nhân viên toàn ngành. Phong trào được chia thành 3 đợt, đợt 1 diễn ra từ ngày 1-1 đến 30-4; đợt 2 từ ngày 1-5 đến 31-7 và đợt 3 từ ngày 1-8 đến 31-12. (Hà Nội mới, trang 5)
Phát hiện, đình chỉ một sản phẩm dưỡng tóc nhập ngoại không đạt chất lượng
Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế vừa có công văn đình chỉ lưu hành trên toàn quốc đối với sản phẩm Arual Conditioner Hair Regenerator do tính năng không đúng với hồ sơ công bố.
Theo công văn này, Cục Quản lý Dược yêu cầu đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc đối với sản phẩm Arual Conditioner Hair Regenerator (Số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm: 17284/16/CBMP-QLD cấp ngàỵ 16/9/2016) do Công ty TNHH hóa mỹ phẩm Liên Minh (địa chỉ ghi trên Phiếu công bố: số 51 tổ 10, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội; địa chỉ đã điều chỉnh: số 54, ngõ 135, Đội cấn, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) nhập khẩu và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
Lý do đình chỉ lưu hành và thu hồi: Mỹ phẩm nhập khẩu và lưu thông có tính năng sản phẩm không đúng như hồ sơ đã công bố.
Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty TNHH hóa mỹ phẩm Liên Minh gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng các sản phẩm nêu trên. Đồng thời tu hồi toàn bộ mỹ phẩm không đáp ứng quy định; gửi báo cáo về việc thu hồi về Cục Quản lý Dược trước ngày 31-1-2019.
Sở Y tế các địa phương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dung mỹ phẩm trên địa bàn tiến hành thu hồi các sản phẩm mỹ phẩm nêu trên; kiểm tra giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này. (An ninh Thủ đô, trang 9)
Bị bỏng do sưởi ấm, cụ ông tử vong vì đến nhà thầy lang bôi thuốc
Bị bỏng do sơ ý trong lúc sưởi lửa, ông N.V.N (68 tuổi) ở Hưng Yên nghe theo lời mách tìm đến nhà một thầy lang ở Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) để bôi thuốc nhưng chỉ đến sáng hôm sau thì rơi vào tình trạng sốc nặng rồi tử vong…
Viện Bỏng Quốc gia vừa tiếp nhận cụ N.V.N vào viện cấp cứu vì bỏng nặng do sưởi lửa. Theo lời kể của gia đình bệnh nhân, trong lúc sưởi lửa, bệnh nhân sơ ý bị lửa bén vào quần áo, bốc cháy, gây bỏng nặng. Nhưng thay vì đến viện, ông N. lại tìm đến nhà một thầy lang ở Bát Tràng để chữa.
Sau khi được thầy lang cho bôi các loại thuốc lên vết bỏng, đến sáng hôm sau người thân thấy ông có tình trạng nặng, người mệt mỏi không ăn uống, nên vội đưa cụ vào Bệnh viện Xanh Pôn để được cấp cứu.
Tại đây các bác sĩ chẩn đoán cụ bỏng toàn thân khoảng 70%, bỏng độ 3, độ 4 và sốc nặng nên được chuyển đến Viện Bỏng Quốc gia.
Bệnh nhân lập tức được tiến hành xử lý chống sốc và chống nhiễm khuẩn kết hợp với các thuốc đặc trị. Tuy nhiên, sau 1 tuần, mặc dù đã được các bác sĩ tích cực điều trị nhưng bệnh nhân không qua khỏi và đã tử vong.
Theo TS BS Nguyễn Hải An, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - Viện Bỏng Quốc gia, khi bị bỏng, nếu bỏng rộng ở trẻ em trên 10%, người lớn trên 20% đã dẫn đến rối loạn toàn thân rồi, và có thể dẫn đến sốc bỏng. Mà sốc thì cấp cứu cần hồi sức chống sốc nếu không sẽ chuyển sang sốc nhược không hồi phục, dẫn đến suy các tạng do thiếu oxy cung cấp – dễ dẫn tới tử vong. (An ninh Thủ đô, trang 9)
Vụ chạy thận tại Hòa Bình: Bị cáo nguyên giám đốc bệnh viện nói kiện sở nội vụ
Ngày 17-1, TAND TP Hòa Bình tiếp tục phần xét hỏi trong phiên xử vụ án 9 người tử vong sau chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình).
Theo truy tố, bị cáo Trương Quý Dương – Giám đốc BV Hòa Bình ký với Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Dược phẩm Thiên Sơn (Công ty Thiên Sơn) hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 dùng cho lọc máu chạy thận; hợp đồng bao gồm nội dung xét nghiệm nước theo tiêu chuẩn AAMI (tiêu chuẩn Mỹ) sau sửa chữa.
Tuy nhiên, Công ty Thiên Sơn sau đó thuê lại bị cáo Bùi Mạnh Quốc – Giám đốc Công ty Trâm Anh thi công. Ngày 28/5/2017, Quốc tẩy rửa màng lọc RO nhưng sơ ý để axit lẫn vào trong hệ thống. Hôm sau, bị cáo Hoàng Công Lương - nguyên bác sĩ Đơn nguyên thận (Khoa Hồi sức tích cực, BV Hòa Bình) ra y lệnh tiến hành lọc máu khiến 8 người tử vong lập tức và 1 người mất năm 2018.
Tại tòa, ông Hoàng Công Tình - Phó khoa Hồi sức tích cực (chú ruột Hoàng Công Lương) được xét hỏi trong vai trò người liên quan và cho biết xét nghiệm AAMI là xét nghiệm khuyến cáo, không bắt buộc.
Ông Tình cho rằng Bộ Y tế là chỉ bắt buộc xét nghiệm hóa chất tồn dư, khi đưa hóa chất gì vào khử trùng đường ống thì cần dùng đồ thử để thử. Đến nay chỉ có một số hóa chất được sử dụng trong y tế để thử như Javen, phép thử đó thường cho kết quả ngay và có kết quả ngay, không như AAMI phải mất 14 ngày.
“Nếu hợp đồng có nội dung ghi cần xét nghiệm AAMI và chờ 14 ngày thì lúc đó bệnh viện, phòng vật tư và khoa điều trị phải có kế hoạch chuyển bệnh nhân... Hệ thống RO không được phép dừng quá 1 ngày... Nếu dừng quá 1 ngày, có nguy cơ nước trong ống sẽ hình thành mảng bám, phát sinh vi khuẩn, rất nguy hiểm cho bệnh nhân. Chính vì vậy, ở Việt Nam, hệ thống này gần như liên tục hoạt động, chỉ nghỉ vào ngày chủ nhật” - ông Tình nói.
Cũng tại phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ chạy thận nhân tạo khiến 9 người tử vong, bị cáo Trương Quý Dương – nguyên Giám đốc BV Hòa Bình nói sẽ kiện Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình vì có kết luận BV Hòa Bình thành lập Đơn nguyên thận (còn gọi đơn nguyên lọc máu) trái quy định.
Cụ thể, bị cáo Dương khai, về mặt tổ chức, đơn nguyên lọc máu thuộc Khoa Hồi sức tích cực nhưng các hoạt động chuyên môn lại tuân theo quy chế riêng của khoa Lọc máu. Đơn nguyên lọc máu không có biên chế kỹ thuật viên mà chỉ có người làm công việc của kỹ thật viên. Bị cáo cũng khẳng định, theo quy chế Khoa Lọc máu, nhiệm vụ đảm bảo an toàn nguồn nước RO thuộc về trách nghiệm trưởng khoa.
Được đối chất, bị cáo Hoàng Đình Khiếu - nguyên Phó Giám đốc BV Hòa Bình, kiêm trưởng Khoa Hồi sức phản bác lời khai của bị cáo Dương khi cho rằng Đơn nguyên lọc máu không phải một khoa nên không có người đảm nhận chức danh kỹ thuật viên và kỹ sư chuyên môn.
Bị cáo Khiếu cho rằng, do đơn nguyên lọc máu không có kỹ thuật viên và kỹ sư nên khi thiết bị có hư hỏng đều được báo cho Phòng vật tư. "Bởi vậy, trách nghiệm về chất lượng nước sử dụng cho lọc máu, hỏng hóc của máy móc tôi cho rằng thuộc về Phòng vật tư" – bị cáo này nhận định.
Tại tòa, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, bà Bùi Thu Hằng khẳng định, căn cứ Thông tư 15 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện liên doanh, liên kết trong khám chữa bệnh, việc bệnh viện tỉnh ký hợp đồng với Công ty Thiên Sơn là phù hợp. Giám đốc BV Hòa Bình hoàn toàn có quyền thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo.
Tuy nhiên, chủ tọa cho biết Công văn số 6466 năm 2018 của Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình lại kết luận, không có quy định nào cho phép thành lập như vậy. Bệnh viện tự ý thành lập Đơn nguyên thận là không đúng với quy định của pháp luật.
Trước bục khai báo, bị cáo Trương Quý Dương bày tỏ sự không đồng tình với Công văn của Sở Nội vụ và nói: "Nếu họ khẳng định như thế, chúng tôi sẽ khởi kiện". (An ninh Thủ đô, trang 14)
Cùng chủ đề Báo Thanh niên: “Vụ chạy thận làm 9 người chết: Các bị cáo đổ trách nhiệm cho nhau”
Trên 16,6 nghìn lượt người tham gia phong trào “Hiến máu tình nguyện cứu chữa đồng đội”
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, năm 2018 được xem là một năm thành công rực rỡ trong phong trào “Hiến máu tình nguyện cứu chữa đồng đội”.
“Trên 16,6 nghìn lượt người tham gia hiến máu tình nguyện, tiếp nhận được trên 4,5 triệu ml máu, góp phần đáp ứng phần lớn nhu cầu về máu và chế phẩm máu của Bệnh viện, cũng như nhu cầu máu cho một số bệnh viện tuyến dưới…”, là những con số do Trung tướng Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin tại Lễ tổng kết thực hiện phong trào “Hiến máu tình nguyện cứu chữa đồng đội” năm 2018 do Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tổ chức ngày 17-1, tại Hà Nội.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, năm 2018 được xem là một năm thành công rực rỡ trong phong trào “Hiến máu tình nguyện cứu chữa đồng đội”.
Bệnh viện đã phối hợp với 14 đơn vị, học viện, nhà trường trong Quân đội, 7 đơn vị ngoài quân đội tổ chức 34 đợt tuyên truyền, vận động được 16.652 lượt người tham gia hiến máu tình nguyện, tiếp nhận được 4.546.750ml máu.
Nguồn máu tiếp nhận được từ phong trào “Hiến máu tình nguyện cứu chữa đồng đội” đạt kết quả tốt, đáp ứng được phần lớn nhu cầu về máu và chế phẩm máu của Bệnh viện, cũng như nhu cầu máu cho một số bệnh viện tuyến dưới.
Nhiều tập thể đơn vị, học viện, nhà trường có lực lượng tham gia hiến máu đông đảo, tổ chức được nhiều đợt và số lượng máu hiến cao. Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, phong trào hiến máu nhân đạo đã đạt được những thành tích đáng khích lệ.
Nếu như năm 2008, cả nước có 676 câu lạc bộ hiến máu với 21.364 thành viên, đến nay đã phát triển được hơn 3.363 câu lạc bộ với 135.000 thành viên. Năm 2018, cả nước đã có trên 1,4 triệu lượt người dân tham gia hiến máu, đáp ứng được trên 75% nhu cầu máu cho điều trị. (Công an Nhân dân, trang 1)
Quản lý trang thiết bị y tế từ năm 2019 thế nào?
Nghị định số 169/2018/NĐ-CP của Chính phủ ra đời đã kịp thời hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc quản lý trang thiết bị y tế (TTBYT), giải quyết các tồn tại bất cập trước mắt của hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý, yêu cầu hội nhập lĩnh vực TTBYT.
Ngày 16/1, Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị phổ biến nội dung Nghị định số 169/2018/NĐ-CP ngày 31/12/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 36/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 về quản lý TTBYT. Hội nghị nhận được sự quan tâm của hàng trăm doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh TTBYT.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, Nghị định số 169/2018/NĐ-CP giúp các DN kinh doanh, sản xuất, cung ứng với TTBYT và các nhà quản lý các cấp cũng như lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế xác định rõ trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ để làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, góp phần đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả đầu tư, quản lý khai thác sử dụng TTBYT. “Bộ Y tế kỳ vọng việc thực hiện Nghị định 169 sẽ khiến lĩnh vực TTBYT có cơ hội phát triển và hội nhập; xác lập môi trường kinh doanh, lưu thông, sử dụng TTBYT lành mạnh, có chất lượng, an toàn, hiệu quả, minh bạch” - ông Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ.
Ông Nguyễn Minh Tuấn cũng nêu rõ, việc phổ biến những nội dung của Nghị định 169 nhận được nhiều sự quan tâm của DN là tín hiệu đáng mừng cho thấy các DN đã quan tâm hơn đến việc phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực mình kinh doanh của cơ quan quản lý nhà nước để nắm rõ hơn các quy định, giúp DN làm đúng, thực hiện chính xác các yêu cầu quản lý.
Những điểm mới trong quản lý TTBYT
Về điểm mới của Nghị định 169 về nhập khẩu TBYT, theo ông Nguyễn Tử Hiếu, chuyên viên chính Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, nội dung của Nghị định đưa ra nhiều nội dung thuận lợi cho DN nhập khẩu TTBYT. Cụ thể, Nghị định 169 quy định, giấy phép nhập khẩu TTBYT thuộc loại B, C, D đã được cấp trong năm 2018 hết hạn hiệu lực vào ngày 31/12/2018 và các giấy phép nhập khẩu được cấp trong năm 2019 có giá trị đến hết ngày 31/12/2019.
Đối với TTBYT thuộc loại A đã có phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng do Sở Y tế cấp được nhập khẩu theo nhu cầu, không hạn chế số lượng mà không cần văn bản xác nhận là trang TBYT của Bộ Y tế khi thực hiện thủ tục thông quan.
Đối với TTBYT không thuộc danh mục phải cấp giấy phép nhập khẩu và đã có bản phân loại là TTBYT thuộc loại B, C, D do tổ chức phân loại được Bộ Y tế công bố thông tin trên Cổng thông tin điện tử được tiếp tục nhập khẩu đến hết ngày 31/12/2019 theo nhu cầu, không hạn chế số lượng mà không cần văn bản xác nhận là TTBYT của Bộ Y tế khi thực hiện thủ tục thông quan.
TTBYT sản xuất trong nước đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành thì giá trị sử dụng của số lưu hành đã được cấp có hiệu lực đến hết thời gian ghi trên giấy đăng ký lưu hành.
Riêng đối với các giấy chứng nhận đăng ký lưu hành hết hiệu lực sau ngày Nghị định này có hiệu lực và trước ngày 31/12/2019 thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2019.
Ngoài ra, theo ông Phạm Trung Kiên, chuyên viên Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Nghị định 169 còn sửa đổi một số nội dung quan trọng liên quan đến TTBYT có chứa chất ma túy và tiền chất; phân loại TTBYT; bổ sung quy định trường hợp cấp nhanh số đăng ký lưu hành; sửa đổi, bổ sung quy định yêu cầu về hồ sơ quản lý TTBYT sau bán hàng và xử lý đối với TTBYT có lỗi lưu hành trên thị trường... (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)