Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 18/6/2017

  • |
T5g.org.vn - Giám sát cam kết, lời hứa của 4 Bộ trưởng; Vì sao bác sỹ phải cúi gập người trước người bệnh?; Có hay không? BHYT làm khó người bệnh?; Lồng ghép dịch vụ điều trị lao và HIV; ...

 

Giám sát cam kết, lời hứa của 4 Bộ trưởng

Trong tuần qua, Quốc hội dành trọn 3 ngày để chất vấn với 4 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch - Đầu tư cùng một số thành viên Chính phủ. Điểm đáng ghi nhận là cả 4 Bộ trưởng trả lời chất vấn chính đều thẳng thắn nhận trách nhiệm và có những lời cam kết, hứa hẹn mạnh mẽ. Nhìn lại những cam kết này của các vị Bộ trưởng cũng là để cùng theo dõi, giám sát việc thực hiện cam kết mà các Bộ trưởng đã hứa.

Viện phí tăng, chất lượng có tăng?

“Chắc chắn khi giá dịch vụ y tế tăng thì chất lượng phải tăng vì các chi phí đã được tính đúng, tính đủ hơn. Chúng tôi sẽ xúc tiến đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ nhân viên y tế, có những đơn vị chúng tôi đã đề nghị trước giờ khám bệnh nhân viên y tế phải cúi chào bệnh nhân”.

Giá thuốc ở Việt Nam, nhất là thuốc biệt dược vẫn quá cao

“Hiện nay ở nước ta có khoảng gần 700 thuốc biệt dược, có nghĩa là thuốc đang còn bản quyền nên giá rất cao. Cùng đó có khoảng 500 thuốc biệt dược gần hết bản quyền. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng tôi đang điều chỉnh Thông tư 11, đưa những thuốc biệt dược đã hết bản quyền mà giá bán vẫn đang cao vào đấu thầu rộng rãi như đối với các thuốc generic ở nhóm 1, đàm phán để được giá thấp nhất. Với giải pháp này, sắp tới giá thuốc trong nước sẽ giảm thêm được 10%”.

Bao giờ bệnh viện hết quá tải, bệnh nhân không phải nằm ghép?

“Hiện nay, ở các bệnh viện tuyến Trung ương, tỷ lệ nằm ghép đã giảm hẳn, chỉ còn một số bệnh viện là Bạch Mai, Ung bướu TP.HCM, Nhi đồng 1 TP.HCM… là còn tình trạng nằm ghép khá nhiều. Nhưng ngay ở các bệnh viện này cũng chỉ có nằm ghép ở một số khoa chứ không phải toàn bộ. Bên cạnh rất nhiều giải pháp trong đề án giảm tải bệnh viện đang triển khai, tới đây khi các bệnh viện kể trên xây dựng xong cơ sở 2 và hoàn thiện một số tòa nhà thì tình trạng quá tải sẽ giảm cơ bản, gần như sẽ không còn nằm ghép”. (An ninh Thủ đô, trang 3).

 

Vì sao bác sỹ phải cúi gập người trước người bệnh?

7.000 cán bộ y tế đã bị kỷ luật trong thời gian gần đây do liên quan tới những vi phạm trong công tác khám, chữa bệnh. Kỷ luật nghiêm khắc đã giúp chấn chỉnh lại phần nào cung cách phục vụ của ngành Y. Thế nhưng, kỷ luật không phải là tất cả, nếu muốn tiếp tục giảm bớt lời than phiền, tăng sự hài lòng của người bệnh, ngành Y còn phải nỗ lực rất nhiều. 

Kỷ luật thép: 7.000 y, bác sĩ bị kỷ luật

Y đức và xử lý vi phạm của cán bộ, công chức, y, bác sĩ trong ngành Y luôn là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Đơn giản bởi y đức có liên quan mật thiết tới chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của ngành Y, ảnh hưởng trực tiếp tới từng người bệnh. Tại diễn đàn Quốc hội, vấn đề này cũng là một trọng tâm của phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Ghi nhận những nỗ lực của ngành Y nhưng ĐBQH Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng chuyển tới Bộ trưởng lời ta thán từ cử tri: “Người bệnh không được tiếp cận dịch vụ chữa ngay, phần thì do quá tải, phần thì do thái độ phục vụ. Người bệnh thường phản ánh là y tá hay điều dưỡng viên có nhiều lời lẽ khiếm nhã, thiếu tôn trọng, không muốn nói là xúc phạm người bệnh”. Vị luật sư đưa ra sự so sánh: “Nhìn ra các nước trong khu vực,  bác sĩ không những tôn trọng, tươi cười, phục vụ tận tâm mà khi khám chữa bệnh xong còn luôn cảm ơn người bệnh, cúi gập người vì người bệnh đã đến với họ”. Liên tiếp những vụ việc như rơi mảng trần nhà ở Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương; thái độ phục vụ người bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai; bảo vệ chặn xe cứu thương tại Bệnh viện Nhi Trung ương; “loạn” giá vé gửi xe tại các bệnh viện; bệnh nhân “phát sợ” vì phải chờ đợi khám tại Bệnh viện Xanh Pôn; bệnh nhân phải đưa phong bì cho nhân viên y tế để được khám nhanh hơn ở Bệnh viện K… dù đã được Bộ Y tế chấn chỉnh kịp thời nhưng vẫn tạo ra bức xúc lớn trong dư luận xã hội.

Nhìn thẳng vào sự thật, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận có tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” và ở đâu đó vẫn còn hiện tượng cán bộ y tế có thái độ không tốt. Bộ trưởng cũng thông tin, thời gian qua, ngành Y tế đã đưa ra một chương trình đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Bằng nhiều giải pháp tổng thể, từ tuyên truyền, vận động, Bộ Y tế còn áp dụng những giải pháp giám sát bằng đường dây nóng, hòm thư góp ý, quay camera, tăng cường giám sát chuyên môn và ban hành chế tài xử phạt nghiêm minh. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Thời gian qua, có tới hơn 7.000 cán bộ y tế đã bị kỷ luật, từ hình thức cảnh cáo, khiển trách, cảnh cáo toàn bệnh viện cho đến đuổi khỏi ngành”. 

Đã nghiêm rồi nhưng còn phải nghiêm hơn

Tích cực thu thập thông tin, phản ánh từ bệnh nhân và người nhà; áp dụng kỷ luật thép, mạnh tay xử lý vi phạm cũng đã mang lại những kết quả tích cực bước đầu cho ngành Y. Ghi nhận “y đức của cán bộ y tế đã được cải thiện” nhưng ĐBQH Phạm Tất Thắng (tỉnh Vĩnh Long) vẫn cho rằng, khi các sự cố, tai biến y tế xảy ra thì trong các nguyên nhân đều có nguyên nhân về y đức. Chính Bộ Y tế cũng thừa nhận, tình trạng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ngoại trú phải mua thuốc giá cao hơn  do bác sỹ kê thuốc ngoài danh mục trúng thầu cũng là vấn đề y đức. 

Đồng tình với các giải pháp thiết lập đường dây nóng để tiếp thu phản ánh từ người dân của Bộ Y tế để chấn chỉnh, nâng cao y đức thời gian qua, ĐBQH Đặng Xuân Phương (tỉnh Đắk Lắk) cũng đề nghị Bộ Y tế phải tiếp tục có những cơ chế, biện pháp cụ thể hơn để người dân có thể tham gia tích cực hơn trong giám sát phòng ngừa các rủi ro cũng như giám sát quá trình xử lý, khắc phục hậu quả tai biến y khoa ở các bệnh viện. 

Trước băn khoăn của các ĐBQH, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thông tin, tai biến y khoa là điều không mong muốn của người thầy thuốc. “Bộ Y tế đã có những đề án như thành lập Hội đồng an toàn bệnh nhân tại Cục Quản lý khám, chữa bệnh và tại các bệnh viện, ban hành 5.000 quy trình khám, chữa bệnh.

Tuy nhiên, nếu cán bộ, nhân viên y tế không thực hiện nghiêm các quy trình đó thì sai sót vẫn xảy ra và tai biến y khoa khó có thể dừng lại được. Đây là sự cố đau lòng và ta chỉ có thể hạn chế nó, ngay cả các nước đã phát triển cũng không thể chấm dứt tai biến y khoa. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục ban hành những chế tài mới và xử lý nghiêm theo hành lang pháp lý nếu cán bộ, nhân viên y tế có sai phạm”, Bộ trưởng cam kết.

Chế tài không phải là tất cả

Rõ ràng, thời gian qua, để nâng cao y đức và chất lượng khám chữa bệnh, chế tài nghiêm khắc đã phát huy hiệu quả song nếu chỉ có vậy thì kết quả mang lại rất khó bền vững. Nếu tình trạng quá tải bệnh viện, nằm ghép 3-4 người một giường vẫn tiếp diễn, trong một ca làm việc bác sỹ vẫn phải thăm khám cho cả trăm bệnh nhân trong khi thu nhập lại thấp thì làm sao tránh được những căng thẳng và bức xúc. Vì thế, muốn nâng dần đều chất lượng khám chữa bệnh, tăng mức độ hài lòng của bệnh nhân và người nhà một cách ổn định, Bộ Y tế cần giải quyết được tận gốc của vấn đề bằng nhiều giải pháp đồng bộ.

Vừa qua, ngành Y tế đã thực hiện rất nhiều giải pháp nhằm giảm tải bệnh viện, nhất là việc đầu tư xây dựng các bệnh viện vệ tinh. Tuy nhiên, thực tế tại các bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn Hà Nội, nhiều khoa, phòng vẫn quá tải nghiêm trọng dẫn tới những trục trặc từ đón tiếp, thăm khám tới điều trị, trở thành nỗi kinh hoàng, thống khổ của nhiều bệnh nhân và người nhà. Bản thân lãnh đạo Bộ Y tế đã nhiều lần hứa hẹn, cam kết nhưng tình trạng quá tải vẫn “chậm được khắc phục, chậm cải thiện, một số nơi vẫn như cũ, đề án vẫn nằm trên giấy...”.

“Nghe thật xót xa nhưng đó là sự thật” - ĐBQH Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) nói. Trước tâm tư của các ĐBQH, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện đề án giảm tải bệnh viện do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đúng theo lộ trình đó, năm 2020, các bệnh viện sẽ cơ bản hết tình trạng quá tải”.

Về nâng cao thu nhập cho đội ngũ cán bộ y tế, dù theo lời Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thì hiện nay, “tiền trực đã được cải thiện, trước anh em nói mỗi ca không đủ bát phở, nay đã lên mức 25.000 đồng, có ca lớn thì cũng đến 100.000 đồng” nhưng con số này thực ra vẫn ở mức thấp. Đúng là có một bộ phận bác sĩ thu nhập rất cao, số đi ô tô đi làm cũng không ít nhưng chắc chắn thu nhập đó không tới từ bệnh viện công, nơi họ làm việc mà tới từ các phòng khám tư bên ngoài.

Và cứ “chân trong, chân ngoài” như thế, dù là làm thêm, cũng không vi phạm pháp luật nhưng các bác sỹ đó khó lòng duy trì được chất lượng làm việc ở bệnh viện công, nơi được cho là nguồn thu nhập thấp. Thực ra, ngay tại Hà Nội, đã có mô hình bệnh viện tự chủ về tài chính như Bệnh viện Tim Hà Nội, nơi các bác sỹ “được làm thêm trong chính bệnh viện của mình”. Họ làm ngoài giờ nhưng chính tại nơi mình công tác và thu nhập từ đó hoàn toàn đảm bảo đời sống nên có thể toàn tâm toàn ý cống hiến, chăm sóc người bệnh, không còn phải lo tất tả “chân trong, chân ngoài”. 

“Ngành Y tế đã đưa ra một chương trình đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Bằng nhiều giải pháp tổng thể, từ tuyên truyền, vận động và áp dụng những giải pháp giám sát bằng đường dây nóng, hòm thư góp ý, quay camera, tăng cường giám sát chuyên môn và ban hành chế tài xử phạt nghiêm minh”. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (An ninh Thủ đô, trang 4).

 

Có hay không? BHYT làm khó người bệnh?

Bảo hiểm y tế (BHYT) làm khó dân là một nội dung khá “nóng”được đặt ra trên bàn nghị sự Quốc hội tuần qua. Có hay không vấn đề này?

Đề cập đến BHYT, GS.TS Nguyễn Anh Trí - đại biểu Quốc hội, viện trưởng Viện Huyết học truyền máu trung ương - nói:

- Nói Bảo hiểm xã hội làm khó cho y tế, nếu nhìn trên hiện tượng là có, còn nhìn nhận về bản chất không phải thế. Luật quy định như vậy thì người ta làm như vậy thôi.

Tuần trước, có bài báo dẫn lời đại biểu Quốc hội đã “gây bão” trên mạng khi cho rằng Bảo hiểm xã hội đang đi chệch hướng, trong đó có chuyện bảo hiểm đưa ra những quy định để bác sĩ được phép làm xét nghiệm gì, dùng thuốc gì, phác đồ gì và điều trị như thế nào. Trên thực tế, tôi thấy đại biểu này nói hoàn toàn đúng. Bảo hiểm can thiệp khá sâu vào chuyên môn của các bác sĩ.

* Bảo hiểm mà can thiệp sâu vào chuyên môn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, tức là ảnh hưởng trực tiếp tới người bệnh?

- Trong chất vấn, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng người làm bảo hiểm không có kiến thức chuyên môn y tế mà đi quyết định các việc chuyên môn y khoa là một sai lầm.

Với riêng tôi, kể cả người làm bảo hiểm có là cán bộ y tế đi nữa thì cũng không thể biết hết và tiến kịp được sự phát triển của khoa học. Các phác đồ, thuốc men của các chuyên khoa khác nhau rất nhiều và thường thay đổi rất nhanh.

Tác động của BHYT mà quá sâu thì ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến sự sống của người bệnh, ảnh hưởng đến y đức cán bộ, bác sĩ.

Là bác sĩ, ai mà không muốn điều trị có kết quả tốt cho người bệnh, nhưng quy định như hiện nay thì chỉ dùng thuốc, xét nghiệm... mà BHYT cho phép. Tất cả cứ theo một khuôn khổ chật hẹp, gò bó thì làm thế nào có thể có sáng tạo, có đổi mới.

Với cách này, bây giờ chỉ tập trung vào xem hóa chất, thiết bị nào rẻ mới được mua và thuốc nào rẻ mới được phép cho dùng thì vô hình trung, chúng ta đang xây dựng một “nền y tế giá rẻ”, khó mà đạt được kết quả điều trị tốt nhất. Điều này ngày càng lộ diện và rõ nét.

* Nhưng trên thực tế, BHYT cũng có những đóng góp cho hoạt động khám chữa bệnh?

- Đúng vậy. Tôi cho rằng BHYT từ khi ra đời đến nay rất tốt, đặc biệt tốt cho Viện Huyết học truyền máu trung ương chúng tôi để điều trị bệnh ung thư ác tính. Tôi không phàn nàn gì về BHYT đối với viện chúng tôi. Nhưng xét về góc độ toàn quốc thì những cái tích cực của BHYT đang đến lúc không duy trì được nữa, vì một số lý do sau:

Thứ nhất, việc cấm cản bác sĩ thực hành chuyên môn. Điều đó đến một lúc nào đấy bị phá vỡ, không thể làm được vì người thầy thuốc có quyền cân nhắc dùng thuốc gì, làm xét nghiệm gì bởi hơn ai hết họ có trách nhiệm cao nhất trước tính mạng của người bệnh.

Thứ hai, bây giờ thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe sắp vỡ quỹ BHYT, hoặc vì “vượt trần nên bảo hiểm tích cực siết chi”... Điều này đương nhiên thôi.

Chúng ta mua bảo hiểm theo định mức, cán bộ nhân viên có định mức theo lương, người nghèo hay trẻ em dưới 6 tuổi có định mức của Chính phủ cho, nhưng sử dụng dịch vụ y tế thì người nào cũng hướng đến mức trần cao nhất, dù vô tình hay hữu ý.

Đó là chưa kể ai cũng được thụ hưởng ngang nhau về mức cao nhất, cái này là cái gốc của vấn đề. Với quy định này thì không vỡ quỹ BHYT mới lạ.

* Vậy theo giáo sư thì đâu là bản chất của vấn đề?

- Bản chất của bảo hiểm có hai thuộc tính không thể tách rời, đúng như lời ông Nguyễn Sinh Hùng khi còn làm phó thủ tướng khi bàn vấn đề này có nói với bên bảo hiểm và lãnh đạo ngành y tế: bảo hiểm phải có mệnh giá, thanh toán bảo hiểm phải theo trần của mệnh giá.

Cái gốc vấn đề là ở chỗ này. Như vậy sẽ không bao giờ vỡ quỹ cả, mua thì mua theo mệnh giá, tùy theo năng lực tài chính của gia đình, cá nhân để họ quyết định. Còn thanh toán theo đúng trần của mệnh giá mà người mua lựa chọn.

* Vậy với người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công với cách mạng liệu có bị ảnh hưởng khi tham gia BHYT?

- Những đối tượng này được Nhà nước mua BHYT cho rồi. Tuy nhiên, rồi đây cũng phải có mệnh giá và thanh toán theo trần của mệnh giá mà họ được Nhà nước mua cho. Nhà nước càng có điều kiện thì nên mua BHYT cho các đối tượng này ở mức trần cao nhất có thể.

* Theo ông, Luật bảo hiểm sẽ phải thay đổi?

- Đúng vậy. Phải thay đổi Luật BHYT. Điều này được nhiều cử tri có ý kiến. Sửa đổi để BHYT phải làm đúng công việc của bảo hiểm.

Luật phải sửa đổi để đảm bảo người có thẻ BHYT thuận lợi nhất trong việc lựa chọn địa điểm, tìm kiếm thầy thuốc để khám chữa bệnh. Sự thuận lợi này là rất cần, mà cần nhất là cho những người yếu thế trong xã hội.

Luật phải sửa để người có BHYT không bị hạn chế và họ được trực tiếp tham gia lựa chọn thuốc men, xét nghiệm, phác đồ điều trị, rồi các bác sĩ yên tâm dốc lòng chữa bệnh. Và để cả xã hội không phải thỉnh thoảng 
bị hốt hoảng với thông tin “vỡ quỹ” BHYT.

Bà N.T.N. (63 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM):

Thuốc không như ý

Tôi mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 hơn 20 năm nay. Được bác sĩ tư vấn, tôi chuyển sang sử dụng thuốc tiêm để điều trị bệnh và thấy cơ thể khỏe khoắn lên nhiều, tăng được vài cân.

Sau đó, tôi có đi khám BHYT, gặp bất kỳ bác sĩ nào tôi đều nói đang tiêm loại thuốc đó, bác sĩ có thể kê cho tôi loại thuốc đó nhưng bác sĩ trả lời không kê được. Tôi chỉ được kê một loại thuốc tiêm khác. (Tuổi trẻ, trang 6).

 

Lồng ghép dịch vụ điều trị lao và HIV

Hiện nay, tại Việt Nam, công tác điều trị người bệnh vừa nhiễm HIV vừa nhiễm lao đang gặp nhiều khó khăn. Người nhiễm lao và HIV cũng là đối tượng nguy cơ cao trong kháng đa thuốc và siêu kháng thuốc. Vì vậy, công tác phối hợp phòng, chống lao và HIV là một nội dung quan trọng của các Chiến lược phòng, chống lao và HIV ở nước ta, khi số người đồng nhiễm lao và HIV mới lên tới 5.500 người mỗi năm.

Theo PGS, TS Bùi Ðức Dương, Phó Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS: Lao là bệnh nhiễm trùng cơ hội thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở người nhiễm HIV. Người nhiễm HIV có nguy cơ mắc lao cao cấp hơn 19 lần so với người không nhiễm HIV và có nguy cơ mắc lao kháng thuốc cao. Năm 2015, trên thế giới có khoảng 390 nghìn người nhiễm HIV/AIDS chết do lao, chiếm 25% số trường hợp tử vong của người bệnh AIDS. Hiện tại, nhiều cơ sở y tế tuyến huyện đang vận hành việc cung cấp dịch vụ lao và HIV riêng biệt. Người bệnh lao đến khám và điều trị sẽ được giới thiệu đến cơ sở cung cấp dịch vụ HIV để được tư vấn xét nghiệm HIV, nếu dương tính với HIV thì được điều trị, chăm sóc ở cơ sở HIV và ngược lại, người bệnh nhiễm HIV/AIDS nghi mắc lao sẽ được giới thiệu sang cơ sở lao để được chẩn đoán, điều trị. Việc giới thiệu, chuyển gửi này đã gây ra nhiều khó khăn. Người bệnh phải đi lại nhiều, đồng thời, với tâm lý mặc cảm và mệt mỏi dễ dẫn đến tình trạng bỏ điều trị; điều đó sẽ làm bệnh nặng thêm và giảm hiệu quả điều trị. Với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3957/QÐ-BYT ngày 23-9-2015 xây dựng Mô hình lồng ghép quản lý, cung cấp dịch vụ HIV và lao tại cơ sở y tế tuyến huyện, xã để khắc phục những yếu kém, bất cập nêu trên, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người nhiễm HIV và lao, góp phần giảm chi phí trong quản lý và điều trị người bệnh. Mục đích của việc lồng ghép là làm giảm lây nhiễm vi khuẩn lao và HIV; giảm tỷ lệ số người bệnh mắc và chết do lao, do HIV và do các bệnh liên quan HIV; cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe của y tế cơ sở; tăng cường quản lý những trường hợp đồng nhiễm lao và HIV theo tiêu chí lấy người bệnh là trung tâm. Mô hình này đã được xây dựng thí điểm tại hai huyện: Nho Quan (Ninh Bình) và Hưng Hà (Thái Bình) từ năm 2013 đến 2015 và mở rộng xây dựng tại 12 tỉnh vào năm 2015 - 2016.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Cử, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, sau hai năm thực hiện mô hình đã có nhiều kết quả khả quan. Việc phát hiện chủ động bệnh lao cho người nhiễm HIV được cải thiện rõ rệt. Nếu trước đây, người bệnh phải đi lại ít nhất ba lần thì sau khi lồng ghép, chỉ duy nhất một lần người bệnh đã được chẩn đoán. Thời gian chẩn đoán và điều trị lao giảm từ ít nhất một tuần xuống từ hai đến ba ngày. Tình trạng người bệnh bỏ điều trị không còn, và bác sĩ sẽ nắm được quá trình điều trị cả lao và thuốc ARV (thuốc kháng vi-rút). Ðối với người bệnh lao đến cơ sở lồng ghép đều được tư vấn và xét nghiệm HIV. Trường hợp dương tính với HIV thì tiếp tục được chăm sóc, điều trị HIV tại đó.

Kết quả sơ bộ tại 12 tỉnh đang triển khai cho thấy mô hình lồng ghép mang lại hiệu quả cao như: góp phần làm tăng tỷ lệ người bệnh lao được xét nghiệm HIV; tăng tỷ lệ người bệnh đồng nhiễm lao và HIV được điều trị cả hai bệnh; giảm tỷ lệ người bệnh bỏ điều trị. Ðáng chú ý, các mô hình phát hiện lao chủ động trong cộng đồng dân cư và ở một số đối tượng có nguy cơ cao mang lại hiệu quả. Ðặc biệt, ở cộng đồng dân cư, tỷ lệ phát hiện lao chủ động cao gấp 3,6 lần so với tỷ lệ phát hiện lao thụ động; phát hiện chủ động ở cộng đồng dân cư có thể góp phần làm giảm khoảng 20% tỷ lệ mắc lao hằng năm. Ở một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao, tỷ lệ phát hiện chủ động cao gấp ít nhất 15 lần so với phát hiện thụ động. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ cũng được tăng cường, nhất là trong chẩn đoán và điều trị sớm cho người bệnh. Những địa bàn triển khai mô hình cũng giảm được nhân lực, chi phí và cơ sở vật chất đầu tư cho triển khai các dịch vụ lao và HIV so với trước khi lồng ghép. Ðặc biệt, mô hình kết hợp này cũng tạo sự thuận lợi cho người bệnh tiếp cận cả hai loại dịch vụ tại cùng một địa điểm, giảm chi phí gián tiếp trong sử dụng dịch vụ lao/HIV.

PGS, TS Lê Văn Hợi, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó trưởng Ban điều hành Chương trình chống lao quốc gia cho biết: Ngoài những lợi ích nêu trên, đối với người bệnh, mô hình lồng ghép còn giúp giảm nhân sự, giảm chi phí vận hành cơ sở, một cán bộ y tế làm nhiều việc nhưng chất lượng dịch vụ điều trị lao và HIV không thay đổi, tăng chất lượng chẩn đoán, điều trị cho người bệnh đồng mắc lao và HIV kết nối bảo hiểm y tế. Việc mở rộng mô hình lồng ghép đã được chuẩn bị khá sẵn sàng với những văn bản pháp lý và hướng dẫn kỹ thuật đã được Bộ Y tế ban hành trong những năm gần đây. Dự án bao gồm Khung kế hoạch phối hợp lao và HIV giai đoạn 2016 - 2020, các thông tư về sử dụng bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh lao và HIV. Mô hình lồng ghép theo khuyến cáo của WHO đã được thích ứng với thực tiễn ở nước ta. Quá trình đổi mới về cấu trúc hệ thống y tế chung và y tế dự phòng theo hướng tăng cường lồng ghép dịch vụ ở tuyến cơ sở cũng tạo thêm thuận lợi cho mở rộng mô hình. Theo đó, kết nối dịch vụ giữa tuyến huyện và tuyến xã, lồng ghép thực hiện với cơ sở vật chất và dịch vụ sẵn có góp phần tăng hiệu quả và tính bền vững của dịch vụ phối hợp. Thực tế cho thấy, phòng khám lồng ghép lao và HIV được đặt tại khoa khám bệnh là tốt nhất để hướng tới thanh toán dịch vụ xét nghiệm và thuốc điều trị thông qua bảo hiểm y tế. Tập huấn nâng cao năng lực, giám sát và hỗ trợ kỹ thuật kịp thời góp phần bảo đảm chất lượng dịch vụ. (Nhân dân, trang 5)

 

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang