Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 18/7/2015

  • |
T5g.org.vn - Góp giọt máu hồng vì nghĩa tình đồng đội và chung sức vì cộng đồng; Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế còn hạn chế; Xây dựng Chiến lược quốc gia về an ninh y tế toàn cầu…

Góp giọt máu hồng vì nghĩa tình đồng đội và chung sức vì cộng đồng

Nhân kỷ niệm 53 năm Ngày truyền thống lực lượng CSND (20/7/1962 - 20/72015), ngày 17/7, tại TP Hồ Chí Minh, Tổng cục Cảnh sát đã phối hợp cùng Bệnh viện 30-4 (Bộ Công an) và Viện Huyết học Trung ương (Bộ Y tế) tổ chức lễ hiến máu tình nguyện “Nghĩa tình đồng đội”

Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Lê Tấn Tảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhấn mạnh: Hiến máu nhân đạo là hành động cao cả, cử chỉ cao đẹp của toàn xã hội, trong đó có lực lượng CAND. Góp giọt máu hồng vì nghĩa tình đồng đội và chung sức cùng cộng đồng với mục đích cứu người. Qua đó, giáo dục cán bộ chiến sỹ vừa thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ vừa hưởng ứng cuộc vận động các phong trào xã hội, đặc biệt là cuộc vận động hiến máu vì đồng đội, cộng đồng.

Sau buổi lễ, hơn 140 cán bộ, chiến sĩ thuộc Tổng cục Cảnh sát đã được các bác sỹ, y sỹ kiểm tra sức khỏe theo quy định, tham gia tích cực, sôi nổi hoạt động hiến máu tình nguyện nghĩa tình đồng đội và chung sức cùng cộng đồng cứu người.( Công an nhân dân trang 3)

Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế còn hạn chế

Đã hơn 20 năm, kể từ khi ngành y tế triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) thông qua việc sử dụng phần mềm phục vụ điều trị (bsoft). Cho đến nay, CNTT đã giúp nâng cao năng lực ngành y tế, không chỉ "đỡ đầu" cho việc triển khai và ứng dụng thành công các kỹ thuật cao, mà còn giúp ích cho quá trình cải cách hành chính trong công tác quản lý, điều hành... Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT nói chung vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, hiện nay 100% bệnh viện tuyến trung ương có ứng dụng phần mềm tin học bệnh viện; ở tuyến tỉnh là 68% và tuyến huyện là 61%. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, việc ứng dụng CNTT của các cơ sở khám, chữa bệnh còn yếu, mức độ ứng dụng phần mềm chưa cao và chưa thể kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa các bệnh viện. Hầu hết hệ thống CNTT tại các bệnh viện hiện nay chưa hoàn chỉnh và chưa thống nhất ở tất cả các khâu, trong đó có quy trình khám, chữa bệnh và công tác quản lý, điều hành. Chính vì vậy, chưa có sự kết nối về dữ liệu quản lý người bệnh cũng như quy trình khám, chữa bệnh.

Đến nay, việc đầu tư ứng dụng CNTT trong ngành y tế vẫn manh mún, dàn trải và chưa có quy hoạch tổng thể. Các chuẩn thông tin y tế chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, do đó nhiều đơn vị đã không thành công khi triển khai ứng dụng CNTT ở cơ sở. Để đưa ứng dụng CNTT vào y tế đạt hiệu quả cao còn phụ thuộc vào chi phí, vốn, nhân lực, cơ sở hạ tầng... GS, TS Phạm Minh Thông, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, gần một năm nay, bệnh viện đã kết hợp với Tập đoàn FPT xây dựng hệ thống quản lý bệnh viện (Hospital Information Management System - HIS), tuy nhiên hệ thống này cũng chưa bao gồm quản lý bệnh án điện tử của người bệnh và cũng chưa thể triển khai hết ở khoa khám bệnh. Ngay cả việc phát thẻ cung cấp mã ID cho người bệnh cũng chỉ triển khai ở bộ phận khám bệnh theo yêu cầu. Do đó, các doanh nghiệp CNTT cần dùng chung một bộ mã có thể kết nối chung với các bệnh viện, bảo hiểm..., từ đó giúp người bệnh (khi đã được cấp mã) có thể khám bệnh trên toàn quốc và mã số đó sẽ theo người bệnh suốt đời. Đồng thời, bệnh viện sẽ quản lý được bệnh án của người bệnh (với hệ thống lưu trữ hình ảnh là phim chụp về tình trạng sức khỏe, kèm hồ sơ bệnh án điện tử)... Tuy nhiên, hiện nay, giá dịch vụ y tế chưa tính chi phí dành cho CNTT, cũng như tất cả các khoản chi chưa có khoản chi riêng cho CNTT. Vì vậy muốn ứng dụng CNTT phải lấy tiền đầu tư của bệnh viện. Để giải quyết bài toán này, trong khi nguồn lực của ngành y tế hạn hẹp thì giải pháp đầu tiên được tính tới là triển khai dịch vụ thuê ứng dụng CNTT. Có nghĩa là các doanh nghiệp viễn thông, CNTT có thể thực hiện đầu tư thiết bị, cung cấp giải pháp và cho các bệnh viện thuê lại.

Nhưng hiện nay, các hãng, công ty phần mềm vẫn chưa sẵn sàng cho dịch vụ thuê phần mềm trong y tế...

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong ngành y tế, nhiều chuyên gia CNTT cho rằng, cần xây dựng một chuẩn chung về tất cả các lĩnh vực trong y tế. Ở các nước như Nhật Bản hay Hàn Quốc, việc kết nối dữ liệu thông tin người bệnh chưa kết nối toàn quốc mà chỉ mới kết nối theo vùng hay chỉ kết nối trong nội bộ bệnh viện. Vì vậy, với mô hình khám, chữa bệnh hiện nay, cần có các tuyến kết nối ứng dụng CNTT trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế gồm tuyến xã, huyện, tỉnh, thành phố, trung ương và nếu có bệnh án điện tử thì toàn bộ thông tin sẽ được chia sẻ giữa các tuyến.

Ông Lý Đức Đoàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống thông tin GMC, Tập đoàn FPT cho biết, cần phải kết nối dữ liệu với 100% các cơ sở khám, chữa bệnh đang sử dụng phần mềm quản lý của chín nhà cung cấp khác nhau. Không thể có phần mềm dùng chung cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh nhưng ít nhất có danh mục mã dùng chung, thống nhất; tiếp đó là tiêu chuẩn về dữ liệu đầu ra của hệ thống thông tin quản lý khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều thách thức trong việc triển khai ứng dụng CNTT trong ngành y tế như: các cán bộ y tế cấp huyện, xã vẫn chưa thật sự thông thạo CNTT...

Hiện nay, việc ứng dụng CNTT đều do các bệnh viện tự làm, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động này còn ít và gặp nhiều vướng mắc. Bộ Y tế cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động ngành, nhanh chóng đưa ra hướng dẫn để doanh nghiệp CNTT có thể thực hiện đầu tư thiết bị, cung cấp giải pháp và cho các bệnh viện thuê lại. Có như vậy thì trong tương lai mới tạo được những chuyển biến tốt hơn về hoạt động ứng dụng CNTT trong ngành y tế.( Nhân dân trang 5)

Xây dựng Chiến lược quốc gia về an ninh y tế toàn cầu

Hội thảo tham vấn xây dựng Chiến lược quốc gia cho Việt Nam về an ninh y tế toàn cầu nhằm tăng cường khả năng phòng, chống và ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm mới nổi một cách hiệu quả trong xu thế toàn cầu hóa vừa diễn ra tại Vĩnh Phúc. Việt Nam là một trong hai quốc gia đầu tiên triển khai thí điểm Dự án An ninh Y tế toàn cầu của chính phủ Hoa Kỳ…( Nhân dân trang 5)

Phát động chiến dịch “Cái ôm đầu tiên” để giảm tử vong trẻ sơ sinh

Sáng 17-7, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới phát động chiến dịch “Cái ôm đầu tiên” tại Việt Nam, nêu bật các bước đơn giản có thể cứu sống hàng nghìn trẻ sơ sinh và ngăn ngừa hàng trăm nghìn ca biến chứng mỗi năm, nguyên nhân bởi các thực hành có hại hoặc lỗi thời trong chăm sóc trẻ sơ sinh ở Việt Nam.

Trong hai thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi trong tháng đầu sau sinh, đạt mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ trẻ tử vong.( Nhân dân trang 5, Hà Nội mới trang 7)

Sẽ tiêm vắc xin phòng bạch hầu cho người dân vùng dịch

Liên quan kết luận của Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế Quảng Nam về ổ dịch bạch hầu là nguyên nhân khiến 3 người tử vong (từ ngày 9 đến 12-7) tại xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam), Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, trong nhiều năm qua, trên cả nước không ghi nhận ca mắc bạch hầu ở trẻ nhỏ.

Tuy nhiên, hai năm gần đây vẫn ghi nhận rải rác ổ dịch nhỏ (1 ca bệnh/ổ dịch) tại một số địa phương như: Nghệ An, Gia Lai. Các ca bệnh là người lớn, thuộc đối tượng chưa tiêm vắc xin.

Cũng theo ông Trần Đắc Phu, bạch hầu rất dễ lây lan qua đường hô hấp, đặc biệt nguy hiểm bởi có thể người lành mang trùng không có biểu hiện bệnh nhưng vẫn là nguồn lây, khiến dịch bùng phát.

Bộ Y tế đã chỉ đạo các chuyên gia của Viện Pasteur Nha Trang, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia hỗ trợ chuyên môn, cung cấp đầy đủ vắc xin để sẵn sàng cho chiến dịch tiêm phòng vắc xin bạch hầu cho tất cả người dân của xã Phước Lộc.

Trước đợt tiêm vắc xin này, ngành y tế địa phương đã cấp kháng sinh uống phòng cho người dân toàn xã.( Hà Nôi mới trang 5)

MEDIC sử dụng hệ thống xét nghiệm tự động đầu tiên ở ASEAN

Ngày 17/7, Trung tâm chẩn đoán Y khoa MEDIC (TP.HCM) cho hay đã nâng cấp, tự động hóa hoàn toàn hệ thống xét nghiệm tự động Aptio™.

Bên cạnh đó, MEDIC cũng đưa vào sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu mới nhất của Siemens CentraLink™, góp phần quản lý hiệu quả mẫu xét nghiệm, tự động xác minh, truy cập mẫu nhanh chóng và chủ động kiểm soát chất lượng tại phòng xét nghiệm.

Theo đại diện trung tâm này cho hay, việc nâng cấp giúp MEDIC đủ năng lực thực hiện 1.500 xét nghiệm/giờ vào thời gian cao điểm. Phục vụ khoảng 2.000 – 3,000 bệnh nhân mỗi ngày.

“Hiệu suất phòng xét nghiệm có thể đạt khoảng 25.000 xét nghiệm mỗi ngày trong khi thời gian trả kết quả xét nghiệm sinh hóa và miễn dịch giảm từ 60 phút còn 20 đến 30 phút”-đại diện MEDIC cho biết thêm.

Được biết, MEDIC là cơ sở y tế đầu tiên tại Việt Nam và cũng là đầu tiên trong khu vực ASEAN lắp đặt hệ thống xét nghiệm tự động Aptio™. Hệ thống Aptio™ là giải pháp linh hoạt giúp thay đổi cách thức vận hành phòng xét nghiệm bằng cách kết hợp quy trình hiện đại bậc nhất với hiệu suất cao và công nghệ thông minh.(  Thanh niên trang 2)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang