Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 18/7/2018

  • |
T5g.org.vn - 30% số ca tử vong ở Việt Nam do bệnh tim mạch; Hệ thống chăm sóc sức khỏe y dược cổ truyền ngày càng mở rộng; 84% người bệnh rất hài lòng với chất lượng khám, chữa bệnh

 

84% người bệnh rất hài lòng với chất lượng khám, chữa bệnh

Trong 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII, thành phố đã đặc biệt quan tâm đến hệ thống y tế cơ sở các huyện ngoại thành. Tổng kinh phí đầu tư cho các trạm y tế xã, các bệnh viện huyện lên tới 2.135 tỷ đồng…Bệnh viện tuyến huyện  thực hiện được kỹ thuật cao

Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh là một trong những bệnh viện huyện của Hà Nội được đầu tư xây dựng mới trong 10 năm qua, sau khi Mê Linh thực hiện chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính từ một huyện của tỉnh Vĩnh Phúc hợp nhất về Hà Nội vào năm 2008. Với cơ sở hạ tầng rất khang trang, trang thiết bị y tế ngày càng hiện đại, lượng người bệnh tin tưởng đến khám, nhất là điều trị nội trú tại đây đã tăng nhanh.

Bà Hoàng Thị Đặt (Mê Linh, Hà Nội) là một trong những bệnh nhân thường xuyên phải vào viện khám chữa bệnh, chia sẻ, từ khi Bệnh viện Đa khoa Mê Linh được xây mới, từ khu vực chờ khám rộng rãi, có quạt mát, hàng ghế ngồi mới, nhà vệ sinh cũng sạch sẽ hơn, khiến bà và những người bệnh khác rất hài lòng, khác hẳn với tình trạng chật chội như cơ sở cũ.  

Cảm nhận của người bệnh có thể chỉ đơn giản là cơ sở hạ tầng như bà Đặt nêu ra, song sự thay đổi về chất lượng khám chữa bệnh mới là yếu tố then chốt giúp tỷ lệ người bệnh chuyển tuyến đã giảm nhiều so với trước đây.

Bác sĩ Đặng Trung Kiên, khoa Chẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện Đa khoa Mê Linh chia sẻ, từ khi được đầu tư hệ thống máy móc mới, rất hiện đại trong chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ của bệnh viện đã có thể chẩn đoán tốt được những bệnh mà “trước đây rất khó chẩn đoán chính xác”.

Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, vốn là bệnh viện hạng 2 của tỉnh Hà Tây (cũ), cũng đã được nâng cấp, cải tạo rất nhiều trong 10 năm qua và trở thành 1 trong 3 bệnh viện hạng 1 của thành phố Hà Nội.

Bác sĩ Trần Ngọc Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, bệnh viện đã có sự thay đổi “cả về lượng lẫn chất” cao hơn hẳn, đặc biệt là chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ không ngừng được cải thiện.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung nêu rõ, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, hệ thống y tế cơ sở ngày càng được củng cố, tăng cường và đổi mới, chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ngày càng cao, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống người dân khu vực ngoại thành.

Đặc biệt, đến nay các bệnh viện đa khoa tuyến huyện của Hà Nội đều đã đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh thông thường của nhân dân trên địa bàn, nhiều bệnh viện đã thực hiện được kỹ thuật vượt tuyến, kỹ thuật cao.

Hiện nay, 100% bệnh viện huyện đã thực hiện mổ nội soi, nhiều bệnh viện đã thực hiện được mổ sọ não… Nhờ đó, số bệnh nhân nội trú vượt tuyến, chuyển tuyến lên tuyến trên đã có xu hướng giảm đáng kể.

84% người bệnh hài lòng

Nhìn lại năm 2008, sau khi hợp nhất về Hà Nội, hệ thống y tế cơ sở ở khu vực các huyện ngoại thành của Hà Nội, bao gồm cả các trạm y tế xã, thị trấn lẫn bệnh viện huyện, phòng khám đa khoa khu vực còn rất hạn chế. Vì thế, việc đầu tư nâng cấp mạng lưới y tế cơ sở được thành phố xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm suốt 10 năm qua.

Đến nay, các bệnh viện huyện của Hà Nội đều đã được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại. Một số bệnh viện được đầu tư và nâng cấp mở rộng như Bệnh viện Thạch Thất, Chương Mỹ, Quốc Oai, Vân Đình.

Nhiều bệnh viện xây mới như Bệnh viện Sóc Sơn, Đông Anh, Phúc Thọ và Gia Lâm. Hiện thành phố cũng đang triển khai xây dựng mở rộng Bệnh viện huyện Ba Vì và chuẩn bị cho công tác đầu tư Bệnh viện huyện Thường Tín.

Ông Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ năm 2008 đến hết 2017, tổng cộng có tới 24 bệnh viện huyện, trung tâm y tế (TTYT) huyện ở khu vực ngoại thành Hà Nội được xây dựng mới với tổng kinh phí lên tới trên 1.282 tỷ đồng. Đồng thời, có 24 bệnh viện, TTYT huyện được nâng cấp với tổng kinh phí trên 374 tỷ đồng; 77 trạm y tế xã, phường, thị trấn được xây dựng mới với tổng kinh phí gần 420 tỷ đồng…

12/18 bệnh viện tuyến huyện được đầu tư xây dựng tòa nhà kỹ thuật từ 5 đến 9 tầng. Các phòng khám đều được nâng cấp, có 10 phòng khám được xây mới. Cùng đó, từ 2008 đến 2017, tổng kinh phí mà Hà Nội đã đầu tư cho trang thiết bị y tế tuyến cơ sở lên tới 500 tỷ đồng… Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho y tế cơ sở của thành phố từ 2008 đến nay là trên 2.135 tỷ đồng.

Kết quả của sự đầu tư nói trên thể hiện rõ nhất qua số lượt khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện ngày càng tăng, công suất sử dụng giường bệnh đều trên 100%...

Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, qua khảo sát năm 2017, tỷ lệ bệnh nhân hài lòng và rất hài lòng với chất lượng khám chữa bệnh ở cả bệnh viện công lập và bệnh viện tư của thành phố là 84%; tỷ lệ này ở khu vực điều trị nội trú còn cao hơn, lên tới 91%.

“Chúng tôi cho rằng, chỉ số đánh giá sự hài lòng người bệnh chính là thước đo chất lượng khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám chữa bệnh” – bà Hà nói. (An ninh thủ đô, trang 3).

 

Hệ thống chăm sóc sức khỏe y dược cổ truyền ngày càng mở rộng

Ngày 17-7, Bộ Y tế tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới. Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị, đã làm thay đổi nhận thức của toàn hệ thống chính trị về vị trí, vai trò của y, dược cổ truyền (YDCT) trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hệ thống chăm sóc sức khỏe YDCT ngày càng được mở rộng và phát triển ở các tuyến; công tác đào tạo nhân lực được chú trọng. Hiện nay, hệ thống khoa và tổ y học cổ truyền trong bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đạt 82,3%; tuyến huyện đạt 93,31%, tỷ lệ trạm y tế xã khám, chữa bệnh y học cổ truyền tăng 23,99% so với năm 2008... Tuy nhiên, còn những hạn chế như: thiếu nhân lực tại cơ quan quản lý; một số sở y tế chưa có cán bộ chuyên trách về YDCT; chưa có cơ chế tài chính đặc thù cho các bệnh viện y học cổ truyền; kinh phí chi cho mua dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền tại các bệnh viện quá ít;...

Để phát triển y học cổ truyền thời gian tới, Bộ Y tế cho rằng, cần xây dựng Luật YDCT; ưu tiên bố trí nguồn nhân lực để kiện toàn hệ thống quản lý ở các cấp; bảo đảm tài chính cho các chương trình, dự án (Nhân dân, trang 1).

 

30% số ca tử vong ở Việt Nam do bệnh tim mạch

Ngày 17-7, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam tổ chức triển khai Dự án tăng cường quản lý tăng huyết áp, đái tháo đường tại trạm y tế xã và truyền thông giảm muối ăn. Theo ông Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, hiện nay, bệnh tim mạch là bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất ở Việt Nam gây ra 30% số ca tử vong trên toàn quốc. Trong khi đó, tăng huyết áp và đái tháo đường là nguyên nhân chính gây ra các bệnh tim mạch. Ước tính cả nước hiện có 12 triệu người tăng huyết áp, nhưng mới phát hiện được 43% và chỉ 14% được quản lý điều trị.

Với bệnh đái tháo đường, Việt Nam có hơn 3 triệu người mắc song chỉ mới phát hiện được 31% và quản lý điều trị khoảng 29%. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh lý kể trên bao gồm hút thuốc, uống rượu bia, ăn ít rau, ăn nhiều muối cũng như thiếu hoạt động thể lực. Đáng lưu ý, mức độ sử dụng muối chính là yếu tố quan trọng gây ra các bệnh lý không lây nhiễm. Tại Việt Nam, mức độ sử dụng muối trung bình cao gần gấp 2 lần so với khuyến cáo của WHO.

Trước tình hình trên, TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, WHO đã và đang hỗ trợ Việt Nam giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Đặc biệt, WHO đang hỗ trợ nâng cao năng lực cho các trạm y tế xã của 11 tỉnh thành trong điều trị quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường. Trong thời gian tới, dự án sẽ hỗ trợ đợt 2 cho 10 tỉnh, thành phố tiếp theo (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang