Đại hội Thi đua yêu nước ngành y tế lần thứ VI: Tiếp thêm động lực để các phong trào thi đua lan tỏa sâu rộng hơn
Ngày 17/9, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội (ĐH) Thi đua yêu nước ngành y tế lần thứ VI với chủ đề “Đổi mới - Năng động - Sáng tạo - Hiệu quả vì sức khỏe nhân dân”. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương đã đến dự và chia vui với cán bộ ngành y tế. Về phía ngành y tế có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, các đồng chí lãnh đạo Bộ đương nhiệm, tiền nhiệm và 1.200 đại biểu tiêu biểu đại diện cho các tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua, các điển hình tiên tiến của ngành y tế trên mọi miền Tổ quốc đã về dự ĐH...
Công tác thi đua khen thưởng đổi mới cả về nội dung và hình thức
Phát biểu tại ĐH, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, 5 năm qua, công tác thi đua khen thưởng của ngành y tế đã có những bước đổi mới cả về nội dung và hình thức với nhiều hoạt động thi đua được tổ chức thường xuyên, liên tục, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của ngành. Các hoạt động thi đua được tổ chức thường xuyên liên tục, vận dụng sáng tạo, phong phú thuộc các lĩnh vực y tế dự phòng, khám chữa bệnh, dược, an toàn thực phẩm, bảo hiểm y tế, dân số - sức khỏe bà mẹ trẻ em..., góp phần tích cực vào thành công của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. “Nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến của ngành y tế đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế ghi nhận, tuyên dương và trao tặng các danh hiệu, phần thưởng cao quý. Phong trào thi đua yêu nước của toàn ngành y tế trong thời gian qua thực sự đã trở thành động lực phát triển, góp phần quan trọng hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu được đề ra trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2011 - 2015” - Bộ trưởng khẳng định.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, trong những năm gần đây ngành y tế đã nỗ lực và đã có những bước đổi mới. Sự quá tải của các bệnh viện tuyến cuối đã giảm rõ rệt. Nỗ lực của cả hệ thống đã ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập nước ta, khống chế không để dịch nội địa bùng phát thành dịch lớn. Nhiều công trình bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện đã và đang hình thành gắn với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và ban hành các tiêu chí chất lượng bệnh viện, đặc biệt là toàn ngành đang đổi mới tư duy từ ban ơn chuyển sang phục vụ, tiến tới sự hài lòng của người bệnh.
Song song với cải tiến quy trình khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã rất quyết liệt trong việc thực hiện “giám sát” cán bộ y tế thông qua hệ thống đường dây nóng được thực hiện ở 3 cấp trên toàn quốc đã bước đầu góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Đại hội xác định trong giai đoạn 2016-2020, ngành y tế tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong toàn thể cán bộ về ý nghĩa, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch, chỉ tiêu nhiệm vụ chính trị trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Toàn ngành tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong, nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực, hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và thói quen giữ gìn sức khỏe của nhân dân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những nỗ lực của ngành y tế đã được nhân dân ghi nhận
Phát biểu tại ĐH, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhiệt liệt biểu dương những đóng góp to lớn của ngành y tế trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; chúc mừng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được trao tặng các danh hiệu thi đua tại ĐH.
Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả ngành y tế đã đạt được trong các phong trào thi đua yêu nước những năm qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cùng với cả nước, ngành y tế đã luôn nỗ lực vươn lên, công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, các chỉ tiêu về y tế cơ bản đều được cải thiện đáng kể, năng lực kiểm soát, phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm được tăng cường, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, công tác đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ đạt được nhiều kết quả. Những nỗ lực và tiến bộ của ngành y tế trong phòng, khám chữa bệnh, quản lý thuốc, phát triển dược liệu, tài chính y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác dân số, bảo vệ bà mẹ trẻ em... được nhân dân ghi nhận và hoan nghênh. Những ý kiến đóng góp của nhân dân về những bất cập, tồn tại được ngành trân trọng tiếp thu và triển khai nhiều giải pháp để khắc phục, cải tiến đã góp phần làm sáng thêm hình ảnh của những người mặc áo blu trắng Việt Nam. Khẳng định ĐH Thi đua yêu nước ngành y tế lần thứ VI sẽ tiếp thêm nguồn động lực để các phong trào thi đua của ngành lan tỏa sâu rộng hơn trong toàn ngành và xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn cán bộ, công nhân viên chức ngành y tế tiếp tục khắc phục nhanh chóng, căn bản, bền vững những bất cập đã được nhân dân góp ý, nhất là liên quan đến y đức, thủ tục hành chính và những vấn đề không cần kinh phí đầu tư lớn... Mỗi cán bộ ngành y tế cần nỗ lực phát huy truyền thống vẻ vang và sự nghiệp cao cả của ngành và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân... (Sức khỏe đời sống (trang 1), Gia đình & xã hội (trang 7))
Đẩy mạnh xã hội hóa y tế: Giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện
Tại hội nghị về đẩy mạnh xã hội hóa (XHH) và kết hợp công - tư trong hoạt động khám chữa bệnh (KCB) theo Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15-12-2014 của Chính phủ, vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, mặc dù ngành Y tế đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, đầu tư rất lớn nhưng số giường bệnh trên số dân hiện mới đạt tỷ lệ 24 giường bệnh/10.000 dân, thấp hơn nhiều so với khuyến nghị của các tổ chức quốc tế. Do đó, tình trạng bệnh nhân nằm ghép vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều bệnh viện (BV).
Cần thêm khoảng 9.000 giường bệnh
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ năm 2008 đến nay, cả nước đã có 610/760 BV từ tuyến trung ương đến tuyến tỉnh, tuyến huyện được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Cùng với đó, nhiều BV đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Đến nay đã có 9 BV như: Hữu nghị Việt-Đức, Phụ sản trung ương, Nội tiết, Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh... vay vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam với số tiền khoảng 1.450 tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị. Cùng với đó, đã có 31 Sở Y tế và 16 BV trực thuộc Bộ Y tế triển khai đề án liên doanh, liên kết lắp đặt trang thiết bị y tế tại BV công với số vốn hơn 2.796 tỷ đồng. Ngoài ra, một số tỉnh đã triển khai và hoàn thành việc đầu tư theo hình thức đối tác công - tư như BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai, BV Đa khoa tỉnh Tiền Giang.
Công tác XHH, hợp tác để xây dựng cơ sở hạ tầng trong BV công bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Ông Trần Ngọc Lương, Giám đốc BV Nội tiết trung ương cho rằng, trước đây cơ sở vật chất, trang thiết bị tại BV rất nghèo nàn. Nhờ dự án đầu tư cơ sở 2 với nguồn vốn gồm khoảng 25% do Nhà nước cấp, 63% vay ngân hàng và 12% huy động từ các nguồn vốn khác, BV khang trang hơn, có nhiều thiết bị hiện đại, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và điều trị chất lượng cao. Hằng ngày, tại đây tiếp nhận khoảng 750-800 bệnh nhân đến khám ngoại trú, lượng bệnh nhân điều trị nội trú dao động trong khoảng từ 550 đến 600 bệnh nhân, cảnh quá tải, nằm ghép giảm hẳn.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong quý I/2016, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm 5 BV tuyến trung ương được đưa vào sử dụng. Dù vậy, cơ sở hạ tầng của ngành Y tế hiện nay vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu KCB của người dân. Cụ thể, tỷ lệ giường bệnh còn quá thấp, mới đạt 24/10.000 dân, trong khi đó, theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, tỷ lệ cần đạt được là 39 giường/10.000 dân. Hầu hết các BV đều có công suất sử dụng giường bệnh cao, do chưa được đầu tư mở rộng từ năm 1975 đến nay, trong khi dân số và nhu cầu KCB của người dân ngày càng tăng. Do đó, tình trạng bệnh nhân nằm ghép là tất yếu và là hiện tượng phổ biến ở nhiều BV. "Nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế, trong khi đó, trong vòng 5 năm tới, nhu cầu của ngành là có thêm 8.000-9.000 giường bệnh (tương đương với 8-9 BV quy mô 1.000 giường bệnh). Ngành Y tế kêu gọi các nhà đầu tư, khuyến khích mô hình XHH để tạo thêm nguồn đầu tư cho phát triển y tế, có thể triển khai các mô hình liên doanh BV công và tư nhân; vay vốn mua sắm trang thiết bị...", Bộ trưởng Y tế cho biết thêm.
Kiểm soát việc sử dụng thiết bị từ nguồn xã hội hóa
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho rằng, trong khi nhiều BV chưa được đầu tư, thiếu cơ sở chăm sóc KCB chuyên khoa và KCB cho người cao tuổi thì một số đơn vị lại sử dụng chưa hợp lý các trang thiết bị y tế được đầu tư từ nguồn XHH, dẫn đến tình trạng cung ứng dịch vụ quá mức cần thiết. Còn có đơn vị chưa thực hiện đúng quy trình XHH theo các văn bản hướng dẫn, chưa quan tâm đầy đủ đến công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện quy chế dân chủ...
Về vấn đề trên, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Minh Thảo đánh giá, XHH là chủ trương đúng, góp phần giải quyết nguồn vốn, phát triển dịch vụ y tế nhằm đáp ứng nhu cầu KCB của người dân. Tuy nhiên, Bộ Y tế cần kiểm soát chất lượng và giá cả của các trang thiết bị nhằm tạo tiền đề để các BV tin tưởng, chấp nhận kết quả chụp chiếu, xét nghiệm của nhau, giúp người bệnh tiết kiệm thời gian, tiền bạc.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Thảo, trong số hơn 2.000 máy được mua từ nguồn XHH trên cả nước, có 38% được triển khai mua mà không có đề án được phê duyệt, các BV tự lắp đặt rồi gửi thông báo để BHXH thanh toán. Tuần trước, lãnh đạo BHXH Việt Nam đã kiểm tra tại một BV ở Quảng Ninh do bội chi Quỹ BHYT quá lớn, xác định chi phí cho xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh tại BV này chiếm đến gần 40% chi phí cho KCB trong khi tỷ lệ này của cả nước là trên 20%. Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, việc kết hợp công-tư cần được giám sát chặt chẽ nhằm tăng khả năng khai thác hiệu quả nguồn lực, tránh tình trạng kết hợp công-tư để phục vụ cho một bộ phận vì lợi ích nhóm, thiếu minh bạch, biến tài sản của Nhà nước thành của tư nhân. (Hà nội mới (trang 1)
Duy trì đường dây nóng hướng dẫn phòng bệnh sốt xuất huyết
Tại Hội nghị “Đẩy mạnh xã hội hóa và kết hợp công tư trong hoạt động khám chữa bệnh theo Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ” do Bộ Y tế tổ chức ngày 16/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh vai trò của việc xã hội hóa y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, tuy nhiên từ thực tiễn xã hội hóa này cũng đã phát sinh những vấn đề cần được tháo gỡ...
Xã hội hóa y tế: Hướng đi đúng?
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Trong những năm qua, ngành y tế đã được Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh từ Trung ương đến địa phương bằng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA và các nguồn vốn khác. Từ năm 2008 đến nay, cả nước đã có 610/760 bệnh viện (BV) từ tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và từng bước hoàn thành đưa vào sử dụng để phục vụ bệnh nhân.
Tuy nhiên, hiện nay cơ sở hạ tầng của ngành y tế vẫn chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Tỷ lệ giường bệnh trên vạn dân còn thấp, hiện mới đạt 24 giường bệnh/10 vạn dân trong khi theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế phải là 39/10 vạn dân. Hầu hết các BV đều có công suất sử dụng giường bệnh cao do chưa được mở rộng từ năm 1975 đến nay. Số giường bệnh nhiều chuyên khoa như tim mạch, ung bướu, chấn thương, sản nhi,... còn thấp so với nhu cầu và cơ cấu bệnh tật. Cơ sở vật chất y tế tuyến cơ sở xuống cấp, trang thiết bị y tế thiếu, lạc hậu, không đồng bộ, gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế. Vì thế, trong điều kiện nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hạn chế, giải pháp huy động các nguồn lực từ xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hợp tác về quản lý, nâng cao chất lượng của hệ thống y tế đang được kỳ vọng sẽ mang lại những hiệu quả khả quan. Nguyên tắc tự chủ, công khai minh bạch, tránh xung đột lợi ích, lợi ích nhóm, phải đặt bệnh nhân làm trung tâm.
Theo ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), việc vay vốn, hợp tác để xây dựng cơ sở hạ tầng trong BV công bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp hoàn thành, đưa vào sử dụng sớm nhiều cơ sở y tế như: Viện Huyết học - Truyền máu TW, BV Răng Hàm Mặt TW TP. Hồ Chí Minh, BV TW Huế, BV Tai Mũi Họng TW, BV Việt Đức... từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách và giảm quá tải BV.
Ngoài ra, việc liên doanh, liên kết đã đạt được một số kết quả tích cực như phát triển nhiều kỹ thuật mới, trang bị được nhiều loại thiết bị hiện đại, tiên tiến như hệ thống PET.CT, CT-Scanner các loại (có cả loại 256, 128 và 64 lớp cắt), hệ thống cộng hưởng từ, máy gia tốc tuyến tính, các thiết bị tán sỏi ngoài cơ thể, mổ Phaco, siêu âm màu, máy xét nghiệm các loại... giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị, phát hiện sớm, chính xác bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong.
Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đã được thực hiện, làm cho trình độ kỹ thuật về y tế của Việt Nam đang dần tiến bộ ngang với các nước tiên tiến trong khu vực. Người dân, trong đó có người nghèo, cận nghèo, trẻ em, đối tượng chính sách cũng được hưởng lợi vì được sử dụng các dịch vụ này, kể cả các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn và được BHYT thanh toán.
Liên kết công - tư: Nơi mặn mà, nơi thờ ơ
Đánh giá cao vai trò của xã hội hóa y tế, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã chỉ ra hàng loạt khó khăn của BV tư trong thời gian qua. Hiện cả nước có 171 BV tư nhân với gần 11.000 giường bệnh. Trong đó chỉ có 37 BV có quy mô trên 100 giường bệnh trở lên. Đáng lưu ý, chỉ có 5 BV tư có công suất 100% trở lên, số còn lại chỉ đạt 40-50% công suất, cá biệt có BV chỉ đạt khoảng 20%. “Tôi rất chia sẻ với các bệnh viện tư khi công suất hoạt động thấp, khó khăn trong thanh toán BHYT và tâm lý người dân chưa thực sự tin tưởng”, Bộ trưởng nói.
Trước thực trạng trên, nhiều BV tư nhân phía Nam đã phải liên kết, trở thành BV vệ tinh của các BV công lập lớn để tồn tại. Đó là BV Hồng Ngọc, BV Thành Đô trở thành BV vệ tinh của BV Ung bướu TP.HCM... Tuy nhiên tại các tỉnh phía Bắc, xu hướng liên kết BV công - tư chưa được hình thành, thậm chí chưa được các giám đốc BV mặn mà. “Nghị quyết 93 về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế không ưu tiên cho y tế tư nhân, cơ chế tài chính khó khăn nhưng Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ tối đa về chuyên môn, thương hiệu. Giờ các BV công không hào hứng thì mình phải chủ động đến liên hệ với họ để liên kết”, Bộ trưởng gợi mở.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội bày tỏ băn khoăn về giá các BV thu khi thực hiện xã hội hóa. Có nơi đầu tư hàng trăm tỷ nhưng thu giá gấp 3-4 lần BHYT. Do đó, ông đề nghị Bộ Y tế cần có cơ chế để những BV chủ chốt thực hiện xã hội hóa có thể dùng quỹ BHYT mua lại các khoản nợ đã vay. (Sức khỏe đời sống (trang 3)
30% trẻ mắc bệnh hiếm sẽ tử vong trước 5 tuổi
Tại Diễn đàn về các bệnh hiếm gặp lần đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức ngày 16-9 tại Hà Nội, các bác sĩ bệnh viện (BV) Nhi trung ương cho biết, bệnh hiếm gặp còn gọi là bệnh mồ côi do số người mắc rất hiếm hoi trong cộng đồng. Cụ thể, tần suất mắc bệnh dưới 1/2.000 người nhưng 50% các bệnh hiếm lại xuất hiện từ lứa tuổi trẻ em.
Theo PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi trung ương, hiện thế giới có khoảng 7.000 loại bệnh hiếm khác nhau. Các nhóm bệnh thường gặp như: suy giáp bẩm sinh, tăng sản thượng thận bẩm sinh, loạn dưỡng cơ Duchenne, thoái hóa cơ tủy, xương thủy tinh, hội chứng Turner, hội chứng Prader Willi, tiểu đường sơ sinh, 25 bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh khác nhau của axit amin, axit hữu cơ và axit béo, các bệnh dự trữ thể tiêu bào như Gaucher, MPS, Pompe...; ly thượng bì bẩm sinh di truyền và nhiều bệnh di truyền, bất thường bẩm sinh hiếm gặp khác. Hầu hết các bệnh hiếm là bệnh di truyền nên biểu hiện bệnh suốt đời mặc dù các triệu chứng có thể không xuất hiện ngay.
Hiện trên thế giới có khoảng 60 triệu người mắc bệnh hiếm. Riêng tại BV Nhi trung ương đang chăm sóc, điều trị trên 2.000 bệnh nhân mắc 40 loại bệnh hiếm, số mắc đang có xu hướng tăng lên. Nhiều bệnh nhi mắc các bệnh hiếm khác nhau đã và đang được theo dõi điều trị như: suy giáp trạng bẩm sinh, tăng sản thượng thận bẩm sinh, loạn dưỡng cơ Duchenne, thoái hóa cơ tủy, mơ hồ giới tính…
Điều mà các bác sĩ lo ngại, đó là 30% trẻ mắc bệnh hiếm sẽ chết trước 5 tuổi. Nếu có cơ hội được sống, các em sẽ đối diện với nhiều di chứng và phải chung sống với bệnh suốt đời. Vấn đề khó khăn ở đây là thiếu hiểu biết và thông tin khoa học về bệnh của các bậc phụ huynh dẫn tới chẩn đoán muộn. Trong khi đó, không ít BV gặp khó khăn, thiếu kỹ thuật trong tiếp cận chẩn đoán, điều trị. Bởi vì mỗi nhóm bệnh hiếm có phương pháp điều trị và tiên lượng khác nhau. Thêm vào đó, do tỷ lệ người mắc thấp nên thuốc rất hiếm, khó chẩn đoán. Trong đó, đáng lo ngại nhất là tình trạng thiếu hụt thuốc, sữa dành riêng cho bệnh nhi. Người bệnh buộc phải mua từ nước ngoài nhưng cũng rất đắt đỏ và khó tìm nguồn cung cấp.
Chính vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, với các gia đình có tiền sử mắc bệnh hiếm hoặc đứa con đầu lòng bị bệnh, trước khi quyết định mang bầu đứa con sau, vợ chồng cần khám sức khỏe sinh sản và làm chẩn đoán tiền làm tổ để phát hiện ra những rối loạn trong bào thai để có phương án điều trị kịp thời. (Hà nội mới (trang 1)
40 con giun trong ống mật chủ một thai phụ
Đó là trường hợp của chị Giàng Thị Dủ (23 tuổi, dân tộc H’mông ở Sáng Pao, Xà Hồ, Trạm Tấu, Yên Bái), có thai 6 tuần tuổi. Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân Dủ trong tình trạng nhiễm trùng nặng đường ruột do giun, áp xe gan sau mổ và tắc mật do giun.
Trước đó, chị bị đau bụng thượng vị và liên tục nôn mửa. Bệnh nhân vào BV Nghĩa Lộ, Yên Bái được chẩn đoán viêm túi mật cấp do sỏi, có chỉ định phẫu thuật lấy sỏi trong ống mật chủ. Tuy nhiên khi phẫu thuật, bác sĩ gắp ra 40 con giun trong ống mật chủ, dịch mật có mủ. Sau khi gắp hết giun, các bác sĩ đã chuyển bệnh nhân về BV Bạch Mai để tiếp tục điều trị do tiên lượng nặng.
BV Bạch Mai cho biết đây là một ca bệnh nặng, hiếm gặp và tương đối phức tạp. Kết quả chụp cộng hưởng có hình ảnh áp xe gan, áp xe dưới hoành, nghi còn xác giun trong đường mật, nên bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật để bơm rửa đường mật, lấy hết xác giun, dẫn lưu gan và mật. (Thanh niên (trang 2)
Ngộ độc rượu, 1 người chết, 2 người nguy kịch
Ngày 17.9, Công an H.Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu) tiến hành điều tra nguyên nhân vụ ngộ độc làm 1 người chết và 2 người nguy kịch sau khi uống rượu trên ghe cá của ông Nguyễn Văn Lâm (53 tuổi, ngụ Kiên Giang), neo đậu tại xã Bình Châu (H.Xuyên Mộc).
Theo thông tin ban đầu, khoảng 7 giờ cùng ngày, ông Phạm Tiến Học (54 tuổi) và Trần Văn Phong (45 tuổi, cùng ngụ Kiên Giang) đến ghe cá của ông Lâm để nhậu cùng nhiều bạn ghe khác. Nhậu hơn một giờ đồng hồ thì các bạn ghe nghỉ, chỉ còn ông Lâm, ông Phong và ông Học tiếp tục “tăng hai”. Đến 9 giờ cùng ngày, cả ba nghỉ nhậu, ông Phong và ông Học về lại ghe của mình. Một lát sau, anh Mai Văn Lạm (bạn ghe với ông Lâm) đến ghe ông Lâm thì phát hiện nạn nhân đã tử vong. Anh Lạm đi đến ghe của ông Phong thì thấy cả ông Phong và ông Học nằm trên sàn, miệng sùi bọt mép nên cùng mọi người đưa đi cấp cứu. Các bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa cho hay, cả hai nạn nhân bị ngộ độc ethanol rất nặng, đang được hỗ trợ thở máy. (Thanh niên (trang 2)
Phát hiện 3 ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm
Ngày 17.9, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, đến nay, cả nước đã phát hiện 3 ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm có độc lực cao, lây sang người và có thể gây tử vong tại Vĩnh Long, Ninh Thuận, Sóc Trăng…
Để phòng chống dịch, bệnh cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
“Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời”, Bộ Y tế khuyến cáo. (Sức khỏe đời sống (trang 2)
Duy trì đường dây nóng hướng dẫn phòng bệnh sốt xuất huyết
Đây là yêu cầu của Bộ Y tế đối với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố trước tình hình dịch sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng mạnh trên cả nước.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục tổ chức phổ biến, tập huấn "Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue" tại khoa khám bệnh, khoa hồi sức cấp cứu, khoa nhi, khoa truyền nhiễm...; củng cố và duy trì hoạt động của “Nhóm điều trị sốt xuất huyết Dengue” tại các đơn vị khám, chữa bệnh.
Đồng thời, bảo đảm đáp ứng đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh.
Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện nhi, sản nhi của tỉnh tham gia đầy đủ các lớp tập huấn chuyên sâu về chẩn đoán, điều trị, hồi sức sốt xuất huyết Dengue thể nặng do các bệnh viện tuyến cuối đào tạo theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Các bệnh viện tuyến cuối của hệ thống điều trị sốt xuất huyết gồm bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện đa khoa Trung ương Huế, bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM căn cứ vào các nhiệm vụ đã được Bộ Y tế giao phải tích cực, chủ động trong công tác tập huấn, chỉ đạo tuyến và hỗ trợ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới theo khu vực đã được phân công; tổng hợp các trường hợp tử vong, phân tích nguyên nhân tử vong, tổ chức rút kinh nghiệm và phổ biến kịp thời nhằm hạn chế tối đa các trường hợp tử vong. (Sức khỏe đời sống (trang 2))