Thu phí cách ly y tế tập trung với người nhập cảnh từ 1-9
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về việc thực hiện thu phí cách ly y tế tập trung đối với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, tại Công văn số 7713/VPCP-KTTH ngày 15-9-2020.
Theo đó, trường hợp người nhập cảnh vào Việt Nam có nhu cầu thực hiện cách ly tại khách sạn, resort, cơ sở khác được chọn làm nơi cách ly tập trung và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thì cá nhân tự chi trả các chi phí về ăn, ở, sinh hoạt trong thời gian cách ly cho khách sạn, resort, cơ sở khác theo mức giá do khách sạn, resort, cơ sở khác quy định.
Trường hợp người nhập cảnh vào Việt Nam thực hiện cách ly tập trung tại các doanh trại quân đội, các trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định làm nơi cách ly tập trung phải tự chi trả các chi phí tiền ăn theo mức 80 nghìn đồng/ngày; các chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế là 40 nghìn đồng/ngày.
Yêu cầu tất cả người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam phải mua bảo hiểm y tế quốc tế có phạm vi thanh toán khám, chữa bệnh tại Việt Nam phù hợp với thời gian lưu trú tại Việt Nam.
Đồng thời, tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam phải chấp hành chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 và tự chi trả chi phí xét nghiệm cho cơ sở y tế theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành.
Về chi phí khám, điều trị bệnh Covid-19, đối với người Việt Nam, tiếp tục do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Đối với người nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan sớm báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, sửa đổi khoản 2 Điều 48 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho phù hợp với tình hình thực tế.
Về chi phí khám, điều trị các bệnh khác trong thời gian cách ly y tế tập trung, đối với người có bảo hiểm y tế, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí khám, điều trị trong phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế; cá nhân tự chi trả phần chi phí đồng chi trả của người bệnh và các chi phí ngoài phạm vi hưởng bảo hiểm y tế nếu có.
Đối với người không có bảo hiểm y tế, cá nhân tự chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức giá do cấp có thẩm quyền quy định theo quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh.
Những quy định nêu trên áp dụng đối với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam và thực hiện cách ly tập trung từ ngày 1-9-2020. Riêng về việc thu phí cách ly, chi phí xét nghiệm đối với các trường hợp có nhu cầu thực hiện cách ly tại khách sạn, resort, cơ sở khác được chọn làm nơi cách ly tập trung thì thực hiện từ ngày 24-8-2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 7038/VPCP-KTTH ngày 24-8-2020 của Văn phòng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ: Y tế, Tài chính rà soát các quy định hiện hành để kịp thời trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện các quy định trên; kịp thời hướng dẫn các địa phương giải quyết vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Đồng thời, giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổng hợp các nội dung nêu trên vào dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29-3-2020 của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 báo cáo Chính phủ. Nghiên cứu để trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101//2010/NĐ-CP ngày 30-9-2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho phù hợp.
Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Y tế và các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất mức thu phí lưu trú trong thời gian cách ly tập trung tại các doanh trại quân đội, các trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly tập trung trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét, quyết định.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao các Bộ, Cơ quan: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai việc thông tin để người nhập cảnh vào Việt Nam được biết các quy định nêu trên trước khi nhập cảnh.
Các cơ sở cách ly có trách nhiệm thu phí và tổ chức tốt các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt cho người nhập cảnh. (Nhân dân, trang 8).
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Thực hiện cách ly có thu phí tại khách sạn, resort”; Thanh niên, trang 3: “Thu phí cách ly tập trung với người nhập cảnh từ 1.9”; Hà Nội mới, trang 7: “Thu phí cách ly y tế tập chung với người nhập cảnh từ 1-9”; Tiền phong, trang 2: “Thu phí cách ly tập trung với người nhập cảnh từ 1/9”; Công an Nhân dân, trang 4: “Thực hiện thu phí cách ly tập chung với người nhập cảnh từ 1-9”; Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Thực hiện thu phí cách ly y tế tập trung với các trường hợp nhập cảnh ”; Tuổi trẻ, trang 4: “Người nhập cảnh phải trả phí cách ly 120.000đ/ngày”
Bình Phước: Khánh thành bệnh viện đa khoa 600 giường
Ngày 17-9, tại TP Đồng Xoài, UBND tỉnh Bình Phước đã tổ chức lễ khánh thành công trình nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Bình Phước từ 300 lên 600 giường bệnh.
Đây là công trình dân dụng - công trình y tế cấp II được xây dựng trong khuôn viên BVĐK tỉnh cũ (tọa lạc tại phường Tiến Thành, TP Đồng Xoài) do Ban Quản lý dự án tỉnh làm chủ đầu tư với tổng trị giá 700 tỷ đồng.
Công trình gồm có các hạng mục: Xây mới khối nhà khám và điều trị công suất 315 giường bệnh với diện tích sàn gần 29.000m2 (gồm khu khám đa khoa, điều trị ngoại trú, cấp cứu, hồi sức tích cực, chống độc, chẩn đoán xét nghiệm, thăm dò chức năng…) và nâng cấp một số công trình phụ trợ như sân, đường bêtông, hệ thống cấp thoát nước, vườn hoa cây xanh.
BVĐK tỉnh Bình Phước được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2002 với quy mô thiết kế ban đầu 300 giường nhưng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, do đó, công trình nâng cấp đi vào hoạt động sẽ khắc phục tình trạng quá tải giường bệnh trong nhiều năm qua, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. (Sài Gòn giải phóng, trang 6).
Điểm chuẩn trường sư phạm, y dược có cận điểm sàn?
Bộ GD-ĐT đã công bố ngưỡng đảm bảo đầu vào chung cho khối ngành sức khỏe, sư phạm, nhưng một số trường cho biết sẽ tổ chức cuộc họp để quyết định điểm nhận hồ sơ cho trường trong hôm nay (18.9).
Trước khi hội đồng tư vấn họp, lãnh đạo một số trường khối y dược cho rằng do phổ điểm các môn khối B năm nay đều cao hơn năm ngoái, nên điểm sàn khối ngành sức khỏe sẽ có sự chuyển dịch tương ứng. Mức tương ứng này được hiểu là cao hơn từ 2 - 3 điểm.
Điểm chuẩn y khoa dự kiến cao hơn sàn rất nhiều
PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y - Dược TP.HCM, cho rằng mức điểm sàn các ngành sức khỏe năm nay được xác định cao hơn 1 điểm so với 2019. Mức điểm này có thể nói là phù hợp trên cơ sở phổ điểm thi năm nay và tổng thể các trường tham gia xét tuyển khối ngành này trong cả nước. Cũng theo ông Khôi, trong hôm nay trường sẽ công bố mức điểm thấp nhất nhận hồ sơ, nhưng điểm chuẩn dự kiến sẽ cao hơn nhiều với ngưỡng đảm bảo đầu vào của Bộ.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, Phó trưởng khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM), đã công bố điểm sàn chính thức, cụ thể: y khoa chất lượng cao và răng - hàm - mặt chất lượng cao 22 điểm, dược học chất lượng cao 21 điểm.
Tương tự, Trường ĐH Tân Tạo cũng đã xác định điểm sàn các ngành bằng với ngưỡng chung của bộ gồm: y khoa 22 điểm, điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm y học 19 điểm.
Định điểm sàn phải xét trên tổng thể
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), các mức sàn trên được 100% thành viên hội đồng tư vấn điểm sàn đồng ý. Việc xét để chọn phương án điểm sàn được các hội đồng tư vấn xét trên nhiều yếu tố, toàn diện và tổng thể, phải đảm bảo hài hòa ý kiến của các thành viên mà họ đại diện cho đa dạng loại hình trường (công lập, ngoài công lập), đa dạng địa bàn.
Chẳng hạn, với khối ngành sức khỏe, một số trường còn đề xuất giữ nguyên mức điểm như năm ngoái, vì thực tế tuyển sinh cho thấy có một số ngành, một số trường năm ngoái cũng đã gặp khó khăn. Vì thế, việc biểu quyết tăng mức điểm sàn so với năm ngoái 1 điểm là hội đồng tư vấn đã nghĩ đến yếu tố đảm bảo chất lượng trong bối cảnh phổ điểm năm nay cao hơn năm ngoái.
Trao đổi với Thanh Niên, GS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết ủng hộ phương án chỉ tăng điểm sàn 1 điểm so với năm ngoái. “Điểm sàn này với Trường ĐH Y Hà Nội thì không có ý nghĩa, nhưng phải xét trên bình diện chung, trong đó bao gồm cả những trường tạm gọi là “nhóm 2”. Với mức độ đề thi như năm ngoái, mức điểm như năm ngoái, một số trường “nhóm 2” đã không tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí có trường ngoài công lập tuyển không được 50% chỉ tiêu. Vì thế, nếu năm nay tăng điểm sàn lên cao quá thì sẽ là khó khăn cho những trường này”, GS Văn chia sẻ. (Thanh niên, trang 17).
Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 7: “Điểm sàn khối ngành sức khỏe, sư phạm: Cao hơn năm trước 0,5 - 1 điểm”; Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Ngưỡng điểm sàn đầu vào nhóm ngành sức khỏe từ 19-22 điểm”; An ninh Thủ đô, trang 8: “Điểm sàn đại học nhóm ngành sức khỏe được công bố tăng cao so với năm 2019”
Hà Nội sẽ đầu tư cải tạo, nâng cấp bệnh viện y học cổ truyền
Ngày 17-9, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 7984/KH-SYT về phát triển y, dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y học hiện đại thành phố Hà Nội đến năm 2030.
Nội dung chính là phát triển nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo cán bộ y học cổ truyền có trình độ cao. Mục tiêu đến năm 2025, các phòng khám đa khoa thuộc trung tâm y tế huyện có bác sĩ trình độ sau đại học về chuyên khoa y học cổ truyền; 100% trạm y tế có cán bộ trình độ trung học y học cổ truyền trở lên.
Ngành Y tế Thủ đô sẽ tập trung phát triển hệ thống khám, chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền, như: Xây dựng đề án phát triển Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng I; đầu tư cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông với quy mô 300 giường tại quận Hà Đông... (Hà Nội mới, trang 3).
Quyết liệt phòng ngộ độc thực phẩm trong trường học
Năm học mới 2020-2021 vừa bắt đầu, nhưng tại nhiều địa phương trên cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các trường học khiến phụ huynh lo lắng về bữa ăn bán trú của con ở trường. Những sự việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về chất lượng bữa ăn học đường và đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt hơn nữa từ cơ quan chức năng.
Liên tiếp xảy ra sự cố an toàn thực phẩm tại trường học
Trưa 9-9, Trường Tiểu học Tiên Dương, xã Tiên Dương (huyện Đông Anh) tổ chức cho 1.556 học sinh ăn bán trú. Ngay sau bữa ăn trưa này, 22 học sinh có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đi ngoài 4-5 lần, sốt nhẹ, nghi ngờ nhiễm khuẩn đường ruột do vi sinh vật, trong đó có 4 học sinh phải nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh.
Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, giám sát sự cố an toàn thực phẩm nêu trên. Kết quả kiểm tra hồ sơ pháp lý, hộ kinh doanh Vũ Thị Quỳnh - đơn vị cung cấp các suất ăn cho Trường Tiểu học Tiên Dương đã xuất trình đầy đủ giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh theo ngành nghề được cấp phép.
Qua kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng đã phát hiện nhà kho của hộ kinh doanh này đặt gần nhà vệ sinh; khu vực chế biến có côn trùng xâm nhập; nguồn nước sử dụng là nước giếng khoan và chưa xuất trình được kết quả xét nghiệm nước định kỳ theo quy định. Cơ quan chức năng đã yêu cầu hộ kinh doanh Vũ Thị Quỳnh dừng hoạt động, ngừng cung cấp suất ăn sẵn cho Trường Tiểu học Tiên Dương; đồng thời tổng vệ sinh môi trường nhà trường và cơ sở kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, nguyên nhân của sự cố an toàn thực phẩm này bước đầu được xác định là do nhiễm vi sinh. Qua vụ việc này, Chi cục đề nghị tất cả trường học trên địa bàn Hà Nội quan tâm và tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong trường học, lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ đáp ứng đầy đủ yêu cầu chuyên môn, nhằm bảo đảm sức khỏe tốt nhất cho các em học sinh.
Tương tự, tại Trường Tiểu học Lê Hữu Tựu, xã Nguyên Khê (huyện Đông Anh) cũng xảy ra sự cố an toàn thực phẩm, sau bữa trưa bán trú ngày 10-9 có 11 học sinh xuất hiện đau bụng, buồn nôn, đi ngoài 2-3 lần, 1 em kèm theo sốt nhẹ, được điều trị tại gia đình. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, sau khi xảy ra hai sự cố an toàn thực phẩm, huyện đã đình chỉ hoạt động của bếp ăn Trường Tiểu học Lê Hữu Tựu và Tiên Dương, chờ kết quả xét nghiệm từ cơ quan chức năng. Đồng thời, huyện đã tổ chức họp khẩn với các trường học trên địa bàn để đánh giá, rút kinh nghiệm về vấn đề bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Sự việc tại Hà Nội chưa kịp lắng xuống, thì ngày 12-9, Bệnh viện quận 2, thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận 8 học sinh Trường Tiểu học Bình Trưng Đông có biểu hiện sốt, đau bụng, tiêu chảy. Sáng 13-9, 20 học sinh có biểu hiện tương tự tiếp tục được đưa vào bệnh viện để kiểm tra, theo dõi sức khỏe.... Sau khi điều tra, cơ quan chức năng quận 2 nghi ngờ bánh su kem sử dụng trong bữa ăn là nguyên nhân gây ra sự cố an toàn thực phẩm nêu trên.
Thường xuyên giám sát chất lượng bữa ăn bán trú
Để kiểm soát tốt hơn nữa bữa ăn bán trú trường học, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, cần phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể, tại các trường học có bếp ăn tập thể phải thực hiện nghiêm túc hợp đồng với các đơn vị cung cấp suất ăn bán trú và đơn vị cung ứng thực phẩm, rau an toàn. Mặt khác, các trường học nên nghiêm túc thực hiện việc lưu mẫu thức ăn, sổ kiểm thực 3 bước theo đúng quy định. Việc làm này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc thực phẩm khi cần. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn trong việc kiểm tra, xử lý sai phạm; công khai danh tính đơn vị sai phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngành Y tế Thủ đô cũng sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất bếp ăn bán trú trường học trên địa bàn.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng đưa ra giải pháp, nhà trường cần thường xuyên phối hợp với hội cha mẹ học sinh, ban giám sát an toàn thực phẩm, công đoàn... kiểm tra, theo dõi thường xuyên, đột xuất nguồn gốc thực phẩm, khâu vệ sinh, chất lượng bữa ăn cho học sinh tại bếp ăn cung cấp suất ăn bán trú nhằm hạn chế tối đa tình trạng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, an toàn. Ngoài ra, bất cứ thực phẩm nào mà ban phụ huynh hay nhà trường nghi ngờ về chất lượng đều có thể lưu lại, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội sẽ hỗ trợ xét nghiệm kiểm tra. Thực phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm chất lượng, đủ dinh dưỡng... mới được cung cấp vào trường học.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, biểu hiện ngộ độc thực phẩm có các triệu chứng điển hình, như: Nôn, đau bụng, tiêu chảy... Bệnh nhân có thể uống dung dịch oresol (uống thay nước, cho hết khát và uống tiếp chừng nào còn tiêu chảy) hoặc nước khoáng, nước rau luộc pha muối. Trường hợp ngộ độc nặng, phức tạp sẽ có các biểu hiện tiêu hóa nhiễm trùng ở mức độ nặng hơn, như: Nôn liên tục nhiều lần, tiêu chảy liên tục nhiều lần, đau bụng dữ dội liên tục, sốt cao 39 độ C..., kèm thêm một số dấu hiệu liên quan đến thần kinh hoặc tim mạch, hô hấp,... gia đình cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. (Hà Nội mới, trang 5).
Cùng chủ đề Công an Nhân dân, trang 7: “Ngộ độc thực phẩm hàng loạt, lo ngại bếp ăn học đường”; An ninh Thủ đô, trang 4: “Hà Nội: Phát hiện 10.318 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, phạt tiền gần 11 tỷ đồng”; Phụ nữ Việt Nam, trang 1: “Để đại diện phụ huynh tham gia kiểm soát bữa ăn bán trú - tại sao không?”.
Xét nghiệm gene sàng lọc dị tật bẩm sinh
Mới đây, Bộ Y tế đã tiếp tục đưa xét nghiệm gene di truyền ADN của thai nhi lưu hành trong máu mẹ (kỹ thuật sàng lọc trước sinh không xâm lấn - NIPT) để sàng lọc các dị tật bẩm sinh liên quan đến số lượng nhiễm sắc thể của thai nhi.
Theo thống kê, tại Việt Nam mỗi năm có 41.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh, 1.800 trẻ bị mắc hội chứng down. Trung bình, cứ 13 phút sẽ có 1 đứa trẻ chào đời mang dị tật bẩm sinh.
Do đó, để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều hướng dẫn trong thăm khám tiền sản để sàng lọc dị tật di truyền ở thai nhi với các phương pháp xét nghiệm thường quy như: siêu âm đo độ mờ da gáy, double test, triple test…
Xét nghiệm gene di truyền của thai nhi trong máu mẹ
TS Giang Hoa, Phó Viện trưởng Viện Di truyền Y học cho biết, sàng lọc sinh hóa là đo những chất sinh hóa trong máu mẹ từ đó gián tiếp ước tính thai có nguy cơ cao hay thấp mắc dị tật bẩm sinh. Với NIPT, phát hiện gene di truyền DNA của nhau thai trong máu mẹ bằng kỹ thuật giải trình tự gene, không xâm lấn. Theo đó, chỉ cần lấy 7ml máu mẹ là có thể phân tích được số lượng nhiễm sắc thể của thai nhi, với độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn.
Hiện công nghệ này đã có thể thực hiện toàn bộ quy trình tại Việt Nam, không cần gửi mẫu ra nước ngoài, giúp tối ưu hóa chi phí và thời gian làm xét nghiệm.
BSCKI Nguyễn Vạn Thông, Trưởng khoa Di truyền Y học, Bệnh viện Hùng Vương TPHCM, NIPT có thể được ứng dụng theo 2 hướng. Một là trên nhóm thai phụ có kết quả xét nghiệm sinh hóa truyền thống ở mức nguy cơ cao. Với nhóm này, NIPT, vốn có độ chính xác cao đến 99% sẽ giảm nguy cơ chọc ối không cần thiết. Nhóm thứ hai là làm NIPT ngay từ đầu, thay thế hoàn toàn cho double test và triple test. Song, thai phụ cần được tư vấn đầy đủ thông tin về mục đích, nguyên lý, những lợi ích cũng như hạn chế của xét nghiệm, những trường hợp không khuyến cáo làm NIPT...
Tầm soát bất thường bẩm sinh do di truyền lặn
BSCKI Nguyễn Vạn Thông lưu ý, dị tật bẩm sinh có nhiều nguyên nhân: di truyền, môi trường, đa yếu tố, và phần lớn là chưa rõ nguyên nhân. Riêng về di truyền do 3 cơ chế: bất thường số lượng nhiễm sắc thể (NST), bất thường cấu trúc NST, bất thường đơn gene hay còn gọi là bệnh đơn gene.
Trong đó, bất thường số lượng NST sẽ gây ra các dị tật như hội chứng down, edwards, patau. Bất thường cấu trúc NST gây ra tình trạng vi mất đoạn, lặp đoạn cũng gây ra các bất thường đa cơ quan. Còn bất thường đơn gene là gây ra các bệnh đơn gen như tan máu bẩm sinh thalassemia, rối loạn chuyển hóa đường galactose, thiếu hụt men G6PD...
Xét nghiệm gene tầm soát người lành mang gene bệnh có thể giúp tầm soát và phòng ngừa các bệnh lý do bất thường đơn gene. Nếu cả vợ và chồng đều là người lành mang gene bệnh của cùng một bệnh lý di truyền, 25% con sinh ra sẽ ở trạng thái đồng hợp tử của gene bệnh, khi đó triệu chứng bệnh sẽ xuất hiện. Hậu quả là thai nhi có thể mất trong bụng mẹ hoặc mất sau khi sinh một thời gian do nhiều bất thường nặng nề của cơ thể.
Kết quả nghiên cứu từ hơn 895 người Việt Nam tại Viện Di truyền Y học trong giai đoạn 2019 - 2020 cho thấy những bệnh lặn đơn gene như tan máu bẩm sinh, thiếu hụt men G6PD, rối loạn chuyển hóa đường galactose… đều là những bệnh có tỷ lệ người lành mang gene bệnh rất cao. Cứ 30 người có 1 người mang gene bệnh thiếu hụt men G6PD; cứ 87 người có 1 người mang gene “dị ứng” sữa mẹ galactosemia.
Quy trình lấy mẫu xét nghiệm để sàng lọc các bệnh lặn đơn gene này đang được tiến hành hết sức dễ dàng, tiện lợi kết hợp với các biện pháp khám thai thường quy trong thai kỳ nên bất cứ thời điểm nào khi mang thai, chị em phụ nữ cũng có thể chủ động thực hiện xét nghiệm. (Khoa học & Đời sống, trang 1).
Miền Trung cấp bách chống bão và chống dịch
Công trình thủy lợi nghìn tỉ ở Tây Nguyên: Nguy cơ chia cắt, cô lập hàng trăm hộ dân khi bão đổ bộ.* Quảng Trị cấm biển từ sáng 17.9, cho học sinh nghỉ học từ ngày 18.9.Ngay khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế, các tỉnh miền Trung lại nhanh chóng chuyển trạng thái để ứng phó với cơn bão số 5. Trước diễn biến phức tạp của bão, người dân, chính quyền các tỉnh miền Trung đã xây dựng các phương án phòng chống để hạn chế thiệt hại về người và tài sản khi bão vào.
Chủ động ứng phó
Từ sáng 17.9, hàng nghìn tàu thuyền khắp các tỉnh miền Trung đã dong thuyền vào bờ neo đậu ở Âu Thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) để tránh bão. Mọi người, mọi nhà khẩn trương thả neo, cột dây vào bờ để tránh các hậu quả xấu nhất có thể xảy ra khi bão đi qua.
Ông Nguyễn Văn Quảng (55 tuổi, quê Quảng Ngãi) là một ngư dân có tàu cá neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang, cho biết, bão số 5 được đánh giá là cơn bão mạnh nên đa phần ngư dân có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Ngoài các phương án neo đậu vào bờ, ông Quảng và các thuyền viên còn phải kiểm tra thân tàu, đặt các bao cát lên những vị trí dễ bị gió bão làm tốc mái...
Tại Đà Nẵng - nơi được xem là tâm dịch COVID-19 vừa qua, không chỉ riêng ngư dân mà khi có thông báo bão vào, toàn thành phố nhanh chóng chuyển trạng thái từ phòng chống dịch sang chống bão. Một ngày trước khi bão số 5 vào bờ, trên các tuyến đường ven biển, nhiều người dân, nhân viên các hàng quán tại Đà Nẵng hối hả thực hiện chèn chống nhà cửa, di chuyển hàng hóa dễ hư hại đến nơi an toàn. Còn trong nội thành, hàng trăm nhân viên của Công ty Công viên cây xanh TP. Đà Nẵng cũng chạy đua với thời gian để cắt tỉa cây trên các tuyến đường trước giờ bão đổ bộ.
Trong sáng 17.9, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã có công văn gửi Sở NNPTNT, Bộ chỉ huy Quân sự, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố về việc ứng phó với bão số 5 và mưa lớn. Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cũng yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa bão để triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, không để bị động và thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo Thường trực Thành ủy, UBND TP.Đà Nẵng để theo dõi và chỉ đạo.
Ngoài chỉ đạo qua các văn bản, ông Huỳnh Đức Thơ còn trực tiếp đi thị sát công tác phòng chống lụt bão tại các công trình đang thi công như Trạm xử lý nước thải Sơn Trà, Trạm xử lý nước thải quận Ngũ Hành Sơn, hầm chui đầu cầu Trần Thị Lý.
Ông Huỳnh Đức Thơ yêu cầu chủ đầu tư những dự án trên đảm bảo các an toàn về tài sản, về tình mạng công nhân khi bão số 5 đổ bộ. Ngoài ra, ngay khi bão tan, ông Thơ chỉ đạo các đơn vị thi công nhanh chóng khắc phục hậu quả và tái thi công trở lại để đảm bảo tiến độ công trình đặt ra.
Đảm bảo tính mạng cho người dân
Ngay từ sáng 17.9, tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi trời đã bắt đầu mưa, mây đen kéo đến. Đánh giá cơn bão số 5 là một cơn bão mạnh nên UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung như cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) từ 13h ngày 17.9 cho đến khi có thông báo chính thức về thời tiết ổn định từ Đài Khí tượng - Thủy văn Quảng Ngãi. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, Lý Sơn sẵn sàng lực lượng để sơ tán dân đến nơi tránh, trú bão an toàn; sẵn sàng vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời tổ chức ứng phó thiên tai theo Phương án đã được phê duyệt.
Còn tại Quảng Nam, Sở GDĐT tỉnh này đã cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS, THPT nghỉ học ngày 18.9 để hạn chế thiệt hại về người có thể xảy ra khi bão vào. Riêng tại TP.Hội An, một trong những yêu cầu cao nhất đặt ra trước khi bão vào là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các di tích, nhà cổ. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An đã triển khai lực lượng triển khai công tác phòng chống lụt bão cho các di tích trong khu phố cổ năm 2020. Cụ thể, trung tâm đã đề nghị UBND 3 phường Minh An, Sơn Phong và Cẩm Phô thuộc khu vực khu phố cổ phối hợp triển khai thực hiện công tác phòng chống lụt bão di tích trong khu phố cổ.
Miền Trung cho toàn bộ học sinh nghỉ học để tránh bão số 5
Bão số 5 được dự báo sẽ tăng tốc, đổ bộ sớm hơn vào đất liền - khoảng trưa 18.9. Chính quyền các tỉnh miền Trung lập tức lệnh cho học sinh các cấp nghỉ học.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo đến trưa 18.9, bão sẽ trực tiếp đổ bộ vào miền Trung, phạm vi ảnh hưởng nhiều nhất là các tỉnh từ Quảng Bình - Quảng Ngãi.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 5, UBND các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo ngành Giáo dục - Đào tạo tạm thời đóng cửa trường học, cho học sinh ở nhà để tránh bão. Trong đó, Đà Nẵng và TT-Huế cho học sinh nghỉ 2 ngày 18, 19.9. Quảng Trị và Quảng Nam cho nghỉ học 1 ngày 18.9. (Lao động, trang 1).
Khám chữa bệnh từ xa: Xoá nhoà khoảng cách địa lý, kéo gần chất lượng điều trị
Xoá nhoà khoảng cách" là cách mà nhiều giám đốc bệnh viện tuyến trên nhận định khi tham gia Đề án Khám, chữa bệnh từ xa - một đề án vừa được phê duyệt hồi tháng 6/2020.
Đến giữa tháng 9/2020, đã có hơn 1.000 cơ sở y tế trên cả nước tham gia hệ thống Khám, chữa bệnh từ xa. Không chỉ các bệnh viện tuyến tỉnh gia nhập hệ thống hiện đại này mà còn có rất nhiều bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện tư nhân. Tại nhiều bệnh viện, số điểm cầu tham gia hệ thống tăng lên nhiều so với dự tính ban đầu.
Trong cùng một buổi tư vấn khám chữa bệnh từ xa thông qua hệ thống Telehealth, Bệnh viện Nhi Trung ương đã kết nối được với điểm cầu xa xôi tại Trung tâm Y tế huyện Cô Tô (Quảng Ninh) để cùng chẩn đoán về ca bệnh bé 7 tuổi đau bụng chưa rõ nguyên nhân; 1 ca viêm não chưa rõ nguyên nhân ở Phú Thọ, 1 bệnh nhân viêm não trên nền tay chân miệng ở Bắc Giang, 1 trẻ sơ sinh bị viêm não ở Thái Bình chưa rõ nguyên nhân.
Trong đó, em bé 7 tuổi ở huyện đảo Cô Tô nhập viện trong tình trạng sốt, đau bụng, nghi ngờ viêm ruột thừa cấp. May mắn, với sự trợ giúp từ các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương, bé được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và tiến triển tích cực sau vài ngày điều trị. Đây là điều ít gặp bởi các bác sĩ ngồi tại Hà Nội lại có thể hội chẩn, nhìn trực tiếp tình trạng bệnh nhi ở tít huyện đảo xa xôi.
Đặc biệt, hệ thống Telehealth không chỉ kết nối các điểm cầu xa Hà Nội mà còn kết nối tư vấn, hội chẩn từ xa với các bác sĩ tại Trung tâm ECHO, Hoa Kỳ, một trong những nơi có nền y học hiện đại nhất thế giới.
"Xoá nhoà khoảng cách" là cách mà nhiều vị giám đốc bệnh viện tuyến trên nhận định khi tham gia Đề án Khám, chữa bệnh từ xa - được phê duyệt hồi tháng 6/2020.
Khoảng cách này, trước hết là về địa lý, giao thông. Thậm chí hệ thống hiện đại với băng thông cực lớn này còn kết nối được bác sĩ đang ở nơi cách nửa vòng trái đất như trường hợp ở Bệnh viện Nhi Trung ương, hoặc ở nước bạn Lào như trường hợp Bệnh viện Đại học Y Hà Nội mới đây. Tất cả được kết nối nhờ hệ thống Telehealth.
Từ điểm cầu Bệnh viện Đa khoa Hà Nội – Viêng Chăn (đặt tại Viêng Chăn, Lào), các bác sĩ báo cáo trường hợp bệnh nhi nam (14 tuổi, sống tại Lào) được người nhà đưa vào viện ngày 12/8 trong tình trạng sốt cao, co giật, đau đầu kèm nôn. Trước đó bệnh nhân không đáp ứng thuốc giảm đau, cơn đau đầu tăng lên.
Tại Bệnh viện, bé trai được chẩn đoán áp xe não, theo dõi sán não, chưa loại trừ u lao não. Đến ngày 24/8, bệnh nhân ổn định, được kê đơn thuốc, ra viện. Tuy nhiên 2 ngày sau bệnh nhân lại lên cơn co giật kéo dài 2-3 phút, yếu nhẹ tay bên phải, tiếp tục nhập viện hôm 26/8.
"Chúng tôi đã chẩn đoán tốt chưa? Hướng điều trị tiếp theo như thế nào để không xảy ra biến chứng co giật tiếp?" - hai câu hỏi tham vấn được gửi tới chuyên gia Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Nắm thông tin ca bệnh, từ điểm cầu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các chuyên gia đã hội chẩn, phân tích tìm nguyên nhân, hướng điều trị hợp lý nhất. Có mặt tại buổi hội chẩn trực tuyến tại Lào, mẹ bệnh nhi 14 tuổi đặt nhiều hy vọng các bác sĩ ở Việt Nam và Lào sẽ phối hợp giúp điều trị khỏi bệnh cho con trai.
Thế giới phẳng trong y tế
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương là hai trong số khoảng 10 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã khai trương Trung tâm Khám chữa bệnh từ xa Telehealth. Cùng với các bệnh viện như: Bạch Mai, K, E, Việt Đức, Y dược TP HCM, Trung ương Huế, Trung ương Thái Nguyên... xoá nhoà khoảng cách nhờ Telehealth không chỉ vươn cánh tay y tế chất lượng tới người dân vùng sâu vùng xa trong nước, mà còn kết nối với các bệnh viện nước ngoài.
Là đơn vị đầu tiên đưa việc khám chữa bệnh từ xa thông qua nền tảng trực tuyến vào hoạt động thực tế suốt 15 năm qua, GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho hay các bác sĩ vẫn gọi hệ thống Khám chữa bệnh từ xa là hệ thống tư vấn khám chữa bệnh. Điều đặc biệt với ngành ngoại khoa là có thêm tư vấn phẫu thuật. Tại đây, các bác sĩ có thể nhìn thấy hình ảnh "động" diễn ra trong ca mổ để tư vấn, thậm chí "truy bài" các bác sĩ ở cơ sở về ca bệnh, về phương pháp điều trị cho bệnh nhân...
"Nó đã xoá nhoà khoảng cách giữa vùng sâu vùng xa và các bệnh viện, chuyên gia, giáo sư hàng đầu" - GS Giang nói.
Nhờ hệ thống Khám chữa bệnh từ xa, lần đầu tiên, rất nhiều bà con ở vùng sâu vùng xa, thậm chí bà con ở miền núi nhận được sự tư vấn, chẩn đoán và hướng dẫn điều trị của các giáo sư, chuyên gia mà bà con chưa bao giờ biết hoặc chỉ biết qua màn ảnh truyền hình. Đấy là một lợi ích vô cùng to lớn của hệ thống Khám chữa bệnh từ xa.
"Quyết định của Bộ Y tế mở rộng hệ thống này dưới sự hỗ trợ nền tảng công nghệ của Viettel là điều hết sức đúng đắn" - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức nói.
Còn với lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương, thông qua Telehealth, các bác sĩ mong muốn tạo ra cơ hội khám chữa bệnh chất lượng cao cho người dân ở mọi nơi và thu hẹp khoảng cách chuyên môn giữa các bác sĩ tuyến huyện, tỉnh và trung ương.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nay khoảng cách về kiến thức của nhân viên y tế giữa tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh và tuyến trung ương đang là thách thức đối với ngành y tế Việt Nam. Ở tuyến dưới, các bác sĩ không có nhiều cơ hội trải nghiệm qua nhiều loại bệnh tật, phương tiện thiết bị cận lâm sàng thiếu, ít cơ hội học tập, đào tạo chuyên môn liên tục.
Như vậy, nhiệm vụ của các bệnh viện tuyến trung ương là cung cấp, cập nhật kiến thức cho các bác sĩ tuyến dưới thường xuyên. Khi trình độ của bác sĩ được nâng lên, người bệnh sẽ được hưởng lợi đầu tiên ngay từ những lần thăm khám ban đầu. (Gia đình & Xã hội, trang 1).