Hạn chế dịch đau mắt đỏ: Tuân thủ, thực hiện đúng các biện pháp phòng bệnh
Hiện nay, tại thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trên cả nước đang xuất hiện dịch đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc cấp). Đây là bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh. Trong gia đình hay trong lớp học chỉ cần một người mắc bệnh là các thành viên còn lại cũng dễ bị lây nhiễm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, nếu người dân tuân thủ và thực hiện đúng các biện pháp phòng bệnh thì dịch đau mắt đỏ sẽ không còn đáng sợ.
Tránh bệnh nặng, biến chứng…
Tất cả 6 thành viên trong gia đình chị Hoàng Ngọc Diệp (27 tuổi ở quận Long Biên, Hà Nội) đều bị đau mắt đỏ. Chị Diệp chia sẻ: “Khi đón con gái ở trường mầm non về nhà, tôi phát hiện một bên mắt của cháu bị đỏ, có gỉ… Đưa con đến bệnh viện khám, bác sĩ cho biết, con bị đau mắt đỏ và phải nghỉ học cách ly ở nhà. Sau đó, đến lượt hai vợ chồng tôi cũng bị đau mắt đỏ. Một vài ngày sau, 3 người còn lại trong gia đình là bố, mẹ chồng và em trai chồng tôi cũng bị đau mắt đỏ”.
Từ tháng 8-2023 đến nay, dịch đau mắt đỏ tăng nhanh tại thành phố Hà Nội. Thời gian gần đây, Bệnh viện Mắt trung ương ghi nhận trung bình khoảng 700 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám mỗi tuần. Riêng tuần qua, bệnh viện tiếp nhận 800 ca bệnh, trong đó có một số ca biến chứng. So với tháng 6-2023, số bệnh nhân đến khám trong tháng 8 và đầu tháng 9-2023 tăng gấp gần 2 lần. Trong đó có nhiều trẻ đau mắt đỏ được bố, mẹ đưa đến khám. Trẻ đau một bên, rồi hai bên mắt sưng húp, khiến các gia đình rất lo lắng.
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt trung ương cho biết, đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc cấp) là bệnh lý theo mùa, gây dịch quy mô nhỏ kiểu liên gia đình, thường do nhóm vi rút adeno gây ra. Một số chủng vi rút khác cũng có thể gây ra đau mắt đỏ cùng kiểu diễn biến và triệu chứng lâm sàng như entero, coxsackie…
Với những người có biến chứng, bệnh lâu khỏi hơn bình thường, tuy chỉ chiếm khoảng 10-20%. “Khi trẻ nhỏ bị đau mắt đỏ không được vắt sữa, nhỏ nước chanh vào mắt trẻ. Việc làm này khiến bệnh không đỡ và rất dễ trở thành bội nhiễm. Ngoài ra, không được chữa đau mắt đỏ bằng việc xông mắt bằng lá trầu không. Bởi khi xông mắt bằng nước nóng lại thêm lá có tinh dầu (trầu không, bạc hà) khiến mắt dễ bị bỏng, viêm tấy lan rộng, nhiều biến chứng hơn. Đặc biệt, khi mắc bệnh, người dân không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt tùy tiện. Nếu dùng không đúng cách sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn, thậm chí loét giác mạc, ảnh hưởng thị lực”, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Cương nhấn mạnh.
Tương tự, những ngày gần đây, Khoa Mắt của Bệnh viện Hữu nghị cũng tiếp nhận rất nhiều ca đau mắt đỏ, trong đó có những trường hợp tự ý mua thuốc kháng sinh, thuốc mắt có chứa corticoid về dùng và phải nhập viện trong tình trạng nặng. Đơn cử như bệnh nhân N.V.M (55 tuổi ở Hà Nội) đến khám trong tình trạng mắt đau, kết mạc đỏ, không mở được. Kết quả khám và xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị loét giác mạc tương đối nặng, được chỉ định can thiệp phẫu thuật. May mắn sau khi điều trị, người bệnh hồi phục tích cực. Trước đó, khi thấy dấu hiệu đỏ mắt, người bệnh tự mua thuốc kháng sinh về dùng. Thấy bệnh không đỡ, người này còn tự ý nhỏ thuốc mắt có chứa corticoid.
Trực tiếp điều trị cho ca bệnh này, bác sĩ Lê Việt Cường, phụ trách Khoa Mắt (Bệnh viện Hữu nghị) cho biết, việc bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid mà không có đơn của bác sĩ rất nguy hiểm. Thuốc corticoid có thể giúp giảm đau, giảm các kích thích. Thế nhưng, khi chẩn đoán sai, nhận diện sai bệnh như với trường hợp loét giác mạc mà dùng thuốc corticoid có thể khiến tình trạng loét nặng hơn...
Biện pháp không bị lây nhiễm bệnh
Theo các bác sĩ nhãn khoa, đa phần với diễn biến bệnh đau mắt đỏ chỉ cần nhỏ nước muối sinh lý thông thường thì sẽ khỏi sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, đây cũng là thời gian ủ bệnh và lây nhiễm. “Không dễ đến mức chỉ nhìn thấy nhau cũng lây đau mắt đỏ nhưng khi mắt đầy vi rút dây ra tay. Sau đó, từ tay người bệnh lan ra các đồ vật, người khác cầm nắm đồ vật ấy lại dính ra tay rồi đưa lên mắt mình… Cứ như vậy, từ nhà ra phố, nơi thang máy siêu thị hay nơi làm việc, chưa kể nói chuyện cự ly gần, ôm hôn, quan hệ vợ chồng… cũng gây nhiễm bệnh”, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Cương phân tích.
Các bác sĩ cũng cho rằng, thực tế không phải ai cũng bị bệnh đau mắt đỏ và khi bị bệnh đều phải đến bệnh viện. Với nhiều người, đặc biệt là những người lây nhiễm sau cùng trong chuỗi lây nhiễm, bệnh chỉ thoáng qua, chưa kịp dùng thuốc đã khỏi. Còn với những trường hợp có biến chứng nên được điều trị ở cơ sở y tế chuyên khoa. Mặc dù, thuốc điều trị đau mắt đỏ hiện nay rất tốt nhưng vẫn ghi nhận trường hợp có để lại di chứng như: Sẹo giác mạc, khô mắt, viêm giác mạc dưới biểu mô… gây giảm thị lực ít nhiều.
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Cương cho rằng, với những trường hợp sau 7 ngày vẫn còn bệnh, kèm theo hiện tượng: Chói mắt, nhìn mờ, chảy nước mắt nhiều đều bị coi là bất thường, cần đi khám mắt để được điều trị kịp thời. Riêng với trẻ em có kèm ho sốt, quấy khóc, khó mở mắt, viêm hô hấp, chảy máu mắt, có giả mạc… cần được chăm sóc chuyên khoa sâu bằng bóc giả mạc, để bệnh nhanh khỏi hơn.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm việc trong môi trường đậm đặc người bị đau mắt đỏ xung quanh nhưng chưa nhiễm bệnh, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Cương khuyến cáo, rửa tay nhiều lần bằng xà phòng hay nước rửa tay chuyên dụng, kiên trì đeo khẩu trang khi tiếp xúc với nguồn bệnh, rửa mắt buổi sáng và khi đi làm về, sát trùng đều đặn dụng cụ khám mắt… thì dịch bệnh đau mắt đỏ năm nay sẽ không còn đáng sợ. (Hà Nội mới, trang 5).
75% người bệnh sa sút trí tuệ không được chẩn đoán kịp thời
Có đến 75% người bệnh sa sút trí tuệ hay bệnh Alzheimer không được chẩn đoán kịp thời.
Sáng 9-9, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) phối hợp cùng Hội bệnh Alzheimer và rối loạn thần kinh nhận thức Việt Nam cùng các đơn vị khác tổ chức chương trình tư vấn sức khỏe cộng đồng về sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer.
PGS Trương Đình Cẩm - phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175 - cho biết bệnh Alzheimer là một bệnh lý não bộ ảnh hưởng lên vùng đảm nhận chức năng học tập, trí nhớ và khả năng suy nghĩ khác, gây suy giảm hoạt động sống độc lập của người bệnh.
Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu gây sa sút trí tuệ, chiếm tỉ lệ 60-70%. Bệnh Alzheimer có xu hướng tăng dần theo tuổi, có khoảng 8% người bệnh từ 60 tuổi trở lên. Với nhóm từ 80 tuổi trở lên tỉ lệ lên đến 17%.
Phần lớn người bệnh Alzheimer sống trong tình trạng mất chức năng nhận thức và phải lệ thuộc người khác, mang lại gánh nặng rất nặng nề với người bệnh, người chăm sóc, gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, đa số sa sút trí tuệ nói chung hay bệnh Alzheimer nói riêng vẫn được hiểu nhầm thành bệnh lú lẫn của tuổi già và không được quan tâm đúng mức.
Có đến 75% người bệnh không được chẩn đoán kịp thời. Nếu được điều trị sớm sẽ ổn định, làm chậm sự tiến triển của bệnh, nâng cao chất lượng sống của cả người bệnh và người chăm sóc.
TS Trần Công Thắng - phó chủ tịch Hội bệnh Alzheimer và rối loạn thần kinh nhận thức Việt Nam - cho hay năm 2017, Việt Nam được xếp vào quốc gia có dân số già, hơn 10% dân số trên 60 tuổi.
Tuổi thọ trung bình tăng nhờ có ý thức phòng bệnh và sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Bên cạnh tuổi thọ tăng, đi kèm theo các bệnh liên quan đến tuổi tác như tim mạch, thoái hóa khớp, trong đó có bệnh lý sa sút trí tuệ.
Trong số những người mắc phải bệnh lý sa sút trí tuệ, có người mắc bệnh sớm, có người mắc bệnh muộn, nhiều người đến 80 tuổi vẫn còn minh mẫn, rất nhiều trường hợp không được chẩn đoán.
Theo đó, những người dễ bị chứng sa sút trí tuệ như: lớn tuổi, bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, hút thuốc lá, stress mất ngủ, lo âu, di chứng tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não…
"Nhiều người quan niệm rằng sa sút trí tuệ là điều bình thường, điều hiển nhiên khi tuổi già đến, thế nhưng phải thay đổi tư tưởng này. Tại sao trong một nhóm người lớn tuổi, có người minh mẫn, nhưng nhiều người lại không nhớ phải phụ thuộc vào con cái chăm sóc.
Rõ ràng đó là bệnh lý, chính vì vậy người bệnh cần được đưa đi thăm khám và điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế", TS Thắng cho hay.
Phòng ngừa sa sút trí tuệ ra sao?
Để phòng ngừa sa sút trí tuệ, TS Thắng khuyến cáo cần điều trị hiệu quả các yếu tố nguy cơ bệnh lý mạch máu não như: cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, bỏ thuốc lá.
Đặc biệt là tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn ít béo, nhiều rau trái cây, uống đủ nước, tham gia các hoạt động xã hội, học và tiếp thu thông tin mới. (Tuổi trẻ, trang 14).
Tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế
Bảo hiểm y tế là một chính sách an sinh xã hội quan trọng, là cơ chế tài chính công để bảo đảm nguồn lực bền vững cho công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vì mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả và phát triển.
Hiện các cơ quan liên quan đang tiếp tục xây dựng các chính sách tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế.
Theo thống kê của Bộ Y tế, số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng gia tăng. Tính đến cuối năm 2022, cả nước có gần 92 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 92,03% số dân, vượt chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao. Cùng với đó, các chỉ tiêu khám, chữa bệnh BHYT tại tuyến y tế cơ sở ngày một tăng, đến nay đã đạt hơn 70% lượt khám, chữa bệnh BHYT tại tuyến huyện và xã; 80% số trạm y tế xã tổ chức khám, chữa bệnh BHYT.
Đi liền với đó, chất lượng khám, chữa bệnh BHYT ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, nhiều thuốc mới, hiệu quả cao, giúp nhiều người vượt qua ốm đau và các căn bệnh hiểm nghèo. Quỹ BHYT đang trở thành nguồn tài chính cơ bản, chủ yếu phục vụ cho hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Chính sách BHYT đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT.
Quyền Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) Trần Thị Trang cho biết, quá trình gần 15 năm thực hiện Luật BHYT đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập do nội tại các quy định của văn bản Luật và những yếu tố mới phát sinh, nhất là đòi hỏi của thực tiễn và nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh BHYT của người dân ngày càng cao, đa dạng hơn nhưng chưa có quy định pháp lý đầy đủ để giải quyết.
Thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao, Bộ Y tế đã thành lập Ban soạn thảo xây dựng dự án Luật BHYT sửa đổi, thông qua đánh giá, tổng kết thực tiễn, tổng hợp và luận giải các vấn đề vướng mắc, xem xét kinh nghiệm trên thế giới về BHYT, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân xét trên cả ba phương diện về tỷ lệ dân số tham gia BHYT; phạm vi dịch vụ được hưởng; mức độ bảo vệ tài chính của người sử dụng dịch vụ y tế.
Dự thảo Luật BHYT sửa đổi dự kiến sẽ điều chỉnh theo năm nhóm chính sách lớn, trong đó, nhóm chính sách quan trọng được nhiều bên quan tâm đó chính là việc “Mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT”.
Theo quy định của Luật BHYT hiện hành, một số dịch vụ y tế thuộc phạm vi về khám, chữa bệnh nhưng quỹ BHYT không chi trả như điều trị tật khúc xạ, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, vật tư hỗ trợ sử dụng trong phục hồi chức năng; hay các dịch vụ khám sàng lọc, điều trị sớm bệnh tật mặc dù có nhiều bằng chứng về hiệu quả, tiết kiệm chi phí chưa được quỹ BHYT chi trả.
Như dịch vụ khám sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú… đã được chứng minh mang lại hiệu quả điều trị và kinh tế rất lớn và được nhiều quốc gia chi trả từ nguồn Quỹ BHYT. Nhưng tại Việt Nam, theo quy định hiện hành, việc sàng lọc và điều trị sớm chưa được quỹ BHYT chi trả. Vì vậy, việc điều chỉnh, bổ sung phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT trong bối cảnh nhu cầu càng cao nhưng nguồn tài chính quỹ còn hạn chế, đặc biệt việc xem xét mở rộng các quyền lợi về dịch vụ sàng lọc chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh cần được nghiên cứu, đánh giá cụ thể, chính xác để lựa chọn được các dịch vụ có tính chi phí-hiệu quả nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT đồng thời phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT.
Nhằm đồng bộ về chính sách với Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực vào năm 2024, cũng như chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế đề xuất mở rộng phạm vi quyền lợi được hưởng BHYT của người dân.
Theo đó, Bộ Y tế đề xuất quỹ BHYT chi trả phí khám, sàng lọc phát hiện sớm một số bệnh như: ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan C…
Đề xuất này dựa trên kinh nghiệm quốc tế, bằng chứng khoa học và mô hình bệnh tật. Hiện nhiều nước trên thế giới đã áp dụng và cho thấy hiệu quả. Việc chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh sẽ giúp giảm các chi phí y tế, điều trị bệnh sau này, phòng tránh được rất nhiều bệnh lý tăng nặng, điều trị tốn kém như ung thư, đột quỵ, bệnh lý tim mạch…
Khi người bệnh vào điều trị nội trú do các bệnh ung thư, tim mạch, tiền thuốc, đặt stent cao gây chi phí rất lớn cho quỹ BHYT. Trong khi nếu được chẩn đoán sớm, điều trị ngay từ đầu, dùng thuốc sớm thì có thể giảm tỷ lệ nhập viện, tỷ lệ tăng nặng của bệnh. Bên cạnh đó, có thể đưa kỹ thuật sàng lọc, chẩn đoán các bệnh này về thực hiện tại y tế cơ sở tuyến xã, huyện. Đây là những kỹ thuật không khó, y tế cơ sở có thể thực hiện được, đồng thời mở rộng phạm vi dịch vụ BHYT chi trả cho y tế cơ sở.
TS Nguyễn Khánh Phương, Phó Viện trưởng Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) cho biết: Nghiên cứu ban đầu đánh giá tác động về kinh tế của việc sàng lọc tăng huyết áp cho thấy, chi phí phát sinh do sàng lọc tăng từ năm thứ nhất đến năm thứ 4, bắt đầu từ năm thứ 5, chi phí này giảm xuống. Về chi phí tiết kiệm được khi sàng lọc sớm, trong năm thứ nhất chi phí điều trị vẫn ở mức khá cao, nhưng sau đó giảm dần do giảm số ca biến chứng nặng, đến năm thứ 4 còn rất thấp và từ năm thứ 5 ngân sách không mất tiền mà còn tiết kiệm được chi phí cho điều trị.
Đến năm thứ 10, ước tính ngân sách tiết kiệm được khoảng 7.700 tỷ đồng. Như vậy, khi tính gộp nếu can thiệp sàng lọc tăng huyết áp thì 4 năm đầu chi phí giảm dần, đến năm thứ 5 ngân sách còn tăng thêm do tiết kiệm được trong điều trị. Trong 10 năm, có thể tiết kiệm hơn 12 nghìn tỷ đồng. Với bệnh đái tháo đường, tính gộp trong 10 năm ngân sách tiết kiệm được gần 1.700 tỷ đồng.
Theo thống kê, trong năm 2022 quỹ BHYT đã chi trả 110 nghìn tỷ đồng cho khám, chữa bệnh bằng BHYT và ước tính năm 2023 là khoảng 120 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ước tính chi phí cho các bệnh ung thư chiếm khoảng 10%.
Chia sẻ tại hội thảo “Đề xuất xây dựng phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế về vấn đề chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh trong Dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi”, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Lê Văn Phúc đánh giá cao lợi ích khi chi trả cho việc sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh.
Việc đưa danh mục chi trả sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh vào dự thảo Luật BHYT sửa đổi là một trong những điểm mới. Hiện nay, quỹ BHYT vẫn bảo đảm cân đối, tuy nhiên, trong tương lai khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT cũng cần cân nhắc khả năng cân đối của quỹ. Nếu quỹ BHYT chi trả chi phí cho việc sàng lọc phát hiện sớm một số bệnh thì phải xem xét mức đóng BHYT cho phù hợp. (Hà Nội mới, trang 7).