Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 19/11/2020

  • |
T5g.org.vn - 60.000 loại thuốc, trang thiết bị y tế công khai giá: Chấm dứt tình trạng thuốc bệnh viện mỗi nơi một giá?; Việt Nam đã ghi nhận 1.300 ca mắc Covid-19; Uống rượu ba kích 'cương' 30 giờ có thật không?; Cảnh báo viên sủi Satochi và Đường huyết hoàn Halifa quảng cáo không đúng về công dụng

 

60.000 loại thuốc, trang thiết bị y tế công khai giá: Chấm dứt tình trạng thuốc bệnh viện mỗi nơi một giá?

Công khai giá thuốc - việc chưa có tiền lệ đang được kỳ vọng từ phát ngôn của tân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Người dân, cụ thể hơn là những người bệnh đã chờ đợi điều này từ rất lâu vì thuốc bệnh viện hiện nay mỗi nơi một giá.

Sẽ bớt chuyện “xin - cho”

Ngày 17.11, tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã cho biết: Dự kiến ngày 20.11, Bộ Y tế sẽ khai trương Cổng Công khai y tế. Theo đó, tất cả dịch vụ y tế sẽ được công bố. Trong đó, 60.000 loại thuốc, tất cả trang thiết bị y tế lưu hành trong nước; khoảng 28.000 loại thực phẩm chức năng sẽ được công khai, kể cả công khai về quảng cáo, tiến tới công khai cả giá bán.

Bên cạnh đó, tất cả dịch vụ y tế của các cơ sở y tế, những dịch vụ công nào mà ngành y tế cung ứng đều phải được công khai, nhằm “không để người dân mù mờ về chi phí khám chữa bệnh”.

Công khai giá thuốc trên một cổng thông tin để người dân cả nước có thể theo dõi là một việc làm chưa từng có trong tiền lệ. Mỗi ngày, nhiều người dân Việt Nam đều mua thuốc, sử dụng thuốc để chữa các loại bệnh thông thường. Việc mua thuốc tại các hiệu thuốc, quầy thuốc... và không cần kê đơn, đã trở thành một thói quen.

Thuốc là mặt hàng không một ai “mặc cả”, đặt vấn đề đắt rẻ khi mua, vì đến lúc cần mua thuốc cũng là lúc họ chỉ quan tâm đến sức khỏe của mình. Đơn cử, 1 viên thuốc tránh thai cấp tốc, cùng mẫu mã, chủng loại, cùng hãng sản xuất nhưng một cửa hàng tại Sơn Tây - Hà Nội bán giá 10.000 đồng/viên, nhưng cửa hàng tại Yên Hòa - Cầu Giấy lại bán giá 25.000 - 30.000 đồng/viên. Đắt hay rẻ, người dân vẫn phải mua. Vì sao lại như vậy?

Vì không một ai ngoại trừ người bán thuốc biết giá bán chuẩn của viên thuốc đó là bao nhiêu, đây là vấn đề nhiều năm nay chưa được giải quyết triệt để. Việc có một kênh thông tin mà tất cả các loại thuốc đều được công khai giá bán, để không xảy ra sự chênh lệch giá thuốc ở các địa phương, các cửa hàng bán thuốc... là sự kỳ vọng nhiều năm nay của người dân.

PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII - cho rằng: Trước đây có quy định các cửa hàng phải công khai giá thuốc, nhưng nhiều nơi không làm nghiêm túc, để tình trạng người dân mua phải thuốc giá cao mà chất lượng lại bình thường, thậm chí cửa hàng nọ cách cửa hàng kia 15 mét mà giá thuốc cũng khác nhau... Để giải quyết tình trạng này, Nhà nước đã yêu cầu các cửa hàng thuốc công khai giá thuốc, dán tại cửa hàng, nhưng một số cửa hàng họ vẫn phớt lờ đi, gây thiệt hại cho người dân.

“Công khai giá thuốc là một việc cực kỳ có lợi cho người dân. Trước hết, khi giá thuốc được công khai như vậy là thể hiện việc chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Nhà nước đối với việc kinh doanh dược. Thứ 2 cho người dân được hưởng lợi, cho người dân được quyền lựa chọn, so sánh từ những nguồn thông tin chính thống từ Bộ Y tế, từ đơn vị quản lý được giao chức năng cao nhất trong lĩnh vực dược. Nếu điều này thực hiện được, tôi đánh giá rất cao Bộ Y tế” - nguyên ĐBQH Bùi Thị An đánh giá.

Theo bà, nếu công khai giá thuốc, chúng ta có thể tránh được tất cả những chuyện “cơ hội”, đầu cơ tích trữ thuốc, đặc biệt là các loại thuốc hiếm, thuốc quý. Thứ 2, việc công khai giá thuốc chính là tôn trọng người dân, tôn trọng người bệnh, vì thuốc với người dân rất cần, nhưng họ có quyền được biết giá trị đích thực của các sản phẩm họ lựa chọn. Hơn nữa, thuốc còn liên quan rất nhiều đến thanh toán bảo hiểm y tế. Việc công khai minh bạch sẽ bớt chuyện “xin cho”, bắt tay với nhau để đưa thuốc từ ngoài vào bệnh viện.

PGS Bùi Thị An cho rằng, công khai giá thuốc chính là “một mũi tên trúng nhiều đích”. “Tôi đề nghị làm sao phải sử dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến để tất cả người dân, không chỉ người dân ở các thành phố lớn mà còn ở nông thôn, vùng sâu vùng xa... đều có thể tiếp cận với thông tin mà Bộ Y tế công khai” - bà nói.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Đại biểu Quốc Hội khóa XIV - cho rằng, việc công khai giá thuốc sẽ có rất nhiều cái lợi. Trước hết là lợi đối với người dân khi được tiếp cận với những thông tin chính thống, minh bạch, họ sẽ biết thuốc mình mua có bị mua phải giá quá cao hơn so với giá thực tế của nó hay không. Thứ 2, công khai giá thuốc sẽ rất có lợi cho ngành Y tế, cụ thể, các bệnh viện, các cơ sở y tế có thể tham khảo giá đó, để không bị thuốc với giá cao. Như vậy sẽ có sự ổn định, sự tương đồng giá một cách tương đối giữa các vùng miền, các bệnh viện với nhau, góp phần tạo nên sự công bằng trong y tế, đối với người dân.

Công việc “khổng lồ”, sẽ nhiều khó khăn

Theo GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, hiện nay giá thuốc quá khác biệt giữa các cửa hàng với nhau, giữa các tỉnh với nhau. Việc công khai giá thuốc là việc cực kỳ quan trọng, để đảm bảo giá ổn định và thống nhất.

“Đây là một công việc “khổng lồ” vì có rất nhiều danh mục về thuốc, thuốc mình chỉ sản xuất một phần thôi, chúng ta phải nhập dược chất hoặc nhập thuốc về, tuy nhiên, đều phải sử dụng ngoại tệ, vì vậy biến động từ thị trường ngoại tệ có thể sẽ ảnh hưởng đến giá thuốc. Đây là những việc mà phải dự kiến từ trước” - ông phân tích.

Hơn nữa, theo vị Đại biểu Quốc hội này, để công khai được 60.000 loại thuốc, tất cả trang thiết bị y tế lưu hành trong nước; khoảng 28.000 loại thực phẩm chức năng như Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói, là một việc lớn, cần phải quyết tâm mới có thể thực hiện được.

“Đơn cử như giá bán lẻ và giá bán buôn sẽ khác nhau, bán lẻ sẽ cao hơn giá bán buôn, hay ở những vùng dễ cung cấp, tập trung đông người như các thành phố lớn sẽ cung cấp thuận tiện, trong khi vùng sâu vùng xa giao thông cách trở, mọi thứ khó khăn hơn thì giá thuốc có thể cao hơn. Do vậy, để có giá thật chính xác thì phải cập nhật liên tục giá liên quan thị trường thực tế, tính yếu tố vùng miền và tốt nhất là cho một dải giá, giá cao nhất hoặc thấp nhất có thể, thì như vậy sẽ uyển chuyển hơn” - GS Tuấn phân tích.

GS Tuấn cũng cho rằng, đây là một thách thức lớn đối với tân Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long. “Đây là một trong những nhiệm vụ mà Thủ tướng đã giao Bộ Y tế. Người dân kỳ vọng, Bộ Y tế quyết tâm. Vì vậy, tôi hy vọng sẽ thành công, vì muốn cải cách thì phải công khai minh bạch, đó là điều đầu tiên mà chúng ta phải làm” - GS Tuấn kỳ vọng.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Bùi Thị An cũng thẳng thắn: Việc công khai giá thuốc sẽ “đánh” vào việc làm ăn phi pháp của các nhóm lợi ích.

“Vì vậy, tôi cho rằng Bộ trưởng Thanh Long sẽ gặp phải những khó khăn nhất định. Lẽ ra những người có vai trò quản lý trong lĩnh vực dược đã phải làm việc đó từ nhiều năm nay, nhưng họ đã không làm hoặc không làm được, chế tài xử phạt không có, khiến cho lĩnh vực dược trở nên phức tạp, khó quản lý và đối tượng chịu thiệt thòi nhất vẫn là người dân, người bệnh” - bà nói (Lao động, trang 2).

 

Việt Nam đã ghi nhận 1.300 ca mắc Covid-19

 Theo tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính từ 18h ngày 17-11 đến 18h ngày 18-11, nước ta ghi nhận 12 ca mắc mới, đều là ca nhập cảnh được cách ly ngay tại tỉnh Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Hải Dương. Như vậy, đã 77 ngày liên tiếp (tính từ ngày 3-9 đến nay), nước ta không ghi nhận ca mắc Covid-19 tại cộng đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam là 1.300 ca, trong đó có 691 ca lây nhiễm trong nước.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 16.399 người, trong đó có 206 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 15.308 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và số còn lại cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nước ta đã điều trị khỏi cho 1.124 ca mắc Covid-19, ghi nhận 35 ca tử vong. Ngoài ra, trong số các ca bệnh còn lại đang điều trị tại các cơ sở y tế, 34 ca đã có kết quả xét nghiệm từ 1 đến 3 lần âm tính với vi rút SARS-CoV-2 (Hà Nội mới, trang 1).

 

Uống rượu ba kích 'cương' 30 giờ có thật không?

Thông tin một người nam 40 tuổi uống rượu ba kích và rối loạn cương dương suốt 30 giờ đang xôn xao trên mạng xã hội. Lập tức các quảng cáo rượu ba kích xuất hiện khắp nơi nơi, coi như 'thần dược' cho phái nam đang 'yếu chỗ đó'.

"Riêng ba kích không thể nào" - dược sĩ Phan Văn Hiệu, người nhiều năm nghiên cứu về cây ba kích tím Quảng Ninh, bác bỏ ngay yếu tố "cương suốt 30 giờ là vì uống rượu ba kích".

Coi chừng rượu pha tân dược

Theo dược sĩ Hiệu, ba kích và các loại thảo dược không bao giờ có tác dụng nhanh và mạnh đến như vậy. 

Tác dụng chính của ba kích là tăng cường hormon nam giới nội sinh, tăng cường sức khỏe, về lâu dài có thể tăng cường khả năng "chuyện ấy", nhưng như ca bệnh vừa điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thì không thể có.

"Có 2 khả năng là rượu này được ngâm thêm thành phần tân dược nào đó có tác dụng giãn mạch, như thành phần có trong Viagra hoặc dẫn xuất của thành phần đó, hoặc uống thêm thuốc có chứa tân dược bên cạnh uống rượu ba kích. 

Nếu rượu chứa tân dược, có thể nạn nhân đã không kiểm soát được liều lượng dẫn đến tình huống uống quá liều, dẫn đến bị lên suốt 30 giờ mà không xuống" - ông Hiệu nói.

Chuyện mà ông Phan Văn Hiệu nghi ngờ không phải không có khả năng, khi Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương vừa cho biết đã xuất hiện một số website, ứng dụng thương mại điện tử đang bán các sản phẩm kẹo Hamer có chứa N-desmethyl Tadalafil, là dược chất cấm dùng điều trị rối loạn cương dương.

Theo thông tin kể trên, các sản phẩm kẹo Hamer đang được bán trên các website, ứng dụng thương mại điện tử, được mô tả với công dụng "hỗ trợ tốt cho việc rối loạn cương dương, khắc phục tình trạng lãnh cảm, suy giảm ham muốn sinh lý". 

Tuy nhiên thực tế thành phần sản phẩm lại chứa tân dược điều trị chứng rối loạn cương, nếu sử dụng tùy tiện có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, đặc biệt là những người có bệnh tim mạch.

Nên kiểm tra "rượu thuốc"

Về ca bệnh nam giới bị "cương" suốt 30 giờ điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các bác sĩ đã dùng tới 2 phương pháp điều trị mới giải quyết được tình trạng cương cứng bất thường này. 

Theo các chuyên gia, nếu còn tìm được loại rượu mà bệnh nhân sử dụng thì rất nên tìm hiểu để xét nghiệm, đánh giá và cảnh báo nguy cơ.

Mặc dù cho đến nay chưa tìm thấy nhiều bằng chứng xung quanh những vụ cho tân dược vào các "bài thuốc" trị chứng rối loạn cương cho nam giới, nhưng triệu chứng ở nhiều nam giới dùng sản phẩm là có và rất rõ ràng. 

Bệnh nhân kể trên mới 40 tuổi, sau này chắc chắn sẽ bị rối loạn cương, "hậu quả" để lại như vậy là nghiêm trọng.

Để bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số yêu cầu các thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu các website, ứng dụng thương mại điện tử, chủ sử hữu các website, ứng dụng thương mại điện tử cần rà soát các sản phẩm kẹo Hamer và hiệu lực của giấy phép tự công bố sản phẩm kẹo Hamer được bày bán trên các website, ứng dụng, có các biện pháp xử lý đối với các sản phẩm, người bán trên các website và ứng dụng nếu có bán sản phẩm, đồng thời triển khai các biện pháp kỹ thuật kiểm duyệt nhằm ngăn chặn, loại bỏ và xử lý các sản phẩm kẹo Hamer (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Cảnh báo viên sủi Satochi và Đường huyết hoàn Halifa quảng cáo không đúng về công dụng

Ngày 18-11, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế cảnh báo, qua công tác hậu kiểm, đơn vị này phát hiện một số website: http://satochi-hangchinhhang.com, http://vivita.vn/ đang quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Satochi vi phạm. Cụ thể, dù là thực phẩm chức năng nhưng sản phẩm này lại quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo liệt kê công dụng từng thành phần của sản phẩm. Đây là sản phẩm do Công ty cổ phần Butaba (địa chỉ: Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, quá trình hậu kiểm, Công ty Butaba không thừa nhận các website nêu trên là của công ty mình. Tương tự, Cục ATTP cũng phát hiện trên một số website: http://www.thaoduoccophuong.xyz , http://dongydattaybac.xyz đang quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đường huyết hoàn Halifa vi phạm: Quảng cáo không đúng về công dụng sản phẩm; Quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Sản phẩm Đường huyết hoàn Halifa do Công ty TNHH Dược phẩm Hải Linh (thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm. Quá trình hậu kiểm, Công ty TNHH Dược phẩm Hải Linh không thừa nhận các website nêu trên là của công ty mình. Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm, trong thời gian Cục ATTP đang phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, Cục ATTP khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Satochi và Đường huyết hoàn Halifa quảng cáo vi phạm trên khác website nêu trên (An ninh thủ đô, trang 6).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang