Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 19/3/2020

  • |
T5g.org.vn - Quân đội sẵn sàng cách ly 45.000 người; Người Việt Nam ở nước ngoài nên cân nhắc kỹ lưỡng việc trở về nước; Vì sao Việt Nam đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ bộ xét nghiệm nhanh?; TPHCM sàng lọc hành khách nhập cảnh tại sân bay; Một ngày thêm 10 ca Covid- 19 mới

 

Quân đội sẵn sàng cách ly 45.000 người

Ngày 18.3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (gọi tắt là Ban chỉ đạo) đã họp triển khai phương án phòng chống dịch. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo, chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ GTVT khuyến cáo,  người VN ở nước ngoài nên cân nhắc kỹ lưỡng việc trở về nước, bởi nhiều nước siết chặt việc XNC, có thể đưa ra quyết định đơn phương về việc dừng, thay đổi chuyến bay. Về chuẩn bị cơ sở cách ly tập trung, thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng), cho biết theo kế hoạch mới nhất, quân đội đã chuẩn bị 140 khu cách ly với gần 45.000 chỗ.

Tổng số người cách ly từ đầu dịch đến nay là hơn 21.000 chỗ. Trong số này, khoảng 14.000 người đã hoàn thành cách ly. Như vậy, các khu cách ly của quân đội hiện đã sẵn sàng cơ sở vật chất để tiếp nhận khoảng 38.000 người vào cách ly. Đồng thời, quân đội cũng đã xây dựng kế hoạch dự phòng, có thể huy động thêm 10.000 -20.000 chỗ.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh xâm nhập vào Việt Nam thông qua các chính sách về xuất nhập cảnh, trên tinh thần mềm dẻo, hợp tác nhưng kiên quyết (Thanh niên, trang 3).

 

Người Việt Nam ở nước ngoài nên cân nhắc kỹ lưỡng việc trở về nước

Đại diện Bộ GTVT lưu ý người Việt Nam ở nước ngoài nên cân nhắc kỹ lưỡng việc trở về nước, vì tình hình di chuyển bằng đường hàng không giữa các nước hiện nay rất khó khăn.

Sáng 18/3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (SARS-Cov-2) gây ra đã họp triển khai phương án phòng chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến thống nhất nhận định, thực tiễn chống dịch thời gian qua đã khẳng định tất cả nguyên tắc, chủ trương, chỉ đạo chống dịch của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo thời gian qua là đúng đắn. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên thế giới rất phức tạp, đang xấu đi rất nhanh so với dự tính của nhiều chuyên gia trong nước và thế giới, đặc biệt tại châu Âu và Mỹ, do đó chúng ta phải tăng cường tốc độ ứng phó.

Đại diện Bộ Giao thông vận tải khuyến cáo, người Việt Nam ở nước ngoài nên cân nhắc kỹ lưỡng việc trở về nước. Do tình hình di chuyển bằng đường hàng không giữa các nước hiện nay rất khó khăn. Nhiều nước siết chặt việc xuất nhập cảnh; có thể đưa ra quyết định đơn phương về việc dừng, thay đổi chuyến bay.

Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia y tế nêu rõ, việc di chuyển đến sân bay và trên máy bay, khả năng lây nhiễm dịch bệnh rất cao nên người dân cần thận trọng khi di chuyển. Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải thống nhất, ngành hàng không Việt Nam phải đảm bảo an toàn theo hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế.

Các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất cho rằng người Việt Nam ở nước ngoài nên thực hiện nghiêm các khuyến cáo, hướng dẫn y tế của chính quyền nước sở tại. Trường hợp thực sự phải về nước, thì dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta luôn nỗ lực hết sức để thực hiện các biện pháp cần thiết, lo cho bà con một cách tốt nhất có thể.

Sẵn sàng tiếp nhận, cách ly hàng vạn người

Về chuẩn bị cơ sở cách ly tập trung, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) cho biết, theo kế hoạch mới nhất quân đội đã chuẩn bị 140 khu cách ly với 44.718 chỗ. Tổng số người cách ly từ đầu dịch đến giờ mới đạt hơn 21.000 chỗ. Trong số này, khoảng 14.000 người đã hoàn thành cách ly. Tính đến 6 giờ sáng nay (18/3), quân đội hiện đang cách ly 6.986 người.

Như vậy, các khu cách ly của quân đội hiện đã sẵn sàng cơ sở vật chất để tiếp nhận gần 38.000 người vào cách ly. Đồng thời, quân đội cũng đã xây dựng kế hoạch dự phòng, có thể huy động thêm 10.000- 20.000 chỗ để sẵn sàng tiếp nhận tổ chức cách ly tập trung theo quy định.

Bên cạnh đó, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng thảo luận việc chuẩn bị cơ sở lưu trú, quy trình thực hiện tổ chức cách ly tại khách sạn có thu phí đối với các chuyên gia, người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc tại các doanh nghiệp, dự án quan trọng (Tiền phong, trang 3).

 

Vì sao Việt Nam đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ bộ xét nghiệm nhanh?

Việt Nam là một trong số ít các nước sản xuất thành công bộ thử SARS-CoV-2. Tuy nhiên mới đây Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lại đề nghị phía Hàn Quốc hỗ trợ các sinh phẩm, kit (bộ) chẩn đoán nhanh khiến nhiều người thắc mắc không biết hai loại này có gì khác nhau? Đầu tháng 3, Việt Nam công bố là một trong số ít các nước sản xuất thành công bộ kit test SARS-CoV-2. Bộ sản phẩm do công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, phối hợp với Học viện Quân y sản xuất. Kết quả thử nghiệm cho thấy, các tiêu chí của thiết bị tương đương bộ sinh phẩm do Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật của Mỹ (US CDC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sản xuất. Thời gian phát hiện virus trong khoảng 2 tiếng.

Tuy nhiên, hiện tại bộ test SARS-CoV-2 “made in Vietnam” vẫn đang trong quá trình bắt đầu được đưa vào sản xuất, dự kiến sẽ sớm có trên thị trường. Trong khi đó, Việt Nam đã bước vào giai đoạn hai của cuộc chiến chống Covid-19, phức tạp và nhiều khó khăn hơn nhiều so với giai đoạn trước. TS Hoàng Vũ Mai Phương, Trưởng Khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư nhận định, với kỹ thuật xét nghiệm hiện nay của Việt Nam, nếu dịch phát triển đến cấp độ 1.000 ca thì vô cùng khó khăn và gần như không thể đáp ứng xét nghiệm.

Nguyên nhân là do kỹ thuật xét nghiệm của Việt Nam cho độ chính xác 100% nhưng dùng sức người nhiều. Dù đã nghiên cứu sản xuất thành công bộ thử, nếu đưa vào sản xuất, công suất có thể đáp ứng 10.000 bộ/ngày, thậm chí gấp ba lần, nhưng năng lực xét nghiệm cho kết quả thì khó lòng đáp ứng do lực lượng chuyên môn không đủ. Ngoài ra để thực hiện thí nghiệm sinh học phân tử, đòi hỏi cơ sở vật chất trang thiết bị tương đối hiện đại.

Tại buổi đã tiếp ông Park Noh-Wan, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam và TS Kydong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã đề nghị phía Hàn Quốc chia sẻ bài học kinh nghiệm trong việc xét nghiệm cùng lúc số lượng lớn mẫu bệnh phẩm, hỗ trợ cho Việt Nam các sinh phẩm, kit chẩn đoán nhanh, trang thiết bị xét nghiệm nhằm rút ngắn thời gian xét nghiệm, ứng phó kịp thời nếu xảy ra tình huống dịch trên diện rộng.

Theo các chuyên gia dịch tễ, test kit của Hàn Quốc và của Việt Nam là 2 loại khác nhau. Thiết bị của Hàn Quốc là kit test nhanh, không phải kit PCR như của Việt Nam. Kit test nhanh của Hàn Quốc tuy độ chính xác không cao, nhưng do dùng máy móc can thiệp, có thể lấy nhiều mẫu trong thời gian ngắn cho kết quả nhanh hơn. Mẫu test nhanh này áp dụng phù hợp vào các trường hợp khẩn cấp cần xác định để khoanh vùng cách ly ngay. Việc Việt Nam quyết định tìm kiếm sự hỗ trợ kit chẩn đoán nhanh từ Hàn Quốc là để đáp ứng giai đoạn mới của dịch Covid-19 tại Việt Nam, khi ca bệnh tăng về số lượng và dịch lan trên diện rộng, nguồn lây lan khó kiểm soát (Tiền phong, trang 5).

 

TPHCM sàng lọc hành khách nhập cảnh tại sân bay

Chiều 18-3, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh Covid-19 TPHCM đã tổ chức họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm chủ trì cuộc họp.

Theo báo cáo của Sở Y tế, TP hiện xác định 11 ca mắc Covid-19 (3 ca đã khỏi bệnh, 8 bệnh nhân đang điều trị ổn định, không dùng máy thở). Trong tổng số 177 trường hợp nghi nhiễm, có 173 ca âm tính, 4 ca đang chờ kết quả. Tổng số trường hợp được cách ly tập trung là 1.921 ca, trong đó ở khu cách ly tập trung của TP là 1.424 người, ở cơ sở cách ly tập trung quận huyện là 497 người. Tổng số trường hợp được cách ly tại nhà/nơi lưu trú là 615 người. Từ 11-3 đến 18-3, Việt Nam tăng 34 ca, riêng TPHCM tăng 7 ca (3 ca lây nhiễm, 4 ca xâm nhập).

Sở Y tế TPHCM đang phối hợp Bộ Tư lệnh TP tổ chức các khu cách ly tập trung của TP với quy mô 22.998 giường. Ngoài ra, 24 quận huyện cũng tổ chức cơ sở cách ly tập trung, với tổng quy mô 798 giường - hiện đạt 80% công suất; đồng thời chuẩn bị khu vực cách ly riêng những trường hợp nghi nhiễm bệnh, tránh lây lan chéo. Sở Công thương đã phối hợp Saigon Co.op để cung ứng khẩu trang, dự kiến là khoảng trên 17 triệu chiếc trong tháng 3.

Chỉ đạo tại buổi họp, đồng chí Lê Thanh Liêm cho rằng cần phải có phương án dự phòng, đảm bảo công suất sử dụng tối đa số giường cách ly là 80%, luôn phải đảm bảo còn ít nhất 20% dự phòng. Cần sự điều phối khéo léo, nhịp nhàng để phân bổ các trường hợp cách ly hợp lý. Công tác hậu cần phải được quan tâm đặc biệt và cần sự phối hợp tốt giữa các cơ quan, bộ phận, ban ngành với các quận huyện. Đồng chí Lê Thanh Liêm đề nghị Quân khu 7 và Bộ Tư lệnh TP tăng cường hỗ trợ TP trong công tác hậu cần. Yêu cầu Sở Công thương TP đảm bảo đủ khẩu trang cho học sinh vào dịp đi học lại, và cho cán bộ, CNVC-LĐ và người dân.

Chiều 18-3, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết, hiện có 9 khách sạn, khu nghỉ dưỡng… đăng ký làm điểm cách ly theo 2 hình thức, gồm: cho mượn cơ sở lưu trú để sử dụng làm địa điểm cách ly tập trung và cơ sở lưu trú có nhân viên phục vụ, khách cách ly tự trả phí. Sở Du lịch đang phối hợp Sở Y tế TP khảo sát các cơ sở nhằm đảm bảo đủ điều kiện phục vụ cách ly theo quy định.

Trong khi đó, Ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM có quy mô khoảng 60.000 sinh viên từ ngày 18-3 ngưng tiếp nhận sinh viên để phòng ngừa dịch. PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM khẳng định, trong trường hợp cần thiết, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng của ĐH Quốc gia TPHCM với 3.000 giường, 2 hệ thống nhà ăn, nằm ở khu biệt lập… cũng có thể tận dụng làm khu cách ly tập trung của TP.

GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM phối hợp Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế và các đơn vị liên quan lấy mẫu của hành khách về từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch khi nhập cảnh tại sân bay để xét nghiệm Covid-19.

Sở Y tế TPHCM yêu cầu, nếu xảy ra ùn tắc tại cửa khẩu, việc lấy mẫu xét nghiệm được thực hiện tại các cơ sở cách ly tập trung. Nếu phát hiện trường hợp dương tính hoặc nghi ngờ, cần chuyển ngay mẫu bệnh phẩm đến Viện Pasteur TPHCM để làm xét nghiệm khẳng định. Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2: chuyển ngay đến cơ sở y tế để được cách ly, điều trị kịp thời. Trường hợp kết quả xét nghiệm âm tính, cần tiếp tục cách ly tập trung đủ 14 ngày. Ngày 18-3, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết, bệnh nhân thứ 32 (N.T.T.H., 24 tuổi) đã có kết quả âm tính với Covid-19. Bệnh nhân ăn uống bình thường, không sốt, ho ít, X-quang phổi bình thường, thở êm 20 lần/phút và đã ngừng sử dụng kháng sinh (Sài Gòn giải phóng, trang 9).

 

Một ngày thêm 10 ca Covid- 19 mới

Tối ngày 18/3, Bộ Y tế công bố chùm ca bệnh Covid -19 tại Việt Nam.Tính đến thời điểm này, Việt Nam có 76 người mắc Covid -19, trong đó, người thứ 76 mang Quốc tịch Pháp. Bệnh nhân thứ 69 là nam, 30 tuổi, quốc tịch Đức, tạm trú tại Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bệnh nhân là du khách, nhập cảnh Nội Bài ngày 13/3 trên chuyến bay SU290. Từ ngày 13-15/3 bệnh nhân có đi đến một số điểm tại Hà Nội.

Ngày 15/3 bệnh nhân có sốt, đi đến một số cơ sở Y tế, sau đó được chuyển vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Ngày 16/3, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiến hành lấy mẫu để xét nghiệm khẳng định, kết quả lần 1 sơ bộ dương tính SARS-CoV-2.

Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.

Bệnh nhân thứ 70 là nam, 19 tuổi, địa chỉ ở Thanh Xuân, Hà Nội. Bệnh nhân là du học sinh tại Anh, nhập cảnh về Nội Bài ngày 16/3 trên chuyến bay TK164. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã tổ chức xét nghiệm sàng lọc và bệnh nhân cho kết quả dương tính SARS-CoV-2.

Bệnh nhân và những người tiếp xúc gần đã được đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh và mẫu bệnh phẩm được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.

Bệnh nhân số 71 là nữ, 19 tuổi, địa chỉ ở Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bệnh nhân là du học sinh tại Anh, nhập cảnh về Nội Bài ngày 16/3 trên chuyến bay TK164. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã tổ chức xét nghiệm sàng lọc và bệnh nhân cho kết quả dương tính SARS-CoV-2.

Bệnh nhân và những người tiếp xúc gần đã được đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh và mẫu bệnh phẩm được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho kết quả dương tính SARS-CoV-2.

Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.

Bệnh nhân thứ 72 là nữ, 25 tuổi, quốc tịch Pháp. Bệnh nhân là hành khách trên chuyến bay từ Pháp về Nội Bài ngày 09/03/2020, trên chuyến bay có ca mắc bệnh Covid-19, bệnh nhân là bạn gái của ca dương tính số 60. Sau đó, bệnh nhân có đi du lịch tại một số điểm tại Hà Nội và Ninh Bình.

Ngày 15/3 bệnh nhân quay trở lại Hà Nội và được đưa đi cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân tại bệnh viện là dương tính SARS-CoV-2. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cử cán bộ sang điều tra thông tin dịch tễ và lấy mẫu bệnh phẩm và cho kết quả dương tính.

Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.

Bệnh nhân thứ 73 là nam, 11 tuổi, địa chỉ ở Huyện Thanh Miện, Hải Dương. Bệnh nhân về Việt Nam chuyến bay VN0054 ngày 9/3. Ngày 13/3, bệnh nhân được trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương đưa vào cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện và lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Ngày 17/3, trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương gửi lại mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm, hôm nay cho kết quả dương tính SARS-CoV-2.

Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện, tình trạng sức khoẻ ổn định.

Bệnh nhân thứ 74 là nam, 23 tuổi, địa chỉ ở Lâm Thao, Phú Thọ. Bệnh nhân về Việt Nam chuyến bay VN0018 ngày 16/3. Sau khi xuống máy bay, bệnh nhân được đưa vào khu cách ly tập trung của tỉnh Bắc Ninh và tiến hành sàng lọc lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho kết quả dương tính SARS-CoV-2.

Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, tình trạng sức khoẻ ổn định.

Bệnh nhân thứ 75 là nữ, 40 tuổi, địa chỉ ở Quận 2, TP. Hồ Chí Minh. Ngày 4/3, BN từ Việt Nam sang London - Anh thăm người thân và tại đây bệnh nhân không tiếp xúc với người mắc bệnh Covid-19. Ngày 15/3, bệnh nhân về tới Việt Nam trên chuyến bay của hãng hàng không VietnamAirline số hiệu VN50, số ghế 10E. Khi nhập cảnh, bệnh nhân chưa có triệu chứng bệnh, chuyển cách ly tập trung tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi và được lấy mẫu xét nghiệm.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM xét nghiệm dương tính vào tối ngày 17/3. Mẫu bệnh phẩm được xét nghiệm tại Viện Pasteur TPHCM và kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào chiều ngày 18/3. Hiện bệnh nhân tiếp tục được theo dõi, điều trị, cách ly tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi với tình trạng sức khoẻ ổn.

Bộ Y tế vừa công bố ca bệnh Covid -19 thứ 76 tại Việt Nam

Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tối ngày 18/3/2020, có thêm một bệnh nhân xét nghiệm khẳng định dương tính SARS-CoV-2, cụ thể như sau:

Bệnh nhân nam, 52 tuổi, quốc tịch Pháp. Bệnh nhân là hành khách trên chuyến bay TK162 nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất ngày 10/3/2020. Từ ngày 10/3-16/03, bệnh nhân đi qua Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hội An và Huế.

Bệnh nhân đến Ninh Bình và được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc gửi về Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, kết quả dương tính SARS-CoV-2. Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định (Tiền phong, trang 5).

 

Hai bệnh nhi phục hồi rất tốt sau ghép gan đặc biệt

Sau 2 ca phẫu thuật ghép gan đầy căng thẳng (ngày 24 và 26-2) với sự thực hiện của các y, bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương, sự hỗ trợ của các cộng sự đến từ Bệnh viện Veterans General - Đài Loan (Trung Quốc), đến giờ, hai bệnh nhân nhỏ tuổi là T.G.B và T.H.A đã hồi phục rất tốt. Theo Bệnh viện Nhi trung ương, bệnh nhân T.G.B mới 9 tháng tuổi ở Quảng Ngãi và bệnh nhân T.H.A  20 tháng tuổi ở Phú Thọ, đều mắc bệnh gan giai đoạn cuối do các biến chứng nặng của bệnh teo đường mật bẩm sinh.

Đây là dị tật bẩm sinh nặng của hệ thống đường mật, gây tổn thương đường mật trong và ngoài gan, khiến sự dẫn mật bị ứ trệ và gây hậu quả xơ gan mật và các biến chứng nặng nề, bệnh nhi có thể tử vong do xuất huyết tiêu hóa nặng hoặc hôn mê gan.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương đã hội chẩn và đưa ra quyết định ghép gan là biện pháp duy nhất có thể cứu sống bệnh nhân.

Tuy nhiên, đây là quyết định rất khó khăn trong hoàn cảnh bệnh viện đang cùng cả nước phải dồn nhân lực cho cuộc chiến chống dịch Covid-19, bệnh nhân đang trong tình trạng nặng, một trong hai bệnh nhân là trẻ rất nhỏ (bé T.G.B chỉ mới 9 tháng tuổi), đòi hỏi sự quyết tâm của đội ngũ y, bác sĩ để vượt qua các trở ngại về kỹ thuật. Cả hai trường hợp này được nhận gan từ bố mẹ đẻ của mình.

Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Duy Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương kiêm Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Nội soi Nhi khoa và Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, đã có nhiều thách thức xảy ra trong quá trình ghép gan cho hai bệnh nhi. Trong quá trình mổ, các bác sĩ đã phải thực hiện rất nhiều thủ thuật để tăng cường lượng máu cho tĩnh mạch cửa. Trong khi đó, bên phía người cho cũng có bất thường hệ thống động mạch cung cấp cho mảnh gan ghép. Cả hai ca mổ đều kéo dài thời gian đến khoảng 10 giờ đồng hồ.

Tình trạng sau mổ tạm thời ổn định, bệnh nhân đã được chăm sóc tích cực sau phẫu thuật và hiện được theo dõi, điều trị và chăm sóc tại khoa Gan mật - Trung tâm Tiêu hóa, Gan mật và Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi trung ương.

Hai ca ghép gan thành công này một lần nữa đánh dấu các bước tiến bộ về kỹ thuật ghép tạng và các nỗ lực của bệnh viện trong điều trị cho các bệnh nhi không may mắc bệnh hiểm nghèo (Hà Nội mới, trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang