Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 19/7/2018

  • |
T5g.org.vn - Chồng chéo khi 6 bộ cùng quản lý một 'cây thuốc' Đông y; Đã có bệnh nhân thứ 4 tử vong vì cúm A/H1N1 tại TP. Hồ Chí Minh; Bộ Y tế giảm 25.362 người hưởng lương ngân sách trong 2 năm; HOẠT ĐỘNG KHÁM-CHỮA BỆNH Y HỌC CỔ TRUYỀN: Đáp ứng nhu cầu khám - chữa bệnh của nhân dân.

 

Chồng chéo khi 6 bộ cùng quản lý một 'cây thuốc' Đông y

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm phát triển nền Đông y Việt Nam, ông Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết tỷ lệ khám chữa bệnh (KCB) y dược cổ truyền (YDCT) và kết hợp YDCT với y học hiện đại, tỷ lệ giường bệnh cho YDCT ở tuyến tỉnh đều giảm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chỉ ra: Việt Nam có nguồn dược liệu phong phú, nhiều bài thuốc hay, nhưng vẫn chưa phát huy được trong KCB. Nhiều bài thuốc hay của Tuệ Tĩnh Đường chưa được phát triển, nên mới dừng ở việc đi KCB từ thiện cho bà con. Người dân khi có bệnh đều nghĩ đến KCB Tây y, trong khi nhiều bệnh, thuốc Đông y chữa được. Tỉ lệ KCB kết hợp giữa Đông y và Tây y còn khiêm tốn. Nguồn dược liệu còn bị khai thác bừa bãi.

Người đứng đầu ngành y tế cũng thừa nhận một số điều khoản trong Luật KCB, Luật BHYT, Luật Dược... đã bộc lộ những điểm chưa phù hợp, thậm chí, cản trở sự phát triển của YDCT.

Nhiều rào cản của YHCT đã được thẳng thắn chỉ ra, nhằm tìm giải pháp khắc phục cho YHCT.

Các ý kiến đồng ý rằng đang có sự chồng chéo trong quản lý nhà nước giữa các bộ ngành. Ví như Bộ Y tế quản lý dược liệu dùng làm thuốc, thuốc dược liệu, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc cổ truyền; Bộ NN&PTNT quản lý nuôi trồng cây thuốc, quản lý rừng trong đó có động vật, thực vật làm thuốc; Bộ Công Thương quản lý việc buôn bán, xuất nhập khẩu dược liệu dùng cho các lĩnh vực khác thuốc như: Thực phẩm, thực phẩm chức năng (TPCN), mỹ phẩm, công nghiệp hóa dược, tinh dầu, chất thơm; Bộ Khoa học & Công nghệ quản lý về nghiên cứu, công nghệ và tiêu chuẩn hóa; Bộ Tài chính (Tổng Cục Hải quan) quản lý, giám sát việc nhập khẩu dược liệu; Bộ Quốc phòng (Bộ đội biên phòng) phối hợp quản lý dược liệu nhập lậu qua đường tiểu ngạch; UBND các tỉnh/thành phố quy hoạch vùng nuôi trồng, chỉ đạo nuôi trồng và khai thác cây thuốc trên địa bàn.

Hiện chưa có cơ quan làm đầu mối để thống nhất quản lý chuỗi dược liệu. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào YDCT còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của YDCT.

Theo Cục Y dược cổ truyền, một số Luật hiện hành bộc lộ những hạn chế như áp dụng các quy định của y học hiện đại đối với YDCT là không hợp lý. Khi thực hiện Luật KCB, còn nhiều vướng mắc cho YHCT trong việc cấp chứng chỉ hành nghề, nên hiện có khá đông người hành nghề không được cấp chứng chỉ. Nhóm người hành nghề theo kinh nghiệm dân gian, nhóm là ông lang bà mế (hành nghề KCB theo tri thức truyền thống của dân tộc hay y học dân tộc thiểu số) vẫn không có cơ chế quản lý, kiểm soát được.

Ông Phạm Vũ Khánh cho hay việc thực hiện Luật BHYT cũng còn nhiều khó khăn trong KCB và thanh quyết toán BHYT về YDCT. Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị cấp tính tại các bệnh viện (BV) đa khoa thì được chuyển đến BV YHCT, nhưng do các rào cản trong cơ chế chuyển tuyến khiến bệnh nhân không được chuyển đến BV YHCT. Hiện số người đăng ký KCB BHYT ban đầu tại các BV YHCT rất thấp, do đó, cần mở rộng nhóm đối tượng lựa chọn BV YHCT tỉnh đăng ký ban đầu.

Cần xem xét vấn đề thanh toán BHYT cho những bệnh nhân ngoại trú trái tuyến ở các BV YHCT và sử dụng thuốc nam trong KCB tại tuyến cơ sở. Chưa có cơ chế tăng cường thuốc nam sử dụng trong chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt ở tuyến y tế cơ sở, nhất là trong đấu thầu thuốc YHCT.

Đại diện Cục Y dược cổ truyền cũng cho rằng, Luật An toàn thực phẩm (ATTP) qui định TPCN gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học, dẫn đến nhiều tổ chức, cá nhân đã chuyển dạng các bài thuốc YHCT quý thành dạng TPCN để được lưu hành, đồng thời quảng cáo như dược phẩm. Hiện tượng quảng cáo vượt quá khả năng chuyên môn, hoặc sai sự thật trên mạng xã hội và một số phương tiên thông tin đại chúng tràn lan, khiến cho người dân mất lòng tin với YHCT, ảnh hưởng đến uy tín của các thầy thuốc YHCT chân chính. Trong khi đó, chế tài chưa đủ mạnh hoặc xử lý khó khăn, khiến cho việc ngăn chặn chưa hiệu quả.

Mặt khác, xu hướng sản xuất TPCN chỉ từ một vị thuốc với dịch vụ cung ứng tiện lợi, nên người dân dễ tiếp cận, dẫn đến tình trạng lạm dụng mà không tuân theo nguyên lý sử dụng thuốc của YHCT, dễ xảy ra những tác động xấu cho sức khỏe. Công tác truyền thông chưa phù hợp cũng góp phần tạo nên việc nhiều người dân, kể cả đội ngũ cán bộ y tế, hiểu chưa đúng bản chất của YHCT trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Hành lang pháp lý liên quan đến quản lý dược liệu trong Luật Dược chưa đầy đủ, khiến cho việc xử lý khó khăn; cũng chưa có quy định chặt chẽ việc bảo tồn, thu hái dược liệu tự nhiên; chế tài kiểm soát việc sản xuất, chế biến, buôn bán, kinh doanh dược liệu chưa đủ mạnh là nguyên nhân của tình trạng dược liệu/thuốc YHCT không đảm bảo chất lượng trôi nổi trên thị trường.

Trong lĩnh vực YHCT, các đơn vị y tế trong CAND đã luôn quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học, để phát triển và ứng dụng các tiến bộ vào KCB. Một trong số đó là đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Bảo tồn nguồn gen, cây thuốc quý hiếm tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc” giai đoạn 2013-2017. Kết quả đã làm được 786 tiêu bản cây thuốc, xác định tên khoa học 322 loài cây thuốc, di thực trên 200 nguồn gen cây thuốc quí hiếm, có giá trị đưa về bảo tồn tại BV Công an tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ đều cho kết quả tốt. (Công an nhân dân, trang 2).

 

Đã có bệnh nhân thứ 4 tử vong vì cúm A/H1N1 tại TP. Hồ Chí Minh

Ngày 18/7, thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TPHCM) cho biết tại BV vừa tiếp nhận điều trị cho thai phụ N.T.V (35 tuổi, ngụ Đồng Tháp) dương tính với cúm A/H1N1. Tuy nhiên, do bệnh tình quá nặng, điều trị không thuyên giảm nên gia đình đã xin đưa bệnh nhân về nhà.

Đại diện BV  Bệnh Nhiệt đới cho biết bệnh nhân được chuyển từ một Bệnh viện ở Đồng Tháp đến vào ngày 17/6 trong tình trạng tức ngực, khó thở với chẩn đoán ban đầu của các BS ở địa phương là viêm phổi nghi do cúm bội nhiễm.

Tại BV Bệnh Nhiệt đới, sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, các BS xác định thai phụ dương tính với cúm A/H1N1.

Bệnh nhân đã được đặt nội khí quản thở máy, điều trị tích cực nhưng tình trạng suy hô hấp không cải thiện. Tình trạng bệnh đe dọa trực tiếp sinh mạng của mẹ và bé nên bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới đã hội chẩn cùng BV Từ Dũ thực hiện cuộc phẫu thuật bắt con. Thai nhi là một bé gái, cân nặng 1,6kg và đã được chuyển đến chăm sóc tại BV Từ Dũ.

Sản phụ tiếp tục được điều trị tích cực bằng thở máy, kháng sinh, chăm sóc dinh dưỡng.

Tuy nhiên, đến ngày 16/7 (sau 3 tuần nằm viện), bệnh nhân rơi vào tình trạng rất nguy kịch. Sau khi giải thích với người nhà, bệnh nhân đã được BV cho xuất viện để chuẩn bị hậu sự theo yêu cầu của gia đình.

Theo lời kể của chồng bệnh nhân, sau khi được chăm sóc tại Từ Dũ, con gái anh may mắn không bị nhiễm cúm từ mẹ, bé đã được bác sĩ cho xuất viện. .. (Tiền phong, trang 4).

 

Bộ Y tế giảm 25.362 người hưởng lương ngân sách trong 2 năm

Tại buổi tập huấn chuyên đề cung cấp thông tin y tế năm 2018 do Bộ Y tế tổ chức mới đây, đại diện Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết trong hai năm 2017, 2018 số đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước của Bộ giảm 25.362 người (của 24 bệnh viện), tiền lương phải chi khoảng 2.127 tỉ đồng/năm.

Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cũng cho hay hiện nay có bốn nội dung là tự chủ chi thường xuyên; tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, nhân sự và tự chủ về trách nhiệm tài chính.

Về nội dung thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, theo báo cáo của 22 sở y tế và 16 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, ngành Y tế triển khai khoảng 810 đề án liên doanh, liên kết với tổng số vốn là 4.282 tỉ đồng, trong đó các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế triển khai 185 đề án, gồm 100 thiết bị về chẩn đoán hình ảnh (54,05%); 29 thiết bị xét nghiệm… với tổng số vốn đầu tư là 2.28,36 tỉ đồng gồm vốn của nhà đầu tư là 2.043,41 tỉ đồng, huy động vốn của cán bộ, viên chức.

ới nội dung tự chủ chi thường xuyên, theo đại diện Vụ Kế hoạch tài chính, đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế quản lý, trong năm 2017, 2018 do thực hiện được giá dịch vụ có tiền lương nên đã chuyển 12 bệnh viện từ nhóm tự đảm bảo chi thường xuyên sang nhóm đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên. Số đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm 25.362 người (của 24 bệnh viện), tiền lương phải chi khoảng 2.127 tỉ đồng/năm.

Đối với các địa phương, số thống kê chưa đầy đủ của 45 tỉnh/thành phố cho thấy so với ngân sách cấp cho các bệnh viện năm 2016, năm 2017 giảm khoảng 4.850 tỉ đồng; năm 2018 giảm 7.150 tỉ đồng. Các tỉnh, thành phố có số giảm nhiều như TP.HCM giảm khoảng 1.200 tỉ đồng, Thái Nguyên giảm khoảng 170 tỉ đồng, Nghệ An khoảng 330 tỉ đồng, Hà Tĩnh 185 tỉ đồng; Bình Định là 110 tỉ đồng… (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 4).

 

HOẠT ĐỘNG KHÁM-CHỮA BỆNH Y HỌC CỔ TRUYỀN: Đáp ứng nhu cầu khám - chữa bệnh của nhân dân

Chiều 17.7, tại Hội nghị công tác khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền năm 2018 do Bộ Y tế phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức, đại diện Bộ Y tế cho biết, các hoạt động khám-chữa bệnh (KCB) y học cổ truyền (YHCT) tại các tuyến cơ bản đã đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân, góp phần vào thành tựu chăm sóc sức khoẻ chung của ngành y tế và góp phần bảo tồn giá trị về bản sắc, phát huy và phát triển YHCT của Việt Nam. Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đồng chủ trì hội nghị.

Hoạt động khám-chữa bệnh YHCT được mở rộng

Theo báo cáo kết quả hoạt động KCB YHCT của Cục Quản lý y dược cổ truyền (YDCT), Bộ Y tế, hiện hệ thống KCB YHCT từ tuyến Trung ương đến tuyến xã được củng cố, hoàn thiện và mở rộng về quy mô đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó có 88,88% số tỉnh, thành phố thành lập bệnh viện YHCT; 82,30% số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh thành lập khoa YDCT hoặc bộ phận YDCT liên chuyên khoa; 93,31% số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến huyện thành lập khoa YDCT hoặc bộ phận YDCT liên chuyên khoa; 88,23% số trạm y tế xã tổ chức triển khai KCB YHCT trên tổng số khám bệnh chung 8,75% ở tuyến tỉnh; 10,21% ở tuyến huyện; 22% ở tuyến xã. Tỉ lệ người bệnh đến cơ sở KCB YHCT ngày càng tăng đã chứng minh hiệu quả điều trị của phương pháp KCB YHCT, đã thu hút người bệnh ở các tuyến chuyên môn kỹ thuật.

Tuy nhiên, Cục Quản lý YDCT cũng chỉ ra những hạn chế còn tồn tại như công tác cung ứng đấu thầu dược liệu, vị thuốc còn hiện tượng sử dụng chưa đúng giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các dược liệu nuôi trồng trong nước chưa rõ ràng; giá trúng thầu thuốc của các tỉnh, thành phố vẫn còn chênh lệch; đa số dược liệu, vị thuốc chưa được cấp số đăng ký. Hiện nay Bộ Y tế mới đang soạn thảo ban hành Thông tư hướng dẫn đăng ký dược liệu thuốc cổ truyền.

Tại hội nghị, đại diện Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, hiện nay công tác KCB BHYT trong lĩnh vực YHCT còn nhiều bất cập như tần suất dịch vụ kỹ thuật tăng cao hơn bình thường, mã bệnh như nhau nhưng chi phí khác nhau. Tình hình sử dụng thuốc năm 2017 là 35 tỉ đồng, 5 tháng đầu năm 2018 là 16 tỉ đồng, sử dụng trên tổng chi phí thuốc 8,7%. Tình trạng các cơ sở KCB chỉ định rộng rãi, kéo dài thời gian điều trị không hợp lý, chỉ định điều trị nội trú cao, kê thêm nhiều giường bệnh... vẫn còn tồn tại.

Ban Thực hiện chính sách BHYT kiến nghị, cơ sở KCB chỉ định bệnh nhân điều trị nội trú phù hợp với tình trạng bệnh; cơ sở KCB chỉ định dịch vụ kỹ thuật phù hợp với chẩn đoán. Một số cơ sở KCB cần giảm ngày điều trị bình quân, không kéo dài ngày điều trị; sử dụng thuốc chế phẩm y học cổ truyền phù hợp; thực hiện việc chuyển tuyến KCB BHYT theo đúng quy định của Thông tư 40/2015/TT-BYT.

Nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh trong lĩnh vực YHCT

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định, BHXH Việt Nam luôn tuân thủ chặt chẽ các văn bản pháp luật mà Chính phủ, Bộ Y tế xây dựng trong triển khai thực hiện chính sách BHYT nói chung, công tác KCB BHYT nói riêng. Ông Phạm Lương Sơn nêu rõ, quan điểm của BHXH Việt Nam là những gì sử dụng cho bệnh nhân, có lợi trong điều trị cho người bệnh thì thanh toán đúng, đủ; nhưng không sử dụng dứt khoát sẽ không thanh toán.

Ông Phạm Lương Sơn đề nghị, ngành y tế và BHXH sẽ tiếp tục phối hợp, cùng nhau tìm ra các nguyên nhân, từ đó đưa ra được các giải pháp phù hợp để triển khai thực hiện tốt nhất công tác KCB BHYT, hướng đến mục tiêu cao nhất là đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, cùng chung sức thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho nhân dân.

Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đề nghị trong thực hiện nhiệm vụ, bản thân các cơ sở KCB phải làm đúng, làm chuẩn, công khai minh bạch, không được lạm dụng trong điều trị; nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu để thu hút bệnh nhân đến KCB; tăng cường công tác đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với thực tiễn; đảm bảo hiệu quả, tiếp tục đóng góp vào công tác KCB, đảm bảo chăm sóc sức khoẻ nhân dân. (Lao động, trang 4).

 

Quyền lợi người bệnh được cải thiện khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế

Theo Thông tư số 15/2018/TT-BYT (Thông tư 15) của Bộ Y tế, từ ngày 15-7, có 88 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá. Việc điều chỉnh sẽ giúp cân đối quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) đến năm 2020 trong điều kiện chưa điều chỉnh mức đóng BHYT, đồng thời tăng quyền lợi của người tham gia BHYT.

Cụ thể, Thông tư 15 điều chỉnh giảm giá 70 dịch vụ, gồm: sáu dịch vụ khám bệnh (của năm hạng bệnh viện và trạm y tế xã); 34 dịch vụ ngày giường bệnh, 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm. Điều chỉnh tăng giá chín dịch vụ, gồm: bảy dịch vụ ngày giường (chủ yếu là giường hồi sức tích cực và giường hồi sức cấp cứu) và hai dịch vụ xét nghiệm. Đồng thời, bổ sung mức giá của chín dịch vụ kỹ thuật, người bệnh sử dụng các dịch vụ này sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán. Thông tư cũng điều chỉnh 12 dịch vụ (chủ yếu là các dịch vụ chụp CT, nội soi) theo nguyên tắc không tính chi phí thuốc, vật tư tiêu hao đặc thù trong giá dịch vụ do thuốc và các loại vật tư này có nhiều loại và mỗi người bệnh sử dụng khác nhau. Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng và giá trúng thầu.

Giá khám bệnh của năm hạng bệnh viện và trạm y tế xã giảm bình quân 17%, tiền khám bệnh sẽ giảm từ 4.800 đồng đến 5.900 đồng ở các hạng bệnh viện; giá khám tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng một giảm từ 39 nghìn đồng xuống còn 33.100 đồng; ở bệnh viện hạng hai giảm từ 35 nghìn đồng xuống còn 29.600 đồng; giá khám tại trạm y tế xã, bệnh viện hạng bốn giảm từ 29 nghìn đồng xuống còn 23.300 đồng.

Giá giường bệnh được ban hành thấp hơn đề xuất ban đầu, tăng tại các bệnh viện hạng đặc biệt và giảm ở các hạng còn lại. Giá ngày giường điều trị giảm từ 2% đến 10% theo từng hạng bệnh viện. Tại bệnh viện hạng một, giá ngày giường điều trị hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tế bào gốc giảm từ 632.200 đồng xuống còn 615.600 đồng; giá ngày giường hồi sức cấp cứu, chống độc tại bệnh viện hạng bốn giảm từ 226.000 đồng xuống 221.200 đồng. Giá ngày giường bệnh điều trị nội khoa đối với các chuyên khoa loại một (truyền nhiễm, hô hấp, huyết học, ung thư, tim mạch, thần kinh...) giảm từ 199.100 đồng xuống còn 194.900 đồng; đối với các khoa loại hai (cơ - xương - khớp, da liễu, dị ứng, tai - mũi - họng...) giảm từ 178 nghìn đồng xuống còn 175 nghìn đồng. Riêng giá ngày giường điều trị hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tế bào gốc... tại bệnh viện hạng đặc biệt sẽ tăng từ 677.100 đồng lên 687.100 đồng.

Giá một số dịch vụ chụp X-quang, chụp CT scanner cũng giảm. Chi phí phẫu thuật nội soi khâu thủng dạ dày giảm từ hơn bốn triệu đồng xuống còn 2,8 triệu đồng. Bên cạnh đó, một số dịch vụ kỹ thuật giảm rất lớn như phẫu thuật cắt amidan bằng dao điện giảm từ 3,6 triệu đồng xuống còn hai triệu đồng; phẫu thuật tạo thông động tĩnh mạch AVF giảm từ 7,2 triệu đồng xuống còn 3,6 triệu đồng... Chụp cộng hưởng từ (MRI) có thuốc cản quang giảm từ 2,326 triệu đồng xuống còn 2,2 triệu đồng; chụp cộng hưởng từ (MRI) không thuốc cản quang giảm từ 1,754 triệu đồng xuống còn 1,3 triệu đồng...

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: Việc điều chỉnh giá lần này sẽ góp phần tăng khả năng cân đối quỹ BHYT đến năm 2020 trong điều kiện chưa điều chỉnh mức đóng BHYT. Các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ bị giảm nguồn thu dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, các dịch vụ điều chỉnh phần lớn là các dịch vụ về giường bệnh, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm cho nên giảm việc chỉ định dịch vụ quá mức cần thiết. Về phía người bệnh, giá dịch vụ giảm dẫn đến phần đồng chi trả của người bệnh giảm, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.

Việc tăng, giảm giá phụ thuộc chi phí đầu vào như điện, nước, vật tư, hóa chất..., hiện có một số chi phí tăng lên, một số loại lại giảm do đấu thầu. Do đó, mức giá viện phí được xây dựng từ năm 2012, 2015 theo Thông tư 37 không còn phù hợp. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục sắp xếp lại 18 nghìn dịch vụ y tế thành nhóm từ 2.000 đến 3.000 dịch vụ y tế để xây dựng giá cho các dịch vụ này.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh các cơ sở y tế đang phải thực hiện lộ trình tự chủ tài chính thì việc điều chỉnh theo Thông tư 15 này sẽ khiến các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi Chính phủ chưa cho phép thay đổi mệnh giá thu BHYT đến năm 2020 thì Thông tư 15 sẽ giúp cho Quỹ khám chữa bệnh BHYT bền vững hơn. Do đó, các bệnh viện cần cân đối, điều tiết để hài hòa lợi ích giữa các bên, bởi nếu Quỹ khám chữa bệnh BHYT không cân đối được thì sẽ có nhiều khó khăn phát sinh hơn trong chính các bệnh viện.

ĐỂ thực hiện đúng các quy định của Thông tư 15, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện thông báo công khai cho người bệnh, người nhà người bệnh về mức giá của các dịch vụ; thông báo ở địa điểm dễ quan sát, nhận biết. Đối với các cơ sở có số lượt khám bệnh tăng, phải tăng số bàn khám, tăng nhân lực cho phòng khám vào giờ cao điểm để bảo đảm bác sĩ có thời gian khám, tư vấn cho người bệnh. Tăng cường điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày, chỉ định người bệnh điều trị nội trú theo quy định; thực hiện chỉ định các dịch vụ kỹ thuật theo đúng quy định về chuyên môn y tế. Bố trí kinh phí để sửa chữa, cải tạo, mở rộng khoa khám bệnh; mua sắm bổ sung bàn khám, trang thiết bị và nhân lực để tăng số bàn khám, phòng khám, không để người bệnh chờ lâu... (Nhân dân, trang 5).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang