Tăng cường các giải pháp để chung sống an toàn trong dịch bệnh
Theo báo cáo của Sở Y tế HN, tính đến 17h ngày 18/8, TP. Hà Nội đã lấy 59.435 mẫu xét nghiệm RT-PCR trong số hơn 75.000 người trở về từ Đà Nẵng (từ ngày 15 đến 29/7) gửi các đơn vị trực thuộc BYT. Như vậy, hiện Hà Nội còn hơn 16.000 người từ Đà Nẵng trở về chưa được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR để loại trừ nguy cơ mắc Covid – 19 tại 14 quận, huyện. Hôm nay 19/8, thành phố sẽ tổ chức lấy nốt mẫu xét nghiệm cho các trường hợp còn lại... (Hà Nội mới, trang 7; Tiền phong, trang 1).
Quảng Trị phát hiện thêm 6 ca dương tính với bạch hầu
Sau khi phát hiện có ca dương tính với bạch hầu, cơ quan chức năng đã lấy mẫu kiểm tra đối với người dân trong khu dân cư và tiến hành phong tỏa tạm thời 1 thôn ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị).
Ngày 18/8, Sở Y tế Quảng Trị thông tin, trên địa bàn phát hiện thêm 6 ca dương tính với bạch hầu. Theo đó, vào ngày 12/8, cơ quan chức năng phát hiện ở thôn Nguồn Rào-Pin (xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa) có 2 ca dương tính với bạch hầu. Tiếp đó, cơ quan chức năng đã tiến hành lấy 51 mẫu để kiểm tra, thì vào chiều ngày 17/8 phát hiện thêm 4 ca dương tính với bạch hầu. Trong số các ca dương tính với bạch hầu ở thôn Nguồn Rào-Pin, người nhỏ tuổi nhất mắc bệnh là 7 tuổi, lớn nhất 30 tuổi. Sở Y tế Quảng Trị và Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa đã 2 lần xử lý môi trường ở thôn Nguồn Rào-Pin, cấp thuốc phòng bệnh uống hàng ngày trong vòng 1 tuần cho người dân và tiến hành phong tỏa khu dân cư.
Theo Sở Y tế Quảng Trị, hiện toàn tỉnh có 20 người dương tính với bạch hầu, trong đó 5 trường hợp ở huyện Vĩnh Linh đã khỏi bệnh, 9 trường hợp ở huyện Gio Linh đã ổn định. (Tiền phong, trang 2).
Sẽ có thêm ổ dịch COVID -19 trong cộng đồng
Tại cuộc họp ngày 18/8, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 nhận định sẽ xuất hiện thêm các ổ dịch trong cộng đồng, yêu cầu các địa phương nâng cao mức cảnh báo, triển khai các biện pháp bảo vệ chặt chẽ các địa điểm xung yếu như bệnh viện, nhà dưỡng lão, cơ sở bảo trợ xã hội, các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Dịch bệnh còn kéo dài.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngành Y tế đang nỗ lực kiểm soát ổ dịch Đà Nẵng, Quảng Nam. Số ca mắc giảm dần trong những ngày gần đây. Các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số tỉnh miền Trung đang tăng cường truy vết, xét nghiệm, xác định các yếu tố nguy cơ để triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh. Trước tình trạng nhiều địa phương vẫn còn biểu hiện chủ quan, lơ là, GS.TS Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương phải nâng cao cảnh giác để có thể phát hiện sớm các ca lây nhiễm trong cộng đồng, kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó tránh để dịch bệnh xâm nhập, diễn biến phức tạp.
Nhận định dịch bệnh còn kéo dài, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh phải tiếp tục nâng cao cảnh giác trong thời gian dài với nhiều biện pháp để chung sống an toàn. Trước thông tin gần đây xuất hiện tình trạng cơ sở y tế tư nhân tổ chức dịch vụ xét nghiệm COVID-19, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định đây là hoạt động không được phép. Các địa phương phải quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, một trong những yếu tố quyết định thành công của giai đoạn 1 là bằng tất cả các giải pháp tổng hợp, từ chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động, nêu gương cho đến xử phạt... đã huy động được mọi người dân thực sự vào cuộc chủ động phòng, chống dịch. “Thời gian qua do thực tế chúng ta kiểm soát được dịch bệnh tốt dài ngày cho nên có tâm lý lơi lỏng. Bây giờ là lúc phải nhìn vào thực tế dịch bệnh còn kéo dài, ít nhất một năm nữa vắc-xin mới có thể đến với mọi người. Chúng ta phải tăng cường các giải pháp để thực sự chung sống an toàn trong dịch bệnh”, Phó Thủ tướng nói.
Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam có thể có thêm các ổ dịch rải rác trong cộng đồng và xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành khác. Do đó, đề nghị các địa phương phải luôn tăng cường nâng cao cảnh giác, nếu phát hiện kịp thời, sớm khoanh vùng, dập dịch sẽ thuận lợi.
Ngày 18/8, Bộ Y tế cho biết ghi nhận thêm 13 ca mắc mới COVID-19 và 53 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Sau khi ra viện các bệnh nhân sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà trong 14 ngày tiếp theo. Trong ngày có thêm 1 bệnh nhân tử vong vì COVID-19.
Hải Dương mở rộng diện xét nghiệm
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, với ổ dịch thứ 2 mới nổi lên là Hải Dương, đến nay đã phát hiện 11 ca đều liên quan đến quán Thế giới bò tươi (đường Ngô Quyền, TP Hải Dương). Ca bệnh đầu tiên được phát hiện có liên quan là bệnh nhân 867. Bộ Y tế xác định ca bệnh đầu tiên ở quán ăn này chính là “nguồn vào” dịch COVID-19 ở tỉnh này. Theo nhận định, từ khoảng ngày 25-27/7 có thể có một nguồn bệnh xâm nhập vào quán này, từ đó lây lan ra.
Hải Dương đang quyết liệt khoanh vùng, dập tắt ổ dịch, truy vết, và xét nghiệm với sự hỗ trợ của các viện, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế. Đến nay, tỉnh này đã thực hiện được khoảng 2.000 mẫu. Riêng ngày 17/8, lực lượng chức năng đã truy vết được 800 trường hợp là F1.
Sáng qua, Bộ Y tế yêu cầu Hải Dương phải lấy mẫu cả người thuộc diện F2, không đợi khi F1 trở thành F0 (ca bệnh), F2 trở thành F1 mới làm xét nghiệm. “Ở Hải Dương, chúng tôi nhận định đã có lây nhiễm trong cộng đồng nên phải mở rộng diện xét nghiệm. Phải lấy mẫu ở những khu vực nghi ngờ. Tại khu vực bệnh viện cũng phải lấy mẫu của nhân viên y tế, bệnh nhân, khu vực phòng khám”, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Hàng chục bệnh nhân diễn biến nặng và nguy kịch
Thông tin từ cuộc hội chẩn trực tuyến toàn quốc điều trị ca bệnh COVID-19 nặng chiều 18/8 cho thấy, hiện trong 438 bệnh nhân đang điều trị, có 16 ca đang diễn biến nặng lên; 15 bệnh nhân diễn biến rất nặng; 6 bệnh nhân rất nguy kịch, có thể tử vong bất cứ lúc nào. (Tiền phong, trang 2).
15 ngày giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19
Bệnh viện Phổi Ðà Nẵng vừa chữa trị khỏi COVID-19 cho bệnh nhân 582, một trong số những bệnh nhân mắc COVID-19 rất nặng ở Ðà Nẵng với nhiều tổn thương ở tim, gan, phổi, phải thở máy ECMO. Nam bệnh nhân 55 tuổi này nhập viện ngày 31/7 tại khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng bệnh đã nặng, nguy kịch. Bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, người trực tiếp cùng đội ngũ y bác sĩ Đà Nẵng cứu chữa cho bệnh nhân, cho biết: Tình trạng của bệnh nhân lúc nhập viện là “ngàn cân treo sợi tóc”.
Bệnh nhân có bệnh nền suy tim, huyết áp, thiếu máu cục bộ. Diễn biến bệnh rất nhanh, chỉ qua 2 ngày chụp X- quang, phổi bệnh nhân đã tổn thương rất nặng nề. “Đây là tổn thương đặc thù của bệnh nhân COVID-19 hiện nay, nhất là các bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh nền suy giảm miễn dịch”, bác sĩ Linh cho biết.
Ngày 2/8, trước diễn tiến bệnh xấu đi, các bác sĩ quyết định đặt máy thở nhân tạo (ECMO) cho bệnh nhân để duy trì sự sống và tiến hành lọc máu. Sau khi đặt máy thở ECMO nhịp tim của bệnh nhân rất chậm, do bị tổn thương tim trên bệnh lý nền tăng huyết áp và suy tim.
“Phải sau 4 ngày chạy máy thở nhân tạo, diễn tiến bệnh mới bắt đầu có xu hướng cải thiện hơn, hình ảnh X-quang phổi, các thông số cải thiện rõ, huyết áp bệnh nhân không còn phụ thuộc vào thuốc vận mạch. Đây là thời gian khó khăn nhất cho bệnh nhân cũng như đội ngũ y bác sĩ. Tuy nhiên mọi người đã nỗ lực hết sức để cứu chữa”, bác sĩ Linh chia sẻ.
Sau khi các thông số ổn định và được cải thiện, bệnh nhân 582 được chuyển về Bệnh viện Phổi. Từ ngày 5/8, Bệnh viện Phổi tiến hành cai máy thở ECMO đối với bệnh nhân. Trong quá trình chữa trị, bệnh nhân có một đợt nhiễm trùng và được lọc máu. Những ngày gần đây bệnh nhân được ngưng máy thở, rút ống nội khí quản và được mở khí quản. Sau khi xét nghiệm, bệnh nhân 582 được xác định 5 lần âm tính với SARS-CoV-2, đủ tiêu chuẩn xác nhận hết COVID-19.
Sau khi có kết quả âm tính, bệnh nhân 582 được di chuyển đến khu vực riêng, không nằm chung với các bệnh nhân mắc COVID-19 để tránh nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, việc di chuyển bệnh nhân nặng gần 80kg này không hề đơn giản vì bệnh viện không có thang máy. Các y bác sĩ mặc đồ bảo hộ phải khiêng bệnh nhân cùng máy móc thiết bị cồng kềnh từ tầng 1 lên tầng 3. “Đây sẽ là những kỷ niệm khó quên trong đời y nghiệp của chúng tôi”, bác sĩ Linh nói.
“Anh em y bác sĩ chúng tôi như đang ở chiến trường. Xông trận, có gì trong tay là cầm lên chiến đấu, xông lên chiến đấu, với quyết tâm làm sao chiến thắng sớm nhất, giải phóng Ðà Nẵng nhanh nhất có thể”. (Tiền phong (trang 2).
TP.HCM mở rộng xét nghiệm COVID-19 với 4 tỉnh thành có ổ dịch
Chiều 18-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết sẽ mở rộng đối tượng bắt buộc khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19 cho những người đến từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Nội, Hải Dương.
Trước đó, TP đã phân loại nguy cơ và thực hiện việc xét nghiệm tầm soát các trường hợp rời Đà Nẵng từ ngày 1-7-2020, nhờ đó đã phát hiện sớm các trường hợp nhiễm COVID-19, kiểm soát sự lây lan trong cộng đồng.
Hiện nay, ngoài TP Đà Nẵng, đã xuất hiện các tỉnh, thành có trường hợp lây lan trong cộng đồng hoặc xuất hiện trường hợp nhiễm không rõ nguồn gốc như ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Nội, Hải Dương.
Để phát hiện sớm nguồn lây cũng như kiểm soát dịch bệnh, TP sẽ mở rộng đối tượng bắt buộc khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm tầm soát.
Theo đó, những người tiếp xúc gần, người về từ các địa điểm có bệnh nhân COVID-19 sống, làm việc, sinh hoạt; người đến từ các địa phương đang bị phong tỏa hoặc giãn cách xã hội sẽ thực hiện cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.
Với những trường hợp có đến các địa điểm được Bộ Y tế thông báo sẽ thực hiện cách ly tại nhà và được lấy mẫu xét nghiệm.
Những trường hợp về từ các vùng mà không phải vùng đã công bố có bệnh nhân COVID-19, không phải địa điểm được Bộ Y tế công bố, sẽ thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm khi có dấu hiệu bệnh như: sốt, ho, đau họng, khó thở, giảm hoặc mất vị giác, khứu giác...
Hiện HCDC đang xây dựng kế hoạch cụ thể và sẽ triển khai khẩn cho 24 quận huyện thực hiện.
Theo Sở Y tế TP.HCM, đến nay đã có 53.317 người từng đến Đà Nẵng kể từ ngày 1-7 khai báo y tế tại 24 quận huyện. Những người này đã được lấy mẫu xét nghiệm, hiện đã có 52.675 người có kết quả âm tính, 6 người có kết quả dương tính đã được Bộ Y tế công bố (bệnh nhân 510, 517, 518, 567, 568 và 589), còn lại đang chờ kết quả.
Trong đợt tái bùng phát COVID-19 từ cuối tháng 7, tại Quảng Nam ghi nhận 91 ca nhiễm, Hà Nội 11 ca, Hải Dương 9 ca, Quảng Ngãi 5 ca, vốn là các địa phương xuất hiện nhiều ổ dịch, hầu hết có yếu tố dịch tễ liên quan đến Đà Nẵng. (Tuổi trẻ, trang 9).
Lao vào chống dịch đừng chờ vắc xin
Việc một số nước tuyên bố sản xuất thành công vắc xin là tín hiệu tích cực ban đầu nhưng chưa thể giúp thế giới đẩy lùi ngay được đại dịch. Thông tin trên được BCĐ quốc gia phòng chống dịch Covid-19 nhận định trong buổi họp triển khai công tác phòng chống dịch ngày 18/8 ... (Tuổi trẻ, trang 9).
Tăng cường các giải pháp để sống chung với dịch Covid-19
Ngày 18-8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã họp triển khai công tác phòng chống dịch dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Nhiều yếu tố phức tạp
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo nhận định, diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn đang tiếp tục tăng nhanh về số ca mắc, chưa có dấu hiệu chững lại. Đặc biệt, làn sóng dịch bệnh thứ 2 đang bùng phát mạnh ở những nước mở cửa trở lại sau một thời gian thực hiện cách ly xã hội. Về tình hình dịch bệnh trong nước, Ban Chỉ đạo khẳng định các biện pháp ứng phó với ổ dịch ở Đà Nẵng đã phát huy hiệu quả khi số ca mắc giảm dần trong những ngày gần đây.
Cùng với đó, các địa phương khác như: Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số tỉnh miền Trung cũng đang tăng cường truy vết, xét nghiệm, xác định các yếu tố nguy cơ để triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.
Tuy nhiên, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, chỉ rõ tình hình dịch bệnh tại Hải Dương đang nổi lên nhiều yếu tố phức tạp, với ca mắc đầu tiên ghi nhận ở quán “Thế giới bò tươi” tại TP Hải Dương và tới nay tại địa phương đã có 11 ca mắc Covid-19. Bộ Y tế xác định, nguồn bệnh xâm nhập vào quán từ khoảng ngày 25-7 tới 27-7, cùng chủng virus ở Đà Nẵng và dự báo trong những ngày tới có thể có thêm ca mắc mới tại Hải Dương.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Nhận định dịch bệnh còn kéo dài, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, chúng ta phải tiếp tục nâng cao cảnh giác trong thời gian dài với những biện pháp để chung sống an toàn với dịch bệnh. Tất cả cơ quan phải có văn bản hướng dẫn, quán triệt lại và tổ chức kiểm tra việc thực hiện phòng chống dịch. Các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, nhất là các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài... vào Việt Nam làm việc; tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc để bảo đảm trang thiết bị, máy móc, sinh phẩm, vật tư y tế, nâng cao năng lực xét nghiệm, truy vết... đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.
Ban chỉ đạo cũng nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truy vết các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm hiệu quả. Đồng thời giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, trao đổi, thống nhất các nội dung về kỹ thuật, pháp lý, cơ chế kinh tế để trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành quy định mang tính bắt buộc chủ thuê bao di động cài đặt các ứng dụng (khai báo y tế điện tử, NCOVI, Bluezone) trên điện thoại thông minh.
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo đề nghị các bộ ngành, địa phương triển khai ngay các biện pháp để bảo vệ an toàn cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác, thực hiện nghiêm các hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan chức năng trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn dịch tễ. Các địa phương cần đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh. “Chúng ta phải tăng cường các giải pháp để thực sự chung sống an toàn trong dịch bệnh”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ. (Sài Gòn giải phóng (trang 1).
TPHCM thiết lập 2 phòng xét nghiệm Sars – CoV -2 tại Đà Nẵng
Thông tin từ Bộ Y tế, ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Đà Nẵng, Viện Pasteur TPHCM đã cử đội thiết lập, nâng cao năng lực và đánh giá Phòng xét nghiệm Covid-19 đến TP Đà Nẵng, để thiết lập 2 phòng xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-CoV-2. Tất cả phải hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian ngắn kỷ lục chỉ trong vòng 1 tuần.
TS Hoàng Quốc Cường, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, người giữ vai trò Đội trưởng đội công tác của Viện Pasteur TPHCM tại Đà Nẵng cho biết, nhóm cảm thấy thật tự hào vì được lãnh đạo Viện tin tưởng và giao nhiệm vụ.
Chúng tôi xác định đi tới bất cứ nơi nào có dịch để góp phần đẩy lui dịch bệnh. Cũng như những chuyến công tác trước, nhóm chuẩn bị kế hoạch và trang thiết bị cần thiết để ra Đà Nẵng trong vòng 4 giờ đồng hồ. Đoàn công tác di chuyển ra Huế bằng máy bay, sau đó tiến vào Đà Nẵng ngay trong đêm để triển khai nhiệm vụ lúc 21 giờ.
“Với kinh nghiệm và mô hình sẵn có của Viện Pasteur TPHCM, nhóm đã thiết kế và cải tạo phòng xét nghiệm của Bệnh viện 199 (Bộ Công an) để đảm bảo an toàn sinh học và theo quy định của Bộ Y tế. Song song đó, Viện Pasteur TPHCM chi viện cấp tốc các trang thiết bị máy móc, sinh phẩm và vật tư vận chuyển từ TPHCM ra Đà Nẵng để có thể triển khai ngay việc xét nghiệm”, TS Hoàng Quốc Cường cho hay.
Sau khi cơ sở vật chất đã hoàn thiện, nhóm chuyên gia khảo sát tình hình nhân sự, năng lực tại Bệnh viện 199, xây dựng chương trình và đào tạo về an toàn sinh học, phương pháp lấy mẫu, vận chuyển mẫu, phương pháp xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR.
Bên cạnh đó, Viện Pasteur TPHCM cùng nhân viên xét nghiệm của Bệnh viện 199 thực tập, lên kế hoạch xét nghiệm tổng thể và vận hành các quy trình cần thiết phục vụ công tác xét nghiệm.
Tương tự mô hình thiết lập phòng xét nghiệm đã triển khai tại Bệnh viện 199, đội công tác của Viện Pasteur TPHCM đã triển khai Phòng xét nghiệm tại Bệnh viện C Đà Nẵng trong 48 giờ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn – Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng, đã kiểm tra hai phòng xét nghiệm và đánh giá cả hai đều đủ năng lực khẳng định xét nghiệm chẩn đoán Covid-19.
“Từ Tết đến giờ chúng tôi vừa lo chống dịch Covid-19 vừa lo chống dịch bạch hầu. Vô cùng bận rộn, nhưng anh em trong Viện ai cũng hết lòng với công tác chống dịch. Vừa nghiên cứu khoa học, vừa ra trận tuyến là nhiệm vụ của chúng tôi”, TS Hoàng Quốc Cường cho biết. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
53 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh trong 1 ngày
Về công tác điều trị, trong ngày cả nước có 53 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tới cuối giờ chiều cùng ngày, Việt Nam đã có 502/989 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh. Chiều tối 18-8, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày cả nước đã có thêm 13 ca mắc mới dịch Covid-19, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam lên 989 ca, trong đó có tổng cộng 649 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước.
Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25-7 đến nay là 509 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 87.672 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện 3.395 người.
Về công tác điều trị, trong ngày cả nước có 53 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tới cuối giờ chiều cùng ngày, Việt Nam đã có 502/989 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh. Số ca tử vong là 25 trường hợp. Trong số bệnh nhân Covid-19 đang điều trị có 100 người đã âm tính với SARS-CoV-2.
Cùng ngày, UBND TP Hà Nội đã có công điện khẩn yêu cầu các nhà hàng ăn uống, các quán cà phê từ 0 giờ ngày 19-8 thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, cụ thể: giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 1m, khuyến khích có vách ngăn giữa các chỗ ngồi... (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Truy vết F1 một cách thần tốc
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, đến trưa 18/8, Hà Nội còn 18.333 người đi từ Đà Nẵng về từ ngày 15/7 ở 14 quận, huyện chưa được lấy mẫu xét nghiệm. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng, thời gian tới Hà Nội cần tích cực xét nghiệm PCR, đồng thời kết hợp xét nghiệm huyết thanh để tìm ra con vi khuẩn chứ không phải tìm ra kháng thể thì mới ngăn chặn được nguồn lây... Liên quan đến ổ dịch COVID-19 tại Đà Nẵng, đến nay cả nước đã có 505 ca bệnh trong cộng đồng ở 15 tỉnh, thành. Hai tỉnh phía Bắc liên tục xuất hiện ca bệnh COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng là Hà Nội (11 ca, trong đó có 2 ca mắc thứ phát) và Hải Dương (12 ca). Đặc biệt, Hà Nội đã xuất hiện ca bệnh dương tính từ Đà Nẵng trở về 22 ngày và trước đó đã xét nghiệm nhanh âm tính. Đến nay, Hà Nội còn gần 20 nghìn người ở Đà Nẵng về từ ngày 15/7 chưa lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR.
Nhiều ý kiến cho rằng, với tốc độ chậm như hiện nay, việc xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng là điều đương nhiên.
Liên tiếp các ca bệnh trong cộng đồng được phát hiện ở một số địa phương có liên quan tới người đi từ Đà Nẵng về khiến chúng ta không khỏi lo ngại. Đặc biệt ca bệnh thứ 11 của Hà Nội là bệnh nhân 979 (trú tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) đi du lịch cùng gia đình và cơ quan chồng tại Đà Nẵng về từ ngày 25/7.
Bệnh nhân này cùng 3 người trong gia đình (chồng, con) được lấy mẫu xét nghiệm test nhanh cho kết quả âm tính. Sau đó, người bệnh đã đi làm, đi liên hoan ở nhiều nơi với nhiều người trong công ty chồng và bạn bè, người thân. Đến ngày 16/8, bệnh nhân mới được Trung tâm Y tế quận Tây Hồ lấy mẫu dịch hầu họng gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm xét nghiệm RT-PCR. Ngày 17/8, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Đây là ca bệnh trong cộng đồng có sự di chuyển đi lại và tiếp xúc với nhiều người trước khi được phát hiện mắc bệnh mà không có triệu chứng.
Trước đó, từ ngày 8/8, Hà Nội triển khai lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho 70.000 người từ Đà Nẵng về và Bộ Y tế giao cho 4 đơn vị của Trung ương hỗ trợ toàn diện xét nghiệm. Đến nay đã 10 ngày trôi qua, vẫn còn hàng nghìn người chưa lấy mẫu xét nghiệm.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết, tốc độ xét nghiệm hiện còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu sàng lọc toàn bộ. Theo ông Nhung, ngày 8/8, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo, những người từ Đà Nẵng về sau ngày 15/7 sẽ được xét nghiệm RT-PCR, còn người về từ ngày 7 đến 15/7 thì xét nghiệm huyết thanh để tìm người đã mắc và đã khỏi, từ đó truy tìm người tiếp xúc, mục tiêu là không bỏ sót ca bệnh nghi ngờ.
Theo ông Nhung, dự báo từ đầu đợt dịch lần này, nếu xét nghiệm một cách tổng thể thì Hà Nội có khoảng 10 trường hợp mắc COVID-19 khác nhau, như vậy chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được. Nhưng đến nay số mắc đã lớn hơn dự đoán, nhưng chúng ta vẫn chưa xét nghiệm PCR hết. Tốc độ lấy mẫu hình như chưa đáp ứng được yêu cầu, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nói.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, BS Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết, đến nay Hà Nội đã lấy mẫu cho khoảng 50% tổng số trường hợp về từ Đà Nẵng từ ngày 15/7 để xét nghiệm RT-PCR. “Các trường hợp có nguy cơ cao được ưu tiên lấy mẫu sớm chúng tôi đã làm xong. Đó là những trường hợp có triệu chứng sốt, ho khi từ Đà Nẵng về trong vòng 14 ngày. Các trường hợp còn lại chúng tôi tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm để sàng lọc”, ông Tuấn nói.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, đến trưa 18-8, Hà Nội còn 18.333 người đi từ Đà Nẵng về từ ngày 15/7 ở 14 quận, huyện chưa được lấy mẫu xét nghiệm. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng, thời gian tới Hà Nội cần tích cực xét nghiệm PCR, đồng thời kết hợp xét nghiệm huyết thanh để tìm ra con vi khuẩn chứ không phải tìm ra kháng thể thì mới ngăn chặn được nguồn lây, giúp cho việc truy tìm, truy vết. Tuy nhiên, để làm được điều đó là cả một sự gian khổ của hệ thống y tế.
Theo PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, một trong những biện pháp quan trọng nhất để phòng chống dịch COVID-19 là cắt đứt đường lây truyền, phải cách ly, cô lập nguồn lây và không cho nguồn lây đó có cơ hội phát tán virus lây lan ra cộng đồng. Đó là cơ sở cho việc tổ chức cách ly đối với các trường hợp có liên quan đến ca bệnh và liên quan đến ca bệnh nghi ngờ mắc COVID-19. F1 chính là những người tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong vòng 2m, không kể là tiếp xúc trong thời gian bao lâu. Có thể coi F1 chính là những bệnh nhân tiềm tàng.
Chính vì vậy, theo Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, việc chống dịch trên mọi miền Tổ quốc, ở các địa phương, chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch: “Truy vết F1 một cách thần tốc”. Có nghĩa là phải nhanh, đồng thời phải kiên quyết không được bỏ sót F1. (Công an nhân dân, trang 4).
Phòng, chống dịch COVID-19: Kiên quyết xử lý các trường hợp không thực hiện nghiêm túc quy định
Để tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19, lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Nội đã kiên quyết xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang để phòng chống dịch COVID-19. Còn tại Đà Nẵng, thời gian gần đây, trước tình trạng người dân chưa thực hiện nghiêm túc về giãn cách xã hội, lãnh đạo Công an TP.Đà Nẵng đề nghị công an các đơn vị, địa phương tăng cường xử lý vi phạm này. Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại, ý thức chấp hành việc đeo khẩu trang nơi công cộng của người dân Thủ đô đã được nâng cao rõ rệt, nhất là khi đến những nơi công cộng như điểm chờ xe buýt, bến xe, công viên, trung tâm thương mại… Không những vậy, TP.Hà Nội cũng đã có quy định xử phạt những trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Theo người dân, mức phạt từ 200.000 - 300.000 đồng/lần là tương đối nghiêm khắc để nâng cao ý thức người dân, góp phần nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.
Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chủ quan, không chấp hành và vi phạm quy định đeo khẩu trang. Cụ thể, chỉ trong khoảng gần 1 tiếng của sáng 17.8, hơn 10 trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng đã bị chốt kiểm tra liên ngành của lực lượng Công an phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) xử phạt theo quy định.
Trung tá Quách Văn Tĩnh - Phó trưởng Công an phường Đông Ngạc - cho biết, song song với việc xử phạt các trường hợp vi phạm, các lực lượng chức năng cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền lưu động cho người dân ở đường phố, những nơi công cộng, nơi tập trung đông người và cả các hộ dân.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.Hà Nội chiều 17.8, đại diện quận Hoàn Kiếm cho biết, trong những ngày vừa qua, các đơn vị chức năng của quận đã xử lý 140 trường hợp ra đường không đeo khẩu trang với số tiền xử phạt là 28 triệu đồng. Quận Đống Đa xử phạt 79 trường hợp không đeo khẩu trang với số tiền là hơn 17 triệu đồng.
Ở tâm dịch, vẫn bất chấp lệnh giãn cách
Mới đây, chiều 14.8, Công an phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) ập vào căn nhà của bà Phạm T.T. (70 tuổi) trên đường Dũng Sĩ Thanh Khê, bắt quả tang 8 người đang “sát phạt” nhau theo hình thức đánh bài điểm và bài tứ sắc ăn tiền. Cùng ngày, Công an phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà đã phối hợp với Tổ công tác Cảnh sát 113 Công an thành phố (TP) phát hiện một nhóm gồm 7 thanh niên tụ tập trên cầu Thuận Phước. Lực lượng Công an phường Nại Hiên Đông đã tiến hành lập biên bản tạm giữ 5 xe máy và xử lý theo quy định của pháp luật. Trước đó, trên địa bàn quận Thanh Khê, Công an phường Thanh Khê Đông đã kiểm tra hành chính căn nhà số 781/33 Trần Cao Vân, phát hiện 4 người đang chơi cờ cá ngựa ăn tiền.
Có thể thấy, trong khi Đà Nẵng đang tranh thủ từng phút từng giờ để chống dịch, nhiều người đã bất chấp lệnh giãn cách đổ ra đường, tụ tập với nhiều lý do khác nhau. Chưa kể, dù nhiều khu vực trên địa bàn quận Sơn Trà bị phong tỏa do có người dân nhiễm COVID-19, thế nhưng nhiều người dân vẫn ra đường đi tập thể dục, đạp xe, đi dạo…
Quyết liệt xử phạt
Trước tình hình trên, Sở Tư pháp TP.Đà Nẵng đã gửi văn bản hướng dẫn cho các quận, huyện trên địa bàn TP về việc hướng dẫn nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính đối với người ra đường không cần thiết.
Áp dụng văn bản trên, vừa qua, UBND phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) đã chỉ đạo nhiều tổ phòng, chống dịch COVID-19 lưu động của phường đồng loạt ra quân xử phạt người đi tập thể dục. Trong ngày ra quân, phường đã ra quyết định xử phạt 10 trường hợp đi tập thể dục, trong đó có 7 người đi xe đạp, 3 trường hợp đi bộ.
Theo Công an TP.Đà Nẵng, trong 4 ngày từ ngày 13-16.8, Công an TP đã phát hiện, xử lý và nhắc nhở 557 vụ với 696 người vi phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng chống dịch. Trong đó, Công an TP xử phạt hành chính 105 vụ với 139 người và tổng số tiền phạt là 376 triệu đồng; đăng tin sai sự thật là 1 vụ với 1 người, phạt tiền 7,5 triệu đồng. Lãnh đạo Công an TP.Đà Nẵng đề nghị công an các đơn vị, địa phương tăng cường xử lý vi phạm về giãn cách xã hội vì người dân ra đường vẫn rất đông, một số nơi còn tập trung đông người.
Tại Hà Nội, bên cạnh việc xử lý những trường hợp không đeo khẩu trang, ông Nguyễn Xuân Lưu - Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân - cho biết, để tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, ông đề nghị thành phố nghiên cứu áp dụng các biện pháp mạnh hơn ở các địa điểm công cộng do đã có sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Việc áp dụng biện pháp này để người dân ít ra công viên, tập trung, vườn hoa thể dục thể thao buổi sáng và chiều. “Thành phố đã cấm các hoạt động quán karaoke, quán bar có hiệu quả thì nên áp dụng thêm nhiều biện pháp khác sao cho hiệu quả hơn” - ông Lưu đề nghị.
Trao đổi với Lao Động chiều 18.8, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm - Phạm Tuấn Long - cho hay, các đơn vị thuộc quận Hoàn Kiếm vẫn tiếp tục ra quân, xủ lý nghiêm những trường hợp không đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng sẽ bắt đầu xử lý các nhà hàng, quán ăn không thực hiện việc giãn cách theo quy định của UBND TP.Hà Nội từ 0h ngày 19.8.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý đã ký ban hành Công điện khẩn số 07/CĐ-UBND gửi giám đốc các sở, ban, ngành TP; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn về một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Theo đó, UBND TP yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn, các đơn vị liên quan tiếp tục quyết liệt công tác truyền thông, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. (Công an nhân dân, trang 4).
Lên các phương án điều hành chính quyền nếu lãnh đạo mắc COVID-19
Ngay khi Phó Chủ tịch phường Hòa An (quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) mắc COVID-19, lập tức cán bộ công chức cả phường đều phải đi cách ly. Để giải quyết tình thế, chính quyền quận Cẩm Lệ đã lập tổ công tác để điều hành tạm, xử lý thủ tục hành chính và phòng chống dịch. Từ thực tế này, tại Đà Nẵng và Quảng Nam, nhiều cơ quan đơn vị đã và đang chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch nếu chẳng may có người đứng đầu mắc COVID-19.
Khi phường bị cách ly, quận tăng quân hỗ trợ
36 cán bộ, công chức phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, lập tức được đưa vào khu cách ly bởi tiếp xúc với Phó Chủ tịch UBND phường và người nhà có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ngay khi sự việc xảy ra, UBND quận Cẩm Lệ đã cử Tổ công tác do ông Võ Thiên Sinh - Phó Chủ tịch quận, cùng một số cán bộ phòng chuyên môn tăng cường xuống hỗ trợ điều hành hoạt động, đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống dịch COVID-19.
Ông Võ Thiên Sinh - Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ - cho biết, việc điều hành công việc của ông và tổ công tác trong mấy ngày qua đều đảm bảo tập trung chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch COVID-19; duy trì công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh và giải quyết nhu cầu thủ tục hành chính cần thiết cho người dân.
“Ngoài công tác phòng dịch, chúng tôi tập trung đảm bảo an sinh xã hội, không để người dân gặp khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Riêng các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, do đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, nên đều tạm dừng. Trừ sự việc cần giải quyết gấp, quận phối hợp với lãnh đạo phường đang cách ly giải quyết linh động cho người dân” -ông Nguyễn Tấn Sinh thông tin.
Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đặc biệt tại TP.Đà Nẵng đã có 1 phó chủ tịch phường mắc COVID-19, một số địa phương tại tỉnh Quảng Nam đã đưa ra phương án phòng chống dịch trong cơ quan nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An (Quảng Nam) - cho hay, việc phòng chống dịch trong chính quyền và các ngành chức năng ở Hội An luôn thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn khi làm nhiệm vụ như đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ khi đến những nơi có người nhiễm bệnh, phun thuốc khử khuẩn tại các cơ quan…
“Nếu bất đắc dĩ có cán bộ trong cơ quan nhà nước cấp thành phố, phường nhiễm SARS-CoV-2 thì ngay lập tức, ngành Y tế sẽ tiến hành cách ly người nhiễm và những người tiếp xúc với bệnh nhân. Chúng tôi cũng đã đảm bảo người thay thế phải đầy đủ mọi lĩnh vực. Hiện tại, nguồn nhân lực dự phòng ở thành phố vẫn đang đảm bảo nếu xảy ra tình huống như Đà Nẵng” - ông Sơn thông tin.
Chủ động điều hành từ xa
Tình hình dịch COVID-19 tại TP.Đà Nẵng vẫn còn nguy hiểm khi có hơn 1 vạn đối tượng F1 và dự báo con số này sẽ còn tăng trong những ngày tới. Tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, ngành giáo dục trên địa bàn, việc chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án nếu chẳng may cán bộ, người đứng đầu đợi vị mắc COVID-19 là điều đã được tính tới.
Ông Lê Thành Bắc - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng - nói rằng, nhiều ngày nay, khu vực gia đình ông sinh sống đã bị cách ly. Tuy bị cách ly tại nhà nhưng các hoạt động quản lý điều hành, giảng dạy đều được ông chủ động xử lý thông qua mạng Internet.
“Hằng ngày, tôi vẫn điều hành họp hội đồng tuyển sinh, họp thi đua đều qua hình thức trực tuyến. Chưa hết, chúng tôi còn theo dõi, điều hành các đơn vị phụ trách qua thư điện tử, và cả giảng dạy online… Riêng các văn bản cần thiết, chúng tôi sử dụng chữ ký điện tử” - ông Bắc thông tin.
Không chỉ trong ngành giáo dục, mà cả lực lượng vũ trang cũng chủ động xây dựng kế hoạch xử lý nếu chẳng may có người mắc COVID-19 trong đơn vị. Đại tá Nguyễn Quang Vinh - Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự TP.Đà Nẵng - cho hay, lực lượng vũ trang thành phố thời gian qua chấp hành nghiêm quy định về phòng chống COVID-19. Cũng theo đại tá Vinh, Bộ chỉ huy Quân sự thành phố đã có kinh nghiệm phòng chống dịch trong việc tổ chức tiếp nhận công dân ở nước ngoài về Đà Nẵng vào đợt tháng 1 và tháng 2.2020.
“Nếu chẳng may trong lực lượng vũ trang có người mắc COVID-19, chúng tôi đã xây dựng phương án, kịch bản chặt chẽ; xác định khu vực cách ly, khu điều trị. Riêng đối với trường hợp nếu có người trong Bộ Chỉ huy bị cách ly, chúng tôi cũng có kế hoạch để điều hành công việc từ xa” - đại tá Nguyễn Quang Vinh nói. (Công an nhân dân, trang 4).