Kỹ thuật hiện đại loại bỏ u tuyến vú
Ngày 17/8, BV Đại học Y Hà Nội đã tổ chức hội thảo Chẩn đoán và điều trị u vú bằng sinh thiết có hỗ trợ hút chân không dưới siêu âm (hay còn gọi là VABB). Đây là một kỹ thuật hiện đại giúp loại bỏ u tuyến vú lành tính nhanh chóng, hiệu quả, an toàn cho người bệnh.
Theo PGS.TS Phạm Đức Huấn – Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội cho biết, u xơ tuyến vú là một dạng khối u lành tính, thành phần gồm các tế bào, mô liên kết (trong đó chủ yếu là xơ). Bệnh rất hay gặp ở phụ nữ lứa tuổi 20-30 tuổi và có thể phát triển, thay đổi theo nội tiết tố của bệnh nhân. Biểu hiện của u xơ tuyến vú là các khối tròn, rắn nằm ở một hay nhiều vị trí trong tuyến vú. Nhiều bệnh nhân thường có cảm giác đau tức hoặc tự sờ thấy u.
Hiện nay có các phương pháp giúp chẩn đoán u xơ tuyến vú bao gồm siêu âm, có độ nhạy cao do mô vú người trẻ khá đặc, dễ phát hiện trên siêu âm Doppler màu. Chụp mammography được chỉ định (đối với người trẻ) trong một số trường hợp nghi ung thư vú, hoặc có nguy cơ cao đối với ung thư vú (tiền sử gia đình có gen ung thư vú). Sinh thiết giúp xác định bản chất tế bào học của khối u.
PGS. Huấn cho biết, điều trị u xơ tuyến vú bằng VABB được lựa chọn cho bệnh lý nơi vú lành tính, hạn chế tối đa thương tổn cho người bệnh. Sau khi gây tê để vô cảm tại chỗ, các bác sĩ sẽ tiến hành đưa lưỡi kim có lòng hút áp lực âm vào khối u. Lưỡi kim được điều khiển cắt các khối u tự động thành các mảnh nhỏ và hút ra ngoài.
Với phương pháp này, vết chọc ngoài da hầu như không nhìn thấy sau một vài tuần do đầu kim có kích thước chỉ 4mm. Đồng thời giảm thiểu chấn thương mô vú lành, tránh để lại các vết sẹo và co kéo bên trong do không phải bóc tách mô vú để bộc lộ tổn thương như phẫu thuật. Thời gian tiến hành trung bình chỉ khoảng 30 phút. Bệnh nhân hầu như không đau, không phải nằm viện và có thể đi làm ngay hôm sau.
Theo các chuyên gia, trước đây để loại bỏ u vú, cần phải trải qua nhiều bước với phương pháp phẫu thuật cổ điển, đường rạch da dài, đau và phải dẫn lưu máu tụ ra ngoài, thời gian hồi phục có thể kéo dài cả tháng, có thể sẽ để lại những di chứng ảnh hường đến tuyến sữa. Với cách điều trị bằng sinh thiết có hỗ trợ hút chân không thì gần như tránh được những phiền toái trên cho người phụ nữ.
Khối u được tiếp cận bằng 1 kim duy nhất được đưa từ ngoài da vào với đường kính chỉ khoảng 5mm, hạn chế tối đa tổn thương phần mô vú lành xung quanh và hầu như không để lại sẹo. Người bệnh hoàn toàn tỉnh táo và có thể quan sát khối u được thu nhỏ dần qua màn hình.
TS.BS Park HeeBoong – chuyên gia đến từ Hàn Quốc đã có kinh nghiệm xử lý hàng nghìn ca u xơ tuyến vú cho biết, sinh thiết vú chân không có thể loại bỏ hoàn toàn các khối u lành tính (u xơ tuyến vú) với tỉ lệ tử vong thấp. Phương pháp này cho phép cắt bỏ hoàn toàn các tổn thương có kích thước thậm chí lớn hơn 3cm. Từ thực tế điều trị cho bệnh nhân, các chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng VABB để thay thế cho phương pháp sinh thiết cắt bỏ mỡ để xử lý ban đầu các tổn thương vú. (Tiền phong, trang 6).
Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, cùng mắc Thalassemia vẫn sinh con khỏe mạnh nhờ phương pháp mới
Sau 3 năm kết hôn, vợ chồng chị Dương Ph.L. và Nguyễn T.A. 2 lần đối mặt với nỗi đau tột cùng khi phải đình chỉ thai nhi vì thai có bệnh lý bất thường. Lúc này họ mới biết, cả 2 đều mang gen tan máu bẩm sinh, cơ hội có con khỏe mạnh rất mong manh…
Rơi vào hoàn cảnh còn đau xót hơn rất nhiều, vợ chồng anh Trương V.K (Diễn Châu, Nghệ An) vàonăm 2014, sau 6 năm chạy chữa vô sinh, vợ chồng anh Trương V.K đã sinh đôi nhờ thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Nhưng chưa kịp mừng thì anh chị đã phải rơi nước mắt vì một bé bị đa dị tật hệ tiêu hóa, suy dinh dưỡng nặng, có hội chứng bệnh down… Hóa ra anh K. bị mắc bệnh Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh) – nhưng trong quá trình TTTON đã không được sàng lọc.
Trở lại với cặp vợ chồng chị Dương Ph. L, năm 2010 – 1 năm sau ngày cưới, vợ chồng chị hồi hộp chờ đợi đứa con đầu lòng. Thế nhưng hạnh phúc không mỉm cười với đôi vợ chồng này khi thai nhi mới được 28 tuần tuổi thì buộc phải đình chỉ vì giãn tim, phù rau. Năm 2012, nỗi bất hạnh tiếp tục xảy đến với L. khi chị phải đình chỉ thai nhi lúc đang mang thai ở tuần 22.
Lúc này, hai vợ chồng mới được bác sĩ cho biết, cả hai đều mang gen tan máu bẩm sinh. 5 năm sau đó, vợ chồng chị chạy chữa khắp nơi, nhiều lúc đã định buông xuôi. Cuối cùng may mắn đã mỉm cười vào năm 2017, khi chị được các bác sĩ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chuyển phôi thành công ngay từ lần đầu tiên can thiệp. Bước vào tuổi 30, chị sinh được đứa con gái khoẻ mạnh, hoàn toàn không mang gen bệnh tan máu bẩm sinh.
Ngày 18-8, vợ chồng chị L. phấn khởi dắt theo con gái 6 tháng tuổi đến chia sẻ về câu chuyện của mình tại buổi Tổng kết “Tuần lễ Vàng Ươm mầm hạnh phúc 2018” do Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội tổ chức. chị L. kể, đó là niềm hạnh phúc mà đến bây giờ nhớ lại chị vẫn nghĩ như một giấc mơ. Chị L. còn cho biết: “Hiện em vẫn còn trữ phôi và sẽ dự định sinh tiếp trong ba năm tới”.
Cũng đã có nhiều trường hợp mắc các bệnh máu di truyền khác đã sinh được con khỏe mạnh, không mang gen bệnh nhờ TTTON bằng “Giải pháp di truyền cho hỗ trợ sinh sản - nâng cao chất lượng phôi chuyển và sàng lọc trước sinh” do Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội triển khai.
Ths Nguyễn Quang Vinh – Giám đốc trung tâm xét nghiệm di truyền Gentis cho biết, với khả năng chọn lọc sâu, kỹ thuật này giúp loại bỏ những phôi thai bất thường ngay từ giai đoạn mới hình thành, chỉ giữ lại những phôi khoẻ mạnh.
Được biết, sau 2 tuần diễn ra “Tuần lễ Vàng Ươm mầm hạnh phúc 2018”, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã tiếp nhận gần 2.000 cặp vợ chồng đến khám và điều trị. (An ninh Thủ đô, trang 8).
Mối hiểm họa từ nuôi thú cưng
Thời gian gần đây, tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội liên tục tiếp nhận các nạn nhân bị chó cắn thương tâm, thậm chí đã có trường hợp tử vong. Rõ ràng, tình trạng này không chỉ đơn thuần là sự cố, tai nạn mà là hồi chuông cảnh báo về mối hiểm họa từ vật nuôi ngay trong chính gia đình.
"Sát thủ" từ chính chó nhà
Dư luận chưa hết bàng hoàng về trường hợp một bé gái 8 tháng tuổi (ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) bị chó ngao Tây Tạng nhà nuôi cắn tử vong thì những ngày qua, tại các bệnh viện liên tiếp cấp cứu cho các trường hợp bị chó cắn đứt rời môi, nát tay...
Đơn cử như trường hợp bé trai 7 tuổi (ở Chương Mỹ, Hà Nội) được đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức trong tình trạng mặt có nhiều vết thương, khuyết nửa môi trên… Do phần môi đứt rời bị dập nát lại không được gia đình bảo quản đúng cách nên các bác sĩ không thể nối vi phẫu trồng lại môi cho bệnh nhân.
Tương tự, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận một bệnh nhân 10 tuổi (ở Hưng Yên), được người nhà đưa đến trong tình trạng chó nhà cắn nát tay, có cả vết thương sau gáy. Theo gia đình bệnh nhi, khi cho chó ăn, cậu bé bất ngờ bị chó xông vào cắn.
Trước đó, các bác sĩ Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) đã tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ vành tai cho bé trai Bảo N. (5 tuổi, ở huyện Gia Lâm) bị chó nhà cắn rách tai khi đang đùa nghịch và cưỡi lên lưng con chó. Còn tại Khoa Tạo hình - Sọ mặt (Bệnh viện Nhi trung ương), trung bình mỗi năm tiếp nhận và phẫu thuật từ 10 đến 15 trường hợp trẻ bị chó cắn có tổn thương phức tạp, đặc biệt là vùng mặt.
Bác sĩ Hoàng Thị Phương Lan, Trưởng khoa Tạo hình - Thẩm mỹ (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho biết, người lớn không cẩn thận để trẻ bị chó cắn là một điều đáng trách. Có những trường hợp bị chó cắn để lại những vết sẹo vĩnh viễn và phải phẫu thuật tạo hình rất nhiều lần.
“Trong trường hợp không may bé bị chó cắn thì người nhà phải lập tức rửa sạch phần tổn thương bị đứt rời và cho vào túi ni lông sạch, rồi để vào túi nước đá trước khi mang đến bệnh viện cùng bệnh nhân để được nối ghép kịp thời…”, bác sĩ Hoàng Thị Phương Lan lưu ý.
Không nên mạo hiểm chờ đợi
Không chỉ gây ra những tai nạn thương tâm, khi bị chó cắn còn có nguy cơ mắc và tử vong do bệnh dại nếu không được tiêm phòng kịp thời. Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên toàn thành phố đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong do bệnh dại. Còn trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận 35 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 18 tỉnh, thành phố.
Điều đáng nói là 100% các trường hợp tử vong đều không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại sau khi bị chó cắn. Trong khi bệnh dại vẫn là bệnh có số người tử vong cao nhất so với các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác ở nước ta.
PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết, thời gian phơi nhiễm vi rút dại, ủ bệnh ở mỗi người khác nhau. Có những người sau 20-30 ngày bắt đầu lên cơn dại, có những người lâu hơn mới biểu hiện bệnh. Đa phần khi vết thương chó cắn đã liền da, người bệnh vẫn bình thường nên càng chủ quan không nghĩ là chó dại cắn.
Đến khi lên cơn dại, sợ gió, sợ nước thì mọi chuyện đã quá muộn, không còn cách gì cứu chữa. Vì vậy, nếu không may bị chó cắn, nên tiêm phòng ngay và theo dõi con chó trong khoảng 10 ngày. Không nên mạo hiểm chờ đợi vì nhiều con chó sau 2-3 tuần cắn người mới phát bệnh.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương), khi bị chó dại cắn, không phải 100% số người bị cắn phát bệnh dại mà có người bị, có người không. Nguy cơ nhiễm bệnh dại tùy thuộc lượng vi rút trong nước bọt chó nhiều hay ít, vết thương sâu hay không làm rách da.
Tuy nhiên, không thể dự đoán được người nào có thể bị phát dại hay không. Khi đã phát bệnh dại, tỷ lệ tử vong là 100%, vì vậy, tất cả những người bị chó nghi dại cắn đều được khuyến cáo tiêm vắc xin phòng bệnh. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. Bởi vì hằng năm tại nước ta vẫn có những trường hợp chết oan vì tin lời thầy lang, chữa bệnh dại bằng các biện pháp dân gian, bằng thuốc nam…
Bác sĩ Hoàng Thị Phương Lan khuyến cáo, những ca tử vong do bệnh dại hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu thực hiện ba biện pháp chính, gồm: Tiêm phòng cho chó, phòng tránh bị chó cắn và tới ngay cơ sở y tế để tiêm phòng nếu không may bị chó cắn. Riêng tại mỗi gia đình, các bậc phụ huynh không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với "thú cưng" nuôi trong gia đình như chó, mèo. Nếu gia đình có nuôi chó thì cố gắng giữ trẻ ở khoảng cách an toàn, đặc biệt là với chó đang nuôi con, đang ăn, bị thương...
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), người dân khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút hoặc phải xối rửa vết thương bằng nước sạch và tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70% nhưng không được băng kín vết thương. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. (Hà Nội mới, trang 5).
Hà Nội ghi nhận 315 trường hợp mắc bệnh sởi, trong đó có nhiều trẻ chưa tiêm phòng
Chiều 14-8, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, Sở Y tế Hà Nội đã thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TP Hà Nội.
Báo cáo tại hội nghị, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 315 trường hợp mắc bệnh sởi, chưa có tử vong, số trường hợp mắc tăng so với cùng kỳ năm 2017. Bệnh nhân phân bố rải tại 183 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Các trường hợp mắc bệnh tản phát, không tập trung thành ổ dịch. Các đơn vị có số mắc cao là: Hoàng Mai (31 trường hợp), Nam Từ Liêm (27 trường hợp), Bắc Từ Liêm (24 trường hợp), Đống Đa (23 trường hợp),… Hầu hết các trường hợp mắc sởi đã khỏi, hiện chỉ còn 28 trường hợp đang điều trị tại các cơ sở y tế… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Quy định mới về danh mục các dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh BHYT
Ngày 8/8/2018, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 4883/QĐ-BYT về ban hành bổ sung danh mục các dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh được xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện theo Thông tư số 15/2018/TT-BYT.
Theo đó, Quyết định số 4883/QĐ-BYT của Bộ Y tế bổ sung thêm 256 dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh được xếp tương đương về kỹ thuật và giá đã có trong các quyết định ban hành danh mục kỹ thuật tương đương thực hiệnThông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC nhưng còn thiếu trong Quyết định số 4442/QĐ-BYT ngày 13/07/2018.
Cụ thể, về nội khoa, tên dịch vụ kỹ thuật theo Thông tư số 43, 50, 21 là kỹ thuật Nong van động mạch chủ, song tên theo Thông tư số 15/2018/TT-BYT là kỹ thuật chụp và can thiệp tim mạch (van tim, tim bẩm sinh, động mạch vành) dưới DSA, mã 02.0104.0054.
Đối với kỹ thuật truyền hóa chất tĩnh mạch, tên dịch vụ kỹ thuật theo Thông tư số 43, 50, 21, mã 12.368 là kỹ thuật truyền hóa chất tĩnh mạch, thể hiện ở Thông tư số 15/2018/TT-BYT là kỹ thuật truyền hóa chất tĩnh mạch (nội trú), mã 12.0368.2040; Kỹ thuật Nội soi thanh quản treo cắt hạt xơ (tên dịch vụ kỹ thuật theo Thông tư 43, 50, 21, mã 3.995) thể hiện ở Thông tư số 15/2018/TT-BYT là kỹ thuật thủ thuật loại II (Tai mũi họng), mã 03.0995.1005; Kỹ thuật điện mãng châm điều trị viêm da thần kinh (tên dịch vụ kỹ thuật theo Thông tư số 43, 50, 21, mã 3.328) thể hiện ở Thông tư số 15/2018/TT-BYT là kỹ thuật Điện châm (có kim dài), mã 03.0328.2046...
Bên cạnh các nội dung trên, tại Quyết định số 4883/QĐ-BYT đính chính một số mã dịch vụ kỹ thuật như: Thay băng vết mổ chiều dài trên 15 - 30 cm; HIV Ag/Ab test nhanh; EV71 IgM/IgG test nhanh; Nội soi dạ dày làm Clo test và Phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa (cắt ruột thừa, cắt ruột thừa + rửa bụng, cắt lại mỏm ruột thừa, điều trị áp xe ruột thừa trong ổ bụng).
Đồng thời, hủy 9 mã tương đương không phù hợp như: Điện châm (có kim dài, điều trị rối loạn đại tiện, điều trị sa trực tràng, điều trị táo bón); Châm (có kim dài, hào châm, nhĩ châm); Xét nghiệm định tính một chỉ tiêu độc chất bằng phương pháp sắc ký lớp mỏng; Phẫu thuật nong van động mạch chủ; Siêu âm + đo trục nhãn cầu; Nội soi tai hoặc mũi hoặc họng.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh triển khai, thực hiện và xây dựng hệ thống quản lý danh mục và bảng giá các dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Ra mắt trang thông tin điện tử "Vì lá phổi khỏe"
Chiều 16-8, Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh - Bộ Y tế đã công bố ra mắt Trang thông tin điện tử “Vì lá phổi khỏe”, với mục tiêu cung cấp thông tin, giáo dục sức khỏe về bệnh hô hấp, đặc biệt là hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cho người dân cũng như cán bộ y tế.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, tỷ lệ mắc bệnh hô hấp ngày càng gia tăng, đặt gánh nặng đáng kể lên các hệ thống chăm sóc sức khỏe của nhiều quốc gia tại châu Á.
Trong đó, hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là những căn bệnh khá phổ biến hiện nay tại Việt Nam. Vì thế, việc tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về phát hiện, phòng ngừa và quản lý bệnh nhằm hướng đến tăng cường công tác bảo vệ, nâng cao sức khỏe cộng đồng có vai trò rất quan trọng.
Theo ông Khuê, Trang thông tin điện tử “Vì lá phổi khỏe” cung cấp các tính năng tương tác và tăng cường mức độ chia sẻ về kiến thức, xây dựng năng lực, kết nối mạng lưới giữa các cơ quan quản lý, các cơ sở y tế, các đối tác, các tổ chức, các nhà lâm sàng, chuyên gia về hô hấp, người bệnh và người dân nói chung để nâng cao hiểu biết, trình độ trong công tác phòng, kiểm soát bệnh tật.
“Trang thông tin điện tử “Vì Lá Phổi Khỏe” sẽ tạo ra một diễn đàn tương tác điện tử cho các chuyên gia y tế tại các đơn vị quản lý bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trên cả nước, cũng như giúp cộng đồng tiếp cận thông tin về các bệnh lý đường hô hấp, giải đáp các câu hỏi thường gặp của bệnh nhân gửi đến chuyên trang để hỗ trợ bệnh nhân tốt hơn” – ông Khuê nói. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Cứu sống người bị chiếc đinh 12 cm xuyên qua phổi và tủy sống
Bệnh nhân vừa được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Hà Nội cứu chữa thành công với một chiếc đinh dài 12 cm chọc xuyên qua đỉnh phổi, chui qua lỗ liên hợp xuyên qua tuỷ sống đoạn tuỷ ngực sang tận lỗ liên hợp phía bên kia. Đây là ca bệnh cực kỳ hiếm, trên thế giới đến nay mới có 11 ca được báo cáo.
Ngày 18.8, BS Trần Trung Kiên - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện đa khoa Đức Giang) cho biết: Bệnh nhân N.H.T, (nam, 42 tuổi) bị ngã gãy xương đòn nên đã được mổ đóng 2 đinh để kết hợp xương đòn. Sau đó bệnh nhân được rút một chiếc đinh ra, chiếc còn lại do nằm quá sâu nên chưa thể rút ra ngay được.
Khi về nhà, bệnh nhân không có biểu hiện gì bất thường nên đã không thăm khám lại để rút đinh. Tuy nhiên, chiếc đinh dần dần trôi tuột ra khỏi xương rồi chọc vào phổi và xuyên qua tủy sống.
Sau khi hội chẩn xin ý kiến nhiều chuyên gia, các bác sĩ quyết định sử dụng phương pháp mổ nội soi để rút đinh thay vì mổ mở vào lồng ngực.
Sau 20 phút vô cùng căng thẳng, chiếc đinh được gỡ ra khỏi nhu mô phổi và nhẹ nhàng rút ra khỏi tuỷ sống một cách an toàn; Không gây tổn thương tuỷ sống và hệ thống mạch máu xung quanh tuỷ. Bệnh nhân phải theo dõi sau mổ thêm 1 thời gian.
Qua ca mổ này, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên thận trọng khi chỉ định mổ gãy xương đòn. Các bệnh nhân đã mổ gãy xương đòn nên đi khám kiểm tra định kì và rút đinh sớm, tránh để xảy ra những biến chứng đáng tiếc. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).