Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 20/11/2016

  • |
T5g.org.vn - 73 người nhập viện sau khi ăn tiệc cưới; Sốt cao không bù nước, có thể hôn mê; Mít tinh hưởng ứng Ngày Nhà vệ sinh thế giới; Phòng ngừa đau nhức xương khớp khi "trở trời"; TP.HCM đã có 52 trường hợp nhiễm virút Zika; ...

73 người nhập viện sau khi ăn tiệc cưới

Sau khi đi ăn tiệc về, nhiều người xuất hiện dấu hiệu ngộ độc thực phẩm như đau đầu, đau bụng, buồn nôn... Tổng cộng đã có 73 người nhập viện, trong đó có 34 trẻ

Sáng 18.11, một gia đình sinh sống ở thôn 2, xã Yên Hợp (H.Văn Yên, Yên Bái) tổ chức đám cưới cho con và làm tiệc mời mọi người tới dự.

Tới khoảng 14 giờ cùng ngày, sau khi đi ăn tiệc về, nhiều người xuất hiện dấu hiệu ngộ độc thực phẩm như đau đầu, đau bụng, buồn nôn... Tổng cộng đã có 73 người nhập viện, trong đó có 34 trẻ em.

Tiếp nhận thông tin, UBND H.Văn Yên đã chỉ đạo Trung tâm y tế huyện và Trạm y tế xã Yên Hợp cấp cứu các nạn nhân, đồng thời thành lập tổ công tác lấy mẫu thực phẩm, điều tra nguyên nhân, khắc phục hậu quả. Đến ngày 19.11, tình trạng sức khỏe của các nạn nhân tiến triển tốt, hơn nửa số người đã được xuất viện .(Thanh niên, trang 4).

                                      

                                                                       Sốt cao không bù nước, có thể hôn mê

Khi bị sốt cao, đa phần mọi người thường tìm cách hạ nhiệt hay bồi bổ cho cơ thể mà quên mất rằng, nếu không được bù nước kịp thời, bạn có thể bị sốc, trụy mạch, hôn mê…

Nước lọc không thể thay thế dung dịch điện giải

Tiêu chảy phải bù nước thì đã rõ, nhưng tại sao sốt cao mà cũng phải làm việc này? Rõ ràng, bạn không thấy nước thoát ra từ đường nào cả, thậm chí, khi sốt, nhiều người còn ít đi vệ sinh thì làm sao mà mất nước? Nếu bạn đang nghĩ vậy thì đó là hoàn toàn sai lầm!

Theo bác sĩ Đoàn Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội, cũng như tiêu chảy, sốt cao là một trong những nguyên nhân khiến cơ thể mất nước nghiêm trọng. Ghi nhận tại các bệnh viện cho thấy, không ít bệnh nhân đã nhập viện trong tình trạng mắt trũng, da khô héo, thở thoi thóp, nước tiểu vàng sẫm… do thiếu nước. Ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh còn có hiện tượng huyết áp thấp, tim đập nhanh, thậm chí là mê sảng, bất tỉnh… vì gia đình không bù nước kịp thời khi sốt cao kéo dài.

Vậy tại sao sốt lại gây mất nước? Trả lời câu hỏi này, bác sĩ Đoàn Văn Phúc khẳng định, khi sốt cao, chúng ta sẽ mất nước qua 2 đường là mồ hôi và hơi thở. Nếu để ý, bạn sẽ thấy rằng, khi sốt, chúng ta sẽ thở nhiều hơn để giảm nhiệt. Bản chất của hơi thở đã bao gồm hơi nước nên thở càng nhiều, hiện tượng mất nước càng xảy ra. 

Đồng thời, khi sốt cao, chúng ta thường có xu hướng hạ sốt. Và để giảm nhiệt, cơ thể sẽ toát mồ hôi. Trong trường hợp sốt cao liên tục, lượng mồ hôi đổ ra không hề nhỏ sau mỗi lần hạ sốt.

Cũng chính bởi những lý do trên mà bên cạnh chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, chúng ta cần bổ sung nước kịp thời, đúng cách. Theo đó, với những trường hợp mất nước nặng (gồm các biểu hiện khát nước, da khô, đau đầu, chóng mặt, mặt xám, rối loạn thần kinh…), cần truyền nước biển tại bệnh viện dưới chỉ định và giám sát của bác sĩ.

Tuyệt đối không được tự ý truyền nước tại nhà hay các phòng khám tư nhân bởi nếu chẳng may xảy ra phản ứng sốc, ở những nơi này sẽ không đủ phương tiện kỹ thuật để sơ cứu, dễ dẫn tới tử vong. Với những trường hợp thông thường (chỉ có các biểu hiện mệt mỏi, da khô, tiểu ít...), chúng ta có thể sử dụng dung dịch oresol hay hydrid… để bù nước.

Nói về bù nước, có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc: liệu chúng ta có thể sử dụng nước lọc được không? Câu trả lời chắc chắn là “Không”. Lý do rất đơn giản,  các dung dịch như oresol, hydrid… không chỉ có tác dụng bù nước mà quan trọng hơn là bù điện giải (các khoáng chất mất đi cùng với quá trình mất nước của cơ thể), do đó, nước lọc không thể thay thế.

Bù nước không đúng cách: Càng mất nước nặng

Sử dụng dung dịch điện giải thực tế không hề khó. Thế nhưng, có không ít người “sáng chế” ra nhiều cách dùng không chuẩn. Chẳng hạn, do nghĩ dung dịch này càng đậm đặc càng tốt nên dù hướng dẫn sử dụng 1 gói pha với 1 lít nước, nhiều người đã chỉ pha với một nửa lượng nước được khuyến cáo.

Điều này vô tình làm cơ thể mất nước nặng hơn. Nguyên nhân là bởi trong oresol, hydrid… đều có một lượng muối nhất định. Khi nồng độ muối trong máu trở nên đậm đặc, nó sẽ hút nước ở tế bào để cân bằng. Nếu tình trạng này kéo dài, bạn có thể rơi vào tình trạng mất nước nghiêm trọng với các biến chứng suy mạch, hôn mê…

Ngoài sai lầm trên, nhiều người còn có thói quen không pha luôn cả gói mà dùng đến đâu pha đến đó. Tuy nhiên, vì không thể chia chính xác lượng oresol ứng với lượng nước được pha mỗi lần nên sẽ dẫn tới tình trạng hoặc dung dịch sẽ quá đặc hoặc quá loãng.

Sai lầm sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn nếu bạn pha oresol hay hydrid với nước khoáng thay vì nước lọc. Cách pha này gây hại ở chỗ nó sẽ làm tăng nồng độ chất điện giải trong dung dịch, từ đó dẫn khiến dung dịch đậm đặc hơn.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp  tái sử dụng dung dịch điện giải đã để qua đêm mà không biết rằng nó có thể bị lên men, nhiễm khuẩn do trong đó có hàm lượng đường nhất định. Chính vì thế, nếu bạn tiếp tục dùng, nó sẽ ảnh hưởng không tốt đến đường tiêu hóa. Bởi vậy, tốt nhất là chỉ nên pha oresol, hydrid… với nước lọc và chuẩn lượng nước như hướng dẫn. (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

 Phòng ngừa đau nhức xương khớp khi "trở trời"

Một số người chỉ cần thời tiết trở lạnh là đầu gối tê cứng, có lúc lại đau nhói từng đợt. Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này, chủ yếu là do các sụn xương ngày càng bị thoái hóa và bị ăn mòn, thiếu chất nhờn ở các khớp xương, chạm vào các đầu dây thần kinh gây ra các cơn đau nhức xương khớp nghiêm trọng, làm hạn chế quá trình cử động và di chuyển. Người bệnh có thể lựa chọn nhiều loại thuốc giảm đau nhanh chóng nhưng khi sử dụng nhiều cũng có các tác dụng phụ không mong muốn. Vì thế cách tốt nhất là phòng ngừa.

Giữ ấm cơ thể                                                    

Khi trời trở lạnh, cần mặc đủ ấm, hạn chế để chân, tay bị ẩm ướt sau khi gặp mưa. Khi khớp có dấu hiệu đau nhức, tê cứng, cần làm nóng/ấm xung quanh vị trí đau bằng dầu hoặc chườm nóng. Không nên xoa bóp trực tiếp lên vùng khớp viêm cấp (sưng, nóng, đỏ, đau). Trong quá trình làm việc, không ngồi quá lâu trong một tư thế, thi thoảng nên đứng lên cho thoải mái. Khi làm nội trợ thì không ngâm tay vào nước lạnh quá lâu, nên sử dụng găng tay dày khi tiếp xúc với nước.

Vận động phù hợp

Tâm lý chung là người bệnh hay sợ cử động, dẫn đến các khớp tê cứng và bệnh nặng thêm. Tuy vậy, người đau khớp vẫn cần vận động phù hợp như các môn bơi lội, dưỡng sinh, yoga… Ngược lại, cần tránh bóng đá, bóng chuyền, tennis, mang vác nặng…

Duy trì cân nặng hợp lý

Đảm bảo hấp thu đầy đủ các vi chất cần thiết, trong đó canxi là thành phần chủ yếu cấu tạo nên xương nên cần bổ sung trong bữa ăn hàng ngày như cua, tôm, hải sản. Đồng thời nên dùng các loại rau có màu xanh đậm như rau cải, súp lơ, các loại trái cây như dâu tây, cà chua, đu đủ, cam, hạt điều… Cần hạn chế các chất kích thích, thịt đỏ, chất béo bão hòa, đồ ăn quá chua, quá mặn. Đặc biệt, duy trì cân nặng hợp lý để tránh gây áp lực cho các khớp, giúp khớp không bị thoái hóa sớm.

Uống nhiều nước

Như bạn đã biết, nước chiếm 70% thành phần của sụn khớp giúp duy trì sự trơn tru giữa 2 đầu xương.Vì thế, cần uống nước đầy đủ và hợp lý, nhất là về mùa đông, kể cả trời lạnh cũng không nên ngại uống nước. 

Không tự ý dùng thuốc giảm đau

Khi khớp bị đau nhức, không nên tự ý mua thuốc giảm đau về dùng. Tránh áp dụng các phương cách điều trị truyền miệng, các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có nghiên cứu khoa học rõ ràng. Nên đi khám bác sĩ sớm để được chỉ định điều trị phù hợp. (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Mít tinh hưởng ứng Ngày Nhà vệ sinh thế giới

Ngày 19/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Qũy Nhi đồng Liên hiệp quốc- UNICEF và Qũy Unilever Việt Nam- nhãn hàng Vim tổ chức mít tinh hưởng ứng ngày Nhà vệ sinh thế giới, báo cáo kết quả hoạt động của “Hành trình nhà vệ sinh sạch khuẩn”, phát động chương trình “Cùng chạy để giúp trẻ em có nhà vệ sinh sạch và an toàn”, chung kết Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi về nhà tiêu hợp vệ sinh và rửa tay với xà phòng”.

Ngày 19/11 hàng năm được Liên hiệp quốc lấy làm Ngày Nhà vệ sinh thế giới, với mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hộ, cũng như của mỗi người dân về tầm quan trọng của nhà vệ sinh. Việt Nam là một trong các quốc gia sớm hưởng ứng sự kiện này.

Chương trình này giúp cải thiện điều kiện vệ sinh và nâng cao sức khỏe cho người dân thông qua các mô hình tuyên truyền và giáo dục sức khỏe bền vững. Buổi mít tinh đã tổ chức triển lãm mô hình “Nhà vệ sinh xuyên thấu”: trưng bày mô hình bồn cầu không lổ bằng hơi, trưng bày mô hình bồn cầu khổng lồ ghép từ 1.000 trai Vim, trưng bày các thông tin “Hành trình nhà vệ sinh sạch khuẩn”. Đặc biệt, trong sự kiện này đã diễn ra hoạt động “Cùng chạy để giúp trẻ em có nhà vệ sinh sạch và an toàn”, với sự tham gia của hơn 3.000 học sinh, sinh viên và đại diện các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức quốc tế… Chung kết Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi về nhà tiêu hợp vệ sinh và rửa tay với xà phòng” cũng đã được tổ chức để hưởng ứng Ngày nhà vệ sinh thế giới, quy tụ các đội thi đến từ 5 tỉnh: Thái Bình, Nam định, Ninh Bình, Hưng Yên, Nghệ An. Hội thi là cơ hội để truyền một thông điệp mạnh mẽ tới người dân, nhằm nâng cao kiến thức về xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và rửa tay với xà phòng trong phòng chống dịch, bệnh; Đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, người dân về vệ sinh môi trường, thực hành bàn tay sạch, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh phòng chống dịch bệnh góp phần xây dựng nếp sống văn minh của xã hội.

Đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết, các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội sẽ tiếp tục phát huy tinh thần xung kích tình nguyện, tích cực tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường: Việc xây dựng sử dụng nhà vệ sinh lồng ghép với rửa tay bằng xà phòng, tuyên truyền nhiều hộ gia đình, người dân, giúp nâng cao nhận thức đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân về vệ sinh môi trường, thực hành bàn tay sạch, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. (Tuổi trẻ, trang 2).

 

 TP.HCM đã có 52 trường hợp nhiễm virút  Zika

Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết đến hết ngày 18-11 tại TP.HCM đã có 52 trường hợp nhiễm virút  Zika, xảy ra ở 15/24 quận huyện của TP. 

Trong ngày 18-11 có thêm 6 ca nhiễm mới xảy ra ở các quận 10, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận và Tân Phú được chẩn đoán xác định qua hệ thống giám sát trọng điểm và đã được điều tra dịch tễ. Trong khi trước đó bốn ngày có 38 trường hợp nhiễm virút Zika.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP,  Q.Bình Thạnh và Q.2 hiện là hai địa phương có số mắc Zika nhiều nhất (mỗi quận 9 ca). Kế đến là Q.Tân Phú với 6 ca được ghi nhận, tiếp theo là Q.9 và Q.12 với 5 ca/quận.

Trung tâm Y tế dự phòng TP khuyến cáo ngoài các biện pháp phòng chống, kiểm soát dịch bệnh Zika của cơ quan y tế, người dân cần chủ động phòng tránh muỗi đốt; mọi người, mọi nhà tự diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh do virút Zika.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP, trong 52 ca nhiễm virút  Zika tại TP có 34 trường hợp là phụ nữ. Trong đó có 6 trường hợp mang thai.

Tuy nhiên, có một thai phụ sinh con ngày 8-11 và sức khỏe của bé hiện ghi nhận bình thường do mẹ bị nhiễm Zika khi đã mang thai 38 tuần. Năm thai phụ còn lại hiện đang được tiếp tục theo dõi sát tình hình sức khỏe. (Tuổi trẻ, trang 2).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang