Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 20/6/2015

  • |
T5g.org.vn - Bác bỏ tin đồn “Hà Nội có 1 người nhiễm MERS”; TP.HCM: Lập 33 đội cơ động phòng chống dịch MERS-CoV; Khai trương bệnh viện quốc tế đầu tiên tại Phú Quốc; Đề nghị thành lập bệnh viện dã chiến điều trị MERS-CoV

Bác bỏ tin đồn “Hà Nội có 1 người nhiễm MERS”

Bộ Y tế ngày 19-6 khẳng định, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS) tại Việt Nam và tin đồn về một người mắc MERS tại tòa nhà Keangnam, Hà Nội là không đúng sự thật. Trước đó, trên mạng xã hội Kakao Talk xuất hiện thông tin tại tòa nhà Keangnam, Hà Nội có 1 người bị Mers, đang bị Bộ Y tế Việt Nam cách ly, nhập cảnh ngày 10-6. Những người sống ở Keangnam phải nâng cao biện pháp phòng ngừa. Tin đồn này đã khiến nhiều người hoang mang, lo lắng.

 “Đến thời điểm này, hệ thống giám sát chủ động phòng chống dịch bệnh MERS từ Trung ương đến địa phương trên địa bàn TP Hà Nội không theo dõi trường hợp nghi mắc MERS nào. Bộ Y tế khẳng định, đây chỉ là tin đồn, không đúng sự thật, làm hoang mang  dư luận. Bộ Y tế đang nỗ lực triển khai các biện pháp giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu và cộng đồng, đồng thời tăng cường công tác truyền thông phòng chống MERS cho người dân, khách du lịch và nhân viên y tế”, đại diện Bộ Y tế thông tin.

Cục Y tế dự phòng cho biết, hôm qua 19-6, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 1 ca mắc mới MERS  và 1 trường hợp tử vong. Theo đó, đến nay nước này đã ghi nhận 166 trường hợp mắc, 24 trường hợp tử vong.

Trước đó 1 ngày, Bộ Y tế Thái Lan đã xác nhận một người đàn ông 75 tuổi đến từ Oman ngày 15-6, tới Thái Lan để điều trị bệnh tim mạch đã có kết quả xét nghiệm dương tính với MERS. Ngay sau đó, Chính phủ Thái Lan đã cách ly bệnh nhân ở Viện các bệnh viện truyền nhiễm tại tỉnh Nonthaburi, đồng thời cách ly 59 người tiếp xúc với người bệnh (người cùng khách sạn, nhân viên y tế, lái xe taxi, người ngồi cùng trên chuyến bay 2 hàng ghế trước và sau bệnh nhân). 
Ba thành viên gia đình đi cùng bệnh nhân đã được giám sát, cách ly tại bệnh viện chỉ định… Được biết, người dân tại khu vực Trung Đông thường xuyên tới Thái Lan để điều trị y tế. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã kêu gọi dân chúng không nên hoảng sợ sau ca nhiễm MERS đầu tiên tại nước này.

 Cùng ngày, Cơ quan quản lý y tế của Abu Dhabi, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), thông báo một người nước ngoài 65 tuổi (quốc tịch không được tiết lộ) đã qua đời tại nước này do nhiễm virus MERS. Đây là trường hợp thứ hai nhiễm virus MERS tại UAE, bệnh nhân còn lại đang trong tình trạng ổn định và được sự giám sát chặt chẽ của các nhân viên y tế. 
Trên thế giới, tính đến ngày 19-6, tổng số ca nhiễm MERS là 1.334 trường hợp, trong đó 471 ca tử vong tại 26 nước. Cục Y tế dự phòng nhận định, tình hình dịch MERS vẫn đang diễn biến phức tạp. Ngày 18-6, Tổng giám đốc WHO đã tới Hàn Quốc 3 ngày để làm việc với quốc gia này về phòng chống dịch. Thái Lan cũng đang tiến hành giám sát quyết liệt các nguy cơ lây truyền dịch MERS tại 67 cửa khẩu, gồm cả đường bộ,  đường biển và hàng không (An ninh thủ đô trang 7, Hà Nội mới trang 1).

TP.HCM: Lập 33 đội cơ động phòng chống dịch MERS-CoV

Chiều 19-6, GS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - bộ trưởng Bộ Y tế - đã làm việc với UBND TP.HCM về công tác phòng chống dịch MERS-CoV trên địa bàn TP. PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế TP - cho biết các đơn vị thuộc sở đã triển khai nhiều hoạt động để phòng chống dịch MERS-CoV tại TP. Cụ thể, Sở đã kiện toàn 33 đội cơ động phòng chống dịch MERS-CoV ở một số bệnh viện và mạng lưới y tế dự phòng của TP và 24 quận, huyện; bố trí 88 giường cách ly ca bệnh ở ba bệnh viện chuyên khoa và đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho điều trị, hóa chất khử khuẩn, quần áo bảo hộ. Công tác giám sát, dự phòng, điều trị, phân luồng bệnh nhân, truyền thông vv…đều đã chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng tiếp nhận khi có ca bệnh xâm nhập ngay tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất.

Bộ trưởng Kim Tiến nhận định TP.HCM là địa phương có nguy cơ cao ca bệnh MERS-CoV xâm nhập do mỗi ngày có khoảng 1.800 hành khách Hàn Quốc nhập cảnh nên không được chủ quan. Đặc biệt khi Thái Lan đã phát hiện ca nhiễm  MERS-CoV đầu tiên. Bà cũng đánh giá cao tinh thần sẵn sàng ứng phó chống dịch của TP.

Sáng cùng ngày, bộ trưởng Kim Tiến đã có buổi làm việc tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới về công tác điều trị MERS-CoV, sau đó Bộ trưởng  đã kiểm tra tình hình phòng chống dịch bệnh này tại sân bay Tân Sơn Nhất (Tuổi trẻ trang 3, Lao động trang 8). 

Khai trương bệnh viện quốc tế đầu tiên tại Phú Quốc

Ngày 19.6.2015, Tập đoàn Vingroup tổ chức lễ khánh thành và khai trương Bệnh viện (BV) đa khoa quốc tế Vinmec Phú Quốc sau 11 tháng thi công. Đây là BV đạt tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao cho người dân địa phương và du khách, đồng thời góp phần thúc đẩy du lịch tại địa phương.

Vinmec Phú Quốc cũng đáp ứng toàn bộ tiêu chuẩn khắt khe của Tổ chức Y tế thế giới WHO với các thiết kế luôn đảm bảo an toàn tối ưu cho người bệnh, tuân thủ theo các tiêu chuẩn của JCI - tổ chức đánh giá chất lượng y tế hàng đầu thế giới. Vinmec Phú Quốc có tổng vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng, diện tích xây dựng 19.000 m2, gồm 6 tầng nổi, quy mô 150 giường bệnh, 11 phòng chức năng và 10 chuyên khoa cùng hệ thống máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại hàng đầu thế giới.

Đội ngũ nhân sự tại Vinmec Phú Quốc đến từ nhiều BV uy tín tại TP.HCM, Cần Thơ, Kiên Giang, Huế, Hà Nội... và các chuyên gia nước ngoài với trình độ chuyên sâu và giàu kinh nghiệm. Ngoài ra, Vinmec Phú Quốc cũng đang kết hợp với hệ thống nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc cùng các khách sạn cao cấp khác trên địa bàn nghiên cứu đưa ra các loại bảo hiểm ngắn ngày dành riêng cho du khách, đem lại sự an tâm tuyệt đối cho du khách trên đảo; góp phần nâng cao cơ sở hạ tầng dịch vụ, thúc đẩy du lịch địa phương.

Dự kiến trong giai đoạn 1, BV Vinmec Phú Quốc sẽ khám trên 26.000 lượt ngoại trú/năm, điều trị nội trú trên 4.000 lượt bệnh nhân/năm. Nhân dịp khai trương, Vinmec Phú Quốc triển khai nhiều chương trình ưu đãi dành cho khách hàng tới khám chữa bệnh từ ngày 19 - 30.6: Miễn phí khám cho mọi đối tượng khách hàng; giảm giá 20% trên các dịch vụ cận lâm sàng; giảm giá 20% trên tất cả các gói dịch vụ gồm gói khám sức khỏe tổng quát, gói thai sản/sinh, gói tiêu hóa, chương trình thẻ hội viên (Thanh niên trang 7).

Đề nghị thành lập bệnh viện dã chiến điều trị MERS-CoV

Ngày 19.6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra công tác phòng chống dịch MERS-CoV tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM và cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất. Theo Bộ trưởng, các BV nên thành lập khu khám bệnh riêng cho những người quá cảnh hoặc đến từ vùng có dịch để tránh lây nhiễm bệnh.

Lãnh đạo BV Bệnh nhiệt đới cho biết BV đã tiếp nhận 6 trường hợp nghi nhiễm MERS, nhưng tất cả đều âm tính. Hiện BV Bệnh nhiệt đới đã có khu vực khám riêng và cách ly điều trị với 50 giường tại khoa Nhiễm D. BV Nhi đồng 1 có lối đi riêng từ phòng khám đến phòng bệnh cho bệnh nhân nghi nhiễm. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, đại diện Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế cho biết cái khó cho kiểm dịch là đa phần hành khách đến từ Hàn Quốc không nói tiếng Anh.

Với con số khoảng 1.800 hành khách Hàn Quốc và hơn 300 hành khách Thái Lan đến TP.HCM mỗi ngày, Bộ trưởng yêu cầu kiểm dịch y tế quốc tế phát cho hành khách một tờ hướng dẫn chi tiết bằng tiếng Hàn Quốc về cách phát hiện bệnh và tự giác khai báo y tế ở địa phương để thuận lợi trong công tác kiểm soát dịch. Cùng ngày, Bộ Y tế làm việc với UBND TP.HCM về phòng chống dịch MERS. Bộ Y tế đề nghị TP.HCM nên lên phương án lập BV dã chiến để điều trị bệnh nhân nhiễm MERS khi cần thiết.

* Tiền phong (trang 10): Dịch MERS - CoV: Nguy cơ cao nếu phó mặc cho y tế

Ngày 19/6, đoàn công tác Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu, đã có buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM về công tác phòng chống dịch MERS-CoV tại nơi được đánh giá có nhiều khả năng dịch xâm nhập nhất hiện nay. Trước đó, sáng cùng ngày, Bộ trưởng Tiến đã đi kiểm tra công tác thu dung, điều trị, cách ly MERS-CoV tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM và công tác giám sát hành khách nhập cảnh tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Theo Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM, khó khăn cho việc giám sát khách Hàn Quốc là đa phần không biết tiếng Anh, nhiều người không thể giao tiếp và khai báo y tế. Ngoài ra, một số hãng hàng không chưa tổ chức tốt việc phát tờ khai y tế trên máy bay nên hành khách phải khai tại bàn kiểm tra của kiểm dịch y tế, gây bức xúc và ùn ứ tại khu vực nhà ga đến. Đại diện Trung tâm cũng cho biết, hằng ngày phải kiểm tra tờ khai, đo thân nhiệt từ xa cho từ 1.800-2.000 hành khách trên các chuyến bay. Hiện lực lượng kiểm dịch viên được chia thành 3 ca trực/ngày, gồm đầy đủ các thành phần chuyên môn bác sĩ, điều dưỡng, khử trùng và lái xe. Lúc cao điểm, trung tâm phải huy động 15 người có mặt tại sân bay để bảo đảm nhiệm vụ.

Trao đổi với Tiền Phong về ca mắc MERS-CoV mới nhất tại Thái Lan, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - cho rằng, hiện chưa cần thiết áp dụng tờ khai y tế đối với hành khách đến từ quốc gia này. Bởi cũng tương tự như Trung Quốc, tuy đã có ca bệnh, nhưng cả 2 nước đang kiểm soát và khống chế tốt việc lây lan. “Đây cũng là bài học cho chúng ta. Khâu giám sát là quan trọng, khai báo ở cửa khẩu cũng quan trọng nhưng chưa đủ. Vì thời gian ủ bệnh của MERS-CoV tới 14 ngày cho nên phải giám sát tại cộng đồng bằng truyền thông đánh động ý thức người dân”, ông Phu nói. Ông kêu gọi: “Vào thời điểm này, mỗi cá nhân tự phòng chống bệnh bằng cách khi vào bệnh viện phải mang khẩu trang là chắc ăn nhất”.

Phát biểu tại buổi làm việc với UBND TPHCM, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao việc ngành y tế áp dụng tờ khai y tế ngay trên máy bay bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh và Hàn. Bà đề nghị nên phát kèm luôn trên máy bay tờ hướng dẫn về phòng chống MERS-CoV. Bộ trưởng tỏ ra quan ngại về công tác giám sát tại cộng đồng và cho rằng đây cũng là một thách thức lớn đối với TPHCM. “Từ danh sách những người đến từ vùng dịch, đơn vị y tế cần phối hợp ngay với địa phương để theo dõi, báo cáo ngay cho cơ sở y tế gần nhất nếu có trường hợp nghi ngờ. Cần tập trung vào những vùng nóng có nhiều khách du lịch, nhất là khách đến từ Hàn Quốc”, bà Tiến nói.

Cũng theo Bộ trưởng, thành phố nên ưu tiên kinh phí chống dịch cho công tác chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện. Việc đầu tư mua sắm các trang thiết bị đắt tiền, như máy trao đổi oxy ngoài cơ thể, chưa cần thiết. Tại buổi làm việc, ông Tất Thành Cang - Phó Chủ tịch UBND TPHCM- nhấn mạnh: “Việc phòng chống dịch MERS-CoV nếu chỉ giao khoán cho ngành y tế, mà thiếu sự chỉ đạo quyết liệt, chung sức của lãnh đạo các quận huyện, sở ngành thì e rằng nguy cơ cao” (Thanh niên trang 13, Nhân dân trang 8, Hà Nội mới trang 7, Công an nhân dân trang 2). 

Việt Nam đạt chuẩn quốc tế về quản lý vắc-xin

Tại buổi họp báo ngày 19-6, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Trương Quốc Cường cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đánh giá và công nhận hệ thống quản lý quốc gia về vắc-xin (NRA) của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bộ Y tế sẽ tổ chức lễ công nhận vào ngày 22-6. Đây là thành tựu đáng tự hào của ngành sản xuất vắc-xin trong nước, trở thành một trong 39 quốc gia trên thế giới có hệ thống NRA đạt tiêu chuẩn của WHO, mở ra cơ hội xuất khẩu vắc-xin ra thế giới. Một trong các điều kiện tiên quyết để xuất khẩu vắc-xin là không chỉ nhà máy đạt chuẩn, mà hệ thống quản lý quốc gia về vắc-xin cũng phải đạt theo tiêu chuẩn của WHO. Dự kiến đến năm 2018, Việt Nam sẽ cơ bản đáp ứng toàn bộ nhu cầu vắc-xin cho tiêm chủng mở rộng và tiếp tục nghiên cứu sản xuất các vắc-xin đa giá (Nhân dân trang 8, Hà Nội mới trang 1).

WHO sẽ mua vaccine Việt Nam vì chất lượng cao, quản lý minh bạch và giá cả hợp lý

 “Với năng lực về hệ thống quản lý chất lượng vaccine, đội ngũ nhà khoa học cùng với chiến lược đầu tư, phát triển phù hợp, trong 20-30 năm nữa, Việt Nam sẽ là một trong những nước sản xuất vaccine nhiều nhất thế giới”. Đó là ý kiến của ông Lahouari Belgharbi, Trưởng đoàn chuyên gia đánh giá chức năng quản lý nhà nước về vaccine của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sau khi kiểm tra thực tế hoạt động sản xuất và giám sát phản ứng sau tiêm chủng tại Việt Nam.

Bởi thế, ngày 22/6, tại Hà Nội, WHO sẽ chính thức công nhận hệ thống quản lý quốc gia về vaccine (NRA) của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế. Đây là một sự kiện đáng tự hào của ngành Y tế Việt Nam, khi sau nhiều nỗ lực đã đạt được điều kiện quan trọng để mở rộng cánh cửa cho vaccine Việt Nam xuất khẩu.

Tại cuộc họp ngày 19/6 của Bộ Y tế về sự kiện này, đại diện Bộ Y tế cho biết, để đạt được thành tựu này, Việt Nam đã có tới 14 năm chuẩn bị rất kỹ lưỡng, và bắt đầu tăng tốc 2 năm gần đây, với việc triển khai đồng bộ các nội dung theo tiêu chuẩn đánh giá của WHO, đảm bảo các sản phẩm vaccine có chất lượng và an toàn. Trong hơn 1 năm qua, Bộ Y tế đã mời 30 chuyên gia của WHO và các tổ chức quốc tế đến Việt Nam hỗ trợ cho việc nâng cao năng lực của cơ quan quản lý quốc gia về vaccine. Ông Lahouari Belgharbi, Trưởng đoàn chuyên gia WHO khẳng định: “Đến thời điểm này, Việt Nam là 1 trong 39 quốc gia trên thế giới được công nhận “Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine” đạt tiêu chuẩn của WHO, chuẩn mực quốc tế”. 

Với việc đạt chứng nhận NRA, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để phát triển ngành công nghiệp vaccine, là bước tiến quan trọng mở ra cánh cửa xuất khẩu vaccine “Made in Việt Nam” ra thế giới, góp phần cung cấp vaccine phòng, chống dịch bệnh cho khu vực và cho toàn cầu. Thay vì chỉ phục vụ thị trường nội địa với khoảng 7 triệu trẻ em sử dụng hằng năm, nay các nhà sản xuất vaccine trong nước có cơ hội nâng cao năng lực, sản xuất vaccine để xuất khẩu khắp thế giới, đặc biệt cho các chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cần nguồn vaccine giá thành vừa phải, đảm bảo chất lượng và an toàn. 

Đây cũng là cơ hội để các nước quan tâm đầu tư sản xuất vaccine tại Việt Nam, bởi một trong các điều kiện tiên quyết để xuất khẩu vaccine là, không chỉ nhà máy đạt chuẩn, mà hệ thống quản lý quốc gia về vaccine cũng phải đạt chuẩn WHO.

Để được WHO công nhận, theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, từ tháng 4/2015, Đoàn chuyên gia đánh giá về chức năng quản lý nhà nước về vaccine của WHO đã tiến hành thực tế kiểm tra, đánh giá hệ thống giám sát phản ứng sau tiêm chủng tại nhiều địa phương.

Sau đó, các chuyên gia của WHO đã đánh giá công tác quản lý giám sát phản ứng sau tiêm chủng của Việt Nam, dựa trên 7 chỉ số của WHO: các quy định, hướng dẫn về theo dõi, giám sát phản ứng sau tiêm chủng, hệ thống quản lý chất lượng đối với các hoạt động giám sát phản ứng sau tiêm chủng, quản lý nguồn nhân lực, hoạt động của hệ thống giám sát phản ứng sau tiêm chủng, khả năng phát hiện, điều tra, đánh giá phản ứng sau tiêm chủng, các hoạt động về quản lý sử dụng vaccine liên quan đến phản ứng sau tiêm chủng, công tác truyền thông về an toàn tiêm chủng. Các chuyên gia trực tiếp xem xét và đánh giá các bằng chứng, tài liệu chứng minh với từng chỉ số, cuối cùng đã đưa ra đánh giá hệ thống giám sát phản ứng sau tiêm chủng của Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của WHO.

Đại diện Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế, đơn vị có vai trò quan trọng để đưa các vaccine đảm bảo chất lượng ra thị trường, cho biết: Đối với chức năng xuất xưởng lô vaccine, sinh phẩm, có 6 chỉ số chính và 22 chỉ số phụ, Viện đã đạt 21,5/22 chỉ số, đạt 98% theo yêu cầu của WHO. Chức năng tiếp cận phòng thí nghiệm đạt 100% theo yêu cầu của WHO. Với hai chức năng đạt 98% và 100% tiêu chuẩn quốc tế, Viện đã góp phần đưa hệ thống NRA đạt tiêu chuẩn của WHO và nhờ đó, các vaccine sản xuất trong nước có thể xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Với kết quả này, phòng thí nghiệm của Viện có thể tham gia vào hệ thống kiểm định vaccine  toàn cầu để kiểm định các mẫu cho kết quả tin cậy, có giá trị, mở ra cơ hội cho cả lĩnh vực kiểm định chất lượng và ngành sản xuất vaccine của Việt Nam.

Theo ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, WHO sẽ mua vaccine của Việt Nam vì hệ thống quản lý minh bạch, giám sát tốt chất lượng, giá thành rẻ. Đặc biệt, tới đây, Việt Nam sẽ sản xuất 100% loại vaccine cho trẻ. Hiện, Việt Nam đang nghiên cứu sản xuất vaccine “5 trong 1” và “6 trong 1” - 2 loại vaccine đang phải nhập khẩu và vẫn gây nên những “cơn sốt” do không đáp ứng đủ yêu cầu trong nhiều thời điểm. Điều này hoàn toàn có thể vì hiện Việt Nam đã sản xuất được loại vaccine “3 trong 1”. Việc xuất khẩu vaccine Việt Nam ra nước ngoài là khả thi, vì ngoài chất lượng đã được WHO công nhận, các dây chuyền sản xuất vaccine của Việt Nam hiện mới chỉ đạt 30-50% công suất, do thị trường chưa rộng, khi hiện chỉ xuất khẩu sang 3 nước. Tới đây, để ngành sản xuất vaccine phát triển lành mạnh, không chồng chéo, Bộ Y tế sẽ quy hoạch lại các công ty sản xuất vaccine theo hướng chuyên môn hóa và tạo điều kiện để các nhà sản xuất vaccine được ưu đãi vay vốn đầu tư (Công an nhân dân trang 4).

Yêu cầu tăng cường quản lý chất thải bệnh viện

Ngày 19/6, Bộ Y tế cho biết đã đề nghị các địa phương tăng cường phối hợp liên ngành để kiểm tra, giám sát công tác xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế. Ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xử lý chất thải để đảm bảo công tác quản lý chất thải y tế tại các bệnh viện (BV). Bộ Y tế cũng yêu cầu các BV trong cả nước tăng cường công tác quản lý chất thải y tế trong BV; quản lý, xử lý chất thải rắn y tế theo đúng qui định, không để lọt rác thải y tế nguy hại ra ngoài; xử lý nghiêm các đơn vị không thực hiện thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải y tế theo qui định (Công an nhân dân trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang