Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 21/4/2020

  • |
T5g.org.vn - WHO khuyến cáo các nước thận trọng khi nới lỏng hạn chế; Bàn giao máy thở MV20 cho Việt Nam chống dịch COVID-19; Dịch COVID-19 vẫn khó dự đoán

 

WHO khuyến cáo các nước thận trọng khi nới lỏng hạn chế

Theo Reuters và TTXVN, ngày 20-4, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) T.Ghebreyesus khuyến cáo các nước cần thận trọng khi nới lỏng các biện pháp hạn chế xã hội để phòng, chống đại dịch Covid-19.

Theo đó, chính phủ các nước cần chú trọng tuyên truyền, tiếp sức cho người dân cùng ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lại bùng phát. WHO kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết đẩy lùi đại dịch.

* Ngày 20-4, Na Uy tuyên bố bắt đầu mở cửa các trường mẫu giáo sau một tháng đóng cửa nhằm khống chế sự lây lan của dịch. Na Uy là một trong số các quốc gia đầu tiên tại châu Âu tuyên bố dỡ bỏ nhiều biện pháp hạn chế. Tuy nhiên, các sự kiện văn hóa và thể thao tiếp tục bị cấm ít nhất đến ngày 15-6 tới.

* Sau khi ra tuyên bố đã kiểm soát được đại dịch, từ ngày 20-4, Ðức cho phép mở lại các cửa hàng có diện tích không quá 800 m2.

Một số trường học cũng mở cửa trở lại. Các hoạt động tôn giáo tụ tập nhiều người tại Ðức vẫn bị cấm. Các sự kiện lớn sẽ tiếp tục bị cấm tổ chức cho tới ngày 31-8. Từ ngày 20-4, việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng là bắt buộc tại một số bang của Ðức.

* Tây Ban Nha, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19 tuyên bố sẽ nới lỏng hạn chế như cho phép trẻ em được ra ngoài dù vẫn quyết định gia hạn lệnh phong tỏa trên cả nước. Thụy Sĩ, Ðan Mạch và Phần Lan đều đã mở cửa trở lại một số cửa hàng và trường học. Trong khi đó, Italy cũng đang cân nhắc nới lỏng các biện pháp hạn chế.

* Thủ tướng Pháp E.Philippe nhấn mạnh, Pháp vẫn đang đương đầu với cuộc khủng hoảng y tế. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng kinh tế chỉ mới bắt đầu. Thủ tướng E.Philippe chưa đề cập đến thời điểm chấm dứt giãn cách xã hội và nhấn mạnh với người dân Pháp rằng cuộc sống sau ngày 11-5 sẽ chưa lập tức trở lại bình thường.

* Phó Giám đốc Cơ quan Y tế của Anh J.Harries cho biết, còn quá sớm để nói rằng Anh đã qua đỉnh dịch, song đã có những dấu hiệu cải thiện. Bộ Y tế Anh thông báo, tính đến ngày 20-4, Anh ghi nhận hơn 120.000 người mắc Covid-19 và 16.500 người chết do dịch.

* Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Ba Lan tuyên bố, nếu số ca mắc Covid-19 mới tại Ba Lan tăng mạnh, chính quyền có thể áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế. Trước đó, Chính phủ Ba Lan bắt đầu nới lỏng một số hạn chế nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường, như các công viên đã mở cửa trở lại trong ngày 20-4.

* Thủ tướng Canada J.Trudeau nhận định, Canada đã có những bước tiến trong cuộc chiến chống Covid-19, nhưng vẫn cẩn trọng khi cân nhắc dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội. Chính phủ đảng Tự do của Thủ tướng Trudeau đã đạt được một thỏa thuận với đảng Dân chủ mới (NDP) và Khối Quebec về việc sớm mở cửa trở lại các hoạt động của Hạ viện.

* Cùng ngày, Thủ tướng New Zealand J.Ardern thông báo, New Zealand sẽ nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc vào đầu tuần tới khi công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao. Theo đó, sẽ giảm mức phong tỏa toàn quốc từ đêm 27-4 và duy trì trong hai tuần trước khi có quyết định tiếp theo.

* Tính đến ngày 20-4, số ca mắc Covid-19 ở khu vực Mỹ latinh đã vượt quá 100.000 người với gần 5.000 người chết. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dịch bệnh có thể để lại những hậu quả rất tiêu cực đối với Mỹ la-tinh, khiến nền kinh tế khu vực này phải đối mặt với nguy cơ suy thoái trầm trọng nhất trong gần 70 năm qua.

* Cùng ngày, Chính phủ Mỹ thông báo cho phép các nhà nhập khẩu chịu tác động của đại dịch chậm nộp thuế ba tháng. Tuy nhiên, chính sách này không áp dụng với những nhà nhập khẩu pin năng lượng mặt trời, thép, nhôm và nhiều hàng hóa Trung Quốc đang vướng các tranh chấp thương mại. Hiện Mỹ đứng đầu thế giới về số ca mắc và chết vì Covid-19 với hơn 768.000 ca nhiễm và hơn 41 nghìn người chết.

* Giới chức New York tiếp tục kêu gọi Tổng thống Mỹ D.Trump hỗ trợ để bang này tiến hành xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng và mở cửa hoạt động kinh tế. Thống đốc bang New York nhận định, New York đã qua đỉnh dịch nhưng cảnh báo người dân vẫn phải hết sức thận trọng do có tới 1.300 người nhiễm Covid-19 trong một ngày.

* Chính phủ Hàn Quốc thông báo sẽ tiếp tục giãn cách xã hội tới ngày 5-5. Biện pháp giữ khoảng cách ở nơi công cộng, khử trùng hằng ngày và đeo khẩu trang sẽ được duy trì. Tuy nhiên, nhà chức trách sẽ dỡ bỏ các mệnh lệnh hành chính đối với nhà thờ, quán rượu, phòng tập thể dục và trường học. Ngày 20-4, hơn 1,46 triệu học sinh lớp 1 và 2 tại Hàn Quốc bắt đầu khai giảng năm học mới trực tuyến.

* Tính đến ngày 20-4, Singapore ghi nhận hơn 8.000 ca mắc Covid-19. Giới chức Singapore thừa nhận số ca nhiễm sẽ còn tăng mạnh trong những ngày tới do đang triển khai xét nghiệm diện rộng. Bắt đầu từ ngày 20-4, 180.000 lao động trong ngành xây dựng sẽ cách ly tại nhà cho tới ngày 4-5.

* Giới chức Philippines cảnh báo, Philippines có nguy cơ mất khoảng 4,5 tỷ USD kiều hối trong năm 2020 từ khoảng 10 triệu người lao động Philippines ở nước ngoài do ảnh hưởng của đại dịch. Ước tính tổng lượng kiều hối mà Philippines có thể nhận được trong năm nay vào khoảng 27 tỷ USD.

* Trong khi đó, tại Bangladesh, bất chấp lệnh phong tỏa toàn quốc, gần 100.000 người đã tham dự buổi cầu nguyện trong đám tang một giáo sĩ Hồi giáo, gây lo ngại dịch bệnh sẽ bùng phát mạnh tại quốc gia có 168 triệu dân này. Theo nguồn tin cảnh sát, nhiều người đến từ thủ đô Dhaka và chính quyền đã không thể ngăn cản do có quá nhiều người tụ tập.

* Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ F.Koca cho biết, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã lên đến 86.306 trường hợp. Tính đến nay Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất ngoài châu Âu và Mỹ.

* Nhóm các nước đang phát triển (G77) và Trung Quốc đưa ra một tuyên bố thể hiện sự ủng hộ đối với WHO trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Tuyên bố kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường đoàn kết trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh - kẻ thù chung của thế giới. (Nhân dân, trang 5).

 

Bàn giao máy thở MV20 cho Việt Nam chống dịch COVID-19

Ngày 20/4, tin từ trường ĐH Văn Lang cho biết, chiều cùng ngày, tại Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản đã diễn ra lễ bàn giao 2 máy thở MV20 đầu tiên trong tổng số 2.000 máy do công ty Metran Nhật Bản sản xuất nhằm phòng chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam. Đây là số máy thở do tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ĐH Văn Lang tài trợ.

Đại diện Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản đã thay mặt hai nhà tài trợ là Trường ĐH Văn Lang và tập đoàn Vạn Thịnh Phát để nhận hai máy thở trên.

MV20 là dòng máy thở được sản xuất với các chức năng hữu hiệu nhất, tiên phong kết hợp hai chức năng xâm lấn và không xâm lấn do ông Trần Ngọc Phúc (người Nhật gốc Việt) -nhà sáng lập kiêm chủ tịch công ty Metran Nhật Bản sản xuất dành riêng để phục vụ trong việc điều trị dịch bệnh COVID-19.

Bên cạnh tài trợ 2.000 máy thở, trường ĐH Văn Lang và tập đoàn Vạn Thịnh Phát còn tài trợ chi phí huấn luyện đào tạo cho các y bác sĩ, đảm bảo sử dụng máy thuần thục trong thời gian ngắn nhất, cung cấp các giải pháp bảo trì, bảo hành hiệu quả nhất cho các máy thở MV20.

Ngoài ra, cũng trong lễ bàn giao máy thở MV20, trường ĐH Văn Lang và tập đoàn Vạn Thịnh Phát sẽ thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản trao số tiền 200,000 USD cho Hội người Việt Nam tại Nhật Bản do ông Trần Ngọc Phúc làm chủ tịch nhằm hỗ trợ giảm bớt một phần những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 đang gây ra cho người Việt sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật. Dự kiến, từ nay đến tháng 6/2020, các bên sẽ xúc tiến sản xuất và các thủ tục để bàn giao 2.000 máy thở này cho Việt Nam. (Tiền phong, trang 3).

 

Dịch COVID-19 vẫn khó dự đoán

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, hơn 4 ngày qua không ghi nhận ca mắc mới là tín hiệu khả quan nhưng khó dự đoán, không thể khẳng định sự lây lan trong cộng đồng đã hết. Vì thế, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.

Chuyên gia này cho biết, việc ngăn chặn dịch ở nước ngoài nhập vào Việt Nam, phát hiện và cách ly tất cả trường hợp nhập cảnh cùng với việc những ngày gần đây không ghi nhận ca mắc mới trong nhóm này chứng tỏ ngăn chặn dịch từ nước ngoài xâm nhập thành công.

Cùng với đó, một số ổ dịch lớn như Bệnh viện Bạch Mai, bar Buddha, gần nhất là Hạ Lôi, đều đã được khống chế nên thời gian qua, không ghi nhận ca mới từ những ổ dịch này. Và đặc biệt hơn cả, không phát hiện được ổ dịch mới trong cộng đồng. Đó là những tín hiệu khả quan. Thực tế, các nước không giãn cách xã hội đã bùng phát mạnh.

Tuy nhiên, cần tiếp tục giám sát chặt chẽ các ổ dịch mới phát hiện như tại Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) và rà soát, theo dõi các trường hợp tiếp xúc gần với các ca nhiễm mới gần đây. Bên cạnh đó, do dịch đã lây lan ra cộng đồng nên vẫn tiềm ẩn các nguy cơ lây nhiễm và có thể bùng phát thành ổ dịch bất cứ lúc nào, đòi hỏi các cơ quan y tế, chính quyền địa phương và mỗi người dân cần tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tích cực, nâng cao ý thức phòng bệnh của mỗi cá nhân, không được phép chủ quan, lơ là.

“Tôi nhấn mạnh, chúng ta không được chủ quan vì tình hình diễn biến rất phức tạp. Ở các ổ dịch, khi phong tỏa thực hiện mọi biện pháp chống dịch cách ly người mang mầm bệnh với người lành 100%, quản lý được người dương tính trong ổ dịch 100%. Nhưng trên quy mô một tỉnh, thành phố, cả nước, để cắt đứt sự lây lan 100% là rất khó. Rất khó để người đang mang mầm bệnh không tiếp xúc với người lành 100%. Chưa thể nói sự lây lan trong cộng đồng hết hay chưa”, PGS .TS Trần Đắc Phu nói.

Về nguyên nhân số ca nghi nghiễm (những ca tiếp xúc gần F1) giảm mạnh, theo ông Phu là do vừa qua bệnh nhân dương tính giảm. Các ổ dịch khống chế được thì số ca nghi nhiễm cũng giảm đi. Nhiều chuyên gia dịch tễ đều nhìn nhận, Việt Nam đã thành công ở giai đoạn hiện nay. Sự thành công đó được hiểu là nước ta đang kiểm soát được dịch bệnh.

Trên thế giới, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và còn kéo dài. Việt Nam cũng xác định phải ứng phó lâu dài, không được lơ là, chủ quan, phải làm quyết liệt, đặc biệt là ý thức tham gia của mỗi người dân.

Ông Phu cho rằng, việc quan trọng nhất hiện nay là làm sao hạn chế thấp nhất sự lây lan trong cộng đồng. Trong thời gian tới, có thể có những ổ dịch nhỏ xảy ra, phải kiểm soát không để đốm lửa bùng phát thành đám cháy lớn, đó là hiệu quả của giãn cách xã hội. (Tiền phong, trang 4).

 

Hà Nội tiếp tục hạn chế tụ tập đông người sau 22/4

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, sau 22/4, nếu không phát hiện ca bệnh COVID-19 mới, có thể hạ mức cảnh báo, tuy nhiên, các hoạt động như thể dục thể thao, sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người vẫn cần tiếp tục hạn chế.

Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố Hà Nội chiều 20/4, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, nếu như đến 22/4, địa bàn Hà Nội không phát hiện ca nhiễm mới nào, thành phố có thể hạ mức cảnh báo, nhưng không có chuyện gỡ bỏ toàn bộ mà sẽ được tiến hành từ từ.

“Văn phòng UBND thành phố và Sở Y tế phải soạn thảo, trình thành phố ra được Chỉ thị hoặc kế hoạch theo Chỉ thị mới của Thủ tướng, làm sao dễ làm nhất cho cấp dưới. Nhưng chắc chắn là không gỡ hết tất cả những yêu cầu hạn chế. Ví dụ như các hoạt động đông người, đặc biệt ở các vùng có nguy cơ cao như Mê Linh, Thường Tín, các biện pháp còn thực hiện mạnh mẽ chứ chưa thể buông hẳn được”, ông Chung nói.

Theo ông Chung, thành phố không được chủ quan, bởi dịch bệnh này trên thế giới đã có tình trạng tái lây nhiễm, hoặc nhiễm bệnh mà không có biểu hiện, triệu chứng, có thể kéo dài trong 30 ngày.

“Chúng ta có bài học là Hàn Quốc thời gian qua đã xây dựng bộ tiêu chí cho từng nhà hàng, quán cà phê, tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch một cách bắt buộc. Ví dụ, tới đây việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách là bắt buộc. Hay thể dục thể thao, sinh hoạt tôn giáo liên quan tụ tập đông người chắc chắn vẫn phải hạn chế một thời gian nữa chứ chưa thể quay lại hoạt động bình thường”, Chủ tịch Hà Nội nói.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu tiếp tục tuyên truyền để người dân thực hiện tốt các Chỉ thị của Thủ tướng, của thành phố. Các trường hợp bán hàng trở lại mà không phải mặt hàng thiết yếu phải bị xử phạt nghiêm túc; tăng cường kiểm tra các cửa hàng karaoke, mát xa, các loại hình cấm không thuộc nhóm thiết yếu. Những người ra đường không đeo khẩu trang cũng phải tiếp tục bị xử phạt.

Ông Chung cũng đồng ý với đề xuất cho triển khai xét nghiệm nhanh các tiểu thương ở chợ Phùng Khoang và chợ Minh Khai; Sở Y tế cần tiếp tục kiểm tra, rà soát lại công tác mua sắm các trang thiết bị khám chữa bệnh trong thời gian vừa qua. (Tiền phong, trang 5; Công an nhân dân, trang 4).

 

800 y bác sĩ tuyến đầu sẽ tiêm thử nghiệm vaccine lao chống nCoV

Dự kiến, 800 y bác sĩ và nhân viên y tế tiếp xúc gần với ca bệnh Covid-19  sẽ tiêm thử nghiệm vaccine ngừa bệnh lao để tìm mối liên quan giữa vaccine này trong việc phòng bệnh Covid-19.

Vừa qua, kết quả nghiên cứu bước đầu của nhóm chuyên gia Mỹ và Ireland cho thấy, những nước có chương trình tiêm vaccine ngừa bệnh lao (BCG) có tỉ lệ tử vong khi nhiễm Covid-19 thấp hơn.

Do đó, Bộ Y tế đã giao BV Phổi Trung ương phối hợp với một số đơn vị khác nghiên cứu đề tài này. GS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết bệnh viện đã hoàn thành đề cương thử nghiệm dùng vaccine BCG phòng chống Covid-19, đang chờ Bộ Y tế phê duyệt.

Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu liệu vaccine BCG có giúp làm giảm mức độ tổn thương phổi trên bệnh nhân Covid-19 hiện nay hay không. Nghiên cứu cũng đối chiếu mức độ triệu chứng giữa các nhóm bệnh nhân từng tiêm BCG và nhóm khác. 

Theo đề án, khoảng 800 y bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tại Hà Nội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM và một số bệnh viện khác sẽ tham gia thử nghiệm tiêm BCG.

Nhóm đang thử nghiệm tiêm vaccine phòng bệnh lao cho một số bệnh nhân Covid-19 và người tiếp xúc trực tiếp, thuộc các độ tuổi trưởng thành, tuổi cao... Hiện chưa có kết quả thử nghiệm tiêm vaccine trên các nhóm này. 

Các chuyên gia Bệnh viện Phổi Trung ương cũng đề xuất thực hiện nghiên cứu tương tự tại các nước thuộc khối Pháp ngữ, ví dụ Campuchia.

Vaccine phòng bệnh lao BCG được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia Việt Nam từ hơn 30 năm nay. Để đạt hiệu quả cao, tất cả trẻ sơ sinh khỏe mạnh cần được tiêm một liều vaccine duy nhất. Vaccine BCG có thể tiêm cùng lúc với các vaccine khác cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng, bao gồm cả vaccine viêm gan B. Các chuyên gia y tế không khuyến khích việc tiêm nhắc lại BCG do ít có hiệu quả phòng, chống bệnh lao.

GS.TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh, việc tiêm nhắc lại vaccine BCG không vì mục đích để phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 hay giảm nguy cơ mắc loại virus này như nhiều người đang hiểm lầm. Mục đích chính là để so sánh chỉ số miễn dịch so với nhóm không tiêm. (An ninh thủ đô, trang 6).

 

Bệnh nhân 188 tái dương tính với SARS-CoV-2 đã âm tính trở lại

Theo Bộ Y tế, ngày 20.4, bệnh nhân Covid-19 thứ 188 tái dương tính với virus SARS-CoV-2 (hôm 19.4) đã có kết quả âm tính trở lại.

Ngày 20.4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, cho biết trong ngày không ghi nhận thêm ca bệnh mới. Như vậy, hơn 4 ngày liên tục, cả nước không có thêm bệnh nhân (BN) Covid-19.

Thêm 12 bệnh nhân khỏi bệnh

Trong ngày 20.4, có 12 BN được công bố khỏi bệnh, gồm: 1 BN được điều trị tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) H.Nho Quan (Ninh Bình), 2 BN tại BVĐK khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), 2 BN tại BV dã chiến Củ Chi (H.Củ Chi, TP.HCM) và 7 BN tại BVĐK tỉnh Ninh Bình.

Đến chiều 20.4, cả nước đã có 214/268 ca bệnh Covid-19 được công bố khỏi bệnh. 51.069 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly y tế), trong đó, cách ly tập trung tại BV 308 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 10.759 người và cách ly tại nhà, nơi lưu trú 40.002 người.

Bộ Y tế cũng cho biết ngày 20.4, Bệnh nhân 188 tái dương tính với virus SARS-CoV-2 (hôm 19.4) đã có kết quả âm tính trở lại. Xét nghiệm mới nhất bằng phương pháp RT-PCR (là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất), trên mẫu bệnh phẩm dịch họng và tỵ hầu của BN, do BV Bệnh nhiệt đới T.Ư thực hiện. BN 188 vẫn tiếp tục được cách ly theo dõi sức khỏe tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư. (Thanh niên, trang 4; Tuổi trẻ, trang 4; An ninh thủ đô, trang 6).

 

Từng bước nới lỏng, 'chung sống an toàn' với Covid-19

Ngày 20.4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ để bàn về các biện pháp ứng phó trước những chuyển biến của dịch Covid-19.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận tình hình dịch bệnh có chuyển biến tốt hơn, cần nới lỏng từng bước nhưng phải có kiểm soát đúng mức. Thủ tướng lưu ý khả năng lây nhiễm vẫn còn cao; tất cả các địa phương, hệ thống chính trị cũng như người dân vẫn phải tiếp tục kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch là phát hiện, ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả. Do đó, cần tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15.4 cho đến khi có chỉ đạo mới, dự kiến sẽ được đưa ra trong cuộc họp ngày 22.4. Tại cuộc họp tới, các nhóm địa phương nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp cũng sẽ được xem xét để điều chỉnh.

“Từng bước nới lỏng, khôi phục các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế nhưng không được lơ là, chủ quan, thỏa mãn”, Thủ tướng lưu ý. (Thanh niên, trang 4; Lao động, trang 3; Tuổi trẻ, trang 3; Hà Nội mới, trang 1; An ninh thủ đô, trang 4; Tiền phong, trang 3; Sài Gòn giải phóng, trang 2; Gia đình & Xã hội, trang 2; Nông thôn ngày nay, trang 5; Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Hà Nội: Gần 15.000 mẫu xét nghiệm Covid-19 ở 2 ổ dịch tại Mê Linh và Thường Tín âm tính

Tính đến sáng nay, 20-4, đã có kết quả xét nghiệm 13.452 mẫu tại thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) và 1.246 mẫu ở thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín), tất cả đều âm tính với nCoV.

Theo báo cáo nhanh tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Sở Y tế Hà Nội vào sáng 20-4, kết quả 1.246 mẫu xét nghiệm của người dân tại ổ dịch xóm Trên, thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội) đều âm tính với virus SARS-CoV-2.

Thôn Đông Cứu chính là nơi ở của bệnh nhân Covid-19 số 266. Ngay sau khi phát hiện bệnh nhân 266, toàn bộ xóm Trên, thôn Đông Cứu đã được lực lượng chức năng thiết lập khu vực cách ly và khử khuẩn môi trường. Đặc biệt, 1.246 người liên quan đến bệnh nhân, trong đó có 50 trường hợp F1 được lấy mẫu trong ngày 18-4 để xét nghiệm.

Với việc tất cả mẫu xét nghiệm ở thôn Đông Cứu đều âm tính với SARS-CoV-2, người dân ở khu vực này đã tạm thời có thể yên tâm.

Còn với ổ dịch tại thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội), báo cáo từ Sở Y tế cho biết, đến thời điểm này, cơ quan chuyên môn đã tiến hành lấy 13.762 mẫu xét nghiệm, trong đó 13.452 mẫu âm tính, 310 mẫu đang chờ kết quả.

Đặc biệt, trong số 1.232 người liên quan đến chợ hoa Mê Linh, Trung tâm Y tế huyện Mê Linh đã rà soát và lấy mẫu xét nghiệm được 988 người, trong đó 170 người đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, còn 818 mẫu đang chờ kết quả. (An ninh thủ đô, trang 6).

 

Phẫu thuật lấy viên đạn trong não người bệnh

Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) ngày 20.4 cho hay, các bác sĩ của BV vừa phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân (BN) nam bị trúng đạn từ súng tự chế khi đang đi săn.

Trước đó, hôm 12.4, H.T.Đ (16 tuổi, ngụ H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) được chuyển đến BV Hữu nghị Việt Đức với vết thương do viên đạn bắn xuyên não, từ trán đến đỉnh chẩm bên phải. Tại đây, các bác sĩ tiến hành cấp cứu kịp thời và cho BN làm các chỉ định cần thiết, chụp X-quang thấy vết thương nhỏ đường kính 0,55 mm, nhưng nguy hiểm do viên đạn xuyên qua não từ trán đến đỉnh chẩm bên phải. Khi vào não, đạn đi sâu và chạy dọc theo chiều dài não khiến em Đ. bị liệt nửa người bên trái. (Nhân dân, trang 5.).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang