Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 22/1/2017

  • |
T5g.org.vn - Vẫn còn dấu hiệu buông lỏng quản lý an toàn thực phẩm; Những thực phẩm giúp bạn tránh say xỉn trong ngày tết; Mở sọ, cứu em bé mang khối bướu vô cùng hiếm gặp…

 

Vẫn còn dấu hiệu buông lỏng quản lý an toàn thực phẩm

Chiều 19-1, chủ trì Hội nghị đánh giá công tác an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2016, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, kết quả thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại cơ sở, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, cần thêm nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả hơn để bảo vệ sức khỏe của người dân. Theo Sở Y tế, triển khai thực hiện Quyết định số 38 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại TP Hà Nội, tại 5 quận, huyện và 10 xã, phường, thị trấn, lực lượng này đã thanh tra, kiểm tra hơn 3.500 cơ sở, trong đó xử lý vi phạm 786 cơ sở và phạt tiền 371 cơ sở với tổng số tiền phạt là hơn 1,16 tỷ đồng với các lỗi vi phạm chủ yếu là: không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định; không có giấy khám sức khỏe định kỳ; không rõ nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm; không bảo đảm ATTP trong quá trình sản xuất, chế biến…

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho rằng, việc có thêm lực lượng thanh tra chuyên ngành ở cấp cơ sở đã tăng cường công tác quản lý ATTP, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền. Các quận, huyện cho rằng, thanh tra chuyên ngành ATTP có hiệu quả và cần phải duy trì và mở rộng. Tuy vậy,  lực lượng chuyên trách về ATTP còn mỏng nên việc quản lý ATTP trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Phó Giám đốc Sở Y tế cũng cho biết, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm ở phường xã chủ yếu là nhỏ lẻ, thường xuyên biến động; chưa kể vẫn tồn tại nhiều chợ tạm, chợ cóc… Bên cạnh đó, tâm lý cả nể cũng làm hạn chế công tác xử lý vi phạm. Cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ thanh tra vẫn phải đảm nhận nhiều việc cùng lúc nên việc tổ chức các cuộc thanh tra chuyên ngành ATTP sẽ khó diễn ra thường xuyên.

Cán bộ đều đã được tập huấn, cấp chứng chỉ thanh tra, nhưng thời gian tập huấn còn ngắn, kiến thức và kinh nghiệm còn hạn chế, nên còn sự e ngại; việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau, củ quả, thịt tại các chợ cóc, thức ăn đường phố còn gặp nhiều khó khăn. Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong đánh giá cao sự quan tâm, sát sao của thành phố đối với lĩnh vực ATTP. Những kết quả bước đầu trong việc triển khai lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP ở cấp cơ sở là đáng ghi nhận.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, công tác ATTP luôn là vấn đề nhạy cảm, bức xúc trong cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, có lúc, có nơi vẫn còn dấu hiệu buông lỏng trong quản lý ATTP. Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các quận, huyện cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.

Việc thanh tra, kiểm tra cũng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục dưới nhiều hình thức và mọi thời điểm trong ngày. “Năm 2017, lãnh đạo thành phố sẽ cùng chính quyền địa phương tìm ra những cách làm sáng tạo hơn với mục tiêu hàng đầu là đảm bảo sức khỏe của người dân”, Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định. (An ninh Thủ đô, trang 7).

 

Những thực phẩm giúp bạn tránh say xỉn trong ngày tết

Tết là thời điểm của những bữa tiệc tùng và rượu bia, do vậy say xỉn là điều dễ xảy ra đối với cánh mày râu. Tiêu thụ những thực phẩm dưới đây trước khi uống rượu sẽ giúp bạn tránh say xỉn.

Nước: Khi uống rượu, rượu làm cho cơ thể bị mất nước và thường gây cảm giác nôn nao, khó chịu. Vậy bạn hãy uống một cốc nước thật to trước khi bước vào một bữa tiệc, việc này sẽ hạn chế tác dụng của rượu.

Khoai tây: Bạn cũng có thể ăn khoai tây nghiền trước khi uống, nó giúp bạn đỡ say hơn nhiều. Nếu ăn kèm khoai với bơ sẽ khiến bạn bớt nôn nao vì trong bơ có chất béo chống say rượu.

Trứng: Trứng chứa một số axit amin thiết yếu có thể giúp phá vỡ các độc tố có trong rượu. Ăn trứng bạn luôn no lâu và như thế sẽ ‘làm nền’ rất tốt cho việc uống rượu...

Sữa: Sữa được xem là thực phẩm chống say tốt, nó có khả năng hạn chế rượu hấp thụ vào máu. Uống một ly sữa trước khi uống rượu chắc chắn sẽ cho bạn một cảm giác dễ chịu, làm giảm cảm giác nôn nao, say rượu.

Nước rau ép: Nước ép từ các loại rau xanh như rau bina, bạc hà... có tác dụng ngăn cản rượu, khử nước trong cơ thể và cung cấp cho bạn các chất điện giải cần thiết.

Ăn nhẹ: Nếu có thời gian, nên ăn nhẹ một bữa trước khi uống rượu. Một ít thức ăn lót dạ sẽ khiến cho dạ dày không bị trống và không bị say xỉn, nôn nao khi uống rượu. (Lao động, trang 5).

 

Mở sọ, cứu em bé mang khối bướu vô cùng hiếm gặp

Trong những ngày tết cận kề, các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM vừa tiến hành ca mổ khó cho một bé gái chỉ mới 20 ngày tuổi mang khối bướu quái vùng cổ lan lên nội sọ. Đây là một loại bướu vô cùng hiếm, từ trước đến nay, y văn thế giới chỉ mới ghi nhận một trường hợp tương tự ở Mỹ.

BS Phan Minh Trí, Khoa Ngoại  tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, bé gái (ngụ ở TPHCM) được đưa tới bệnh viện vào tuần trước. Thời điểm nhập viện, bé chỉ tròn 20 ngày tuổi và nặng 3,5kg. Em bé nhập viện trong tình trạng có một khối bướu ngay góc hàm bên trái.

Qua chẩn đoán hình ảnh, khối bướu nằm từ góc hàm nhưng lan lên vùng nội sọ. Nếu không được phẫu thuật sớm, em bé có thể tử vong vì nguy cơ khối bướu chèn ép đường thở gây suy hô hấp hoặc chèn ép đường ăn. Mặt khác, vùng bướu lan lên nội sọ có thể tăng sinh, gây chèn ép vào phần não còn lại.

BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, ban đầu, các bác sĩ thống nhất sẽ phối hợp 2 ê-kip  gồm bác sĩ chuyên khoa ung bướu sơ sinh và ngoại thần kinh. Bác sĩ khoa ung bướu sẽ lấy phần bướu dưới cổ trước, sau đó, bác sĩ khoa ngoại thần kinh sẽ mở sọ, lấy khối bướu vùng nội sọ. Tuy nhiên, bước vào phòng mổ, nhận thấy khối bướu quá lớn và dính nhiều dây thần kinh, do vậy 2 ê-kip đã vào phòng mổ cùng một lúc và hỗ trợ nhau. Sau 7 tiếng đồng hồ khối bướu cũng được lấy ra một cách trọn vẹn. Khối bướu được lấy ra bao gồm cả phần nhân đặc, phần dịch xung quanh. Đặc biệt, khối bướu còn chứa cả tóc, xương, răng lẫn lộn.

Sau phẫu thuật, em bé đã có những dấu hiệu hồi phục sức khỏe rất tốt  và đã tự thở được. Nếu ổn, các bác sĩ sẽ rút ống nội khí quản để bé tự thở. Những biến chứng mà bác sĩ lo lắng cũng không xảy ra. Bé sẽ không phải can thiệp gì thêm trong tương lai.

BS Đào Trung Hiếu cho biết thêm, từ trước đến nay, bướu quái thường gặp ở cơ quan sinh dục. Bé nữ thường gặp ở buồng trứng, bé nam thường ở tinh hoàn. Bướu quái tại vị trí xương cùng cụt và vùng trung thất ít gặp hơn. Bướu quái vùng cổ và vùng nội sọ là rất ít gặp. Em bé này mang một khối bướu quái vùng cổ lan lên nội sọ là trường hợp vô cùng hiếm gặp. Từ trước đến nay, y văn thế giới chỉ mới ghi nhận 1 ca tương tự vào năm 2004 ở Mỹ.  (Lao động, trang 5).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang