Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 22/4/2020

  • |
T5g.org.vn - Giãn cách xã hội: Nới lỏng nhưng phải kiểm soát; Bí thư Thành ủy TPHCM: Kiểm soát dòng người vào TPHCM để chung sống an toàn với Covid-19; ...

 

Giãn cách xã hội: Nới lỏng nhưng phải kiểm soát

Việt Nam đã 5 ngày không ghi nhận ca mắc mới. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, khôi phục các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và còn kéo dài, có hiện tượng tái nhiễm các ca dương tính khỏi bệnh và chưa thể khẳng định sự lây lan trong cộng đồng đã hết, vì vậy, người dân cần phải đề phòng tránh lây nhiễm.

Tránh chủ quan coi thường 

Trong 5 ngày qua, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới. Trong số 268 ca nhiễm, 188 ca đã khỏi bệnh, hiện nay còn 53 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại 9 cơ sở y tế, trong đó  14 ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 7 ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính. 

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 chiều 20/4, Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận tình hình dịch bệnh có chuyển biến tốt hơn, cần phải nới lỏng từng bước nhưng phải có kiểm soát đúng mức để không có tình trạng chủ quan, coi thường mà dịch bệnh có thể quay lại.

Thủ tướng lưu ý, khả khả năng lây nhiễm vẫn còn cao, tất cả các địa phương, hệ thống chính trị cũng như người dân vẫn phải tiếp tục kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch là phát hiện, ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả. 

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội đã 7 ngày không phát hiện ca nhiễm mới thì có thể sẽ hạ mức cảnh báo. Nhưng chắc chắn sẽ không bỏ hoàn toàn giãn cách xã hội mà sẽ được tiến hành từ từ. Ông Chung nhắc tới bài học chống dịch ở Hokkaido (Nhật Bản) cách ly giống Việt Nam vào tháng 1-2, sau đó ngừng giãn cách xã hội và cho sinh hoạt  bình thường, cách đây 1 tuần thì phải phong tỏa chặt trở lại. 

Không có triệu chứng và dương tính trở lại là mối nguy

Hiện các nhà khoa học đang rất lo ngại về tình trạng không có triệu chứng và dương tính trở lại của bệnh nhân Covid – 19. Như trường hợp bệnh nhân số 22 quốc tịch Anh, khi ra viện tại Đà Nẵng thì âm tính, vào TPHCM dương tính, rồi về đến Anh lại âm tính. Hay bệnh nhân 188 điều trị ở Hà Nam khi ra viện thì âm tính, về nhà ở Chương Mỹ mấy ngày lại dương tính, vào lại viện 2 ngày thì âm tính. 

PGS.TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, Hàn Quốc đã có báo cáo ghi nhận tới hơn 100 ca tái nhiễm Covid-19 sau khi được công bố khỏi bệnh. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hàn Quốc (KCDC) đang điều tra thêm sự việc này bằng cách chạy các xét nghiệm khác. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đang tìm hiểu thêm trước khi đưa ra câu trả lời chắc chắn. Tuy nhiên, điều tra ban đầu cho thấy, có thể do có  sự hoạt động trở lại của lượng virus còn tồn đọng trong cơ thể bệnh nhân khi hệ miễn dịch chưa phát triển đủ mạnh hoặc yếu đi sau hồi phục thì virus kích hoạt trở lại; Hoặc cũng có thể, loại virus mới này có khả năng tồn tại trong trạng thái "ngủ" trước khi được kích hoạt trở lại...

Điều đáng lo ngại là một loạt nghiên cứu mới cho thấy có nhiều người nhiễm SARS-CoV-2 song không có triệu chứng. Nghiên cứu của Mỹ cho thấy, 25% số người nhiễm mới có thể không có triệu chứng nào, còn trong số quân nhân Mỹ con số này rất cao – lên tới 60-70%.

 PGS.TS Trần Đắc Phu cảnh báo, việc không ghi nhận ca mắc mới là tín hiệu khả quan nhưng khó dự đoán, không thể khẳng định sự lây lan trong cộng đồng đã hết. Trong thời gian qua, chúng ta đã thành công trong việc ngăn chặn dịch ở nước ngoài nhập vào Việt Nam và các ổ dịch lớn. Nhờ phát hiện và cách ly tất cả trường hợp nhập cảnh và những người ở trong ổ dịch nên những những ngày gần đây không ghi nhận ca mắc mới. Đó là những tín hiệu khả quan. Thực tế, các nước không giãn cách xã hội dịch đã bùng phát mạnh.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Phu, người dân không được chủ quan vì tình hình diễn biến rất phức tạp. Ở các ổ dịch, khi phong tỏa thực hiện mọi biện pháp chống dịch cách ly người mang mầm bệnh với người lành 100%. Nhưng trên quy mô một tỉnh, thành phố, cả nước, để cắt đứt sự lây lan 100% là rất khó. Chưa thể nói sự lây lan trong cộng đồng hết hay chưa. Hơn nữa, trên thế giới  dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và còn kéo dài. Việt Nam cũng xác định phải ứng phó lâu dài, không được lơ là, chủ quan, phải làm quyết liệt, đặc biệt là ý thức tham gia của mỗi người dân.

Quan trọng nhất hiện nay là làm sao hạn chế thấp nhất sự lây lan trong cộng đồng. Trong thời gian tới, có thể có những ổ dịch nhỏ xảy ra, phải kiểm soát không để đốm lửa bùng phát thành đám cháy lớn. Vì vậy, dù lệnh cách ly được dỡ bỏ, người dân vẫn cần thực hiện triệt để các biện phòng ngừa để tránh lây nhiễm.

Nhiều ý kiến cho rằng sắp tới khi thời tiết chuyển sang hè, nắng nóng sẽ là yếu tố thuận lợi cho dịch Covid-19 lui ở Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu kể cả thời tiết thuận lợi, dịch vẫn bùng phát nếu người dân không tuân thủ các biện pháp phòng bệnh được khuyến cáo như giãn cách xã hội, giữ khoảng cách tiếp xúc 2m, đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng... (Khoa học & đời sống, trang 3).

 

Bí thư Thành ủy TPHCM: Kiểm soát dòng người vào TPHCM để chung sống an toàn với Covid-19

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu Sở Y tế xây dựng phương án kiểm soát được dòng người vào TPHCM, gồm cả khách du lịch nước ngoài để chung sống an toàn với dịch Covid-19.

Sáng 21-4, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, dẫn đầu đoàn lãnh đạo TPHCM đến thăm, động viên đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện (BV) Thống Nhất (ở quận Tân Bình, TPHCM) vì có nhiều nỗ lực, sáng kiến trong phòng, chống dịch Covid-19.

Bệnh viện làm khẩu trang, máy sát khuẩn chống Covid-19

Báo cáo với đoàn, PGS-TS Lê Đình Thanh, Giám đốc BV Thống Nhất thông tin, trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, BV thực hiện theo phương châm không để dịch xảy ra tại BV nhưng vẫn đảm bảo duy trì công tác chuyên môn trong điều trị, chăm sóc sức khỏe của cán bộ và người dân. Vì vậy, ngay từ đầu, BV xây dựng và thực hiện phương án phân luồng, giãn cách, phát hiện, cách ly, khử khuẩn và giám sát các quy trình chuyên môn.

Cụ thể, trong thực hiện phòng, chống dịch, BV bố trí lối đi riêng giữa nhân viên trong bệnh viện với bệnh nhân, bố trí máy tầm nhiệm giám sát tất cả những người vào BV. Đồng thời, BV thực hiện kê khai y tế từ sớm, từ đó phân loại bệnh nhân có sốt hay không sốt. Trường hợp có người sốt thì đưa ngay vào một phòng riêng với đầy đủ trang thiết bị.

BV cũng thực hiện các biện pháp giãn cách, hạn chế tối đa khám dịch vụ, giảm các hoạt động không cần thiết và mở rộng khám bệnh tại nhà.

“Từ giữa tháng 3-2020, BV được phép lấy mẫu, xét nghiệm và tầm soát xác định người mắc Covid-19”, PGS-TS Lê Đình Thanh thông tin và cho biết. Hoạt động tầm soát này không làm dịch vụ, chỉ làm nhiệm vụ công ích.

Theo PGS-TS Lê Đình Thanh, BV Thống Nhất là đơn vị đặc biệt, vừa điều trị bệnh cho người dân, vừa chăm sóc sức khỏe cán bộ, cho nên, BV phải xây dựng phương án cho nhiều tình huống.

Trong đó, BV Thống Nhất có phương án phối hợp với BV 175 xây dựng khu cách ly phục vụ cán bộ cao cấp, đồng thời xây dựng khu cách ly chung của BV và bố trí khu dự phòng trong trường hợp xảy ra dịch lớn.

Đặc biệt, trong phòng, chống dịch Covid-19, đội ngũ cán bộ, nhân viên BV có nhiều giải pháp, sáng kiến hiệu quả, như tổ chức thực hiện tầm nhiệt từ xa. Ngoài ra, BV tham khảo máy rửa tay tự động rồi mua thiết bị để sản xuất thành máy rửa tay sát khuẩn tự động và cung cấp cho nhiều cơ quan, đơn vị. Trong đó, BV Thống Nhất đã cung cấp miễn phí 60 máy rửa tay tự động nhanh cho BV Bạch Mai (Hà Nội).

Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, nhu cầu sử dụng khẩu trang tăng cao gây ra tình trạng khan hiếm khẩu trang. Trước thực tế này, bác sĩ Nguyễn Vĩnh Phước, Trưởng khoa Tai Mũi Họng của BV tự chế tạo máy sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn. BS Nguyễn Vĩnh Phước cũng tự mày mò tìm hiểu, nghiên cứu mẫu mã cũng như cách cắt may, sản xuất khẩu trang kháng khuẩn với thời gian tiết kiệm nhất. Sau khi lên ý tưởng, bác sĩ Nguyễn Vĩnh Phước kết hợp với các bác sĩ tại Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn sản xuất khẩu trang, với công suất từ 2.500-3.000 khẩu trang/ngày.

Đồng thời, BV cũng tham khảo sáng kiến của các nước và làm “tai giả” để khi đeo khẩu trang trong thời gian lâu, tai người đeo không bị đau; tự làm kính chống giọt bắn…

PGS-TS Lê Đình Thanh khẳng định, trong thời gian qua, BV Thống Nhất đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, đồng thời duy trì tốt các hoạt động chuyên môn.

“BV đang triển khai các kế hoạch cụ thể để đưa các hoạt động của BV trở lại bình thường”, PGS-TS Lê Đình Thanh nhấn mạnh và khẳng định, trong giai đoạn “chung sống với Covid-19”, BV phải thực hiện nghiêm túc các quy tắc an toàn để để dịch Covid-19 không lây lan.

Mở rộng xét nghiệm quả nhanh, chính xác cao

Trực tiếp thăm nơi sản xuất khẩu trang, nơi sản xuất máy rửa tay sát khuẩn tự động, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh và đánh giá cao những sáng kiến của BV Thống Nhất. Theo đó, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, BV còn thực hiện nhiều sáng kiến giải quyết những khó khăn hàng ngày, như may khẩu trang, sản xuất máy rửa tay sát khuẩn tự động. Các sản phẩm này không chỉ phục vụ trực tiếp cho nhu cầu của BV mà còn chung cấp, hỗ trợ miễn phí cho nhiều cơ quan, đơn vị khác.

“Đội ngũ cán bộ y tế của chúng ta đã không quản ngại khó khăn, hy sinh và sáng tạo, thực hiện nhiều giải pháp thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Về hoạt động của BV, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận và đánh giá việc chủ động, sắp xếp lại hoạt động của BV Thống Nhất, đảm bảo BV không phải là nơi lây nhiễm Covid-19.

Đồng chí nhận xét, ngoại trừ có một số rất ít nhân viên y tế mắc Covid-19 (nhưng do lây nhiễm từ nơi khác, không phải xảy ra trong BV), các BV ở nước ta đều đảm bảo không lây nhiễm dịch Covid-19 trong BV. “Đây là điều rất hiếm trên thế giới”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Kết quả trên, cùng với việc ngăn ngừa, kéo giảm số người mắc, điều trị thành công các bệnh nhân và không để bệnh nhân nào tử vong đã góp phần vào kết quả rất trân trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta.

Trước thực tế BV Thống Nhất chưa có phòng điều trị áp lực âm, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các đơn vị liên quan tìm kiếm nguồn tài trợ đầu tư bổ sung, nâng cấp khả năng, năng lực ứng phó, điều trị của BV có chiều sâu, đạt hiệu quả cao.

Trân trọng những nỗ lực BV Thống Nhất, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ, đây là BV Trung ương nhưng luôn gắn bó, chia sẻ với TPHCM trong nhiều năm qua. Trong đợt dịch Covid-19, BV Thống Nhất là một điểm sáng và là chỗ dựa quan trọng đối với TPHCM.

Đồng chí cũng mong muốn tập thể BV Thống Nhất nói riêng cũng như toàn thể đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế của TPHCM có nhiều sức khỏe, tiếp tục tự hào về nghề và tiếp tục cống hiến, góp phần đảm bảo sức khỏe của người dân.

Trong đó, tại TPHCM đã có kế hoạch chuẩn bị lực lượng, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn về xử lý bệnh truyền nhiễm để không gây quá tải cho các y bác sĩ trong điều trị bệnh Covid-19 khi có dịch bệnh xảy ra. Mặt khác, TPHCM cũng luôn chuẩn bị đầy đủ có sở cách ly. Qua đó, khi phát hiện một trường hợp mắc Covid-19 thì tất cả những người liên quan, bao gồm từ F1 đến F2 và F3 đều được cách ly.

Về tình hình dịch bệnh trong cả nước, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nước ta đã qua giai đoạn giảm dần số người mắc, giảm dần nguy cơ lây nhiễm trong nội bộ.

Ngoài ra, tỷ lệ mắc Covid-19 ở nước ta rất thấp, hiện chưa đến 3 người/1 triệu dân. Đây là chỉ số rất quan trọng, tạo thêm uy tín trong thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

“Nước ta đã cơ bản thành công giảm tối thiểu người lây nhiễm trong nước”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá và cho biết, đây là kết quả rất quan trọng để chuyển sang giai đoạn bình thường mới.

Tuy nhiên, khi đất nước mở cửa trở lại sẽ phát sinh nguy cơ lây lan dịch bệnh, nhất là người từ nước ngoài vào. Điều này đặt ra yêu cầu về thực hiện các biện pháp ngăn ngừa và giảm thiểu các nguy cơ lây nhiễm.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, khi cuộc sống trở lại bình thường thì việc giám sát, phát hiện người có nguy cơ (mang mầm bệnh - PV) vào TPHCM có ngày lên đến cả chục ngàn người, là rất quan trọng. Vì vậy, đồng chí lưu ý Sở Y tế xây dựng phương án kiểm soát dòng người vào TPHCM, trong đó có cả khách du lịch nước ngoài. Đây là một thách thức rất lớn, nhưng phải kiểm soát được để chung sống an toàn với dịch bệnh.

Đồng chí cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc mở rộng hệ thống xét nghiệm cho kết quả nhanh với độ chính xác cao. Do đó, Sở Y tế TPHCM cần phối hợp với Bộ Y tế chủ động phát triển thiết bị xét nghiệm này, vừa đáp ứng cho nhu cầu của 10 triệu dân TPHCM, cho khu vực phía Nam cũng như cả nước. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

TP.HCM: 5 nỗ lực lớn trong phòng, chống covid-19

16 ngày TP.HCM không có ca nhiễm mới kể từ thời điểm bắt đầu triển khai cách ly xã hội, đến thời điểm này chỉ còn năm người phải điều trị COVID-19. Tín hiệu vui đó cho thấy TP đang kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh và có hiệu quả rõ rệt từ việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Đó cũng là những nỗ lực không mệt mỏi suốt ba tháng liền của cả hệ thống chính trị và người dân TP trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Để có kết quả đó, ngoài sự đồng lòng của người dân thì những quyết sách mang tính tiên phong của của chính quyền mang tính quyết định cho thành công bước đầu này.

Địa phương đầu tiên đóng cửa nhà hành. Quán bar

Ngày 27-3, Thủ tướng có Chỉ thị 15 về việc thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 và tiếp đến là Chỉ thị 16 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách... cả nước thực sự bước vào cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, trước khi có Chỉ thị 15, TP.HCM đã có những biện pháp quyết liệt cho cuộc chiến này.

18 giờ ngày 15-3, một quán game online trên đường số 18 (phường Phước Bình, quận 9) vắng ngắt, bên ngoài dán một thông báo “Quán tạm ngừng hoạt động đến hết ngày 31-3”. Không chỉ vậy, tất cả quán bar, rạp chiếu phim, điểm massage, karaoke, vũ trường... trên địa bàn TP.HCM đều ngừng hoạt động từ 18 giờ ngày 15-3 theo văn bản chỉ đạo của UBND TP để chống dịch COVID-19.

Đúng 10 ngày sau (25-3), UBND TP tiếp tục ra văn bản quyết định tạm ngừng hoạt động toàn bộ các khu vui chơi giải trí, nhà hàng, quán beer club, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (công suất phục vụ 30 người trở lên).

Việc tạm dừng này còn áp dụng đối với câu lạc bộ bida, phòng tập thể hình (gym), cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc… đến hết tháng 3. Cũng từ đây các quán ăn, tiệm cà phê… trên các tuyến phố, ngõ hẻm bắt đầu xuất hiện dòng chữ “Chỉ bán mang về”.

Trong một cuộc họp, nói về việc tạm ngừng trên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu: Người dân buộc phải có “hai tuần sống khác” vì “nếu bỏ lỡ thời cơ vàng này là không thể làm lại và có lỗi với lịch sử”. Cũng tại đây, ông đề nghị các cơ quan liên quan cần có những giải pháp đặc biệt mang tính quyết định để góp phần giữ cho đất nước không rơi vào tình trạng bùng phát dịch.

Bí thư Thành ủy nói rằng: “Tinh thần là chúng ta còn hai tuần nữa, ráng chịu cực hơn để sau sướng hơn. Nếu hai tuần tới mà vẫn sống như bình thường thì sau đó đất nước này sẽ khó khăn vô vàn”. Tóc ai chưa dài lắm thì khỏi đi cắt, giày chưa hư cũng đừng đi mua, làm móng tay hay mua quần áo... nếu chưa thật cần thiết thì hoãn lại và ở nhà để giữ cho mình an toàn.

Cũng sau một tuần thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, TP.HCM có sáu ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới. Người dân bắt đầu có tâm lý chủ quan, lơ là. Chính vì điều này, ngày 9-4, UBND TP đã có văn bản khẩn về tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 16. Trong đó, yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, quận, huyện, chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP nếu thực hiện không nghiêm chỉ thị.

Cùng với đó, chính quyền TP tiếp tục yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, hạn chế tối đa ra đường nếu không cần thiết...

Có thể thấy TP.HCM đã tạm dừng các hoạt động tập trung đông người trước các địa phương trong cả nước 10 ngày, điều này góp phần vào việc kiểm soát được dịch.

Ban hành bộ chỉ số rủi ro lây nhiễm

Trong những ngày chống dịch, hầu như tối nào Ban chỉ đạo cũng họp, có tối họp đến ba cuộc để ra các quyết sách.

Đặc biệt, trong cuộc họp vào tối 30-3, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tính đến chuyện tạm dừng hoạt động sản xuất tại nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn bằng bộ tiêu chí đánh giá để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch.

Sau đó, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cùng đoàn công tác kiểm tra công tác ứng phó phòng, chống dịch tại Khu chế xuất Tân Thuận (56.000 lao động Việt Nam và 585 lao động nước ngoài) và một số cơ sở khác. Sau khi kiểm tra nơi làm việc, phòng ăn... của công nhân, ông chỉ ra những điểm chưa yên tâm về việc phòng, chống dịch và yêu cầu khắc phục.

“Bảo vệ sức khỏe của công nhân là bảo vệ sản xuất. Nếu để một công nhân nhiễm bệnh là cả khu vực sản xuất lập tức bị ảnh hưởng, ảnh hưởng lớn đến dây chuyền sản xuất” - ông Phong nói.

Sau cuộc thị sát, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TP.HCM đã ban hành bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại doanh nghiệp (DN) trên địa bàn gồm 10 chỉ số thành phần. Trong đó nêu rõ: Nếu DN có chỉ số rủi ro lây nhiễm 80%-100% thì ngừng sản xuất, còn dưới 80% các DN được hoạt động nhưng phải có giải pháp giảm rủi ro...

Dựa vào bộ chỉ số này mà UBND TP có căn cứ yêu cầu Công ty TNHH PouYuen Việt Nam ở quận Bình Tân tạm đình chỉ hoạt động sản xuất trong hai ngày 14 và 15-4 để khắc phục.

Cũng từ bộ chỉ số rủi ro lây nhiễm tại DN mang tính tiên phong này, các quận, huyện có căn cứ để rà soát, chấm điểm các DN nhằm đảm bảo an toàn cho công nhân...

Có thể khẳng định TP.HCM là địa phương tiên phong trong việc lập ra bộ chỉ số rủi ro lây nhiễm tại DN, bởi lãnh đạo TP biết rõ nếu phát sinh một ca nhiễm ở một số khu vực đông công nhân hay trong khu công nghiệp thì hậu quả không lường trước được.

Chủ động nguồn khẩu trang, lập 62 chốt kiểm soát dịch

Đêm 3-4, sau khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã họp với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và ông chỉ đạo triển khai ngay 62 chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn.

Theo đó, sẽ có 16 chốt trạm chính và 46 chốt trạm phụ được bố trí tại các cửa ngõ, bến tàu, bến xe, nhà ga nơi tiếp nhận các phương tiện giao thông ra vào TP. Mục đích của việc lập các chốt, trạm này này là để kiểm soát thật chặt chẽ việc chấp hành các quy định đúng theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng cũng như của ngành y tế về phòng, chống dịch.

Ngày 5-4, tất cả chốt trạm kiểm soát dịch bệnh đã đồng loạt hoạt động và kiểm tra y tế hàng trăm ngàn lượt người di chuyển giữa các tỉnh, thành khác về TP.HCM.

Việc lập các chốt kiểm soát này như lãnh đạo TP và Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Từ Lương đã khẳng định: Không có chuyện “ngăn sông cấm chợ”, TP chỉ thông qua các chốt trạm này để kiểm soát, đo thân nhiệt người dân đi lại, di chuyển giữa các tỉnh, thành khác về TP.HCM.

Còn trước đó, trong cuộc họp đầu tháng 2-2020, ông Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị các cơ quan liên quan phải dự báo nhu cầu khẩu trang cho người dân, có giải pháp để đáp ứng nhu cầu này. Song song đó, ông giao chủ tịch UBND TP ra chỉ thị về việc chế tài người ra đường không đeo khẩu trang.

Sau chỉ đạo này, bằng nhiều biện pháp, TP.HCM đã giải quyết được bài toán về khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn cho người dân trên địa bàn. Đến ngày 26-3, chủ tịch UBND TP có chỉ thị về việc đeo khẩu trang và đã xử phạt hàng ngàn trường hợp vi phạm quy định này. Đồng thời, Sở Tư pháp TP.HCM cũng có hướng dẫn quy định xử phạt các trường hợp không tuân thủ quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Tính đến ngày 15-4, sau hơn nửa tháng thực hiện chỉ thị, TP.HCM đã xử phạt hơn 5.000 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Hỗ trợ người cao tuổi, người lao động mất việc làm

Ngày 1-4, Sở Y tế TP.HCM đã có hướng dẫn các đơn vị khám và cấp phát thuốc tại nhà cho người cao tuổi trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp. Đây là một trong những giải pháp của TP để hạn chế số lượng người bệnh tập trung tại các bệnh viện, đặc biệt là người cao tuổi…

TP.HCM cũng là địa phương đầu tiên có chính sách hỗ trợ cho hơn 600.000 người lao động mất việc làm do ảnh hưởng của dịch. Cán bộ, công chức đã giảm một nửa phần thu nhập tăng thêm năm 2020 để hỗ trợ người lao động mất việc làm, không có thu nhập.

Theo đó, tại kỳ họp bất thường ngày 27-3, HĐND TP đã thông qua việc chi 2.753 tỉ đồng phục vụ công tác chống dịch COVID-19, trong đó dùng 1.800 tỉ đồng để hỗ trợ người lao động mất việc với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. TP cũng đã quyết định hỗ trợ 750.000 đồng/người cho gần 12.000 người bán vé số để họ vượt qua khó khăn trong lúc xổ số kiến thiết tạm nghỉ 15 ngày.

Còn rất nhiều nỗ lực mang tính tiên phong của TP.HCM để kiểm soát tình hình dịch bệnh như cuối tháng 2, trong khi các tỉnh, thành rục rịch có kế hoạch cho học sinh trở lại trường thì TP.HCM có văn bản kiến nghị Chính phủ cho học sinh cả nước nghỉ hết tháng 3.

Ngoài ra, TP.HCM cũng chuẩn bị 24.000 giường cách ly, 1.000 giường điều trị COVID-19, gần 40.000 nhân viên y tế sẵn sàng nhiệm vụ; chuẩn bị để tăng cường hệ thống xét nghiệm lên 5.000 mẫu/ngày...

Tất cả nỗ lực trên đã giúp TP bước đầu kiểm soát được dịch bệnh, góp phần vào thành công chung của cả nước...

 

Xây dựng bộ tiêu chí an toàn để “chung sống với bệnh”

Suốt ba tháng qua toàn TP đã dốc sức cho công tác chống dịch nên giờ là lúc tập trung đẩy sức bật cho nền kinh tế - xã hội TP phát triển. Điều cần suy nghĩ lúc này là phải làm thế nào để đưa các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân trở lại trạng thái bình thường nhưng không lơ là trong việc phòng dịch?

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, TP cần có lộ trình để mở rộng quy mô các hoạt động đời sống, xã hội, dịch vụ; ít nhất trong vòng ba tháng (từ tháng 5 đến tháng 7-2020) quy mô được tăng dần lên và trở lại như cũ.

Còn về sản xuất, kinh doanh, từ đây đến tháng 5 TP cần tập trung ưu tiên triển khai các chính sách Chính phủ hỗ trợ cho DN (đã có hiệu lực từ tháng 4-2020). Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí sản xuất, kinh doanh an toàn để không phát dịch bệnh.

Đối với các chợ, siêu thị, nhà hàng, khách sạn… cũng cần có quy định để vừa chống dịch vừa phải duy trì đời sống bình thường. Cần có quy định về đeo khẩu trang với tài xế vận tải, taxi, cho người dân ở các hoạt động tập trung, quy định về khoảng cách an toàn… Hay như trường học cũng phải chuẩn bị thật tốt và có tiêu chí an toàn để dự kiến giữa tháng 5 có thể cho học sinh đi học trở lại.

TP.HCM đã tính toán, lên kế hoạch hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá rủi ro lây nhiễm dịch COVID-19 cho từng lĩnh vực, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 4-2020. TP.HCM sẽ bước vào giai đoạn mới “chung sống với bệnh truyền nhiễm nhưng không có dịch” để yên tâm hơn khi tiếp tục đi làm, tiếp tục sản xuất mà vẫn đảm bảo an toàn. (Pháp luật TPHCM, ngày 21/4, trang 5).

 

Bệnh viện dã chiến Củ Chi có lúc lo vỡ trận

Bệnh viện (BV) dã chiến Củ Chi được UBND TP.HCM đầu tư trong khuôn viên Trường Quân sự TP.HCM Cơ sở 2 nhằm cách ly, phát hiện và điều trị cho bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19. Từ ngày 1-4, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, BV có 120 y, bác sĩ, điều dưỡng trực chiến tại chỗ trong cuộc chiến với dịch COVID-19.

Một trong ba điểm chuyên trị COVID-19

BV dã chiến (huyện Củ Chi) là một trong ba BV chuyên điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại TP.HCM cùng với BV Bệnh nhiệt đới và BV điều trị COVID-19 ở huyện Cần Giờ. Mô hình BV dã chiến này lần đầu được triển khai tại TP.HCM, đây được xem là nỗ lực chống dịch của ngành y tế TP, trong vòng một tuần thành lập từ một trường huấn luyện quân sự, BV đã sẵn sàng nhận bệnh nhân.

Theo BS-CK2 Nguyễn Thành Dũng, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, được phân công giữ chức vụ giám đốc BV dã chiến, trong thời gian đầu, BV luôn nhận được sự trực tiếp chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TP.HCM. Những văn bản, chỉ đạo mỗi ngày của ban chỉ đạo đã mang lại hiệu quả và sát sao với tình hình hoạt động tại BV. Không chỉ định hướng hoạt động từ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TP.HCM, ba BV điều trị COVID-19 còn thường xuyên phải tham dự họp trực tuyến với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Bộ Y tế bất kể trong hay ngoài giờ hành chính để cập nhật ngay tình hình dịch và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch.

Vượt qua khó khăn

Từ chỗ gặp khó khăn khi cơ sở điều trị mới thành lập với trang thiết bị còn thiếu, BV đã kịp thời nhận được sự hỗ trợ của ngành y tế TP.HCM. Trong đó, BV Ung bướu hỗ trợ 260 giường bệnh mới, hiện đại, BV quận Thủ Đức với xe siêu âm di động, máy X-quang kỹ thuật số, BV Củ Chi với máy sinh hóa, huyết học, năm máy thở và nhiều trang thiết bị khác của các BV trong TP... Thông qua các tổ chức Mặt trận Tổ quốc, nhiều mạnh thường quân đã hỗ trợ năm máy monitor theo dõi chức năng sinh tồn cho bệnh nhân, 10 phòng áp lực âm, đồ phòng hộ, khẩu trang N95… nhằm tối ưu hóa cho công tác điều trị.

BS Dũng chia sẻ: Không ít bệnh nhân nhập bệnh viện dã chiến là người lớn tuổi, có bệnh nền mạn tính như đái tháo đường, cao huyết áp…, hoặc viêm phổi phải điều trị kháng sinh chích... May mắn, các bệnh nhân đều đáp ứng tốt với điều trị, không có bệnh nhân nặng phải thở máy.

Các thành viên của ba bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 thường xuyên trao đổi chuyên môn, hội chẩn qua một nhóm chát online trên điện thoại, đặc biệt là các bệnh nhân có triệu chứng rầm rộ, diễn tiến nặng ngay trong thời gian đầu nhập viện như bệnh nhân số 91.

“Tất cả đều nhắc nhau không được chủ quan và cố gắng kiểm soát tình trạng của bệnh nhân vì đây là loại virus mới, có khả năng đến 20% bệnh nặng, trong đó 2,5% bệnh rất nặng và dẫn đến tử vong. Đây cũng là dịp giúp cho đội ngũ điều trị có thêm kiến thức, tương lai có thể còn gặp những trường hợp tiếp theo. Hiện tại, trên thế giới tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, Việt Nam sắp tới sẽ tiếp tục đón nhận kiều bào về nước, do đó mặc dù bệnh nhân giảm nhưng thời gian này chúng tôi vẫn tiếp tục tập huấn, cập nhật kiến thức phòng, chống dịch bệnh, chuẩn bị thuốc men, trang thiết bị, vật tư y tế, phòng ốc... trên tinh thần sẵn sàng ứng phó mọi tình huống”, ông nói.

Cứu được nhiều người

Trung tuần tháng 3, lượng Việt kiều về nước rất đông, lên tới cả ngàn người mỗi ngày, đó cũng là thời điểm dịch bệnh ở vào giai đoạn căng thẳng khi cao điểm BV dã chiến phải tiếp nhận dồn dập hơn 10 bệnh nhân mỗi ngày.

“Chúng tôi cũng mang tâm lý lo lắng, căng thẳng không kém, sợ rằng bệnh nhân đông sẽ gây vỡ trận, vượt tầm kiểm soát như đã xảy ra ở các nước châu Âu...” - BS Dũng chia sẻ.

BS Dũng nhận định để có được thành quả kể trên, ngoài điều trị là giải quyết hậu quả, điều trị cho số người đã mắc bệnh thì mảng dự phòng đóng vai trò quyết định trong việc kiểm soát dịch bệnh, khống chế lây lan, cụ thể ở TP.HCM là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM và Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM. Mặc dù ban đầu có thể sự phối hợp còn chưa tốt và chưa được nhuần nhuyễn nhưng càng về sau, các cơ quan này phát huy vai trò sàng lọc, phát hiện người bệnh rất hiệu quả. Chính điều này đã giúp cho dịch bệnh ít có cơ hội lây lan ra cộng đồng và giảm số lượng ca mắc, giúp cho khối điều trị đỡ gánh nặng, yên tâm dốc sức điều trị cho bệnh nhân. Ngoài ra, cũng phải kể đến sự phối hợp của các cơ quan công an, UBND các cấp, các tổ chức chính trị xã hội... đã phối hợp sàng lọc, tuyên truyền, phối hợp cách ly người có nguy cơ mắc bệnh.

Thời gian vừa qua, BV đã tiếp nhận và điều trị cho 36 bệnh nhân, một bệnh nhân được chuyển BV Bệnh nhiệt đới. Đây là nơi tiếp nhận số lượng bệnh nhân nhiều thứ hai trên cả nước sau BV Bệnh nhiệt đới trung ương. BV đã điều trị khỏi bệnh cho 31 bệnh nhân và hiện chỉ còn bốn bệnh nhân đang điều trị. (Pháp luật TPHCM, ngày 21/4, trang 3.).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang