Một người Sri Lanka dương tính COVID-19 sau khi về nước
Chiều tối 21-9, UBND TP.HCM tổ chức họp giao ban trực tuyến công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch UBND quận 7, cho biết trên địa bàn ghi nhận một nam bệnh nhân 22 tuổi người Sri Lanka bị dương tính Covid -19 sau khi rời khỏi Việt Nam. Ngay khi có kết quả xét nghiệm COVID-19 đối với bệnh nhân này, cơ quan chức năng Sri Lanka đã thông báo cho Việt Nam.
Sau đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM phối hợp UBND quận 7 xử lý, khoanh vùng những điểm nguy cơ cao. Cơ quan y tế khử khuẩn khu vực bệnh nhân đã ở trong vòng 28 ngày trước khi rời Việt Nam.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng xác định tổng cộng 15 trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân nên đã lấy mẫu xét nghiệm và ghi nhận tất cả âm tính COVID-19. Riêng 1 người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân được thực hiện cách ly tập trung tại quận 7.
Ngoài ra, 11 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân trong thời gian lưu trú ở khách sạn trên địa bàn quận 7 (gồm 9 khách và 2 nhân viên khách sạn) cũng được cách ly ngay tại khách sạn.
“TP.HCM kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19. Suốt 52 ngày qua, TP không phát sinh ca bệnh ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, dân TP.HCM không được chủ quan, lơ là trong hoạt động phòng chống dịch COVID-19” - ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nói. (Pháp luật TP. HCM , trang 2).
Trạm trưởng y tế làm khống giấy khám sức khỏe
Trạm trưởng y tế phường ở Hải Phòng ký giấy khám sức khỏe khống bị khởi tố, bắt giam về tội làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức.
Ngày 21-9, Công an TP Hải Phòng cho biết Cơ quan CSĐT Công an quận Lê Chân đã khởi tố, bắt giam Trần Thị Cẩm (49 tuổi, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Phù Liễn, quận Kiến An) và Trần Thị Thu Hà (30 tuổi, quận Lê Chân) để điều tra về tội làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức. Trước đó, ngày 7-9, Công an phường Hành Kênh phát hiện Trần Thị Thu Hà có hành vi bán giấy khám sức khoẻ cho người phụ nữ khác.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ ban đầu, Cơ quan CSĐT Công an quận Lê Chân đã vào cuộc xác định giấy khám sức khoẻ này có liên quan tới bà Trần Thị Cẩm, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Phù Liễn (quận Kiến An).
Công an quận Lê Chân đã thu giữ 12 tờ giấy khám sức khỏe được ký khống, đồng thời, khởi tố, bắt giam bà Trần Thị Cẩm và Trần Thị Thu Hà.
Công an xác định bà Cẩm có hành vi ký khống vào các tờ giấy chứng nhận sức khỏe. Còn Hà có hành vi mua bán các giấy chức nhận sức khỏe ký khống này cho những người có nhu cầu. (Pháp luật TP. HCM, trang 2).
Bé 12 tuổi bị ngã, que gỗ chọc xuyên vùng cổ được cứu sống
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La) đã phẫu thuật thành công cứu sống bệnh nhân bị que đâm vào vùng cổ gây tổn thương động mạch cảnh.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, vào hồi 19h ngày 20.9 Khoa cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La) tiếp nhận bệnh nhân nam C.V.T, 12 tuổi, có địa chỉ tại Púng Tra, Thuận Châu (Sơn La).
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng mất máu nặng do vết thương que chọc vùng cổ. Theo người nhà bệnh nhân kể lại, T trèo cây cao bị ngã xuống cây cà phê phía dưới, bị thân cây cà phê gãy chọc xuyên vùng cổ đã được sơ cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Châu và chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La tỉnh điều trị.
Nhận định đây là trường hợp nguy kịch, kíp trực đã tiến hành hồi sức tích cực, hội chẩn và chuyển thẳng bệnh nhân lên phòng mổ.
Kíp mổ do ThsBs. Lương Đức Hà- Trung tâm chấn thương cùng các bác sĩ gây mê đã tiến hành mổ cấp cứu cho bệnh nhân.
Các bác sĩ mở rộng vết mổ về hai phía vết thương, bóc tách đầu vào và ra của vết thương, rạch da mặt trước ngoài vùng cổ trái theo hướng của dị vật lấy dị vật (cây gỗ) ra khỏi vùng cổ bệnh nhân. Sau phẫu thuật sức khỏe của bệnh nhân ổn định. (Lao động, trang 5).
Khánh thành Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La hiện đại nhất Tây Bắc
Sáng 22-9, tại thành phố Sơn La, UBND tỉnh Sơn La tổ chức khánh thành Bệnh viện đa khoa Sơn La và gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025.
Đến dự khánh thành công trình có Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, Nguyễn Hữu Đông cùng các lãnh đạo của tỉnh, lãnh đạo ngành y tế Sơn La qua các thời kỳ và đông đảo bà con nhân dân khu vực phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La.
Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Sơn La phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Theo đó, công trình Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La được đầu tư tổng kinh phí 1.500 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ; giai đoạn 2017 – 2020, đầu tư 1.300 tỷ đồng, xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 13,95 ha tại phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La, với tổng diện tích xây dựng khoảng 76.588 m2, quy mô 550 giường bệnh.
Bệnh viện được đầu tư hiện đại, là bệnh viện lớn nhất khu vực Tây Bắc, có các khối chức năng chính, như: khoa cấp cứu, khám và điều trị ngoại trú; khu hành chính, kỹ thuật nghiệp vụ; khu điều trị nội trú; khoa truyền nhiễm; khoa y học hạt nhân; khoa dinh dưỡng, dịch vụ; khoa kiểm soát nhiễm khuẩn; nhà tang lễ và các hạng mục phụ trợ…
Phát biểu tại buổi lễ, Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, việc hoàn thành công trình Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp tục đổi mới và phát triển của ngành y tế Sơn La; trong đó, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh sẽ được nâng cao, khắc phục trình trạng quả tải, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc trên địa tỉnh Sơn La và các tỉnh lân cận cũng như nước Lào, xứng tầm với vị trí trung tâm của khu vực Tây Bắc. Đồng thời, tạo điều kiện tăng cường hiệu quả cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng, nâng cao năng lực quản lý và góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Định hướng phát triển bệnh viện thời gian tới, Quyền Bộ trưởng yêu cầu Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La triển khai xây dựng hệ thống khám chữa bệnh theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến khám chữa bệnh; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe.
Bệnh viện cần tăng cường công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực nâng cao chất lượng lâm sàng, xét nghiệm, triển khai thực hiện các hướng dẫn quy trình kỹ thuật chẩn đoán, điều trị; nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử, đạo đức nghề nghiệp cho các y bác sĩ và cán bộ, nhân viên y tế nhằm đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh., thực hiện tốt an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La và các tỉnh Tây Bắc…
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh yêu cầu, trong thời gian tới, ngành y tế tỉnh cần cùng các ngành liên quan tiếp tục tham mưu các giải pháp củng cố, kiện toàn, sắp xếp hệ thống tổ chức bộ máy; đồng thời, tham mưu, đề xuất, xây dựng kế hoạch cụ thể di chuyển bệnh viện, rà soát các trang thiết bị chuyển đến bệnh viện mới tiếp tục đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Ngành y tế tỉnh cần thực hiện chính sách thu hút các chuyên gia y tế giỏi, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, bảo đảm chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh và tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật.
Xây dựng phương án liên kết với các bệnh viện tuyến T.Ư để nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngành y tế tỉnh chỉ đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh có trách nhiệm quản lý, sử dụng hiệu quả công trình, bảo quản cơ sở vật chất và trang thiết bị theo quy định; phối hợp, tham gia cùng với hệ thống y tế các địa phương liên quan thực hiện tốt công tác y tế tại cộng đồng, nhất là công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Sau buổi lễ, các đại biểu đã thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành và gắn biên công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ 15, nhiệm kỳ 2020 -2025, chính thức đưa Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La đi vào hoạt động. (Nhân dân, trang 5).
Cứu sống bệnh nhân bị thanh sắt đâm vào đầu
Hơn 2 giờ 40 phút phẫu thuật, các bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ đã khoan, gặm sọ rộng ra, lấy thành công thanh sắt phi 12 rỉ sét, dài khoảng 10cm cắm vào nhu mô não hơn 3cm... của bệnh nhân.
Sáng 21-9, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, vừa phẫu thuật thành công cứu sống kịp thời cho bệnh nhân bị thanh sắt đâm xuyên sọ, nguy hiểm tính mạng.
Bệnh nhân Cao Khải H. (50 tuổi, ngụ quận Ô Môn, TP Cần Thơ) khi dẫn bộ xe đạp qua cầu, do dốc trơn trượt khiến bệnh nhân bị ngã, đầu va vào cột bê tông và bị thanh sắt thừa đâm xuyên vào vùng chẩm. Bệnh nhân được người dân phát hiện, liên hệ thợ cắt thanh sắt ra khỏi cây bê tông và nhanh chóng đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu; sau đó chuyển gấp đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng đau đầu nhiều, dị vật là thanh sắt rỉ sét vùng chẩm, đâm xuyên sọ.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính, ghi nhận dị vật cản quang kim loại vùng chẩm, đỉnh vào trong nhu mô não, tụ khí nội sọ. Nhận định đây là tai nạn hy hữu nghiêm trọng, các bác sĩ hội chẩn và quyết định phẫu thuật cấp cứu lấy dị vật cho bệnh nhân. Êkíp do BS.CKI Nguyễn Thanh Lâm cùng các cộng sự thực hiện hơn 2 giờ 40 phút phẫu thuật. Các bác sĩ đã khoan, gặm sọ rộng ra, lấy thành công thanh sắt phi 12 rỉ sét, dài khoảng 10cm cắm vào nhu mô não hơn 3cm, não xung quanh có nhiều dịch lợn cợn kèm xuất huyết dưới màng cứng, tiến hành lấy máu tụ (khoảng 30 gram) bơm rửa vết mổ, cầm máu, đặt ống dẫn lưu. Hiện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không sốt, đang được theo dõi và điều trị tiếp.
Đây là tai nạn hy hữu, nhưng rất nguy hiểm, bệnh nhân được cứu sống ngoạn mục nhờ được sơ cứu tại chỗ hợp lý (cắt và giữ nguyên thanh sắt xuyên vào đầu, cố định tạm); sau đó được phẫu thuật cấp cứu kịp thời ở bệnh viện có chuyên khoa sâu. Do hoàn cảnh bệnh nhân khó khăn và là lao động chính trong gia đình, nên bệnh viện sử dụng Quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo, cùng kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí điều trị.
BS.CK2 Chương Chấn Phước, Trưởng khoa Ngoại thần kinh của bệnh viện lưu ý, trong sơ cứu và cấp cứu các trường hợp bị vật nhọn đâm vào cơ thể là không nên rút dị vật ra, ngay cả tại phòng cấp cứu, đặc biệt là nghi ngờ có đâm vào mạch máu lớn. Vì trong các trường hợp chấn thương mạch máu, dị vật có tác dụng như một nút cầm máu tạm, khi vội vã rút ra, bệnh nhân có thể chết vì chảy máu ồ ạt. Ngoài ra, rút dị vật còn làm cho tổn thương mạch máu, thần kinh thêm trầm trọng, tạo khó khăn khi xử trí tổn thương. Rút dị vật chỉ được thực hiện trong phòng mổ bởi phẫu thuật viên… (Pháp luật TP. HCM , trang 2).
Cháu gái bảy tuổi mắc Covid-19 ở Quảng Nam đã khỏi bệnh
Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Mai Văn Mười, Trưởng Tiểu ban Điều trị Covid-19 tỉnh cho biết, chiều 22-9, Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam công bố bệnh nhân (BN) 600 mắc Covid-19 khỏi bệnh và ra viện.
BN600 (nữ, 7 tuổi, trú khu phố 5, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) được công bố mắc Covid-19 vào ngày 2-8. Đây là một trong tám người trong một gia đình dương tính với virus SARS-CoV-2.
Sau khi ra viện, BN600 được Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình đưa về cách ly, theo dõi tại nhà ở trong vòng 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm thêm hai lần nữa trước khi hòa nhập cộng đồng.
Tỉnh Quảng Nam còn ba BN mắc Covid-19 đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam và ba BN tái dương tính đang được theo dõi tại Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam.
BN600 (nữ, 7 tuổi, trú khu phố 5, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) được công bố mắc Covid-19 vào ngày 2-8. Đây là một trong tám người trong một gia đình dương tính với virus SARS-CoV-2.
Sau khi ra viện, BN600 được Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình đưa về cách ly, theo dõi tại nhà ở trong vòng 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm thêm hai lần nữa trước khi hòa nhập cộng đồng.
Tỉnh Quảng Nam còn ba BN mắc Covid-19 đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam và ba BN tái dương tính đang được theo dõi tại Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam. (Nhân dân, trang 5).
Gần 90% bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi
Chiều 22-9, Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm Covid-19 mới. Chiều nay có thêm 10 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tỷ lệ ca điều trị khỏi tại Việt Nam lên gần 90%.
Tính đến 18 giờ ngày 22-9, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25-7 đến nay là 551 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 23.725 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, chiều nay có 10 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, bao gồm: Năm bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh: BN751, BN794, BN793, BN811, BN1045; BN600 tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam; BN1042 tại Bệnh viện đa khoa Bà Rịa - Vũng Tàu; Ba bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh: BN1052, BN1053, BN1054.
Đến nay, Việt Nam đã điều trị khỏi cho 957 ca bệnh, chiếm tỷ lệ gần 90%. Hiện cả nước còn 76 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó có 25 ca âm tính từ 1-3 lần với SARS-CoV-2. (Nhân dân, trang 5).
Hai ca Covid-19 nặng nhất miền Bắc đã khỏi bệnh
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vừa công bố điều trị khỏi cho năm ca Covid-19, trong đó có hai ca là bệnh nhân nặng nhất miền Bắc, tổn thương phổi nghiêm trọng và đã từng phải can thiệp ECMO, thở máy.
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân 793 (nam, 58 tuổi, ở Bắc Giang), là bệnh nhân Covid-19 nặng nhất miền Bắc trong giai đoạn mới.
Bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực ngày 14-8 với tình trạng nặng. Ông có bệnh nền tăng huyết áp, lại bội nhiễm thêm căn nguyên của các loại vi khuẩn khác ngoài SARS-CoV- 2 khiến bệnh nhanh diễn biến xấu.
Ngày 24-8, bệnh nhân phải chuyển từ thở máy không xâm nhập sang thở máy xâm nhập qua ống nội khí quản. Tổn thương phổi của bệnh nhân được đánh giá rất nặng và phức tạp, thậm chí có thời điểm chức năng phổi tổn thương tới 90%. Ngày 26-8, bệnh nhân tiếp tục được chỉ định chạy ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo).
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Khoa Hồi sức tích cực chia sẻ, sau khi huy động tối đa mọi hỗ trợ, đáp ứng của bệnh nhân vẫn rất thấp, các bác sĩ vô cùng lo lắng. Trong ba ngày đầu, các bác sĩ phải gần như túc trực 24/24 bên cạnh bệnh nhân để có những xử trí kịp thời.
"May mắn, sau bốn ngày chạy ECMO, ông bắt đầu đáp ứng với thuốc điều trị và có tiến triển tốt hơn. Đến trưa 3-9, bệnh nhân được ngừng ECMO, chuyển sang thở máy xâm nhập, sau đó chuyển thở ô-xy kính. Lúc đó, coi như là chúng tôi đã cứu sống được bệnh nhân này. Hiện tại bệnh nhân đi lại, sinh hoạt bình thường", BS Phúc cho biết.
Một trường hợp nặng được xuất viện đợt này là BN 1045 (nam, 72 tuổi, ở xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc, Hải Dương). Ông khởi bệnh với sốt, đau đầu, mệt mỏi ngày 19-8.
Đến ngày 30-8, bệnh nhân nhập viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tại đây. Ngày 1-9, kết quả từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy người này dương tính với SARS-CoV-2.
Sau đó, bệnh nhân được chuyển cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Ngay khi được chuyển từ địa phương lên Khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân 1045 đã có tình trạng rất xấu. Thời điểm nhập viện, ông suy hô hấp nặng, phải lập tức đặt ống thở máy. Ngoài ra, bệnh nhân cũng bội nhiễm thêm các vi khuẩn khác ngoài SARS-CoV-2.
Các bác sĩ đánh giá ông là ca có tiên lượng rất nặng bởi người bệnh cao tuổi, lại mắc bệnh nền như phì đại tiền liệt tuyến, thoát vị cột sống cổ. Ngày đầu, ông có nguy cơ phải chạy ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo), tuy nhiên sau đó đã đáp ứng tốt thở máy, tình trạng cải thiện.
Sau tám ngày điều trị, thở máy xâm nhập, tình trạng phổi của bệnh nhân được cải thiện, chuyển hỗ trợ thở máy ở mức thấp, sau đó được cho thở ô-xy. Đến ngày 14-9, bệnh nhân đã có thể dừng thở ô-xy.
Đến hôm nay, bệnh nhân 793 và bệnh nhân 1045 đều đã có thể tự đi lại, sinh hoạt bình thường, ba lần liên tiếp âm tính SARS-CoV-2, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh theo quy định của Bộ Y tế.
Đến hôm nay 22-9, ba bệnh nhân trong số các ca nặng tại miền Bắc ở giai đoạn mới của Covid-19 đã được công bố khỏi bệnh. Bệnh nhân 867 đã ổn định sức khỏe, không còn các triệu chứng tuy nhiên vẫn đang chờ đủ số lần âm tính SARS-CoV-2.
Hôm nay, có ba ca Covid-19 khác cũng được công bố khỏi bệnh gồm BN 794 (nam, 2 tuổi, xã Yên Định, huyện Sơn Động, Bắc Giang), BN 751 (nam, 45 tuổi, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) và BN 811 (nữ, 33 tuổi, xã Yên Định, huyện Sơn Động, Bắc Giang).
Bệnh nhân 794 và 811 lần lượt là cháu nội và con dâu của bệnh nhân 793. Gia đình ông có tất cả sáu người mắc Covid-19 sau chuyến du lịch Đà Nẵng, hiện còn một người chưa khỏi bệnh. (Nhân dân, trang 5).