Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 23/4/2020

  • |
T5g.org.vn - Dừng cách ly xã hội, sống chung với dịch; Ngăn chặn hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh; Các nước áp dụng biện pháp mạnh đối phó Covid-19

 

Dừng cách ly xã hội, sống chung với dịch

Kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 chiều qua (22.4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết chỉ còn thực hiện cách ly xã hội với một số huyện nguy cơ cao, còn tất cả các tỉnh, TP đều xuống nhóm có nguy cơ và nguy cơ thấp, nên không nhất thiết phải cách ly xã hội trên toàn địa phương.

Điều này đồng nghĩa với việc từ hôm nay (23.4) không còn tỉnh, TP trực thuộc T.Ư nào phải thực hiện cách ly xã hội. Mặc dù tại cuộc họp sáng cùng ngày của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, ban này vẫn xếp Hà Nội vào nhóm nguy cơ cao và kiến nghị Thủ tướng đây là địa phương duy nhất vẫn tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tuy nhiên, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, sau khi nghe các ý kiến phân tích, Thủ tướng đồng ý xếp Hà Nội vào nhóm có nguy cơ và yêu cầu không cần thực hiện cách ly xã hội trên toàn địa bàn TP.Hà Nội; song với một số huyện như Thường Tín, Mê Linh và một số nơi có ca nhiễm mà chưa đủ 14 ngày, thì vẫn là vùng có nguy cơ cao, nên Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội có quyết định để thực hiện nghiêm.

Cách ly tất cả trường hợp nhập cảnh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giao chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư thẩm quyền quyết định việc mở cửa hàng, các hoạt động sản xuất hàng hóa, kinh doanh, dịch vụ trên cơ sở xác định nguy cơ cụ thể của từng nơi trên địa bàn để có giải pháp cho phù hợp. Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý “nới lỏng giãn cách xã hội nhưng không phải là dịp đổ ra đường ăn mừng”, và kêu gọi người dân tiếp tục nâng cao trách nhiệm, ý thức trong phòng chống dịch.

“Phòng, chống dịch tốt nhưng phải tạo năng lượng cho dòng chảy hàng hóa, khôi phục sản xuất kinh doanh, dịch vụ, giải quyết việc làm, bảo đảm phát triển KT-XH. Đây là yêu cầu bức thiết hiện nay”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta chấp nhận tình trạng sống trong trạng thái có dịch, chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển KT-XH và chỉ thực hiện cách ly xã hội với một số huyện. Nhắc đến kết quả đáng mừng là 6 ngày qua cả nước không phát sinh trường hợp nào nhiễm Covid-19, Thủ tướng cho rằng đó là nhờ các địa phương, các bộ, ngành cũng như người dân đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, đồng bộ.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý “vui mừng nhưng cảnh giác”, và nhấn mạnh: “Yêu cầu lớn là không để đại dịch tàn phá đất nước. Sinh mạng của người dân là quan trọng nhất. Các cấp, các ngành ngăn chặn quyết liệt, không để dịch xâm nhập trở lại. Phòng, chống dịch tốt nhưng phải tạo năng lượng cho dòng chảy hàng hóa, khôi phục sản xuất kinh doanh, dịch vụ, giải quyết việc làm, bảo đảm phát triển KT-XH. Đây là yêu cầu bức thiết hiện nay”.

Nhắc lại nguyên tắc “ngăn chặn triệt để dịch từ bên ngoài, dập dịch bên trong, chữa trị tích cực”, Thủ tướng yêu cầu thực hiện cách ly tất cả trường hợp nhập cảnh vào nước ta, người có nguy cơ cao, đồng thời khẳng định chưa có chủ trương tiếp nhận khách du lịch từ nước ngoài vào VN. Cùng với đó, Thủ tướng cho rằng người có dấu hiệu ốm, sốt thì nên ở nhà, không đến cơ quan, công sở, đơn vị, trường học. Đeo khẩu trang là bắt buộc khi tham gia các hoạt động cộng đồng; thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, hạn chế tập trung đông người…

Hà Nội cho phép hàng quán, grab, taxi… hoạt động trở lại

Chiều 22.4, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhắc lại tinh thần chỉ đạo trên của Thủ tướng, và cho biết 2 xã Mê Linh (H.Mê Linh) và Dũng Tiến (H.Thường Tín) có bệnh nhân Covid-19 chưa qua 14 ngày, được xếp vào diện có nguy cơ cao, có vùng dịch, nên vẫn thực hiện như Chỉ thị 16: tất cả cửa hàng chưa được buôn bán, trừ các cửa hàng thiết yếu. Tất cả các quận, huyện khác của Hà Nội thuộc nhóm có nguy cơ - tức là trở lại thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng, nên một số loại hình kinh doanh, dịch vụ sẽ được mở cửa trở lại.

“Do Thủ tướng vừa mới kết luận, chỉ thị mới của Thủ tướng cũng chưa ban hành, nên Hà Nội chưa làm kịp hướng dẫn. Nhưng tinh thần cơ bản là như Chỉ thị 15, tức là các hoạt động quán bar, nhà hàng, trò chơi điện tử, các hoạt động tập trung đông người… vẫn cấm. Hà Nội vẫn phạt tất cả những người ra đường không đeo khẩu trang”, ông Nguyễn Đức Chung nói, và cho hay tất cả hoạt động lễ hội, thể thao, sinh hoạt tôn giáo đông người vẫn phải dừng đến 30.4, chờ thông báo mới. Tuy nhiên, các cửa hàng ăn uống, trung tâm thương mại… được hoạt động trở lại.

Ông Nguyễn Đức Chung cũng lưu ý khi mở cửa trở lại, các chủ cửa hàng ăn phải sắp xếp bàn để giữ khoảng cách, nên có tấm chắn bằng mica hoặc kính, ni lông để người ngồi đối diện không có khả năng lây nhiễm cho nhau. Trung tâm thương mại và siêu thị cũng tương tự, phải giữ khoảng cách giữa các khách hàng, đo thân nhiệt, đi vào một chiều.

Nhấn mạnh “nghiêm cấm trà chanh, trà đá vỉa hè”, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng yêu cầu các phường, xã nhân dịp này làm nghiêm việc dẹp trật tự vỉa hè, không để tình trạng lấn chiếm kinh doanh.

Ngoài ra, tất cả bệnh viện được nhận bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, nhưng phải thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, hẹn bệnh nhân giờ khám, không để bệnh nhân chờ lâu, tụ tập đông người. Khi ra vào phải có nước khử khuẩn, kiểm soát tất cả người có dấu hiệu bệnh lý thì phải khám cách ly chặt chẽ, không để lây nhiễm. Bệnh nhân nặng chỉ cho 1 người nhà vào trông nom. “Kể cả các bệnh viện của T.Ư quản lý, nhưng nằm trên địa bàn Hà Nội thì cũng đề nghị thực hiện nghiêm”, ông Chung lưu ý.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Chung, bếp ăn của các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp hoạt động trở lại phải chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch, có máy đo thân nhiệt, lịch theo dõi vị trí làm việc của nhân viên, khuyến khích ghi nhật ký. Bắt buộc mọi người khi đi làm, ra nơi công cộng phải đeo khẩu trang và rửa tay.

Từ 23 - 30.4, Hà Nội cho phép tổng công ty vận tải, các dịch vụ Grab, taxi vận chuyển lại với công suất 20 - 30%. Đến 30.4, Hà Nội sẽ quyết định việc điều chỉnh quy định này. Các xe phải có nước khử khuẩn, giữ khoảng cách. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đề nghị mọi người dân tham gia giao thông lưu ý khoảng cách khi dừng đèn đỏ, tránh chen lấn. CSGT được yêu cầu có mặt tại các nút giao thông này để hướng dẫn người dân.

TP.HCM nới lỏng một số hoạt động

Chiều 22.4, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết TP tiếp tục thực hiện Chỉ thị 15, đồng thời nới lỏng một số hoạt động và sẽ hướng dẫn cụ thể bằng văn bản. Ông Liêm cho biết TP đang thẩm định các bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của Sở Công thương và Sở Du lịch để đánh giá, hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hoạt động trở lại.

Tối 22.4, Sở Y tế TP.HCM cho biết dự kiến vào ngày 23.4 sẽ cho phép cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng của phòng khám đa khoa, bệnh viện và tất cả các phòng khám chuyên khoa tư nhân (phòng mạch) hoạt động.

Cũng trong tối 22.4, Sở GTVT TP.HCM tiếp tục tạm ngưng vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe du lịch, xe taxi và xe hợp đồng (bao gồm cả xe hợp đồng dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ) từ ngày 23.4 cho đến khi có thông báo mới. TP chỉ cho phép lưu thông đối với một số trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, xe vận chuyển nguyên vật liệu sản xuất và hỗ trợ vận chuyển người dân trong trường hợp cấp thiết.

Đối với lĩnh vực giao thông thủy, phà Cát Lái (nối Q.2, TP.HCM với H.Nhơn Trạch, Đồng Nai) tiếp tục được duy trì hoạt động nhưng không được chở các phương tiện gồm xe vận chuyển khách theo tuyến cố định, xe du lịch, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng và xe có tổng trọng tải từ 8 tấn trở lên. Trong thời gian từ 5 - 9 giờ và từ 16 - 20 giờ, phà Cát Lái được phép phục vụ người và phương tiện không bị cấm lưu thông, khung giờ còn lại chỉ được phép phục vụ xe chở lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, xe công vụ… Riêng phà Bình Khánh được tiếp tục hoạt động. (Thanh niên, trang 2; Tuổi trẻ, trang 2; Tiền phong, trang 2+3; Lao động, trang 2; An ninh thủ đô, trang 4; Hà Nội mới, trang 6; Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Sài Gòn giải phóng, trang 2; Gia đình & Xã hội, trang 2+3; Nông thôn ngày nay, trang 3; Công an nhân dân, trang 1).

 

Ngăn chặn hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân cho nên tình hình vẫn được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, trái ngược với nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của các ban, ngành, đoàn thể thì vẫn có những cá nhân trốn khỏi khu cách ly; chống người thi hành công vụ; buôn lậu khẩu trang qua biên giới… vi phạm nghiêm trọng các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Công an quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Thị Thu Vân, trú tại số 92 phố Đình Đông, phường Đông Hải (quận Lê Chân) về tội chống người thi hành công vụ theo Điều 330 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trước đó, tại cửa vào tầng hầm chung cư D2, phường Đồng Quốc Bình (quận Ngô Quyền), Vũ Thị Thu Vân vào lấy xe máy thì được các cán bộ phòng, chống dịch Covid-19 của phường yêu cầu kiểm tra thân nhiệt. Tuy nhiên, thay vì thiện chí hợp tác thì bà Vân đã có lời lẽ thóa mạ và hất tung máy đo thân nhiệt của tổ kiểm tra rồi bỏ đi. Ít lâu sau, bà Vân quay lại nhưng không chấp hành việc đo thân nhiệt mà còn giật khẩu trang, tát Trung úy Vũ Xuân Quân, cán bộ Công an phường Đồng Quốc Bình. Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm và các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, Công an quận đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Vân.

Trước đó, các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình phối hợp lực lượng hải quan bắt giữ vụ vận chuyển lậu 21.700 chiếc khẩu trang y tế từ Việt Nam sang Lào tiêu thụ. Cụ thể, trong lúc thực hiện nhiệm vụ, các cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình) phát hiện xe đầu kéo BKS 36C-39323 và xe khách BKS 38B-00215 có nhiều biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm tra tại chỗ, lực lượng chức năng phát hiện trên các xe này có nhiều thùng các-tông, bên trong chứa 21.700 chiếc khẩu trang y tế. Toàn bộ số hàng hóa này đều không có giấy tờ hợp lệ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Bước đầu, các đối tượng Hoàng Bá Q., quê ở tỉnh Bắc Giang; Nguyễn Hải N. và vợ là Nguyễn Thị N., cùng quê ở tỉnh Hà Tĩnh là lái xe, phụ xe của các phương tiện nêu trên khai nhận vận chuyển thuê cho các đối tượng người nước ngoài không rõ tên tuổi để bán kiếm lời. Hiện nay, vụ việc đã được các cán bộ BĐBP xử lý theo quy định.

Theo một cán bộ công an, các hành vi vi phạm nêu trên rất đa dạng, nhưng để người dân hiểu đúng về hình thức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vừa ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC gửi tòa án các cấp và các đơn vị trực thuộc hướng dẫn xử lý các tội phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Qua đó, hướng dẫn cách xác định tội danh theo quy định tại các Điều 155, 174, 188, 196, 240, 295, 288, 330, 360,… của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể, đối với hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch Covid-19, theo Điều 330 thì người vi phạm có thể tùy tính chất, mức độ có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Đối với hành vi buôn lậu khẩu trang được dùng vào việc phòng, chống dịch Covid-19 nhằm thu lợi bất chính trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng,… thì theo Điều 188 có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Cũng tương tự như vậy, người nào đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh đã được thông báo cách ly nhưng trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối, căn cứ theo điểm c, khoản 1, Điều 240 thì người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm…

Cũng liên quan việc xử lý các hành vi vi phạm này, Sở Tư pháp TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 925/STP-PBGDPL gửi các cơ quan báo chí đề nghị phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan phòng, chống dịch Covid-19. Tại văn bản này quy định chi tiết mức phạt đối với 13 hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể: Nếu không đeo khẩu trang tại nơi công cộng thì người vi phạm bị phạt tiền tối đa đến 300 nghìn đồng. Người nào vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt tiền tối đa đến năm triệu đồng; nếu vứt ra vỉa hè, đường phố bị phạt tối đa đến bảy triệu đồng. Người nào đưa những thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch Covid-19 lên mạng máy tính, mạng viễn thông có thể bị xử phạt tiền tối đa đến 15 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đối với hành vi không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch sẽ bị phạt tiền tối đa đến 20 triệu đồng. Người nào che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh Covid-19 bị phạt tiền tối đa đến 2 triệu đồng. Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch Covid-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị xử lý theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)… Ngoài ra, các lực lượng chức năng các địa phương có thể căn cứ vào Luật An ninh mạng năm 2018; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007,… để xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến dịch Covid-19. (Nhân dân, trang 4).

 

Các nước áp dụng biện pháp mạnh đối phó Covid-19

Theo tin nước ngoài và TTXVN, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới đã lên tới con số gần 2,6 triệu người. Mỹ dẫn đầu về số người nhiễm với hơn 819.000 ca, trong đó hơn 45.300 ca tử vong. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng, chống dịch bệnh của Mỹ (CDC) R.Rét-phin cảnh báo, Mỹ có thể đối mặt đợt dịch Covid-19 thứ hai vào mùa đông tới và còn tệ hại hơn nhiều so với đợt bùng phát dịch hiện nay vì có thể trùng với thời điểm bắt đầu mùa cúm.

* Thủ tướng Ca-na-đa G.Tru-đô cảnh báo người dân sẽ không thể trở lại cuộc sống bình thường như trước cho tới khi có vắc-xin phòng dịch Covid-19. Theo các chuyên gia, “vũ khí” mà Ca-na-đa cần trong cuộc chiến chống dịch là xét nghiệm nhiều hơn nữa. Hiện mỗi ngày, Ca-na-đa xét nghiệm cho khoảng 18 nghìn người.

* Thủ tướng Tây Ban Nha P.Xan-chét cho biết, chính phủ Tây Ban Nha có kế hoạch đến giữa tháng 5 tới sẽ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế hoạt động. Chính phủ Ba Lan cũng thông báo, trong tháng 5, Ba Lan sẽ mở cửa trở lại các khách sạn khi chuyển sang giai đoạn hai nới lỏng các biện pháp hạn chế.

* Ban tổ chức Giải chạy Ma-ra-tông Béc-lin (Đức) quyết định hủy sự kiện dự kiến diễn ra ngày 27-9 tới, do lệnh cấm tập trung đông người tại thủ đô. Đây là sự kiện thể thao lớn thu hút hàng chục nghìn người tham gia mỗi năm.

* Chính phủ I-ta-li-a đối mặt khó khăn trong việc phải đưa ra quyết định gia hạn các biện pháp phong tỏa hoặc gỡ bỏ yêu cầu người dân ở trong nhà và mở cửa trở lại các doanh nghiệp vào ngày 4-5 tới. Thủ tướng I-ta-li-a G.Con-tê nêu rõ, người dân nhiều khả năng sẽ phải tiếp tục thực thi một số biện pháp hạn chế.

* Tại Pháp, nhà máy sản xuất ô-tô Toyota của Nhật Bản bắt đầu khôi phục hoạt động. Trước khi đi vào nhà máy, công nhân đều được kiểm tra thân nhiệt và được cung cấp khẩu trang, nước sát khuẩn.

* Thủ tướng Hà Lan M.Rút thông báo sẽ mở cửa trở lại các trường tiểu học và mầm non từ ngày 11-5, song vẫn duy trì các biện pháp phòng, chống dịch khác. Các trường tiểu học phải bảo đảm giãn cách xã hội, theo đó trẻ em chỉ đi học nửa ngày và thời gian còn lại học trực tuyến.

* Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn điện đàm với Tổng thống Mỹ Đ.Trăm thảo luận về các nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19. Hai nhà lãnh đạo nhất trí về tầm quan trọng của việc hợp tác chống dịch thông qua cơ chế Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) và Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

* Tổng thống Nga V.Pu-tin và người đồng cấp I-ran H.Ru-ha-ni điện đàm thảo luận về diễn biến của đại dịch Covid-19. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng sáng kiến của Nga về thiết lập “vành đai Xanh” không có chiến tranh thương mại và không thực thi các biện pháp trừng phạt trong thời kỳ dịch bệnh.

* Chính quyền thành phố Na-ga-xa-ki của Nhật Bản thông báo, có ít nhất 34 thủy thủ trên du thuyền Costa Atlantica của I-ta-li-a có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Bộ Y tế Nhật Bản đã cử nhóm chuyên gia tới Na-ga-xa-ki để phối hợp giải quyết vụ việc.

* Xin-ga-po quyết định kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội thêm bốn tuần, tới ngày 1-6, đồng thời triển khai thêm một loạt biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn dịch. Một số dịch vụ thiết yếu sẽ bị cắt giảm thêm, toàn bộ số lao động nước ngoài tại 43 khu nhà ở và hơn 1.200 tòa nhà khác sẽ dừng làm việc và ở tại chỗ.

* Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê In công bố gói hỗ trợ quy mô lớn lên tới khoảng 32 tỷ USD giúp các ngành chủ chốt của nước này tránh rơi vào khủng hoảng và bảo vệ việc làm. Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ tăng quy mô gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp.

* Bộ Ngoại giao Hàn Quốc quyết định gia hạn thêm một tháng khuyến cáo người dân “chú ý đặc biệt về du lịch” đối với tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Việc duy trì biện pháp này để ngăn ngừa tình trạng công dân Hàn Quốc bị nhiễm Covid-19, hay bị cô lập và cách ly ở nước ngoài.

* Chính phủ Thái-lan thông qua việc chuyển 10% ngân sách năm 2020 của các bộ, ngành vào ngân sách trung ương để đối phó đại dịch và phục hồi nền kinh tế. Kế hoạch này tập trung vào người dân sống ở vùng nông thôn cũng như nhằm ổn định các thị trường tài chính và vốn.

* Bộ trưởng Y tế Ô-xtrây-li-a G.Hăn cho biết, tỷ lệ nhiễm Covid-19 mới trong nước đã ở mức dưới 1% trong chín ngày liên tiếp nhờ áp dụng các biện pháp hạn chế hoạt động kinh tế và giãn cách xã hội. Các bệnh viện ở Ô-xtrây-li-a đang chuẩn bị mở lại các phẫu thuật tự chọn vào tuần tới.

* Thống đốc Ngân hàng dự trữ Ô-xtrây-li-a (RBA) Ph.Lô-uê cảnh báo, gần 850 nghìn người lao động bị mất việc có khả năng sẽ vẫn thất nghiệp sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc. RBA cũng dự báo nền kinh tế Ô-xtrây-li-a sẽ giảm 10% vào giữa năm nay trước khi hồi phục chậm trong thời gian dài.

* Cơ quan Y tế Ma-lai-xi-a cho biết, trước khi chính thức gỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại, sẽ áp dụng việc thực hiện đầy đủ sáu tiêu chí, trong đó có bảo đảm công tác kiểm soát biên giới; duy trì việc chấp hành Mệnh lệnh Kiểm soát di chuyển (MCO); thực thi các luật bảo vệ những người có nguy cơ cao…

* Bộ Y tế Lào cho biết, không ghi nhận thêm trường hợp mắc Covid-19 trong 10 ngày liên tiếp. Hãng hàng không quốc gia Lào cũng thông báo sẽ nối lại các chặng bay nội địa từ ngày 8-5 tới.

* Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu ra lệnh phong tỏa đất nước trong Ngày lễ độc lập diễn ra vào ngày 28-4. Việc phong tỏa sẽ ảnh hưởng các hoạt động kỷ niệm. (Nhân dân, trang 8).

 

Đề xuất tặng 5.000 kỳ nghỉ cho các y sĩ, bác sĩ chống dịch

Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và Công ty CP Vinpearl (thuộc Tập đoàn Vingroup) vừa đề xuất lên Bộ Y tế chương trình “Tri ân những chiến binh áo trắng”. Chương trình tri ân ý nghĩa do Vietnam Airlines và Vinpearl đề xuất sẽ được gửi đến lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch Covid-19 gồm các y bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế trực tiếp tham gia điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 theo danh sách do Bộ Y tế cung cấp. Đây là chương trình hợp tác phi lợi nhuận và có ý nghĩa xã hội với quy mô lớn nhất dành riêng cho lực lượng y tế chống dịch Covid-19 do Vietnam Airlines và Vinpearl phối hợp thực hiện. (Nhân dân, trang 5; Tuổi trẻ, trang 7).

 

“Cú huých” tạo sự chuyển đổi số trong ngành y tế

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa được Bộ Y tế chọn triển khai thí điểm nền tảng khám, chữa bệnh từ xa, nhằm hỗ trợ người dân được chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Chính phủ, cùng các bộ, ngành liên quan đang rất kỳ vọng nền tảng này sẽ thành công để nhân rộng ra quy mô cả nước và sẽ là “cú huých” tạo sự chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành y tế.

Tại buổi khai trương trung tâm điều hành, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã kết nối với các điểm cầu: Bệnh viện đa khoa Mường Khương (tỉnh Lào Cai), Bệnh viện đa khoa TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), Trạm Y tế xã và nhà người bệnh tại thôn Câu Đồng (xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) và điểm cầu ở nhà một người bệnh mạn tính ở Hà Nội. Đây là những người bệnh đã đặt hẹn nhưng vì lo ngại dịch Covid-19 đã không đến khám tại bệnh viện. Cụ thể, tại điểm cầu Bệnh viện đa khoa huyện Mường Khương, một người bệnh nữ, 54 tuổi, có tiền sử bệnh van hai lá do thấp, suy tim nhiều năm, điều trị tại bệnh viện tỉnh Lào Cai lần cuối từ tháng 2-2020. Đợt này người bệnh khó thở nhiều, thuốc điều trị đã hết, nhưng đang trong đợt dịch Covid-19 nên chưa thể đi khám. Người bệnh đã được các chuyên gia đầu ngành về tim mạch hội chẩn điện tâm đồ và siêu âm tim trực tiếp từ xa để có đánh giá trực tiếp tình trạng tim của người bệnh và lên phương án điều trị phù hợp. Còn tại điểm cầu ở huyện Quảng Xương, người bệnh được các bác sĩ khám trực tuyến gồm cả nội soi tai mũi họng, điện tim. Tại điểm cầu Bệnh viện đa khoa TP Hà Tĩnh, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tham gia hội chẩn trực tuyến đánh giá những trường hợp đột quỵ não… Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tư vấn rất kỹ lưỡng cho người bệnh thông qua phần mềm được cài đặt trên điện thoại. Với những người bệnh nặng, các chuyên gia đã hội chẩn với bác sĩ ở bệnh viện tuyến cơ sở để có hướng điều trị phù hợp…

PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đánh giá: Nền tảng hỗ trợ tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa sẽ xóa nhòa ranh giới trình độ của các đơn vị còn chưa được nâng cao về chuyên môn, tuyến huyện, xã sẽ được nâng lên tương đương với tuyến tỉnh, tuyến trung ương. Hiện nay, chúng ta đang khám, chữa bệnh theo phương pháp truyền thống và vẫn cần tiếp tục duy trì phát huy. Tuy nền tảng mới không thể thay thế tuyệt đối, nhưng sẽ là một công cụ hỗ trợ hữu hiệu, hỗ trợ cho cả hệ thống y tế. Chúng ta có thể gắn kết hệ thống y tế thành một khối, xóa nhòa ranh giới trình độ của các đơn vị còn chưa được nâng cao về chuyên môn. Lúc đó, người hưởng lợi không chỉ là người bệnh mà còn là những nhân viên y tế, bác sĩ, điều dưỡng, giúp họ dễ dàng hoạt động nghề nghiệp hơn.

Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa do Tập đoàn Viettel phát triển đáp ứng đủ sáu lĩnh vực khám, chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế gồm: tư vấn y tế, hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh, hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh, hội chẩn tư vấn giải phẫu, hội chẩn tư vấn phẫu thuật, đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh. Khi nền tảng số này được triển khai, người dân có thể dễ dàng theo dõi sức khỏe qua ứng dụng hoặc website, kết nối với bác sĩ qua hình thức gọi điện, nhắn tin, đặt lịch khám, tương tác với người thân, người có cùng bệnh và cập nhật thông tin hướng dẫn điều trị. Cơ sở y tế có thể lập phác đồ theo dõi cho từng người bệnh, quản lý tình trạng sức khỏe hằng ngày, cảnh báo, nhắc nhở điều trị, tương tác trực tiếp với người bệnh (qua điện thoại, tin nhắn) và chỉ định điều trị, phục hồi chức năng, tư vấn dinh dưỡng, khám lại.

Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, thì việc người dân hạn chế đến các cơ sở khám, chữa bệnh cũng là một trong những biện pháp hiệu quả. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc ra mắt nền tảng khám, chữa bệnh từ xa không chỉ giải quyết các vấn đề của Covid-19 mà còn là giúp thay đổi cả hệ thống khám, chữa bệnh của Việt Nam. Các bệnh viện khi triển khai thêm kênh khám, chữa bệnh từ xa sẽ giúp giảm số lượng người trực tiếp đến bệnh viện, giảm lượng người bệnh dồn về tuyến trên giúp xã hội và ngành y tế tiết kiệm số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Người dân ở bất kỳ đâu cũng được hưởng chất lượng khám, chữa bệnh tốt nhất. Thực hiện khám, chữa bệnh trực tuyến, khám, chữa bệnh từ xa sẽ là “cú huých” tạo sự chuyển đổi số trong ngành y tế, hướng tới quốc gia số, quốc gia thông minh.

Tuy nhiên, để hoạt động khám, chữa bệnh từ xa hoạt động hiệu quả và có thể mở rộng, các cơ quan chức năng cần xây dựng những quy định, hướng dẫn về chuyên môn, về hành lang pháp lý và có cơ chế tài chính phù hợp. Mặt khác, cần có những giải pháp thúc đẩy người dân sử dụng công cụ mới này. (Nhân dân, trang 5).

 

MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG LƠI LỎNG PHÒNG DỊCH: Phập phù đường dây nóng phòng chống COVID-19

Ngày 22.4, thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn - tỉnh Hà Giang) có quyết định phong toả để phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên khi phóng viên Lao Động gọi điện vào đường dây nóng của Hà Giang để tìm hiểu thêm thì cả hai số máy được công bố trước đó đều… không có ai nghe máy. Lần lượt rà soát nhiều tỉnh, thì chuyện đường dây nóng phòng chống dịch bệnh “tậm tịt” không chỉ diễn ra ở Hà Giang.

Nguội ngắt đường dây nóng

Trong thời điểm diễn ra dịch COVID-19, Bộ Y tế cung cấp 2 đường dây nóng tư vấn phòng chống dịch COVID-19 để người dân khi có nhu cầu sẽ được cung cấp thông tin kịp thời.

Ngoài ra, người dân có thể gọi số điện thoại đường dây nóng ở các địa phương nơi mình sinh sống để được tư vấn khi cần thiết. Tuy nhiên, nhiều đường dây nóng rơi vào tình trạng tậm tịt dù dịch COVID-19 chưa hết.

Theo Bộ Y tế, đường dây nóng của Bộ Y tế là: 19009095 và 19003228. Đồng thời, 63 tỉnh thành cũng có đường dây nóng tư vấn phòng chống dịch COVID-19 để người dân khi có nhu cầu sẽ được cung cấp thông tin kịp thời. Số máy của các tỉnh, thành gồm cả 2 số: Cố định và Di động. Hệ thống tổng đài sẽ hoạt động liên tục 24/7.

Chưa kể, đường dây nóng 22 bệnh viện được Bộ Y tế cung cấp. Bộ Y tế khuyến cáo người dân thông tin đúng, chính xác, ngắn gọn khi gọi đến đường dây nóng, tránh những thông tin quấy rối, thiếu hợp tác hoặc hỏi những câu không liên quan tới dịch bệnh. Nếu đường dây bận, hãy kiên nhẫn chờ đợi để được nhân viên tổng đài phục vụ.

Đến thời điểm này, đường dây nóng vẫn phải hoạt động nhưng theo khảo sát của Báo Lao Động, nhiều đường dây đã nguội. 12h ngày 22.4, đường dây nóng của các tỉnh Lai Châu (0213.3876698), Hoà Bình (0218.3857005), Cao Bằng (0206.3855666) đều không có ai nhận cuộc gọi.

Đến 14h cùng ngày, khi gọi vào các số máy di động được Bộ Y tế cung cấp để người dân gọi tới nhận tư vấn phòng chống dịch COVID-19 thì có người nhấc máy. Tuy nhiên, tỉnh Lai Châu yêu cầu gọi lại vào 2 số khác, không phải số đã công bố.

Ngay cả tỉnh Hà Giang, nơi đang có ca bệnh 268 (Nữ, 16 tuổi, quốc tịch Việt Nam, dân tộc Mông, trú tại một thôn hẻo lánh ở gần biên giới giáp Trung Quốc của huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) dương tính với SARS-CoV-2, đến ngày 22.4, thị trấn Đồng Văn bị phong toả, số máy cố (0219.3886495), cung cấp để người dân có thể gọi nhận tư vấn phòng chống dịch COVID-19 cũng không ai bắt máy.

Tiếp tục trực tiếp gọi điện tới đường dây nóng nhiều tỉnh thành, phóng viên liên lạc tới nhiều đầu số máy bàn, số di động thì nhiều số không thể được. Đơn cử, số máy 0286.9.577.133 (TPHCM) và số máy 0272.3.862.053 (Long An) đều ở trạng thái được tổng đài thông báo “Số máy quý khách vừa gọi không đúng. Xin vui lòng kiểm tra lại”. Liên lạc số điện thoại 0274.3.821.735 (Bình Dương) sau khi có tín hiệu kết nối thì đầu người gọi chỉ nhận được những âm thanh lạ liên tục, kéo dài. Số máy 0254.373.128 (Bà Rịa - Vũng Tàu), 0781.824.096 và 0966.281.919 (Bạc Liêu) lại không thể kết nối do thiếu số, số máy không có, số máy không liên lạc được…

Khó khăn lắm, phóng viên mới có thể liên lạc được với đầu số đúng 0276.3.822.474 (Tây Ninh), 0213.3.876.698 (Lai Châu) thì liên lạc tới 4-5 cuộc nhưng đều trong tình trạng không ai bắt máy.

Vẫn có nơi… nóng rực

Trao đổi với Lao Động, BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) - chia sẻ, về đường dây nóng của bệnh viện: Ngay sau khi Bộ Y tế công bố, đường dây nóng sôi sục đến nỗi bác sĩ trực đường dây không chịu nổi, đến 22h đêm phi xe đến bệnh viện mếu máo trao trả tôi. Tôi tiếp nhận đường dây từ 22h đến 8h hôm sau, phải nhận rất nhiều cuộc gọi trong khi tôi vẫn phải trực và điều trị gần 200 bệnh nhân. Nhiều cuộc gọi đến giữa lúc tôi đang cấp cứu bệnh nhân.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Cấp, đường dây sinh ra để giải quyết các tình huống nóng của bệnh nhân và các bệnh viện tuyến dưới nhưng điều đáng buồn là hầu hết các cuộc gọi đến đều nhằm mục đích thử đường dây hoặc yêu cầu giải đáp các tò mò thắc mắc kiểu “Bệnh này là gì”, “Virus này có lây qua đường tình dục không”, thậm chí trêu chọc, spam... Trong 1 đêm, gần trăm cuộc gọi chỉ có 3 cuộc gọi thực sự nóng xin tư vấn tình huống dịch của 2 bệnh viện tuyến dưới và của 1 khách sạn.

Trong khi đó, tại Đà Nẵng có tới 15 hotline tiếp nhận thông tin dịch COVID-19

Để chủ động trong phòng, chống COVID-19, từ đầu tháng 3 đến nay, UBND Thành phố Đà Nẵng đã công bố 9 đường dây nóng tiếp nhận thông tin về COVID-19 và nhận tư vấn cách phòng chống dịch bệnh cho nhân dân. Trong đó có các số liên lạc trực tiếp của Phó Giám đốc Sở Y tế, các phó giám đốc bệnh viện tiếp nhận người nghi nhiễm COVID-19 và điều trị bệnh nhân. Riêng ngành Du lịch có tới 3 đầu mối tiếp nhận thông tin.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng thông báo số điện thoại đường dây nóng tại 7 Trung tâm y tế các quận, huyện để tiếp nhận thông tin liên quan đến COVID-19 tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Ông Lê Hồng Phương - Tổ phó Tổ phản ứng nhanh du lịch, Sở Du lịch Đà Nẵng - một trong những người giữ số hotline cho hay, dù là bất kể ngày đêm, cứ thấy cuộc gọi nhỡ là phải gọi lại, xác minh xem có phải người dân hay du khách cần hỗ trợ gì không. “Đa phần người dân muốn biết việc di chuyển đi lại giữa các tỉnh trong từng thời điểm thế nào, có phải cách ly hay không, hạn chế gì…. Những thông tin này chúng tôi phải nắm rõ và trao đổi ngay trên điện thoại, hướng dẫn người dân nên làm gì, cần liên hệ thêm với đơn vị nào nữa không” - ông Phương cho hay. (Lao động, trang 1).

 

Đề nghị xử phạt một công ty sản xuất khẩu trang y tế

Ngày 22/4, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 100 triệu đồng đối với một công ty chuyên sản xuất khẩu trang y tế có nhiều vi phạm: Công ty TNHH Đầu tư phát triển Thùy Tiên (Công ty Thùy Tiên) (địa chỉ tại số 75 Nay Der, phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột) do bà Nguyễn Thị Thùy Nga (37 tuổi) làm Giám đốc. Quá trình kiểm tra, tổ công tác phát hiện Công ty Thùy Tiên sản xuất khẩu trang có nhiều vi phạm nên đã lập biên bản, thu giữ 50.000 cái khẩu trang y tế. Sau đó, Công an TP Buôn Ma Thuột đã chuyển giao hồ sơ cho Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk để xử lý theo thẩm quyền. (Nhân dân, trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang