Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/10/2019

  • |
T5g.org.vn - Người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử vào năm 2025; Bé gái 13 tuổi mù mắt vì tiêm filler nâng mũi; Nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình…

 

Người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử vào năm 2025

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa ký ban hành quyết định về việc “Phê duyệt đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019 - 2025”. Theo đó, mục tiêu chung của đề án là ứng dụng và phát triển công nghệ số, công nghệ thông minh trong y tế góp phần xây dựng hệ thống y tế VN hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời.

Để thực hiện các mục tiêu đặt ra, Bộ Y tế đề ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Ngoài các giải pháp về pháp luật, kỹ thuật thì trong đó còn có giải pháp xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh. Xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, phấn đấu đến năm 2025 bảo đảm 100% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; ưu tiên triển khai các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc theo dõi, cảnh báo dịch bệnh trên cả nước.

Phát triển các ứng dụng cung cấp tri thức phòng bệnh, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân. Xây dựng hệ thống khám, chữa bệnh thông minh. Triển khai dịch vụ công trực tuyến, xây dựng cổng dịch vụ công Bộ Y tế, kết nối hải quan một cửa quốc gia và tham gia một cửa ASEAN. (Thanh niên, trang 3; Pháp luật TP. HCM, trang 14).

 

Bé gái 13 tuổi mù mắt vì tiêm filler nâng mũi

Đồng ý nâng mũi với giá 2 triệu đồng, bé gái 13 tuổi đã mất hoàn toàn thị lực mắt bên phải, hoại tử da nghiêm trọng.

Thông tin ngày 23/10 cho biết Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận bé gái 13 tuổi ở Yên Bái, bị biến chứng nặng nề vì tiêm filler (chất làm đầy) để nâng mũi. Bị tiêm đúng mạch máu, cháu bé mất hoàn toàn thị lực mắt bên phải, hoại tử da nghiêm trọng.

Theo lời kể của gia đình, cháu bé nghe theo lời giới thiệu của bạn bè, đã đến spa quen biết để tiêm filler nâng mũi với giá 2 triệu đồng. Do không đủ tiền, bé định không tiêm nhưng cơ sở này nói có thể "trả góp".

Bé gái được nhân viên ở spa tiêm ngày 21/10. Khoảng 30 phút sau tiêm, nạn nhân có triệu chứng đau mắt bên phải, thị lực giảm dần, đau đầu nhiều và buồn nôn. Lúc này, bé mới nhờ người gọi gia đình đưa đến Bệnh viện Mắt Trung ương cấp cứu.

Các bác sĩ nhãn khoa chẩn đoán mắt bên phải đã mất thị lực hoàn toàn, kèm theo hoại tử một số vùng da trên mặt như trán và hốc mũi. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Da liễu Trung ương điều trị.

Theo bệnh nhân, cơ sở spa này chỉ có một nhân viên và một chủ quán. Trước đó, họ đã tiêm cho nhiều người.

BS Thân Trọng Tùy - khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương - cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng thị lực mắt bên phải đã mất hoàn toàn. Bé có hiện tượng xuất huyết kết mạc của mắt bên phải, kèm một số vùng hoại tử ở trán và hốc mũi. May mắn, trẻ vẫn còn thị lực của mắt bên trái.

Các bác sĩ chuyên khoa da liễu đã hội chẩn và quyết định xử lý ca bệnh này bằng cách tiêm thuốc giải chất filler, đồng thời, cố gắng cứu vùng da hoại tử, bảo tồn vùng da lành xung quanh.

"Việc phục hồi thị lực mắt phải cho trẻ rất khó, các bác sĩ đang điều trị tích cực để giảm thiểu biến chứng. Qua theo dõi sát sao bệnh nhân sau 10 giờ điều trị, chúng tôi thấy triệu chứng đau đầu, buồn nôn đã giảm; vùng da hoại tử có tiến triển, tuần hoàn ở đó đang được cải thiện; vùng tiêm chất làm đầy nâng mũi được giải", bác sĩ Tùy cho hay.

Filler hay chất làm đầy, trong đó acid hyaluronic, được nhắc đến nhiều nhất là phương pháp làm đẹp nhanh, tức thì, không cần phẫu thuật nên đang được nhiều chị em lựa chọn. Hiện nay, một số sản phẩm tiêm filler đã được cấp phép đảm bảo tính hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm không biết rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường.

Bệnh viện Da liễu Trung ương thường xuyên tiếp nhận những ca tai biến sau tiêm filler tại các cơ sở làm đẹp không đảm bảo chất lượng.

Các bác sĩ khuyến cáo để đảm bảo an toàn, cần tiêm filler làm đẹp ở cơ sở y tế uy tín. Người tiêm filler phải là bác sĩ chuyên gia về tạo hình thẩm mỹ da liễu, có chứng chỉ hành nghề. Bên cạnh đó, khách hàng cần chọn sản phẩm tiêm filler có nguồn gốc, kiểm chứng độ an toàn, tinh khiết; sau khi tiêm cần được theo dõi và được xử trí kịp thời để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. (Thanh niên, trang 3).

 

Nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình

TP Hồ Chí Minh đang triển khai mạng lưới phòng khám bác sĩ gia đình tại các quận, huyện trên địa bàn. Bệnh viện quận 2 là một trong những đơn vị đi đầu trong việc phát huy hiệu quả hoạt động của mô hình này tạo niềm tin cho người dân khi đến khám bệnh.

Cô Nguyễn Thị Anh, nhà ở phường Thạnh Mỹ Lợi cho biết, cô khám bác sĩ gia đình của Bệnh viện quận 2 đã nhiều năm nay. Ban đầu, cũng chưa biết thế nào là bác sĩ gia đình, nhưng khi được giới thiệu và thực tế nhiều người đến khám và điều trị rất hiệu quả, nên cô đã chọn đến khám ở đây. Cô Anh cảm thấy hài lòng về chất lượng phục vụ cũng như sự nhiệt tình của đội ngũ nhân viên y tế. Bây giờ, khi thấy trong người không khỏe, cô tin tưởng đến địa chỉ này để khám bệnh, mà không cần đi đến các cơ sở khác.

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện quận 2 cho biết, mô hình phòng khám bác sĩ gia đình (trực thuộc Khoa khám bệnh) được triển khai tại bệnh viện từ tháng 10-2012 với sự hỗ trợ của Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh. Ðây là một trong ba đơn vị của thành phố thực hiện thí điểm mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Thời gian đầu, phòng khám chỉ có hai bàn khám, với hai bác sĩ. Người bệnh vẫn chưa biết về mô hình này, nên phòng khám bác sĩ gia đình tại bệnh viện vẫn trong tình trạng "vườn không, nhà trống". Tuy nhiên, sau khi đến khám thấy có kết quả tốt, số lượng người bệnh đến khám tăng dần lên. Nếu trong những tháng đầu tiên, mỗi ngày chỉ có vài chục lượt người bệnh đến khám thì sau một năm, con số này đã lên đến hơn 100 lượt. Ðến nay mỗi ngày trung bình có khoảng 300 lượt người bệnh đến khám bệnh; phòng khám cũng tăng cường thêm nhân lực và tổ chức bốn bàn khám.

Theo bác sĩ Lê Thanh Toàn phụ trách Phòng khám bác sĩ gia đình Bệnh viện quận 2, bác sĩ gia đình phải nắm được năm chuyên khoa lớn là: nội, ngoại, sản, nhi và tâm thần. Vì thế, bác sĩ gia đình có thể giải quyết được phần lớn vấn đề về chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân. Ðây chính là khác biệt của phòng khám bác sĩ gia đình so với những phòng khám khác. Chính vì thế, người bệnh tìm đến phòng khám gia đình ngày càng đông. Không chỉ người bệnh trên địa bàn quận 2, mà thu hút nhiều người từ các quận khác trong thành phố, thậm chí có người đến từ các tỉnh lân cận: Ðồng Nai, Tiền Giang… Hiện nay, bên cạnh khám bệnh, Bệnh viện quận 2 còn là địa chỉ đáng tin cậy trong việc đào tạo, thực hành về chuyên ngành y học gia đình.

Không chỉ xây dựng phòng khám bác sĩ gia đình, Bệnh viện quận 2 còn hỗ trợ các trạm y tế trên địa bàn quận thực hiện mô hình này. Hiện nay, bệnh viện đã đưa bác sĩ xuống các trạm y tế tại các phường Bình Trưng Tây, Thảo Ðiền để giúp các trạm thực hiện tốt mô hình bác sĩ gia đình gắn với trạm y tế phường, xã. Song song đó, để nâng cao, đa dạng loại hình chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, Bệnh viện quận 2 đang triển khai thí điểm mô hình khám bệnh tại nhà theo yêu cầu. Bác sĩ Trần Văn Khanh thông báo: Từ năm 2018 đến nay, bệnh viện đã thực hiện hơn 700 ca khám bệnh tại nhà. Sau khi đạt con số 1.000 ca, bệnh viện sẽ báo cáo về UBND thành phố để đánh giá hiệu quả mô hình.

Theo bác sĩ Trần Văn Khanh, để mô hình bác sĩ gia đình ngày càng được mở rộng và phát huy hiệu quả, ngành y tế thành phố cần giải quyết được bài toán nhân sự. Thực tế cho thấy, việc thiếu hụt bác sĩ được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn về y học gia đình khiến cho việc phát triển mô hình này tại các quận, huyện, trạm y tế gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều nơi vẫn còn thiếu sự quan tâm đến phát triển y học gia đình, nên sau một thời gian thành lập, nhiều cơ sở đã không còn được duy trì hoặc duy trì nhưng không phát huy được hiệu quả.

Các nghiên cứu trong nước và nước ngoài cho thấy, có tới 80 đến 85% số người đến cơ sở y tế khám bệnh đều là những bệnh thông thường. Chính vì thế, bác sĩ gia đình đóng vai trò quan trọng đối với chăm sóc sức khỏe ban đầu; đồng thời nếu phát triển tốt mạng lưới bác sĩ gia đình còn góp phần làm giảm tình trạng quá tải bệnh viện (Nhân dân, trang 5).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang