Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/11/2022

  • |
T5g.org.vn - Bác sĩ bất lực nhìn bệnh nhân ung thư chật vật chờ xạ trị; Thời tiết chuyển mùa, bệnh nhi nhập viện tăng đột biến; Ngành Y tế có nhiều ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư nhất năm 2020; Bộ Y tế đề xuất tiêu chí thuốc đưa vào danh mục thuốc đầu thầu tập trung quốc gia…

 

Bác sĩ bất lực nhìn bệnh nhân ung thư chật vật chờ xạ trị

Máy xạ trị là “cơ hội sống” của bệnh nhân ung thư, nhưng đã nhiều tháng nay, do thiếu trầm trọng các loại máy móc thiết bị y tế, đặc biệt là máy xạ trị, nên việc điều trị của các bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K (Hà Nội) trở nên khó khăn, khổ sở vô cùng. Hàng nghìn bệnh nhân ung thư đang phải chịu đựng những ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe và tinh thần. Tình cảnh này đã khiến các bác sĩ cũng phải bất lực.   

Bệnh nhân chờ xạ trị cả đêm, máy móc chạy không ngừng nghỉ

Bệnh nhân Phạm Thị C. (ở Hải Dương) chưa lúc nào vơi lo lắng về tình hình bệnh tật của mình. 

"Như hôm nay, chờ mãi để được hẹn vào xạ trị lúc 15h nhưng đến giờ gần 17h rồi mà tôi vẫn chưa được xạ. Rất nhiều bệnh nhân đã phải thức thâu đêm suốt sáng chờ xạ trị" - bà C chia sẻ. 

Nhiều tháng nay, mỗi lần đi bệnh viện điều trị, phải chờ để được xạ trị, đối với bà giống như một cơn ác mộng vậy.

Đã ròng rã nhiều tháng trời điều trị ung thư thực quản tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, ông Phan Đình Thứ (53 tuổi, đến từ Đắk Lắk) quá quen với cảnh thức thâu đêm suốt sáng để được xạ trị. Lượng bệnh nhân đông, vì vậy để được xạ trị, ông Thứ phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ. Nhiều khi, được người nhà đẩy xe xuống đến nơi, sau khi chờ đợi 2 giờ đồng hồ, bác sĩ lại buồn bã chạy ra thông báo máy xạ trị gặp trục trặc. 

Sức khỏe của bệnh nhân Nguyễn Văn Tấn (đang nằm điều trị tại Khoa Xạ 5) đã nhiều ngày nay không được tốt, phải ăn bằng xông. Để đi lại, ông Tấn cần sự giúp đỡ của người nhà. Mỗi lần đi xạ trị, phải chờ đợi lâu, mặc dù rất mệt và đau đớn, nhưng ông Tấn luôn phải tự động viên bản thân: "Mình được đi xạ trị vào ban ngày đã là tốt rồi. Thời gian trước, phải thức đêm để đi xạ trị, còn khổ hơn rất nhiều lần".

Cũng đang điều trị ung thư thực quản tại Khoa Xạ 5 - Bệnh viện K Tân Triều, cứ khoảng 2-3 giờ sáng, ông Nguyễn Đình Sân (73 tuổi - ở Lạng Sơn) lại được người nhà dìu xuống khu xạ trị để được điều trị. Suốt cả đêm, ông không thể nào ngủ được, thường thức giấc vì lúc nào trong phòng cũng có người ra, người vào để thay nhau đi xạ trị. Máy móc chạy suốt đêm để đáp ứng nhu cầu bệnh nhân.

Bác sĩ bất lực vì thiếu máy móc, không thể cứu bệnh nhân

Trao đổi với phóng viên Lao Động, TS BS cao cấp Võ Văn Xuân - Trưởng khoa Xạ trị 5, Bệnh viện K - cho biết, ông và các đồng nghiệp cũng đã nhiều lần cảm thấy bất lực trước tình trạng thiếu máy móc, không có trang thiết bị, phương tiện để điều trị cho bệnh nhân. Cảm giác không cứu được bệnh nhân, như là một sự tra tấn tinh thần đối với các thầy thuốc. 

"Không được điều trị kịp thời, trước hết là bệnh nhân sẽ rất đau đớn. Việc điều trị kéo dài thời gian chắc chắn cũng ảnh hưởng đến quá trình tiến triển của bệnh, phải chờ xạ trị đến 1 tháng, bệnh ung thư có thể nhảy từ giai đoạn 1 lên giai đoạn 2, giai đoạn 3 lên giai đoạn 4. Vì vậy, vấn đề điều trị cho bệnh nhân ung thư, phải giải quyết càng sớm càng tốt" - bác sĩ Xuân nói. 

Theo chuyên gia này, ngoài ra, việc thiếu máy móc khiến các bệnh nhân ung thư bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề, luôn đặt câu hỏi liệu mình có được điều trị sớm hay không. "Bệnh nhân có điều kiện, có thể điều trị bằng máy xạ trị liên doanh, giá dịch vụ cao hơn; dù là kỹ thuật điều trị, máy móc như nhau, nhưng các bệnh nhân nghèo thì lấy đâu ra tiền để được điều trị bằng máy đó, họ có được điều trị bằng máy do nhà nước đầu tư để giảm chi phí hay không" - bác sĩ Xuân nói. 

Theo ghi nhận của phóng viên Lao Động, hiện nay ở cơ sở Tân Triều có 7 máy xạ trị, trong đó có 3 máy của liên doanh, 3 máy của Nhà nước đầu tư. Trong đó, 3 máy của liên doanh thì được duy tu, bảo dưỡng nhanh hơn, nhưng 3 máy xạ trị của Nhà nước đầu tư thì hiện nay có đến 2 máy đang hỏng, chỉ 1 máy đang hoạt động bình thường với công suất tối đa là 240 - 250 bệnh nhân/24 giờ (trong khi đó, các loại máy này trên thế giới chỉ xạ trị 40-50 bệnh nhân/24 giờ). 

Bác sĩ Xuân cho hay: Với 5 khoa xạ trị, khoảng 2200 - 2300 bệnh nhân cần phải điều trị hàng ngày, nếu 7 chiếc máy xạ trị này hoạt động tốt thì vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu điều trị. Vì vậy, bệnh viện đang cần rất nhiều máy xạ trị. 

"Các máy xạ trị do Nhà nước đầu tư đã 5-7 năm, sắp hết niên hạn và sắp không thể sử dụng nữa. Chúng tôi cần ít nhất 10 cái máy xạ trị mới đủ để điều trị cho bệnh nhân. Và nguồn vốn, chỉ có thể do Nhà nước đầu tư. Nếu Nhà nước không đầu tư thì thực sự không thể đáp ứng được điều trị" - bác sĩ Xuân nói. 

Hơn nữa, theo ông, vấn đề điều trị ung thư là một vấn đề xã hội. Bệnh đã nặng, hiểm nghèo, bệnh nhân cần phải chi tiêu ít tiền nhất, để làm sao họ trở về với cuộc sống, tạm thời khống chế bệnh tật, ổn định sau điều trị. Cứu bệnh nhân ung thư, là vấn đề cần được Nhà nước và cả xã hội quan tâm, chung tay, giúp đỡ. 

Bệnh viện tự chủ, người bệnh ung thư phải trả chi phí điều trị cao hơn

GS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K - cho biết: Sau 2 năm thí điểm tự chủ toàn diện, Bệnh viện K đang gặp khó khăn lớn về tài chính. Các thách thức bệnh viện phải đối mặt cũng rất nhiều, như không có vốn để đầu tư, giá viện phí chưa được tính đúng tính đủ, áp lực phải nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và cạnh tranh với các bệnh viện tư nhân để thu hút bệnh nhân. Về phía người bệnh, họ phải trả chi phí điều trị cao hơn.

"Thực tế, dù tự chủ hay không thì bệnh nhân đến Bệnh viện K vẫn đông, hiện số bệnh nhân tăng 30-40% so với trước dịch là bệnh viện đã quá tải, tuy nhiên nguồn thu giảm 1/3 so với trước", ông Quảng nói. 

Theo Giám đốc Bệnh viện K, trước đây bệnh viện có 9 máy xạ trị, nay chỉ có 5 máy hoạt động. Có máy đã hết khấu hao, nên các máy còn lại hiện hoạt động hết công suất 23-24 tiếng/ngày, bệnh nhân thức cả đêm xạ trị. Hiện nay, bệnh viện cần khoảng 10 máy xạ trị nữa, giá một máy là 130 tỉ đồng, nên để đầu tư thì cần rất nhiều tiền, bệnh viện không thể lo nổi. (Lao động, trang 1).

 

Thời tiết chuyển mùa, bệnh nhi nhập viện tăng đột biến

Thống kê của BV Trung ương Huế cho thấy, mỗi ngày có khoảng 300-350 bệnh nhi được đưa tới để thăm khám và nhập viện điều trị.
Ngày 22/11, trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, ThS.BS Phạm Hữu Trí - Phó Giám đốc Trung tâm Nhi, BV Trung ương Huế cho biết, mỗi ngày có khoảng 300-350 bệnh nhi đến thăm khám và nhập viện điều trị ở trung tâm khiến một số khoa bị quá tải. Tuy nhiên, dù quá tải nhưng với sự nỗ lực của các y, bác sĩ thì mọi việc vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Theo ThS.BS Phạm Hữu Trí, các bệnh nhi tăng đột biến và tập trung ở 2 khoa là Khoa Nhi - Tiêu hóa - Dinh dưỡng - Bệnh nhiệt đới và Khoa Nhi Hô hấp - Miễn dịch - Dị ứng.

Ở Khoa Nhi - Tiêu hóa - Dinh dưỡng - Bệnh nhiệt đới, các bệnh nhi nhập viện chủ yếu vì sốt xuất huyết (ở đủ độ tuổi) và rối loạn đường tiêu hóa (chủ yếu từ 3 đến 5 tuổi).

Trong khi đó, tại Khoa Nhi Hô hấp - Miễn dịch - Dị ứng, BSCKII Nguyễn Mạnh Phú – Trưởng khoa cho biết, ca bệnh hiện nay chủ yếu là bệnh viêm phổi, hen phế quản… Số lượng bệnh vào điều trị, ra trong ngày khoảng 20-30 bệnh. Tổng số bệnh đang điều trị tại Khoa hiện nay là 90-100 bệnh, cao hơn so với thông thường thường chỉ từ 50-70 bệnh.

Đang chăm con điều trị ở Khoa Nhi - Tiêu hóa - Dinh dưỡng - Bệnh nhiệt đới, chị Trần Thị Uốn (37 tuổi, trú huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho biết, con chị bị sốt, co giật, sợ bệnh diễn tiến nặng nên gia đình quyết định đưa cháu vào Bệnh viện Trung ương Huế để khám và điều trị. "Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị sốt xuất huyết, sau nhiều ngày được điều trị tích cực thì hiện tại cháu đã ổn và cần theo dõi thêm 1 thời gian nữa thì được xuất viện", chị Uốn nói.

ThS.BS Trần Thị Hạnh Chân – Phó Trưởng khoa Nhi tiêu hóa – Dinh dưỡng – Bệnh nhiệt đới cho biết, thời điểm này, số bệnh nhi nhập viện tại khoa tăng, với các bệnh chủ yếu là sốt, nôn mửa, viêm ruột. Do số lượng đông, bệnh viện phải bố trí giường đôi để đáp ứng yêu cầu điều trị cho các bệnh nhi.

Lý giải nguyên nhân số lượng bệnh nhi tăng, ThS.BS Phạm Hữu Trí cho biết, thời điểm này nằm trong chu kỳ bùng dịch sốt xuất huyết nên bệnh nhi bị sốt xuất huyết nhập viện tăng. Ngoài ra, đây là thời điểm giao mùa cũng như năm nay thời tiết khắc nghiệt nên bệnh nhi bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp tăng cao. Nhiều trẻ diễn biến nặng vì một lúc mắc nhiều bệnh nên khó khăn cho việc theo dõi, điều trị. ThS.BS Phạm Hữu Trí khuyến cáo, các bậc phụ huynh có con em có tiền sử bệnh hen phải đặc biệt để ý đến sức khỏe của trẻ. Phải đảm bảo cho trẻ ăn đủ dinh dưỡng; đảm bảo thân nhiệt cho trẻ nhất là buổi sáng và buổi tối.

Khi đi ra đường cần mặc đủ ấm cho các cháu tránh lạnh, gió lùa. Khi trẻ lên cơn hen, phụ huynh đã dùng thuốc đặc hiệu nhưng trẻ vẫn khó thở, diễn biến nặng thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để y, bác sĩ kịp thời xử lý.

ThS.BS Phạm Hữu Trí cũng cho hay, tính đến thời điểm này, chưa có thống kê hay nghiên cứu đánh giá nào cụ thể về việc ảnh hưởng hậu COVID-19 đến tình hình bệnh ở trẻ em hiện nay. Tuy nhiên, cơ thể của trẻ từng bị mắc COVID-19 chắc chắn sẽ bị giảm sức đề kháng cũng như yếu về đường hô hấp. Vì vậy, khi đến thăm khám tại các cơ sở y tế thì gia đình tuyệt đối lưu ý phải khai báo là trẻ đã từng mắc COVID-19 hay chưa để bác sĩ nắm thông tin cũng như tìm phác đồ điều trị phù hợp.

"Hiện tại ở Trung tâm cũng đang điều trị cho 1 số bệnh nhi bị hen và sốt xuất huyết diễn tiến nặng đến rất nặng, nhiều bệnh nhi buộc trung tâm phải áp dụng Kỹ thuật ECMO để qua cơn nguy kịch", ThS.BS Phạm Hữu Trí thông tin. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Ngành Y tế có nhiều ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư nhất năm 2020

Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa ban hành quyết định công nhận 383 ứng viên giáo sư, phó giáo sư đạt chuẩn chức danh năm 2022.
Trong 383 nhà khoa học đạt chuẩn chức danh năm nay có 34 giáo sư và 349 phó giáo sư ở 28 ngành/liên ngành. Ngành nhiều ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư nhất là Y học với 7 ứng viên. Ngành nhiều ứng viên đạt tiêu chuẩn PGS nhất là Kinh tế với 45 ứng viên và Hóa học - Công nghệ thực phẩm 43 ứng viên.

Những ứng viên ngành Y đạt tiêu chuẩn giáo sư gồm: Nguyễn Duy Ánh (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội); Bùi Vũ Huy (Trường Đại học Y Hà Nội); Lâm Khánh (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108); Nguyễn Như Lâm (Học viện Quân y); Nguyễn Ngọc Sáng (Trường Đại học Y Dược Hải Phòng); Trần Huy Thịnh (Trường Đại học Y Hà Nội); Ngô Minh Xuân (Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch).

Hội đồng Giáo sư Nhà nước yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học có ứng viên đạt chuẩn trong danh sách tổ chức công nhận và trao quyết định.

So sánh với danh sách các ứng viên đã được Hội đồng Giáo sư Nhà nước thông qua trong phiên họp lần thứ 10 (ngày 29/10), cho thấy tất cả các ứng viên đều đã được hội đồng thông qua đều được nhận quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư.

Sau khi có quyết định công nhận nhà giáo đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư, các trường ĐH phải làm thêm bước bổ nhiệm thì người được công nhận mới chính thức trở thành giáo sư, phó giáo sư.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có 232 trường đại học, chưa kể các trường công an, quân đội. Hiện nay, cả nước có hơn hơn 4.600 phó giáo sư, và 550 giáo sư. Như vậy, bình quân mỗi trường chỉ có khoảng 2 giáo sư, khoảng 19 phó giáo sư. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Bộ Y tế đề xuất tiêu chí thuốc đưa vào danh mục thuốc đầu thầu tập trung quốc gia

Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư ban hành Danh mục thuốc đấu thầu, Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương, Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá và Danh mục thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp.
Theo dự thảo, các mặt hàng thuốc đưa vào Danh mục thuốc đấu thầu phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau:

1- Thuốc thuộc các danh mục do Bộ Y tế ban hành bao gồm: Danh mục thuốc hóa dược, vaccine, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế; Danh mục thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế; Danh mục thuốc thiết yếu của Việt Nam;

2- Thuốc trong các danh mục là thuốc hóa dược, vaccine, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền được cấp phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam, trừ thuốc quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 70 Luật dược;

3- Thuốc được mua để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Thuốc được đưa vào Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:

1- Thuốc sử dụng cho các chương trình, dự án, đơn vị cấp quốc gia;

2- Thuốc đáp ứng tất cả các tiêu chí sau: Thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu và không thuộc Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá; thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị hoặc số lượng tại các cơ sở y tế trên cả nước; thuốc đã có ít nhất đồng thời từ 3 giấy đăng ký lưu hành của ít nhất 3 cơ sở sản xuất đáp ứng tiêu chí kỹ thuật quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 15/2019/TT-BYT.

Thuốc được đưa vào Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương phải đáp ứng tất cả các tiêu chí sau đây:

1- Thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu và không thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá;

2- Thuốc thuộc Danh mục thuốc thiết yếu do Bộ Y tế ban hành;

3- Thuốc có từ 3 giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam theo dạng bào chế, nhà sản xuất;

4- Thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị hoặc số lượng ở các cơ sở y tế tuyến tỉnh, thành phố;

5- Thuốc được sử dụng ở nhiều cơ sở, tuyến điều trị tại địa phương.

Thuốc được đưa vào Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:

1- Thuốc thuộc danh mục thuốc biệt dược gốc do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;

2- Thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;

3- Thuốc chỉ có một hoặc hai nhà sản xuất.

Thuốc đưa vào Danh mục thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp phải đáp ứng tất cả các tiêu chí sau đây:

1- Thuộc danh mục thuốc đấu thầu;

2- Đã có ít nhất từ 3 số đăng ký của ít nhất 3 nhà sản xuất trong nước theo nhóm tiêu chí kỹ thuật;

3- Giá thuốc trúng thầu trung bình của thuốc sản xuất trong nước không cao hơn so với thuốc nhập khẩu có tiêu chí kỹ thuật tương đương (phù hợp với các quy định ưu đãi cho thuốc sản xuất trong nước tại Luật Đấu thầu);

4- Bảo đảm khả năng cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế khi không mua thuốc nhập khẩu có tiêu chí kỹ thuật tương đương với thuốc sản xuất trong nước.

Đề xuất Danh mục thuốc

Tại dự thảo, đối với Danh mục thuốc đấu thầu, phần Danh mục thuốc hóa dược, Bộ Y tế đề xuất giữ nguyên 1197 thuốc, bỏ 29 vaccine, bổ sung danh mục 70 thuốc mới được cấp Giấy đăng ký lưu hành.

Phần Danh mục thuốc phóng xạ và hợp chất đánh dấu, Bộ Y tế đề xuất giữ nguyên 59 thuốc; Danh mục thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, Bộ Y tế đề xuất giữ nguyên 367 thuốc; Bộ Y tế cũng đề nghị giữ nguyên 403 vị thuốc thuộc Danh mục thuốc y học cổ truyền, bổ sung 90 vaccine vào Danh mục vaccine…

Đối với Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, Bộ Y tế đề xuất giữ nguyên danh mục 50 thuốc, bổ sung dạng bào chế. Đối với Danh mục thuốc sử dụng cho các chương trình, dự án, đơn vị cấp quốc gia, Bộ Y tế đề xuất loại bỏ 6 thuốc thuộc Dự án phòng, chống một số bệnh có tính chất nguy hiểm đối với cộng đồng (bệnh sốt rét), giữ nguyên danh mục thuốc cho các chương trình, dự án khác. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Hơn 314.000 người mắc sốt xuất huyết, 115 ca tử vong

Ngày 23/11 Bộ Y tế cho biết tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 314.271 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 115 trường hợp tử vong. So với cùng kì năm 2021 số mắc tăng 4,9 lần, số tử vong tăng 91 trường hợp.

Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội có 13.437 ca mắc SXH (số mắc tăng gấp 4,2 lần so với cùng kì năm 2021); trong đó có 16 ca tử vong (cùng kì năm 2021 không có ca tử vong). Hiện là thời gian cao điểm của dịch SXH tại Hà Nội, dự báo dịch có thể tiếp tục gia tăng trong cuối tháng 11 và sẽ giảm vào tháng 12.

TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, SXH dengue do 4 type huyết thanh của virus dengue gây ra. Nhiễm virus dengue thứ phát có thể làm tăng nguy cơ SXH nghiêm trọng hơn như: tăng tỉ lệ tràn dịch màng phổi, cổ chướng, giảm tiểu cầu và thoát huyết tương, nhưng không ảnh hưởng đến sự cô đặc máu.

“Những lần nhiễm virus về sau sẽ khiến người bệnh có thể diễn biến nặng hơn so với lần nhiễm trước đó”, bác sĩ Hải nói.

Theo các bác sĩ, khi nào thì biết đã khỏi SXH là băn khoăn của nhiều người. Thực tế, với những người bị bệnh, sau một vài ngày thấy triệu chứng sốt đã giảm hoặc không còn, dẫn tới lầm tưởng đã khỏi bệnh.

Tuy nhiên, đây mới thực sự là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh vì tiểu cầu bắt đầu giảm. Nếu tình trạng tiểu cầu giảm nhanh và nhiều có thể gây ra các triệu chứng xuất huyết như: xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam..., thậm chí có thể xuất huyết đường tiêu hóa hay xuất huyết não..., rất nguy hiểm.

Vì vậy, căn cứ vào 3 dấu hiệu dưới đây, các bác sĩ sẽ đánh giá bệnh đã thuyên giảm hoặc khỏi: cơ thể đã giảm dần sự mệt mỏi và bắt đầu thèm ăn hoặc cảm giác ngon miệng quay trở lại; các nốt ban mới không xuất hiện thêm nữa và vết cũ thì bắt đầu mờ dần, cùng với đó, cảm giác ngứa ngáy, khó chịu cũng giảm theo; xét nghiệm tiểu cầu là tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá tình trạng bệnh đã thuyên giảm hay chưa. (Tiền phong, trang 6; Hà Nội mới, trang 7).

 

Dịch bệnh bùng phát vì “nợ miễn dịch”

Gần đây, số người bệnh tới khám tại các bệnh viện tăng cao, đặc biệt là trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp, cúm, sốt xuất huyết, Adenovirus… Dù chỉ là các bệnh truyền nhiễm thông thường nhưng lại đang diễn biến phức tạp, không theo mùa; nhiều ca tăng nặng, thời gian mắc bệnh kéo dài. 
Áp lực lớn

Gia đình chị Hà Đức Hạnh (quận 3, TPHCM) có 4 người thì cả 4 bị ho, sốt. Con gái lớn học lớp 11 ho đã 1 tuần, uống thuốc 3 ngày nhưng bệnh vẫn chưa giảm; con trai nhỏ học lớp 2 mới bị ho, sốt sau khi đi học về. “Dẫn con đến phòng mạch gần nhà, bác sĩ chỉ kê kháng sinh nhưng cháu uống hoài chưa giảm”, chị Hạnh cho biết và chia sẻ có cho con đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 nhưng bệnh viện quá tải, xếp hàng chờ đợi rất lâu, bác sĩ cũng chỉ định cho về nhà và uống thuốc. 

Theo TS-BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1, hiện bệnh viện vẫn đang bị quá tải bệnh nhi bị bệnh hô hấp, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng. Phần lớn bệnh nhi từ các tỉnh, thành khác chuyển đến sau khi điều trị ở địa phương không khỏi nên chuyển đến TPHCM trong điều kiện bệnh nặng hơn, có nhiều trường hợp phải thở máy.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ nhập viện cũng tăng vọt và trước diễn biến thất thường của các bệnh do virus gây viêm đường hô hấp, bệnh viện đã thành lập khu vực điều trị riêng cho trẻ nhiễm Adenovirus dưới 3 tuổi và có gần 50% bệnh nhi suy hô hấp phải thở oxy, thở máy. Thống kê tại bệnh viện, từ đầu năm 2022 tới nay, bệnh viện đã tiếp nhận trên 3.130 ca mắc Adenovirus, trong đó có 9 ca trẻ tử vong. 

Trong khi đó, TS Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết số trẻ đến khám và nhập viện liên tiếp tăng trong những tháng qua, trong đó chủ yếu là các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Ngoài ra, trẻ còn gặp các mặt bệnh hàng năm theo mùa như sốt xuất huyết, các nhiễm trùng đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, bệnh viêm não cấp tính. Hiện mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 100-200 bệnh nhân đến khám, số trẻ nhập viện điều trị nội trú cũng tăng lên. 

Theo các bác sĩ, trong các tác nhân gây nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ nhỏ có tới 80% là do virus. Ở thời điểm này, ngoài những virus phổ biến theo mùa như cúm A, cúm B, RSV, Rhinovirus, Adenovirus… thì 2 tác nhân có thể gặp là virus cúm và Covid-19. Như vậy, cùng một lúc rất nhiều tác nhân gây bệnh lưu hành. Mặt khác, trong gần 3 năm dịch Covid-19 xảy ra, việc tiêm phòng cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng ít nhiều bị ảnh hưởng nên cũng là một trong những lý do khiến số trẻ bị bệnh tăng.

Ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ em

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Chủ nhiệm Bộ môn Nhi, Đại học Y Hà Nội, thực tế số ca trở nặng tăng cao trên toàn quốc, ghi nhận trên cả người lớn và trẻ nhỏ. Hiện nhiều dịch bệnh đã diễn biến trở nên phức tạp, không tuân theo mùa, ghi nhận nhiều ca tăng nặng, thời gian mắc bệnh kéo dài. Điều này được lý giải có nguyên nhân cộng hưởng do “nợ miễn dịch” sau thời gian giãn cách xã hội và giảm tiếp xúc trong dịch Covid-19 trước đó. 

Nợ miễn dịch là hiện tượng xảy ra do không tiếp xúc với vi khuẩn và virus một cách thường xuyên. Trong thời gian thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus Covid-19 trước đây như giãn cách xã hội, tăng cường rửa tay và khử trùng, đeo khẩu trang đã góp phần vào việc ngăn chặn sự lây lan của các loại bệnh thông thường. Mặc dù đem lại tác dụng có lợi ngắn hạn nhưng khi các biện pháp ngăn ngừa này không còn phổ biến, trẻ quay lại trường học, tham gia hoạt động cộng đồng thì nguy cơ bùng phát các bệnh thông thường do virus và vi khuẩn tăng lên. 

“Nợ miễn dịch ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển miễn dịch của trẻ em, làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh nhiễm trùng ở trẻ em trong thời kỳ hậu Covid-19”, PGS-TS Nguyễn Thị Diệu Thúy thông tin; đồng thời cho biết, suy giảm miễn dịch sau Covid-19 còn gây khó khăn trong đào thải virus và chống nhiễm trùng thứ phát. Khi xảy ra nhiễm trùng thứ phát sau nhiễm Covid-19 trẻ còn có nguy cơ bị nặng hơn khoảng 5%-15,5%.

Đồng quan điểm, TS-BS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho rằng, hiện TPHCM đang giao mùa, trời vẫn mưa nên nhiều người dân bị cảm cúm, nhiễm siêu vi, nhiễm trùng đường hô hấp. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tuy nhiên, việc phân biệt nhiễm siêu vi, cảm cúm và Covid-19 cũng khó, vì các bệnh này đều có thể mắc triệu chứng giống nhau ở đường hô hấp trên (hắt hơi, sổ mũi, đau họng) và sốt.

Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, hiện đang là mùa bệnh lý đường hô hấp nên người dân cần dùng các biện pháp dự phòng không dùng thuốc, như vệ sinh tay, ho - hắt hơi phải che, người có triệu chứng đường hô hấp thì hạn chế đến nơi đông người, nếu đi thì mang khẩu trang. Trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 cần tự xét nghiệm, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ (phụ nữ có thai, người già, suy giảm miễn dịch) để có biện pháp bảo vệ. (Sài Gòn giải phóng, trang 11).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang