Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/2/2020

  • |
T5g.org.vn - Đề nghị cách ly người về từ vùng dịch Hàn Quốc; Chưa ghi nhận nCoV có biến thể mới; Hà Nội: Đề xuất cách ly tại nhà với người Hàn Quốc đến từ vùng có dịch; Bộ Y tế ra khuyến cáo chống dịch Covid-19 tại các khu dịch vụ; Đề nghị hỗ trợ thêm cho nhân viên y tế trực tiếp chống dịch COVID-19

 

Đề nghị cách ly người về từ vùng dịch Hàn Quốc

Trước những diễn biến nhanh và phức tạp của tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc, Nhật Bản, chiều 23.2 Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội triệu tập họp khẩn đề ra biện pháp ứng phó. Chủ tịch UBND TP.HN Nguyễn Đức Chung cho biết, tuy chưa có thông tin nào từ Ban Chỉ đạo quốc gia xem Hàn Quốc là vùng dịch, nhưng Hà Nội phải chủ động nắm bắt tình hình, vì 15 - 20 ngày qua người Hàn Quốc vẫn qua lại Việt Nam bình thường và lượng người Hàn Quốc ở Hà Nội là rất lớn (thống kê sơ bộ có khoảng 20.000 - 25.000 người Hàn Quốc thường xuyên cư trú tại Hà Nội). Ngược lại, số người Việt Nam lao động, học tập ở Hàn Quốc cũng rất nhiều, nên nếu dịch Covid-19 ở Hàn Quốc diễn biến phức tạp như Vũ Hán (Trung Quốc), phải đưa người về, thì Hà Nội phải tiếp nhận hàng chục ngàn người chứ không ít. Cách ly tập trung người Việt về từ vùng dịch

Theo Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, tuy chưa có thông tin chính thức, nhưng theo nguồn tin từ đồng nghiệp và các nguồn khác nhau, hiện có khoảng 26.000 người VN đang cư trú tại 2 địa phương có dịch ở Hàn Quốc là Daegu và Bắc Gyeongsang. Hằng ngày, có 14 chuyến bay từ Daegu về Đà Nẵng và 7 chuyến về Cam Ranh, nhưng từ 17.2 đã dừng bay từ Daegu về Đà Nẵng, hiện chỉ còn 4 chuyến/tuần đến Cam Ranh. Trước diễn biến tình hình dịch ở Hàn Quốc, ông Hạnh đã đưa ra 4 đề xuất đề nghị UBND TP có chỉ đạo cụ thể.

Thứ nhất, đề xuất cách ly tại nơi cư trú 14 ngày đối với những người Hàn Quốc đến từ vùng có dịch. Tuy nhiên, do có liên quan đến người nước ngoài, nên Sở Y tế cũng đề nghị Sở Ngoại vụ có ý kiến thêm. Thứ hai, với người Việt Nam đi từ vùng có dịch của Hàn Quốc trở về Hà Nội, đề xuất cách ly tập trung 14 ngày. Do lượng người dự kiến sẽ lớn, nên ông Hạnh đề nghị Bộ Tư lệnh thủ đô tổ chức bố trí cách ly, Sở Y tế sẽ phối hợp việc giám sát sức khỏe. Thứ ba, tất cả những người đi từ nước ngoài về, nhất là ở các nước có dịch, các xã, phường phải nắm được danh sách và lịch trình của họ. Thứ tư, cần tiếp tục khuyến cáo người dân không nên đi du lịch sang các đất nước có dịch. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền lưu ý thêm, khả năng kiểm soát dịch tới đây khó khăn và việc tái phát dịch ngoài Trung Quốc là cao. Do đó, Sở Y tế sẽ rà soát với Bộ Y tế về việc cách ly với những người đi về từ các nước có dịch như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và sẽ thông báo cụ thể để các địa phương tiến hành cách ly theo quy định.

“Có điều nguy hiểm là những người Việt đi nước ngoài về, chúng ta chưa kiểm soát được. Đề nghị các quận, huyện chủ động tuyên truyền, gặp gỡ đề nghị họ hạn chế tiếp xúc trong 14 ngày. Nếu tiếp xúc với ai, họ chủ động ghi nhớ để có vấn đề ta nắm bắt ngay. Các khu vui chơi, đặc biệt sân golf, rất nhiều khách Hàn Quốc sang, đề nghị phải kiểm soát”, ông Hiền nói.

Theo báo cáo của lãnh đạo các quận, huyện, địa bàn tập trung người Hàn Quốc nhiều nhất là Q.Nam Từ Liêm, với 9.127 người, trong đó tạm trú dài hạn 8.166 người, ngắn hạn là 961 người; Q.Bắc Từ Liêm với hơn 3.000 người; Q.Cầu Giấy với 3.064 người Hàn; Q.Thanh Xuân có 1.600 người, trong đó 1.200 ở Royal City, 200 người ở P.Nhân Chính và 200 ở các khu chung cư tại P.Thanh Xuân Trung. “Royal City tập trung dày đặc người Hàn Quốc, trong đó có những người vừa trở lại Việt Nam từ sau tết”, ông Nguyễn Xuân Lưu, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND Q.Thanh Xuân, cho biết.

Tuy đã nắm sơ bộ được các con số trên, nhưng điều khiến Hà Nội lo lắng là hiện chưa có bất cứ biện pháp phòng dịch nào được áp dụng với công dân của những nước có dịch, trừ Trung Quốc.

“Thời gian vừa qua, Hà Nội mới rà soát, nắm tình hình chứ chưa có biện pháp gì cách ly. Nên chúng ta không được chủ quan. Từ cán bộ chủ chốt đến cán bộ chuyên môn phải hết sức chủ động, có trách nhiệm, nắm được công việc, nếu không sau này là chồng chéo đấy”, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu. Ông Chung cũng lưu ý các quận, huyện phải tiếp tục tuyên truyền bằng cả tiếng Anh, tiếng Hàn để người nước ngoài ở Việt Nam đồng thuận với các biện pháp phòng dịch, tránh trường hợp bị phản ứng về mặt ngoại giao.

TP.HCM rà soát 90.000 người Hàn Quốc

Chiều tối 23.2, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, có công văn gửi Bộ Y tế kiến nghị áp dụng khai báo y tế và cách ly kiểm dịch đối với người nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Hàn Quốc. Theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên TG đang diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt là tại Hàn Quốc với số lượng người mắc bệnh và người tử vong tăng rất nhanh. Thực tế tại TP.HCM thường xuyên tiếp nhận số lượng lớn hành khách nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Hàn Quốc, do đó nguy cơ xâm nhập dịch bệnh.

Nhằm chủ động kiểm soát bệnh xâm nhập vào Việt Nam nói chung và TP nói riêng, Sở Y tế TP kiến nghị Bộ Y tế cho phép áp dụng khai báo y tế đối với người nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Hàn Quốc; hướng dẫn áp dụng cách ly kiểm dịch đối với những người nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Hàn Quốc. Bộ Y tế sớm có chỉ đạo để Sở Y tế TP có căn cứ triển khai kịp thời.

Hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất tiến hành kiểm tra thân nhiệt và giám sát những người có triệu chứng hô hấp khi trở về trên các chuyến bay từ Hàn Quốc.

Theo thống kê của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP.HCM, có khoảng 90.000 người Hàn Quốc và 8.000 người Nhật Bản sinh sống và làm việc, học tập, là 2 nhóm dẫn đầu danh sách người nước ngoài ở TP.HCM. Cộng đồng người Hàn Quốc tập trung sinh sống ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7) và P.Thảo Điền (Q.2) nhiều nhất; còn người Nhật thì tập trung ở khu vực Q.1.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó chủ tịch UBND Q.7, cho biết toàn quận có khoảng 70.000 người nước ngoài sinh sống, làm việc. Kể từ dịch Covid-19 khởi phát, quận đã lập danh sách người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và cư trú trên địa bàn quận để theo dõi. Trong thời gian qua, quận tập trung vào việc theo dõi sức khỏe, cách ly đối với người đến từ Trung Quốc.

Còn đối với những người về từ Hàn Quốc, quận nắm danh sách nhưng không cách ly vì Sở Y tế và UBND TP chưa có bất kỳ chỉ đạo nào về việc này. Tuy nhiên, quận đã chỉ đạo công an phối hợp với các phường, ban quản trị chung cư rà soát và lập danh sách những người về từ Hàn Quốc trong vòng 14 ngày tính từ khi quốc gia này bùng phát dịch để hướng dẫn họ tự cách ly, nếu có dấu hiệu gì bất thường thì báo ngay cho chính quyền địa phương. Chính quyền quận cũng đã hướng dẫn tất cả chung cư trên địa bàn tuyên truyền về dịch bệnh bằng 4 thứ tiếng: Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và tiếng Anh.

Một lãnh đạo UBND Q.2 cho biết trong sáng 23.2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 đã giao các phường rà soát lại các chung cư có người Hàn Quốc và Nhật Bản sinh sống trên địa bàn, cập nhật thông tin nhập cảnh để chủ động theo dõi sức khỏe cư dân theo nghiệp vụ của ngành y tế.

Vị này cho biết những ngày qua, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của quận luôn cập nhật tình hình dịch bệnh và chỉ đạo thông qua các nhóm Zalo để triển khai nhanh xuống các phường chứ không chờ văn bản. Khi biết dịch Covid-19 ở Hàn Quốc bùng phát nhanh trong 2 ngày qua, quận đã lên kế hoạch rà soát để ứng phó theo diễn biến dịch bệnh hợp với tình hình (Thanh niên, trang 2).

 

Chưa ghi nhận nCoV có biến thể mới

Bộ Y tế cho biết, tới cuối giờ chiều 23-2, cả nước ghi nhận 16 trường hợp mắc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra, trong đó đã có 15 người khỏi bệnh và ra viện. Số trường hợp nghi nhiễm phải tiếp tục cách ly, theo dõi chỉ còn 12 người.

Trong ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Phó ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, cùng đoàn công tác của Bộ Y tế tới làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Cao Bằng, kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Cửa khẩu Trà Lĩnh; trao quyết định của Bộ Y tế tặng 45.000 khẩu trang y tế cho 9 trung tâm y tế huyện của Cao Bằng, 5.000 khẩu trang y tế cho Bộ đội Biên phòng tại Cửa khẩu Trà Lĩnh. Số lượng khẩu trang này nằm trong số 165.000 khẩu trang y tế mà Bộ Y tế đã quyết định trao tặng 33 trung tâm y tế huyện của 7 tỉnh: Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai và Quảng Ninh, nhằm tăng cường nguồn lực cho các cơ sở y tế tuyến huyện biên giới phòng chống Covid-19.
Liên quan đến việc mới đây Trung Quốc đưa tin về một bệnh nhân khỏi Covid-19 tại nước này, sau một thời gian xét nghiệm lại cho kết quả dương tính với nCoV, TS Hoàng Vũ Mai Phương, Trưởng khoa Virus (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), cho biết, thông thường sau nhiễm virus, người bệnh có thể sẽ có kháng thể ít nhất khoảng 3 tháng. Trước mối lo ngại có thể nCoV có biến thể mới, TS Hoàng Vũ Mai Phương khẳng định, cho đến thời điểm này, viện chưa tìm thấy biến thể mới nào của nCoV và chưa nhận được thông tin nào từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hay Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ về vấn đề này.

Liên quan đến thời điểm học sinh, sinh viên đi học trở lại, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vừa ký công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020. Khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên như sau: kết thúc năm học trước ngày 30-6; xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 15-7; hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước ngày 15-8; thi trung học phổ thông quốc gia từ ngày 23-7 đến ngày 26-7. Căn cứ vào các mốc thời gian nêu trên, các địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục năm học 2019-2020 và chuẩn bị năm học 2020-2021.

Cùng ngày, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, cho biết, với Covid-19, có những đặc thù như căn bệnh SARS trước kia và bệnh dịch mới nổi hiện nay nên Việt Nam có hướng dẫn điều trị cập nhật ngay từ những ngày trước tết. Sau đó, Việt Nam tiếp tục tập huấn triển khai một cách quyết liệt các phác đồ hướng dẫn điều trị cho các bệnh viện. Đặc biệt, ngay sau khi điều trị khỏi cho 3 bệnh nhân ra viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi tiếp tục cập nhật phác đồ điều trị một lần nữa, đưa ra những chiến lược điều trị cụ thể từ hướng dẫn đón tiếp ban đầu, cách ly người bệnh đến sử dụng thuốc, dịch truyền và phương tiện cấp cứu cần thiết nhất cho bệnh nhân nặng bằng phương tiện hiện đại nhất. Có thể nói, đối phó với Covid-19, chúng ta luôn đi trước khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Việc phân tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện như hiện nay là hợp lý và hiệu quả. Người dân hoàn toàn có thể yên tâm về công tác phòng chống và điều trị đối với dịch bệnh nguy hiểm này.

Bộ GD-ĐT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn trường học theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn; xem xét, quyết định cho trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, học viên đi học trở lại từ ngày 2-3. Trường hợp địa phương quyết định cho học sinh đi học trở lại muộn hơn trong tháng 3 thì phải căn cứ vào các mốc thời gian nói trên xây dựng kế hoạch học bù để bảo đảm chương trình, kịp thời gian kết thúc năm học và thi trung học phổ thông quốc gia của cả nước.

Chiều 23-2, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, tính đến ngày 23-2, Vinatex đã cung ứng ra thị trường gần 2,5 triệu khẩu trang sử dụng vải dệt kim kháng khuẩn; tiếp tục duy trì sản lượng 10 tấn vải kháng khuẩn mỗi ngày để cung ứng cho các đơn vị sản xuất khẩu trang sử dụng 1 lần (tương ứng khoảng 3 triệu chiếc khẩu trang/ngày) (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Hà Nội: Đề xuất cách ly tại nhà với người Hàn Quốc đến từ vùng có dịch

Chiều 23/2, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp đột xuất của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội. Đại diện Sở Y tế Hà Nội đề xuất cách ly tại nhà với người Hàn Quốc đến từ các vùng có dịch. Liên quan đến tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp ở Hàn Quốc, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, hiện tại ở nước này đến sáng nay đã có hơn 500 ca mắc, chủ yếu ở Daegu và Gyeongsang. Các ca bệnh tập trung tại 2 chùm là cơ sở tôn giáo và cơ sở y tế. Hàn Quốc đã áp dụng biện pháp đặc biệt về y tế nhưng chưa phong tỏa mà chỉ khuyến cáo công dân không rời khỏi nơi cư trú.

Ông Hạnh thông tin, hiện có khoảng 26.000 người Việt Nam đang cư trú tại 2 tỉnh có dịch và hàng ngày có 14 chuyến bay từ Daegu về Đà Nẵng và 7 chuyến về Cam Ranh. Nhưng từ 17/2 đã dừng bay từ Daegu về Đà Nẵng, hiện chỉ còn 4 chuyến/tuần đến Cam Ranh. Trước diễn biến tình hình dịch ở Hàn Quốc, ông Hạnh đã đưa ra 4 đề xuất đề nghị UBND thành phố có chỉ đạo cụ thể.

Thứ nhất, ông Hạnh đề xuất, đối với những người Hàn Quốc đi từ vùng có dịch của Hàn Quốc, người nước ngoài đến từ vùng có dịch, khi đến Hà Nội cần cách ly 14 ngày tại nhà và đề nghị Sở Ngoại vụ có ý kiến thêm do liên quan đến người nước ngoài.

Thứ hai, đối với người Việt Nam đi từ vùng có dịch của Hàn Quốc trở về Hà Nội, đề xuất cách ly tập trung 14 ngày. Ngoài ra, do lượng người lớn, nên ông Hạnh đề nghị, Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức bố trí, cách ly và Sở Y tế sẽ phối hợp việc giám sát sức khỏe.

Thứ ba, tất cả những người đi từ nước ngoài về, nhất là ở các nước có dịch, ông Hạnh đề nghị, các xã phường phải nắm được danh sách và lịch trình của họ. "Nếu như nắm được danh sách thì sẽ chủ động khi có vấn đề về sức khỏe và có biện pháp kịp thời. Còn nếu không nắm được danh sách từ đầu sẽ rất khó khi có vấn đề xử lý", ông Hạnh nói.

Thứ tư, ông Hạnh đề nghị cần tiếp tục khuyến cáo người dân không nên đi du lịch sang các đất nước có dịch. Đối với những người cần thiết phải đi sang thì cần hết sức lưu ý (Tiền phong, trang 4).

 

Bộ Y tế ra khuyến cáo chống dịch Covid-19 tại các khu dịch vụ

 Chiều ngày 23/2, Bộ Y tế ban hành khuyến cáo Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đối với trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, công viên, khu du lịch. Cụ thể, đối với người lao động, người làm việc, người bán hàng trong thời gian làm việc tại khu dịch thì trước khi đến khu dịch vụ cần tự đo nhiệt độ. Nếu có sốt hoặc ho, khó thở thì báo cho người sử dụng lao động, ban quản lý khu dịch vụ và nghỉ ở nhà để theo dõi sức khỏe, nếu cần thì đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn, điều trị. Không đến khu dịch vụ nếu đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế.

Trong thời gian làm việc tại khu dịch vụ: Người làm việc tại các vị trí phải tiếp xúc với khách hàng, người dân: cần đeo khẩu trang đúng cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hạn chế bắt tay, hạn chế tiếp xúc với khách hàng khoảng cách dưới 1m (nếu có thể). Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch tại các thời điểm: trước khi vào làm việc, sau giờ nghỉ giải lao, trước và sau khi ăn, trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, hắt hơi, khi tay bẩn, sau khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo, khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp ra không khí. Giặt sạch khăn hoặc bỏ ngay khăn giấy vào thùng rác sau khi sử dụng và rửa sạch tay. Bỏ rác đúng nơi quy định tại khu dịch vụ. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh. Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay, không khạc nhổ bừa bãi.

Khuyến cáo về vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại khu dịch vụ:  Khử khuẩn bằng các chất tẩy rửa thông thường như chai xịt tẩy rửa đa năng hoặc các dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% Clo hoạt tính hoặc có chứa ít nhất 60% cồn. Ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau rửa.

Tổ chức khử khuẩn khu dịch vụ như sau: Đối với nền nhà, tường, bàn ghế, các đồ vật trong phòng, gian bán hàng, khu chơi của trẻ em, khu vệ sinh chung: khử khuẩn ít nhất 1 lần/ngày. Đối với vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, nút bấm thang máy, tay vịn lan can: khử khuẩn ít nhất 4 lần/ngày.

Tăng cường thông khí tại các phòng, gian bán hàng, khu vui chơi,… của khu dịch vụ bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ hoặc các giải pháp phù hợp khác; hạn chế sử dụng điều hòa. Chất thải phải được thu gom và đưa đi xử lý hàng ngày.

Ban quản lý và người sử dụng lao động có trách nhiệm phân công và công khai thông tin liên lạc (tên, số điện thoại) của cán bộ đầu mối phụ trách về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại khu dịch vụ. Bố trí đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy; bố trí đầy đủ khu vực rửa tay, nhà vệ sinh và đảm bảo luôn có đủ nước sạch và xà phòng cho người lao động, làm việc, bán hàng tại khu dịch vụ và khách hàng. Đối với người lao động, làm việc tại khu dịch vụ không thể rời khỏi vị trí trong ca làm việc, phải cung cấp dung dịch sát khuẩn tay có chứa cồn.

Cung cấp đầy đủ khẩu trang cho người làm việc có tiếp xúc với khách hàng. Tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong khu dịch vụ. Tổ chức tập huấn cho tất cả người lao động, làm việc, bán hàng tại khu dịch vụ về việc thực hiện khuyến cáo này và các hướng dẫn khác của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh Covid-19 (Tiền phong, trang 4).

 

Đề nghị hỗ trợ thêm cho nhân viên y tế trực tiếp chống dịch COVID-19

Ngày 23.2, Đoàn công tác của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội kiểm tra công tác phòng chống COVID-19 và thăm, chúc mừng Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 của tỉnh Vĩnh Phúc nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955-27.2.2020). Đi cùng có PGS.TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam.

Chống dịch như chống giặc

Trao đổi với đoàn công tác, ông Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Tổ trưởng tổ công tác của Bộ Y tế tại Vĩnh Phúc -  cho rằng, chống dịch COVID-19 chính là nhiệm vụ, trách nhiệm, sứ mệnh của nhân viên ngành y. “Không lúc nào sứ mệnh của nhân viên y tế thể hiện rõ ràng hơn là trong lúc này, dù phải gặp nhiều nguy hiểm” - ông Dương nói.

Ông Dương đánh giá cao sự nỗ lực của nhân viên y tế tuyến từ xã đến tỉnh của Vĩnh Phúc, đồng thời cho rằng, địa phương đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch rất tốt; Tổ công tác của Bộ Y tế về chỉ là để giúp thêm về mặt chuyên môn, tổ chức, chuẩn hóa về mặt quy trình cho địa phương. Ông đề xuất có chế độ thêm cho những người trực tiếp phòng chống dịch.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Tuấn Minh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên cũng đề nghị, nên có thêm hỗ trợ cho nhân viên y tế trực tiếp chống dịch lần này bên cạnh chế độ áp dụng theo Quyết định 73.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội - đánh giá cao và chúc mừng tỉnh Vĩnh Phúc trong việc thực hiện có hiệu qủa công tác phòng chống COVID-19 trên địa bàn. Bà cũng bày tỏ phấn khởi vui mừng khi tình hình lao động việc làm, các hoạt động kinh tế xã hội của Vĩnh Phúc được đảm bảo và hoạt động bình thường.

Bà Nguyễn Thúy Anh ghi nhận các kiến nghị của tỉnh để đề xuất với Quốc hội, đồng thời chia sẻ với những khó khăn của tỉnh. Bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng, những thành công bước đầu trong phòng chống dịch là những kinh nghiệm quý để sửa đổi bổ sung chính sách pháp luật trong khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh.

Để động viên các nhân viên y tế trong phòng chống dịch, đoàn đã gửi hỗ trợ 110 triệu đồng của Khối thi đua 11 CĐ ngành Trung ương cho cán bộ trực tiếp tham gia chống dịch tại xã Sơn Lôi (Bình Xuyên); trao 15 máy lọc nước, 1.000 chai dung dịch rửa tay khô của Bộ Y tế tặng Ban chỉ đạo chống dịch COVID-19 của tỉnh. PGS.TS Phạm Thanh Bình đã trực tiếp trao hỗ trợ 25 triệu đồng của CĐ Y tế Việt Nam cho cán bộ tuyến trung ương do Bộ Y tế điều động tăng cường tại Vĩnh Phúc (Lao động, trang 5).

 

Chỉ áp dụng biện pháp cách ly y tế với người đến từ hoặc đi qua xã Sơn Lôi (tỉnhVĩnh Phúc)

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện theo dõi sức khỏe đối với người dân đến từ khu vực đang có dịch.

Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu với UBND chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan thực hiện việc cách ly, theo dõi sức khỏe người đi, về từ khu vực đang có dịch.

Cụ thể, đối với các trường hợp người dân về địa phương từ các huyện: Bình Xuyên, Tam Dương và Tam Đảo của tỉnh Vĩnh Phúc, căn cứ vào nơi đi của các trường hợp để áp dụng các biện pháp theo dõi sức khỏe cho phù hợp.

Người đến từ hoặc đi qua các xã đã có trường hợp mắc bệnh và có lây lan thứ phát tại cộng đồng (như xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) thì áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung trong vòng 14 ngày, kể từ ngày rời khỏi xã Sơn Lôi theo quy định của Bộ Y tế.

Đối với các trường hợp có dấu hiệu sốt, ho và khó thở, cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để cách ly, điều trị kịp thời và lấy mẫu xét nghiệm. Đồng thời, yêu cầu những người này không tiếp xúc với người khác khi không cần thiết, trong trường hợp phải tiếp xúc thì áp dụng các biện pháp dự phòng theo hướng dẫn của ngành Y tế như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người tiếp xúc trên 2m, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc chất sát khuẩn thông thường.

Trong trường hợp có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần báo ngay cho cơ quan y tế địa phương nơi gần nhất và chuyển đến cơ sở y tế để cách ly, điều trị kịp thời, lấy mẫu xét nghiệm. Yêu cầu những người này hạn chế tiếp xúc với người khác.

Đối với những người đến từ những xã chưa có trường hợp bệnh, gồm những xã còn lại của huyện: Bình Xuyên, Tam Dương, Tam Đảo và các huyện khác của tỉnh Vĩnh Phúc, thực hiện việc đi lại, ăn ở, sinh hoạt và các biện pháp phòng, chống dịch như các địa phương khác trong cả nước theo khuyến cáo và hướng dẫn của Bộ Y tế (Hà Nội mới, trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang