Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/7/2015

  • |
T5g.org.vn - Khánh thành khu điều trị nội trú 9 tầng Bệnh viện Nội tiết Trung ương; Đề án 1816, BV Vệ tinh, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh…

Khánh thành khu điều trị nội trú 9 tầng Bệnh viện Nội tiết Trung ương

Sáng 23.7, Bệnh viện Nội Tiết Trung ương (Hà Nội) đã đưa vào hoạt động khu điều trị nội trú với quy mô 700 giường bệnh. Với khu khám bệnh này, sẽ chấm dứt tình trạng nằm ghép, quá tải lâu nay.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự Lễ khánh thành Khu điều trị nội trú Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Phát biểu tại lễ khánh thành khu nhà điều trị nội trú tại cơ sở 2, Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội sáng 23/7; tiến sĩ Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, công trình gồm 300 phòng với 700 giường bệnh, được xây dựng trên tổng diện tích hơn 18.000m2. Đồng thời, Bệnh viện cũng được trang bị nhiều hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, đặc biệt các xét nghiệm chuyên khoa ngang tầm với các nước tiên tiến trên thế giới. Việc có thêm khu nhà điều trị nội trú tại cơ sở 2 sẽ giúp bệnh viện chấm dứt được tình trạng quá tải từng diễn ra nhiều năm qua và thực hiện được cam kết không để bệnh nhân phải nằm ghép

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đã, đang tập trung nhiệm vụ giảm tải bệnh viện và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng nhiều cơ chế, chính sách tài chính y tế, trong đó có các giải pháp huy động các nguồn lực từ xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và hợp tác về công tác quản lý để nâng cao chất lượng của hệ thống y tế, để phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo Bệnh viện Nội tiết trong việc chủ động vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam 350 tỷ đồng chiếm 70% tổng số vốn đầu tư xây dựng khu nhà điều trị nội trú được khánh thành hôm nay. (Nhân dân (trang 3), Thanh niên (trang 11), Công an nhân dân (trang 2), Báo Gia đình & Xã hội (trang 7)

Đề án 1816, BV Vệ tinh, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Kể từ khi Đề án 1816 đi vào cuộc sống có thể dễ dàng nhận ra những thay đổi lớn của ngành Y tế. Điều đó cho thấy Đề án này thực sự có ý nghĩa lớn lao trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. (Chi tiết báo Gia đình & Xã hội). (Gia đình & Xã hội (trang 7).

Có “vệ tinh”, yên tâm điều trị

Là một trong những BV vệ tinh của BV Chợ Rẫy, sau hai năm được thụ hưởng đề án BV vệ tinh, được BV hạt nhân chuyển giao kỹ thuật, BVĐK Đồng Nai đã thực hiện được nhiều kỹ thuật điều trị phức tạp, cứu sống nhiều ca bệnh khó mà trước đây phải chuyển lên tuyến trên. Điều này đã chứng tỏ hiệu quả tích cực của Đề án BV vệ tinh trong việc đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) của người dân, đồng thời giúp người dân địa phương được tiếp cận dịch vụ chất lượng cao ngay tại địa phương mình.

 Thụ hưởng dịch vụ chất lượng Trung ương tại tuyến tỉnh

Chị Nguyễn Thị Thục (35 tuổi, ở xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cho biết, người nhà chị bị mắc bệnh lý về u não, nếu như trước đây với căn bệnh này bác sĩ giải thích sẽ phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Tuy nhiên, bây giờ khi bác sĩ ở tuyến tỉnh được bác sĩ BV tuyến Trung ương về “chỉ việc” tận nơi, vì vậy, ba chị vẫn ở BV tuyến tỉnh nhưng sẽ được phẫu thuật với phương pháp ở Trung ương. “Với gia đình tôi đi từ quê lên đến BVĐK tỉnh đã rất vất vả, nếu như lại phải lên tuyến Trung ương nữa thì rất tốn kém. Nhưng, bây giờ chúng tôi hoàn toàn yên tâm để ba điều trị tại đây”, chị Thục vui vẻ cho biết. Được biết, từ  năm 2013, BV Chợ Rẫy đã tiến hành chuyển giao nhiều kỹ thuật trong lĩnh vực ngoại khoa và ngoại tổng quát cho BVÐK Ðồng Nai. Theo đó, trong 2 năm, các kỹ thuật trong lĩnh vực ngoại thần kinh như bệnh lý về u não, bệnh lý cột sống ngực - thắt lưng hay kỹ thuật chấn thương sọ não, cột sống đã được các bác sĩ BVĐK Đồng Nai thực hiện hơn 300 ca, trong đó các bệnh lý về u não, bệnh lý về cột sống ngực - thắt lưng đều cho kết quả rất tốt. Cùng với đó, đầu năm 2014, Khoa Ngoại tổng quát, BVÐK Ðồng Nai đã có thể chủ động thực hiện thành thục kỹ thuật “phẫu thuật nội soi đại tràng tại trực tràng”. Hiện nay, trung bình mỗi tuần, BVÐK Ðồng Nai tiếp nhận khoảng 3 ca.

Theo TS. Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc BVĐK Đồng Nai, từ tháng 10/2013 đến nay, lãnh đạo và tập thể BVĐK Đồng Nai đã và đang cố gắng thực hiện tốt việc chuyển giao theo Đề án BV vệ tinh gồm 6 gói chuyên khoa Ngoại tổng quát và 3 gói Ngoại Thần kinh với kỹ thuật chuyển giao. Qua thời gian tiếp nhận chuyển giao tại BV Chợ Rẫy, BV Chợ Rẫy đã tạo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc đào tạo, bố trí cán bộ giảng dạy hướng dẫn đào tạo và thực hành tại BV. Tuy nhiên, cũng theo TS. Vũ, do tình hình bệnh tại Đồng Nai khó đáp ứng theo kế hoạch đề cương nên BV đề xuất xây dựng kế hoạch đáp ứng lộ trình tiếp nhận kỹ thuật đảm bảo tiến độ thực hiện Đề cương theo phương án tăng tiếp nhận kỹ thuật chuyển giao tại BV Chợ Rẫy. Theo đó, BV Đồng Nai cử 2 bác sĩ chuyên khoa đến BV Chợ Rẫy thực hiện nhận chuyển giao trực tiếp từ bác sĩ phân công phụ trách thực hiện dự án. Đồng thời, đề nghị BV Chợ Rẫy tăng số lần chuyển giao kỹ thuật tại BVĐK Đồng Nai về ngoại thần kinh trong giai đoạn quý 1/2015, BVĐK Đồng Nai sẽ cố gắng khắc phục nhu cầu của Khoa Ngoại thần kinh trong thời gian tới... Đề án BV vệ tinh là giải pháp mà bác sĩ tham gia trực tiếp điều trị người bệnh tại BV được cầm tay chỉ việc tiếp nhận trình độ chuyên môn, được chia sẻ kinh nghiệm từ “anh chị” đồng nghiệp tuyến trên. Vì vậy, các bác sĩ của BV tuyến dưới đã nỗ lực không ngừng để tiếp nhận những kỹ thuật chuyển giao. Cũng nhờ Đề án BV vệ tinh mà người dân tỉnh Đồng Nai tiếp cận dịch vụ chất lượng cao tại địa phương mình...

Yếu tố con người luôn đi trước trong mọi kế hoạch phát triển

Cũng theo TS. Phan Huy Anh Vũ, để xứng đáng là một trong những đơn vị y tế cửa ngõ của TP. Hồ Chí Minh, giúp giảm tải cho các BV tuyến Trung ương, với sự hỗ trợ tích cực từ các BV lớn ở TP. Hồ Chí Minh, BVĐK Đồng Nai đã nỗ lực đưa kỹ thuật mới vào điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Theo đó, số ca phẫu thuật và thủ thuật tăng hàng năm, tỷ lệ chuyển tuyến cũng giảm mạnh. Để có được những thành công kể trên, theo TS. Vũ,  tập thể lãnh đạo BVĐK Đồng Nai xác định yếu tố con người luôn đi trước trong mọi kế hoạch phát triển. BV đã liên tục cử bác sĩ, điều dưỡng đi đào tạo để có nguồn lực chất lượng cao. Từ vấn đề con người được đào tạo bài bản, chính quy, BV đã triển khai đồng loạt các kỹ thuật chuyên sâu qua đó đã hỗ trợ tối đa bằng hình thức chuyển giao kỹ thuật cho các BV tuyến huyện. Bên cạnh đó, việc cải tiến trong quy trình khám bệnh với tiêu chí là một “bệnh viện không xếp hàng” đã tạo ra những bước đột phá mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thoải mái nhất cho người bệnh mỗi khi đến khám bệnh tại BV... (Sức khỏe & Đời sống (trang 6).

Gian nan chặn bệnh bạch hầu ở Phước Sơn

Sự việc 3 người tử vong và 10 người nghi mắc bệnh bạch hầu tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) vừa qua đã dấy lên những lo ngại về sức khỏe của người dân địa phương. Tuy nhiên, phải tận mắt chứng kiến cách bà con “tự chữa bệnh” cho mình mới thấm thía những “góc khuất” đầy gian nan của các cán bộ y tế ở huyện miền núi xa xôi này trong nỗ lực mang lại sức khỏe cho đồng bào.

“Cúng rồi, không chết đâu mà lo!”

Đó là câu khẳng định chắc nịch của anh Hồ Văn Thiên (cha của bé Hồ Thị Đẩy, 2 tuổi) được cơ quan y tế xác định cháu bé là một trong những ca bệnh rất nặng. Sau 3 cái chết liên tiếp của người dân trong thôn, cơ quan chức năng vào cuộc và nhận định có ổ dịch, cháu bé Hồ Thị Đẩy là một trong những bệnh nhân nặng và cần phải điều trị. Tuy nhiên, gia đình không cho con đi chữa trị dù rằng cán bộ y tế từ sở đến huyện và xã hết lời vận động. Đâm trâu, cúng bái đó là cách vợ chồng này cứu con mình. Bất đắc dĩ, cán bộ xã và y bác sĩ phải đưa ra phương án chữa trị tại nhà, bằng cách hàng ngày cử người phát thuốc tận tay rồi tìm cách dỗ dành vợ chồng này cho con uống thuốc đều đặn. Dù biết gia đình nghèo này vay mượn tổ chức đâm trâu, cúng bái tiêu tốn gần 25 triệu đồng nhưng chính quyền cũng chỉ biết khoanh tay đứng nhìn, không thể nào cấm đoán được. Thuốc vẫn uống, trâu vẫn đâm. Rồi đây, cháu bé khỏe mạnh, vợ chồng này cũng như dân làng sẽ tin vào viên thuốc hay chiếc đầu trâu treo giữa nhà khi mà anh chồng vẫn nói như đinh đóng cột: “Cúng rồi. Không chết đâu mà lo!”. Đó chỉ là một trong các trường hợp gia đình có người mắc bệnh hay có triệu chứng bị bệnh bạch hầu nhưng không chịu đi khám, điều trị ở cơ sở y tế mà chỉ ở nhà cúng bái.

“Dỗ dành” rồi “cưỡng chế” để chữa bệnh

Ngồi nói chuyện với ông Nguyễn Đức Toàn - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc mới hiểu được khó khăn của người lãnh đạo vùng cao này thế nào. Cái chết rình rập, cán bộ nói rát cổ họng nhưng dân không nghe. Theo ông Toàn, dịch bệnh bùng phát, tỉnh, huyện và xã chung sức thì có thể dập, nhưng những hủ tục cúng bái lại là mối lo, nguy hiểm gấp mấy lần dịch bệnh kia, dù rằng chính quyền đã nỗ lực hết mình. Ông Toàn cũng cho biết, đến thời điểm này, Phước Lộc vẫn chưa có điện lưới quốc gia nên việc tiêm chủng không đảm bảo, thậm chí không thể thực hiện được, bởi vắc-xin lên đây không có tủ lạnh, làm sao bảo quản (?). Ướp đá lạnh từ dưới huyện mang lên đến nơi cũng đã tan rồi. Chỉ mỗi việc uống thuốc phòng chữa bệnh khi dịch đã bùng phát mà cán bộ, y bác sĩ còn phải dỗ dành, dỗ dành không được thì chuyển sang cưỡng chế, thúc ép họ mới chịu uống. Đấy chỉ là chuyện uống thuốc, chưa nói đến chuyện chích kim tiêm vào người là cả một vấn đề. Bởi với người dân nơi đây, viên thuốc và kim tiêm cũng làm họ sợ như ma quỷ, thần linh đã ăn sâu vào tiềm thức. Thế nên nếu vắc-xin có về đến nơi thì việc vận động tiêm phòng cho trẻ là điều không dễ thực hiện.

Cũng cùng tâm trạng như ông Toàn, một cán bộ trong đoàn công tác lo lắng: “Trước mắt thì có thể “cưỡng chế” để người dân uống thuốc và dịch có thể dập được nhưng để “cưỡng chế” và dập được những tập tục mê tín, cúng bái của người dân thì vẫn là một bài toán chưa có lời giải”.

Theo BS. Huỳnh Tấn Dũng - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Phước Sơn, 6 người bệnh đang điều trị tại Trung tâm y tế huyện đòi về hôm 16/7 và cán bộ y tế phải tiếp tục theo dõi tại địa phương, điều trị theo phác đồ đến nay sức khỏe tiến triển tốt. Cũng theo BS. Dũng, để theo dõi sát sao vùng bệnh, hiện có 8 cán bộ y tế huyện, xã túc trực tại Phước Lộc để nắm tình hình. Việc phun tiêu độc khử trùng vẫn đang tiến hành 2 ngày một lần, đồng bào được cấp phát thuốc kháng sinh để uống 2 lần/ngày. (Sức khỏe & Đời sống (trang 6).

Kỹ thuật mới cứu bệnh nhân xuất huyết não

Lần đầu tiên tại VN các bác sỹ Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai đã ứng dụng thành công kỹ thuật tiêu sợi huyết trong điều trị chảy máu não thất biến chứng giãn não thất cấp. BYT vừa chính thức đưa kỹ thuật này vào danh mục kỹ thuật cao. (Chi tiết xem báo Tiền phong).

Phẫu thuật thay khớp gối cho người bệnh ung thư xương đùi

Ngày 17-7, Bệnh viện Trường đại học Y dược Huế cho biết, vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật thay khớp gối cho người bệnh Nguyễn Đình P (21 tuổi), ở Vinh Hà, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) bị ung thư đầu dưới xương đùi. Khi nhập viện lần đầu, khối u phát triển khá lớn và đã di căn phổi. Kết quả sinh thiết khối u cho thấy người bệnh bị ung thư xương ác tính giai đoạn ba. Ngày 17-7, Bệnh viện Trường đại học Y dược Huế cho biết, vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật thay khớp gối cho người bệnh Nguyễn Đình P (21 tuổi), ở Vinh Hà, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) bị ung thư đầu dưới xương đùi. Khi nhập viện lần đầu, khối u phát triển khá lớn và đã di căn phổi. Kết quả sinh thiết khối u cho thấy người bệnh bị ung thư xương ác tính giai đoạn ba. (Sức khỏe & Đời sống (trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang