Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/8/2020

  • |
T5g.org.vn - Khẩn cấp ngăn lây lan khi Covid-19 vào chợ; Bệnh nhân 577 tử vong do mắc bệnh lý nền nặng; Chủ động phòng Covid-19 đối với người cao tuổi; 9 bài học chống dịch COVID-19 hiệu quả…

 

Khẩn cấp ngăn lây lan khi Covid-19 vào chợ

Đến hôm qua (23.8), Đà Nẵng tạm dừng hoạt động, phong tỏa 4 chợ để kiểm soát dịch, gồm chợ Siêu Thị, chợ Tân Lập, chợ Lầu Đèn, chợ Tân An (Q.Thanh Khê).

Từ đầu tháng 8, hoạt động kiểm soát, phân luồng ra vào các chợ truyền thống đã được Đà Nẵng siết chặt. Ngoài việc người dân được phát phiếu đi chợ ngày chẵn, lẻ thì các chợ đều tổ chức rào bao phân luồng ra vào chợ tại các cổng kiểm soát.

Các tiểu thương và người tham gia mua bán đều phải thực hiện đeo khẩu trang 100%, sát khuẩn và đo nhiệt độ mỗi ngày, mỗi lượt người... Một số chợ thậm chí còn khống chế không cho “đi chợ cùng”, chỉ được 1 người đi chợ/thẻ. Dù vậy, việc liên tiếp phát hiện các ca bệnh là tiểu thương đã dấy lên lo ngại trong việc kiểm soát dịch cộng đồng, đặc biệt là nơi có nguy cơ cao như các chợ truyền thống.

Chợ ế chưa từng thấy

10 giờ ngày 23.8, tại chợ Nguyễn Tri Phương (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), theo ghi nhận của PV Thanh Niên, lượng người đi chợ khá thưa thớt, giảm nhiều so với thời điểm 1 tuần trước. Người đi chợ cũng đã có ý thức hơn việc giãn cách, đứng từ xa mua hàng, hạn chế tập trung.

Tiểu thương Nguyễn Thị Huệ (50 tuổi, trú xã Đại Hòa, H.Đại Lộc, Quảng Nam) ngành hàng rau củ quả than: “Lượng người đi chợ giảm còn một nửa, ế chưa từng thấy. Giờ chỉ dám lấy khoảng 30 - 40% hàng so với ngày thường, nhưng cũng không bán hết. Dịch mà, phải chấp nhận thôi”. Trước đó, từ 1.8, các tiểu thương ngành hàng lương thực và nhu yếu phẩm chợ Nguyễn Tri Phương thực hiện giãn cách, chia 1/2 số lượng bán ngày chẵn/lẻ. Ông Đoàn Văn Thanh, chuyên viên Ban Quản lý chợ Nguyễn Tri Phương, cho biết sức mua trung bình 700 - 1.000 lượt/ngày, căn cứ trên phiếu vào chợ.

Tại chợ đầu mối Hòa Cường (chợ đầu mối lớn nhất khu vực miền Trung), sau khi xuất hiện trường hợp 1 tiểu thương dương tính với Covid- 19, lượng người ra vào chợ sụt giảm hẳn. Ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng ban Quản lý chợ, cho biết nếu như trước đây mỗi ngày có hơn 2.000 lượt người, thì bây giờ giảm khoảng 60%. Sức mua giảm nhiều, các hàng sỉ cũng đã gia tăng giao hàng tận nơi để giảm lưu thông tại chợ. Tại các quầy hàng cũng được rào chắn và ghi bảng yêu cầu giãn cách 2 m…Tính đến nay, Đà Nẵng đã phát hiện nhiều chợ có ca nhiễm hoặc liên quan ca nhiễm. Ngoài 4 chợ đang phong tỏa nói trên và chợ đầu mối Hòa Cường (có ca nhiễm là tiểu thương nhưng phạm vi, vị trí tiếp xúc không nhiều, có thể kiểm soát nên không bị phong tỏa), 2 chợ vừa được dỡ bỏ phong tỏa là Hòa Xuân và Nại Hiên Đông.

Mở rộng xét nghiệm cả chợ tạm

Sau khi liên tiếp phát hiện tiểu thương nhiễm Covid-19 liên quan 5 chợ, bên cạnh yêu cầu ngành chức năng khẩn trương, tăng tốc rà soát các trường hợp là F1, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Đà Nẵng (BCĐ) cũng yêu cầu tiếp tục tăng tốc, đẩy nhanh hơn nữa tốc độ xét nghiệm. Bởi từ thông tin dịch tễ có thể thấy thông qua xét nghiệm diện rộng, Đà Nẵng đã phát hiện được các ca Covid-19 trong cộng đồng. BCĐ yêu cầu ngành chức năng xét nghiệm quy mô lớn, nhất là những khu vực điểm nóng, khu vực phong tỏa, khu vực có bệnh nhân Covid-19 phát hiện tại cộng đồng.

Theo BCĐ, đến chiều qua (23.8), liên quan 1 tiểu thương tại chợ Tân Lập nhiễm Covid-19, Đà Nẵng đã xác định và cách ly 86 F1 (lấy mẫu xét nghiệm 85 mẫu, kết quả 82 mẫu âm tính, 3 mẫu chưa có kết quả). Liên quan 2 tiểu thương tại chợ Siêu Thị nhiễm Covid-19, tổng số F1 xác định và cách ly là 73 người (đã lấy mẫu xét nghiệm 72 mẫu, kết quả 51 mẫu âm tính, 21 mẫu chưa có kết quả). Tại chợ Lầu Đèn, liên quan 1 nhân viên ban quản lý chợ nhiễm Covid-19, tổng số F1 xác định và cách ly 45 người (đã lấy mẫu xét nghiệm 45 mẫu, kết quả 18 mẫu âm tính, 27 mẫu chưa có kết quả). BCĐ yêu cầu tiếp tục khẩn trương rà soát và lấy mẫu các các đối tượng liên quan 4 bệnh nhân mới phát hiện tại các chợ trên, chợ Thọ Quang và các địa điểm bệnh nhân tiếp xúc để cách ly kịp thời theo đúng quy định.

Trong động thái khác, Chủ tịch UBND TP đã giao UBND các quận, huyện phối hợp Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.Đà Nẵng mở rộng lấy mẫu xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ cao; nhất là những người thường xuyên buôn bán, vận chuyển hàng hóa, hoạt động tại chợ, kể cả chợ tạm trên địa bàn Đà Nẵng. Đối với chợ Túy Loan, thời gian qua ghi nhận nhiều trường hợp mắc Covid-19 có liên quan chợ này, Chủ tịch Đà Nẵng yêu cầu UBND H.Hòa Vang khẩn trương kiểm tra xử lý, xem xét trách nhiệm của ban quản lý chợ do công tác quản lý, thực hiện phòng, chống dịch chưa tốt; đồng thời yêu cầu phải có biện pháp khắc phục dứt điểm.

“Điều chúng tôi đặc biệt lưu tâm là yếu tố dịch tễ của các ca mắc. Nếu dịch tễ phức tạp thì tạm đóng chợ để khoanh vùng”, ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng, nói.

Bệnh nhân 564 tái dương tính Covid-19 sau 4 ngày xuất viện

Chiều 23.8, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam (đóng tại TX.Điện Bàn, Quảng Nam) cho biết nữ sinh viên 19 tuổi (ở H.Quế Sơn, Quảng Nam) là bệnh nhân (BN) thứ 564 dương tính trở lại với Covid-19 sau 4 ngày được công bố khỏi bệnh, xuất viện về nhà.

Trước đó, ngày 18.8 BN 564 cùng với 5 người khác mắc Covid-19 đã được công bố khỏi bệnh và được xuất viện. Trong thời gian cách ly, theo dõi tại nhà, ngày 22.8, BN sốt nhẹ nên được đưa vào khu điều trị Điện Nam - Điện Ngọc. Kết quả xét nghiệm cho thấy BN này dương tính trở lại với Covid-19. Hiện BN đã được chuyển vào Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam (đóng tại H.Núi Thành) cách ly, điều trị. (Thanh niên, trang 4).

 

Thêm 2 ca mắc Covid-19 tại Đà Nẵng và Hải Dương

Bộ Y tế cho biết, đến 18h chiều 23/8, Việt Nam ghi nhận thêm 2 ca mắc Covid-19 mới tại Đà Nẵng và Hải Dương.

Tính đến 18h ngày 23/8: Việt Nam có tổng cộng 674 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: 534 ca.

- CA BỆNH 1015 (BN1015) tại Đà Nẵng: bệnh nhân nữ, 44 tuổi, có địa chỉ tại thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ngày 06-18/8 chăm sóc người thân tại Bệnh viện Đà Nẵng, có tiếp xúc gần với BN996, BN997, BN998, BN1006.

Ngày 18/8, bệnh nhân được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, kết quả bệnh nhân âm tính với vi rút SARS-CoV-2.

Ngày 21/8, bệnh nhân khởi phát với sốt, được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

- CA BỆNH 1016 (BN1016) tại Hải Dương: Bệnh nhân nam, 33 tuổi, có địa chỉ tại xã Liên Hồng, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương, bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc gần với BN977, liên quan ổ dịch tại đường Ngô Quyền, TP. Hải Dương.

Ngày 12/8, bệnh nhân được cách ly tập trung tại Hải Dương. Ngày 20/8, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm kết quả nghi ngờ, mẫu gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, kết quả xét nghiệm ngày 23/8 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Hải Dương…(An ninh Thủ đô, trang 6; Tiền phong, trang 2; Sài Gòn giải phóng, trang 9).

 

Bệnh nhân 577 tử vong do mắc bệnh lý nền nặng

Chiều 23/8/2020, Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại thành phố Đà Nẵng thông tin về trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong. 

Đây là ca mắc COVID-19 tử vong thứ 27 tính từ khi dịch xảy ra ở Việt Nam.

Bệnh nhân 577 (nữ, 73 tuổi), địa chỉ tại quận Liên Chiểu – thành phố Đà Nẵng.

Bệnh nhân có tiền sử bệnh thận mạn giai đoạn cuối, chạy thận nhân tạo chu kỳ, suy tim, thiếu máu, tăng huyết áp, gãy xương đùi phải.

Bệnh nhân tử vong sáng 23/8 tại Trung tâm y tế Hòa Vang với chẩn đoán biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng do viêm phổi COVID-19 trên bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, tăng huyết áp, suy tim, gãy cổ xương đùi. (An ninh Thủ đô, trang 6).

 

Chủ động phòng Covid-19 đối với người cao tuổi

Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A, lây truyền từ người sang người. Bất cứ lứa tuổi nào đều có thể bị nhiễm Covid-19, nhưng đối với người cao tuổi, nhất là những người có bệnh nền có nguy cơ bị nặng hơn. Do đó, việc quan tâm, chăm sóc sức khỏe, chủ động phòng bệnh đối với người cao tuổi trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 là vô cùng quan trọng. Nguy cơ “cơn bão cytokine”

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính có nguy cơ cao nhiễm Covid-19. Khi nhiễm Covid-19 bệnh cũng nặng nề hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn. Cụ thể, qua kết quả nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy, tỷ lệ tử vong lên tới 19% ở bệnh nhân từ 70 tuổi trở lên; 10,5% ở người có mắc bệnh tim mạch; 7,3% ở người mắc đái tháo đường; 6,3% ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD); 6,0% ở người tăng huyết áp và 5,6% ở bệnh nhân ung thư.

Tại Việt Nam, tính đến chiều 23-8, có 19/27 trường hợp mắc Covid-19 tử vong là những người 60-90 tuổi trở lên (chiếm hơn 70%). Đa phần các trường hợp mắc Covid-19 tử vong đều trên nền các bệnh lý nặng: Suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hóa chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp...

Bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) - người tham gia hội chẩn, trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng cho biết, dịch Covid-19 giai đoạn này đã “tấn công” vào các bệnh nhân cao tuổi, có bệnh lý nền nặng, khiến việc điều trị của các bác sĩ trở nên vô cùng khó khăn. Đối với những bệnh nhân này, việc nhiễm Covid-19 đã làm tổn thương tăng lên, suy đa phủ tạng nặng hơn, vì trước đó bản thân họ đã có những tổn thương. “Trong chuyên môn, chúng tôi gọi đó là tình trạng “cơn bão cytokine” - một phản ứng miễn dịch cấp tính gây tổn thương tất cả các cơ quan trong cơ thể. Đây là tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với các tác nhân xâm nhập như vi rút gây bệnh và dẫn đến phản ứng viêm toàn hệ thống. Do đó, tình trạng suy đa phủ tạng sẽ nặng hơn khi người bệnh dương tính với vi rút SARS-CoV-2”, bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn cho biết thêm.

Trong số các bệnh lý nền mà bệnh nhân mắc phải, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, nguy hiểm nhất là các bệnh nhân đang phải chạy thận nhân tạo. Có những bệnh nhân đã chạy thận nhân tạo hơn 10 năm, dẫn đến tình trạng suy giảm miễn dịch ở cơ thể gia tăng. Thêm vào đó, những biến chứng như: Suy tim, suy đa tạng, ảnh hưởng đến chức năng gan, chức năng hô hấp… càng khiến khả năng đáp ứng của cơ thể bị đè nén, không thể phản ứng lại được với sự xâm nhập của vi rút. Mặc dù được các bác sĩ hồi sức giỏi điều trị với những kỹ thuật tiên tiến, nhưng một số bệnh nhân vẫn tử vong.

Tăng cường hệ miễn dịch, phòng bệnh đúng cách

Theo Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, phần lớn trong số này mắc nhiều bệnh mạn tính. Cụ thể, trung bình người Việt Nam trên 60 tuổi có 2,6 bệnh; trên 80 tuổi có 6,8 bệnh. Do đó, việc phòng, chống dịch Covid-19 cho người cao tuổi là vô cùng quan trọng.

Bác sĩ Vũ Thanh Tuấn, chuyên khoa hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho rằng, vi rút SARS-CoV-2 chủng mới đang lưu hành ở nước ta có nguy cơ lây lan cao và nhanh hơn nhiều so với các chủng cũ trước đó. Để phòng bệnh, người cao tuổi có hệ miễn dịch yếu, tránh đến những nơi đông người và tiếp xúc với những nguồn có nguy cơ lây nhiễm, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Để có một hệ miễn dịch hoạt động tốt, bác sĩ Nguyễn Thanh Hà, Khoa Dinh dưỡng tiết chế (Bệnh viện Phổi trung ương) cho rằng, mỗi người cần phải bảo đảm cung cấp đủ năng lượng thông qua các bữa ăn hằng ngày, nhất là bữa sáng. Ngoài việc bổ sung thực phẩm nhiều đạm trong 3 bữa chính, người cao tuổi cần ăn thêm bữa phụ giữa giờ với các thực phẩm như: Sữa, sữa chua, hoa quả, ngũ cốc… Bên cạnh đó, bổ sung thêm các loại thực phẩm nhiều vitamin A, nên ăn cá ít nhất 2 lần/tuần, vì nó đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch đường hô hấp.

Cùng với việc bổ sung các chất dinh dưỡng, theo Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, sức khỏe tinh thần rất quan trọng. Thay vì hoang mang, lo lắng trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, người cao tuổi hãy giữ vững tâm lý, bình tĩnh, tuân thủ các hướng dẫn phòng bệnh của Bộ Y tế, áp dụng chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể dục. Khi có một tinh thần lạc quan cùng lối sống lành mạnh sẽ giúp người cao tuổi phòng, tránh dịch Covid-19 hiệu quả hơn.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. (Hà Nội mới, trang 7).

 

9 bài học chống dịch COVID-19 hiệu quả

Nhận định về công tác chống dịch COVID-19 trong vòng một tháng qua tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 chiều 21/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam đang trong tầm kiểm soát, số trường hợp mắc bệnh ghi nhận giảm trong tuần gần đây. Bộ Y tế cho hay đang tổng kết các bài học kinh nghiệm từ trường hợp Đà Nẵng, Quảng Nam hay Hải Dương. Theo đó, có 9 bài học chống dịch COVID-19 hiệu quả, Quyền Bộ trưởng chia sẻ tại cuộc họp. Quyền Bộ trưởng cũng thông tin trong vài ngày tới, tại Đà Nẵng, Quảng Nam có thể vẫn sẽ ghi nhận những trường hợp mắc bệnh rải rác do nguồn lây bệnh đã có tại cộng đồng trước khi được khoanh vùng, khống chế.

Tại Hải Dương, dịch bệnh cũng cơ bản được kiểm soát. Ổ dịch tại nhà nhà 36 phố Ngô Quyền, TP Hải Dương với tất cả 12 trường hợp mắc bệnh đã được kiểm soát kịp thời. Công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm vẫn đang được khẩn trương thực hiện để nhanh chóng dập dịch dứt điểm.

Các ổ dịch khác tại một số địa phương được phát hiện đều nhanh chóng được khoanh vùng, cách ly và thực hiện các biện pháp chống dịch cần thiết.

“Trong thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục xuất hiện các trường hợp mắc bệnh rải rác từ các trường hợp mắc COVID-19 chưa được phát hiện, có khả năng lây lan trong cộng đồng nếu không thực hiện biện pháp phòng chống dịch kịp thời” – GS.TS Nguyễn Thanh Long cho hay.

Bộ Y tế cho hay đang tổng kết các bài học kinh nghiệm từ trường hợp Đà Nẵng, Quảng Nam hay Hải Dương. Theo đó, có 9 bài học được Quyền Bộ trưởng chia sẻ tại cuộc họp.

Trước hết, công tác phòng chống dịch COVID-19 đã có sự chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo, các cấp các ngành, cơ quan Trung ương, địa phương…

Thứ hai, chúng ta đã xác định vùng nguy cơ và các đối tượng có nguy cơ rất nhanh chóng, đúng đắn, kịp thời, tiết kiệm cho nguồn lực. Đơn cử, tại Đà Nẵng, ngay từ đầu chúng ta đã xác định rất nhanh chóng 3 bệnh viện là tâm dịch, ổ dịch là toàn bộ thành phố Đà Nẵng.

Bài học thứ 3 được ngành Y tế rút ra, đó là cấp uỷ, chính quyền địa phương hành động quyết liệt, giãn cách kịp thời, lựa chọn phù hợp cho từng khu vực, khu vực nào thì phong toả, khu vực nào thì giãn cách tuỳ thuộc địa phương. “Các địa phương áp dụng nhuần nhuyễn” – Quyền Bộ trưởng đánh giá và nêu bài học ở Hải Dương. Theo đó, địa phương này đã thực hiện rất kịp thời, nhanh chóng trong khoanh vùng, phong toả, cách ly và giãn cách. Chính điều này đã hạn chế tốc độ lây lan của dịch COVID-19 tại Hải Dương.

Thứ tư, ngành Y tế đã huy động lực lượng lớn nhân viên y tế rất lớn “chưa có trong tiền lệ”, bao gồm các giáo sư đầu ngành, các bác sĩ, các chuyên gia và sinh viên. Lực lượng này đã phối hợp Đà Nẵng, Quảng Nam để quyết giữ mặt trận này. Hôm nay, sau hơn 3 tuần, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn – Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng đã rút khỏi Đà Nẵng và về Hà Nội, cả đoàn thực hiện cách ly trước khi trở lại làm việc.

Bài học thứ 5, Bộ Y tế dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ đã thiết lập ngay Bộ chỉ huy tiền phương (Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Đà Nẵng) và kho tiền phương trong khu vực này. Bộ phận này đã phối hợp địa phương trong công tác phòng chống dịch, giúp địa phương vững tâm hơn, với những hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật, điều phối nhân lực, trang thiết bị trên địa bàn hay của các viện, bệnh viện.

Bài học thứ 6, Quyền Bộ trưởng cũng đề cập vai trò quan trọng của bài học theo phương châm “bốn tại chỗ”, chú trọng vai trò của chính quyền địa phương, hoạt động hiệu quả của các tổ Covid dựa vào cộng đồng mà các địa phương đã thành lập, triển khai.

Đặc biệt “Bài học huy động sức dân vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng phát huy hơn, nhất là trong phòng chống đại dịch” – Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh đây là một trong những yếu tố rất quan trọng trong phòng chống dịch COVID-19.

Cùng với đó, công suất xét nghiệm của Việt Nam cũng được nâng lên rất nhanh, việc truy vết, cách ly F1 rất kịp thời. Điều này theo Quyền Bộ trưởng “tuyệt đối rất quan trọng”.

"Ngay từ đầu, ngành Y tế đã dứt khoát quan điểm kiên quyết cách ly F1 và lấy mẫu xét nghiệm. Phải cách ly ngay, đưa ngay mầm bệnh ra khỏi cộng đồng mới ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng” – GS.TS Nguyễn Thanh Long nói.

Tới nay, trong thời gian ngắn, công suất xét nghiệm đưa lên rất nhanh chóng… Tính từ 23/7/2020 đến nay, cả nước đã thực hiện 421.444 xét nghiệm trong tổng số 843.688 xét nghiệm RT-PCR với công suất xét nghiệm gấp 5-6 lần so với giai đoạn cao điểm tháng 3-4/2020. Số lượng xét nghiệm trong gần một tháng qua bằng tổng số xét nghiệm trong 6 tháng của giai đoạn đầu. Toàn quốc có 71 đơn vị thực hiện xét nghiệm khẳng định COVID-19 (công suất khoảng 34.000 mẫu/ngày).

“Khả năng xét nghiệm của chúng ta có thể hoàn toàn đáp ứng khi tình huống dịch xảy ra trên diện rộng” – Quyền Bộ trưởng khẳng định.

Bài học thứ 8, được rút ra từ kinh nghiệm chống dịch của các địa phương trong giai đoạn này, đó là đảm bảo tất cả hoạt động phát triển kinh tế với khu vực khác: Kiểm soát biên giới, người nhập cảnh, bảo hộ công dân... Trong thời gian qua, các cấp, các ngành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo đã thực hiện tốt việc này.

Bài học thứ 9, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định là việc chuẩn bị chủ động về hậu cần, không bị gián đoạn như lần trước. Tất cả trang thiết bị, vật tư tiêu hao, khẩu trang, trang thiết bị phòng hộ đã chủ động hơn trước.

Về máy thở, các cơ sở y tế không lo thiếu, ngành y tế đã vận động tài trợ, tổ chức tiếp nhận 3.700 máy thở và sẵn sàng điều chuyển hỗ trợ khi các địa phương, cơ sở y tế có nhu cầu

Đánh giá chung, Quyền Bộ trưởng cho hay trong đợt dịch này, chúng ta đã triển khai các biện pháp bài bản, kịp thời, đồng bộ và rất nhanh chóng. Dự kiến, chúng ta mất khoảng 1 tháng để kiểm soát được tình hình dịch. Ví dụ như Hải Dương trong khoảng 10 ngày là kiểm soát được nhờ hành động nhanh, quyết liệt, thần tốc. Theo Quyền Bộ trưởng, càng hành động nhanh chóng bao nhiêu thì càng hạn chế hậu quả nặng nề bấy nhiêu.

Theo báo cáo của Bộ Y tế tại cuộc họp cho biết, trên thế giới, dịch COVID-19 vẫn đang lây lan nhanh và chưa có dấu hiệu chững lại; kể từ đầu tháng 7/2020 đến nay, mỗi ngày ghi nhận khoảng 200.000 ca mắc mới và trên 5.000 ca tử vong. Một số nước đã phải tái thiết lập các biện pháp giãn cách nhằm ngăn ngừa dịch bệnh. Dự báo, thời gian tới, dịch bệnh trên thế giới tiếp tục gia tăng, nhất là tại nhiều nước có quan hệ, kinh tế, thương mại và giao lưu lớn với Việt Nam.

Tại Việt Nam (tính đến 12 giờ ngày 21/8), cả nước ghi nhận 1.007 trường hợp mắc COVID-19 (trong đó có 376 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam); 25 trương hợp tử vong.

Tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam đang trong tầm kiểm soát, số trường hợp mắc bệnh ghi nhận giảm trong tuần gần đây. Trong vài ngày tới, tại Đà Nẵng, Quảng Nam có thể vẫn sẽ ghi nhận những trường hợp mắc bệnh rải rác do nguồn lây bệnh đã có tại cộng đồng trước khi được khoanhvùng, khống chế.

Tại Hải Dương, tình hình dịch bệnh cũng cơ bản được kiểm soát, trong 3 ngày gần đây không phát hiện thêm các trường hợp mắc bệnh mới. Ổ dịch tại nhà số 36 phố Ngô Quyền, thành phố Hải Dương với tất cả 12 trường hợp mắc bệnh đã được kiểm soát kịp thời, công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm vẫn đang được khẩn trương thực hiện để nhanh chóng dập dịch dứt điểm. (Sức  khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Hà Nội siết chặt chống dịch tại cơ sở y tế

Trong giai đoạn từ ngày 25/7 đến nay, Hà Nội ghi nhận 11 ca mắc Covid -19 ngoài cộng đồng và hầu hết số ca mắc này đều phát hiện từ các BV trên địa bàn. Chính vì vậy, BV cần được quan tâm hàng đầu trong việc đối phó với dịch bệnh Covid -19 ... (Sức khỏe & Đời sống, trang 8).

 

BVĐK tỉnh Quảng Ninh phẫu thuật nội soi trong điều trị các bệnh lý thoát vị

Trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của phẫu thuật ít xâm lấn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh những năm gần đây ứng dụng triển khai hiệu quả các kỹ thuật nội soi cho nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó có bệnh lý thoát vị, qua đó đã mang lại nhiều lợi ích, giúp người bệnh hồi phục nhanh chỉ sau thời gian ngắn điều trị.

Thoát vị thành bụng là bệnh lý thường gặp, xảy ra khi cơ của thành bụng bị suy yếu hoặc hở khiến các tạng trong xoang bụng di chuyển ra ngoài qua khe hở thành bụng. Các thoát vị thành bụng thường gặp như: thoát vị bẹn - đùi, thoát vị hoành, thoát vị thượng vị, thoát vị rốn, thoát vị vết mổ... Các bệnh lý này không chỉ khiến người bệnh đau, hạn chế vận động, thẩm mỹ xấu mà còn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đe doạ tính mạng khi khối thoát vị bị nghẹt gây hoại tử hoặc chèn ép các nội tạng trong lồng ngực. Trước đây, thoát vị thành bụng thường điều trị bằng phương pháp mổ mở truyền thống để khâu lại cân cơ chỗ thoát vị, tuy nhiên phương pháp này gây nhiều đau đớn cho người bệnh do vết mổ lớn, co kéo và thiếu máu tổ chức, thời gian phục hồi lâu. Với xu hướng phẫu thuật xâm lấn tối thiểu ngày càng được ứng dụng rộng rãi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã triển khai kỹ thuật nội soi đặt lưới nhân tạo trong điều trị thoát vị thành bụng với hiệu quả vượt trội, khắc phục hạn chế của phương pháp cũ, giúp bệnh nhân ít đau, giảm nguy cơ nhiễm trùng, mất máu, thời gian nằm viện ngắn, tỉ lệ tái phát thấp, sẹo mổ nhỏ và tính thẩm mỹ cao.

Mới đây, các bác sĩ đã ứng dụng thành công kỹ thuật cho bệnh nhân Phan Thị H. (36 tuổi) ở phường Hà Tu, TP Hạ Long bị thoát vị thượng vị gây khó chịu và đau tức khi vận động mạnh. Kết quả thăm khám và siêu âm phát hiện vị trí vùng thượng vị có hình ảnh khối thoát vị gồm ruột và mạc nối, kích thước 5 x 6 cm. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị thoát vị thượng vị bẩm sinh, quyết định phẫu thuật nội soi đặt lưới nhân tạo để che lỗ thoát vị và tăng cường sức bền thành bụng.

Kíp mổ do bác sĩ Phạm Việt Hùng – Trưởng khoa Ngoại làm kíp trưởng cùng các phẫu thuật viên trong khoa phối hợp với khoa Gây mê hồi sức tiến hành gây mê nội khí quản, sau đó thực hiện luồn dụng cụ nội soi qua 4 vết rạch kích thước 0,5-1cm ở vùng rốn và thành bụng. Phẫu thuật viên tiếp tục thực hiện phẫu tích túi thoát vị, đưa ruột và mạc nối trở lại ổ bụng, lỗ thoát vị được vá cẩn thận lại bằng tấm lưới nhân tạo chống dính cùng ghim cố định. Quá trình mổ được thực hiện trong 30 phút bằng hệ thống nội soi 3D hiện đại nhằm giúp phẫu thuật viên thực hiện các thao tác nhanh và độ chính xác cao. Sau phẫu thuật, bệnh nhân hầu như không đau, sức khoẻ tiến triển tốt, không còn sờ thấy khối phồng, vết mổ liền nhanh, ăn uống và đi lại dễ dàng, xuất viện ngày thứ 2 sau mổ.

Ths.Bs Phạm Việt Hùng – Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện ĐK tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Không chỉ bệnh nhân H. mà hiện nay hầu như tất cả các bệnh nhân bị bệnh lý thoát vị bẹn, đùi, thoát vị bẹn bẩm sinh ở trẻ em, thoát vị hoành, thoát vị rốn, thoát vị vết mổ đều được chúng tôi xử lý bằng kỹ thuật nội soi và có kết quả thành công cao, kể cả trường hợp thoát vị nghẹt. Trước đây, thời gian thực hiện 1 ca phẫu thuật nội soi thường phải mất từ một đến hai tiếng thì nay chỉ mất từ 20 – 40 phút cho một cuộc mổ nhờ kinh nghiệm, kỹ năng nội soi thuần cũng như sự hỗ trợ đắc lực của các trang thiết bị hiện đại, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh, ra viện chỉ sau 2 - 3 ngày phẫu thuật”.

Với mục tiêu cập nhật xu hướng điều trị mới nhằm thay thế phương pháp mổ mở truyền thống sang phẫu thuật nội soi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư hệ thống nội soi 3D, hình ảnh Full HD thế hệ mới cùng các dụng cụ, vật tư chuyên dụng đặc biệt như: lưới thoát vị tự dính; lưới thoát vị 3D đặt ngoài phúc mạc trong thoát vị bẹn; lưới chống dính đặt trong phúc mạc trong phẫu thuật nội soi thoát vị rốn, thoát vị vết mổ, thoát vị hoành.... nhờ đó cuộc mổ nội soi sẽ được thực hiện nhanh chóng dễ dàng, phát huy tối đa ưu điểm phương pháp này đem lại.

Phẫu thuật nội soi đặt tấm lưới điều trị thoát vị là kỹ thuật cao, chuyên sâu, vì vậy để làm chủ và triển khai hiệu quả kỹ thuật này, hàng năm bệnh viện liên tục cử các kíp bác sĩ ngoại khoa tham gia khoá đào tạo ngắn hạn về nội soi thoát vị bẹn tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức – một trong những trung tâm phẫu thuật hàng đầu cả nước. Đến nay, khoa Ngoại đã có 8/10 bác sĩ có chứng chỉ về phẫu thuật này. Cùng với đó, các bác sĩ của bệnh viện còn được bổ sung, cập nhật các tiến bộ mới nhất về phẫu thuật thoát vị trên thế giới thông qua hội thảo khoa học, chương trình tập huấn phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn do các chuyên gia hàng đầu khu vực Châu Á về phẫu thuật nội soi thoát vị trực tiếp hướng dẫn giảng dạy, nhờ đó kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực này của đội ngũ bác sĩ bệnh viện ngày càng được nâng cao.

Việc triển khai và làm chủ kỹ thuật này cùng sự hỗ trợ hiệu quả của công nghệ tiên tiến tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã mở ra cơ hội cho nhiều bệnh nhân thoát vị lâu năm trên địa bàn tỉnh được điều trị nhanh chóng, triệt để và thụ hưởng phương pháp điều trị hiện đại với kết quả tối ưu nhất, từ đó tạo thêm niềm tin cho người dân có thể yên tâm khám chữa bệnh ngay tại cơ sở y tế tuyến cuối tỉnh, góp phần giảm tải tuyến trung ương./. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Bệnh viện Trung ương Huế điều trị thành công 4 bệnh nhân mắc Covid- 19

Bệnh viện Trung ương Huế - cơ sở 2 đã công bố điều trị khỏi COVID-19 cho 4 bệnh nhân nặng. Cả 4 bệnh nhân được xuất viện và tiếp tục cách ly tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng và điều trị tại Bệnh viện C Đà Nẵng.

Bệnh viện Trung ương Huế - cơ sở 2 đã công bố điều trị khỏi COVID-19 cho 4 bệnh nhân nặng suy thận, chạy thận nhân tạo. Đây là những bệnh nhân có bệnh nền nặng, sau quá trình điều trị tích cực, cả 4 bệnh nhân đều được bệnh viện công bố khỏi bệnh cách đây ít ngày.

4 bệnh nhân được công bố chữa trị khỏi COVID-19 đã trải qua nhiều lần xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. 

Các bệnh nhân được công bố gồm: BN 483 (37 tuổi); BN 481 (65 tuổi); BN 476 (27 tuổi) và BN 507 (57 tuổi).

Bệnh nhân 383 là nữ giới trú tại phường Nam Dương - quận Hải Châu - TP Đà Nẵng có tiền sử: Suy thận mạn, chạy thận nhân tạo 2 tháng, Lupus ban đỏ. Quá trình bệnh lý: Bệnh nhân suy thận mạn, chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần, vào viện trong tình trạng mệt, khó thở.

Từ ngày 2/7 - 31/7, bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, ngày 27/7, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ngày 31/7/2020 bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.

Sau khi được chữa trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân đã có kết quả 3 lần âm tính với SARS-CoV-2 ngày 14/8, 15/8 và 17/8 và được công bố khỏi bệnh. Ngày 19/8, bệnh nhân được chuyển về cách ly tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng và tiếp tục chữa trị bệnh nền tại Bệnh viện C Đà Nẵng.

Bệnh nhân 481, nữ giới, trú tại xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Bệnh nhân có tiền sử: Thận đa nang 20 năm, Tăng huyết áp hơn 10 năm, suy thận mạn 6 tháng, đã chạy thận nhân tạo 4 tháng nay, suy tim.

Quá trình bệnh lý: Bệnh nhân suy thận mạn, chạy thận nhân tạo 2 lần/tuần. Bệnh nhân không có triệu chứng hô hấp, tuy nhiên bệnh nhân là F1 nguy cơ cao. Từ ngày 15/6 - 31/7, bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 27/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Ngày 30/7, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ngày 31/7/2020, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.

Chẩn đoán khi vào viện: COVID-19, suy thận mạn, gan thận đa nang, thiếu máu. Sau thời gian điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân đã có kết quả 3 lần âm tính với SARS-CoV-2 ngày 14/8, 15/8, 17/8 và được công bố khỏi bệnh. Ngày 19/8, bệnh nhân được chuyển về cách ly tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng và tiếp tục chữa trị bệnh nền tại Bệnh viện C Đà Nẵng.

Bệnh nhân 476 là nữ giới, trú tại phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ - TP Đà Nẵng. Bệnh nhân có tiền sử suy thận mạn, chạy thận nhân tạo 2 năm, tăng huyết áp, thiếu máu, suy tim.

Quá trình bệnh lý: Bệnh nhân suy thận mạn, chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần, vào viện trong tình trạng mêt, khó thở. Ngày 30/7, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ngày 31/7/2020, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 để điều trị. Chẩn đoán vào viện: COVID-19, suy thận mạn giai đoạn 5, thận nhân tạo, suy tim

Sau thời gian điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân đã có kết quả 8 lần âm tính với SARS-CoV-2 ngày 4/8, 10/8, 11/8, 12/8, 13/8, 14/8, 15/8 và 17/8 và được công bố khỏi bệnh. Ngày 19/8, bệnh nhân được chuyển về cách ly tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng và tiếp tục chữa trị bệnh nền tại Bệnh viện C Đà Nẵng.

Bệnh nhân 507, nam giới, có địa chỉ tại xã Hòa Bắc - huyện Hòa Vang, TP Đà nẵng. Bệnh nhân có tiền sử: Tăng huyết áp 1 năm; chạy thận nhân tạo 2 lần/tuần trong 2 tháng nay.

Từ ngày 14/5 - 24/7, bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 31/7, bệnh nhân có xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2. Ngày 1/8, bệnh nhân được chuyển Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, chẩn đoán vào viện: COVID-19, suy thận mạn, thiếu máu.

Sau thời gian điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân đã có kết quả 6 lần âm tính với SARS-CoV-2 ngày 10/8, 12/8, 13/8, 14/8, 15/8 và 17/8 và được công bố khỏi bệnh. Ngày 19/8, bệnh nhân được chuyển về cách ly tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng và tiếp tục chữa trị bệnh nền tại Bệnh viện C Đà Nẵng. (An ninh Thủ đô, trang 6; Công an nhân dân, trang 2).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang