Nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập vào Việt Nam rất lớn
Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 24/11 nhận định, nguy cơ COVID-19 từ các nước vào Việt Nam là “rất lớn và hiện hữu”.
Ngày 24/11, tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, nếu không sẽ có tình trạng “lấy mẫu không kịp xét nghiệm” như từng xảy ra tại Hà Nội.
Phát hiện hơn 20.000 người nhập cảnh trái phép
Bộ trưởng Bộ y tế cho biết, Việt Nam đã qua 83 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, tình hình thế giới căng thẳng, sự lây nhiễm không có xu hướng chậm lại. Các nghiên cứu, đánh giá cho thấy, hệ số lây nhiễm không tăng, nhưng số người mắc COVID-19 tại nhiều quốc gia lại tăng. GS.TS Nguyễn Thanh Long nhận định, quần thể nhiễm ở các nước rất cao nên việc phòng chống khó hơn rất nhiều. “Nếu đặt trong bối cảnh như vậy thì hệ thống y tế của chúng ta khó đáp ứng được nhu cầu điều trị COVID-19”, ông nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, riêng ngày 23/11, có khoảng 5.000 người nhập cảnh, xuất cảnh, trong đó có 77 trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam ở phía Bắc. Trong khi đó, tại các khu cách ly, vẫn có tình trạng lơ là, chủ quan, chểnh mảng trong giám sát, cách ly, đặc biệt là ở các khách sạn, lưu trú dân sự. Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho biết, sắp đến Tết Nguyên đán nên nhu cầu thăm thân nhân của người dân khu vực biên giới rất lớn.
Bên cạnh đó, vì nhu cầu mưu sinh, người dân khu vực biên giới tìm mọi cách để xuất nhập cảnh trái phép. Tình trạng người Việt Nam nhập cảnh trái phép, trốn cách ly khi về nước cũng diễn biến phức tạp. Các đối tượng thường liên lạc với nhau bằng SIM rác, sau đó thuê xe ôm, taxi để vận chuyển người trái phép. Một số đối tượng lẩn trong tàu hàng, tàu cá, container để vào Việt Nam. Theo ông Mạnh, từ đầu năm tới nay, lực lượng bộ đội biên phòng có mặt trên 6.000 chốt đường mòn, lối mở và làm thủ tục cho hơn 2,7 triệu người nhập cảnh, phát hiện hơn 20.000 trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Đại diện Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng đề nghị Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp, ngành, thôn, bản, xã, phường tiếp tục tuyên truyền cho người dân địa bàn biên giới không xuất nhập cảnh trái phép, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm. Ngoài ra, cần tổ chức chốt chặn nghiêm tại các đường mòn, lối mở biên giới.
Ðẩy nhanh tốc độ xét nghiệm
Bộ Y tế liên tục đề nghị các đơn vị tăng cường giám sát, xét nghiệm nhưng số mẫu xét nghiệm chỉ khoảng 4.000 mẫu/ngày. “Nếu xét nghiệm như vậy trong thời điểm này, rất dễ không tìm ra ca nhiễm COVID-19, trong khi đây là cách duy nhất phát hiện”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu. Dù số xét nghiệm tăng gần gấp đôi so với thời điểm tháng 7, nhưng so với các trường hợp có triệu chứng cúm, viêm phổi nặng, con số xét nghiệm này là rất thấp trong khi có cơ chế, có bảo hiểm y tế chi trả. “Bài học là xét nghiệm càng nhanh, phát hiện càng nhanh thì cách ly khoanh vùng dập dịch càng nhanh”, ông nói.
Việc các cơ sở y tế đang hoạt động trở lại gần như bình thường cũng là một trong các nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đã ban hành chỉ đạo để phòng, chống COVID-19 chặt chẽ tại các cơ sở y tế, tuy nhiên, bên cạnh các bệnh viện thực hiện tốt, vẫn còn một số bệnh viện còn lơ là, đặc biệt là khối tư nhân. Ban Chỉ đạo cho hay, thời gian qua, các địa phương đã cố gắng đưa cuộc sống trở lại bình thường, nhưng từ nay tới cuối năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước nên yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 cần phải đẩy lên cao hơn, cần chuẩn bị tất cả các tình huống ứng phó việc xuất hiện ca bệnh COVID-19 ở cộng đồng.
Thêm 4 ca mắc mới
Ngày 24/11, Bộ Y tế cho biết có thêm 4 ca mắc COVID-19 nhập cảnh, đều được cách ly ngay tại Hà Nội và Vĩnh Long. Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong ngày có 2 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Việt Nam đã điều trị khỏi 1.153 ca. (Tiền phong, trang 6).
Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 8: “Kiểm soát chặt người nhập cảnh để phòng, chống dịch Covid-19”; Thanh niên, trang 5: “Nguy cơ Covid-19 xâm nhập VN là rất lớn”; Lao động. trang 7: “Nguy cơ xuất hiện dịch Covid-19 luôn thường trực”; Công an Nhân dân, trang 4: “Phòng dịch Covid-19 từ người nhập cảnh trái phép”; Sài Gòn giải phóng, trang 1: “Nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập lớn, sẵn sàng ứng phó ”; Hà Nội mới, trang 1: “Nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nước ta luôn hiện hữu”; Khoa học & Đời sống, trang 3: “Phòng chống Covid-19 đặt trong tình trạng nghiệm ngặt”; An ninh Thủ đô, trang 7: “Lo ngại tình trạng nhập cảnh trái phép, trốn cách ly phòng Covid-19”
Giữ vùng biên ổn định, vượt qua mùa dịch bệnh
Từ nhiều tháng nay, tại các tuyến biên giới của tỉnh Đồng Tháp, lực lượng công an xã (CAX) không quản ngày đêm vượt bao gian khó tích cực phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó, vì bình yên của nhân dân, CAX nơi đây luôn quyết liệt đấu tranh phòng ngừa, triệt phá các loại tội phạm, tệ nạn xã hội lợi dụng tình hình dịch bệnh để hoạt động.
Vượt khó bám địa bàn
Chúng tôi đến vùng biên giới Đồng Tháp vào những ngày mưa nặng hạt, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới và bão liên tiếp. Mưa bão là vậy, nhưng lực lượng công an nơi đây luôn tích cực ngày đêm cùng lực lượng quân sự, biên phòng túc trực tại các chốt kiểm soát ven sông, đường mòn lối mở giáp nước bạn Cam-pu-chia.
Đến ấp Dinh Bà, xã Tân Hộ Cơ của huyện Tân Hồng, chúng tôi có dịp gặp đồng chí Phạm Văn Cảnh, SN 1990, ngụ ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ. Cảnh là công an viên thường trực của xã. Từ tháng 3 đến nay, khi dịch Covid-19 bùng phát cũng là lúc Cảnh cùng đồng đội thay phiên nhau túc trực tại các lều bạt tạm. Nắng cũng như mưa, rồi những đêm khuya khi người dân chìm vào giấc ngủ, Cảnh và đồng đội men theo con đường đất trực tuần tra. Hai tháng nay, vợ “cấn bầu” nhưng vì nhiệm vụ, vì một vùng biên giới bình yên, Cảnh vẫn thực hiện tròn trách nhiệm của một người CAX biên giới. “Trên biên giới này mùa khô nắng lắm. Mưa thì tại những đường mòn lối mở rất bùn lầy. Trực ở những lều bạt che nhưng có mưa là dột tạt tứ bề, quần áo ướt hết. Thế nhưng tôi và đồng đội không nề hà gian khó để bám trụ địa bàn, từ đó đã phát hiện được nhiều vụ vượt biên trái phép, phát hiện các loại tội phạm liên quan đến ma túy, hàng cấm… Vợ và con biết nhiệm vụ nên luôn cảm thông và động viên”, đồng chí Phạm Văn Cảnh chia sẻ. Anh Nguyễn Văn Phùng, ngụ ấp Dinh Bà tâm sự: “Là người dân, tôi rất cảm phục các chiến sĩ CAX đã không ngại khó, ngại khổ để giữ bình yên cuộc sống. Thương các anh, tôi cùng bà con có vài ba thùng mì, trứng gà, bánh cũng mang đến cho các anh dùng để có sức phòng, chống dịch Covid-19 và tội phạm trên địa bàn”.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cùng với các lực lượng khác đóng trên tuyến biên giới, CAX của các huyện, thành phố biên giới đều thực hiện biện pháp kiểm soát chặt chẽ biên giới, qua đó kịp thời ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép. Tại xã biên giới Bình Thạnh, TP Hồng Ngự, CAX phối hợp Đồn Biên phòng Bình Thạnh và Trạm Y tế xã Bình Thạnh tổ chức đưa đi cách ly tại các trung tâm cách ly được 10 công dân Việt Nam trở về theo đường mòn, lối mở. Phối hợp Trạm Y tế xã tiếp nhận sáu trường hợp từ vùng dịch về địa phương để cách ly tại gia đình theo quy định. Phối hợp các đơn vị liên quan tuần tra trên địa bàn xã phát hiện xử lý bốn trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. “Mùa mưa bão ít nhiều gây ảnh hưởng đến nơi lực lượng đóng quân kiểm soát phòng, chống dịch. Tuy nhiên, nhờ phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng quân sự, biên phòng nên thời gian qua CAX đã thực hiện bám địa bàn biên giới, không cho đối tượng vượt nhập để phòng ngừa dịch bệnh vào địa bàn. Quá trình tuần tra, CAX đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những vụ việc vi phạm, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự (ANTT) ở địa phương”, Trung tá Lê Hữu Phước, Trưởng CAX Bình Thạnh cho biết.
Xử lý nhiều vụ việc nổi cộm
Xã biên giới Tân Hộ Cơ có bốn ấp, một cửa khẩu quốc tế Dinh Bà và một cửa khẩu phụ Bình Phú. Dân số xã có gần 14 nghìn người với gần 4.300 hộ dân sinh sống, chủ yếu làm nghề nông. Đời sống của không ít người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, công việc không ổn định. Thực hiện công tác nắm chắc địa bàn, CAX tích cực phối hợp các lực lượng liên quan làm tốt công tác kiểm soát người qua lại biên giới. Từ đầu mùa dịch đến nay, CAX phối hợp hướng dẫn hơn 210 trường hợp người Việt Nam đi làm ăn ở Cam-pu-chia về các điểm cách ly tập trung trong và ngoài huyện Tân Hồng, trong đó đã kịp thời phát hiện 15 người qua lại biên giới không khai báo.
Song song với công tác phòng, chống dịch bệnh, CAX Tân Hộ Cơ kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội nổi lên cùng thời điểm dịch Covid-19 và có dấu hiệu diễn biến phức tạp, qua đó xử lý được nhiều vụ việc phạm pháp về trật tự xã hội, giải tán hơn 20 tụ điểm đánh bạc. Mới đây, vào khoảng năm giờ ngày 1-10, Công an xã Tân Hộ Cơ phối hợp Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Dinh Bà tuần tra bảo đảm ANTT trên địa bàn xã (tuyến biên giới từ ấp Dinh Bà đến ấp Chiến Thắng). Khi đến cột mốc phụ số 232 thì phát hiện một đối tượng lội sông về phía Cam-pu-chia và bỏ lại một ba-lô mầu xanh, bên trong có 15 bịch ni-lông chứa ma túy, có trọng lượng 16 kg. Đây là một trong những vụ vận chuyển chất ma túy lớn nhất từ trước đến nay bị phát hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội ở khu vực biên giới, lực lượng công an chính quy và công an bán chuyên trách của xã không ngại gian khó, ngày đêm đi tuần tra, canh gác dọc tuyến biên giới. Trung tá Huỳnh Hùng Hiệu, Trưởng CAX Tân Hộ Cơ cho biết: “Dù điều kiện công tác nơi tuyến biên giới còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng cán bộ, chiến sĩ CAX luôn ổn định về mặt tư tưởng, vượt khó để tình hình ANTT trên tuyến biên giới luôn được bảo đảm. CAX Tân Hộ Cơ còn thường xuyên phối hợp tổ công đoàn bốc vác tự quản về ANTT ấp Dinh Bà, và được cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, giúp CAX điều tra, khám phá, xử lý có hiệu quả nhiều vụ gây mất trật tự xã hội trên địa bàn”.
Toàn tỉnh Đồng Tháp có tám xã biên giới. Điều đáng mừng là mỗi xã biên giới đều có năm công an chính quy, trong đó có một trưởng, hai phó và hai thường trực. Công an các xã biên giới luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao thông qua việc phát hiện và xử lý nhiều vụ việc có liên quan đến tội phạm, tệ nạn xã hội xảy ra ở khu vực biên giới. Bên cạnh tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19, lực lượng công an các xã biên giới ở Đồng Tháp luôn chủ động trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm, qua đó kiềm chế tình hình tội phạm, tệ nạn cờ bạc, góp phần ổn định tình hình ANTT trên địa bàn biên giới. “Tình hình ANTT ở khu vực biên giới thời gian qua được giữ ổn định. Lực lượng CAX luôn tích cực phối hợp, tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác bảo đảm ANTT khu vực biên giới; chủ động triển khai các phương án, kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động gây mất ANTT trên địa bàn khu vực biên giới” - Đại tá Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp khẳng định. (Nhân dân, trang 3).
4 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh Whitmore
Sau những đợt lũ liên tiếp, Quảng Trị ghi nhận 24 người nhiễm bệnh Whitmore, trong đó có 4 người tử vong.
Ngày 24/11, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết hơn một tháng nay, tỉnh này ghi nhận có 24 người nhiễm bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei.
Bệnh nhân đầu tiên tử vong là N.V.B (51 tuổi, trú TP Hải Phòng). Ông là một trong số thuyền viên bị mắc kẹt trên con tàu Vietship 01 bị chìm ở biển Quảng Trị từ ngày 8-11/10.
Sau khi được cứu khỏi tàu gặp nạn, ông B. được chuyển vào bệnh viện để chăm sóc sức khỏe. Qua xét nghiệm máu, bác sĩ chẩn đoán ông mắc bệnh Whitmore.
Ba nạn nhân còn lại là H.V.V. (75 tuổi, trú huyện Hướng Hoá), N.T.L. (62 tuổi, trú huyện Cam Lộ) và H.C.D. (47 tuổi, trú huyện Hải Lăng).
Theo bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị, mỗi năm, bệnh viện ghi nhận trên 10 ca mắc bệnh Whitmore, trong đó chỉ khoảng 1/10 số bệnh nhân bị tử vong.
"Sau những đợt lũ liên tiếp, số ca bệnh Whitmore tăng đột biến do nước lũ phát tán vi khuẩn gây bệnh đi nhiều nơi", bác sĩ Lâm cho hay.
Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore sống ở đất và nước. Chúng xâm nhập qua những vết trầy xước của người tiếp xúc. Vi khuẩn có thể xâm nhập đến các cơ quan trong cơ thể con người. Người mắc bệnh Whitmore không có biểu hiện lâm sàng cụ thể, đặc trưng nên rất khó phát hiện, khó chẩn đoán. (Tiền phong, trang 2).
Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 22: “Quảng Trị có 4 người tử vong liên quan đến vi khuẩn Whitmore”; Quảng trị: 4 người tử vong liên quan đến bệnh Whiemore”; Nông thôn ngày nay, trang 3: “Quảng Trị: 4 người chết liên quan đến bệnh “vi khuẩn ăn thịt người””.
Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vắc xin Covid-19
Ngày 24.11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có chỉ thị yêu cầu giám đốc sở y tế các tỉnh, TP... thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1300/CĐ-TTg về việc phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, các đơn vị y tế dự phòng thực hiện nghiêm các quy trình về quản lý nhập cảnh, kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu; rà soát, kiểm tra chặt chẽ giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 đối với tất cả các trường hợp là chuyên gia nhập cảnh từ nước ngoài; chuẩn bị kế hoạch xét nghiệm trên diện rộng khi có yêu cầu về phòng chống dịch; tổ chức tập huấn, tăng cường đội ngũ lẫy mẫu xét nghiệm, nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm, đáp ứng nhanh khi có tình huống dịch bệnh xảy ra.
Các chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức kiểm tra, giám sát, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trong phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện các biện pháp nhằm phòng chống lây nhiễm Covid-19 từ nguồn thực phẩm nhập khẩu.
Các viện nghiên cứu tiếp tục hướng dẫn, giám sát phát hiện, khoanh vùng dập dịch, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định; tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng bệnh Covid-19, các phương pháp xét nghiệm mới để sàng lọc, xác định SARS-CoV-2; tập trung hợp tác quốc tế với các quốc gia đã có kết quả thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng bệnh Covid-19. (Thanh niên, trang 5).
Phòng khám đa khoa Hoàn Cầu lại bị phạt
Ngày 24.11, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết đã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với Phòng khám đa khoa Hoàn Cầu (80-82 Châu Văn Liêm, P.11, Q.5) với tổng số tiền 61 triệu đồng.
Phòng khám đa khoa Hoàn Cầu vi phạm 4 hành vi: lập sổ khám, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật; không bảo đảm các điều kiện về nhân lực trong quá trình hoạt động; không tổ chức thực hiện biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật; quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh.
Ngoài phạt tiền, Phòng khám đa khoa Hoàn Cầu bị buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động.
Trước đó vào tháng 9.2020, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 43 triệu đồng đối với Phòng khám đa khoa Hoàn Cầu. Thời điểm này, Phòng khám đa khoa Hoàn Cầu vi phạm 5 hành vi: Lập hồ sơ bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định; không lập hồ sơ bệnh án theo quy định; không lập sổ khám bệnh theo quy định; không đảm bảo nhân lực trong quá trình hoạt động; quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép.
Ngoài phạt tiền, Phòng khám đa khoa Hoàn Cầu còn bị buộc tháo gỡ quảng cáo sai quy định.
Trước đó, Báo Thanh Niên đã nhận được phản ánh Phòng khám đa khoa Hoàn Cầu với chiêu trò “vẽ bệnh trên bàn mổ” và được Thanh Niên đăng tải trên bài báo “Bác sĩ không tên” làm tiền trên bàn mổ (!?) vào ngày 25.5. Ngoài ra, Phòng khám đa khoa Hoàn Cầu lặp đi lặp lại các sai phạm về quảng cáo, sai sót về hồ sơ bệnh án, sửa hổ sơ bệnh án… (Thanh niên, trang 22).
Ăn bánh tráng trộn ngoài cổng trường, ít nhất 6 người nhập viện
Chiều 24.11, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.Đà Nẵng cho biết đã lấy 10 mẫu nguyên liệu đu đủ và xoài thái sợi, gan rim, trứng cút, đậu phụng, mực xé, sốt bơ... để xét nghiệm, tìm nguyên nhân vụ nghi ngộ độc.
Từ tối 18 đến trưa 21.11, Bệnh viện Tâm Trí (Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) tiếp nhận 6 bệnh nhân, chủ yếu là học sinh có triệu chứng đau bụng, nôn, sốt, tiêu chảy... nghi ngộ độc thực phẩm. Cả 6 bệnh nhân này có điểm chung ăn bánh tráng trộn, bánh tráng bơ của xe hàng rong Chú Trọc (cổng Trường THPT Nguyễn Hiền, Q.Hải Châu) trong ngày 17 và 18.11. Hiện 2 người đã xuất viện.
Ban Quản lý an toàn thực phẩm cùng các đơn vị kiểm tra, xác định xe hàng rong Chú Trọc là của ông Nguyễn Văn M. (ngụ P.Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu), chở nguyên liệu trên xe máy đến bán ở vỉa hè, chủ yếu bán cho học sinh. Ông M. hiện không còn lưu giữ các nguyên liệu dùng để bán trong các ngày 17 và 18.11, tuy nhiên đoàn kiểm tra vẫn lấy một số mẫu hiện tại và yêu cầu ông M. tạm dừng buôn bán cho đến khi làm rõ nguyên nhân vụ việc. (Thanh niên, trang 22).
S4Life - Kết nối người hiến máu
Lấy ý tưởng từ cụm từ Share for Life (chia sẻ vì cuộc sống - vì giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại) và Save for Life (tiết kiệm cho cuộc sống bản thân), Quận đoàn 1 (TPHCM) đã xây dựng ứng dụng kêu gọi hiến máu với tên gọi S4Life. Ứng dụng này xuất sắc giành giải nhì Dự án tình nguyện năm 2020 do Trung ương Đoàn tổ chức.
Thông báo nhanh, phản hồi tức thời
Thấy điện thoại báo đến kỳ hiến máu, Nguyễn Thái Bình (22 tuổi, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật) dò trên bản đồ, chọn điểm hiến máu gần nhất và nhấn nút đăng ký tham gia vào chiều hôm sau. Đây là lần thứ 2, Bình đăng ký hiến máu trên ứng dụng S4Life.
Bình cho biết, đã lên kế hoạch hiến máu định kỳ 3 tháng/lần, nhưng vì là “lính mới”, chưa hình thành thói quen nên có kỳ Bình quên. Vừa rồi, biết đến ứng dụng S4Life, Bình cài đặt và được nhắc nhở định kỳ. Ứng dụng còn cho Bình biết những địa điểm hiến máu cũng như lượng máu hiến phù hợp và nhiều tính năng khác. “Ngày trước đi hiến máu cũng hơi mất thời gian vì phải điền phiếu, khai thông tin nhập hồ sơ. Giờ tôi thực hiện những thao tác ấy ngay trên ứng dụng, có mặt ở điểm hiến máu đúng giờ đăng ký, bác sĩ khám sàng lọc là tiến hành lấy máu”, Bình chia sẻ.
Cũng nhờ S4Life mà chị Võ Thị Thu, 27 tuổi bị suy tủy nặng, đang điều trị tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học (quận 5, TPHCM) kịp thời tìm được tình nguyện viên hiến tiểu cầu. Để phục vụ điều trị, chị Thu cần lượng lớn tiểu cầu nhóm máu O, Rh+ dự trữ trước khi phẫu thuật 10 ngày và sau khi phẫu thuật. Mỗi ngày chị Thu phải truyền 2-3 bịch tiểu cầu (tối thiểu 500ml/2 bịch). Tiểu cầu do người thân và bạn bè hiến không đủ, gia đình chị đã liên hệ với S4Life để được hỗ trợ. 8 giờ sáng, thông tin được cập nhật trên S4Life, chỉ sau 7 giờ, người nhà chị Thu thông báo số lượng tình nguyện viên hiến tiểu cầu đủ để bệnh viện truyền cho chị từ nay đến sau phẫu thuật.
Anh D.V.H (ngụ quận 8, TPHCM), một tình nguyện viên có nhóm máu hiếm, cho biết: “Công việc của tôi hay đi đây đi đó, khi nhận đề nghị hiến máu mà mình không đến được thì rất áy náy, mà đến thì lại lỡ dở công việc. Từ khi cài ứng dụng, tôi chủ động hơn trong việc hiến máu cứu người”, anh H. chia sẻ. Khi nhận thông tin những trường hợp cần máu trong bán kính phù hợp mà S4Life thông báo, nếu sắp xếp được, anh sẽ nhấn nút đăng ký mà không cần phải thông qua các đầu mối khác. Ứng dụng này phù hợp với tính chất công việc của những người thường xuyên phải di chuyển. Nhờ ứng dụng, người nhà bệnh nhân cũng theo dõi trực tiếp được số lượng tình nguyện viên hiến máu nên không phải lo lắng, căng thẳng chờ kết quả từ các trung tâm báo về như trước đây.
Đồng hành cùng hoạt động hiến máu
Anh Trần Đỗ Nam Long, Bí thư Quận đoàn 1, cho biết, thực tế công tác hiến máu hiện nay chủ yếu dừng lại ở phong trào, được tổ chức tập trung thành từng đợt. Trong khi đó, vẫn còn nhiều người chưa hiểu và lo lắng việc hiến máu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Khi xây dựng ứng dụng, chúng tôi đặt ra tất cả những thuận lợi và bất cập của việc kêu gọi và đăng ký hiến máu hiện hành. Bắt tay vào làm mới thấy, chỉ vài công đoạn tưởng đơn giản nhưng lại rất mất thời gian và đôi khi còn phiền hà cho tình nguyện viên. Chúng tôi đặt ra mục tiêu mang lại một ứng dụng thuận lợi nhất cho đơn vị quản lý, tiếp nhận máu và tình nguyện viên”, anh Trần Đỗ Nam Long nói. Với tinh thần ấy, S4Life đưa vào sử dụng đã khẳng định được vai trò trong công tác kết nối đơn vị tiếp nhận và tình nguyện viên hiến máu. Nổi bật là tính năng giúp giảm thời gian, chi phí kêu gọi hiến máu thông qua giảm các kênh phân cấp, thông tin đến trực tiếp tình nguyện viên, giảm giấy tờ, gọi điện, nhắn tin kêu gọi hiến máu.
Cùng với đó, giúp giảm thời gian khai báo phiếu đăng ký, bác sĩ tra cứu dữ liệu nhanh và chính xác; các đơn vị quản lý kiểm soát được lượng máu tồn trữ, chủ động trong sắp xếp lịch kêu gọi hiến máu. Toàn bộ dữ liệu lịch sử hiến máu được số hóa, cập nhật liên tục, giúp tình nguyện viên và đơn vị tiếp nhận theo dõi các kỳ hiến máu. Nhờ vậy, tình nguyện viên không phải lưu trữ giấy xác nhận hiến máu như trước đây.
Hiện S4Life đồng hành cùng Hội Chữ thập đỏ quận 1 trong hầu hết các buổi vận động và tổ chức hiến máu. Về lâu dài, anh Trần Đỗ Nam Long cho biết, Quận đoàn 1 phấn đấu đưa S4Life trở thành sản phẩm chính thức của các bệnh viện, hội chữ thập đỏ trên địa bàn TPHCM và các tỉnh, thành lân cận trong việc kêu gọi hiến và truyền máu.
Ra mắt từ đầu năm 2020, đến nay S4Life đã có 4.430 lượt tải ứng dụng. Ngoài người dân ở TPHCM, S4Life đã thu hút người dân ở Long An, Bình Dương, Tiền Giang… tham gia. Đặc biệt, S4Life đã kết nối được mạng lưới hơn 100 tình nguyện viên có nhóm máu hiếm (Rh-) trên toàn quốc. (Sài Gòn giải phóng, trang 5).
Thu hồi thuốc tiêm truyền Atibutrex
Ngày 24-11, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có thông báo thu hồi toàn quốc đối với dung dịch đậm đặc để pha tiêm truyền Atibutrex, số đăng ký: VD-26752-17, số lô 2020001; ngày sản xuất 10-4-2020; hạn dùng 9-4-2022 do Công ty CP Dược phẩm An Thiên sản xuất.
Cục Quản lý Dược yêu cầu doanh nghiệp phối hợp với nhà phân phối thuốc, gửi ngay thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng lô thuốc Atibutrex trên; gửi báo cáo thu hồi về Cục Quản lý Dược trước ngày 8-12.
Sở y tế các tỉnh, thành phố, y tế các ngành có trách nhiệm thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc, thu hồi lô thuốc không đạt chất lượng nêu trên, công bố thông tin về quyết định thu hồi thuốc trên trang thông tin điện tử của sở; kiểm tra và giám sát các đơn vị thực hiện; xử lý những đơn vị vi phạm theo quy định.
Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Sở Y tế TPHCM kiểm tra và giám sát Công ty CP Dược phẩm An Thiên thực hiện việc thu hồi và xử lý thuốc bị thu hồi theo quy định. Trước đó, cơ quan chức năng đã phát hiện dung dịch đậm đặc để pha tiêm truyền Atibutrex không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu, tính chất. (Sài Gòn giải phóng, trang 5).
Các địa phương cảnh giác trước dịch
Đã nhiều ngày qua trên cả nước không phát hiện ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên các địa phương vẫn cảnh giác cao độ trước dịch bệnh.
Hà Nội: lo nhất ở bệnh viện, cách ly tại khách sạn
Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết Hà Nội đang thực hiện tốt công tác phòng chống kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Ông Hạnh khẳng định các biện pháp phòng chống dịch vẫn được TP Hà Nội chỉ đạo thực hiện quyết liệt, vẫn duy trì giao ban phòng chống COVID-19 một lần trong tuần từ cấp TP đến tận xã, phường.
Theo ông Hạnh, có hai vấn đề đáng lo, đó là công tác tổ chức cách ly ở các cơ sở lưu trú, khách sạn và việc phòng chống dịch trong các bệnh viện: "Gần đây số trường hợp nhập cảnh được phát hiện dương tính nhiều, nếu không làm tốt công tác cách ly, nguy cơ lây chéo trong các khu cách ly là rất cao, từ đó có thể lây ra cộng đồng, đây là vấn đề rất quan ngại.
Còn việc phòng chống dịch trong các bệnh viện cũng đáng lo. Chúng tôi kiến nghị chỉ đạo thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch COVID-19 tại các bệnh viện, đồng thời tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm với các bệnh viện không thực hiện theo các tiêu chí bệnh viện an toàn".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Tùng, phó giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết thời gian qua lực lượng công an đã phát hiện 40 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Trước nhận định số người nhập cảnh trái phép có thể gia tăng dịp cuối năm, ông Tùng cho biết Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo tới các lực lượng tổng kiểm soát hành chính, phát hiện sớm các trường hợp nhập cảnh trái phép vào Hà Nội. Từ đó đẩy mạnh điều tra, truy tìm các trường hợp đưa dẫn, giúp sức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép để xử lý hình sự.
TP.HCM: chú ý phòng dịch ở nơi công cộng
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 24-11, BS Lê Hồng Nga - trưởng phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - cho biết hiện nay TP đang kiểm soát dịch bệnh từ tất cả các nguồn có thể xâm nhập.
Nhằm tổ chức việc giám sát COVID-19 hiệu quả, an toàn và phù hợp với tình hình mới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã ban hành quy trình về việc giám sát và xét nghiệm đối với bệnh nhân COVID-19 sau xuất viện, người đang cách ly và người sau cách ly phòng chống COVID-19. Theo đó, tùy vào từng nhóm đối tượng sẽ có phương pháp giám sát và chỉ định xét nghiệm phù hợp.
Hiện nay, TP hiện vẫn tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch ở những nơi công cộng. Cụ thể UBND TP.HCM bắt buộc người dân mang khẩu trang nơi công cộng, các cơ quan chức năng duy trì kiểm tra xử lý tình trạng người dân lơ là, chủ quan không đeo khẩu trang nơi công cộng.
Ở một số nơi như trường học vẫn tiếp tục đo nhiệt độ cho học sinh. Ở các bệnh viện, cơ sở y tế, người dân được kiểm soát theo quy chế riêng của Bộ Y tế như khai tờ khai y tế, đo nhiệt độ, một số nơi công cộng khác thì người dân chỉ cần đeo khẩu trang...
Biên giới Tây Nam: tuyệt đối không lơ là
Ngày 24-11, ông Huỳnh Minh Phúc - giám đốc Sở Y tế Long An - cho biết công tác phòng chống dịch COVID-19 tại tỉnh vẫn hết sức chặt chẽ, không chỉ từ các tuyến biên giới mà còn chú ý tập trung đến việc phòng bệnh trong hệ thống y tế.
Trước đó, ngày 23-11, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến Long An khảo sát chống dịch và yêu cầu tất cả các đơn vị như Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và các cơ quan chức năng kiểm tra, tổ chức kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới.
Các cơ sở y tế sẵn sàng tiếp nhận điều trị theo phân công của Sở Y tế, đang thực hiện phân luồng, sàng lọc và tổ chức cách ly ngay. Bên cạnh đó, các hệ thống y tế từ bệnh viện, cơ sở y tế, đặc biệt là phòng khám nhỏ lẻ, trường học, cơ sở lưu trú, các nhà máy, xí nghiệp... luôn làm công tác tự đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Tương tự, tại An Giang, 136 tổ, chốt công tác phòng chống dịch COVID-19 ven biên giới vẫn được triển khai nghiêm ngặt, cảnh giác. Trung tá Huỳnh Chiến Thắng - đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu - cho biết đơn vị vừa quản lý cửa khẩu, đường mòn vừa quản lý cả đường sông Tiền nên nhiều anh em phải túc trực canh gác thâu đêm trên đường bộ lẫn đường thủy.
Đường bộ có chốt hoặc tổ công tác tuần tra kiểm soát, nhưng trên đường sông lực lượng biên phòng phải túc trực để giám sát các tàu thuyền từ Việt Nam lên Campuchia và ngược lại. Hằng ngày có 4 - 5 tàu từ Campuchia về Việt Nam.
"Khi tàu vừa về tới khu vực cửa khẩu, thủy thủ người Campuchia được đưa về nước, sau đó lực lượng kiểm dịch sẽ lên phun xịt toàn bộ tàu và đo thân nhiệt thủy thủ người Việt Nam lên thay thế để điều khiển tàu về nước.
Còn các đường mòn được chúng tôi tuần tra đêm liên tục, đảm bảo không cho người nhập cảnh trái phép vào biên giới để phòng chống dịch COVID-19" - trung tá Thắng nói. (Tuổi trẻ, trang 2).
Tỷ lệ nam giới nhiễm HIV gia tăng do quan hệ tình dục đồng giới
Chiều (24-11) tại hội nghị giao ban báo chí do Ban tTuyên giáo Thành uỷ tổ chức, Sở Y tế Hà Nội đã thông tin về kết quả công tác phòng chống HIV/AIDS và kế hoạch tổ chức Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết tháng 10 năm 2020, Hà Nội đã phát hiện được 29.931 ca nhiễm HIV qua các năm, chiếm 9,6% số người nhiễm HIV của cả nước. Trong 10 tháng đầu năm ghi nhận thêm 1.263 trường hợp nhiễm HIV, giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện năm 2020, chủ yếu là nam giới 78,7%, trong đó, độ tuổi từ 15-25 chiếm 26,3% tăng 8,1% so với năm 2010.
Đánh giá về con đường lây truyền HIV, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Hà Nội) Lã Thị Lan cho hay, hiện nay, tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường máu giảm dần qua các năm (từ 84,7% năm 2005 xuống còn 16,9% năm 2020). Tuy nhiên, xu hướng lây qua đường tình dục tăng khá mạnh từ 0% năm 1991 lên 72,6%.
Đáng lưu ý, tình hình lây lan dịch HIV/AIDS ở nhóm người đồng tính nam hiện rất đáng lo ngại. Sự phát triển của các kênh liên lạc, mạng xã hội và cách nhìn cởi mở hơn của xã hội giúp cộng đồng này dễ dàng hơn trong việc kết nối.
Bên cạnh đó, một số người đồng tính có sử dụng thêm các chất gây nghiệm tổng hợp như Methamphetamine (hàng đá), ketamine, estacy (thuốc lắc)… dẫn đến hành vi quan hệ tình dục không an toàn. Đa số giới trẻ hiện nay, bao gồm người đồng tính, cũng chưa hiểu biết đầy đủ về nguy cơ lây nhiễm HIV.
Thông tin về công tác xét nghiệm phát hiện ca nhiễm HIV, bà Lã Thị Lan cho hay, với kỹ thuật hiện đại, quy mô mở rộng, năm 2020, số người được xét nghiệm tăng gấp 10 lần năm 2020. Tính đến 31/10/2020, Hà Nội đã xét nghiệm cho hơn 368.000 trường hợp; phát hiện 1.955 trường hợp dương tính, trong đó có 327 ca xét nghiệm lại, 456 ngoại tỉnh.
Hiện nay, ngành Y tế Hà Nội đã mở rộng cơ sở xét nghiệm khẳng định tại các bệnh viện thành phố và trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã. Hiện toàn thành phố có 73 phòng xét nghiệm sàng lọc, 11 cơ sở y tế được cấp chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định HIV.
Từ hình thức xét nghiệm truyền thống, năm 2020, Hà Nội đã mở rộng các hình thức tiếp cận, xét nghiệm khác như xét nghiệm tại cộng đồng và tự xét nghiệm. Ngoài ra, còn triển khai các biện pháp tiếp cận online đối với các đối tượng nguy cơ cao quan các trang mạng.
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Hà Nội) Lã Thị Lan cũng khẳng định hiệu quả của việc điều trị ARV sớm cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, theo bà Lã Thị Lan, việc xét nghiệm và điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV đang từ miễn phí chuyển sang hình thức thanh toán bằng bảo hiểm y tế đang là thách thức lớn trong việc duy trì, ổn định điều trị cho bệnh nhân.
Cũng tại hội nghị, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Lã Thị Lan cho biết, vấn đề kỳ thị đối với những người nhiễm HIV đã giảm rõ rệt, từ chỗ bị xa lánh, kỳ thị, phân biệt đối xử ở cả gia đình, nơi làm việc và cộng đồng đến nay, gia đình, cộng đồng đã không còn sợ hãi, xa lánh.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật cũng lưu ý, hiện nay vẫn còn hiện tượng tuyên truyền lệch hướng khiến cộng đồng không thể xoá rào cản với người bị nhiễm HIV. (An ninh Thủ đô, trang 7).