Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 25/12/2018

  • |
T5g.org.vn - Ghép tạng Việt Nam: Viết tiếp những kỳ tích; Thiếu chuyên gia tâm lý cho người chuyển giới; Hồi sinh nhiều cuộc đời nhờ câu lạc bộ máu hiếm

 

Hồi sinh nhiều cuộc đời nhờ câu lạc bộ máu hiếm

Hoạt động âm thầm, không ồn ào nhưng rất nghĩa tình và hiệu quả là những gì CLB Máu hiếm đã thể hiện qua chặng đường dài hoạt động.

Thống kê của Viện Huyết học Truyền máu trung ương, tỷ lệ người mang nhóm máu Rh- ở Việt Nam rất hiếm (chiếm khoảng 0,04% - 0,07% dân số), nên Ngân hàng máu không có sẵn lượng máu Rh- dự trữ để điều trị cho những bệnh nhân có nhóm máu đặc biệt này.

Tuy nhiên, tại TPHCM đã liên kết được 285 thành viên có nhóm máu Rh- thông qua Câu lạc bộ (CLB) Máu hiếm để cùng hiến máu cứu người, hồi sinh nhiều cuộc đời.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM, những người thuộc nhóm máu hiếm chỉ có thể truyền máu cho nhau. Trong trường hợp truyền nhầm nhóm máu Rh+ cho Rh- thì người nhận máu sẽ bị nhiều tai biến về miễn dịch, thậm chí dẫn đến tử vong.

Chính vì vậy, khi cần truyền máu, những người có nhóm máu hiếm luôn gặp khó khăn trong việc tìm nhóm máu tương thích. Vì vậy, năm 2001 CLB Máu hiếm ra đời với sự quản lý của Trung tâm Hiến máu nhân đạo - Hội Chữ thập đỏ TPHCM, đến nay đã tròn 17 năm hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên thường trực CLB Máu hiếm, cho biết từ khi thành lập đến năm 2014, CLB Máu hiếm hoạt động với hình thức kêu gọi thành viên cho máu theo nhu cầu của các bệnh viện tại TPHCM. Thế nhưng, để chủ động nguồn máu hiếm dự trữ cho cấp cứu và điều trị, từ năm 2015, CLB đã huy động các thành viên hiến máu định kỳ 3 tháng/lần. CLB Máu hiếm đã đóng góp lượng máu Rh- đáng kể cho các bệnh viện tại TPHCM và các tỉnh lân cận. Lượt người hiến máu tăng đều qua các năm.

“Ban đầu CLB chỉ có vỏn vẹn 12 thành viên, đến nay đã phát triển lên 285 người. Thành viên của CLB chủ yếu sinh sống tại TPHCM, mỗi người một ngành nghề (công nhân, lao công, sinh viên, phụ hồ…) nhưng ở họ đều có điểm chung chính là lòng nhân ái”, bà Ngọc Bích chia sẻ.

Là người có số lần hiến máu nhiều nhất trong CLB, ông Lâm Văn Vinh (55 tuổi) có tổng cộng 44 lần hiến máu, trong năm nay ông đã 4 lần tình nguyện hiến máu. “Mình không có tiền thì mình hiến máu để giúp người khác, đó như là tấm lòng của mình gửi tặng người đang bệnh tật cần truyền máu”, ông Vinh bày tỏ.

Còn bà Châu Thị Hai (ngụ tại TPHCM, thành viên của CLB) mặc dù đã 59 tuổi nhưng vẫn hăng hái đạp xe đi hiến máu định kỳ 3 tháng/lần. Bà Hai cho biết, 3 thành viên còn lại trong gia đình đều tham gia hiến máu tình nguyện mặc dù không thuộc nhóm máu hiếm. Năm sau đã hết tuổi được hiến máu, nhưng bà Châu Thị Hai vẫn xin được tiếp tục hiến máu đến khi sức khỏe không cho phép thì mới dừng lại.

Giờ đây, với 34 lần hiến máu, phần thưởng mà bà nhận được là những bằng khen của UBND TPHCM về việc làm mang nghĩa cử cao đẹp của mình và sự nể phục của thế hệ con cháu trong CLB Máu hiếm. 

Tròn 17 năm hoạt động, ngoài việc cung cấp nguồn máu hiếm lớn cho dự trữ, CLB cũng đã kết nối để các thành viên có máu hiếm trực tiếp hiến máu cứu được nhiều người. Hoạt động âm thầm, không ồn ào nhưng rất nghĩa tình và hiệu quả là những gì CLB Máu hiếm đã thể hiện qua chặng đường dài hoạt động (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

 

Thiếu chuyên gia tâm lý cho người chuyển giới

 Nhằm tạo sự đồng thuận trong việc đưa Luật chuyển đổi giới tính vào chương trình xây dựng pháp luật vào năm 2020, sáng 24-12, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo Quốc gia về 'Cung cấp dịch vụ tâm lý, y tế dành cho người chuyển đổi giới tính'. Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Huy Quang - vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - cho biết: Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính để thực thi một trong những điều quan trọng về luật dân sự liên quan đến quyền nhân thân con người, đó là quyền được chuyển đổi giới tính. 

"Từ nay đến tháng 3 - 2019, nếu Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính không được đưa vào chương trình Quốc hội vào năm 2020 thì cơ hội lại tiếp tục "trôi đi" như những năm trước đây" - ông Huy Quang nói. 

Tuy nhiên, theo ông Huy Quang, hiện nay, việc đưa Luật chuyển đổi giới tính vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2020 vẫn còn hai nội dung chưa được cung cấp thông tin một cách chính thống và minh bạch. 

Thứ nhất, làm sao để xác định vấn đề tâm lý của người chuyển đổi giới tính nhằm xác định xem người đó có phải là người chuyển giới thật sự hay không. 

Thứ hai, hệ thống y tế Việt Nam phát triển về mặt kỹ thuật nhưng kỹ năng cung cấp các dịch vụ, đặc biệt đối với người chuyển giới còn khá yếu kém. 

Theo thạc sĩ Đinh Thị Thu Thủy -  chuyên viên Vụ Pháp chế (Bộ Y tế): nước ta chưa có trường hoặc chuyên ngành đào tạo bác sĩ tâm lý cho người chuyển giới. Song, số lượng bác sĩ được đào tạo ở nước ngoài về tâm lý cho người chuyển giới cũng không nhiều. 

Trong khi đó theo ông Ngô Minh Uy - Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục TP.HCM: số lượng chuyên gia tâm lý, chuyên gia khai vấn, chuyên gia sức khỏe tâm thần lại khá nhiều.

Về dịch vụ y tế, Ths Thu Thủy cho rằng, bệnh viện cần tư vấn bệnh nhân về các thay đổi tích cực và tiêu cực, các nguy cơ xảy ra trong quá trình điều trị. Đồng thời hướng dẫn lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp cũng như theo dõi liên tục để điều chỉnh liều dùng phù hợp. 

Để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ tâm lý và y tế cho người chuyển đổi giới tính (trước và sau phẫu thuật), ông Huy Quang khuyến nghị: nhà nước cần tập huấn, đào tạo bác sĩ/chuyên gia tâm lý; các bác sĩ phẫu thuật ngực, bộ phận sinh dục (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Ghép tạng Việt Nam: Viết tiếp những kỳ tích

Kể từ ca ghép thận đầu tiên ở nước ta được thực hiện vào tháng 6-1992 tại BV Quân y 103, tới nay trải qua hơn 25 năm, lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc với hàng ngàn ca ghép tạng các loại.

Một người đàn ông 43 tuổi ra đi đã nối dài sự sống cho nhiều người ở lại. Anh đã giúp đội ngũ y bác sĩ làm nên những kỳ tích mới trong y học Việt Nam - lần đầu tiên thực hiện lấy đồng thời 6 tạng từ cùng một người chết não, lần đầu tiên tiến hành ghép 5 tạng cùng một thời điểm cho 4 bệnh nhân (1 tim, 2 phổi, 1 gan, 1 thận) và lần đầu tiên kết hợp điều phối “xuyên Việt” 1 thận cho bệnh nhi tại TPHCM. Sau hơn 10 ngày, tất cả 5 tạng ghép đều tiến triển thuận lợi.

Món quà vô giá

Tại cuộc họp báo diễn ra vào ngày 24-12, GS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện (BV) Việt Đức, vui mừng cho biết lần đầu tiên, các bác sĩ của BV thực hiện thành công kỹ thuật ghép 2 phổi từ người cho chết não. Đây cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam đã thực hiện lấy đồng thời 6 tạng để ghép từ một người cho đa tạng chết não. Lãnh đạo BV Việt Đức cho biết, người hiến đa tạng là một nam giới 43 tuổi ở Ninh Bình, tiền sử khỏe mạnh.

Tuy nhiên, người đàn ông này đã bị chết não do bị phình mạch não vỡ, điều trị tích cực ở BV Bạch Mai không kết quả. Từ khi còn khỏe bệnh nhân đã tha thiết có nguyện vọng hiến tạng, nên khi không may bị chết não, gia đình bệnh nhân đã thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình bày tỏ nguyện vọng được hiến tạng.

Ngay sau đó, Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia đã làm thủ tục điều phối bệnh nhân về BV Việt Đức để hiến tạng. Sau khi có nguồn đa tạng được hiến, các bác sĩ của BV Việt Đức đã tiến hành ca ghép phổi cho bệnh nhân nam N.V.Đ. (17 tuổi) được chuyển đến BV Việt Đức từ Trung tâm Hô hấp BV Bạch Mai trong tình trạng rất nặng.

Trước đó, nam thanh niên này được chẩn đoán bị bệnh mô bào phổi giai đoạn cuối với tiên lượng tử vong rất cao và giải pháp điều trị duy nhất trên thế giới là phẫu thuật ghép 2 phổi. Ngay sau khi đánh giá yếu tố phù hợp, các bác sĩ của BV Việt Đức đã tiến hành ca ghép phổi cho bệnh nhân. Đáng chú ý, trong quá trình ghép, do cuống phổi người cho lớn hơn so với người nhận nên các bác sĩ đã phải cắt bỏ thùy phổi để tương ứng với người nhận.

Ca phẫu thuật ghép phổi cho bệnh nhân N.V.Đ. kéo dài gần 15 giờ. Theo GS-TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch - lồng ngực BV Việt Đức, sau hơn 10 ngày ghép phổi, sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt. Điều này chứng tỏ ca ghép 2 phổi đã rất thành công về kỹ thuật. Dự kiến 2 - 3 tháng sau ghép, bệnh nhân sẽ được xuất viện. Tuy nhiên trước mắt, nam bệnh nhân này cần chăm sóc đặc biệt vì ghép phổi phức tạp hơn nhiều các dạng ghép tạng khác, đặc biệt là nguy cơ nhiễm trùng tạng ghép rất cao.

GS Trần Bình Giang cho biết thêm, trường hợp được ghép tim là người đàn ông đã 60 tuổi, mắc bệnh cơ tim giãn nở giai đoạn cuối, đang điều trị hồi sức tích cực và nguy cơ tử vong rất cao trong vòng một tháng nếu không có tim hiến để ghép. Đến thời điểm này, bệnh nhân đã ngồi dậy ăn uống và sinh hoạt tại phòng cách ly sau ghép tim. Cùng đó, một bệnh nhân ghép gan và một bệnh nhân ghép thận cũng đã ổn định sau ghép tạng.

Kỹ thuật vượt bậc

Cũng với quả thận của người đàn ông 43 tuổi để lại, bé trai Đ.V.H. (15 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) đang điều trị bị suy thận mạn giai đoạn cuối tại BV Nhi đồng 2 cũng được cứu sống. Chị Tâm (mẹ bé H.) cho biết, bé được phát hiện bệnh hơn một năm nay, dự tính ghép với người cho đồng huyết thống nhưng tạm hoãn vì người cho có tình trạng tăng men gan. Bé được đăng ký vào danh sách ghép chết não quốc gia vào tháng 6-2018.

Ngày 9-12, nhận được thông tin về trường hợp bệnh nhân chết não có mong muốn hiến thận từ Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, BV Nhi đồng 2 đã khẩn trương triển khai những bước cần thiết đúng theo quy định. Thận ghép được bảo quản an toàn, kỹ lưỡng trong thùng giữ đông chuyên dụng và vận chuyển từ BV Việt Đức đến BV Nhi đồng 2 bằng đường hàng không.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc BV Nhi đồng 2, cho biết ca phẫu thuật ghép thận diễn ra từ 21 giờ ngày 12-12 đến 3 giờ sáng hôm sau với sự hỗ trợ của ê kíp bác sĩ BV Chợ Rẫy. Sau phẫu thuật, thận ghép hồng hào, được tưới máu tốt sau khi mở kẹp mạch máu và bắt đầu có nước tiểu.

Tuy nhiên, do khó khăn cách trở về mặt địa lý, thời gian vận chuyển tạng và thời gian thiếu máu lạnh thận ghép kéo dài nên hiện tại bệnh nhân vẫn được theo dõi điều trị tích cực. Hiện tại, tình trạng bệnh nhi đã ổn định, đi tiểu tự chủ được 4 lít/ngày, ăn uống tốt theo chế độ chuyên khoa dinh dưỡng và có thể đi học lại sau 6 tháng. Còn theo GS Trần Đông A, cố vấn ghép tạng của BV Nhi đồng 2, mặc dù 15 tuổi nhưng thể trạng của bệnh nhi tương đương người trưởng thành, hoàn toàn phù hợp với quả thận hiến.

Đây cũng là lần đầu tiên một trẻ em được nhận nguồn tạng hiến từ người chết não. Điều này mở ra cơ hội cứu sống nhiều trẻ em mắc các bệnh hiểm nghèo bởi Luật Hiến, lấy, ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác của Việt Nam vẫn chưa cho phép lấy tạng của trẻ em dưới 18 tuổi.

Kể từ ca ghép thận đầu tiên ở nước ta được thực hiện vào tháng 6-1992 tại BV Quân y 103, tới nay trải qua hơn 25 năm, lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc với hàng ngàn ca ghép tạng các loại. Không chỉ ghép tạng từ người sống hiến tạng, chúng ta cũng đã thực hiện được nhiều ca ghép tạng từ người cho chết não, tới ghép đa tạng, cũng như thực hiện các ca ghép tạng xuyên Việt, qua đó đã mang lại cơ hội sống cho rất nhiều người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo.

Theo thống kê của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, hiện cả nước có hơn 6.000 người cần ghép gan, 4.000 - 5.000 người cần ghép tim và hàng chục ngàn người cần ghép thận. Trong khi đó, tính đến ngày 21-12-2018, Việt Nam đã thực hiện thành công 3.200 ca ghép thận, 105 ca ghép gan, 27 ca ghép tim, 1 ca ghép tim và thận, 1 ca ghép tim và phổi, 3 ca ghép phổi.

Những con số này cho thấy, việc hiến tạng khi chết não của người dân vẫn còn rất hạn chế nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu của những người bệnh cần ghép tạng (Sài Gòn giải phóng, trang3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang