Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 25/2/2019

  • |
T5g.org.vn - Chương trình “Sức khỏe Việt Nam”: Vì mục tiêu phát triển bền vững; Lễ hội Xuân hồng lần thứ XII tiếp nhận được gần 11.300 đơn vị máu; Đạo đức y tế trong thời đại cách mạng 4.0; Dịch sởi bùng phát trên toàn cầu; Vinh danh 37 gương Thầy thuốc trẻ nhận giải Phạm Ngọc Thạch 2019...

 

Chương trình “Sức khỏe Việt Nam”: Vì mục tiêu phát triển bền vững

Ngày hội của ngành Y - Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm 2019 trở nên đặc biệt hơn khi lễ phát động Chương trình “ Sức khỏe Việt Nam” được diễn ra nhằm kêu gọi mỗi người dân hãy thực hiện chăm sóc sức khỏe của mình ngày một tốt hơn, kêu gọi các cấp, các ngành cùng đồng hành với ngành Y tế thực hiện sứ mệnh nhân văn, cao cả: Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ... (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

 

Lễ hội Xuân hồng lần thứ XII tiếp nhận được gần 11.300 đơn vị máu

Tối 24/2, thông tin từ Ban Tổ chức Lễ hội Xuân hồng lần thứ XII cho biết: Lễ hội được tổ chức chính thức trong 3 ngày 22 - 24/2/2019 tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Sự kiện đã thu hút 12.000 người tham dự, hơn 9.000 người đăng ký hiến máu và tiếp nhận được 7.296 đơn vị máu.

Bên cạnh đó, tại 37 điểm hiến máu hưởng ứng đã tiếp nhận được 3.994 đơn vị máu. Như vậy, cả kỳ Lễ hội Xuân hồng lần thứ XII - năm 2019 tại Hà Nội đã tiếp nhận được gần 11.300 đơn vị máu.

Lễ hội Xuân hồng lần thứ XII do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Hội Thanh niên Vận động hiến máu Hà Nội và Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện thành phố Hà Nội tổ chức nhằm chia sẻ nỗi lo với nhiều người cần máu dịp Tết Nguyên đán, nhất là những người bệnh nghèo; kịp thời lấp đầy sự thiếu hụt trầm trọng của kho dự trữ máu phục vụ khám chữa bệnh.

Lễ hội Xuân hồng năm nay gồm các hoạt động ý nghĩa như: Đi bộ cổ động hiến máu trên tuyến phố Phạm Văn Bạch – kỷ niệm 25 năm phong trào hiến máu tình nguyện, hội trại “Xuân hồng 12 mùa hoa”, nhạc hội “Đánh thức mùa xuân”, các trò chơi dân gian…

Chương trình cũng thực hiện ghép đôi cho người hiến máu và tăng cường các hoạt động tư vấn, chăm sóc người hiến máu. Đặc biệt, người hiến máu còn có cơ hội nhận quà tặng ý nghĩa là các xét nghiệm máu.

Đồng hành với sự kiện là trung vệ Đội tuyển bóng đá Quốc gia Việt Nam Quế Ngọc Hải, Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Bắc; các ca sĩ Tùng Dương, Phạm Thùy Dung, Thu Hường, Vũ Duy Khánh, Kevin Trần, Việt Tú, Lê Vũ Bình, Hà My, Hà Trang, Hà Chi cùng vũ đoàn Hồng Hạnh…

Được khởi xướng từ năm 2008, Lễ hội Xuân hồng đã góp phần quan trọng trong việc đáp ứng lượng máu thường thiếu hụt ngay sau Tết Nguyên đán, góp phần tạo dựng, duy trì thói quen hiến máu đầu xuân của nhiều người dân. Sau 11 kỳ tổ chức, Lễ hội Xuân hồng đã thu hút hơn 200.000 lượt người tham dự và tiếp nhận 67.315 đơn vị máu cho điều trị. (Sài Gòn giải phóng, trang 10; Hà Nội mới, trang 5; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Đạo đức y tế trong thời đại cách mạng 4.0

Dù khoa học công nghệ tiến bộ đến mấy thì nó cũng do con người tạo ra và do con người áp dụng, vì vậy chúng ta cần phân tích mặt được cũng như mặt chưa được cả về kỹ thuật lẫn xã hội.

Khi một tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới được áp dụng vào y tế, thầy thuốc có nhiều cơ hội thành công trong việc cứu sinh mạng người bệnh. Xin lấy một ví dụ: việc tạo ra những tiến bộ trong kỹ thuật thông tim và khai thông tắc mạch vành đã cứu sống rất nhiều người bị nhồi máu cơ tim do sơ vữa mạch vành, điều mà cách đây 20-30 năm không thể làm được. Thành công trong việc mổ nội soi đã giúp giảm đi rất nhiều sự can thiệp nặng nề vào cơ thể người bệnh... Như vậy, công nghệ cao đã góp phần thể hiện những nét tốt, nét đẹp về đạo đức y tế. Tuy nhiên, dù khoa học công nghệ tiến bộ đến mấy thì nó cũng do con người tạo ra và do con người áp dụng, vì vậy chúng ta cần phân tích mặt được cũng như mặt chưa được cả về kỹ thuật lẫn xã hội.

Không ỷ lại vào công nghệ, lạm dụng kỹ thuật cao

Thách thức đầu tiên là người thầy thuốc phải hăng say học tập và chịu học tập suốt đời để có kiến thức và tay nghề phù hợp với trình độ khoa học tiên tiến. Công nghệ càng cao càng đòi hỏi kiến thức đa ngành và chuyên sâu bấy nhiêu. Ngoài kiến thức, còn đòi hỏi tay nghề thành thạo và chính xác. Bởi vậy nếu không có tinh thần say mê học tập và rèn luyện tay nghề thì không thể áp dụng công nghệ cao thành công. Ngược lại, sự dốt nát hay trình độ thấp dẫn đến chỉ định sai hay thao tác không thành thạo, điều này tất yếu mang lại những hậu quả khôn lường... Nhiều khâu thực hành y học sẽ do máy móc nhân tạo và trong tương lai do trí tuệ nhân tạo thực hiện, nhưng không vì thế mà trốn tránh trách nhiệm của thầy thuốc. Trái lại trách nhiệm của thầy thuốc lại được nâng lên ở một tầm cao mới.

Thách thức thứ hai là hoàn toàn ỷ lại vào công nghệ và coi nhẹ mối quan hệ trực tiếp giữa người thầy thuốc với người bệnh. Dù là thiết bị, máy móc hiện đại có thể giúp con người trong nhiều việc của quá trình chẩn đoán và điều trị, thậm chí có thể làm thay con người trong thực hành nhiều khâu đoạn, nhưng chúng chỉ có thể nhận dạng những tiêu chí chung nhất về một loại bệnh mà không thể thay thế những nhận biết mang tính nhạy cảm và tinh tế của thầy thuốc “xương thịt” về thay đổi và diễn biến của cá thể người bệnh. Nói cách khác máy móc và thiết bị không thể thay thế cái mà chúng ta gọi là “nhạy cảm lâm sàng”. Mặt khác sự tiếp xúc đối diện giữa thầy thuốc và người bệnh còn mang lại một tình cảm ấm cúng, gần gũi và tin tưởng giữa thầy thuốc và người bệnh. Một hiện tượng khá phổ biến cần khắc phục hiện nay là do ỷ lại vào công nghệ, nên thời gian tiếp xúc trực tiếp của thầy thuốc với từng bệnh nhân ít đi so với trước đây, các thao tác cơ bản như “nhìn, sờ, gõ, nghe” kinh điển đang giảm bớt và thay vào đó là chỉ định các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh sau vài câu hỏi qua loa của thầy thuốc. Vì vậy người bệnh thường có cảm giác khó gặp thầy thuốc hoặc không biết ai là thầy thuốc chính của mình. Quan hệ thầy thuốc - người bệnh từ chỗ quan hệ mẹ hiền trở thành quan hệ xa lạ.

Thách thức thứ ba là lạm dụng kỹ thuật cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Trước hết có thể do người thầy thuốc không nắm được nguyên tắc và đặc tính của kỹ thuật cao, do đó không biết chỉ định một cách phù hợp và chính xác, dẫn đến tình trạng “chỉ định cho có chỉ định” hay “chỉ định bao vây”. Hiện tượng này cũng được coi là lạm dụng.

Lý do thường thấy là sự lạm dụng vì mục đích làm tăng doanh thu, nhất là trước sức ép của cơ chế “tự chủ” trong bệnh viện. Giá thành các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh bằng công nghệ cao thường đắt tiền, vì vậy chỉ định nhiều xét nghiệm, trong đó có cả các xét nghiệm không cần thiết, là cách để tăng doanh thu. Mặt khác người bệnh thường không hiểu biết về giá trị của các xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh đó nên không có khả năng phản bác các chỉ định xét nghiệm không cần thiết. Điều này dẫn đến tai hại về kinh tế cho người bệnh và cả tai hại về sức khỏe. Hành động này của người thầy thuốc không chỉ vi phạm đạo đức thông thường mà còn mang tính lừa bịp với người bệnh, mà sự lừa bịp này lại được núp dưới danh nghĩa của áp dụng công nghệ cao. Xin mạnh dạn nêu lên một ví dụ: Hẹp động mạch vành thì phải thông tim và đặt stent (để thông chỗ tắc). Ai chả biết hẹp thì phải đặt. Nhưng tại các nước tiên tiến, dù cho công nghệ cao phát triển hơn ta, họ lại cân nhắc xem đặt ở chỗ hẹp nào mới là cần thiết chứ không làm như ta là “hẹp đâu đặt đó”.

Không lấy người bệnh làm “thử nghiệm”

Thách thức thứ tư là có nhiều cơ hội dùng cơ thể người bệnh làm thử nghiệm để chứng minh cho tiến bộ của công nghệ mới. Đành rằng, ngoài bằng chứng thực nghiệm trên động vật, những thành quả y học hiện nay đều dựa trên kinh nghiệm thu được trong quá trình thực hành y học trên người bệnh. Tuy thế, khi khoa học công nghệ càng phát triển, nhu cầu chứng minh cái mới hơn, cái tốt hơn ngày càng nhiều. Ngoài mục đích khoa học công nghệ thuần túy, động cơ thương mại hóa cũng là một trào lưu xen kẽ rất tinh vi và tế nhị. Điều này dễ đẩy người thầy thuốc vào tình huống “thử nghiệm” ngay trên người bệnh. Có thể nêu lên một ví dụ: Một nguyên tắc của mổ nội soi là người thầy thuốc phải thành thạo trong mổ theo phương pháp kinh điển. Nay mổ nội soi đã phổ biến đến mức tới tuyến huyện. Nhiều bác sĩ trẻ mới ra trường, vì nôn nóng “thành danh” bằng áp dụng công nghệ mới nên đã không tuân thủ nguyên tắc trên và gây ra những tai biến rất đáng tiếc ảnh hưởng đến chất lượng sống người bệnh suốt phần đời còn lại hoặc tử vong. Trong ghép tạng cũng vậy. Đây là một kỹ thuật hiện đại, thành công thì được mọi người tung hô, báo chí loan tin ca tụng trong cả nước; nhưng có khi chỉ vì nôn nóng ghép mà quên đi việc tuân thủ các tiêu chí chọn người ghép hoặc người cho dẫn đến tổn thất không chỉ sinh mạng người được ghép mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người cho tạng ghép trong trường hợp người cho tạng sống. (Sài Gòn giải phóng, trang 10).

 

Dịch sởi bùng phát trên toàn cầu

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc từ chối tiêm chủng là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe trên quy mô toàn cầu trong năm 2019. Nhận định được đưa ra vào thời điểm dịch sởi đang bùng phát tại nhiều nước do tỷ lệ tiêm vắc xin giảm mạnh ... (Sài Gòn giải phóng, trang 6; Lao động, trang 7).

 

Vinh danh 37 gương Thầy thuốc trẻ nhận giải Phạm Ngọc Thạch 2019

Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch nhằm tôn vinh những thầy thuốc trẻ ngành y TPHCM có nhiều công trình nghiên cứu giá trị, có tấm lòng tận tụy trong chăm sóc sức khỏe nhân dân với tinh thần "Thầy thuốc như mẹ hiền". Năm nay, từ 64 hồ sơ của 19 đơn vị gửi về, Hội đồng xét trao giải thưởng đã chọn ra 37 điển hình thầy thuốc trẻ để trao tặng giải thưởng Phạm Ngọc Thạch lần 6.

Từ giải thưởng ý nghĩa này, Thành Đoàn TPHCM mong muốn tuổi trẻ ngành y sẽ tiếp tục xây dựng ước mơ, bồi đắp lý tưởng và nâng cao hơn nữa tinh thần y đức để phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn. Trải qua 6 lần đã tuyên dương, đã có hơn 160 gương điển hình thầy thuốc trẻ tiêu biểu được trao giải thưởng Phạm Ngọc Thạch ... (Tuổi trẻ, trang 4).

 

Hà Nội có thêm bệnh viên tư 1.000 giường theo mô hình bệnh viện - khách sạn

Sáng nay, 24-2, tại Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông đã chính thức khai trương và đi vào hoạt động ở địa chỉ tại số 9 Phố Viên, quận Bắc Từ Liêm. Đây là bệnh viện được xây theo mô hình bệnh viện – khách sạn, quy mô 1.000 giường bệnh. Bệnh viện Đa khoa Phương Đông có tổng mức đầu tư 198 triệu USD, toạ lạc trên diện tích 9,5ha, được xây dựng bởi Công ty TNHH Tổ hợp Y tế Phương Đông - đơn vị thành viên của Intracom Group. Bên cạnh cơ sở hạ tầng, toàn bộ trang thiết bị của bệnh viện được nhập khẩu chính hãng từ các nước Châu Âu và Châu Mỹ. 

Giai đoạn 1, bệnh viện sẽ đưa vào hoạt động 250 giường bệnh với nhiều chuyên khoa như: Phụ sản, Nhi, Ngoại, Nội, Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh, Dược… Đặc biệt, bệnh viện đầu tư hệ thống phòng VIP và phòng Tổng thống đáp ứng yêu cầu dịch vụ cao cấp của khách hàng.

Tham dự lễ khai trương Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sáng nay có sự hiện diện của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Tài chính - Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý…

Trong đó, ngay tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã trao giấy phép hoạt động cho lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Phương Đông.

Thứ trưởng Bộ Y tế kỳ vọng, với việc có thêm bệnh viện quy mô 1.000 giường đi vào hoạt động sẽ giúp giảm tải cho các bệnh viện tại Thủ đô, tạo thêm lựa chọn mới cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế tối ưu, toàn diện.

Tiếp thu ý kiến trên, TTND.PGS.TS.BS. Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phương Đông nhấn mạnh, bằng tất cả sự nỗ lực, tận tâm, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông cam kết mọi khách hàng khi thăm khám, sử dụng dịch vụ tại đây sẽ được tận hưởng một môi trường y tế thân thiện, chuyên sâu và các dịch vụ hoàn hảo như đang đi nghỉ dưỡng tại khách sạn.

Nhân dịp khai trương, từ nay đến 18-5-2019, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông dành tặng chương trình khuyến mại 20-50% tất cả gói khám chữa bệnh cho người dân. (An ninh Thủ đô, trang 8; Tiền phong, trang 2; Hà Nội mới, trang 5).

 

Thời tiết nồm ẩm, đề phòng nhập viện vì bệnh viêm mũi họng, viêm phế quản

Theo bác sĩ Trần Đình Thắng - Bệnh viện Lão khoa Trung ương, trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, nóng - lạnh thất thường, đường hô hấp rất dễ bị các bệnh như viêm mũi họng, viêm khí quản, phế quản, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương những ngày này, tỷ lệ bệnh nhân vào khám, điều trị liên quan đến các bệnh lý đường hô hấp tăng cao. Biểu hiện của bệnh thường là ho, sốt, có đờm, khó thở, khò khè... Không ít bệnh nhân viêm phổi nặng phải nhập viện điều trị. Bác sĩ Trần Đình Thắng cho biết, với viêm mũi họng, bệnh có thể khởi phát bằng các đợt cấp tính và dần chuyển sang mạn tính nếu không được điều trị dứt điểm. Các cơn ho kéo dài có thể gây đau thượng vị và kẽ liên sườn do cơ hoành bị kích thích nhiều gây co kéo. Viêm họng mạn tính hoặc viêm mũi mạn tính cũng rất dễ gây ra viêm xoang.

Đối với viêm phế quản, viêm phổi thường rất nguy hiểm với người già bởi dấu hiệu lâm sàng không đặc trưng. Người cao tuổi bị viêm phế quản, viêm phổi không sốt cao như người trẻ nên người thân dễ chủ quan, thường chỉ đưa vào viện khi bệnh đã diễn biến xấu.

Do vậy, người cao tuổi cần cảnh giác với những dấu hiệu bệnh, chú ý đến những thay đổi bất thường của cơ thể để xử lý kịp thời.

Theo bác sĩ Trần Đình Thắng, lý do người già nhập viện vì bệnh viêm đường hô hấp gia tăng thời điểm này vì thời tiết bước vào giai đoạn nồm ẩm, độ ẩm trong không khí cao gây cảm giác khó chịu, mệt mỏi cho cơ thể.

Mặt khác, độ ẩm cao còn tạo điều kiện tốt cho các loại virus, vi khuẩn, nấm mốc phát triển, dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhất là với người già có sức đề kháng kém. Những người cao tuổi có thói quen hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu bia càng dễ mắc những bệnh này…

Bác sĩ Trần Đình Thắng khuyến cáo, cách phòng bệnh tốt nhất là người dân cần tăng cường sức đề kháng bằng cách thay đổi thực đơn trong các bữa ăn hằng ngày thật khoa học, hợp lý với đầy đủ các chất dinh dưỡng; hạn chế rượu bia, thuốc lá. Trong sinh hoạt hàng ngày nên vệ sinh rang miệng sạch sẽ, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, nên duy trì chế độ tập thể dục, thể thao phù hợp… (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Sai lầm của cha mẹ khiến con mắc sởi nặng thêm

Hiện bệnh sởi đang gia tăng nhanh chóng tại nhiều địa bàn trên cả nước, trong đó có TP.HCM và Hà Nội. Theo các chuyên gia, phần lớn trẻ mắc sởi đều không được tiêm vắc xin đầy đủ. Đó là chưa tính số trẻ dưới 9 tháng tuổi, ở độ tuổi chưa được tiêm vắc xin sởi, cũng mắc bệnh.

GS.TS. Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh sởi có mức độ lây lan rất nhanh, nhiều trường hợp biến chứng nặng. Trong đó, biến chứng phổ biến là viêm phổi, viêm phế quản gây ngừng thở, tắc thở, bị bội nhiễm, viêm não…

Chuyên gia cho biết, bệnh sởi hoàn toàn có thể chăm sóc tại nhà, với trường hợp mắc nhẹ, các bác sĩ khuyến khích phụ huynh chăm con ở nhà. Và theo tiến trình phát triển bệnh, sau 1 - 2 ngày trẻ sẽ ho, chảy nước mũi có xuất hiện thêm ban mọc trên mặt. Sau đó khoảng 7 - 10 ngày, các triệu chứng sẽ hết, trẻ tự khỏi.

Nếu trẻ có biểu hiện sốt tăng cao, khó thở, thân nhiệt không kiểm soát… thì cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế để điều trị. Tuy nhiên, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cảnh báo thực tế hiện nay nhiều phụ huynh đang sai lầm trong cách chăm sóc cho trẻ nhỏ khiến bệnh của con biến chứng nặng thêm. Điển hình như việc giữ con ở nhà điều trị quá lâu mà không theo dõi sát tình trạng trẻ, nhiều người kiêng gió kiêng nước, không tắm cho trẻ làm trẻ bị bội nhiễm trên da, viêm kết mạc…

Một số phụ huynh nhầm lẫn giữa sởi và sốt phát ban dẫn đến điều trị sai, tình trạng trẻ càng trầm trọng thêm. Theo các bác sĩ, với trường hợp bị sốt phát ban thông thường, triệu chứng hay gặp là người bệnh bị nổi đồng loạt khắp cơ thể những nốt nhỏ màu hồng hoặc đỏ mịn, ẩn dưới bề mặt da. Khi nốt ban “bay” hết, da bệnh nhân sẽ trở về bình thường, không để lại vết thâm hoặc sẹo. Còn với trường hợp bị bệnh sởi, nốt ban xuất hiện ở từng bộ phận, sau đó vài ngày mới lan xuống toàn thân. Đặc điểm ban sởi là ban gồ lên mặt da, khi “bay” sẽ để lại những vết thâm trên da. Khi trẻ bị sởi có thêm dấu hiệu đặc trưng đi kèm là chảy nước mũi, ho và mắt đỏ.

Các bác sĩ khuyến cáo, với các trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa được tiêm chủng vắc xin sởi cần có chế độ chăm sóc trẻ hợp lý, bổ sung dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho trẻ. Tránh cho trẻ tiếp xúc với những ai nghi ngờ mắc sởi, những nơi đông người, không đến vùng diễn ra dịch.

Các mẹ trước khi mang thai nên tiêm phòng đầy đủ và hoàn thành lịch tiêm trước 3 tháng các loại vắc xin Sởi – quai bị - rubella; Thủy đậu; Cúm để tạo miễn dịch cho cả mẹ và bé trong quá trình mang thai.

Trẻ em đến độ tuổi tiêm chủng cha mẹ phải đưa trẻ đến trạm xá hoặc cơ sở y tế có dịch vụ tiêm chủng để tiêm phòng đầy đủ vắc xin cho trẻ. (Tiền phong, trang 12).

 

Tử vong vì tự ý dùng thuốc tiểu đường hoàn

Khoa Hồi sức tích cực - bệnh viện Bạch Mai lại ghi nhận thêm một trường hợp tử vong do tự ý điều trị đái tháo đường bằng viên “tiểu đường hoàn”. Đó là bệnh nhân nữ (63 tuổi, ở Đội Nhân, Ba Đình, Hà Nội). Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường cách đây 3 năm nhưng không điều trị bằng thuốc tây y theo chỉ định của bác sĩ mà dùng thuốc “tiểu đường hoàn”, mỗi ngày uống 8 viên. Trước vào viện, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, kém ăn, buồn nôn, gia đình đưa bệnh nhân vào Bệnh viện 354 điều trị. Sau đó, bệnh nhân đau bụng nhiều, khó chịu, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, được chẩn đoán sốc do nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, suy đa tạng, được điều trị tích cực, lọc máu 4 lần nhưng tình trạng không được cải thiện, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bạch Mai.

BS. Mai Cường - Khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bạch Mai xác nhận: Ngày 15/02/2019, Khoa tiếp nhận bệnh nhân V.T.H.Ng (63 tuổi) được chuyển đến từ BV 354 trong tình trạng toan chuyển hóa nặng, suy đa tạng nghi do ngộ độc phenformin (một thuốc đã bị cấm 40 năm nay)/ Đái tháo đường tuýp 2. Bệnh nhân đã được điều trị tích cực để duy trì sự sống hoàn toàn nhờ máy như hỗ trợ tim phổi nhân tạo, lọc máu liên tục. Đến đêm ngày 19/2/2019, bệnh nhân đã tử vong trước sự bất lực của các thầy thuốc và gia đình.

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai: Thời gian gần đây khoa liên tục tiếp nhận các bệnh nhân gặp biến chứng nặng sau một thời gian tự ý dùng thuốc “tiểu đường hoàn” để điều trị bệnh tiểu đường, 4 trong số 5 bệnh nhân trên đã tử vong. Các bệnh nhân trên đều vào viện trong 1 bệnh cảnh giống nhau: đau bụng, mệt mỏi, vào viện trong tình trạng sốc, suy đa tạng diễn biến xấu rất nhanh, xét nghiệm axit lactic trong máu cao. Các bệnh nhân đều có tiền sử đái tháo đường nhiều năm nhưng không điều trị bằng thuốc tây y mà tự điều trị bằng viên “tiểu đường hoàn” - màu xanh hoặc màu đỏ không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác, được bán tràn lan, mua rất dễ. Tất cả bệnh nhân đều có chung chẩn đoán: Toan chuyển hóa do ngộ độc phenformin/ Đái tháo đường tuýp 2. Kết quả xét nghiệm các viên thuốc “tiểu đường hoàn” mà các bệnh nhân đã sử dụng đều dương tính với phenformin.

TS. BS Nguyễn Quang Bảy - Trưởng Khoa Nội tiết đái tháo đường, bệnh viện Bạch Mai trước đó đã cho biết: Phenformin là một hoạt chất giúp hạ đường huyết nhưng gây nhiều tác dụng phụ và nguy hiểm chết người nên đã bị cấm sử dụng trên toàn thế giới từ năm 1978. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, họ đã trà trộn, mạo danh thuốc đông y để bán ra thị trường.

“Đái tháo đường là bệnh mạn tính, có thể kiểm soát và hạn chế tối thiểu các biến chứng của nó nếu bệnh nhân được tuân thủ một liệu trình điều trị, theo dõi liên tục, đúng đắn, phối hợp với một chế độ ăn uống hợp lý và tập luyện phù hợp theo chỉ định của bác sỹ. Nhiều người thường tự mày mò các phương pháp điều trị bằng “thuốc đông y”, hoặc kinh nghiệm dân gian dẫn đến những biến chứng nguy hiểm và đáng tiếc như các trường hợp bệnh nhân trên đây”, TS. Bảy cho biết. (Tiền phong, trang 12).

 

Web nhathuoc18.com bán thuốc trái phép bị đề nghị xử lý

Chủ cở sở kinh doanh thừa nhận toàn bộ số hàng hóa mua về được niêm yết giá cao gấp 10 lần...

Thông tin từ Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, Đội Quản lý thị trường số 6 phối hợp với Phòng chống Tội phạm công nghệ cao (PA05, Công an TP Hà Nội) và Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an quận Nam Từ Liêm đã kiểm tra cơ sở kinh doanh tại Lô 15, khu đô thị Mễ Trì Hạ, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Cơ sở kinh doanh này do ông Nguyễn Bá Tước là chủ.

Tại buổi làm việc, ông Tước cho biết: Toàn bộ số hàng hóa mua về và niêm yết giá trên website nhathuoc18.com với nguyên tắc mua vào 1, niêm yết với giá gấp 10 lần. Tuy nhiên, ông Tước nói thực tế không bao giờ bán được với giá niêm yết đó.

Ông Tước thừa nhận đã buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam gồm các mặt hàng: Thuốc cường dương nam, nước hoa gợi tình, tinh dầu quyến rũ Phero - X, nước hoa gợi tình Macho Pheromone USA, xịt chống xuất tinh sớm Procomil Germany Đức, tăng cường sinh lý nữ Spychedelic night USA, sản phẩm Guilty Dual Pheromone, tăng kích cỡ dương vật Titangel... tổng trị giá hàng hóa là mỹ phẩm theo giá mua vào hơn 98,7 triệu đồng.

Cơ sở này cũng kinh doanh các mặt hàng là thực phẩm chức năng gồm: Cường dương đông y Bát Bảo Tây Tạng, tăng cường sinh lý thể lực Cialis Tadalafil, nhật tím tăng cường sinh lý nữ, sản phẩm TCSL Tonight USA, Developpesex, tăng cường sinh lý nữ Black Windous, tăng cường sinh lý nữ Biee Good Watr, tăng cường sinh lý nữ Sexking Korean, đông trùng hạ thảo Tây Tạng dân tộc Môn Ba... Đây đều là những mặt hàng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ được ông Tước mua vào với tổng số tiền hơn 40,7 triệu đồng.

Đoàn kiểm tra cũng tra cứu thông tin tại website www.dav.gov.vn của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế với 4 loại thuốc cường dương nam Ruby Viagra Tenology American, thuốc cường dương nam Dong Chong Chia Xao, thuốc cường dương Viagra Red, thuốc cường dương nam Black Gold American được bán tại cơ sở qua website. Kết quả tra cứu cho thấy, cả 4 loại thuốc này không được đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Cơ quan chức năng đã đề nghị xử lý vi phạm hành chính đối với ông Tước về các hành vi: Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định; Lập website thương mại điện tử bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý; Kinh doanh hàng hóa nhập lậu là thực phẩm chức năng; Kinh doanh thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc; Bán thuốc chưa được phép lưu hành; Kinh doanh mỹ phẩm chưa thực hiện công bố sản phẩm 
mỹ phẩm.

Cơ quan chức năng cũng xử phạt 116,5 triệu đồng đối với ông Tước, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng vi phạm với tổng trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy hơn 183,2 triệu đồng. (Tiền phong, trang 12).

 

Bảo đảm quyền lợi bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, cùng với việc tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Ðảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo bố trí kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) phát miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho đồng bào được khám, chữa bệnh (KCB) ở tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn, được BHYT chi trả tiền thuốc, vật tư y tế. Mặc dù kết quả cấp thẻ BHYT cho đối tượng này đạt tỷ lệ cao, nhưng thực tế số lượt người KCB, cũng như chất lượng KCB ở cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa cao.

Nhiều chính sách ưu tiên

Báo cáo tổng kết chín năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh của Ủy ban Dân tộc cho thấy, thời gian qua, chính sách y tế chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được thực hiện theo hướng: Ưu tiên giải quyết các vấn đề sức khỏe; tăng cường khả năng tiếp cận cũng như cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng; giảm gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe.

Trong đó, Nhà nước đã ưu tiên bố trí ngân sách thực hiện chương trình mục tiêu, các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng, nâng cấp, phát triển hệ thống cơ sở KCB, trang thiết bị y tế, nhất là đầu tư cho bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã. Theo đó, đã có 87 trạm y tế từ Dự án hỗ trợ ngành y tế của EU giai đoạn 1, 288 trạm y tế từ Dự án hỗ trợ ngành y tế của EU giai đoạn 2, 58 trạm y tế từ Dự án Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giai đoạn 2... được xây dựng trong giai đoạn 2016-2018.

Tỷ lệ người dân tộc thiểu số có thẻ BHYT trong những năm qua luôn đạt tỷ lệ cao, năm 2016 có 91% đồng bào dân tộc có thẻ BHYT; năm 2017 đạt 92,05% và năm 2018 là 93,68%. Ðồng thời, tạo điều kiện cho đồng bào được KCB ở tất cả cơ sở y tế trên địa bàn và được Quỹ BHYT chi trả.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực KCB cho đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được bảo đảm về số lượng và chất lượng; các cơ sở y tế quân - dân y tích cực KCB cho người dân. Từ năm 2016, đã có 410 trạm y tế, phòng khám quân - dân y, thuộc các xã vùng sâu, vùng xa thực hiện KCB cho người dân; tuyên truyền, vận động người dân xây dựng Làng Văn hóa - sức khỏe, nếp sống vệ sinh khoa học, bài trừ hủ tục, tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, thực hiện Chương trình Dân số, kế hoạch hóa gia đình… Chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách, chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản (kiêm thêm nhiệm vụ cô đỡ thôn, bản) cũng được triển khai thực hiện hiệu quả tại nhiều địa phương, góp phần phát huy vai trò cầu nối giữa y tế xã với người dân.

Trong giai đoạn 2011 - 2018, Ủy ban Dân tộc cũng ban hành các kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ làm công tác dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, có nội dung lồng ghép tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về KCB, BHYT, dân số...

Nhiều khó khăn cần giải quyết

Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, bên cạnh những mặt đạt được, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe và BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Thực tế, tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân còn thấp, thiếu cán bộ y tế có chuyên môn sâu, cán bộ người địa phương; cơ sở vật chất y tế ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn thiếu, chưa đồng bộ. Tính đến tháng 7-2018, mới có 9.821 trạm y tế xã (đạt hơn 80% số trạm) đủ điều kiện KCB BHYT. Ðồng thời, kết quả phân tích số liệu điều tra về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số và miền núi cho thấy, có 4.113 trạm y tế xã, trong đó, 2.788 trạm được đầu tư xây dựng kiên cố, còn 1.276 trạm bán kiên cố, cá biệt có 49 trạm chất lượng rất kém, tạm bợ; 2.845 trạm y tế xã có bác sĩ (chiếm 69,2%); tại một số tỉnh có tỷ lệ bác sĩ/trạm y tế rất thấp như: Lai Châu (15,9%), Lào Cai (28,6%), Ðiện Biên (33,9%), Khánh Hòa (23,5%)...; trong tổng số 26.557 nhân viên y tế trạm y tế xã thì có 12,3% là bác sĩ, số còn lại là y tá, điều dưỡng, nữ hộ sinh.

Mặc dù kết quả cấp thẻ BHYT miễn phí đạt tỷ lệ cao, nhưng số lượt người KCB và chất lượng KCB bằng BHYT ở cơ sở đạt thấp, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa thật sự hiệu quả. Năm 2016, tỷ lệ KCB BHYT ở tuyến xã là 21,9%; năm 2017 là 19,9%; năm 2018 là 18,5%. Tương ứng với đó, chi KCB BHYT rất thấp, năm 2016 là 2,5%; năm 2017 và 2018 là 2,6%/năm. Nếu tính cả tuyến huyện, xã, chi KCB BHYT năm 2016 đạt 30,3%; năm 2017, 32,6%; năm 2018, 31%. Trong khi đó, người dân tộc thiểu số chủ yếu KCB tại các tuyến y tế cơ sở. Như vậy, phần lớn chi phí KCB BHYT tuyến cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi không được sử dụng hết phải điều tiết ngược về cho các vùng phát triển, nơi có điều kiện KCB tốt hơn.

Trước thực trạng đó, Ủy ban Dân tộc kiến nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật, quyền và lợi ích về KCB cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ðồng thời, đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Khám, chữa bệnh theo hướng, quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, dịch vụ KCB cho đồng bào dân tộc thiểu số để người dân được thụ hưởng đầy đủ quyền được KCB và chính sách theo quy định của Luật BHYT; quy định chính sách hỗ trợ bảo tồn, sử dụng các bài thuốc dân gian, phương pháp chữa bệnh cổ truyền có giá trị của các dân tộc thiểu số; đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, KCB chất lượng cao ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Tiếp tục tăng cường bác sĩ về công tác tại bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ bác sĩ là người dân tộc thiểu số để góp phần nâng cao chất lượng KCB cho người dân. (Nhân dân, trang 4).

 

Ngành Y tế Thủ đô: Tất cả vì bệnh nhân

Hôm nay (25-2), Sở Y tế Hà Nội tổ chức Hội nghị phát động thi đua ngành Y tế Thủ đô năm 2019 và kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2019). Đổi thay ở tất cả các tuyến...

Có mặt tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh… vào những ngày đầu năm mới này, chúng tôi rất ngạc nhiên trước sự thay đổi nơi đây. Ông Trịnh Tố Tâm, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội cho biết, thời gian qua, việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, cải thiện môi trường y tế xanh - sạch - đẹp được tăng cường. Cán bộ y tế có sự chuyển biến rõ rệt về phong cách, thái độ phục vụ.

Mang thai đứa con đầu lòng và được các bác sĩ đánh giá là ca sinh khó, thai phụ Lê Hải Anh (sinh năm 1987, ở Hoàng Mai, Hà Nội) và gia đình rất lo lắng. Thế nhưng, khi quyết định sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, được các bác sĩ tại đây hướng dẫn tận tình, nỗi lo lắng của chị Lê Hải Anh vơi đi rất nhiều. Chị Lê Hải Anh chia sẻ, tuy đông bệnh nhân, song quá trình làm thủ tục, hồ sơ nhập viện diễn ra nhanh chóng. Ban đầu, chị rất lo nhưng kết quả “mẹ tròn con vuông”, lại không phải sinh mổ, nên chị và gia đình rất vui.

Là bệnh viện hạng I chuyên ngành Sản phụ khoa của TP Hà Nội và cũng là bệnh viện tuyến cuối chuyên ngành Sản phụ khoa của Bộ Y tế, năm 2018, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận và khám, chữa bệnh ngoại trú cho gần 720.000 lượt người; khám, chữa bệnh nội trú cho hơn 74.000 lượt người. Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khẳng định, chữa bệnh cứu người là trọng trách mà xã hội giao cho các bệnh viện. Đối với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bên cạnh chữa bệnh cứu người, bệnh viện còn có một trách nhiệm lớn lao hơn là đồng hành với các chị em lên “chuyến xe” để cùng thực hiện một hành trình làm mẹ an toàn.

Bước chân vào Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn), dễ nhận thấy đây là một cơ ngơi hiện đại, khang trang, sạch sẽ mà nhiều cơ sở y tế mơ ước. Thay cho những gương mặt vô cảm, thái độ lạnh nhạt, những câu trả lời trống không là sự tiếp đón chu đáo, ân cần của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ. Mặc dù mới đi vào hoạt động được hơn 2 năm, nhưng trung tâm đã tiếp đón hơn 45.000 lượt người bệnh đến khám ngoại trú và phẫu thuật thành công cho gần 5.000 trường hợp, trong đó rất nhiều ca bệnh nặng, hiếm gặp, bệnh nan y...

Không chỉ tuyến thành phố, ngay cả với bệnh viện tuyến huyện đã có nhiều sự đổi thay không ngờ. Nếu như những năm trước, mỗi lần đặt chân đến Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh với bà Hoàng Thị Đặt (ở huyện Mê Linh, TP Hà Nội) là cả một nỗi ám ảnh thì nay bệnh viện đã có một cơ sở mới khang trang, sạch đẹp tại xã Thạch Đà. Giờ đây, những bệnh nhân như bà Đặt cảm thấy rất hài lòng, không còn muốn chuyển lên tuyến trên. Để rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân, bệnh viện đã đầu tư thêm các trang thiết bị mới, cho kết quả nhanh, chính xác và có niêm yết bảng hẹn giờ trả kết quả. Bệnh viện cũng đã ứng dụng nhiều kỹ thuật mới như: Mổ kết hợp xương cẳng chân, xương cẳng tay, thay khớp háng, mổ nội soi dây chằng, tán sỏi nội soi ngược dòng... để người bệnh không phải lên tuyến trên điều trị, đỡ tốn kém.
Vì sự hài lòng của người bệnh

Theo Sở Y tế Hà Nội, năm 2018, ngành Y tế Thủ đô hoàn thành 100% các chỉ tiêu thành phố giao. Riêng chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân đã tăng từ 23,3 lên 24,5 giường bệnh/vạn dân, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân cũng tăng từ 13,1 lên 13,3 bác sĩ/vạn dân. Cùng với đó, các chỉ tiêu khám, chữa bệnh đều đạt và vượt kế hoạch, số lượt khám bệnh là gần 6,7 triệu lượt (tăng 4,5% so với năm 2017), gần 800.000 người bệnh điều trị nội trú (tăng 6,4%) và hơn 144.000 ca phẫu thuật (tăng 4,5%).

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, nằm trên địa bàn tập trung nhiều bệnh viện đầu ngành tuyến trung ương, nếu các bệnh viện của Hà Nội không phục vụ chu đáo, không có kỹ thuật tốt, thì không thể “kéo” được bệnh nhân. Thời gian qua, tất cả những giải pháp được đưa ra đều lấy yếu tố đầu tiên “tất cả vì bệnh nhân”. Nhờ đó, tỷ lệ hài lòng của người bệnh đang tăng đều qua các năm. Trong năm 2018, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức đoàn khảo sát tại 67 bệnh viện trên địa bàn, trong đó có 41 cơ sở công lập và 26 bệnh viện ngoài công lập. Theo đó, đánh giá sự hài lòng của bệnh nhân ngoại trú có 84% hài lòng và hơn 91% bệnh nhân nội trú hài lòng với thái độ làm việc, phục vụ của các y, bác sĩ, điều dưỡng... 

Trong bối cảnh nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân tăng cao, đòi hỏi các bệnh viện phải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, lấy người bệnh làm trung tâm của hoạt động điều trị, chăm sóc và lấy sự hài lòng của người bệnh làm tiêu chuẩn, thước đo. Do đó, năm 2019, ngành Y tế Thủ đô phát động phong trào thi đua nhằm tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa về nhận thức; nâng cao kỷ cương, ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn; phát huy khả năng sáng tạo và thay đổi thái độ, phong cách ứng xử, phục vụ... của cán bộ, nhân viên toàn ngành. (Hà Nội mới, trang 5).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang