Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 25/2/2020

  • |
T5g.org.vn - Thủ tướng Chính phủ: Không quá lo lắng nhưng không chủ quan trong chống dịch Covid-19!; Phòng, chống dịch Covid-19: Những “chiến sĩ” thầm lặng

 

Thủ tướng Chính phủ: Không quá lo lắng nhưng không chủ quan trong chống dịch Covid-19!

Đây là tinh thần được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong bối cảnh cả nước đang quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, Thủ tướng cho biết, Thường trực Chính phủ không phản đối khung chương trình học của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng yêu cầu xem xét tình hình dịch bệnh vào phiên họp sau để có quyết định cuối cùng việc học sinh đi học trở lại.

Chiều nay (24-2), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 báo cáo tình hình chống dịch.

Chưa chốt ngay thời điểm học sinh đi học trở lại

Liên quan đến việc đi học của học sinh, sinh viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong thời gian diễn ra dịch bệnh, Bộ đã phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế hướng dẫn các trường học trên cả nước vệ sinh trường học, các địa phương đã làm tốt việc này và sẵn sàng cho học sinh trở lại trường.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị, đối với học sinh, sinh viên là đối tượng có thể chủ động phòng, chống dịch, có thể cho đi học trở lại từ ngày 2-3 tới. Còn đối với học sinh mầm non, tiểu học, có thể cho lùi lại 1-2 tuần, tùy theo tình hình dịch bệnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, việc cho học sinh, sinh viên đi học trở lại cần căn cứ vào các lý do, bao gồm Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, trong 11 ngày qua không có ca nhiễm mới và 15/16 trường hợp nhiễm bệnh đã khỏi. Theo quy định, tỉnh Thanh Hóa đã công bố hết dịch và tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị công bố hết dịch.

Thứ hai, việc tiếp tục cho học sinh nghỉ học sẽ làm phát sinh những ảnh hưởng đến gia đình, nhà trường, xã hội. Ngoài ra, học sinh từ cấp II trở lên có thể không chịu sự kiểm soát và ra ngoài có thể tiếp xúc với nguồn dịch bệnh.

Theo kinh nghiệm nước ngoài, các nước có dịch vẫn cho học sinh đi học như Nhật Bản, Malaysia, Singapore.

Việc tiếp tục cho học sinh cả nước nghỉ học sẽ gây nghi ngờ về tuyên bố của Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của nước ta, nhất là đối với dịch vụ du lịch. Việc cho học sinh, sinh viên đi học trở lại cần căn cứ theo lứa tuổi và bậc học. Cụ thể, học sinh từ bậc trung học phổ thông trở lên có thể đi học từ ngày 2-3 vì độ tuổi này có sức đề kháng tốt và ý thức tự bảo vệ bản thân tốt hơn. Như thế cũng bảo đảm thời gian thi chuyển cấp, tuyển sinh đại học và đi du học nước ngoài.

Học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở do chưa có ý thức tự bảo vệ bản thân, sĩ số lớp học đông, có thể chưa phải đi học ngay mà nghỉ thêm một, hai tuần tùy theo diễn biến của dịch.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, nếu để học sinh đi học trở lại, Hà Nội đã có chỉ đạo các trường, lớp phải đo thân nhiệt cho học sinh khi đến lớp và khi ra về. Đồng thời, học sinh rửa tay, sát khuẩn khi đến lớp và ra về. 

Bên cạnh đó, các trường lớp cũng tăng cường vệ sinh, khử khuẩn… Các trường không tổ chức chào cờ đầu tuần ở sân mà tổ chức trong lớp; bố trí giờ giải lao giữa các lớp lệch nhau. Không bắt buộc đeo khẩu trang khi đến lớp học.

Không để ai bị nhiễm bệnh mà không được biết tới

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng nêu rõ, dịch Covid-19 không chỉ là một thử thách đối với ngành Y tế mà còn là phép thử rất thực chất về phương diện quyết tâm chính trị, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp, các địa phương.

Toàn xã hội đã phản ứng rất trách nhiệm, nhanh chóng trước các quyết sách của Chính phủ. Chúng ta đã xử lý các bất cập rất kịp thời và quyết đoán. Nhân dân đoàn kết, tin tưởng, chia sẻ khó khăn và mục tiêu cùng với chính quyền. Trong công tác chống dịch, không có tình trạng trên nóng, dưới lạnh, hành chính quan liêu.

Theo Thủ tướng, nỗ lực phòng, chống dịch, thái độ và ứng xử của Việt Nam đã bước đầu được quốc tế ghi nhận. Một phần thưởng rất lớn đối với chúng ta thời gian qua chính là niềm tin của nhân dân, của quốc tế vào tinh thần Việt Nam, vào quyết tâm, hiệu lực hiệu quả của hệ thống chính trị.

Tuy vậy, theo Thủ tướng, với trách nhiệm của mình, chúng ta cũng thấy các bất cập, tồn tại cần phải nhận diện từ thực tiễn chỉ đạo, như khả năng giám sát dịch bệnh theo khu vực địa lý chưa thích hợp. Vẫn còn một số ít ngành, địa phương còn chủ quan. Hành động tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó cần phải bổ sung tốt hơn.

Thủ tướng nhấn mạnh, tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, khống chế dịch Covid-19 tại Việt Nam một cách căn bản, không được chủ quan, coi việc chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung ở các cấp, các ngành, địa phương.

“Chúng ta cần phấn đấu không để ai bị nhiễm bệnh mà không được biết tới và nhanh chóng chữa khỏi cho mọi bệnh nhân Covid-19, kể cả người nước ngoài”, Thủ tướng nói.

Cách ly là biện pháp quan trọng. Cần phát hiện sớm, đề phòng chủ động. Cần cách ly kịp thời đủ 14 ngày mọi đối tượng từ vùng dịch đến Việt Nam. Theo dõi y tế kịp thời khi có bất kỳ triệu chứng nào. Các hoạt động đông người cần tiếp tục hạn chế để tránh lây lan. Không để lây nhiễm chéo xảy ra. Ngành Y tế kịp thời điều trị tốt cho người bệnh, hạn chế tử vong.

Sau hội nghị, Thủ tướng đồng ý ban hành một chỉ thị nữa về phòng, chống dịch Covid-19.

Chúng ta kiên quyết nhưng bình tĩnh trong chống dịch, cố gắng thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch tốt, vừa triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm hoạt động bình thường, Thủ tướng nói và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành sớm ban hành chỉ thị về đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để giữ ổn định các mặt đời sống, xã hội.

Về một số việc cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, khởi động du lịch Việt Nam an toàn, hàng không an toàn trong ngành Văn hóa, du lịch. Các địa phương, hiệp hội, các ngành tiếp tục tìm thị trường mới, nhất là các nước ít bị dịch bệnh.

Các cấp, các ngành, các công ty, doanh nghiệp khắc phục sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng do Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước để lại bằng những biện pháp khác, chủ động hơn. Sẵn sàng đón bắt dòng đầu tư từ nhiều nước đến Việt Nam, một điểm đến an toàn. Đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu ở một số ngành không bị ảnh hưởng bởi dịch như: Gỗ, rau - củ - quả, thủy sản…

Thủ tướng mong muốn người dân tự tin, tích cực phòng, chống dịch, bảo đảm hoạt động bình thường, đồng thời cho biết, Thường trực Chính phủ không phản đối khung chương trình học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, yêu cầu xem xét tình hình dịch bệnh vào phiên họp sau để có quyết định cuối cùng việc học sinh đi học trở lại.

“Không run sợ, không quá lo lắng, nhưng không được chủ quan”, Thủ tướng nói, nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, kỷ cương, sáng tạo. (Hà Nội mới, trang 1; An ninh thủ đô, trang 3; Tuổi trẻ, trang 2; Nhân dân, trang 1; Sài Gòn giải phóng, trang 1; Gia đình & Xã hội, trang 3; Công an nhân dân, trang 1).

 

Phòng, chống dịch Covid-19: Những “chiến sĩ” thầm lặng

Trong số 16 trường hợp dương tính với Covid-19 mà Việt Nam ghi nhận, đã có 15 trường hợp được xuất viện. Dự kiến, trong vài ngày tới, ca bệnh thứ 16 cũng sẽ được xuất viện. Và từ ngày 14-2 đến nay, Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp mắc mới Covid-19. Để có được kết quả thành công trong điều trị cũng như bước đầu kiểm soát được tình hình dịch Covid-19 là biết bao ngày đêm nỗ lực, thầm lặng hy sinh của các y, bác sĩ, nhân viên y tế - những “chiến sĩ” áo trắng trên tuyến đầu chống dịch.

Tận tụy nơi tuyến đầu chống dịch

Dù đã kết thúc việc điều trị thành công cho 5 bệnh nhân dương tính với Covid-19 (bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra), nhưng công việc của các y, bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) vẫn chưa phút nào thảnh thơi. Bởi, hằng ngày, ngoài công việc thường nhật tại bệnh viện, họ vẫn tiếp tục thăm khám, theo dõi sức khỏe cho những trường hợp đang phải cách ly, giám sát y tế…

Trong căn phòng rộng khoảng 12m2 ở Khoa Cấp cứu, Tiến sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa cùng các nhân viên tranh thủ lót dạ bằng chiếc bánh chưng được một người nhà bệnh nhân “tiếp tế”, trước khi tiếp tục bước vào “cuộc chiến” chống dịch Covid-19. Tiến sĩ Thân Mạnh Hùng kể, anh còn nhớ như in ngày tiếp nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Thời điểm đó, nhiều bác sĩ, điều dưỡng viên không giấu được sự căng thẳng và những câu hỏi thường trực trong tâm trí: Mặc đồ bảo hộ như thế có an toàn; diễn biến sức khỏe người bệnh có nặng lên; trang thiết bị có đáp ứng được nếu bệnh nhân nặng tăng, nhập viện quá đông... Thế nhưng, những lo lắng cũng nhanh chóng qua đi, khi tất cả cùng lao vào công việc, dốc sức cứu chữa người bệnh. 

Kể từ khi dịch Covid-19 được công bố, đã có 60 cán bộ, nhân viên y tế ăn, ngủ tại bệnh viện, lấy bệnh viện là nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác. Bệnh viện cũng đã thu xếp một khu nhà ở tạm cho các cán bộ, nhân viên y tế với những điều kiện sinh hoạt tối giản hết mức. Công việc hằng ngày của các y, bác sĩ ở đây là thăm khám, đánh giá toàn trạng của bệnh nhân, các dấu hiệu sinh tồn, triệu chứng lâm sàng... Thậm chí, các y, bác sĩ thuộc lòng cả vấn đề dinh dưỡng, ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân giai đoạn trong phòng cách ly đặc biệt, rồi cả quy trình khử trùng, tránh phát tán vi rút ra bên ngoài.

Hằng ngày, trực tiếp làm việc, chăm sóc các bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại phòng cách ly đặc biệt, điều dưỡng Khoa Cấp cứu Nguyễn Thị Dung phải mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít trong suốt 3-4 giờ khiến cơ thể lúc nào cũng trong tình trạng bí bách, khó chịu. Trong suốt ca làm việc, mồ hôi chị ướt sũng, mặt hằn vết khẩu trang, nước không được uống... Những cố gắng đó đã được đền đáp bằng những nụ cười trên gương mặt 5 bệnh nhân trong ngày xuất viện. “Không chỉ điều trị cho tôi khỏi bệnh, các y, bác sĩ còn động viên tinh thần, chia sẻ như những người thân trong gia đình”, anh T.C.P (bệnh nhân 30 tuổi, ở xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) bày tỏ lời cảm ơn.

Cũng là cơ sở y tế tiếp nhận điều trị 5 bệnh nhân dương tính với Covid-19, Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà (Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) được huy động 29 bác sĩ và cán bộ y tế làm việc 24/24 giờ, bảo đảm khám và các điều kiện sinh hoạt đầy đủ cho bệnh nhân. Bác sĩ Trần Quang Vịnh, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc bắt đầu tham gia chống dịch Covid-19 từ ngày 30-1 và cũng cách ly với gia đình từ đó đến nay. Đến ngày 7-2, anh được điều động tăng cường đến phòng khám “đặc biệt” này. “Vợ con tôi ở Hà Nội, một mình tôi ở Vĩnh Phúc. Nhiều lúc rất nhớ nhà, thậm chí có những phút giây chạnh lòng khi nhận được thông tin, mọi người xung quanh ngần ngại khi tiếp xúc với vợ con tôi, vì biết tôi tham gia chống dịch. Dù vậy, là một bác sĩ, tôi không thể bỏ mặc bệnh nhân. Chúng tôi vững tin khi điều trị khỏi cho 4 bệnh nhân nhiễm Covid-19 và một bệnh nhân còn lại ở phòng khám đang có tiến triển tốt”, bác sĩ Trần Quang Vịnh tâm sự.

Cần được dân tin, đồng lòng chống dịch

Với 11/16 ca dương tính Covid-19 ghi nhận tại tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Y tế đã hỗ trợ vật tư, hóa chất dập dịch, đồng thời cử tổ công tác đặc biệt, gồm 2 đội thường trực tại đây 24/24 giờ trong 20 ngày, kể từ ngày 13-2. Một đội hỗ trợ trong công tác thu dung, điều trị bệnh nhân; một đội hướng dẫn công tác dự phòng, khoanh vùng dập dịch, bảo đảm yếu tố môi trường, vệ sinh phòng bệnh.

Cùng đồng hành với những bác sĩ nơi tuyến đầu trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19, những cán bộ y tế làm công tác dự phòng cũng vất vả, hiểm nguy không kém. Họ phải đến từng thôn xóm, vào từng hộ gia đình, hướng dẫn người dân cách phòng bệnh. Nếu không cẩn thận, nguy cơ nhiễm bệnh luôn tiềm ẩn. Bởi, những người dân trong vùng dịch mà họ tiếp xúc, những góc nhà, ngõ xóm mà họ đi qua, rác thải mà họ thu gom có ai dám chắc không có vi rút gây bệnh.

Ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế “cắm chốt” tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, xã Sơn Lôi, nơi đang phải khoanh vùng, cách ly có 10.600 dân, gồm 6 thôn. Các thành viên trong Tổ công tác đặc biệt chia nhau mỗi người quản lý 30-50 hộ dân, trong quá trình hỏi thăm sức khỏe, nếu thấy trường hợp nào bất thường, phải báo cáo cách ly ngay, sau đó theo dõi sức khỏe cho từng trường hợp, cặp nhiệt độ sáng và chiều, ghi lại vào bảng, báo cáo lên các cấp để nắm tình hình… “Chúng tôi có câu thần chú đó là: “Phát hiện, phát hiện, phát hiện. Cách ly, cách ly và cách ly”. Khó khăn, vất vả chúng tôi không ngại, mà quan trọng nhất là người dân hiểu, tin tưởng cùng phối hợp chống dịch”, ông Trần Như Dương nói.

Còn ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội chia sẻ, những người làm công tác y tế dự phòng không ngại khổ, ngại khó, mà sợ nhất là những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội. Bởi, những thông tin không đúng khiến nhân dân mất niềm tin, hoang mang, lo lắng quá mức. "Mỗi người nên chọn lọc thông tin dịch bệnh từ kênh chính thống, để trang bị cho mình kiến thức phòng bệnh tốt nhất, như đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần với người khác; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh nhà ở, nơi làm việc... Khi nhân dân tin tưởng, cùng chung tay chống dịch, nhiệm vụ của chúng tôi sẽ thuận lợi hơn nhiều", ông Nguyễn Nhật Cảm bày tỏ.  (Hà Nội mới, trang 1).

 

Kết quả xét nghiệm đối với nữ sinh nghi mắc COVID-19 ở Huế tại 2 viện đều âm tính

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Việt Nam có đủ năng lực, đủ sinh phẩm để làm xét nghiệm COVID-19 đảm bảo độ chính xác tương đương như các nước…

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) vào sáng nay, 24-2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân.

“Về xét nghiệm, Việt Nam có đủ năng lực, đủ sinh phẩm để làm xét nghiệm. Độ chính xác xét nghiệm tương đương như các nước, xét nghiệm Real-time RT-PCR (xét nghiệm kháng nguyên) nên độ nhạy và đặc hiệu cao”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam hiện có 3 đơn vị xét nghiệm đạt chuẩn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận và thống nhất chuyển giao công nghệ, thống nhất phương pháp thực hiện mẫu xét nghiệm, gồm: Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tại Hà Nội.

Sau đó, các đơn vị này đã tiến hành chuyển giao công nghệ, tập huấn chuyên môn cho 22 phòng xét nghiệm là những đơn bị đủ máy móc trang thiết bị và nhân lực (đạt chuẩn do WHO công nhận). Các phòng xét nghiệm đủ năng lực cho kết quả tin cậy.

Ngay cả tuyến tỉnh hiện nay như tỉnh Quảng Ninh, Hà Nội hiện đã thực hiện được xét nghiệm về dịch bệnh COVID-19.

Đối với các trường hợp có dấu hiệu điển hình, nghi ngờ mắc bệnh, mẫu bệnh phẩm đều được tiến hành xét nghiệm tại hai cơ sở để đối chứng và khẳng định tính chính xác.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng thông tin, về trường hợp nữ sinh lớp 12 trú tại huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên-Huế) tử vong sau khi có triệu chứng ho, sốt và khó thở kéo dài trong khoảng một tuần, Bệnh viện Trung ương Huế sử dụng kỹ thuật xét nghiệm Real time RT-PCR (do Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh chuyển giao) để kiểm tra mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân và cho kết quả âm tính.

Tại Bệnh viện Trung ương Huế, hệ thống trang thiết bị đã được đầu tư hiện đại, đồng bộ, đủ năng lực xét nghiệm. Bệnh viện đã chủ động mời các chuyên gia của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh ra đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về xét nghiệm theo đúng quy chuẩn, trình tự của WHO.

Tuy nhiên, để đảm bảo thông tin chính xác, Bộ Y tế đã giao Viện Paster Nha Trang tiến hành xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này để đối chứng và cũng cho kết quả âm tính với COVID-19. (An ninh thủ đô, trang 6).

 

Lý giải việc WHO liên tục đổi tên virus gây dịch Covid-19

Sáng qua, 24-2, thông tin đến báo chí, Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng – Bộ Y tế cho biết, cơ quan này đã trao đổi với WHO Việt Nam về thông tin WHO đổi tên virus gây dịch bệnh COVID-19.

Qua trao đổi được biết: Việc đặt tên dịch bệnh COVID-19 và virus corona mới gây ra bệnh này là SARS-CoV-2 đã được thực hiện từ ngày 11-2-2020, cùng thời điểm đổi tên dịch nCOV thành dịch COVID-19 chứ không phải đến ngày 22-2 lại đổi tên lần nữa.

Thực tế, phía WHO đã đăng tải thông báo về việc đặt tên này trong phần Hướng dẫn kỹ thuật trên website chính thức của WHO. Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng – Bộ Y tế lược dịch như sau:

Đặt tên cho bệnh do virus corona mới (COVID-2019) và virus gây bệnh

Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã công bố tên chính thức cho loại virus gây ra sự bùng phát của dịch COVID-19, trước đây gọi là virus corona mới (2019-nCoV) và căn bệnh mà nó gây ra.

Tên chính thức là:

- Bệnh: Bệnh virus corona (COVID-19)

- Virus: Virus corona 2 gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV-2)

Virus và bệnh mà chúng gây ra thường có tên khác nhau. Ví dụ, HIV là virus gây ra bệnh AIDS; và chúng ta thường chỉ biết tên một bệnh, chẳng hạn như bệnh sởi mà không biết tên virus gây ra bệnh sởi là rubeola.

Virus được đặt tên dựa trên cấu trúc gen của chúng để tạo điều kiện cho việc phát triển các test chẩn đoán, sản xuất vaccine và thuốc chữa trị. Ủy ban quốc tế về phân loại virus - International Committee on Taxonomy of Viruses (ICTV) chịu trách nhiệm đặt tên cho các loại virus. Còn WHO sẽ đặt tên chính thức cho các căn bệnh trong Phân loại quốc tế bệnh tật (ICD).

Vào ngày 11-2-2020, Ủy ban quốc tế về phân loại virus - ICTV thông báo: “Tên của loại virus mới (trước đây gọi là nCoV) là Virus corona 2 gây ra Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV-2). Tên này được chọn bởi đặc tính gen của virus mới liên quan đến loại virus corona gây dịch bệnh SARS vào năm 2003. Tuy nhiên, 2 loại virus này là khác nhau.

Cũng trong ngày 11-2-2020, WHO thông báo: “CoVID-19 là tên của bệnh do virus corona mới gây ra, dựa theo các hướng dẫn trước đây cùng với Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO).

WHO và ICTV đã trao đổi với nhau về việc đặt tên cho virus corona mới và căn bệnh mà nó gây ra.

Vậy tại sao có thông tin WHO tiếp tục đổi tên cho virus mới từ 22-2?

Trong phần lược dịch tài liệu đăng tải trên website chính thức của WHO, đại diện Bộ Y tế cho biết, WHO đã có lý giải về việc vì sao không sử dụng tên của virus mới là SARS-CoV2 ngay từ ngày 11-2 như đã thống nhất với ICTV.

Theo đó, WHO cho biết, từ góc độ của truyền thông nguy cơ, sử dụng tên SARS cho virus mới có thể gây ra những hệ lụy không lường trước được khi tạo ra nỗi sợ hãi không cần thiết cho một số bộ phận người dân, đặc biệt là ở châu Á, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch SARS năm 2003.

Vì lý do đó cũng như những vấn đề liên quan, WHO đề cập đến việc sử dụng tên gọi của virus này là “Virus gây bệnh COVID-19” hoặc “Virus COVID-19” khi truyền thông đến công chúng. Tuy nhiên, cả hai cách gọi này không có ý định để thay thế tên chính thức của virus là SARS-CoV2 đã được thống nhất với ICTV.

Các tài liệu xuất bản trước khi loại virus này được đặt tên chính thức sẽ không được cập nhật trừ khi cần thiết để tránh nhầm lẫn. (An ninh thủ đô, trang 7).

 

Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2020): Những “chiến binh” phòng dịch

Chưa bao giờ ngành Y lại có một tháng 2 - tháng kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam đặc biệt như năm nay khi tất cả căng mình, dồn sức chống chọi với “cơn bão” mang tên Covid-19. Họ bỏ lại phía sau những bó hoa rực rỡ, những lời chúc mừng để đối mặt với ngày tháng ăm ắp nỗi lo, nhọc nhằn và vất vả. Cuộc chiến đấu chưa biết được ngày kết thúc khi số ca mắc và tử vong trên thế giới mỗi ngày lại tăng...

Có biết bao lời đồn thổi về dịch bệnh, cả những lời đe dọa và không ít kỳ thị bủa vây những “chiến sĩ” y tế dự phòng đang khoác trên mình tấm áo blouse nhưng tất cả không khiến họ nản lòng. Dường như những thách thức đó còn tiếp thêm sức mạnh để họ mỗi ngày lại quyết tâm chiến đấu đến cùng bảo vệ cho đồng bào mình.

“Ðội đặc nhiệm ba cùng” giữa tâm dịch

Tôi đến huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) vào một ngày bất ngờ đầy nắng giữa những ngày mưa ẩm, rét buốt. Thoáng thấy bóng dáng quen thuộc đi lại thoăn thoắt ở Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), tôi định cất tiếng gọi, chợt nghe bác sĩ Doãn Đức Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên gọi giật lại: “Em đợi tí, anh Khoa quay lại ngay”.

Chừng 10 phút sau, vừa vuốt những giọt mồ hôi trên trán, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa đi lại chỗ chúng tôi, gương mặt anh không giấu được niềm vui khi đã có những bệnh nhân đầu tiên được điều trị khỏi Covid -19 tại tuyến huyện. Bác sĩ Khoa là thành viên của Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Y tế được tăng cường lên điểm nóng  Bình Xuyên giữa những ngày Covid -19 gây sóng gió tại đây.

Người đàn ông với gương mặt hiền từ, giọng nói trầm ấm nhưng rất quyết liệt khi chia sẻ về nỗ lực ngăn chặn virus corona mới lây lan ra cộng đồng. Mấy chục năm gắn bó với ngành Y nhưng đây là lần đầu tiên anh “trần mình” với cuộc chiến mà đối thủ còn hết sức mơ hồ.

Được Bộ Y tế biệt phái lên tâm dịch Covid -19 để hỗ trợ đồng nghiệp tuyến dưới từ ngày 12/2, chưa một lần anh rời trận tuyến. Ngày nào cũng một vài lần đến xã Sơn Lôi, nơi được khoanh vùng, cách ly và trở thành điểm nóng của dịch Covid-19 tại Việt Nam.

“Chưa bao giờ có chiến dịch như thế này. Công việc khá thách thức nhưng anh em chúng tôi cũng an lòng vì có sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo Quốc gia và các lãnh đạo tỉnh, công an, quân đội Vĩnh Phúc. Những ngày vừa rồi, áp lực công việc căng thẳng, bận rộn tới mức nhiều hôm quên không gọi điện về cho vợ con xem tình hình ở nhà thế nào”, bác sĩ Khoa trải lòng.

Tôi kể cho anh nghe về việc trước khi đến Bình Xuyên, tôi có dịp gặp vợ anh tại cuộc họp ở Bộ Y tế về dịch Covid - 19. Nụ cười xuất hiện trên gương mặt người đàn ông khi thấy người đối diện nhắc đến “một nửa” của mình. Hai vợ chồng cùng làm ngành Y, đợt dịch này hai anh chị quay cuồng với công việc đến nỗi vợ anh trêu “chồng đi lâu khéo quên mặt”.

Cùng với bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và các đồng đội khác trong tổ công tác đặc biệt trở nên quen mặt với bà con xã Sơn Lôi. Làm việc không có ngày nghỉ, trực 24/24 giờ tại Bình Xuyên để sẵn sàng đáp ứng những tình huống khẩn cấp có thể xảy ra. Họ cùng ăn, cùng ở và cùng chống dịch với người dân nơi đây.

Nhiều hôm nửa đêm, mới thiu thiu ngủ, nhận cuộc gọi khẩn cấp, cả Tổ công tác lại bật dậy họp bàn xử lý tình huống phát sinh. Giữa những ngày cháy hết mình vì cộng đồng đó, những người đàn ông vốn gắn cuộc đời với nghiệp áo blouse cũng có những lúc chạnh lòng nhớ nhà khi tự tay vào bếp nấu ăn, hoặc khi chứng kiến bữa tối sum vầy của những gia đình trong vùng tâm dịch…

Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế cắm chốt tại huyện Bình Xuyên, chia các nhóm dự phòng, môi trường, điều trị, theo phương châm “cầm tay chỉ việc” đến cán bộ y tế các cấp. “Hằng ngày, chúng tôi tỏa đi các địa bàn nắm tình hình, thực hiện nhiều biện pháp chuyên môn khẩn thiết”, PGS.TS Trần Như Dương chia sẻ.

Truy tìm “kẻ thù vô hình”

Nghe tôi ngỏ ý muốn được vào xã Sơn Lôi để tận thấy cuộc sống của người dân và các y bác sĩ giữa tâm dịch, GS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư nhiệt tình hỗ trợ trang phục bảo hộ cho phóng viên. Ông là người gắn bó với điểm nóng Bình Xuyên ngay từ những ngày đầu dịch Covid -19 xuất hiện tại đây.

Với mấy chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hô hấp, ông nhận ra mối nguy hiểm mà loại virus mới này sẽ gây ra. Ngay lập tức GS.TS Nguyễn Viết Nhung cho chuyển đến Bình Xuyên những thiết bị y tế cần thiết cho nhân viên y tế bởi ông biết nếu y bác sĩ không an toàn thì sẽ không khống chế và dập được dịch bệnh.

Trạm Y tế xã Sơn Lôi những ngày này luôn túc trực nhiều bác sĩ, điều dưỡng có nhiệm vụ giám sát từng người dân, từng nhà, mỗi ngày 2 lần, đo nhiệt độ, chỉ cần có biểu hiện gai người, rét run, mệt... đã cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. “Người ta sợ quá hay né mình đều nguy hiểm. Với xã Sơn Lôi, việc tuyên truyền đến tận thôn. Câu thần chú của chúng tôi là “Phát hiện, phát hiện và phát hiện - cách ly, cách ly và cách ly”. Quan điểm đặt ra là không bỏ sót, cách ly nghiêm ngặt”, PGS.TS Trần Như Dương cho biết.

Bác sĩ Trần Văn Tiến, Bệnh viện Quân Y 109 cùng các đồng nghiệp đóng quân tại Trạm Y tế xã Sơn Lôi từ ngày 12/2. Hằng ngày cùng với bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi T.Ư) lên tăng cường tại Sơn Lôi, các anh chia ca, trực 24/24 giờ. Mỗi ngày các bác sĩ ở đây khám cho 40-50 bệnh nhân. Nhiệm vụ đặt ra là phân luồng bệnh nhân, có trường hợp nghi ngờ chuyển lên Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà (huyện Bình Xuyên).

Những cán bộ y tế dự phòng không đối mặt trực tiếp với virus corona mới như những đồng nghiệp chuyên điều trị, thu dung bệnh nhân Covid-19. Nhưng họ mang sứ mệnh quan trọng và nặng nề khi trở thành “lá chắn thép” có nhiệm vụ sàng lọc, chẩn đoán trong số hàng trăm, hàng ngàn con người kia ai mang trong mình mối nguy nhiễm bệnh. Mỗi ngày, họ chia nhau đến từng ngõ xóm, từng ngôi nhà, phải tiếp xúc với biết bao con người nhưng nan giải ở chỗ họ không thể nhìn được “kẻ thù” của mình có tiềm ẩn trong những người dân mà họ tiếp xúc không.

Chứng kiến các anh, các chị lao vào ổ dịch không kể đêm ngày và sự nguy hiểm, đôi khi vì tính chất công việc mà lây bệnh mới thấy hết được giá trị từ những gì mà họ mang đến cho cộng đồng. Còn nhiều khó khăn khác mà họ vẫn thường xuyên phải đối mặt. Đó là sự hiểu nhầm, lảng tránh của mọi người, là sự chênh lệch về quyền lợi giữa những người làm công tác dự phòng với đội ngũ y - bác sĩ ở các bệnh viện, đặc biệt là về thu nhập. Nhưng không ai trong số đó lùi bước. Họ chấp nhận đương đầu với thử thách khắc nghiệt bởi họ đã chọn cho mình con đường dấn thân vì cộng đồng… (Tiền phong, trang 8.9).

 

Kiểm soát người đến từ 'tâm dịch' của Hàn Quốc

Nhiều tỉnh thành đã thực hiện việc cách ly, kiểm soát đối với người đến từ “tâm dịch” Covid-19 Daegu (Hàn Quốc); giám sát đối với người Việt Nam trở về từ Hàn Quốc, khách du lịch, chuyên gia, người lao động đến từ Hàn Quốc.

Từ tối 23.2, TP.HCM đã triển khai tờ khai y tế, giám sát, cách ly kiểm dịch Covid-19 do chủng mới của vi rút Corona (SARS-CoV-2) với hành khách nhập cảnh đến từ Hàn Quốc.

Ngay trong đêm 23.2 và rạng sáng 24.2, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP phối hợp Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế đã giám sát, thực hiện công tác kiểm dịch đối với 575 hành khách trên 5 chuyến bay nhập cảnh từ Hàn Quốc. Tất cả hành khách đều phải khai tờ khai y tế. Qua kiểm tra, đã phát hiện 3 trường hợp nhập cảnh đi từ “tâm dịch” là TP.Daegu (Hàn Quốc), trong đó, 1 trường hợp có biểu hiện ho, không sốt đã được đưa đến Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới để lấy mẫu xét nghiệm và cũng đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2; 2 trường hợp còn lại không có triệu chứng bệnh lý đường hô hấp đã được cách ly kiểm dịch tại BV dã chiến H.Củ Chi.

Đến chiều tối 24.2, theo nguồn tin của Thanh Niên, có khoảng 30 hành khách là người Việt từ vùng có dịch bệnh Covid-19 Hàn Quốc về được chuyển cách ly, giám sát tại BV dã chiến H.Củ Chi. Tính đến tối qua, BV này đã tiếp nhận khoảng 70 ca từ các vùng có dịch bệnh Covid-19 (Trung Quốc, Hàn Quốc). Tất cả các hành khách khác được tư vấn, khuyến cáo tự theo dõi sức khỏe; thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh Covid-19 tại nhà, nơi lưu trú.

Lo ngại lao động đến từ Hàn Quốc

Ngày 24.2, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng, yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát toàn bộ người Việt Nam, người nước ngoài đi từ vùng dịch về Hải Phòng để tiếp tục lập danh sách cách ly. Hải Phòng là địa phương có nhiều người Hàn Quốc sống và làm việc, nhiều nhất là ở KCN Tràng Duệ (H.An Dương) và đường Văn Cao (Q.Ngô Quyền).

Trước mắt, Hải Phòng sẽ cách ly tập trung tất cả người Việt Nam trở về từ TP.Daegu và Bắc Gyeongsang (Hàn Quốc). Theo báo cáo của Sở Y tế TP.Hải Phòng, địa phương này chưa có ca mắc Covid-19. Có 33 người nghi nhiễm đã được cách ly và cho kết quả xét nghiệm âm tính. 336 người Trung Quốc nhập cảnh vào Hải Phòng được đưa vào khu cách ly tập trung, trong đó 334 người đã kết thúc cách ly, 2 người còn lại được đưa về BV Hữu nghị Việt Tiệp tiếp tục theo dõi.

Tại Thái Bình, có 8 người từ Hàn Quốc trở về đang được theo dõi y tế. Trong đó, có 1 sinh viên du học tại tỉnh Bắc Gyeongsang. Ngày 22.2, sinh viên này bay từ Hàn Quốc đến sân bay Đà Nẵng, rồi bay về sân bay Nội Bài (Hà Nội), sau đó lên taxi về Thái Bình lúc 22 giờ cùng ngày. Ngay khi về đến nhà, sinh viên này đã liên hệ với cơ quan chức năng để được cách ly tại BV đa khoa tỉnh Thái Bình. Tài xế taxi chở sinh viên về Thái Bình cũng được đưa đi cách ly.

Cũng trong ngày 24.2, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19. Tại cuộc họp, các sở, ngành và UBND huyện, thị, TP đã bày tỏ lo ngại dịch có thể xâm nhập vào tỉnh này từ người Hàn Quốc và lao động (LĐ) người Việt Nam trở về từ Hàn Quốc. Nhiều ý kiến đề xuất cần thực hiện giám sát, kiểm tra sức khỏe, có biện pháp cách ly đối với những người này; đề nghị không cấp phép mới đối với LĐ Hàn Quốc vào Việt Nam làm việc.

Ông Trần Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thống nhất với các đề xuất của sở, ngành, địa phương và yêu cầu cơ quan chức năng, ban quản lý các KCN tập trung rà soát, thống kê người Hàn Quốc, Nhật Bản sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong các KCN.

Giám sát du khách, người Hàn Quốc tại Đà Nẵng

Tại Đà Nẵng, ngày 24.2, ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết ngành y tế TP đang thực hiện cách ly, kiểm tra sức khỏe đối với đoàn khách 80 người, trở về từ vùng dịch Daegu (Hàn Quốc).

Trong đoàn khách 80 người này có 20 du khách Hàn Quốc và 2 du khách Thái Lan; 58 du học sinh, người lao động (NLĐ) Việt Nam tại Hàn Quốc. Ngay khi đáp xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng, đoàn được kiểm tra y tế với đầy đủ thông tin sức khỏe trong quá trình di chuyển. Số hành khách này cũng được kiểm tra sức khỏe ngay trên máy bay và đi qua máy đo thân nhiệt. Việc di chuyển, tiêu độc khử trùng máy bay, hành lang di chuyển cũng được thực hiện ngay sau đó.

Theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng, tính đến tối 24.2, sau khi kiểm tra sức khỏe, 20 du khách Hàn Quốc, 2 du khách Thái Lan đã đưa đi cách ly đúng quy trình. Riêng 58 du học sinh, LĐ người Việt Nam trở về từ Hàn Quốc được đưa về khu vực cách ly, giám sát dịch theo quy chuẩn của Đà Nẵng tại Trung tâm huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ (xã Hòa Khương, H.Hòa Vang).

Theo ông Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng, 80 hành khách này sẽ được cách ly trong vòng 14 ngày để kiểm soát y tế, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm Covid-19, để kịp thời xử lý và hạn chế lây lan trong cộng đồng.

“TP.Daegu hiện là tâm dịch của Hàn Quốc nên việc cách ly những người trở về từ đấy theo quy định là cần thiết, dù hiện tại chưa ghi nhận biểu hiện sốt ở các hành khách này”, ông Thạnh nói. Hiện tại, TP.Đà Nẵng có 3 khu vực cách ly đặc biệt tại BV Phổi Đà Nẵng, BV Phụ sản Nhi Đà Nẵng, BV 199 - Bộ Công an). Riêng khu vực cách ly tại BV Phổi Đà Nẵng được dùng để cách ly, điều trị những trường hợp đã có kết quả dương tính với dịch Covid-19. (Thanh niên, trang 2).

 

Việt Nam là nước đầu tiên thực hiện thành công ca ghép chi thể từ người cho sống

Ngày 24-2, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 công bố thực hiện thành công ca ghép chi thể đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống.

Trước đây, việc nối chi thể đứt rời tự thân của người bệnh đã được thực hiện thường quy tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108. Thế nhưng, hiện nay, bệnh viện thực hiện ghép một phần chi thể của người này cho một người nhận khác. Bệnh nhân được thực hiện ca ghép đặc biệt này là anh Phạm Văn Vương (31 tuổi, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Năm 2016, trong quá trình lao động, anh Vương bị tai nạn do máy đột dập khiến toàn bộ 1/3 dưới cẳng tay và bàn tay trái dập nát, biến dạng hoàn toàn. Do vết thương quá nặng và không còn khả năng bảo tồn, các bác sĩ buộc phải cắt cụt 1/3 cẳng tay trái của bệnh nhân. Tuy nhiên, cuộc sống, công việc của anh gặp nhiều khó khăn từ sự thiếu bàn tay này. 

Tại thời điểm năm 2016, gia đình đã đăng ký vào danh sách chờ hiến chi thể. Đến đầu năm 2020, bệnh viện thông báo anh Vương được hiến tặng cẳng tay chuẩn bị thực hiện ca ghép. 

Trường hợp hiến tay là một bệnh nhân 51 tuổi bị chấn thương phức tạp ngày 3-1-2020 do băng chuyền của máy tải gạch cuốn và đè ép trực tiếp lên tay trái từ vùng 1/3 dưới cẳng tay cho đến sát nách. Các bác sĩ đã nỗ lực điều trị trong 3 tuần, trải qua 3 lần phẫu thuật với mong muốn cứu được cánh tay cho bệnh nhân. Tuy nhiên, do phần tổn thương bị hoại tử nghiêm trọng, nên các bác sĩ đã quyết định cắt bỏ phần chi thể ngang mức 1/3 trên cánh tay để cứu lấy tính mạng người bệnh.

Sau khi phẫu thuật, phần thừa của chi thể bị cắt cụt (đoạn từ 1/3 dưới cẳng tay đến bàn tay) còn tương đối bình thường và có thể sử dụng để ghép cho những bệnh nhân bị cụt ở vị trí tương ứng. Được sự cho phép của bệnh nhân và gia đình, ngày 21-1, bệnh viện đã thực hiện ca ghép chi thể từ người cho sống cho anh Vương. 

Sau 8 giờ, ca phẫu thuật đã thành công. Tất cả các cấu trúc giải phẫu đã phục hồi và bàn tay ghép đồng loại được tưới máu đầy đủ như bên tay lành. Đến nay, sau hơn một tháng, bệnh nhân đã có thể sử dụng bàn tay ghép để cầm nắm một số đồ vật.

Thành công này mở ra hướng điều trị mới trong tương lai, không chỉ ghép chi thể từ người hiến chết não mà còn từ người sống cho những người bệnh không may bị mất đi chi thể. (Hà Nội mới, trang 1; Tuổi trẻ, trang 12; Sài Gòn giải phóng, trang 2; Nông thôn ngày nay, trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang