Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 25/3/2020

  • |
T5g.org.vn - Ứng phó dịch Covid - 19: Ngăn nguy cơ lây nhiễm chéo; Thêm 11 ca nhiễm, Việt Nam có 134 bệnh nhân Covid-19; TPHCM tạm dừng các cơ sở làm đẹp, uốn tóc để chống dịch Covid-19; Hà Nội làm xong bệnh viện dã chiến chỉ trong 7 ngày là rất ấn tượng; Không nhận hỗ trợ hàng hóa, nhu yếu phẩm tại các cơ sở cách ly tập trung

 

Ứng phó dịch Covid - 19: Ngăn nguy cơ lây nhiễm chéo

Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, việc hạn chế lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung phụ thuộc chủ yếu vào ý thức của những người đang cách ly. Không nhận đồ tiếp tế

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố Hà Nội ngày 23/3, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, đã xuất hiện ca bệnh là nhân viên y tế và nguy cơ lây nhiễm đối với nhân viên y tế có thể tăng lên trong thời gian tới. Sở Y tế đã tổ chức tập huấn trực tuyến, phổ biến phòng chống lây nhiễm chéo và tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế, cơ sở cách ly. 

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói rằng, các gia đình có thân nhân đi cách ly tập trung nên yên tâm vì họ đang được phục vụ rất tốt, không cần phải gửi đồ đạc, đồ ăn. “Không nên quá lo lắng, nếu mua đồ ăn mà không được khử khuẩn, đưa vào khu cách ly tập trung thì rất nguy hiểm. Các đơn vị quản lý cần không tiếp nhận gửi quà”, ông Chung nói. Tất cả các trường hợp được đưa vào các khu cách ly tập trung cần xét nghiệm 2 lần, một lần lúc mới vào và một lần trước khi hết hạn 14 ngày. “Khi về rồi vẫn phải tiếp tục cách ly thêm 14 ngày để đủ 28 ngày”, ông nói. 

Ông Chung lưu ý, y bác sĩ tham gia điều trị bệnh nhân tại các bệnh viện, những người làm việc tại các khu cách ly tập trung có nguy cơ cao nhiễm bệnh, vì thế cần phải được bố trí khu riêng, không được về nhà, tránh lây nhiễm cho người thân, gia đình, cộng đồng.

“Với các bác sĩ, sau khi các bệnh nhân dương tính khỏi bệnh xuất viện rồi thì vẫn cần tiếp tục cách ly 14 ngày để đảm bảo an toàn. Trong toàn bộ quá trình chữa bệnh thì không được về nhà, phải sinh hoạt tập trung”, ông nói.

Phụ thuộc vào ý thức

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 24/3, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, với các khu cách ly tập trung, ngay từ trước khi tiếp nhận người vào đã tiến hành khử khuẩn và tiếp tục thực hiện thường kỳ trong những ngày cách ly. “Thứ hai, người được cách ly phải thực hiện nghiêm túc quy định đảm bảo an toàn.

Phải đeo khẩu trang, xử lý rác thải theo đúng quy định, thực hiện nghiêm việc sử dụng đồ đạc, vật dụng riêng. Quần áo, trang phục phải được giặt theo đúng quy định hằng ngày. Thực hiện giám sát sức khỏe theo định kỳ hằng ngày. Có biểu hiện của bệnh phải chủ động báo cáo”, ông Tuấn nói. 

Theo ông Tuấn, những trường hợp có biểu hiện bệnh đều được xử lý một cách nhanh nhất. “Ví dụ, trong trường hợp phòng có 5 người mà 1 người có triệu chứng sốt thì 4 người sẽ được chuyển sang phòng khác. Người bị sốt sẽ được xét nghiệm, chuyển sang viện để theo dõi. Về cơ bản là công tác đảm bảo chống lây nhiễm chéo gần như tuyệt đối, có thể yên tâm”, ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, việc đảm bảo không lây nhiễm chéo lại phụ thuộc vào ý thức của chính những người đang thực hiện cách ly. “Ví dụ, anh không đeo khẩu trang, khạc nhổ bừa bãi, rồi có triệu chứng bệnh nhưng không thông báo kịp thời, chủ quan thì cũng rất khó cho những cán bộ y tế giám sát ở đó”, ông Tuấn nói. 

Về thắc mắc có những trường hợp về đến trung tâm cách ly mới phát hiện dương tính Covid-19, ông Tuấn nói rằng, trước đây thực hiện lấy mẫu ở sân bay, nhưng hiện tại thực hiện lấy mẫu ở trung tâm. Việc xét nghiệm ban đầu là sàng lọc, tất cả mọi người, khác với việc lấy mẫu khi đã có triệu chứng. “Nếu trong phòng xuất hiện ca dương tính thì cũng khó lây nhiễm chéo bởi thực hiện đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên. Việc lây nhiễm trong phòng vì thế rất hạn chế, chứ không phải cứ ở chung phòng là lây chéo”, ông Tuấn nói. 

Liên quan khu cách ly người nước ngoài tại khách sạn Hòa Bình, ông Tuấn nói: “Toàn bộ khuôn viên đã được khống chế rồi, không ai ra vào nếu không có nhiệm vụ. Hơn nữa, bệnh này chủ yếu lây qua đường hô hấp nên không có vấn đề gì cả. Những người thực hiện cách ly tại đây cũng không phải là bệnh nhân. Nếu xuất hiện ca dương tính thì vận chuyển đi nơi khác ngay” (Tiền phong, trang 2). 

 

Thêm 11 ca nhiễm, Việt Nam có 134 bệnh nhân Covid-19

Tối ngày 24/3, Bộ Y tế công bố chùm 11 ca bệnh Covid-19, nâng tổng số ca tại Việt Nam lên 134 trường hợp. Bệnh nhân 124 là nam, 52 tuổi, quốc tịch Brazil, trú tại Quận 2, TP. Hồ Chí Minh. Bệnh nhân làm việc tại công ty TNHH giày Gia Định, có 2 chi nhánh tại huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai và Quận 2, TP. Hồ Chí Minh. Hàng ngày, bệnh nhân đi làm ở cả 2 chi nhánh công ty, ngoài ra tới một số nơi như quán ăn (TP. Biên Hoà, Đồng Nai), quán cà phê, trung tâm thương mại Vincom Quận 2 và không sử dụng khẩu trang. 

Ngày 14/3/2020, bệnh nhân có đến quán Bar Buddha. Ngày 22/3/2020, bệnh nhân được chuyển cách ly tại Quận 9, lấy mẫu xét nghiệm với tình trạng sức khoẻ ổn, chưa ghi nhận triệu chứng bệnh.

Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh kết luận mẫu bệnh phẩm dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được chuyển cách ly theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.

Bệnh nhân 125, nữ, quốc tịch Nam Phi, 22 tuổi, trú tại Quận 7, TPHCM. Nghề nghiệp - chuyên gia. Sau khi nghe thông báo của ngành y tế TP. Hồ Chí Minh về việc tìm kiếm người có liên quan đến quán Bar Buddha - Quận 2 (nơi đến của các ca bệnh số 91, 97, 98), ngày 22/3/2020, bệnh nhân tới Trung tâm y tế Quận 7 khai báo đã từng đến quán bar trên từ 21h30 ngày 14/3/2020 đến 03h00 ngày 15/3/2020 và sau đó được cách ly, lấy mẫu, với tình trạng sức khỏe ổn định, chưa ghi nhận triệu chứng bệnh. Bệnh nhân ở nhà trong thời gian từ 15/3/2020 đến khi được cách ly. 

Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm và kết luận mẫu bệnh phẩm dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly tại khu cách ly điều trị huyện Cần Giờ. Bệnh nhân 126, nam, quốc tịch Nam Phi, 28 tuổi, trú tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh. Nghề nghiệp - Giáo viên. Bệnh nhân là bạn với BN125.

Ngày 22/3/2020, sau khi nghe thông báo của ngành y tế TP. Hồ Chí Minh, bệnh nhân đến Trung tâm y tế Quận 7 khai báo đã từng đến quán bar trên từ 21h30 ngày 14/3/2020 đến 03h00 ngày 15/3/2020 và sau đó được cách ly, lấy mẫu, với tình trạng sức khỏe ổn định, chưa ghi nhận triệu chứng bệnh. Trong thời gian từ 15/3/2020 đến khi cách ly, bệnh nhân có hai lần tới nhà BN125. 

Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm và kết luận mẫu bệnh phẩm dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly tại khu cách ly điều trị huyện Cần Giờ.

Bệnh nhân 127, nam, quốc tịch Việt Nam, dân tộc Kinh, 23 tuổi, trú tại Quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh. Nghề nghiệp - nhân viên phục vụ bàn (theo ca 21h00 - 04h00) tại quán Bar Buddha - Quận 2. 

Ngày 16/3/2020, bệnh nhân khởi bệnh với triệu chứng sốt, đi khám tại phòng khám BS.Trần Hồng Đào - Quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh, được cho thuốc uống và hết sốt đến nay. Ngày 17-20/3/2020, bệnh nhân ở nhà, không đi làm và có đi một số quán ăn uống. Ngày 21/3/2020, bệnh nhân tới khai báo tại trạm y tế về tình trạng tiếp xúc ở quán Bar Buddha và được hướng dẫn tự cách ly tại nhà.

Ngày 22/3/2020, bệnh nhân được chuyển cách ly tập trung quận Tân Phú, lấy mẫu xét nghiệm và không ghi nhận lại triệu chứng bệnh. Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm và kết luận mẫu bệnh phẩm dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được chuyển Bệnh viện Dã chiến Củ Chi theo dõi và cách ly.

Bệnh nhân 128, nam, 20 tuổi, địa chỉ ở Lê Chân, TP. Hải Phòng. Bệnh nhân là du học sinh tại Anh, nhập cảnh về Nội Bài ngày 20/03/2020 trên chuyến bay VN0054. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân đã được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội sàng lọc và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm ngày 22/03/2020. Kết quả sàng lọc của bệnh nhân là dương tính với SARS-CoV-2. 

Ngày 23/3/2020, mẫu bệnh phẩm đã được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm, hôm nay cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. 

Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.

Bệnh nhân 129, nam, 20 tuổi, địa chỉ ở Nghĩa Tân, Hà Nội. Bệnh nhân là du học sinh tại Anh, nhập cảnh về Nội Bài ngày 20/03/2020 trên chuyến bay VN0054. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân đã được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội sàng lọc và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm ngày 22/03/2020. 

Kết quả sàng lọc của bệnh nhân là dương tính với SARS-CoV-2. Ngày 23/3/2020, mẫu bệnh phẩm đã được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, hôm nay cho kết quả khẳng định với SARS-CoV-2. 

Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.

Bệnh nhân 130, nam, 30 tuổi, địa chỉ ở Quận Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh. Bệnh nhân là du khách từ Tây Ban Nha, quá cảnh tại Nga và nhập cảnh về Nội Bài ngày 22/3/2020 trên chuyến bay SU290. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân đã được đưa về khu cách ly của tỉnh Bắc Giang và lấy mẫu làm xét nghiệm. 

Ngày 23/3/2020, mẫu bệnh phẩm đã được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đến nay cho kết quả khẳng định với SARS-CoV-2. 

Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.

Bệnh nhân 131, nam, 23 tuổi, địa chỉ ở Quận Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh. Bệnh nhân là du khách từ Tây Ban Nha, quá cảnh tại Nga và nhập cảnh về Nội Bài ngày 22/3/2020 trên chuyến bay SU290. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân đã được đưa về khu cách ly của tỉnh Bắc Giang và lấy mẫu làm xét nghiệm. Ngày 23/3/2020, mẫu bệnh phẩm đã được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. 

Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.

Bệnh nhân 132, nữ, 25 tuổi, địa chỉ ở Quận Long Biên, Hà Nội. Bệnh nhân là du khách từ Tây Ban Nha, quá cảnh tại Nga và nhập cảnh về Nội Bài ngày 22/3/2020 trên chuyến bay SU290. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân đã được đưa về khu cách ly của tỉnh Bắc Giang và lấy mẫu làm xét nghiệm. 

Ngày 23/3/2020, mẫu bệnh phẩm đã được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm và cho kết quả khẳng định với SARS-CoV-2. 

Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.

Bệnh nhân 133, nữ, 66 tuổi, địa chỉ ở Tân Phong, Lai Châu. Trong tháng 3 có đến Bệnh viện Bạch Mai điều trị bệnh. Ngày 22/3, bệnh nhân trở về nhà, trên đường về bệnh nhân có sốt.

Ngày 23/3 bệnh nhân được trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu lấy mẫu làm xét nghiệm. Cùng ngày mẫu bệnh phẩm đã được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, tình trạng sức khoẻ ổn định.

Bệnh nhân 134 , nam, 10 tuổi, địa chỉ ở Thạch Thất, Hà Nội. Bệnh nhân là du khách từ nước ngoài, nhập cảnh về Nội Bài ngày 18/3 trên chuyến bay SU290. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân đã được đưa về khu cách ly của tỉnh Thanh Hoá và lấy mẫu làm xét nghiệm.

Ngày 23/3 mẫu bệnh phẩm đã được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-CoV-2. Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Đa khoa Bỉm Sơn, tình trạng sức khoẻ ổn định (Tiền phong, trang 3).

 

TPHCM tạm dừng các cơ sở làm đẹp, uốn tóc để chống dịch Covid-19

Chiều 24/3, Phó Chủ tịch Thường trực TPHCM Lê Thanh Liêm đã ký văn bản Về việc tạm dừng một số hoạt động trên địa bàn TP.

Theo đó, từ 18h hôm nay (24/3) đến hết 31/3/2020 TPHCM sẽ tạm dừng mọi hoạt động vui chơi, giải trí, nhà hàng, CLB Bia, CLB bi-da, cơ sở dịch vụ ăn uống có quy mô phục vụ từ 30 người trở lên, phòng GYM, cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc.

UBND TPHCM cũng giao các sở Văn hóa và Thể thao, Sở Y tế, Sở Du lịch, Sở Công thương, các sở lien ngành và quận huyện theo dõi, kiểm tra và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện.

Đây được cho là biện pháp nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP trước tình hình diễn biến dịch ngày càng phức tạp. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 123 người mắc Covid-19, trong đó TPHCM ghi nhận 30 ca mắc bệnh, có 3 ca đã xuất viện (Tiền phong, trang 3). 

 

Hà Nội làm xong bệnh viện dã chiến chỉ trong 7 ngày là rất ấn tượng

Sáng 24-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm việc với Đảng ủy Khối doanh nghiệp Hà Nội và một số tổng công ty trên địa bàn thành phố.

Được Bí thư Thành ủy chỉ định báo cáo, ông Nguyễn Văn Luyến, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) cho biết, đầu tuần vừa qua, UDIC được Chủ tịch UBND thành phố giao xây dựng bệnh viện dã chiến Mê Linh để điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, trong 7 ngày qua, Tổng công ty đã huy động và duy trì lực lượng cán bộ nhân viên từ 300-500 người mỗi ngày để khẩn trương xây dựng. Đến ngày hôm nay (24-3), Bệnh viện dã chiến Mê Linh đã hoàn thành sau 1 tuần.

Ông Luyến chia sẻ, đây là một trong những công trình đòi hỏi Tổng công ty phải nỗ lực và đối mặt với nhiều khó khăn nhất từ trước đến nay, bởi trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện giờ mà huy động được 300-500 công nhân tại công trường là việc rất khó.

Mặt khác, trụ sở Bệnh viện Đa khoa Mê Linh – nơi được dùng để làm bệnh viện dã chiến – đã bỏ khá lâu không sử dụng. Lúc đầu, thành phố giao xây bệnh viện dã chiến 200 giường bệnh sau đó nâng lên 250 giường bệnh. Đây là bệnh viện điều trị bệnh nhân dương tính với Covid-19 chứ không phải khu cách ly nên các đòi hỏi về kỹ thuật phức tạp hơn rất nhiều.

“Chúng tôi đang đánh giá để nghiệm thu và bàn giao cho Sở Y tế” – ông Luyến nói. Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ bày tỏ sự ấn tượng và đánh giá rất cao kết quả này, đồng thời nhấn mạnh rằng đây có thể xem là một tấm gương trong công tác chống dịch Covid-19. “Làm được một bệnh viện dã chiến 250 giường bệnh điều trị trong 7 ngày không phải là nhiệm vụ đơn giản” – Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nói.

Người đứng đầu Đảng bộ thành phố cũng chia sẻ: Lúc đầu, khi Hà Nội có chủ trương xây dựng bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19, có ý kiến cho rằng phải mất 1-3 tháng mới hoàn thành.

“Tôi nói nếu 3 tháng mới hoàn thành thì có khi lúc đó đã hết dịch rồi. Trung Quốc đã hoàn thành bệnh viện dã chiến quy mô hàng nghìn giường chỉ trong 7 ngày, nay Hà Nội cũng xong trong 7 ngày là rất ấn tượng” – Bí thư Thành ủy nói, đồng thời đề nghị ngành tuyên giáo, báo chí tuyên truyền mạnh về các nỗ lực chống dịch Covid-19 của thành phố (An ninh thủ đô, trang 3).

 

Không nhận hỗ trợ hàng hóa, nhu yếu phẩm tại các cơ sở cách ly tập trung

Chiều 24-3, Văn phòng Chính phủ phát thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19. 

Thông báo nêu rõ, công tác phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn 3, giai đoạn có ý nghĩa quyết định. Các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, nhân dân, thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch; kiên trì các nguyên tắc: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị khỏi. UBND các tỉnh, thành phố, các lực lượng chức năng, nhất là quân đội, công an, y tế và các lực lượng khác cần quyết liệt, chặt chẽ hơn trong chỉ đạo, điều hành, quyết tâm không để dịch lây lan không kiểm soát. 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an, chủ tịch UBND tỉnh, thành chỉ đạo thực hiện và hoàn thành trước 12 giờ ngày 25-3 việc rà soát tất cả trường hợp người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài nhập cảnh Việt Nam từ ngày 8-3; yêu cầu cách ly tại nhà, nơi lưu trú, thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe, kịp thời phát hiện các trường hợp mắc bệnh, tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao vận động người Việt Nam ở nước ngoài không dồn về nước như thời gian qua; thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho bản thân và gia đình; tuân thủ các quy định không di chuyển, phòng chống dịch của nước sở tại; hướng dẫn, hỗ trợ, tổng hợp danh sách các trường hợp cụ thể cần về nước vì lý do đặc biệt cần thiết, nhất là đối với học sinh, sinh viên; phối hợp Bộ GTVT làm việc với các hãng hàng không thu xếp chuyến bay khi các cơ sở cách ly trong nước có thể tiếp nhận thêm, bảo đảm chặt chẽ, an toàn.

Thủ tướng yêu cầu tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết (như karaoke, mát xa, quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim, sân vận động…) để hạn chế tối đa việc tụ tập đông người, trừ các cơ sở kinh doanh dịch vụ mặt hàng thiết yếu. Hạn chế tối đa việc tập trung đông người; hạn chế tối đa và giãn cách các chuyến bay vận chuyển hành khách từ nước ngoài vào Việt Nam, kể cả đối với các hãng hàng không nước ngoài; hạn chế hạ cánh tại các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất; không nhận hỗ trợ hàng hóa, nhu yếu phẩm tại các cơ sở cách ly tập trung. 

Thủ tướng đồng ý huy động các khách sạn, resort, cơ sở lưu trú làm cơ sở cách ly tập trung có thu phí và ưu tiên cách ly người nước ngoài tại các cơ sở này.

Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế chỉ cung ứng khẩu trang cho Bộ Y tế và cơ sở y tế. Cơ sở y tế chỉ được phép mua, sử dụng cho đơn vị, nghiêm cấm việc mua và bán cho các đơn vị khác. 

Thủ tướng giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành một số quy định cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng các biện pháp cần thiết như trong tình trạng khẩn cấp.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Công điện số 01 chỉ đạo thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. 

Theo công điện, Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu công an các địa phương chỉ đạo công an phường, thị trấn, xã tổ chức rà soát từng nhà, từng hộ dân, quản lý từng tổ dân, khu phố, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để lập danh sách người nước ngoài và công dân Việt Nam từ nước ngoài nhập cảnh về nước hiện đang cư trú tại địa phương kể từ ngày 7-3 đến ngày 24-3. Kết quả thống kê, báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các cấp ở địa phương để chỉ đạo xử lý.

Ngày 24-3, Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tích cực phối hợp đón công dân Việt Nam từ vùng dịch về nước và đưa đến các điểm cách ly.

Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) phải cung cấp cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch trong quân đội các thông tin về chuyến bay, bao gồm số hiệu chuyến bay, số lượng hành khách, thời gian và sân bay dự kiến hạ cánh. Tổng công ty Cảng HKVN chỉ đạo các cảng hàng không phối hợp các sở GTVT và sở y tế địa phương hiệp đồng chặt chẽ với bộ tư lệnh, bộ chỉ huy quân sự địa phương để chuẩn bị đầy đủ phương tiện, địa điểm, tổ chức tiếp đón, cách ly công dân kịp thời, đúng quy định.

Theo Vietnam Airlines, hãng đã miễn cước vận chuyển 12.000 bộ đồ bảo hộ y tế đặc chủng và 7.000 chiếc khẩu trang, tương đương 550 thùng hàng hóa có trọng lượng hơn 3 tấn, do Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) chuẩn bị để đưa về kho dự phòng phía Bắc của Bộ Y tế (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng

Chiều 24-3, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TPHCM đã họp giao ban trực tuyến về tình hình phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Chủ trì tại điểm cầu Thành ủy có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM. Chủ trì tại điểm cầu UBND TP có đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM. Tham dự cuộc họp còn có đại diện lãnh đạo các sở ngành, cùng đại diện 24 quận huyện tại các điểm cầu địa phương.

Diễn biến dịch bệnh có quy luật

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu thực trạng dịch Covid-19 ở các nước trên thế giới khi có 1 người mắc, 100 người mắc và 1.000 người mắc. Đây là 3 mốc rất quan trọng, có tính quy luật mà nếu không kiểm soát dưới số lượng 1.000 người thì nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn. Dẫn chứng số liệu lây nhiễm của nhiều nước, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thông tin, đến thời điểm này, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 382.000 người mắc Covid-19, trong khi vào đầu tháng 3 chỉ có 87.000 người mắc. Dự báo đến cuối tháng 3-2020 con số này sẽ lên đến 500.000 người. Điều này cho thấy, tốc độ lây nhiễm trên toàn cầu rất lớn. Trong đó, số người mắc Covid-19 ở Mỹ trong tháng 3-2020 là hiện tượng chưa từng có. Chỉ trong vòng 1 tháng, số người mắc Covid-19 ở nước này từ 100 người (ngày 3-3) thì đến cuối tháng có thể tăng thành 90.000 người.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, tốc độ lây lan như trên rất khủng khiếp và không ai lường được. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của các nước cho thấy, diễn biến dịch bệnh này có quy luật. Trở lại Việt Nam, tính đến nay cả nước có 134 người mắc (17 người đã điều trị khỏi), nghĩa là Việt Nam đã bước qua giai đoạn 100 người mắc. Từ quy luật trên cho thấy, ở các nước bình quân trong 10 ngày số người mắc sẽ tăng từ 100 người lên thành 1.000 người; từ 1.000 người lên 2.000 người chỉ trong 3 ngày. Vì thế, trong vòng 10 ngày đến 2 tuần tới, việc kiểm soát không để số người mắc Covid-19 vượt qua 1.000 người là rất quan trọng. Nếu cả nước giữ được số người nhiễm dưới 500 người sẽ an toàn hơn. Đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ, thông thường khi có 2.000 người mắc thì 3 ngày sau có thể tăng lên thành 4.000 người và 5 ngày nữa có thể là 8.000 người… Lúc đó, cho dù TPHCM có nỗ lực xây dựng bệnh viện mới 1.000 chỗ cũng không đủ chỗ cho người mắc mới. Vì vậy, yêu cầu quan trọng là phải có các biện pháp quyết liệt, không để số người mắc mới tăng lên. Bài học của các nước cho thấy phải ngăn chặn sớm, dứt khoát không để số người mắc vượt quá 1.000 người.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, để giữ được cả nước không quá 1.000 người mắc Covid-19 thì TPHCM phải khống chế số người mắc trên địa bàn không quá 300 người. Với nguồn lực hiện nay, TPHCM hoàn toàn đủ khả năng chăm sóc, điều trị cho 300 người mắc Covid-19. Hiện nay, TPHCM đã nâng tổng số giường bệnh đáp ứng đủ cùng lúc cho 1.200 người mắc Covid-19 nên nếu có 300 người mắc thì không phải là vấn đề. Tuy nhiên, tại TPHCM cứ một người mắc Covid-19 thì phải cách ly 280 người. Vì thế, nếu TPHCM có 300 người mắc thì phải cách ly 84.000 người. Nếu tính 10% số người có nguy cơ lây nhiễm cao từ 84.000 người thì phải cách ly tập trung cấp thành phố với 8.400 người. Lúc đó, TPHCM sẽ gặp khó khăn.

TPHCM đứng trước trách nhiệm lịch sử

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo 24 quận huyện cùng các sở ngành đang đứng trước trách nhiệm lịch sử trong vòng 10 đến 14 ngày sắp tới. “Bài toán đặt ra đối với TPHCM trong vòng 10 ngày tới là rất quan trọng và đặc biệt, để góp phần cùng cả nước kiềm chế số người mắc không quá 1.000 người, mà tốt nhất là không quá 500 người”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. Về biện pháp, đồng chí dẫn chứng kinh nghiệm của Nhật Bản và Hàn Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp giảm mạnh số người mắc Covid-19 mới. Cụ thể, 2 nước này quyết liệt chặn nguồn lây từ nước ngoài; tổ chức xét nghiệm cho những người có nhu cầu, phát hiện người mắc cách ly và giám sát ngay. Ngoài ra, khi có nguy cơ lây lan dịch bệnh, 2 nước trên thực hiện việc đeo khẩu trang nghiêm túc và phạt tù đối với người bán khẩu trang cũ. Cùng với đó, họ đóng cửa trường học, dừng các hoạt động đông người.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, TPHCM đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa, trong đó có đeo khẩu trang. Song, trước diễn biến phức tạp hiện nay, từ kinh nghiệm của Nhật Bản và Hàn Quốc, TPHCM tiếp tục thực hiện các giải pháp đặc biệt hơn. Tinh thần là trong 2 tuần nữa người dân TPHCM sẽ phải cực hơn để dịch không bùng phát và không phải gặp nhiều khó khăn sau này. Một trong những yêu cầu cụ thể là phải phát hiện sớm, đầy đủ và thực hiện cách ly kịp thời những người có nguy cơ lây nhiễm. Khi phát dịch thì phải khoanh vùng dập dịch hợp lý và triệt để. Đồng chí cũng đề nghị thực hiện truyền thông hiệu quả cao để người dân hiểu rõ, chia sẻ và tránh việc ùn ùn đến “tiếp tế” cho người thực hiện cách ly như tại ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM vừa qua.

Cùng với đó là việc kiểm soát chặt nguồn lây từ nước ngoài, tổ chức xét nghiệm cho người dân có nhu cầu, yêu cầu đeo khẩu trang thường xuyên, đóng cửa trường học, tạm dừng các hoạt động có đông người. Đồng thời tổ chức cách ly nghiêm túc đối những người có nguy cơ lây nhiễm và tham khảo biện pháp phạt nặng (thậm chí phạt tù) những người không thực hiện theo yêu cầu cách ly. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh các doanh nghiệp ở TPHCM tham gia may khẩu trang nhưng phải lưu ý đến chất lượng, đặc biệt các đơn vị bán khẩu trang phòng chống dịch Covid-19. Trường hợp nào vi phạm, không đảm bảo chất lượng yêu cầu phải xử lý nghiêm. Cùng với đó, Ban Tôn giáo và Sở Ngoại vụ tập hợp những cách làm của các nước về tổ chức hoạt động sinh hoạt tôn giáo để thông báo đến các cơ sở tôn giáo, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp hiệu quả trong thời gian qua, đồng thời phải dự báo sớm về mức độ lây lan dịch, về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cùng tình hình sản xuất, kinh doanh của thế giới, đất nước và của TPHCM. 

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Chính phủ Nhật Bản có chính sách trả lương khi công nhân, người lao động phải ở nhà trông con (do trường học đóng cửa). Cách làm này giúp người dân yên tâm ở nhà. Đồng chí cho rằng cần đặt vào vị trí người lao động để xem họ sẽ sống như thế nào nếu 2 tuần, 4 tuần, thậm chí 8 tuần không có lương. Từ đó, TPHCM phải suy nghĩ, tính toán hỗ trợ người lao động mất việc làm. Cùng với đó là nghiên cứu thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, thực hiện các chính sách ổn định xã hội.

Nhắc lại “thời gian vàng” từ nay đến 2 tuần tới, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu phải hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Đó có thể là giải pháp hạn chế đi lại thông qua việc tạm ngưng hoạt động xe buýt, vận động người dân hạn chế ra ngoài mua sắm... Những hoạt động dịch vụ còn mở cửa phải tuân thủ những điều kiện gì để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch; lưu ý ngừng sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm ở các tòa nhà cao tầng nhằm tránh phát tán dịch bệnh. Về mức độ, cách thức cụ thể, đồng chí yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM khẩn trương tính toán và thông báo cho người dân thành phố thực hiện một cách quyết liệt (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang