Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 25/6/2017

  • |
T5g.org.vn - Vụ 8 người chạy thận tử vong: Tồn dư hóa chất gấp hàng trăm lần; 1.100 tỉ đồng xây khu dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao; 170 nhà máy dược phẩm đạt thực hành tốt sản xuất thuốc; Nguy cơ sinh non vì viêm nhiễm phụ khoa; Phòng ngừa viêm não ở trẻ trong mùa hè.

 

Vụ 8 người chạy thận tử vong: Tồn dư hóa chất gấp hàng trăm lần

Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương cho biết, đã nắm được thông tin về kết quả kiểm định tồn dư hóa chất trong nước lọc thận trong vụ việc 8 bệnh nhân tử vong gần một tháng trước. Ông thừa nhận, trong quá trình kiểm tra, bảo trì cán bộ tại bệnh viện đã làm chưa đầy đủ, thiếu thủ tục bàn giao.

Liên quan tới kết quả kiểm định của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an về mẫu nước thu tại đầu cấp vào 2 máy lọc thận cho thấy độ PH rất thấp; độ dẫn điện rất cao, hàm lượng Florua cao gấp 245 và 260 lần mức cho phép, sáng 24/6 trao đổi với Tiền Phong, ông Trương Quý Dương - Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, ông đã nắm được thông tin này nhưng chưa nhận được kết quả kiểm định bằng văn bản từ Viện Khoa học Hình sự.

Trước đó cán bộ tại bệnh viện đã chưa làm đầy đủ, thiếu thủ tục bàn giao về hệ thống thiết bị lọc thận sau khi đơn vị bảo trì hoàn tất dẫn đến xảy ra sự cố.

Theo ông Dương, về nguyên tắc khi ký hợp đồng bảo trì thiết bị y tế, bệnh viện nhận bàn giao sản phẩm đúng, đạt tiêu chuẩn. Đơn vị nào không làm đúng thì phải chịu trách nhiệm. Trong hợp đồng với đơn vị bảo trì, có điều khoản phải đảm bảo đúng nguồn nước theo quy chuẩn.

"Sau khi hoàn tất công tác kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng sẽ có nghiệm thu tay ba giữa phòng vật tư bệnh viện, đơn vị bảo trì và chuyên khoa sử dụng", ông Dương nói. 

Trước đó, trao đổi với Tiền Phong Thiếu tướng Ngô Sỹ Hiền - Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự Bộ công an cho biết, đơn vị vừa có kết luận chuyên môn về thiết bị y tế chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, nơi xảy ra vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong gần một tháng trước.

Theo đó, kết quả giám định của Viện Khoa học Hình sự cho thấy các mẫu nước thu tại đầu cấp vào 2 máy lọc thận độ PH rất thấp; độ dẫn điện rất cao, hàm lượng Florua cao gấp 245 và 260 lần mức cho phép.

"Ngoài hai máy lọc thận, nước tại các máy chạy thận nhân tạo khác cũng được giám định và xác định hàm lượng Florua đều vượt mức quy định hàng trăm lần. Sau khi có kết luận, đơn vị đã gửi kết luận này tới cơ quan cảnh sát điều tra để tiếp tục làm rõ", thiếu tướng Ngô Sỹ Hiền thông tin. (Tuổi trẻ, trang 6; Thanh niên, trang 5; Sài gòn giải phóng, trang 7; Hà Nội mới, trang 1).

 

1.100 tỉ đồng xây khu dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao

Sáng 24.6, Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa (BVĐK) quốc tế tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ động thổ dự án khu dịch vụ chất lượng cao - BVĐK Quảng Ngãi Dự án là một tòa nhà 12 tầng và 1 tầng hầm, được xây dựng trên khu đất hơn 11.000 m2 nằm trong khuôn viên BVĐK Quảng Ngãi, với quy mô 500 giường bệnh, 40 phòng khám, 10 phòng mổ với trang thiết bị hiện đại, đầy đủ các chuyên khoa điều trị và đa dạng các dịch vụ tiện ích.

Tổng vốn đầu tư dự án là 1.100 tỉ đồng, với sự liên doanh liên kết đầu tư giữa Công ty CP Medika Investment VN và BVĐK Quảng Ngãi. Dự kiến, khu dịch vụ chất lượng cao - BVĐK Quảng Ngãi sẽ đi vào hoạt động đầu tháng 9.2018. (Thanh niên, trang 4).

 

170 nhà máy dược phẩm đạt thực hành tốt sản xuất thuốc

Tại hội thảo về chiến lược truyền thông trong ngành dược VN diễn ra sáng 24.6, PGS-TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho hay tốc độ tăng trưởng ngành dược của VN đạt 10 - 17% mỗi năm. Hiện có 170 nhà máy đạt thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP), trong số này có 10 nhà máy đạt GMP của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tương đương.

Cũng theo ông Truyền, 5 năm qua, mức tiêu thụ thuốc bình quân đầu người tại VN ước đã tăng gấp đôi, trong khi đó, theo đánh giá của WHO, bình quân chung thế giới, mức tiêu thụ tăng gấp đôi phải sau 10 năm. Đáng chú ý là hiện bình quân tiền thuốc trên đầu người của thế giới là 100 USD/người/năm thì ở VN chỉ khoảng 50 USD/người/năm. Thuốc nội hiện mới chiếm 50% thị trường, phấn đấu đến 2020 sẽ chiếm 70% thị trường.

Ông Nguyễn Hưng Củng, nguyên Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền (Bộ Y tế), cho rằng dược phẩm sản xuất trong nước nên chú trọng phát triển thuốc từ dược liệu để đáp ứng các yêu cầu cho điều trị với mô hình bệnh tật đang thay đổi. (Thanh niên, trang 7).

 

Nguy cơ sinh non vì viêm nhiễm phụ khoa

Trong thời gian phụ nữ mang thai, “vùng kín” thường rất nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng. Viêm nhiễm âm đạo nếu không được điều trị kịp thời dễ dẫn tới nguy cơ vỡ ối sớm, đẻ non hoặc thậm chí là sảy thai.

20% phụ nữ mang thai bị viêm nhiễm phụ khoa

Đang mang thai ở tuần thứ 17, chị Trần Thị Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) luôn có cảm giác khó chịu tại “vùng kín”. Lúc nào chị cũng thấy ngứa như kiến đốt, khí hư ra nhiều bất thường. Chị Trần Thị Trang đi khám phụ khoa và được chẩn đoán viêm âm đạo. Được bác sĩ kê đơn thuốc nhưng chị Trang phân vân chưa dám uống vì sợ ảnh hưởng tới thai nhi. 

Bàn về việc thai phụ thường có xu hướng trì hoãn chữa bệnh do lo  lắng cho sự an toàn của em bé trong bụng, Thạc sĩ, bác sĩ Tạ Việt Cường, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: “Trong thời gian mang thai có khoảng 20% phụ nữ bị viêm nhiễm âm đạo. Nguyên nhân là do sự tăng đột biến các loại hormone. Những trường hợp sản phụ bị viêm nhiễm được bác sĩ chỉ định dùng thuốc thì nên uống, bởi vì nó hầu như an toàn  với thai nhi”.

Trên thực tế, theo bác sĩ Tạ Việt Cường, trường hợp thai phụ bị viêm nhiễm và chỉ đi khám khi bệnh đã trở nặng không phải là hiếm gặp. Bản thân ông đã từng phải điều trị cho bệnh nhân L.A mang thai 8 tháng viêm âm đạo tới mức sưng tấy, khí hư ra nhiều, có mùi hôi… “Bệnh nhân này nếu không điều trị ngay sẽ có nguy cơ vỡ ối sớm và đẻ non”, bác sĩ Tạ Việt Cường cho biết.

Dễ vỡ ối, sinh non, sảy thai

Bệnh viêm nhiễm âm đạo khi mang thai xảy ra khi sự cân bằng tự nhiên của các loại vi khuẩn trong âm đạo bị phá vỡ. Trong đó, có 4 loại nhiễm trùng phổ biến và dễ gây ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai như: viêm âm đạo do vi khuẩn, nhiễm trùng nấm men, viêm âm đạo trichomoniasis và nhiễm strep B âm đạo. Nếu được chẩn đoán kịp thời, các bệnh này sẽ dễ dàng điều trị hơn.

“Khi sản phụ thấy một trong những triệu chứng bất thường của âm đạo: Ngứa quanh âm đạo, đau khi đi tiểu, chất dịch xám, trắng mỏng, đau khi quan hệ tình dục… thì cần phải nhanh chóng tới gặp bác sĩ. Nếu không, nó có thể gây ra tình trạng viêm ngược dòng từ âm đạo lên cổ tử cung, dẫn tới vỡ ối non, đẻ non hoặc sảy thai”, bác sĩ Tạ Việt Cường nhấn mạnh.

Để tránh những nguy hiểm của viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai, bác sĩ Tạ Việt Cường khuyến cáo: “Sản phụ có thể tự mua que thử pH để phát hiện sớm các dấu hiệu bất cân bằng pH âm đạo (đây là dấu hiệu sớm cảnh báo có viêm nhiễm). Khi phát hiện có dấu hiệu mất cân bằng pH các sản phụ nên đến khám phụ khoa. Nếu tình trạng bệnh nhẹ chỉ cần dùng thuốc để cân bằng pH âm đạo (không ảnh hưởng tới thai nhi). Nếu tình trạng viêm nặng có thể phải dùng thuốc đặt, tùy vào nguyên nhân gây bệnh (có một số loại ảnh hưởng đến thai nhi, chỉ được sử dụng sau tuần 12)”. (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Phòng ngừa viêm não ở trẻ trong mùa hè

Mùa hè thường gia tăng các ca viêm não, viêm màng não do các tác nhân gây bệnh phát triển. Viêm não, màng não có thể điều trị khỏi, không để lại di chứng nhưng quan trọng nhất là trẻ phải được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Triệu chứng

Trong mùa dịch viêm não, viêm màng não từ tháng 5-7, nếu trẻ sốt liên quan đến tri giác lơ mơ li bì, kèm theo dấu hiệu co giật khu trú tay chân co cứng, dấu hiệu thần kinh, đau đầu nhiều, cần nghĩ đến nguy cơ mắc bệnh này này để đến viện sớm. Nếu bé sốt, đau đầu nhiều, nôn, buồn nôn mà dùng thuốc hạ sốt không hiệu quả; bé mắc triệu chứng buồn nôn, nôn không liên quan đến bữa ăn, thì cha mẹ cũng cần đưa trẻ tới bệnh viện sớm nhất để được theo dõi, chẩn đoán và điều trị sớm.

Đáng chú ý, riêng bệnh viêm não Nhật Bản thường thời gian ủ bệnh từ 5-15 ngày. Khoảng thời gian từ 1-6 ngày sau khi bị virus xâm nhập, bệnh nhân có sốt kèm theo ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn khan. Trong khoảng thời gian này, gia đình chủ quan, nghĩ con bị sốt, viêm đường hô hấp thông thường nên không đưa đi viện. Sau giai đoạn này, bệnh nhi có sốt cao liên tục 38-40 độ C, đau đầu, cứng gáy, có dấu hiệu thần kinh trung ương bị thương tổn như co giật, run giật tự nhiên ở ngón tay, mi mắt. Sau điều trị, bệnh nhân có thể hồi phục nhưng tỷ lệ có di chứng rất cao. 

 Khi đã bị tổn thương não, bệnh nhân bị rối loạn tinh thần ở các mức độ khác nhau: Vật vã, mê sảng hoặc li bì, lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt... Lúc này, việc điều trị vô cùng khó khăn. Tỷ lệ tử vong cao có thể lên đến 10-20%.

Điều trị và phòng ngừa

Các bác sĩ cho biết, viêm não, viêm não Nhật Bản nguy hiểm không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ hồi sức, duy trì đợi bệnh nhân tự hồi phục. Nếu do virus nhẹ, bệnh nhân có thể được điều trị tại nhà và sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt. Nếu bệnh nhân được chẩn đoán viêm màng não do virus được bác sĩ cho điều trị ở nhà thì vẫn cần kiểm tra lại tại các cơ sở y tế.

 Để phòng tránh các bệnh viêm màng não, các bậc phụ huynh nên tiêm vaccine đầy đủ cho trẻ như vaccine phòng viêm màng não do não mô cầu, vaccine phòng viêm màng não do phế cầu, viêm màng não Nhật Bản... Với viêm màng não Nhật Bản phải tiêm đủ 3 mũi hiệu lực bảo vệ mới đạt 90 - 95%. 

Bên cạnh đó, viêm não có thể lây truyền qua muỗi mang theo virus gây bệnh. Vì thế, cần vệ sinh nhà cửa, môi trường sống  xung quanh sạch sẽ, sử dụng hóa chất chống lại sự sinh sôi của ruồi muỗi, bọ gậy. Không cho trẻ chơi gần gia súc gia cầm, phải đề phòng muỗi đốt thời điểm chập tối. Ở các vùng xuất hiện dịch bệnh, nên sử dụng quần áo bảo hộ, phun hóa chất muỗi trú ngoài trời. (An ninh Thủ đô, trang 8).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang