'Ngày 27-2 không hoa, không cờ nhưng chúng ta vẫn phải nhớ ơn các thầy thuốc'
Trước khi phát biểu chỉ đạo tại hội nghị của Bộ Y tế sáng nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bất ngờ đề nghị cả hội trường đứng dậy dành 1 phút im lặng để tri ân các thầy thuốc, rồi dành thêm 1 tràng vỗ tay thay hoa gửi tới những người đang nỗ lực chống dịch Covid-19.
Cuối giờ sáng nay, 25-2, bước lên bục phát biểu kết luận tại hội nghị trực tuyến về triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng chống dịch bệnh Covid-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có những lời chia sẻ đầy xúc động với toàn thể ngành y.
Ông nói: “Hôm nay, sát ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, lẽ ra vào dịp này, tại hội trường này sẽ là lễ kỷ niệm, sẽ có rất nhiều hoa chúc mừng, rất nhiều Bằng khen, thậm chí là Huân chương, Huy chương cho các tập thể, cá nhân ngành y. Thế nhưng năm nay, do đặc thù chống dịch Covid-19, sát ngày 27-2, chúng ta tổ chức hội nghị triển khai công tác y tế năm, hoạt động kỷ niệm ngày thầy thuốc kết hợp với công tác chống dịch”.
Tiếp tục chia sẻ “dù sao thì ngày 27-2 không có hoa, không có cờ nhưng chúng ta vẫn phải nhớ ơn các thầy thuốc”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tất cả đại biểu có mặt tại hội nghị ở điểm cầu Bộ Y tế đứng dậy dành 1 phút im lặng để cùng tri ân các thế hệ thầy thuốc đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong đó có những y bác sĩ đã hy sinh trong dịch SARS năm 2003 còn để lại cho chúng ta tâm gương và rất nhiều bài học đến ngày hôm nay.
Phó Thủ tướng nói thêm, những người thầy thuốc, giờ phút này, vẫn đang ngày đêm vượt qua rất nhiều khó khăn gian khổ, hết lòng vì người bệnh. Rất nhiều người đang giành giật sự sống từ tay tử thần về cho các bệnh nhân. Những cán bộ y tế thôn bản không chỉ khám chữa bệnh, mang thuốc đến cho người dân mà còn mang tri thức, mang tinh thần thầy thuốc như mẹ hiền đến mọi ngõ ngách.
“Chúng ta, thay vì có nhiều hoa, thì có một tràng vỗ tay thật dài để tri ân các thầy thuốc của chúng ta.
Tôi cũng đề nghị, thay vì những bó hoa và những lời cảm ơn, chúng ta hãy dành một tràng vỗ tay thật dài để dành cho tất cả các thầy thuốc, các chiến sĩ biên phòng, các công an cửa khẩu, các ngành, các cấp, tổ chức, doanh nghiệp, nhà báo và tất cả người dân đã cùng tham gia chống dịch Covid-19 với một tinh thần chống dịch như chống giặc và đạt được kết quả rất đáng mừng cho đến giờ phút này” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Tiếp đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thông báo một tin mừng là đến sáng nay, 25-2, bệnh nhân cuối cùng của Việt Nam vẫn đang điều trị Covid-19 (tại huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần thứ 2.
Như vậy có thể khẳng định đến thời điểm này, Việt Nam không còn bệnh nhân nhiễm Covid-19. (An ninh Thủ đô, trang 1)
Cùng chủ đề Báo Phụ nữ Việt Nam, trang 1: “Tri ân những chiến sĩ áo trắng”.
Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19.
Các hoạt động giám sát y tế, cách ly người đến từ vùng dịch được thực hiện nghiêm.
Thời gian qua, hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với hệ thống các giải pháp quyết liệt, kịp thời, chủ động, đồng bộ, đạt được kết quả bước đầu quan trọng, toàn diện, được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao.
Cả nước mới chỉ có 16 người mắc bệnh và cả 16 người đã được điều trị hồi phục sức khỏe; 12 ngày qua không ghi nhận ca nhiễm bệnh mới. Các hoạt động giám sát y tế, cách ly người đến từ vùng dịch được thực hiện nghiêm. Hai trong số ba tỉnh được công bố có dịch (Thanh Hóa, Khánh Hòa) đã đủ các điều kiện công bố hết dịch.
Tuy nhiên, tại nhiều nước trên thế giới, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến mới phức tạp, khó lường, nhất là trong mấy ngày qua tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia, Iran và một số quốc gia.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Các bộ, ngành; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đề cao cảnh giác, không được lơ là, chủ quan, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch theo đúng Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 28-1-2020 và Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 31-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người qua lại đường mòn, lối mở tại các tỉnh biên giới; thực hiện nghiêm các giải pháp về quản lý, kiểm soát phòng, chống dịch trong các hoạt động hàng không, du lịch, vận chuyển hàng hóa qua biên giới như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
Bộ Ngoại giao tiếp tục trao đổi với phía Trung Quốc về việc công dân Việt Nam từ các tỉnh, thành phố có dịch của Trung Quốc chỉ được nhập cảnh vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế.
2. Đối với người nhập cảnh từ các vùng có dịch của Hàn Quốc và từ vùng có dịch của vùng lãnh thổ, các nước khác:
a) Bộ Ngoại giao:
- Thông báo ngay cho phía Hàn Quốc và các nước, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19 về các biện pháp phòng, chống dịch mà Việt Nam áp dụng, trong đó có việc tạm dừng nhập cảnh Việt Nam đối với người đến từ hoặc đi qua vùng có dịch, đối với các đối tượng nhập cảnh vì mục đích công vụ trong trường hợp đặc biệt phải khai báo y tế, cách ly tập trung 14 ngày theo quy định.
- Thông báo cho công dân Việt Nam không đến các vùng có dịch ở các nước, trừ trường hợp cần thiết, nếu vẫn đi thì khi nhập cảnh Việt Nam sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày theo quy định.
- Tuyên truyền, vận động người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Hàn Quốc (đặc biệt là tại Daegu và Gyeongsangbuk) tuân thủ hướng dẫn về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của nước sở tại, không đến các khu vực đang có dịch và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch mà cơ quan chức năng nước sở tại đã khuyến cáo.
b) Bộ Y tế thực hiện việc cách ly tập trung tại cơ sở y tế đối với người nghi nhiễm bệnh và các đối tượng khác theo yêu cầu của cơ quan y tế.
c) Bộ Quốc phòng chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, nơi tiếp nhận, ăn nghỉ để thực hiện cách ly tập trung đối với những người nhập cảnh không thuộc trường hợp cách ly theo điểm b trên đây; chỉ đạo áp dụng các biện pháp giảm mật độ cách ly tại các tỉnh khu vực biên giới, bảo đảm không để lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly.
d) Bộ Công an thông báo cho Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế; UBND tỉnh, thành phố liên quan thông tin về hành khách từ vùng có dịch nhập cảnh Việt Nam để thực hiện việc cách ly y tế theo điểm b, điểm c trên đây.
đ) Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo chuyển hướng các chuyến bay từ vùng có dịch của Hàn Quốc hạ cánh tại các sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Phù Cát (tỉnh Bình Định) và Cần Thơ (thành phố Cần Thơ).
e) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khuyến cáo người dân hạn chế đi du lịch đến vùng có dịch khi không cần thiết; nếu vẫn đi thì khi nhập cảnh Việt Nam sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày theo quy định.
3. Bộ Y tế tiếp tục triển khai việc khai báo y tế bắt buộc đối với các trường hợp nhập cảnh từ các nước, vùng lãnh thổ có dịch.
4. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện giám sát, theo dõi y tế và kịp thời cách ly y tế khi có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh đối với người đến từ vùng có dịch đã nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 14 ngày qua; thực hiện giám sát, khai báo y tế, theo dõi về sức khỏe đối với công dân đến từ các vùng khác của Hàn Quốc.
Bộ Công an thông báo cho UBND tỉnh, thành phố liên quan thông tin về hành khách từ Hàn Quốc đã nhập cảnh Việt Nam từ ngày 11-2-2020 cho các địa phương để thực hiện giám sát, theo dõi y tế và kịp thời cách ly khi cần thiết. (Hà Nội mới, trang 1).
Cùng chủ để Báo Nhân dân, trang 1: “Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh phòng, chống dịch covid 19”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chúc mừng Bệnh viện Tim Hà Nội
Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2020), chiều 25-2, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã tới thăm, chúc mừng tập thể cán bộ, bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Tim Hà Nội tại cơ sở 2 (đường Võ Chí Công, quận Tây Hồ).
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, bệnh viện được thành lập tháng 11-2001, là đơn vị sự nghiệp có thu, tự hạch toán toàn bộ chi phí hoạt động. Bệnh viện là cơ sở y tế chuyên khoa hạng I trực thuộc Sở Y tế Hà Nội; đơn vị chuyên khoa đầu ngành tim mạch của Thủ đô và là bệnh viện chuyên khoa tim mạch tuyến cuối của cả nước.
Ngoài chức năng khám và điều trị bệnh tim mạch cho nhân dân trên cả 5 lĩnh vực tim mạch: Nội khoa, ngoại khoa, nhi khoa, tim mạch can thiệp, tim mạch chuyển hóa, bệnh viện còn đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho 10 địa phương trong cả nước theo đề án “bệnh viện vệ tinh” và đề án hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng của Bộ Y tế. Bệnh viện cũng hợp tác đào tạo - chuyển giao kỹ thuật với 26 địa phương; hỗ trợ chuyên môn cho hơn 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về y tế cơ sở và y tế chuyên sâu.
Năm 2019, Bệnh viện Tim Hà Nội đã khám, chữa bệnh cho 362.981 lượt bệnh nhân, doanh thu đạt 1.328,8 tỷ đồng. Hai bác sĩ của bệnh viện vinh dự được trao tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú” và một bác sĩ được trao tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”.
Ghi nhận những kết quả mà Bệnh viện Tim Hà Nội đã đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá, bệnh viện đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi, được công nhận là bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của cả nước về tim mạch và cũng là đơn vị tiên phong trong việc tự chủ toàn bộ kinh phí hoạt động.
“Với nỗ lực trong suốt thời gian qua, bệnh viện đã góp phần mang lại trái tim khỏe, niềm hạnh phúc, niềm vui cho nhiều gia đình. Bệnh viện cũng đã tích cực hỗ trợ các tỉnh bạn, chuyển giao kỹ thuật chuyên ngành đến vùng sâu, vùng xa, trở thành bệnh viện uy tín của người dân Thủ đô và cả nước”, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá.
Tặng hoa và gửi lời chúc mừng tới tập thể cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Tim Hà Nội, đặc biệt là những bác sĩ vinh dự đón nhận danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”, “Thầy thuốc nhân dân”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng ghi nhận, đánh giá cao việc ngành Y tế Thủ đô đã tích cực tham mưu cho UBND thành phố trong việc phòng, chống dịch Covid-19. Các bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Tim Hà Nội, đã chủ động phương án cứu chữa người bệnh, phương án lập bệnh viện dã chiến, cũng như cung cấp trang thiết bị và nhân lực phục vụ công tác khám, chữa bệnh khi cần thiết…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng mong muốn, Bệnh viện Tim Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, không ngừng nâng cao chất lượng điều trị, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. (Hà Nội mới, trang 1).
Bộ Y tế hướng dẫn cách ly đối với người về từ Hàn Quốc
Bộ Y tế vừa có Công văn số 868/BYT-DP về việc hướng dẫn cách ly đối với người về từ Hàn Quốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tính đến 6h30 ngày 25-2, Hàn Quốc đã ghi nhận 833 trường hợp mắc, trong đó có 8 trường hợp tử vong và là quốc gia có số trường hợp mắc cao nhất ngoài Trung Quốc.
Các trường hợp mắc tập trung chủ yếu tại thành phố Daegu và khu Bắc Gyeongsang. Trong đó, nhiều trường hợp mắc không xác định được nguồn lây nhiễm do đó khó khăn trong việc xử lý triệt để ổ dịch.
Chính phủ Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo dịch Covid-19 lên mức cao nhất, đồng thời đưa thành phố Daegu và khu Bắc Gyeongsang là hai khu vực cần có sự quan tâm đặc biệt về dịch Covid-19.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc có nguy cơ cao xâm nhập vào nước ta, ngày 24-2, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã họp và thống nhất áp dụng các biện pháp đáp ứng phòng, chống dịch đối với các khu vực có dịch tại Hàn Quốc.
Thực hiện kết luận tại phiên họp của Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan trên địa bàn thực hiện áp dụng khai báo y tế đối với tất cả khách nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Hàn Quốc, phát hiện sớm những người có dấu hiệu sốt, ho, khó thở và những người đến từ hoặc đi qua khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang để tổ chức cách ly y tế kịp thời. Tất cả những người có dấu hiệu sốt, ho, khó thở được phát hiện tại cửa khẩu phải lập tức cách ly tuyệt đối tại cơ sở y tế và lấy mẫu xét nghiệm.
Những người nhập cảnh đến từ hoặc đi qua khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh phải được cách ly tại khu cách ly tập trung của tỉnh, thành phố.
Các nội dung liên quan khác về cách ly tập trung được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 344/QĐ-BYT ngày 7-2-2020 của Bộ Y tế hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung để phòng, chống dịch Covid-19.
Các đơn vị liên quan cần rà soát thông báo cho chính quyền địa phương các trường hợp nhập cảnh từ Hàn Quốc, đặc biệt các trường hợp đến từ hoặc đi qua Daegu và khu Bắc Gyeongsang đã nhập cảnh Việt Nam từ ngày 9-2-2020 để thực hiện giám sát, theo dõi y tế và kịp thời cách ly theo hướng dẫn.
Những người trở về từ khu vực khác ngoài Daegu và khu Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc được khuyến cáo tự theo dõi sức khỏe và thông báo; nếu có các dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế để được cách ly, điều trị. (Hà Nội mới, trang 7).
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Giám sát chặt người đến từ Hàn Quốc”; Nông thôn ngày nay, trang 5: “Đà Nẵng: Sẽ đưa về nước 20 người Hàn Quốc không chịu cách ly”; Thanh niên, trang 1: “Cách ly bắt buộc người về từ vùng dịch Hàn Quốc”; Tiền phong, trang 5: “TPHCM kiểm soát chặt cửa khẩu”; Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Đà Nẵng sẽ bố trí máy bay trở hành khách Hàn Quốc về nước”.
Triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19
Tối 25-2, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh dự họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19.
Tính đến ngày 24-2, tại TP Hồ Chí Minh có ba người nhiễm Covid-19 được chữa khỏi; không có ca nhiễm lây lan trong cộng đồng; tất cả những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và tiếp xúc gần với các ca bệnh đều xét nghiệm âm tính. Thành phố đang cách ly 79 trường hợp; có 55 trường hợp được cách ly tại cơ sở cách ly tập trung quận, huyện, trong đó 40 trường hợp đã hết thời gian theo dõi và không có triệu chứng bệnh; trong số 2.979 trường hợp được cách ly tại nhà, đã có 2.932 người hết thời gian theo dõi.
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nếu để dịch bệnh lan rộng thật sự là một gánh nặng cho thành phố. Chính vì thế, các quận, huyện cần phải thực hiện tốt việc phát hiện, ngăn chặn, cách ly ngay từ đầu những người có nguy cơ bệnh nhằm trách dịch bệnh bùng phát.
★ Ngày 25-2, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng chống dịch Covid-19”. Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Y tế chủ trì. Tại hội nghị, các đại biểu ở hơn 700 điểm cầu đã nghe các tham luận về công tác dự phòng, điều trị, bảo đảm hậu cần trong phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố: Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh trao đổi về kinh nghiệm trong công tác chuyển người cách ly dịch Covid-19 xuống tuyến dưới; tổ chức cách ly tại xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc; công tác vệ sinh, khử khuẩn tại các cơ sở đào tạo, trường học, chuẩn bị đủ điều kiện phục vụ giáo viên, học sinh; công tác cách ly tại sân bay và khách du lịch...
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam khẳng định, đến nay Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, chỉ có 16 ca dương tính và đã chữa trị thành công cho tất cả 16 người bệnh, trong đó có hai người có bệnh lý bệnh nền. Việt Nam đã tính đến kịch bản năm bước, trong đó bước thứ tư có thể ứng phó tốt khi có 3.000 người bệnh. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, với những kinh nghiệm đã có trong chống dịch SARS, MERS-CoV, cúm H1N1..., Việt Nam xác định phương châm là phải ngăn chặn triệt để, phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng thật gọn và dập dịch triệt để...
Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam lưu ý, dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường cho nên các cấp, các ngành không được lơi lỏng. Trong thời điểm này, ở nơi công cộng, mỗi người phải có biện pháp dự phòng cho mình đó là đeo khẩu trang. Trong thời gian tới, các biện pháp cần tiếp tục triển khai là kiểm soát chặt chẽ những người đến từ vùng dịch, trước đây là Trung Quốc, giờ là hai địa phương của Hàn Quốc và tới đây có vùng nào khác thì cũng thực hiện phương châm như vậy. Chúng ta mềm dẻo và kiên quyết trong việc cách ly vì đây là biện pháp tốt nhất; thực hiện cách ly phải bảo đảm an toàn, không được để lây nhiễm trong khu cách ly, trong bệnh viện...
★ Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, đã họp và thống nhất áp dụng các biện pháp đáp ứng phòng, chống dịch đối với các khu vực có dịch tại Hàn Quốc. Trong đó, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan trên địa bàn thực hiện: Áp dụng khai báo y tế đối với tất cả khách nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Hàn Quốc, phát hiện sớm những người có dấu hiệu sốt, ho, khó thở và những người đến từ hoặc đi qua khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang (Hàn Quốc) để tổ chức cách ly y tế kịp thời. Tất cả những người có dấu hiệu sốt, ho, khó thở được phát hiện tại cửa khẩu phải lập tức cách ly tuyệt đối tại cơ sở y tế và lấy mẫu xét nghiệm. Ðối với những người nhập cảnh đến từ hoặc đi qua khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang trong vòng 14 ngày, kể từ ngày nhập cảnh phải được cách ly tại khu cách ly tập trung của tỉnh, thành phố. Rà soát thông báo cho chính quyền địa phương các trường hợp nhập cảnh từ Hàn Quốc, nhất là các trường hợp đến từ hoặc đi qua khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang đã nhập cảnh Việt Nam từ ngày 9-2 để thực hiện giám sát, theo dõi y tế và kịp thời cách ly theo hướng dẫn. Người trở về từ khu vực khác ngoài khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang thì khuyến cáo tự theo dõi sức khỏe và đến ngay cơ sở y tế để được cách ly, điều trị nếu có các dấu hiệu sốt, ho, khó thở.
★ Ngày 25-2, cơ sở cách ly tập trung của tỉnh Vĩnh Phúc tại Trường Quân sự tỉnh (Trung đoàn 834), Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Phúc đã bàn giao về các địa phương 82 công dân hoàn thành thời gian cách ly tập trung được trở về với gia đình. Ðây là những công dân tiếp xúc gần với người bệnh dương tính với Covid-19 được tổ chức cách ly phòng dịch trong cơ sở cách ly tập trung của tỉnh. Trong 14 ngày cách ly, các công dân được theo dõi, kiểm tra sức khỏe, được xét nghiệm hai lần và cho kết quả âm tính với Covid-19. Tất cả công dân được bố trí xe đưa về tận nhà bảo đảm an toàn. Tại buổi bàn giao, các công dân được cấp phiếu chuyển hoàn thành thời gian cách ly tập trung về cách ly tại nhà trong bảy ngày dưới sự theo dõi, giám sát của Trạm y tế địa phương.
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 1.460 người Hàn Quốc, Nhật Bản thường xuyên làm việc tại gần 300 cơ quan, doanh nghiệp trên toàn tỉnh. Ngoài ra, từ ngày 18 đến 23-2, trên địa bàn tỉnh có hơn 130 người Hàn Quốc và 29 người Nhật Bản đăng ký tạm trú. Còn một lực lượng lớn người lao động, sinh viên, học sinh đang sống và làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản dự kiến có thể về địa phương trong những ngày tới. Vì vậy, để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, tỉnh đã xây dựng nhiều phương án với nhiều cấp độ khác nhau để ứng phó với dịch bệnh…
★ Ngày 25-2, Sở Y tế tỉnh Ðắk Lắk cho biết, tính đến nay trên địa bàn tỉnh đã cách ly theo dõi 31 trường hợp trở về từ vùng có dịch và tiếp xúc gần với người trở về từ vùng có dịch Covid-19. Trong đó, có 15 trường hợp cách ly theo dõi tập trung tại cơ sở y tế, 16 trường hợp cách ly theo dõi tại nhà, nơi lưu trú. Ðến nay 15 trường hợp cách ly theo dõi tập trung tại cơ sở y tế, xét nghiệm đều cho kết quả âm tính và đã cách ly được 14 ngày nên được xuất viện; ba trường hợp cách ly theo dõi tại nhà đã qua 14 ngày; còn lại 13 trường hợp đang được tiếp tục theo dõi.
Cùng ngày, Sở Y tế tỉnh Ðắk Lắk cho biết, địa phương vừa phát hiện, cách ly và điều trị kịp thời cho hai trường hợp mắc bệnh cúm A/H1N1. Trước đó, cả hai người bệnh đều có tiếp xúc với người Trung Quốc và xuất hiện các triệu chứng sốt cao, mệt mỏi và kèm theo ho. Sau đó, hai người được ngành Y tế cách ly, điều trị và làm xét nghiệm xác định tác nhân gây cúm. Kết quả xét nghiệm cho thấy, cả hai trường hợp này đều dương tính với cúm A/H1N1. Ðến thời điểm hiện tại, cả hai bệnh nhân đều được điều trị khỏi, được xuất viện.
★ Chiều 25-2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Cần Thơ yêu cầu lãnh đạo Sở Y tế và các cơ quan liên quan khẩn trương tìm và cách ly ba công dân Hàn Quốc đến từ TP Daegu. Ba người nêu trên đang ở một khách sạn gần Trường Quân sự TP Cần Thơ trên địa bàn quận Ô Môn từ ngày 24-2 và đến huyện Phong Ðiền. Ngoài ra, tại huyện Phong Ðiền có một nữ công dân ở xã Nhơn Nghĩa vừa về từ TP Daegu của Hàn Quốc. Ðịa phương đã vận động người này đến khu vực tập trung cách ly của TP Cần Thơ vào sáng 25-2 và có biện pháp phòng, chống bệnh đối với thân nhân, những người đã tiếp xúc với công dân nêu trên.
★ Tối ngày 25-2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, sẽ bố trí chuyến bay của Hãng hàng không VietJet, đưa 20 du khách Hàn Quốc về nước. Dự kiến các hành khách này sẽ rời Ðà Nẵng trong tối ngày 25-2. Ðối với hai du khách người Thái-lan, nếu có nhu cầu xuất cảnh, yêu cầu các đơn vị xử lý tương tự như các trường hợp khách Hàn Quốc. Ðây là các du khách nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay quốc tế Ðà Nẵng vào trưa 24-2. Tất cả hành khách này đến từ Daegu (Hàn Quốc).
★ Ngày 25-2, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đã ra quyết định bố trí khoản kinh phí gần 4,4 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách năm 2020 để mua bảy máy thở phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tạm dừng tổ chức lễ công bố, trao tặng Giải thưởng văn học nghệ thuật Phạm Văn Ðồng lần thứ nhất, dự kiến diễn ra vào ngày 1-3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ngãi cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 968 người nước ngoài đang tạm trú, trong đó có 75 người Hàn Quốc, sáu người Nhật Bản, tất cả đều có sức khỏe bình thường.
★ Ngày 25-2, Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Hà Nội họp trực tuyến với phòng GD và ÐT các quận, huyện về phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Sở GD và ÐT Hà Nội đã chỉ đạo triển khai hệ thống dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 9 với bảy môn học để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Hệ thống đang hoàn thiện nội dung ôn tập cho học sinh lớp 11, lớp 12, triển khai ôn tập từng bài, từng chương, tiếp cận cấu trúc đề thi để học sinh yên tâm. Bên cạnh đó, Sở GD và ÐT Hà Nội cũng cho biết, phụ huynh không phải nộp học phí cho thời gian học sinh nghỉ phòng, chống dịch bệnh; các trường không thu học phí của tháng nghỉ học này. Những trường đã thu học phí từ tháng 2 sẽ tiếp tục thu đến hết tháng 5, không cần trả lại hay thu bù trong thời gian kéo dài năm học trong tháng 6.
★ Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Thanh Hóa cho biết, 100% trường học trong tỉnh đã làm vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng, trong đó có 897 trường đã phun hóa chất lần hai. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh thông báo cho học sinh, phụ huynh nghỉ học hết ngày 29-2, bảo đảm chủ động phòng, chống dịch Covid-19. Trong thời gian học sinh nghỉ học, Sở GD và ÐT đã phối hợp với sở, ban, ngành cấp tỉnh, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.
★ Ngày 25-2, Bộ Công thương đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân tháo gỡ khó khăn, giải tỏa ách tắc trong hoạt động thương mại do ảnh hưởng dịch Covid-19. Theo đó, Bộ Công thương đề nghị các bộ nêu trên rà soát các loại thuế, phí, giảm chi phí vận tải như phí cầu đường, bến bãi, lưu giữ phương tiện, thuế nhiên liệu bay,... làm việc với các hãng vận tải, hãng tàu nhằm giảm giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí lưu thông hàng hóa, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp logistics,...
★ Ngày 25-2, Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) đã điều chỉnh các tiêu chuẩn dịch vụ trên đường bay Việt Nam - Hàn Quốc để hạn chế nguy cơ lây lan dịch Covid-19, cũng như bảo đảm sức khỏe cho hành khách và người lao động. Hành khách từ Hàn Quốc về được phát tờ khai sức khỏe, khuyến cáo sử dụng khẩu trang trong suốt chuyến bay. Hãng tạm ngừng cung cấp suất ăn nóng, không phục vụ báo, gối trên chuyến bay; giữ nhiệt độ khoang hành khách ở mức 260C. Toàn bộ tàu bay sau khi từ Hàn Quốc về đều được khử trùng đúng theo tiêu chuẩn; các chuyến bay tới Hàn Quốc sẽ quay về Việt Nam ngay, tổ bay không nhập cảnh vào Hàn Quốc.
★ Ngày 25-2, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có văn bản yêu cầu các sân bay tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Theo đó, kiểm soát chặt chẽ các chuyến bay xuất phát từ Hàn Quốc, Nhật Bản; bố trí bãi đỗ tàu bay riêng biệt, phun thuốc khử trùng sau khi phục vụ xong chuyến bay, phối hợp các lực lượng phân luồng hành khách, băng chuyền hành lý để hành khách được kiểm tra y tế đầy đủ, phun thuốc khử trùng hành lý để tránh lây nhiễm chéo. Chất thải từ tàu bay phải phun thuốc khử trùng trước khi đưa vào khu vực tập kết trung chuyển,…
★ Ngày 25-2, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và có dư nợ gốc, lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23-1 đến ngày 31-3, cho đến khi NHNN ban hành quy định hướng dẫn về vấn đề này… (Nhân dân, trang 1).
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 1: “Phòng chống dịch Covid-19: Tạm dừng nhập cảnh với người đi qua hoặc đến từ vùng có dịch ”; Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Chủ động đối phó dịch giai đoạn mới”; Công an Nhân dân, trang2: “Các địa phương triển khai nhiều biện pháp quyết liệt”; An ninh Thủ đô, trang1: “Việt Nam không ghi nhận ca mắc covid-19 mới những không chủ quan”; Công an Nhân dân, trang 1: “Đã thắng trận mở màn những không được chủ quan”; Nông thôn ngày nay, trang 5: “Phòng chống dịch bệnh Covid-19: Việt Nam mới chiến thắng trận đầu”; Tuổi trẻ, trang 3: “Việt Nam kiểm soát được dịch giai đoạn 1”.
28 thầy thuốc trẻ nhận Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch
Ngày 25-2, nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2020), Thành đoàn TPHCM đã đến thăm và chúc mừng các bệnh viện, cơ sở y tế cùng gia đình các Thầy thuốc nhân dân trên địa bàn thành phố.
Dịp này, Thành đoàn TPHCM tuyên dương và trao Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch lần thứ 7 cho 28 thầy thuốc trẻ. Đây là những bác sĩ có nhiều thành tích nổi bật trong lao động chuyên môn, đóng góp các sáng kiến thiết thực trong công việc và nhiệt tình tham gia vào các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.
Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thành đoàn TPHCM không tổ chức lễ tuyên dương mà chia làm 3 đoàn đến nơi làm việc của các bác sĩ trẻ để trực tiếp tuyên dương và trao giải thưởng. ( Sài Gòn giải phóng, trang 5)
Việt Nam có khoảng 30 phòng đủ khả năng xét nghiệm được COVID-19
Theo Bộ y tế, hiện nay đã có khoảng 30 phòng xét nghiệm có thể xét nghiệm COVID-19 trong thời gian tới
Xét nghiệm là một trong những hoạt động quan trọng nhằm phát hiện sớm và chính xác các tác nhân gây bệnh, nắm rõ điều quan trọng này, trong nhiều năm qua Bộ Y tế đã chỉ đạo, phối hợp các đơn vị liên quan liên tục củng cố tăng cường năng lực cho hệ thống xét nghiệm bệnh truyền nhiễm.
Trong tình huống COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, ngay từ thời gian đầu Bộ Y tế đã chỉ đạo kịp thời các Viện vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur, các bệnh viện, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố thực hiện rà soát, chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, sinh phẩm hóa chất để có thể triển khai xét nghiệm kịp thời.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã đề nghị các Bộ, ban, ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Quốc phòng để sẵn sàng hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.
Hiện nay đã có khoảng 30 phòng xét nghiệm có thể xét nghiệm COVID-19 trong thời gian tới. Đó là:
Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh; Viện Pasteur Nha Trang; Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên; Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn Trùng Trung ương.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hoá, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Lào Cai.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Nhi TƯ, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện TƯ Huế.
Bên cạnh đó có một số đơn vị khác như: Viện Thú Y; Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội; Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga; Trung tâm chẩn đoán Thú Y trung ương, 6 Chi cục thú Y vùng. (Công an Nhân dân, trang 1).
Cùng chủ đề Báo Khoa học & Đời sống, trang 2: “29 phòng đủ năng lực xét nghiệm dịch bệnh Covid-19”.
Những y, bác sĩ trong trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An: Thầm lặng những khó khăn, vất vả
Chúng tôi đến thăm Khu Bệnh xá Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An vào một ngày gần cuối tháng 2-2020, trong ánh nắng xuân hanh vàng, tiết trời vẫn còn se lạnh...
Bác sĩ trại tạm giam, chuyện chưa kể…
Bước qua cánh cổng sắt kiên cố bên trong Trại tạm giam với sự bảo vệ, kiểm tra nghiêm ngặt, khu bệnh xá nằm khiêm tốn khuất phía sau khu vực giam giữ can, phạm nhân. Vừa đúng thời điểm các y, bác sĩ đang kiểm tra sức khỏe cho các can, phạm nhân. Không khí làm việc khẩn trương, tất bật, bởi số lượng can, phạm nhân đông nhưng các y, bác sĩ vẫn luôn nở nụ cười tươi, ân cần hỏi thăm tình trạng sức khỏe của từng can, phạm nhân…
Vừa đôn đốc mọi người làm việc, bác sĩ, Thiếu tá Lê Giang Nam, Bệnh xá trưởng Trại tạm giam Công an tỉnh cho biết: “Đây là hoạt động hàng ngày của các y, bác sĩ Bệnh xá. Hiện, Bệnh xá có 13 y, bác sĩ thế nhưng hàng ngày, các cán bộ đảm dương theo dõi, thăm khám, chẩn đoán, điều trị, cấp phát thuốc cho can, phạm nhân tại buồng giam (ngoại trú) và tại Bệnh xá (nội trú) với khoảng 1.100 can, phạm nhân trong toàn Trại. Bên cạnh đó, chúng tôi còn thường xuyên túc trực kiểm tra sức khỏe mỗi khi can, phạm nhân xuất hay nhập Trại; thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; vệ sinh môi trường, phòng chống các dịch bệnh...”.
Những ngày này, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19, công việc của các y, bác sĩ Bệnh xá lại khó khăn, vất vả gấp bội. Là đơn vị đặc thù, các can, phạm nhân đến từ vùng miền, địa phương khác nhau nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan cao khi có dịch bệnh xảy ra.
Bên cạnh một số công tác phòng, chống dịch bệnh như phun thuốc phòng dịch Cloramin B, rải vôi bột khử trùng, cấp khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn thì các đối tượng nhập trại, các y, bác sĩ đều tiến hành khám, đo thân nhiệt. Đối với những đối tượng có dấu hiệu ho sốt thì bố trí giam giữ cách ly để tiến hành theo dõi.
Qua công tác kiểm soát ban đầu, sau khi phát hiện đối tượng Moong Văn Tuyết (SN 1992) trú tại xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn phạm tội Trộm cắp tài sản, bị Công an huyện này bắt vào ngày 25-1-2020 có thời gian trốn truy nã tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), có lịch trình di chuyển phức tạp trước khi về Việt Nam nên Trại tạm giam đã chủ động bố trí giam giữ cách ly tại Bệnh xá để tiến hành theo dõi.
Ngày 3-2-2020, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Nghệ An đã có công văn trả lời đối tượng có thời gian trở về từ Trung Quốc đã trên 14 ngày, không có biểu hiện của dịch bệnh nên không thuộc đối tượng cần giám sát, cách ly. Đến nay, bệnh nhân đã bình thường trở lại, không có dấu hiệu sốt.
Phun thuốc khử trùng phòng dịch bệnh COVID -19.
Sau khi ân cần bắt mạch, nghe nhịp tim và thăm khám hỏi một nam phạm nhân điều dưỡng, Trung tá Cao Bá Tú – người từng có hơn 20 năm gắn bó với nghề bộc bạch với chúng tôi: “Can phạm này vừa mới nhập trại, phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hiện đang được giam ở Khu tạm giữ. Khi thăm khám cho những can, phạm nhân ở Khu tạm giữ này, chúng tôi ngoài nhiệm vụ chuyên môn của người thầy thuốc thì còn phải hết sức nhạy cảm, nghiệp vụ để kịp thời nắm bắt được diễn biến tâm lý, tư tưởng của can, phạm nhân để động viên, thuyết phục, khuyên nhủ, hỗ trợ can, phạm nhân chấp hành tốt nội quy của Trại. Bởi, những can, phạm nhân vừa mới nhập trại, tâm lý chưa ổn định, một số can, phạm nhân còn cố tình giả vờ bị bệnh nặng để được đi bệnh viện…”.
Điều dưỡng, Trung tá Tú cũng cho biết thêm, có những đối tượng rất nguy hiểm, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tiền án, tiền sự, mắc các bệnh có khả năng lây nhiễm cao như HIV/AIDS, lao phổi, viêm gan B… với những biểu hiện lâm sàng hết sức phức tạp. Thậm chí, có can, phạm nhân mắc bệnh nhưng có thái độ chống đối, không hợp tác với việc thăm khám, điều trị bệnh.
Đối với những trường hợp như vậy, các y, bác sĩ vừa phải cứng rắn vừa khéo léo, nói rõ bệnh trạng của họ nhưng vẫn tạo điều kiện ở mức độ nào đó, khuyên nhủ, động viên để họ nhận thức được rằng, yên tâm cải tạo mới sớm được về với người thân, gia đình. Nhờ những liều thuốc “tinh thần” ấy đã góp phần giúp can, phạm nhân có thêm nghị lực, vượt qua mặc cảm, sống hướng thiện.
Năm nay là năm thứ 4 bác sĩ, Trung úy Hồ Thị Huyền Trang nhận công tác về Bệnh xá Trại tạm giam Công an tỉnh. Bác sĩ, Trung úy Huyền Trang vẫn nhớ như in về những ngày đầu tiên nhận công tác: “Ban đầu, tôi rất hoang mang, lo lắng khi luôn trực tiếp tiếp xúc với can, phạm nhân. Gia đình tôi cũng rất lo sợ khi con gái vừa mới ra trường đã phải thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân là những can, phạm nhân. Tuy nhiên, nhờ sự động viên, chia sẻ kinh nghiệm, làm tốt công tác tư tưởng của các đồng nghiệp đi trước, tôi đã dần cân bằng lại. Mặc dù, làm bác sĩ ở trại vất vả hơn rất nhiều so với ở ngoài, song với tinh thần, trách nhiệm của một bác sĩ, tôi đã thích nghi hơn và nay thì tự tin bám trụ, tận tâm, tận lực với nghề…”.
Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất chưa được đảm bảo, luôn phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy, khó khăn, áp lực, song với phương châm: “Can, phạm nhân cũng là bệnh nhân như bao bệnh nhân ở ngoài xã hội” nên các y, bác sĩ Bệnh xá Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An vẫn hàng ngày tận tụy, ân cần thăm khám, điều trị cho những bệnh nhân “áo số”. Bởi, theo họ, đó không chỉ là lương tâm của một người thầy thuốc mà còn là trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND. (Công an Nhân dân, trang 1).
KỶ NIỆM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM 27.2:Việt Nam ghi dấu trên bản đồ y khoa thế giới
Ca ghép chi thể đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 ngày 21.1.2020 đã giúp cho một người bệnh thoát khỏi cuộc sống khó khăn, suy sụp tinh thần vì tàn tật. Thế nhưng, đằng sau ca ghép này là sự “dấn thân” ngoạn mục của các bác sĩ Việt Nam, ghi dấu ấn của Việt Nam trên bản đồ y khoa thế giới.
Quyết định táo bạo, dũng cảm
sư, Tiến sĩ Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho hay, bệnh nhân được ghép là anh Phạm Văn Vương (31 tuổi) ở Thanh Trì - Hà Nội. Năm 2016, anh Vương bị tai nạn lao động, do máy đột dập khiến 1/3 dưới cẳng tay và bàn tay trái dập nát, biến dạng hoàn toàn.
Anh Vương được đưa đến bệnh viện 108 cấp cứu. Do vết thương dập nát quá nặng nề và hoàn toàn không có khả năng bảo tồn, các bác sĩ đã buộc phải chỉ định cắt 1/3 dưới cẳng tay trái cho anh. Nỗi đau tinh thần khi mất cánh tay còn quá trẻ, đã khiến anh suy sụp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, ngày 3.1.2020, bệnh viện tiếp nhận ca bệnh nặng và phức tạp do băng chuyền của máy tải gạch cuốn và đè ép trực tiếp lên tay trái từ vùng 1/3 dưới cẳng tay đến sát nách.
“Trong suốt 18 ngày điều trị với 3 lần mổ, nỗ lực cứu cánh tay nhưng tình trạng hoại tử vùng khuỷu tay và cơ, nhiễm trùng không cứu vãn được, đe dọa nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Qua nhiều lần hội chẩn các cấp, các bác sĩ đã phải ra chỉ định cắt cụt chi thể ngang mức 1/3 trên cánh tay. Đây là chỉ định bắt buộc”- Giáo sư Bàng nói.
Khi thăm khám bệnh nhân, các bác sĩ cũng nhận thấy phần thừa của chi thể sẽ bị cắt cụt, đoạn từ dưới 1/3 dưới cẳng tay đến bàn tay, còn tương đối bình thường và có thể sử dụng để ghép cho những bệnh nhân bị cụt ở vị trí tương ứng. Bệnh nhân và gia đình đã đồng ý và tự nguyện hiến một phần chi thể của mình cho anh Vương, như một nghĩa cử nhân văn.
“Mặc dù ca ghép quá bất ngờ nhưng đã thành công, là kết quả của sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về cơ sở vật chất, nhân lực và kỹ thuật của chúng tôi từ nhiều năm nay” - Giáo sư Mai Hồng Bàng nói.
Để quyết định thực hiện ca ghép này, phải nói đến sự quyết tâm rất lớn của các bác sĩ Việt Nam. Giáo sư Mai Hồng Bàng cũng như các chuyên gia đã phải “cân não” để đưa ra quyết định, vì rủi ro của ca ghép rất lớn, nếu không cân nhắc kỹ lưỡng, có thể sẽ thất bại.
Ông chia sẻ: “Bản thân tôi cũng hoàn toàn bất ngờ trước ca ghép này. Bệnh nhân hiến chi vào viện trước đó 18 ngày, hội chẩn rất nhiều lần nhưng chưa hề nghĩ đến chuyện ghép. Cho đến khi không thể giữ nổi tay cho bệnh nhân nữa, bắt buộc phải cắt cụt, anh Hoàng và nhóm lên kiểm tra, rồi báo cáo tôi: Ca này bắt buộc phải cắt, nhưng nếu mà có thể giữ được cẳng tay và bàn tay, ghép cho bệnh nhân khác thì tốt quá. Tôi bảo, vậy triển khai ngay, nếu được thì quá tốt, không được cũng phải tháo ngay, để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân”.
Không quyết định nhanh thì hoại tử sẽ lan xuống cẳng tay và bàn tay, không những nguy hiểm cho người hiến chi mà sẽ cực kỳ nguy hiểm cho người nhận. Lãnh đạo bệnh viện đã phải đắn đo, cân nhắc, rất căng thẳng để đưa ra quyết định. Vì rủi ro của ca này rất lớn, cánh tay bệnh nhân hiến đang hoại tử, nhiễm trùng, bàn tay bắt đầu thâm đen, nếu không cắt ngay thì sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của chính người bệnh. Cánh tay bội nhiễm, nếu ghép cho người bệnh, cũng có thể rủi ro, nhiễm trùng máu, nếu không được kiểm soát gắt gao có thể ảnh hưởng tính mạng người được ghép.
Kỹ thuật của các nước tiên tiến cũng chưa thực hiện được
Kíp mổ do Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thế Hoàng - Phó Giám đốc bệnh viện - thực hiện, sau 8 giờ, ca ghép cẳng tay và bàn tay mới từ người hiến sống cho anh Vương đã thành công. Tất cả các cấu trúc giải phẫu đã phục hồi và bàn tay ghép đồng loại được tưới máu đầy đủ giống như tay bên lành.
Ngay sau mổ, anh Vương đã có thể tự vận động nhúc nhích được các ngón tay của bàn tay ghép. Cho đến nay, sau một tháng ghép, anh có thể sử dụng bàn tay ghép để cầm nắm một số đồ vật. Ca ghép chi thể đầu tiên từ người cho sống trên thế giới được thực hiện thành công tại Việt Nam đã nâng tầm y khoa Việt Nam, là hy vọng của nhiều bệnh nhân bị đứt rời chi thể ở Việt Nam.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể trở thành người lành lặn một lần nữa. Tôi và cả gia đình đều bất ngờ khi bệnh viện thông báo tôi có cơ hội được ghép tay. Giáo sư Hoàng và các y bác sĩ Bệnh viện 108 đã tái tạo cuộc sống của tôi. Tôi vô cùng biết ơn người hiến chi thể cho tôi” - bệnh nhân Phạm Văn Vương xúc động chia sẻ.
Từ năm 1998 đến nay, mới chỉ có khoảng 89 ca ghép chi thể trên thế giới được thông báo trong y văn quốc tế. Tất cả những ca ghép này đều lấy nguồn từ người cho chết não. “Kỹ thuật ghép chi thể đứt rời rất phức tạp, các nước tiên tiến đi trước chúng ta hàng chục năm nhưng cũng chưa bao giờ thực hiện được ca ghép chi thể từ người cho sống vì hiếm có cơ hội chấn thương đứt rời chi vẫn đủ điều kiện để ghép lại. Muốn ghép cũng không ghép được vì nếu như không chuẩn bị đầy đủ về kỹ thuật, không quyết tâm thì không thể chớp được cơ hội ghép chi thể cho người bệnh từ chi thể đã buộc phải bỏ đi của người khác”- GS-TS Phạm Gia Khánh - Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam đánh giá.
Theo vị chuyên gia này, ghép chi thể từ người cho sống là điều chưa từng có trong y văn thế giới. Đây là một thành công tuyệt vời của ngành Y tế Việt Nam nói chung và ngành ghép tạng Việt Nam nói riêng. Từ đây, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào việc cứu giúp cuộc sống của nhiều người bệnh đang tàn tật, cuộc sống gặp khó khăn, bi kịch. Ca ghép này đã đánh dấu một bước tiến về kỹ thuật của y tế Việt Nam, một thành công rất đáng tự hào. (Lao động, trang 1) .
THANH HÓA:Cuộc chiến thầm lặng của hơn 20 y, bác sĩ chống virus COVID-19
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân nhiễm virus COVID-19, hơn 20 bác sĩ, điều dưỡng viên Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã tập hợp, sẵn sàng cho “cuộc chiến” chống loại virus này.
Dù được trang bị các thiết bị phòng hộ, tuy nhiên, sau khi tiếp nhận một bệnh nhân nhiễm virus COVID-19, hơn 20 bác sĩ, điều dưỡng viên tại Khoa Bệnh nhiệt đới không khỏi lo lắng, bởi đây là một bệnh truyền nhiễm mới và chưa có phác đồ điều trị. Sau khi ca bệnh được chữa khỏi, niềm vui như vỡ òa. Tuy nhiên, ít ai biết rằng những câu chuyện, những hy sinh thầm lặng của các y, bác sĩ để có được thành quả đó.
Cuộc tập huấn cấp tốc chiều 30 Tết
Theo Bác sĩ Chuyên khoa I Đỗ Xuân Tiến - Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa - cho biết, vào chiều ngày 30 Tết Canh tý 2020, khoa tiếp nhận 1 bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19. “Vào chiều ấy, là chiều cuối năm, mọi người đang tất tả ngược xuôi, mong sớm về nhà để ăn bữa cơm cùng gia đình, tuy nhiên, khi tiếp nhận bệnh nhân (qua xác định dịch tễ, bệnh nhân này có thể đã nhiễm COVID-19), nên tất cả các bác sĩ, điều dưỡng (gồm 25 người) được huy động đến khoa, sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân, sẵn sàng ứng phó dịch bệnh” - bác sĩ Tiến nói.
Bác sĩ Tiến cho biết thêm, ngay sau đó, một cuộc tập huấn cấp tốc cho toàn khoa đã được triển khai, tại đây, hầu hết các “chiến sĩ blu trắng” được hướng dẫn chuẩn bị từ vật tư, đồ dùng bảo hộ khử khuẩn, xử lý chất thải và cách điều trị cho bệnh nhân. “Cuộc tập huấn diễn ra hằng giờ đồng hồ và hầu hết mọi người đều quên đi rằng, thời khắc giao thừa đang sắp tới” - bác sĩ Tiến nhớ lại.
Điều dưỡng Trần Thị Dung (46 tuổi) - Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa - cho hay, với những người làm trong ngành Y thì trực Tết là một nhiệm vụ và luôn coi đó là công việc đặc thù. Trải qua rất nhiều lần trực Tết, lần này, với chị trực chiều 30 Tết Canh tý 2020, là một ngày trực đáng nhớ nhất kể từ khi chị bước chân vào ngành Y.
“Chiều đó, vào khoảng 15 giờ, tôi cùng các bác sĩ, điều dưỡng khác nhận được thông báo, chuẩn bị tiếp nhận chị N.T.T (24 tuổi, trú tại huyện Yên Định), 1 ca bệnh nghi nhiễm COVID-19. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, bệnh nhân nhập viện. Lúc đó, không những tôi mà các y, bác sĩ tại khoa có phần lo lắng, do đây là ca đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa nghi nhiễm COVID-19 và chưa có phác đồ điều trị cũng như thuốc đặc trị” - điều dưỡng Dung chia sẻ.
Điều dưỡng Dung cho biết thêm, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo bệnh viện, tất cả khoa khẩn trương triển khai các công việc như sắp xếp các phòng cách ly, chuẩn bị phương tiện theo dõi, vật tư và các bảo hộ y tế, để theo dõi, điều trị cho bệnh nhận. Thời điểm này, dường như mọi người đã quên cái Tết đang cận kề.
Những hy sinh thầm lặng
Theo điều dưỡng Dung, chị chưa bao giờ tiếp xúc, điều trị trực tiếp cho một ca bệnh nào đặc biệt như vậy. Thời gian chị ở bệnh viện, tiếp xúc với bệnh nhân là chủ yếu và ít khi về nhà. Đến khi bệnh nhân N.T.T có kết quả dương tính với COVID-19, hơn 20 bác sĩ, điều dưỡng của khoa đều tự ý thức rằng, mình có thể là nguy cơ lây nhiễm cho người thân, đồng nghiệp và xã hội, nên tất cả phải tự cách ly và ít khi về nhà.
“Thậm chí, mỗi khi về nhà, tôi luôn mang trên mình những đồ bảo hộ và tiếp xúc với ai, tôi luôn giữ khoảng cách đủ an toàn. Riêng chồng và 2 người con, đã phải di tản tạm thời về nhà nội trong những ngày Tết, để hạn chế tiếp xúc ” - điều dưỡng Dung tâm sự.
Cùng chung tâm trạng, điều dưỡng Lê Thị Thu Hải (32 tuổi, Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa) cho biết, những ngày trực tại viện, không những chị tránh tiếp xúc với mọi người, mà chính mọi người cũng tránh tiếp xúc với chị.
“Trong những ngày Tết, nhìn mọi người đi chơi, cùng với gia đình vui vầy mà thấy tủi thân. Tuy nhiên, cảm giác ấy chóng qua, tôi lại tiếp tục với công việc, an ủi bản thân và khẩn trương điều trị cho bệnh nhân, những người đang rất cần đến chúng tôi” - điều dưỡng Hải chia sẻ.
Với cương vị là lãnh đạo khoa, Bác sĩ Chuyên khoa I Đỗ Xuân Tiến cho biết, trong 4 ngày Tết Canh Tý 2020 và thậm chí những ngày tiếp sau, ông luôn túc trực ở khoa, theo sát diễn biến của bệnh nhân và động viên tinh thần cho các y, bác sĩ.
Theo bác sĩ Tiến, sau 10 ngày cách ly, theo dõi và điều trị, kết quả xét nghiệm cho thấy nữ bệnh nhân N.T.T. (24 tuổi, trú tại huyện Yên Định) dương tính với COVID-19, sức khỏe trở lại bình thường và xuất viện.
“Đây là một trong những ca bệnh đầu tiên bị nhiễm COVID-19 được điều trị khỏi tại Việt Nam, đây không những là niềm vui của ngành Y tế Thanh Hóa nói riêng mà còn là cả nước nói chung” - bác sĩ Tiến nói.
Ông Lê Văn Sỹ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa - cho biết, việc điều trị thành công cho bệnh nhân N.T.T là do thực hiện đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Ngoài ra, việc phát hiện, cách ly và điều trị sớm sẽ giúp bệnh nhân nhanh bình phục. (Lao động, trang 4).
Chờ học sinh trở lại: Các trường đã chuẩn bị gì?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, hiện tại chưa chốt việc đi học trở lại vào ngày 2/3, mà phải chờ tới ngày 27-28/2 mới quyết định. KH&ĐS cũng đã xin ý kiến của lãnh đạo một số trường ĐH và THCS về vấn đề này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải cân nhắc để đảm bảo an toàn
Tại cuộc họp, liên quan tới việc đi học trở lại của học sinh, sinh viên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan, hướng dẫn cho các thầy cô, nhà trường vệ sinh, khử khuẩn, tiêu độc, quy trình phòng chống bệnh.
Công tác phòng, chống dịch qua đánh giá, tình hình kiểm soát dịch bệnh tốt. Đến ngày 28/2, theo kế hoạch là hết thời hạn tạm nghỉ, nên Bộ đã ban hành văn bản điều chỉnh về khung năm học.
Theo Bộ trưởng Nhạ, với học sinh lớn có thể phòng chống dịch bệnh thì thống nhất đi học trở lại từ 2/3. Với bậc tiểu học, trung học cơ sở, mầm non thì tùy tình hình mà địa phương ra quyết định, nhưng đảm bảo đồng bộ đi học trở lại từ ngày 2/3.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sẽ chưa chốt việc cho học sinh đi học trở lại vào 2/3. Hiện tại, đó mới chỉ là phương án sẵn sàng. Phải chờ đến ngày 27-28/2, xem tình hình dịch diễn biến, bùng phát ra sao mới đưa ra quyết định.
Cô Nguyễn Thị Thu Lan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Măng non II - quận 10 TP HCM cho biết, hiện Nhà trường đã tập trung vệ sinh trường lớp rất kỹ, đặc biệt là vệ sinh học cụ, dụng cụ, tăng cường mảng cây xanh. Đồng thời Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên tập huấn cho các giáo viên trong công tác đón trẻ trở lại trường, vì trẻ mầm non còn quá bé, không thể tự phòng bệnh. Việc trẻ đi học trở lại sẽ khiến một số phụ huynh lo lắng, có thể để trẻ ở nhà. Tuy nhiên nhà trường cũng tuyên truyền để phụ huynh cho trẻ đi học trở lại, vì hiện nay công tác sát khuẩn, vệ sinh trường lớp được ngành y tế đánh giá rất tốt nên phụ huynh hoàn toàn yên tâm.
Các trường đã chuẩn bị gì?
Ngay sau công văn về việc học sinh, sinh viên đi học trở lại của Bộ GD&ĐT, dư luận đã “nổi sóng” và có những tranh cãi trái chiều về việc có nên cho học sinh, sinh viên đi học trở lại vào ngày 2/3 hay không?
PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã rất tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, nhằm đảm bảo an toàn cho sinh viên khi đi học trở lại.
Cụ thể: Vệ sinh các phòng học và hành lang bằng dung dịch khử trùng; Trang bị dung dịch rửa tay, sát khuẩn sát khuẩn tại các vị trí/đơn vị có nhiều các tiếp xúc trực tiếp; Các khu WC đã có chậu rửa xà phòng, Nhà trường lắp thêm các chậu rửa tay tại cổng nhà gửi xe đạp, xe máy; sảnh các tòa nhà; Đặt mua khẩu trang chuẩn bị phát cho sinh viên và cán bộ; Thông tin tuyên truyền phòng chống dịch bệnh bằng các hình thức khác nhau; Rà soát các sinh viên sinh sống và đến từ các địa phương có dịch.
Theo kế hoạch, sinh viên của Trường sẽ đi học trở lại vào ngày 2/3. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, cần tiếp tục theo dõi sát tình hình trong những ngày tới.
Đồng quan điểm với PGS.TS Vũ Hoàng Linh, GS.TS Đinh Văn Phong, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, tình hình dịch bệnh diễn biến rất nhanh.
“Chúng ta không thể nào cực đoan bảo đi học là đi học, bảo nghỉ là nghỉ, mà phải theo dõi rất sát”, ông Phong nói.
GS.TS Đinh Văn Phong cho biết, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đã triển khai rất nhiều biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Trường chế nước rửa tay, để ở cửa vào mỗi giảng đường. 35.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh cùng 1.800 giảng viên của trường sẽ được phát mỗi người một chai nước rửa tay nói trên.
Đặc biệt, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã trích 435 triệu đồng để mua khẩu trang vải kháng khuẩn để tặng toàn bộ giảng viên, học viên, sinh viên.
Trong trường có trung tâm y tế, phòng khám riêng chuẩn bị sẵn sàng. Đối với ký túc xá, khi sinh viên quay trở lại sẽ đi kiểm tra nhiệt độ ngày 2 lần một ngày. Nếu trường hợp nào cần cách ly thì cách ly ngay.
Phòng công tác sinh viên liên hệ rất chặt chẽ với các sinh viên, nhất là với 5 sinh viên ở vùng dịch Sơn Lôi, Vĩnh Phúc. Kịp thời động viên, gửi bài vở cho các em.
“Hiện tại, ĐH Bách khoa đã chuẩn bị tối đa điều kiện để cho các em đi học. Tuy nhiên, cần phải theo sát tình hình và có chỉ đạo của Chính phủ. Chúng ta không sợ hãi nhưng phải rất cẩn thận”, ông Phong nói.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lũng Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang cho biết, tuy là một trường ở huyện miền núi, nhưng Trường đã rất sát sao trong việc phòng chống dịch. Trong những ngày nghỉ, giáo viên lau dọn, khử trùng trường. Khẩu trang, nước rửa tay đã được chuẩn bị, đặc biệt có cả ống xông bồ kết đặt ở mỗi lớp. Tất cả đã sẵn sàng để đón học sinh trở lại trường, tuy nhiên, cần đảm bảo an toàn, tùy theo diễn biến dịch bệnh thế nào để có quyết định hợp lý.
Đối với công tác phòng chống dịch Covid - 19 của Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam, TS Nguyễn Xuân Trường, Phó Hiệu trưởng, Trưởng khoa Dược - Điều dưỡng cho biết, nhà trường đã chủ động thành lập Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Hiện nhà trường dang cho sinh viên nghỉ hết tháng 2/2020, tuy nhiên trường sẽ có phương án tối ưu nhất, tạo điều kiện để sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, trường cũng giao cho cán bộ, giáo viên chủ nhiệm nắm bắt tình hình lây lan đối với học sinh, sinh viên và giáo viên, để sàng lọc trước khi quay lại trường học. Nhà trường vẫn tiếp tục làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng đón học sinh, sinh viên trở lại học tập khi đủ điều kiện đảm bảo an toàn. (Khoa học & Đời sống, trang 1).
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 1: “TPHCM đề xuất đi học lại theo từng khối lớp”.