Nguy hiểm nhiễm độc chì do uống thuốc cam trôi nổi
Mặc dù đã được rất nhiều các phương tiện thông tin đại chúng khuyến cáo về hậu quả của việc tùy tiện mua thuốc cam trôi nổi cho trẻ nhỏ uống, tuy nhiên vẫn có không ít các bà mẹ vì thiếu hiểu biết mà vô tình khiến con mình bị ngộ độc chì từ những túi thuốc cam ấy. Hậu quả của việc sử dụng thuốc cam lâu dài có thể ảnh hưởng đến trí lực và chỉ số IQ của trẻ…( Công an nhân dân trang 4)
Thanh Hóa: Bộ Y tế yêu cầu xử lý việc bán giấy khám sức khỏe
Ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế Thanh Hoá yêu cầu xác minh, làm rõ tình trạng ngã giá bán giấy chứng nhận sức khoẻ công khai của Trung tâm Y tế huyện Tĩnh Gia được báo Lao Động phản ánh.
Trước đó, Báo Lao Động đã đăng bài điều tra “Giấy chứng nhận sức khoẻ được ngã giá từ 35.000 đồng”. Theo đó, trong vai một chủ thầu xây dựng cần làm giấy chứng nhận sức khoẻ cho 30 công nhân, PV Lao Động đã chứng kiến sự "chuyên nghiệp" của nhân viên y tế trong việc ngã giá bán giấy khống này.
Tại phòng làm việc của nhân viên y tế tên Long, anh này hỏi: “Anh có làm giấy xét nghiệm viêm gan B không hay giấy bình thường?”. PV cho hay chỉ cần làm giấy xét nghiệm bình thường, đủ điều kiện trong hồ sơ xin việc là được. Long nói: “Đây, nó có cái mẫu này này”, rồi đưa ra GCNSK mẫu theo tiêu chuẩn với đầy đủ chữ ký, xác nhận của cán bộ y tế.
Long ngã giá: “Khám bình thường thì 75.000 đồng/người; xét nghiệm viêm gan B thì làm riêng mỗi cái như vậy 35.000 đồng nữa”. Về thủ tục, nhân viên tên Long này hướng dẫn cần 1 ảnh và chứng minh thư nhân dân.
PV lấy lý do người lao động tỉnh ngoài nên không phải ai cũng có giấy chứng minh. Long cho hay: “Chứng minh photocopy cũng được, nếu không có thì ghi họ tên, ngày sinh, địa chỉ đằng sau ảnh”. “Có phải đưa người lên đấy khám không em?” - PV hỏi. Long: “Không cần đâu nhưng phải đảm bảo họ có sức khoẻ, không phức tạp lắm!”. Về thời gian, Long cho hay “Trong ngày là bọn em có thể bàn giao cho anh được”.
Việc vô tư ngã giá bán giấy chứng nhận sức khoẻ ngay tại Trung tâm Y tế huyện Tĩnh Gia là việc làm trái với tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế trong một loạt công văn quy định cụ thể, chi tiết về việc khám sức khoẻ; trái với y đức và vi phạm quy định của cán bộ công chức.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Thanh Hoá phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm cá nhân, tập thể liên quan theo đúng quy định hiện hành (nếu có vi phạm); tăng cường công tác quản lý việc khám sức khoẻ theo chỉ đạo của bộ; gửi báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 3.7.2015. Báo Lao Động sẽ tiếp tục theo dõi, đưa tin về vụ việc.( Lao động trang 7)
Bệnh nhân phải nhập viện vì rắn lục đuôi đỏ cắn tăng cao
Chiều 25.6, TS-BS Lê Quốc Hùng – Phó Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, BV vừa tiếp nhận 1 bệnh nhân nữ (có thai 14 tuần) đến từ Bình Dương bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vết cắn sưng tấy, có biểu hiện rối loạn đông máu. Sau khi được truyền huyết thanh kháng nọc, các bác sĩ tiên lượng tình trạng bệnh nhân đã tương đối ổn định, được theo dõi tình trạng thai nhi…( Lao động trang 7, Tuổi trẻ trang 14)
Hơn một triệu lượt người được cấp phát thuốc chữa bệnh miễn phí
Sáng 25-6, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị tổng kết chương trình phối hợp hoạt động giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và T.Ư Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2015.
Năm năm qua, các đơn vị quân đội đã phối hợp Hội nông dân các địa phương vận động xây dựng quỹ, giúp nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn một triệu lượt người …( Nhân dân trang 3)
Bệnh viện Nhi đồng 1 diễn tập tiếp nhận bệnh nhân MERS-CoV
Sáng 25-6, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) tổ chức diễn tập phòng chống dịch MERS- CoV với các tình huống khác nhau.
Tình huống thứ nhất là một người cha đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám bệnh và hỏi bảo vệ “Tôi nghi ngờ con tôi bị bệnh MERS-CoV, tôi phải đưa cháu khám thế nào”. Ngay lập tức bảo vệ có nhiệm vụ hướng dẫn bệnh nhi này đi bằng lối đi riêng để vào phòng khám cách ly dành cho bệnh nhân MERS-CoV được bố trí riêng tại khoa cấp cứu, nhằm ngăn ngừa tối thiểu bệnh nhân này phát tán virút ra môi trường xung quanh.
Tình huống thứ hai là có một em bé đã được chẩn đoán xác định bị nhiễm MERS-CoV dưới bệnh viện tỉnh chuyển lên do diễn biến bệnh nặng. Bệnh viện tỉnh gọi điện thoại lên báo cho Bệnh viện Nhi Đồng 1 biết đang chuyển bệnh nhi lên cấp cứu.
Ngay lập tức khoa cấp cứu chuẩn bị sẵn sàng tất cả mọi thứ để tiếp nhận bệnh nhân ngay từ trên xe cấp cứu, chuyển bệnh nhân vào khu vực cần cách ly và điều trị ở mức cao nhất là thở máy.
Tình huống này còn có tình huống đặc biệt hơn là khu này đã quá nhiều bệnh nhân nên phải chuyển bệnh nhi lên khoa nhiễm.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 - tại khoa nhiễm, đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận điều trị bệnh nhân MERS-CoV, đã chuẩn bị tình huống tiếp nhận bệnh nhân MERS-CoV ở hai mức.
Ở mức tối thiểu chỉ có 1-2 bệnh thì đã có phòng cách ly riêng và nếu có nhiều hơn nữa sẽ nới rộng ra. Tình huống tối đa (khi có nhiều bệnh nhân) sẽ lấy toàn bộ khoa nhiễm để tiếp nhận bệnh nhân cách ly.
Ngoài ra, trong tình huống dịch xảy ra nhiều, bệnh viện còn có đội cấp cứu cơ động - đội ngũ tiên phong. Hiện nay tất cả nhân viên trong khoa nhiễm đều phải thực hành và đều biết nếu xảy ra tình huống có ca bệnh MERS-CoV sẽ xử lý thế nào, giải quyết thế nào, hội chẩn với ai…
Trước đó, ngày 24-6 bệnh viện đã diễn tập tình huống đột xuất phát hiện có một em bé có triệu chứng bệnh và yếu tố dịch tễ của bệnh MERS-CoV ở một khoa thông thường của bệnh viện.( Tuổi trẻ trang 14)
Tập huấn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm MERS
Trong hai ngày 25, 26-6 tại Hà Nội, Cục Quản lý khám, chữa bệnh và Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phối hợp tổ chức tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm bệnh MERS-CoV cho hơn 300 cán bộ y tế thuộc 15 tỉnh, thành phố và hơn 20 bệnh viện Trung ương, bệnh viện tư nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây là lớp tập huấn thứ ba trong năm lớp tập huấn mà Bộ Y tế sẽ tổ chức cho các bệnh viện toàn quốc nhằm nâng cao kiến thức về chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm bệnh MERS-CoV. Trong đầu tháng bảy, Bộ Y tế sẽ tổ chức hai lớp tập huấn ở Đà Nẵng và Cần Thơ.( Tiền phong trang 6)
Thời gian khám bệnh trung bình còn 48,5 phút
Đây là con số Bộ Y tế đưa ra trong hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015, phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020. Hội nghị diễn ra ngày 25/6…( Gia đình & xã hội trang 6, Sức khỏe & đời sống trang 2)
Đẩy mạnh giám sát, phòng chống nhiễm khuẩn để tránh lây nhiễm MERS-CoV
Chiều 25/6, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Bộ Y tế đã họp khẩn về công tác phòng chống dịch bệnh MERS-CoV, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì cuộc họp. PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết để ngăn chặn dịch MERS-CoV tràn vào Việt Nam, Bộ Y tế tiếp tục duy trì giám sát các đối tượng nhập cảnh, khai báo y tế hành khách đến từ các vùng có dịch…( Sức khỏe & đời sống trang 2)
Liên bộ cùng chung tay phòng chống kháng thuốc
Tại Hà Nội, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và môi trường và các đối tác phát triển tại Việt Nam vừa ký kết văn bản thỏa thuận về hợp tác, cam kết và phối hợp hành động phòng chống kháng thuốc nhằm đẩy mạnh hành động phòng, chống kháng thuốc trong cộng đồng…( Sức khỏe & đời sống trang 2)