Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 26/7/2015

  • |
T5g.org.vn - Tai biến do tiêm chủng có thể được bồi thường; Ổ dịch hầu ở Quảng Nam đã được khống chế; Cái ôm đầu tiên giúp cứu sống hàng nghìn trẻ sơ sinh; Khánh thành Bệnh viện Sản-Nhi Bắc Ninh với quy mô lớn

Tai biến do tiêm chủng có thể được bồi thường

Lần đầu tiên việc bồi thường đối với các ca tai biến có nguyên nhân do tiêm chủng được quy định cụ thể trong dự thảo Nghị định Quy định về hoạt động tiêm chủng do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo.

Theo dự thảo, khi sử dụng vắc xin bắt buộc (trong chương trình tiêm chủng mở rộng), nếu xảy ra tai biến nặng sau tiêm, được xác định có nguyên nhân do vắc xin, nhà nước có trách nhiệm bồi thường. Việc bồi thường được thực hiện với người bị tai biến hoặc thân nhân người bị tai biến nặng. Tùy mức độ (phải nhập viện điều trị; bị di chứng lâu dài hoặc tử vong), nhà nước sẽ chi trả chi phí điều trị, hỗ trợ bằng tiền, bồi thường để bù đắp tổn thất tinh thần đối với người thân của người bị thiệt hại. Mức bồi thường cao nhất bằng 30 lần mức lương cơ bản. Dự thảo đang được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan và người dân, dự kiến ban hành trong năm nay (Thanh niên trang 3).

Ổ dịch hầu ở Quảng Nam đã được khống chế

Ngày 24-7, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Ổ dịch bạch hầu ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam khiến dư luận quan tâm trong thời gian gần đây đã được khống chế, không xuất hiện bệnh nhân mới, các bệnh nhân mắc bệnh đã được điều trị khỏi. Theo đó, trong thời gian vừa qua, tại thôn 8A và 8B, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, đã có trường hợp bị nhiễm bệnh bạch hầu khiến người dân địa phương lo lắng.

Ngay sau khi xuất hiện ổ dịch bạch hầu tại đây, ngày 16-7-2015, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế tỉnh Quảng Nam giám sát tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, khẩn trương triển khai các hoạt động phòng, chống dịch kịp thời, không để lan rộng trong cộng đồng. Sở Y tế Quảng Nam đã phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang để thực hiện việc tiêm vắc-xin chống dịch tại khu vực xảy ra ổ dịch (Quân đội nhân dân online, Tiền phong trang 3).

Cái ôm đầu tiên giúp cứu sống hàng nghìn trẻ sơ sinh

Thông thường tại các cơ sở sản khoa của Việt Nam hiện nay, những đứa trẻ mới sinh ra sẽ lập tức được tách khỏi mẹ trong một thời gian nhất định để làm các thao tác như cắt dây rốn, hút đàm dãi, lau chùi, sưởi ấm… Theo các chuyên gia đây là một thực hành rất lỗi thời, và việc tiếp xúc da kề da giữa đứa trẻ và người mẹ ngay lúc mới sinh sẽ giúp cứu sống hàng nghìn trẻ sơ sinh cũng như ngăn ngừa hàng trăm nghìn ca biến chứng mỗi năm vì những thực hành lỗi thời đó. Chính vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phối hợp với Bộ Y tế phát động chiến dịch “Cái ôm đầu tiên” tại Việt Nam với thông điệp “Cái ôm đầu tiên của mẹ, hơi thở đầu đời của bé”. Theo phương pháp này, tất cả những đứa trẻ mới chào đời đều được nằm sấp, quấn chặt lấy mẹ bằng một chiếc khăn, da kề da. Phương pháp này không chỉ với các ca sinh thường mà áp dụng ngay cả cho với trường hợp sinh mổ. Nó có thể được thực hiện ở tất cả các phòng đẻ mà không cần chuẩn bị phức tạp hoặc đòi hỏi các công nghệ đắt tiền. Do đó có thể áp dụng ngay tại các bệnh viện huyện, trạm y tế xã ở vùng sâu hay các vùng khó tiếp cận của Việt Nam nơi có tỷ lệ tử vong sơ sinh cao.

Đối với phương pháp chăm sóc mới này sẽ bao gồm 6 bước: Thông báo cho mẹ về giới tính cũng như giờ sinh của trẻ, lau khô cho bé ủ ấm (bằng cách nằm trên bụng da kề da với mẹ), tiêm thuốc co tử cung cho mẹ, kẹp dây rốn muộn (từ 1 – 3 phút sau khi sinh), kéo dây rốn và xổ nhau, hướng dẫn sản phụ xoa đáy tử cung 1h sau sinh và hỗ trợ sản phụ cho bé bú sớm.

Theo các bác sĩ, phương pháp “Cái ôm đầu tiên” ưu việt hơn hẳn phương pháp cổ điển, từ khi áp dụng chưa ghi nhận bất thường mà đem lại hiệu quả không ngờ. Theo đó, khi được da kề da với mẹ, thân nhiệt người mẹ sẽ ủ ấm cho bé, điều mà máy sưởi chưa chắc làm nổi. Trước đây khi một đứa trẻ sơ sinh chào đời, sẽ được đem đi hút đàm nhớt, lau chùi, quấn khăn rồi mới sưởi ấm. Có quá nhiều khoảng thời gian trống, khiến em bé dễ bị hạ thân nhiệt, nguy cơ suy hô hấp, nhiễm trùng, xuất huyết não cao. Đó còn chưa kể tới động tác hút đàm nhớt thực hiện không khéo sẽ gây tổn thương niêm mạc hệ hô hấp còn non nớt của trẻ.

Ngoài ra, nằm trên bụng mẹ em bé vẫn nghe được tiếng nhịp tim mẹ đập như lúc bé còn trong bụng, vì thế bé sẽ yên tâm và không bị stress bởi thay đổi môi trường sống. Phương pháp này giúp trẻ có phản xạ bú sớm hơn, có cơ hội đón nhận những giọt sữa non đầu đời thuận tiện hơn. Trẻ bú cũng giúp tử cung người mẹ co tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ băng huyết sau khi sinh. Và một điều quan trọng khác của phương pháp này đem lại, đó là giúp bà mẹ yên tâm không sợ con bị nhầm lẫn.

Số liệu thống kê tại Khoa sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ cho thấy, tỷ lệ trẻ tử vong trong 6 tuần đầu sau sinh khi áp dụng phương pháp chăm sóc sơ sinh mới đã giảm đáng kể. 6 tháng đầu năm 2014 có 385 trẻ sơ sinh tử vong trong 6 tuần đầu sau sinh trên tổng số hơn 29.000 trẻ được sinh ra. 6 tháng đầu năm nay, con số tử vong đã giảm xuống còn 272 trẻ trên 31.000 trẻ. Tương tự, số lượng trẻ bị nhiễm trùng sơ sinh cũng giảm đáng kể. 6 tháng đầu năm 2014 là 1.122 trường hợp/29.000 trẻ thì 6 tháng đầu năm nay chỉ còn 705/31.000 trẻ (An ninh thủ đô trang 8).

Khánh thành Bệnh viện Sản-Nhi Bắc Ninh với quy mô lớn

Ngày 25/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến dự lễ khánh thành Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Bắc Ninh. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thi Kim Tiến khẳng định việc khánh thành và đưa vào sử dụng Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Bắc Ninh thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, đối với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh trong khu vực, tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng các dịch vụ về lĩnh vực sản khoa và nhi khoa với chất lượng ngày càng cao.

Bộ trưởng khẳng định đây cũng là giải pháp tốt nhất để giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương. Bộ trưởng cũng đề nghị ngành y tế tỉnh Bắc Ninh cần nâng cao hơn nữa năng lực quản lý, phát triển đội ngũ cán bộ kể cả về chất và lượng; tăng cường cài cách hành chính; giáo dục y đức, quy tắc ứng xử với người bệnh; tranh thủ sự giúp đỡ, chuyển giao kỹ thuật của các bệnh viện tuyến Trung ương… Theo bác sỹ Lê Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Bắc Ninh, dự kiến ngày 26/7, bệnh viện chính thức mở của đón bệnh nhân. Bệnh viện có gần 300 cán bộ, nhân viên, trong đó 82 bác sỹ.

Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, đơn vị cử nhiều kíp chuyên môn kỹ thuật đi đào tạo tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ (Thành phố Hồ Chí Minh)…

Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng bảo đảm nhân lực, vật lực để ngay trong ngày đầu tiên đi vào hoạt động có để đáp ứng được 30 ca đẻ thường, phẫu thuật các loại từ 10 đến 15 ca. Cuối năm 2015, Bệnh viện sẽ mở rộng triển khai một số dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân như mời chuyên gia đầu ngành thực hiện khám, tư vấn cho các bà mẹ, trẻ em; tư vấn, chăm sóc sức khỏe mẹ con tại nhà; dịch vụ tư vấn dinh dưỡng và vắcxin.

Dự án đầu tư Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Bắc Ninh là dự án đầu tư xây dựng mới bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, với tổng mức đầu tư trên 364 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ và ngân sách đối ứng của tỉnh Bắc Ninh. Toàn bộ Bệnh viện được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích trên 14.400m2, tại phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Sau 3 năm khởi công xây dựng (từ ngày 6/8/2012), Bệnh viện được khánh thành đi vào sử dụng với 2 khu nhà kỹ thuật nghiệp vụ, điều trị nội trú 9 tầng và khối nhà phụ trợ tổng hợp 3 tầng. Bệnh viện được đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ chẩn đoán, điều trị lĩnh vực sản khoa, nhi khoa, cấp cứu (Vietnamplus.vn, Nhân dân trang 5).

Sáng kiến CHAI đóng góp tích cực trong phòng, chống HIV/AIDS

Sau chín năm có mặt tại Việt Nam, sáng kiến tiếp cận y tế Clinton (CHAI) đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Thành công lớn nhất của CHAI là giúp người bệnh tăng cường tiếp cận các chương trình phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả với mức chi phí thấp nhất.

Chai tập trung vào phát triển các dịch vụ y tế dựa trên hệ thống quốc gia sẵn có, vận động phát triển các mô hình chăm sóc người nhiễm HIV lấy gia đình làm trung tâm, đem lại các dịch vụ lồng ghép, tiện lợi cho người bệnh và mang đến một chương trình chăm sóc, phòng, chống HIV/AIDS bền vững hơn. Đóng góp nổi bật nhất của CHAI tại Việt Nam là hỗ trợ cho hơn 4.500 trẻ em nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng vi-rút (ARV), chiếm 86% tổng số trẻ nhiễm HIV. Trong giai đoạn 2006-2011, CHAI đã tài trợ 100% số lượng thuốc ARV cho trẻ em và công cụ chẩn đoán HIV sớm; hỗ trợ kỹ thuật cho các bác sĩ và điều dưỡng tại 23 tỉnh trọng điểm về HIV; tổ chức tập huấn cho hàng nghìn nhân viên y tế về chăm sóc và điều trị, cung cấp hàng nghìn liều điều trị ARV, hệ thống xét nghiệm, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con... Chị Nguyễn Thị Thúy, trưởng nhóm "Vươn lên" ở TP Điện Biên (tỉnh Điện Biên) tâm sự: Tham gia nhóm là những chị em bị nhiễm HIV, nhưng chúng tôi đã động viên nhau vượt qua khó khăn, vươn lên làm lại cuộc đời. Là tỉnh miền núi, thu nhập còn thấp, để có kinh phí trang trải cuộc sống, thuốc điều trị HIV/AIDS là việc rất khó khăn.

Nhưng từ khi có các tổ chức phi Chính phủ giúp đỡ về kinh phí, thuốc men; nhất là từ CHAI, chúng tôi đã được hỗ trợ rất nhiều từ khâu xét nghiệm, được tiếp cận thuốc giá rẻ, thuốc ARV miễn phí.

Tương tự, khi mang thai bảy tháng, được bác sĩ trung tâm y tế huyện tuyên truyền phải xét nghiệm máu trước khi sinh, chị Nguyễn Thị Thu (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) mới biết mình bị nhiễm HIV. Mặc dù đã được uống thuốc dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, nhưng con gái chị vẫn bị nhiễm HIV.

Sáu năm qua, cháu bé được CHAI hỗ trợ xét nghiệm và cung cấp thuốc cho nên chị Thu cũng yên tâm và mong rằng có nhiều tổ chức như CHAI hỗ trợ những người nhiễm HIV/AIDS.

Theo Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long, để cải thiện tỷ lệ sống của trẻ nhiễm HIV, CHAI đã hỗ trợ Bộ Y tế triển khai chương trình chẩn đoán sớm (EID) cho trẻ em bằng việc xây dựng và triển khai hướng dẫn quốc gia về EID, cung cấp công cụ ghi nhận và báo cáo. Hiện tại, chương trình EID được triển khai tại 84 phòng khám ở 55 tỉnh, thành phố. Khoảng 1.800 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được chẩn đoán sớm hằng năm và 79% số trẻ chẩn đoán dương tính với HIV được bắt đầu điều trị ARV. Nếu không có chương trình chẩn đoán sớm điều trị ARV, 50% số trẻ nhiễm HIV sẽ tử vong trong vòng hai năm đầu đời. Ngoài ra, để giúp làm giảm tỷ lệ mắc lao ở trẻ nhiễm HIV, CHAI cũng hỗ trợ điều trị dự phòng lao bằng Isoniazid (IPT) ở trẻ em thông qua việc hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng và triển khai hướng dẫn quốc gia, cung cấp các công cụ giám sát, cung cấp thuốc Isoniazid và vitamin B6. Qua đánh giá cho thấy, việc điều trị IPT đã làm giảm tỷ lệ trẻ mắc lao tới 97% đối với trẻ được điều trị cả IPT và HIV so với trẻ không được điều trị. Cho đến nay, phần lớn trẻ đang điều trị ARV đã được điều trị IPT.

Trong chín năm qua, CHAI đã hỗ trợ các hoạt động xét nghiệm chẩn đoán tại Việt Nam thông qua cải thiện chất lượng, tăng cường hệ thống chuyển gửi mẫu bệnh phẩm, triển khai hệ thống xét nghiệm tại chỗ, giảm thời gian trả kết quả xét nghiệm, tập trung vào việc xây dựng các phòng xét nghiệm HIV, xét nghiệm CD4 (chỉ số tế bào máu ở người nhiễm HIV) để xác định tiêu chuẩn điều trị và theo dõi điều trị ARV thường quy. Ngoài ra, CHAI đã đàm phán việc giảm giá trang, thiết bị và các sinh phẩm xét nghiệm chẩn đoán, hỗ trợ cung cấp miễn phí sinh phẩm xét nghiệm nhanh, sinh phẩm xét nghiệm CD4 và sinh phẩm xét nghiệm khác. Đáng chú ý, CHAI đã hỗ trợ Cục Phòng, chống HIV/AIDS triển khai hệ thống tiếp cận thông tin chăm sóc người bệnh (ACIS), một phần mềm qua in-tơ-nét gửi tin nhắn qua điện thoại di động để chuyển tiếp người bệnh giữa các dịch vụ và nhắc nhở, hỗ trợ người bệnh đến đăng ký điều trị và tuân thủ điều trị. Hoạt động này giúp tăng tỷ lệ chuyển gửi thành công từ 37% (trên toàn quốc) lên 79% tại 112 cơ sở tư vấn xét nghiệm tự nguyện và phòng khám ngoại trú. Hiện nay, phần mềm ACIS đang được thực hiện ở hơn 300 cơ sở điều trị HIV và cơ sở điều trị lao tại 25 tỉnh, thành phố trên cả nước (Nhân dân trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang