Biến thể mới lây lan, dịch COVID -19 có thể bùng phát trở lại
Các biến thể COVID-19 (BA.4, BA.5, BA.74, BA.2.12.1) đang lây lan nhanh trong cộng đồng số bệnh nhân nặng cũng gia tăng tại các cơ sở y tế. Các chuyên gia cảnh báo đây là một trong những dấu hiệu dịch COVID -29 có thể bùng phát trở lại (Chi tiết xem báo Lao động, trang 1).
Điều tra nhóm người xông vào bệnh viện, đập phá trang thiết bị y tế ở Long An
Ngày 25-9, ông Huỳnh Minh Phúc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An cho biết, cơ quan chức năng đang điều tra việc nhóm côn đồ đập phá tài sản tại Bệnh viện Đa khoa Long An.
Cụ thể, lúc 17 giờ 50 phút ngày 23-9, Khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Long An có tiếp nhận cứu chữa cho bệnh nhân Nguyễn Ngọc Bình trong trình trạng vết thương ở đầu và cẳng tay. Ngay sau đó, bệnh nhân được các y, bác sĩ may vá vết thương tại phòng tiểu phẩu ở Khoa cấp cứu.
Lúc này, có nhóm đối tượng gồm 6 người đi trên 2 xe máy 62K5-4197 và 81N1-00458, giả là người chở bệnh nhân vô cấp cứu nên bảo vệ cho vào.
Khi đến Khoa cấp cứu, 3 trong số 6 người này cầm hung khí xông vào tìm bệnh nhân Bình.
Nhóm đối tượng này đã dùng hung khí chém vào máy thở và một số trang thiết bị y tế khác của bệnh viện, sau đó nhanh chóng trốn khỏi bệnh viện, bỏ lại xe máy.
Hiện 2 xe máy đã bị cơ quan chức năng giữ và tiến hành điều tra, xử lý.
Theo báo cáo ban đầu của Bệnh viện Đa khoa Long An, vụ việc không có nhân viên y tế bị thương tích. Tuy nhiên, 2 máy giúp thở bị rớt khớp nối màn hình và thân máy. (Sài Gòn giải phóng, trang 4).
Giá thuốc tăng vọt vì khan hiếm
Không chỉ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, một số bệnh viện và phòng khám nha khoa cho biết thuốc gây tê đang cháy hàng do nguồn cung đứt gãy. Do khan hiếm thuốc nên giá đã được đẩy lên rất cao.
Giá tăng tới 1,5 lần
Hiện lượng thuốc tê dự trữ tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương còn khoảng 2.000 ống, chỉ đủ dùng trong 2 tuần tới. Trong khi mỗi ngày bệnh viện điều trị cho khoảng 1.000 bệnh nhân. Với 2/3 dịch vụ ngoại trú phải sử dụng thuốc tê, bệnh viện đang phải chật vật xoay xở.
PGS.TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cho biết, hiện có 3 loại thuốc gây tê được sử dụng trong nha khoa cung ứng vào bệnh viện. Loại thuốc có nguy cơ khan hiếm là thuốc tê chuyên dụng dành cho nha khoa, trong đó chứa Lidocain 2%.
Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi, bệnh viện đã liên hệ với các nhà cung ứng khác cung cấp thuốc tê nồng độ adrenaline 4%. Loại thuốc này tốt và đắt hơn thuốc tê đang dùng.
“Thuốc tê không chỉ có một loại, nếu không có loại này thì có loại khác thay thế để bảo vệ quyền lợi cho người bệnh, không để bệnh nhân bị gián đoạn điều trị”, PGS.TS Trần Cao Bính nói.
Một bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt làm tại phòng khám tư ở Hà Nội cho biết, trước đây loại thuốc gây tê của Hàn Quốc chỉ có giá khoảng 400.000 đồng/hộp 100 ống nhưng nay giá bị đẩy lên tới 1,5 triệu đồng mà vẫn khó khăn về nguồn hàng.
“Trong khi đó với loại thuốc gây tê của Pháp, trước đây có giá gần 700.000 đồng/hộp 50 ống thì thời gian qua khó khăn lắm tôi mới mua được một hộp thuốc với giá 2,6 triệu đồng. Và chỉ ít ngày sau đó khi hỏi mua thêm giá đã tăng hơn 3 triệu đồng/hộp nhưng cũng không có nhiều hàng để mua”, vị bác sĩ này cho hay.
Hiện 2 thuốc gây tê có xuất xứ từ Pháp gồm Lino-cain và Adelanin (bao bì màu đỏ) rất khan hiếm. Tình trạng khan hiếm này diễn ra hơn 1 tháng qua. Do không mua được loại thuốc của Pháp nên một số bệnh viện và phòng khám phải chuyển sang mua và sử dụng loại của Hàn Quốc.
“Thuốc của Pháp hiệu quả điều trị tốt hơn và phản ứng phụ thấp hơn, tuy nhiên do thị trường khan hiếm nên một số loại thuốc tê dùng trong nha khoa đã bị đẩy giá tăng tới 1,5 lần”, một bác sĩ cho biết.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dù đã rất rốt ráo tìm nguồn thuốc, vật tư nhưng hiện vẫn thiếu. Có hai lí do dẫn đến tình trạng này là đấu thầu nhưng không có doanh nghiệp nào trúng, trúng nhưng không cung cấp hàng và doanh nghiệp cung cấp bị đứt chuỗi cung ứng.
Hiện nhiều vật tư tiêu hao, sinh phẩm có trong gói thầu và dù trúng thầu nhưng các nhà cung cấp, các đơn vị phân phối không cung ứng được.
Bên cạnh đó, giá của các mặt hàng này hiện tại so với giá đã trúng thầu tăng lên rất nhiều nên nhiều công ty không thể chào thầu với giá cũ vì sẽ bị lỗ.
Ðâu là lời giải cho bài toán thiếu thuốc?
Theo một số bệnh viện, nguyên nhân của việc chậm cung ứng thuốc là do giấy phép nhập khẩu thuốc tê đã hết hạn từ tháng 3/2022, chờ thủ tục hoàn thiện từ Cục Quản lí dược (Bộ Y tế).
Về vấn đề này, đại diện Bộ Y tế cho biết đã nhận được công văn của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương phản ánh về tình hình cung ứng thuốc gây tê của bệnh viện.
“Đối với mặt hàng thuốc gây tê hiện có 5 số đăng kí khác nhau, do đó các cơ sở y tế có thể dùng xen kẽ hoặc thay thế bằng các loại thuốc khác tương tự. Tuy nhiên, kể cả loại thuốc mà các bệnh viện phàn nàn là thiếu hiện vẫn còn hơn 4.000 lọ, có thể đủ dùng trong một vài tuần. Cục Quản lí Dược đang rà soát, xem xét hồ sơ của đơn vị nhập khẩu. Dự kiến, một vài ngày tới giấy phép nhập khẩu của các đơn vị sẽ tiếp tục được gia hạn”, đại diện Bộ Y tế thông tin.
Từ thực tế Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS. Đào Xuân Cơ cho hay, bệnh viện hoàn toàn tự tin trong việc mua sắm nếu như các văn bản pháp quy được sửa theo hướng dễ hiểu, dễ làm.
“Nếu có các văn bản pháp quy rõ ràng và tạo điều kiện cho việc mua sắm minh bạch, công khai thì chắc chắn những nhà quản lí sẽ không gặp khó khăn gì khi mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế và thuốc cho người bệnh”, TS Cơ khẳng định.
Về mặt thể chế, trong buổi tọa đàm mới đây, TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, Bộ cần khẩn trương sửa đổi và sớm ban hành các thông tư hướng dẫn đấu thầu, thông tư về đăng kí thuốc, giá thuốc, thông tư hướng dẫn mua sắm trang thiết bị y tế, trong đó có vật tư y tế ở các mức độ khác nhau. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư có vướng mắc, ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu.
TS Nguyễn Huy Quang thừa nhận “tình trạng cơ chế pháp lí của chúng ta đang còn những tồn tại” là nguyên nhân chủ yếu.
Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác, như năng lực tham gia thực hiện đấu thầu còn hạn chế; giá mời thầu thấp so với giá thực tế nên không thu hút được doanh nghiệp tham gia; việc gia hạn, cấp số đăng kí chậm; vấn đề tham gia đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán thuốc quốc gia… cũng có những hạn chế nên ảnh hưởng tới nguồn cung.
Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia Nguyễn Thị Ngọc Bảo cho rằng, nhiều văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta không theo kịp thực tế nên đây là nguyên nhân ảnh hưởng đến thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Hơn 10.000 giấy đăng kí lưu hành thuốc sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2022. Năm 2023 có 3.741 giấy hết hạn, nguy cơ thiếu thuốc dai dẳng nếu không nhanh chóng sửa Luật Dược. Theo các chuyên gia y tế, thủ tục hành chính đang gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm chậm việc tiếp cận thuốc của người dân, có nơi phát sinh thiếu thuốc khám chữa bệnh.
Chung tình trạng thiếu thuốc là Bệnh viện E, Bệnh viện Tim Hà Nội. Những bệnh viện này đã giảm còn 50% ca phẫu thuật khi thiếu Protamin sulfat, một loại thuốc đông máu không thể thiếu trong phẫu thuật tim. Các chuyên gia lo ngại nếu mổ đúng công suất, thuốc không về kịp thì khi gặp các ca cấp cứu sẽ khó giải quyết. (Tiền phong, trang 4).
Hình ảnh 'lạ' khi lãnh thuốc bảo hiểm y tế: Nơi rồng rắn, nơi vắng hoe
Gần 11h trưa, khu phát thuốc bảo hiểm y tế Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM), nhân viên y tế phát liền tay không kịp. Còn trạm y tế phường Tân Thới Hiệp (quận 12), phường 17 (quận Gò Vấp) suốt buổi sáng có... 1-2 người đến nhận thuốc...
Là hai địa điểm có chức năng phát thuốc bảo hiểm y tế cho người dân nhưng tại các bệnh viện lúc nào cũng quá tải, cảnh người dân chen chúc, chờ đợi lâu, mướt mồ hôi lãnh thuốc. Ngược lại tại các trạm y tế hiện nay vắng tanh người.
Đẩy mạnh quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính tại y tế cơ sở là một trong những nhiệm vụ được nêu rõ trong nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Thế nhưng thực tế tồn tại lâu nay là người mắc bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính chỉ muốn lên tuyến trên dù phải chịu cảnh xếp hàng chờ trong thời gian dài.
Giải pháp nào để vừa giảm tải cho bệnh viện, đồng thời tăng chất lượng cho trạm y tế?
Nơi đông đúc, nơi vắng tanh
Ghi nhận lúc gần 11h ngày 20-9 tại khu vực phát thuốc bảo hiểm y tế Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM) rất đông bệnh nhân (chủ yếu là người lớn tuổi) đứng xếp hàng và ngồi chờ đợi lấy thuốc bảo hiểm y tế về uống. Tại khu vực cấp phát thuốc, các nhân viên y tế làm việc không xuể.
Cho đến hơn 12h cùng ngày, lượng bệnh nhân ngồi chờ nhận thuốc vẫn còn đông.
Cầm trên tay phiếu số thứ tự cách 5 lượt so với bảng thông báo là lúc hơn 11h, bà Đ. (70 tuổi, ngụ xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM) vẫn kiên trì ngồi chờ đến lượt lấy thuốc bảo hiểm y tế về uống.
Bà cho biết bản thân mắc rất nhiều bệnh: loãng xương, tăng huyết áp, suy giãn tĩnh mạch, thoái hóa hai khớp gối, thiếu vitamin B. Nhà cách xa bệnh viện, mỗi khi đến ngày nhận thuốc, bà Đ. phải đi từ lúc 6h30 bằng hai chuyến xe buýt để kịp có mặt tại bệnh viện lúc 8h30. Sau thăm khám thường đến trưa bà mới nhận được thuốc bảo hiểm y tế về uống.
"Tôi già rồi, nhiều bệnh, không con cái nên không muốn đi đường xa, chờ đợi vất vả như vầy. Nhưng trạm y tế, bệnh viện huyện thì cấp thuốc không hay, uống không khỏi, lại không đủ thuốc. Ở đây (Bệnh viện Nguyễn Trãi - PV) thì đầy đủ lắm, nhưng chịu khó đợi lâu", bà Đ. nói.
Hòa trong đám đông ngồi chờ đợi nhận thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện quận 12 vào trưa 18-9, ông Đ.N.C. (68 tuổi, ngụ phường Tân Thới Hiệp, quận 12) mướt mồ hôi khi đã 20 phút trôi qua nhưng vẫn chưa tới lượt mình. Ông C. bị cao huyết áp, đái tháo đường đã nhiều năm qua. Định kỳ cách 28 ngày mỗi tháng, ông sẽ đến bệnh viện lấy thuốc về uống.
Ông C. cho biết thêm dù nhà khá gần trạm y tế phường nhưng do ở đây không cấp đủ các loại thuốc để điều trị bệnh của ông nên gần một năm nay ông chỉ đến bệnh viện.
Đối lập với khung cảnh người bệnh mắc các bệnh không lây nhiễm xếp hàng chờ đợi lấy thuốc bảo hiểm y tế tại các quầy thuốc bảo hiểm y tế ở bệnh viện, ghi nhận tại các trạm y tế phường Tân Thới Hiệp, Tân Chánh Hiệp (quận 12), phường 17 (quận Gò Vấp) trong suốt buổi sáng 22-9 không có hoặc chỉ có 1-2 bệnh nhân mắc bệnh mãn tính đến trạm nhận thuốc bảo hiểm y tế.
Trạm y tế có đủ thuốc, bệnh nhân sẽ đến
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết hiện còn rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm mỗi tháng phải đi đến bệnh viện tuyến trên xếp hàng, chờ đợi để lấy thuốc, trong đó có nhiều bệnh nhân mắc bệnh ổn định.
"Khi các bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính không lây, ổn định, được theo dõi và nhận thuốc điều trị bảo hiểm y tế tại trạm y tế đầy đủ thì sẽ thuận lợi hơn thay vì phải đi đến các bệnh viện lớn của TP hằng tháng, bên cạnh đó góp phần giảm tải tuyến trên", bác sĩ Châu đánh giá.
Bác sĩ Nguyễn Văn Mót (trạm y tế phường Đông Hưng Thuận, quận 12) cho hay nguồn thuốc bảo hiểm y tế tại trạm do bệnh viện quận đứng ra đấu thầu nhưng còn thiếu nhiều loại.
Nhiều bệnh nhân cao tuổi, mắc bệnh nền ổn định đến trạm khám và lấy thuốc bảo hiểm y tế nhưng trạm không có đủ thuốc nên họ phải lên bệnh viện tuyến huyện.
"Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài. Khi nào trạm có đủ thuốc thì mới kéo được bệnh nhân về đây", bác sĩ Mót chia sẻ và cho biết phường Đông Hưng Thuận có khoảng 50.000 dân, trong đó có khoảng 7.000 - 8.000 người cao tuổi nhưng số bệnh nhân mắc bệnh mãn tính đến trạm lấy thuốc bảo hiểm y tế chỉ "đếm trên đầu ngón tay".
Là bệnh viện hạng 1, mỗi ngày Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM) tiếp nhận khoảng 1.500 lượt bệnh nhân đến khám và nhận thuốc bảo hiểm y tế. Bác sĩ Quách Thanh Hưng - giám đốc bệnh viện - cho biết năng lực khám bệnh nhân có bảo hiểm y tế tại bệnh viện là 2.000 - 2.500 người.
"Số lượt bệnh nhân khám bảo hiểm y tế tại bệnh viện vẫn chưa đủ năng lực của bệnh viện. Bệnh nhân đăng ký bảo hiểm y tế tại bệnh viện thì đến đây tái khám, theo dõi và nhận thuốc", bác sĩ Hưng nói.
Cần mở rộng danh mục thuốc cho trạm y tế
Để khắc phục điều này, bác sĩ Vĩnh Châu cho biết ngành y tế đang định hướng lại mô hình quản lý, điều trị những bệnh nhân này bằng cách chuyển họ về y tế cơ sở quản lý. Thế nhưng thực tế hiện nay là tại trạm y tế không có đủ các loại thuốc thông thường và cần thiết, nhất là thuốc điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản…
Tại thông tư số 30 của Bộ Y tế quy định danh mục thuốc được quỹ bảo hiểm y tế chi trả tại trạm y tế hiện nay có 324 loại, trong đó danh mục thuốc cho các bệnh mãn tính không lây có khoảng 50 loại. Nếu so với danh mục thuốc tại bệnh viện tuyến huyện thì trạm y tế đang thiếu nhiều loại thuốc, trong đó có 41 loại thuốc được hội đồng chuyên môn Sở Y tế đánh giá là rất cần thiết.
Do trạm y tế thiếu thuốc nên khi đã điều trị ổn định tại bệnh viện tuyến quận, huyện, người dân có nhu cầu muốn về tiếp tục theo dõi và điều trị tại các trạm y tế thì không có đủ thuốc đáp ứng theo chỉ định điều trị của bệnh viện.
Điều này buộc người bệnh phải tiếp tục đến khám và điều trị ngoại trú tại các bệnh viện.
Sở Y tế TP.HCM có khảo sát nhanh trong tháng 8 vừa qua, những người dân đến tái khám tại các bệnh viện để nhận thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm cho thấy có đến 80% sẵn sàng đến trạm y tế phường, xã thay vì đến bệnh viện nếu các trạm y tế cung ứng đầy đủ thuốc như bệnh viện.
Trước tình hình này, Sở Y tế TP.HCM vừa có tờ trình kiến nghị UBND TP có văn bản đề nghị Bộ Y tế cho phép mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương với 308 thuốc (không bao gồm 129 thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương theo quy định tại thông tư 15 của Bộ Y tế).
"Địa phương không cần xin phép Bộ Y tế"
Đây là câu trả lời của ông Lê Thành Công - phó vụ trưởng Vụ kế hoạch - tài chính (Bộ Y tế) - khi Sở Y tế TP.HCM vừa có tờ trình kiến nghị UBND TP có văn bản đề nghị Bộ Y tế mở rộng danh mục thuốc đấu thầu cấp địa phương.
Ông Công cho biết trong thông tư 15 Bộ Y tế nêu rõ, ngoài 129 thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương theo quy định thì các địa phương đủ thẩm quyền bổ sung các loại thuốc khác mà không cần phải xin ý kiến Bộ Y tế. (Tuổi trẻ, trang 14).
Phòng lây nhiễm chéo khi bệnh truyền nhiễm gia tăng
Thời điểm giao mùa như hiện nay, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm: Adenovirus, sốt xuất huyết, cúm, hô hấp… gia tăng mạnh, trong đó đã có không ít trường hợp tử vong. Trước thực tế đó, ngành Y tế đang tăng cường các biện pháp giảm quá tải, phòng tránh lây nhiễm chéo tại các bệnh viện.
Hạn chế tình trạng nằm ghép
Trong các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn Hà Nội, Bệnh viện Nhi trung ương có số bệnh nhân viêm đường hô hấp đến khám được phát hiện mắc Adenovirus nhiều nhất. Từ cuối tháng 8-2022 đến nay, bệnh viện đã ghi nhận hơn 1.400 ca bệnh. Trong số ca nhiễm, có 80% là bệnh nhi tại các quận, huyện của Hà Nội. Riêng trong 2 tuần từ 12-9 đến 21-9, tỷ lệ các ca được phát hiện mắc Adenovirus chiếm 10% tổng các ca đến khám. Riêng ngày 22-9, Bệnh viện đã phát hiện 150 ca, trong đó một nửa số bệnh nhân cần nhập viện. Hiện đã ghi nhận 7 ca tử vong là bệnh nhân mắc các bệnh lý nền đồng nhiễm Adenovirus.
Còn tại Bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Hà Nội cũng đã phát hiện gần 100 ca mắc Adenovirus. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, bệnh do vi rút Adeno gây ra xuất hiện quanh năm, nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa xuân - hè hoặc thu - đông. Vi rút Adeno lây truyền qua đường giọt bắn, đường hô hấp giữa người với người. Điều đáng nói, vi rút này có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi. Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao do có sức đề kháng kém.
Cũng theo lý giải của các bệnh viện, do tháng 9 là thời điểm nhập học và thời tiết giao mùa, nên số trẻ mắc các bệnh hô hấp chiếm 60%-70% số bệnh nhi đến khám.
Trước tình trạng quá tải bệnh viện, kéo theo nguy cơ lây nhiễm chéo, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, Adenovirus là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B. Nếu bệnh nhi đã mắc các bệnh lý nặng, phức tạp hoặc phải can thiệp phẫu thuật mà mắc thêm vi rút Adeno có nguy cơ tử vong cao. Do đó, các bệnh viện cần bố trí buồng riêng cho bệnh hô hấp, không nằm chung với nhóm bệnh khác, đồng thời thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, như: Đeo khẩu trang, khử khuẩn… không để lây lan dịch bệnh.
Ngoài Adenovirus, theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế Hà Nội, trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng nhanh, với gần 800 ca/tuần. Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã có 3.800 ca mắc, trong đó có 5 ca tử vong. Hiện các bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn…, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện điều trị nội trú cũng gia tăng đột biến.
Bác sĩ Phạm Thị Thảo, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho biết, riêng với bệnh sốt xuất huyết, năm nay tỷ lệ các ca bệnh nặng nhiều hơn. Không ít trường hợp mắc bệnh, số lượng tiểu cầu giảm nhanh, dẫn đến tỷ lệ bệnh nhân nhập viện tăng lên (chiếm khoảng 10% bệnh nhân đến khám). Bệnh viện đã bố trí thêm nhân lực và các bàn khám tăng cường vào khung giờ cao điểm.
Trường hợp nặng mới cần nhập viện
Trước thực trạng trên, Bộ Y tế sẽ sớm ban hành hướng dẫn điều trị bệnh Adenovirus, trong đó có xây dựng tiêu chuẩn nhập viện đối với các ca mắc làm căn cứ cho bác sĩ khi khám, chẩn đoán.
Trước mắt, Bệnh viện Nhi trung ương đã bố trí 300 giường bệnh để thu dung điều trị bệnh nhi nhiễm Adenovirus. Các bệnh nhi nằm viện được chăm sóc và điều trị tại khu vực riêng, không phải nằm ghép, bảo đảm mỗi trẻ một giường bệnh. Ngoài ra, bệnh viện cũng đã ra tiêu chí để phân loại. Theo đó, những trường hợp nhẹ như đã hết sốt, không suy hô hấp... sẽ được chuyển xuống tuyến dưới. Bệnh viện chỉ tiếp nhận các ca bệnh nặng, như: Khó thở, suy hô hấp, giảm ô xy máu, dấu hiệu toàn thân nặng, có bệnh nền nặng, suy giảm miễn dịch...
Trước tình trạng các bệnh viện quá tải khiến phụ huynh lo lắng nguy cơ lây nhiễm chéo, nhất là trước sự xuất hiện của Adenovirus, bác sĩ Vũ Thị Mai, Khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn) khuyến cáo: “Nếu bác sĩ chỉ định trẻ có thể điều trị tại nhà thì cha mẹ yên tâm theo dõi để chăm sóc trẻ đầy đủ nhất. Khi trẻ có vấn đề, cha mẹ trực tiếp liên lạc với đường dây nóng của bệnh viện để được hỗ trợ kịp thời...”.
Bác sĩ Phạm Thị Thảo cho rằng, trong quá trình khám, bác sĩ sẽ tiến hành phân loại, bệnh nhân nhẹ sẽ được hướng dẫn về nhà điều trị. Để phòng bệnh, mỗi người cần bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, rửa tay khử khuẩn thường xuyên, vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối, nên đeo khẩu trang tại nơi công cộng, ăn uống đủ chất, tập thể dục để nâng cao thể trạng. Riêng với những bệnh có vắc xin, như cúm, Covid-19… cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời; không tự mua thuốc điều trị tại nhà. (Hà Nội mới, trang 5).