Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 28/10/2022

  • |
T5g.org.vn - Bùng phát dịch sốt xuất huyết: Dấu hiệu cần nhập viện; 'Nhiều cơ sở y tế trở thành con nợ'; Nguy cơ bệnh viện 'trắng' điều dưỡng; TP.Hồ Chí Minh: Bệnh viện khó đủ đường khi phát triển y tế thông minh; Đã có hơn 270 nghìn người mắc sốt xuất huyết; Tăng ca tử vong sốt xuất huyết vì còn bác sĩ 'quên bài' điều trị

 

Bùng phát dịch sốt xuất huyết: Dấu hiệu cần nhập viện

Theo thống kê, từ đầu năm, cả nước ghi nhận 270.278 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 108 ca tử vong. So với cùng kì năm 2021, số mắc tăng gần 5 lần, số tử vong tăng 87 trường hợp.

Số ca mắc SXH ở Hà Nội tăng rất nhanh trong tháng qua, đã có 12 ca tử vong. Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cảnh báo đỉnh dịch sẽ đạt vào trung tuần tháng 11. PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, theo chu kì 5 năm, miền Bắc sẽ xảy ra một vụ dịch SXH lớn và dự báo năm nay sẽ có dịch lớn xảy ra. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới trong tháng 8, số bệnh nhân SXH có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện chỉ 70 người, nhưng con số này tăng lên 160 vào tháng 9 và từ đầu tháng 10 đến nay là 250 ca.

Thông tin tại hội nghị y tế dự phòng 9 tháng đầu năm do Sở Y tế Hà Nội vừa tổ chức cho thấy, đến ngày 23/10, thành phố ghi nhận 8.481 ca mắc SXH tăng hơn 3 lần so với cùng kì năm 2021. Tất cả các quận, huyện, thị xã và 92% xã, phường, thị trấn ở Hà Nội đều ghi nhận ca bệnh. Đặc biệt, bệnh nhân tập trung tại một số quận, huyện vùng ven như: Đan Phượng (hơn 950 ca mắc), Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết, Hà Nội ghi nhận 12 ca tử vong liên quan đến SXH tại các quận, huyện Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Đông, Phú Xuyên, Đan Phượng, Ba Đình và Long Biên.

Tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hiện còn một số bệnh nhân SXH nặng đang điều trị, tuy nhiên không có ca thở máy. Bệnh nhân vào viện khi đã có các dấu hiệu cảnh báo như thoát dịch, cô đặc máu, tụt huyết áp, xuất huyết nặng, tăng men gan cao... Trước đó, đơn vị này từng ghi nhận một số ca SXH tử vong có địa chỉ ở Hà Nội. Sở Y tế Hà Nội nhận định, năm 2022, tình hình dịch bệnh SXH có xu hướng tăng nhanh và tăng vượt mức trung bình giai đoạn 2019 - 2021. Hiện còn 156 ổ dịch. Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình từ 150-450 g/l. Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50 g/l, mức nghiêm trọng là 10-20 g/l. Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội) ghi nhận một số ca có tiểu cầu dưới mức 5g/l, thậm chí có bệnh nhân có tiểu cầu mức 0 (không đo được).

PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo người dân khi có biểu hiện sốt nên làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản để phát hiện SXH sớm.

Các dấu hiệu cảnh báo của bệnh SXH, gồm: vật vã, lừ đừ; đau bụng nhiều; nôn ói nhiều; gan to và đau; chảy máu chân răng, mũi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, tiểu ra máu, xuất huyết âm đạo bất thường, nước tiểu ít; xét nghiệm máu thấy thể tích hồng cầu tăng nhưng tiểu cầu giảm nhanh… Nếu có một trong các dấu hiệu này, người bệnh cần nhập viện để theo dõi điều trị (Tiền phong, trang 6).

 

'Nhiều cơ sở y tế trở thành con nợ'

Hôm qua, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng GD&ĐT giải trình, làm rõ về tình trạng cán bộ y tế, giáo viên xin nghỉ việc thời gian qua, và giải pháp khắc phục tình trạng này.

Theo Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, ngành y tế đang gặp khó khăn hơn bao giờ hết. Về BHYT, nhiều năm gần đây, các bệnh viện, cơ sở y tế bị nợ đọng do việc thanh toán theo tổng mức chưa đáp ứng yêu cầu. Vì thế, hiện nay nhiều cơ sở y tế trở thành “con nợ”. Do các chi phí khám chữa bệnh bỏ ra chưa được thanh toán nên việc triển khai khám chữa bệnh khó khăn, dẫn đến việc mua sắm đấu thầu cũng khó khăn vì nợ các nhà thầu chưa thanh toán được.

Về vấn đề thiếu thuốc và vật tư y tế, theo bà Lan, có 2 yếu tố quan trọng là việc đăng ký lưu hành các sản phẩm thuốc, trang thiết bị y tế và việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế. Bộ Y tế đã công bố danh mục trên 10.000 thuốc hết hiệu lực đăng ký lưu hành trong năm 2022 tiếp tục được cấp giấy lưu hành đến 31/12/2022, nên cơ bản đảm bảo được nguồn cung ứng thuốc trên thị trường của năm 2022, đáp ứng kịp thời thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân và phòng chống dịch.

Về tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực y tế, bà Lan cho biết, quy mô và phạm vi dịch chuyển diễn ra ở nhiều cấp, nhiều tuyến từ cấp y tế cơ sở, trạm y tế đến các bệnh viện địa phương, trung ương. Bộ Y tế đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 56 về hỗ trợ phụ cấp đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Về thiếu giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, từ nay đến năm 2026 cần phải bù đắp, bổ sung 107.000 người. Vừa qua, ngành đã duyệt và giao 65.000 chỉ tiêu đến năm 2026, riêng năm nay được duyệt trên 27.000 chỉ tiêu. Ông Sơn mong ngành Nội vụ cùng phối hợp, dồn chỉ tiêu này cho năm 2023 - 2024, vì đây là những năm nhu cầu giáo viên cho các môn học mới rất lớn. Theo ông Sơn, thiếu nhiều nhất, bỏ việc nhiều nhất là giáo viên mầm non, chiếm 40%. Ông đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non, mức tốt nhất là tăng bằng mức phụ cấp ưu đãi so với y tế cấp cơ sở (Tiền phong, trang 6; Sài Gòn giải phóng, trang 2; An ninh thủ đô, trang 2).

 

Nguy cơ bệnh viện 'trắng' điều dưỡng

Tình trạng điều dưỡng nghỉ việc đang ngày càng gia tăng khiến tỉ lệ điều dưỡng/bác sĩ tại các bệnh viện ở TPHCM giảm dần, thậm chí điều dưỡng ít hơn bác sĩ. Trong khi, quy định của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ đến đầu năm 2025 các điều dưỡng phải có trình độ cao đẳng đã đẩy cả bệnh viện và các trường vào thế khó.

Ngày càng thiếu điều dưỡng

Ngày 27/10, trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, ông Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115 TPHCM cho biết, lực lượng điều dưỡng giỏi kinh nghiệm nghỉ việc ngày càng nhiều, trong đó một số chuyển sang bệnh viện tư nhân và nhiều người đã về quê, chuyển sang công việc khác. “Bệnh viện chúng tôi đang tuyển thêm điều dưỡng nhưng rất khó khăn vì lực lượng nhân sự này trên thị trường đang bị thiếu hụt”, ông Báu nói.

Trong khi đó, ông Báu cho hay, Thông tư Liên tịch (số 26/2015) của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ quy định đến ngày 1/1/2025, số viên chức đã được tuyển dụng trong ngành y tế có trình độ trung cấp phải chuẩn hóa để đạt trình độ cao đẳng trở lên. Việc đòi hỏi này là một bất cập. Để chuẩn hóa trình độ điều dưỡng theo quy định phải từ cao đẳng trở lên, bệnh viện đang phối hợp với Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức đào tạo nâng trình độ cho điều dưỡng hệ trung cấp. Tuy nhiên, anh chị em phải vừa học vừa làm nên rất vất vả, áp lực.

Theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện nay điều dưỡng đã nghỉ việc nhiều, một bộ phận nhân sự đang làm việc có trình độ trung cấp. “Bệnh viện hiện đã rơi vào tình thế thiếu người nếu bắt nhân lực có trình độ trung cấp đi học để nâng lên cao đẳng hoặc đại học thì sẽ không còn người làm việc. Nếu bị ép đi học, điều dưỡng trung cấp có thể sẽ tiếp tục nghỉ việc tạo thành vòng luẩn quẩn không có lối ra”, ông Thượng nói.

Sở Y tế TPHCM đã kiến nghị UBND TPHCM đề xuất với Bộ Y tế, Bộ Nội vụ gia hạn cho các bệnh viện, thay vì đến hết năm 2025 không còn điều dưỡng trung cấp thì sẽ kéo dài đến năm 2030. Bên cạnh đó, Sở Y tế TPHCM đã kiến nghị bổ sung thêm loại hình trợ lý điều dưỡng do chính bệnh viện đào tạo trong thời gian từ 3 đến 6 tháng. Đây sẽ là lực lượng chính chăm sóc, vệ sinh cho người bệnh dưới sự hướng dẫn, giám sát của điều dưỡng. Mặt khác, Sở Y tế TPHCM cũng kiến nghị Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH cho phép các trường thuộc khối ngành sức khỏe tiếp tục đào tạo khối ngành điều dưỡng hệ trung cấp để có nguồn tuyển dụng.

Tiến thoái lưỡng nan

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, trung bình mỗi năm các trường thuộc khối ngành sức khỏe trên địa bàn TPHCM tuyển hơn 2.000 sinh viên theo học hệ điều dưỡng từ trung cấp đến đại học. Tuy nhiên, trong năm học 2022-2023, sinh viên đăng ký theo học đã giảm mạnh, các trường chỉ tuyển được khoảng 600 người theo học ngành điều dưỡng chủ yếu là hệ cao đẳng, đại học.

Cho rằng việc “đóng khung” trình độ của điều dưỡng là bất cập, ông Hoàng Quốc Long, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, TPHCM nói: “Cơ cấu việc làm có nhiều vị trí từ cấp thấp đến cấp cao, mỗi công việc đáp ứng một tiêu chí, tiêu chuẩn phù hợp. Với vị trí hộ lý, điều dưỡng chăm sóc người bệnh thì chỉ cần trình độ trung cấp là được, do đó việc đòi hỏi phải có trình độ cao đẳng trở lên là bất hợp lý và đang gây khó khăn không chỉ cho các trường trung cấp mà cả bệnh viện lẫn người học”.

Những năm gần đây, ở các trường trung cấp, số lượng sinh viên ngành điều dưỡng sụt giảm nghiêm trọng. Tại Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, trước đây mỗi năm tuyển hơn 100 sinh viên, nay chỉ tuyển được 20 đến 30 sinh viên. Lý do, theo ông Long, sinh viên lo sợ học trung cấp xong ra trường không có việc làm hoặc phải liên thông tiếp lên bậc cao đẳng, trong khi nhu cầu của nhiều người chỉ muốn học trung cấp để đi làm ngay thì không đáp ứng được. Ông Long đề nghị Bộ Y tế nên có chính sách để các cơ sở y tế tuyển dụng trở lại bậc trung cấp. Nếu không xử lý nhanh, những năm tới, TPHCM sẽ thiếu nhân lực y tế trầm trọng.

Đồng quan điểm trên, ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường trung cấp Bách khoa TPHCM cho biết, quy định về trình độ điều dưỡng đang gây khó khăn cho các trường trung cấp lẫn bệnh viện. Tại Trường Trung cấp Bách khoa TPHCM, trước đây mỗi năm tuyển vài trăm sinh viên các ngành điều dưỡng, hộ lý nhưng từ khi quy định điều dưỡng phải có trình độ cao đẳng trở lên thì trường chỉ tuyển được vài chục sinh viên.

Theo ông Sáng, nhu cầu điều dưỡng không chỉ ở các bệnh viện công lập mà hệ thống y tế tư nhân cũng rất lớn. Ngoài nhiệm vụ cụ thể của từng vị trí làm việc không đòi hỏi phải cần đến trình độ cao thì hệ thống các bệnh viện cũng có nhiều cấp như bệnh viện tuyến trung ương, tuyến địa phương. Mỗi địa phương lại có yêu cầu khác nhau tùy thuộc vào tình hình kinh tế, xã hội. Đối với bệnh viện tuyến trung ương đòi hỏi tuyển nhân sự trình độ cao là phù hợp nhưng với các địa phương, việc đòi hỏi nhân lực y tế trình độ cao là rất khó cả về thu nhập lẫn môi trường làm việc. “Bộ Y tế cần sớm bỏ Thông tư 2627 và Thông tư 03 về quy định bệnh viện công lập chỉ tuyển hộ lý, điều dưỡng bậc cao đẳng trở lên, đồng thời nên giao quyền tự chủ tuyển dụng lao động cho các bệnh viện”, ông Sáng kiến nghị (Tiền phong, trang 10).

 

TP.Hồ Chí Minh: Bệnh viện khó đủ đường khi phát triển y tế thông minh

Đề án phát triển y tế thông minh của TPHCM thực hiện đến năm 2030 có nhiều nguồn kinh phí, trong đó nguồn nhà nước là 1.000 tỉ đồng. Giai đoạn năm 2020-2023, kế hoạch tổng kinh phí chi dự kiến gần 100 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều bệnh viện vẫn gặp khó trong quá trình phát triển hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) bệnh viện. 

Phát triển cầm chừng vì khó tuyển được nhân lực 

Trong buổi giám sát thực hiện đề án y tế thông minh của Ban Văn hóa Xã hội HĐND TPHCM ngày 25.10, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, đã số hóa hầu hết chứng từ như giấy tờ chuyên môn, quản lý giám sát, quy trình khám bệnh tiện lợi cho bệnh nhân. Hiện có 4 khoa đã áp dụng thí điểm bệnh án điện tử, dự kiến 2 năm tới sẽ triển khai toàn bệnh viện. 

Tuy nhiên, cũng giống như các cơ sở y tế khác, Bệnh viện Nhi đồng 1 gặp khó khăn trong việc giữ chân nhân sự công nghệ thông tin và kinh phí triển khai. Phòng Công nghệ thông tin hiện có 12 người, quản lý 700 máy tính. Đây là một thách thức khi thực hiện đề án.

Lý giải về việc phát triển CNTT từ năm 1994 đến nay, nhân lực CNTT vẫn mỏng, ông Đặng Thanh Hùng - Trưởng phòng Công nghệ thông tin - cho biết: “Hiện nay mặt bằng chung sinh viên ra trường được đào tạo chuyên sâu mức lương cũng phải 500USD trở lên (khoảng 12 triệu đồng). Thế nhưng, các bệnh viện công hiện nay đều phải lĩnh lương theo hệ số, nên việc trả mức lương cao như vậy không hợp lý.

Điều này dẫn đến tình trạng các bệnh viện muốn có một đội ngũ xây dựng chuyên môn cao rất khó khăn. Vì lẽ đó, bệnh viện xây dựng nhân sự công nghệ theo hướng cốt lõi để theo sát về chuyên môn, còn lại phối hợp với các doanh nghiệp bên ngoài có ưu thế về cập nhật công nghệ mới”. 

Còn tại Bệnh viện Hùng Vương TPHCM, PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - cho biết, bệnh viện đã đạt 6/7 tiêu chí ứng dụng CNTT theo Thông tư 54/2017 của Bộ Y tế. Dự án phát triển hệ thống an ninh mạng và wifi cho bệnh viện vẫn chưa hoàn thành. Đây là trăn trở suốt 3 năm qua nhưng chưa giải quyết được.

“Nguyên nhân là khi thành lập dự án gửi qua các cơ quan liên quan, đến khi nhận được quyết định cho phép thì máy móc lỗi thời. CNTT là ngành phát triển nhanh, nếu đi chậm thì kỹ thuật sẽ trở nên lạc hậu, tiếp tục làm thì lại lãng phí. Không có hạ tầng CNTT thì không thể làm gì được. Đây là điều quan trọng nhưng chúng tôi đang bị bế tắc” - bác sĩ Tuyết nói.

Bên cạnh đó, bệnh viện cũng khó tìm được nhân viên CNTT năng lực cao do mức lương chi trả cho lực lượng này thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung.

“Đăng tuyển quanh năm suốt tháng mà vẫn không tuyển được. Dù có người nộp đơn nhưng lại không phù hợp với nhu cầu của bệnh viện. Hiện chưa có cơ chế rộng mở nên nhiều khi làm rất hồi hộp vì không biết trả lương như thế nào, trả như vậy có đúng quy định của nhà nước hay không…” - bác sĩ Tuyết nói.

Vì vậy, Bệnh viện Hùng Vương kiến nghị cần có cơ chế thanh toán, hướng dẫn chi tiết về lương của nhân viên CNTT để các bệnh viện mạnh dạn tuyển dụng.

Bệnh viện loay hoay vì không có nguồn kinh phí phát triển CNTT

Theo bác sĩ Trần Văn Khanh - Bệnh viện Lê Văn Thịnh TPHCM, khi ứng dụng y tế thông minh vào bệnh viện sẽ giúp tăng hiệu quả làm việc của nhân viên, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, tiết kiệm được kinh phí. Tuy nhiên, việc đầu tư cho các hệ thống y tế thông minh rất tốn kém, đến nay bệnh viện vẫn chưa biết sẽ lấy kinh phí từ nguồn nào để đầu tư và sẽ thu lại từ đâu?

TPHCM đã cho phép có thể xã hội hóa vay vốn kích cầu đầu tư cho hệ thống CNTT nhưng chưa có cơ sở pháp lý để thu tiền. Đến nay, bệnh án điện tử chỉ mới áp dụng thí điểm một số nơi trong bệnh viện.

Dự kiến năm 2023, tất cả các bệnh viện hạng một sẽ phải hoàn thành bệnh án điện tử nhưng hiện kinh phí để đầu tư cho công nghệ thông tin rất tốn kém. Nếu muốn hoàn thành phải tốn ít nhất là vài chục tỉ đồng, mà bệnh viện thì không có tiền.

Đồng tình với những khó khăn trên, Viện Y dược học dân tộc TPHCM cũng đang gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai đề án y tế thông minh, chưa đồng bộ phần mềm.

“Điển hình như căn cước công dân có tích hợp bảo hiểm y tế nhưng khi bệnh nhân đến quét lại rất lệch. Viện đang cố gắng xây dựng bệnh án điện tử nhưng phải chạy song song với bệnh án giấy”, đại diện Viện Y dược học dân tộc TPHCM cho hay. Khi triển khai y tế thông minh, điều lo lắng nhất là hệ thống bảo mật. Viện Y dược học dân tộc TPHCM đang thực hiện đăng ký gói máy chủ để lưu giữ thông tin bệnh nhân. 

PGS-TS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - cho rằng, trước đây những vấn đề này đã từng kiến nghị với Bộ Y tế tại hội nghị xây dựng chung CNTT cho các bệnh viện. Tuy nhiên, cái này rất khó, đề nghị Bộ Y tế và TPHCM cho những khung xây dựng chuẩn để xây dựng y tế thông minh.

“Ví dụ: Chuẩn bệnh án điện tử là có những yêu cầu gì; chuẩn về công nghệ có những gì và mỗi bệnh viện đều có nhiều hình thức khác nhau để triển khai. Thậm chí, bệnh viện có thể đấu thầu với các công ty CNTT bên ngoài miễn làm sao đảm bảo quy định Bộ Y tế, tránh tình trạng chúng ta cho ra một bệnh án chung sau đó tất cả các bệnh viện cùng áp dụng thì rất khó, vì mỗi một cơ sở đều có những mặt bệnh, chuyên ngành khác nhau” - bác sĩ Thanh Hùng dẫn chứng (Lao động, trang 4). 

 

Đã có hơn 270 nghìn người mắc sốt xuất huyết

Theo thống kê của Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 270.278 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 108 ca tử vong.

So với cùng kỳ năm 2021 số mắc tăng 4,8 lần, số tử vong tăng 87 trường hợp. Khu vực phía nam, miền trung và Tây Nguyên tiếp tục ghi nhận số mắc và tử vong ở mức cao; khu vực phía bắc cũng đã ghi nhận sự gia tăng số mắc và đã có trường hợp tử vong.

Dự báo trong thời gian tới số mắc và tử vong tiếp tục diễn biến phức tạp và số mắc ở mức cao do cao điểm mùa dịch hằng năm từ nay đến tháng 11. Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịch khi thời tiết ở các tỉnh phía bắc chuyển mùa, các bệnh dịch khác (Covid-19, Adenovirus, cúm, thủy đậu...) cũng có nguy cơ bùng phát.

Các bác sĩ khuyến cáo, người mắc sốt xuất huyết mức độ nhẹ có thể được theo dõi điều trị ngoại trú tại nhà, nhưng cần hết sức chú ý theo dõi, nhận biết các dấu hiệu cảnh báo của bệnh sốt xuất huyết, gồm: Vật vã, lừ đừ; đau bụng nhiều; nôn ói nhiều; chảy máu chân răng, mũi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, tiểu ra máu, nước tiểu ít; xét nghiệm máu thấy thể tích hồng cầu tăng nhưng tiểu cầu giảm nhanh… Khi có một trong các dấu hiệu này, cần nhập viện để theo dõi điều trị nội trú (Nhân dân, trang 7).

 

Tăng ca tử vong sốt xuất huyết vì còn bác sĩ 'quên bài' điều trị

Lý do này do bác sĩ Đỗ Châu Việt, trưởng khoa hồi sức nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, trao đổi tại Hội nghị khoa học kỹ thuật lần thứ 29 ở Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) chiều 27-10
Bác sĩ Đỗ Châu Việt đã báo cáo một số khó khăn và giải pháp trong chẩn đoán, xử trí sốt xuất huyết Dengue hiện nay, trong đó nổi bật là nhân viên y tế thiếu kiến thức hay còn "quên bài" về chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết.

Lý giải điều này, bác sĩ Việt cho rằng các nhân viên y tế đã tập trung chống dịch COVID-19 trong suốt hai năm qua, chưa được tập huấn và "tái" tập huấn phác đồ. 

Bên cạnh đó, sự luân chuyển, nghỉ việc, nghỉ hưu, xáo trộn nhân sự cũng là nguyên nhân làm các nhân viên y tế "quên bài".

Để giải quyết tình trạng này, theo bác sĩ Việt, cần tập huấn phác đồ điều trị sốt xuất huyết năm 2019 (phác đồ cập nhật) cho tất cả nhân viên y tế, cần phải nghĩ đến sốt xuất huyết ngay khi bệnh nhân có triệu chứng sốt. 

Về phía bệnh nhân và người nhà, nhân viên y tế phải dặn dò theo dõi dấu hiệu cảnh báo, tái khám ngay khi có dấu hiệu chuyển độ nặng hoặc không an tâm.

Cũng theo bác sĩ Việt, tính đến chiều 27-10, số người tử vong vì sốt xuất huyết ở khu vực phía Nam là 135 người, trong đó có 79 người lớn, còn lại là trẻ em. 

Hiện số tử vong do sốt xuất huyết tại TP.HCM chiếm 22% trong tổng số ca tử vong ở khu vực phía Nam. 

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính từ đầu năm đến ngày 24-10, TP.HCM có 68.972 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 29 ca tử vong (tăng 24 ca tử vong so với cùng kỳ năm 2021) (Tuổi trẻ, trang 14).


Khi mỹ phẩm cũng có thể gây ung thư

Hàng loạt dầu gội khô của một thương hiệu nổi tiếng thế giới bị thu hồi tại Mỹ vì nghi chứa chất gây ung thư. Trước đó, nhiều loại mỹ phẩm như kem chống nắng, kem dưỡng ẩm cũng bị thu hồi vì lý do này.
Theo bác sĩ Phạm Cao Kiêm - nguyên trưởng khoa thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu trung ương, mỹ phẩm bao gồm chất tẩy rửa cơ thể, chất dưỡng ẩm, chất khử mùi, bộ sản phẩm trang điểm, kem đánh răng được sử dụng hằng ngày, thường xuyên. 

Khi sử dụng mỹ phẩm, một số hóa chất có trong mỹ phẩm có thể thấm qua da với số lượng đáng kể, đặc biệt là khi mỹ phẩm để lại trên da trong một thời gian dài.

Mỹ phẩm gây ung thư như thế nào?

"Hiện tại Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của các loại mỹ phẩm có thể gây ra ung thư như thế nào. Tuy nhiên, một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy việc sử dụng một số loại hóa chất có thể làm tăng nguy cơ gây ung thư, phổ biến nhất là ung thư da. 

Bên cạnh đó, những sản phẩm dưỡng da kém chất lượng cũng có thể gây ra nhiều biến chứng khác như nhiễm trùng da, ảnh hưởng sắc tố da, gây mụn, các loại dầu gội đầu kém chất lượng có thể gây viêm da đầu, rụng tóc...

Hiện đã có quy định về danh mục chất không được sử dụng, nếu được sử dụng thì quy định hàm lượng cho phép. Tuy nhiên việc kiểm soát lại không hề dễ dàng", bác sĩ Kiêm nhận định.

Theo bác sĩ Kiêm, mặc dù có quy định về các chất cấm trong mỹ phẩm nhưng không phải sản phẩm nào cũng ghi đầy đủ thành phần. Vì vậy, rất khó để người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm. 

"Các chất hóa học không dễ đọc, dễ nhớ, vì vậy nhiều người tiêu dùng không thể biết được sản phẩm mỹ phẩm mình sử dụng có chứa chất cấm hay không.

Bởi vậy, để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm có uy tín trên thị trường. Tránh mua, sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, có thể sử dụng các sản phẩm làm đẹp tự nhiên, ít hóa chất để sử dụng an toàn", bác sĩ Kiêm khuyến cáo.

Nhiều người bị ảnh hưởng bởi mỹ phẩm

Bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, khoa da liễu - thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết nhiều người cho rằng dầu gội, sữa tắm, các sản phẩm chăm sóc da, trang điểm... sử dụng ngoài da, không ảnh hưởng đến sức khỏe. 

Nhưng thực tế nếu chất lượng những sản phẩm này không đảm bảo, nguy cơ thẩm thấu qua hệ tuần hoàn, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Ngoài ra ảnh hưởng trước mắt như gây kích ứng da đã ghi nhận nhiều.

Trong quá trình khám chữa bệnh tại khoa da liễu - thẩm mỹ da, bác sĩ Vân Thanh gặp nhiều nhất các trường hợp sử dụng các sản phẩm chăm sóc da và bị kích ứng ngay, hoặc bị dị ứng sau 2-3 tuần đến 3 tháng sử dụng.

Người bệnh đến bệnh viện trong tình trạng khô da, tróc vảy, nổi mề đay, da sần sùi và ngứa. Nhiều bệnh nhân không biết những mỹ phẩm sử dụng trước đó lại gây ra tình trạng này. Khi được giải thích, nhiều bệnh nhân thắc mắc: "Tôi chỉ sử dụng mỹ phẩm ở mặt mà dị ứng cả người?". 

Điều đáng nói là nhiều bệnh nhân chỉ nghe người nổi tiếng quảng cáo "đã sử dụng" nên mua, sử dụng theo.

Cũng có không ít người không biết mỹ phẩm từng dùng có thể gây những triệu chứng trên da, nên khi dị ứng lại tưởng bị mắc giun, sán và đi khám.

Trước thực tế này, bác sĩ Thanh khuyên khi thấy có bất kỳ triệu chứng gì trên da cần ngưng các loại mỹ phẩm đang sử dụng, sau 1-2 ngày không thấy đỡ thì cần đến chuyên khoa da liễu khám ngay. Trong trường hợp triệu chứng trên da rầm rộ thì cần đến bác sĩ khám để được tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời (Tuổi trẻ, trang 14).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang