Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 28/4/2020

  • |
T5g.org.vn - Nhiều nước đặt mua sinh phẩm xét nghiệm PCR của Việt Nam; TPHCM đảm bảo an toàn với dịch bệnh; Cứu sống bệnh nhân bị nhồi máu não đã qua giai đoạn vàng…

 

Bảo đảm an toàn cho học sinh khi đi học trở lại

Sau thời gian dài cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã cho học sinh quay trở lại trường học tập. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với các cơ sở giáo dục là vừa chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, vệ sinh môi trường; đồng thời bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, giáo viên, học sinh thực hiện dạy và học hiệu quả.

Thanh Hóa là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước cho học sinh đi học trở lại kể từ khi hết thời gian thực hiện quy định giãn cách xã hội. Đã một tuần qua, gần 300 nghìn học sinh ở 743 trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên vui mừng đi học trở lại. Để chuẩn bị cho học sinh đến trường, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nghiêm công tác vệ sinh trường, lớp học, phun hóa chất khử khuẩn, mua sắm hàng nghìn máy đo thân nhiệt, xà-phòng, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn cho học sinh, giáo viên... Hằng ngày, tại Trường THCS Quang Trung (phường Ba Đình, TP Thanh Hóa), an ninh được thắt chặt từ cổng nhằm kiểm soát người lạ vào trường; tổ chức đo kiểm tra thân nhiệt cho hơn 1.500 học sinh, giáo viên. Nhà trường chủ động mua 4 kg CloraminB, 50 lít nước sát khuẩn, 20 máy, thiết bị đo thân nhiệt; các đơn vị, cá nhân hảo tâm hỗ trợ nước rửa tay khô, thiết bị y tế. Cô giáo Bùi Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, qua theo dõi, giám sát, không có giáo viên, học sinh có biểu hiện sức khỏe bất thường trong tuần học vừa qua. Dù vậy, ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên, học sinh không chủ quan, lơ là trong thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Từ ngày 23-4, hơn 45 nghìn học sinh lớp 9 và lớp 12 của Hải Phòng trở lại trường và đến ngày 27-4 toàn bộ học sinh các cấp đi học. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Hải Phòng Vũ Văn Trà cho biết: Ngành giáo dục Hải Phòng đang nỗ lực để thực hiện được mục tiêu vừa dạy học vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, cuối tháng 4, đầu tháng 5, các trường thực hiện quy định giãn cách học sinh để ngăn ngừa dịch bệnh. Phần lớn các lớp học được chia đôi thành hai lớp và tổ chức học mỗi lớp một buổi. Ngành giáo dục vừa tổ chức học trực tiếp tại trường, vừa tổ chức học trực tuyến. Trong đó, ưu tiên học sinh các lớp cuối cấp: khối 5, khối 9 và khối 12 có nhiều thời gian học trực tiếp tại trường, nhất là đối với các môn học phải thi tốt nghiệp.

Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú (quận Lê Chân) Lê Thúy Hạnh cho biết, trường có 36 phòng học, nhưng có tới 52 lớp của cả bốn khối học. Trong những ngày qua, cán bộ, giáo viên chuẩn bị khá kỹ các điều kiện để đón học sinh trở lại trường. Trường THCS Trần Phú thực hiện ưu tiên học sinh khối lớp 9 có nhiều thời gian được học tại trường, nhất là các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh... Các khối lớp còn lại thường tổ chức ba buổi học trực tiếp với các môn học quan trọng, học thực hành, thí nghiệm... và ba buổi học trực tuyến ở nhà. Việc chia lớp thực hiện giãn cách được thực hiện nghiêm, nhưng cũng đồng nghĩa với đó là các thầy, cô giáo sẽ vất vả hơn và bố trí thời gian dạy thêm buổi cũng khó khăn hơn.

Sở GD và ĐT tỉnh Bắc Giang tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” là vừa tiếp tục tập trung phòng, chống dịch bệnh vừa khôi phục và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm; giảm mật độ tập trung học sinh; không tổ chức ăn bán trú tại trường. Theo Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Trần Tuấn Nam, học sinh các trường tiểu học, THCS, THPT, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên bắt đầu đi học trở lại từ ngày 4-5. Đối với bậc tiểu học không tổ chức dạy hai buổi/ngày và không tổ chức bán trú. Các trường chủ động chia số lớp làm hai ca học; sắp xếp thời gian học tập của học sinh và các hoạt động giáo dục phù hợp điều kiện thực tế. Cấp trung học cũng được yêu cầu chia số lớp ra hai ca học (sáng - chiều); ưu tiên tổ chức dạy học cho học sinh lớp 9 và lớp 12. Đến thời điểm này, hầu hết các khâu chuẩn bị để đón học sinh đi học trở lại được các trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh triển khai một cách nghiêm túc. Chánh Văn phòng Sở GD và ĐT thành phố Nguyễn Thành Trung cho biết, dự kiến, ngày 4-5, học sinh sẽ quay trở lại trường học tập. Ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra các trường học trong việc triển khai, thực hiện theo bộ tiêu chí đánh giá an toàn tại cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Đây là căn cứ quan trọng để các trường tiến hành rà soát, tự đánh giá trên cơ sở các tiêu chí về phòng, chống dịch bệnh. Đối với các phương án về chuyên môn, các trường đã bám sát yêu cầu của Bộ GD và ĐT, nhất là tiến độ liên quan đến phương án thi, hoàn thành chương trình, dạy và học trực tuyến, học qua truyền hình...

Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Các cơ sở giáo dục cần thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp; bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế như thiết bị đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, nơi rửa tay bằng nước sạch có xà-phòng; bố trí người đón và giao nhận trẻ mầm non và học sinh tiểu học tại cổng trường; thực hiện việc đo thân nhiệt cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên trước khi vào trường và lớp học. Các trường tổ chức chào cờ và các hoạt động giáo dục trong phạm vi từng lớp học; bố trí giờ vào lớp, giải lao, tan học xen kẽ giữa các khối lớp để tạo giãn cách và giám sát, nhắc nhở học sinh không tụ tập trong giờ ra chơi. Kết thúc mỗi buổi học, thực hiện nghiêm việc giãn cách khi ra khỏi cổng trường, đeo khẩu trang trên đường về nhà. Bộ GD và ĐT cũng đưa ra năm bước xử trí các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19 trong trường học để các trường kịp thời xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình dạy học.

Đáng chú ý, khi học sinh trở lại trường, các cơ sở giáo dục cần chú trọng khâu bảo đảm an toàn thực phẩm trong điều kiện tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19, theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), các bếp ăn tập thể của các cơ sở giáo dục, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong các trường học phải thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các yêu cầu về điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục có bếp ăn tập thể chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong phạm vi quản lý.

Bên cạnh đó, Bộ GD và ĐT lưu ý các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp điều kiện thực tế và thực tiễn dịch bệnh tại địa phương, có biện pháp tổ chức dạy học theo từng khối, lớp và nhóm học sinh để thực hiện giãn cách hợp lý, bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên khi đến trường. Kết hợp giữa dạy học qua in-tơ-nét, trên truyền hình với dạy học trực tiếp để rút ngắn thời gian hoàn thành chương trình, bảo đảm kết thúc năm học trước ngày 15-7. (Nhân dân, trang 8).

Cùng chủ để Sài Gòn giải phóng, trang 7: “TPHCM: Kiểm tra sức khỏe tất cả học sinh khi đến trường”; Sức Khỏe & Đời sống, trang 7: “Đi học sau dịch: Đảm bảo an toàn trong trường học”.

 

TPHCM đảm bảo an toàn với dịch bệnh

Chiều 27-4, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức buổi giao ban trực tuyến về tình hình phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Tham dự tại điểm cầu UBND TPHCM có các đồng chí: Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM; Ngô Minh Châu và Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Xuất hiện ca tái dương tính Covid-19

Báo cáo tại cuộc họp, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, từ ngày 3-4 đến nay, số ca mắc Covid-19 ở TP vẫn là 54; trong đó 53 ca đã xuất viện. Tuy nhiên có 2 ca nhập viện trở lại do tái dương tính (ca thứ 207 xuất viện ngày 18-4 và ca thứ 224 xuất viện ngày 20-4), nâng tổng số người đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP là 3 ca. Ca còn lại là bệnh nhân thứ 91, phi công người Anh, đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, vẫn tiếp tục thở máy, lọc máu, can thiệp ECMO. Bệnh nhân này tái dương tính nhiều lần...

Ngành y tế TP đã rà soát xét nghiệm kiểm tra bệnh nhân đã xuất viện sau 5-15 ngày để kịp thời phát hiện trường hợp tái dương tính. Đối với 53 ca xuất viện, hiện chỉ còn 40 ca lưu trú tại địa bàn, 13 ca đã rời khỏi TP. Kết quả xét nghiệm sau 5 ngày xuất viện có 40/40 ca, trong đó 34 ca âm tính, 4 ca đang chờ kết quả và 2 ca dương tính trở lại (ca thứ 207 và thứ 224); xét nghiệm sau 10 ngày xuất viện có 34/34 ca âm tính lần 1, xét nghiệm lần 2 có 31 ca âm tính, 3 ca chờ kết quả... Đến nay đã có 13 ca có kết quả âm tính cả 3 lần xét nghiệm sau xuất viện; đang chuẩn bị lấy mẫu 16 ca.

Trong ngày 27-4, có 1 ca nghi ngờ được lấy mẫu và kết quả âm tính; 38 ca đang được cách ly tập trung và 120 ca đang cách ly tại nhà và nơi lưu trú. Có 9 chuyến bay quốc tế với 48 thành viên tổ bay; 52 chuyến bay quốc nội với 4.835 hành khách và 3 chuyến tàu lửa với 1.223 khách được thực hiện khai báo y tế và đo thân nhiệt đầy đủ. Đến nay, TP đã tổ chức xét nghiệm cho 55.566 trường hợp.

Sẵn sàng đón người Việt từ nước ngoài trở về

Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm “chống dịch như chống giặc”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm yêu cầu các sở ban ngành, quận huyện, phường xã, thị trấn và người dân trên địa bàn TP tuyệt đối không chủ quan, lơ là, nhất là trước những diễn biến khó lường của dịch. Đồng thời phát huy nội lực, huy động sức mạnh của toàn TP để tiếp tục khắc phục những khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, đảm bảo an toàn với dịch bệnh. Sở Y tế phải phối hợp Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Sở Du lịch xây dựng phương án, kế hoạch chi tiết trong việc đón người Việt Nam từ nước ngoài về, và thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe theo đúng quy định. Về những chuyên gia nước ngoài đến cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất bằng máy bay riêng, ngay sau khi nhập cảnh phải thực hiện khai báo y tế và chuyển về khu cách ly tập trung tại các khách sạn (có thu phí theo hướng dẫn của Sở Du lịch) ở huyện Cần Giờ. Các trường học, cơ sở đào tạo căn cứ theo Bộ tiêu chí của Sở GD-ĐT đã ban hành để chuẩn bị kỹ cho ngày học sinh đi học trở lại trong tháng 5.

Ban Chỉ đạo TPHCM chuẩn bị danh sách để biểu dương các trường đại học, cơ sở đào tạo đã tích cực phối hợp và hỗ trợ TP trong công tác phòng chống dịch, nhất là việc tạo điều kiện thành lập và đưa vào hoạt động hiệu quả các khu cách ly tập trung tại ký túc xá. Tiếp tục kiểm tra, rà soát việc tuân thủ theo các bộ tiêu chí an toàn với dịch bệnh ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các sở ngành chủ động nghiên cứu, xây dựng phương án khởi động lại các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm nguyên tắc an toàn phòng chống dịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân chấp hành các quy định phòng chống dịch bệnh của TP; khuyến cáo không ra khỏi nhà nếu không cần thiết, không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc; đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 4: “TPHCM xét nghiệm 3 lần với bệnh nhân Covid-19 xuất viện”.

 

Tự mua bán thuốc - mối họa khôn lường

Việc mua bán thuốc phải có đơn chỉ dẫn của bác sĩ, nhưng trên thực tế có không ít người khi bị hắt hơi, sổ mũi, đau bụng hay cảm cúm thông thường liền ngay lập tức ra hiệu thuốc mua được nhiều loại thuốc rất dễ dàng.

Thực trạng này không chỉ gây ra những hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe của bản thân người tự ý sử dụng thuốc tràn lan, mà còn gây ra những mối nguy hại lớn tới cộng đồng.

Đua nhau mua thuốc

Những ngày này, khu vực chợ thuốc Hapulico ở phố Vũ Trọng Phụng, Hà Nội luôn đông nghịt người tới hỏi mua các thuốc trị cảm cúm, vitamin tổng hợp và kháng sinh. Dừng xe ghé vội vào một nhà thuốc có biển hiệu Hải Đăng, một phụ nữ đeo khẩu trang kín mít liền nói nhân viên cửa hàng bán cho 3 vỉ thuốc giảm sốt Paracetamol, 2 vỉ kháng viêm và một lọ Bổ phế. Chẳng phải để khách hàng đợi lâu, không cần hỏi đơn thuốc và cũng không yêu cầu khách hàng đo thân nhiệt, khai thông tin y tế ở đâu, mua thuốc làm gì... chưa đầy 5 phút tìm kiếm, nhân viên nhà thuốc đã lấy đầy đủ các loại thuốc theo yêu cầu của “thượng đế”. Trong khi đó, người phụ nữ sau khi trả tiền cũng chỉ hỏi qua loa vài câu về cách dùng, hạn sử dụng, rồi lên xe đi mất hút.

Thực tế việc mua bán thuốc tràn lan, rất dễ dàng đã diễn ra phổ biến ở nước ta lâu nay. Nhiều người có triệu chứng nào đó về sức khỏe là ngay lập tức ra hiệu thuốc, tự mua thuốc uống mà không cần thăm khám của bác sĩ. Trong khi đó, Bộ Y tế đã có những quy định nghiêm ngặt về việc mua bán thuốc phải có đơn của bác sĩ. Tìm hiểu của phóng viên tại không ít nhà thuốc cho thấy, việc mua bán các loại thuốc cảm cúm, giảm đau, hạ sốt, kháng viêm, giảm ho cho tới các loại kháng sinh đặc trị... rất dễ dàng. Một số cửa hàng thuốc cũng có yêu cầu khách hàng mua thuốc phải khai báo y tế và đo thân nhiệt nhưng chỉ qua loa, lấy lệ.

Theo một số chuyên gia y tế, thói quen tự ý mua, dùng thuốc tràn lan đã khiến nhiều người phải cấp cứu, sức khỏe nguy kịch vì bị ngộ độc thuốc, hay gặp những phản ứng phụ nguy hiểm của thuốc. Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân nam trong tình trạng ngộ độc, tụt huyết áp, nôn mửa, lơ mơ... vì đã uống khoảng 15 viên thuốc trị sốt rét Chloroquin 250mg để phòng Covid-19. Theo ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, việc người dân tự ý mua thuốc chứa hoạt chất Chloroquin/Hydroxychloroquin để điều trị, dự phòng Covid-19 có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, do thuốc có một số tác dụng phụ nghiêm trọng.

Nguy cơ với cộng đồng

Việc tự ý mua bán, sử dụng tràn lan các loại thuốc cảm cúm, giảm đau, hạ sốt, kháng viêm... không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của bản thân mà còn đe dọa, ảnh hưởng nguy hiểm tới cả cộng đồng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp. Theo các bác sĩ, triệu chứng của người mắc Covid - 19 khá giống với triệu chứng cảm cúm. Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại, những dấu vết của người mắc bệnh đầu tiên, hay còn gọi là F0 rất mờ nhạt, rất khó truy tìm tiền sử dịch tễ để biết bệnh nhân này có nguy cơ hay không.

Vì vậy, những người có triệu chứng về đường hô hấp như: ho, sốt, chảy mũi, đau rát họng, đau mỏi người cần phải khai báo y tế và được tư vấn bởi cơ quan y tế. Nếu tự ý mua thuốc để sử dụng nhằm trị ho, hạ sốt sẽ vô hình trung làm mất đi triệu chứng bệnh, ảnh hưởng tới việc phát hiện ca bệnh. Nguy hiểm hơn, nếu chúng ta bị nhiễm bệnh trong thời gian sinh hoạt tại nhà, cộng đồng, cơ quan thì có thể làm lây nhiễm cho người khác. Điều này làm cho công tác chống dịch, khoanh vùng các trường hợp nhiễm bệnh trở nên khó khăn.

Thực tế trong số các ca mắc Covid-19 tại nước ta, đã xuất hiện những trường hợp trước khi dương tính với virus SARS-CoV-2 đã tự ý mua thuốc điều trị làm việc phát hiện bệnh muộn, như trường hợp bệnh nhân thứ 243 ở Mê Linh, Hà Nội. Ca bệnh này, sau khi đưa vợ đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai, trở về nhà và có biểu hiện sốt, đau mỏi người đã không thông báo cho cơ quan y tế địa phương, mà tự mua thuốc cảm cúm về uống. Sau đó thấy đỡ nên tiếp tục đi tới nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người khác, gây khó khăn cho việc kiểm soát, phòng chống dịch bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cảnh báo, dịch Covid-19 cùng với các dịch bệnh khác như: cúm A, cúm B, cảm sốt có nhiều triệu chứng ban đầu giống nhau, như: sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, viêm đường hô hấp... nên để phân biệt giữa Covid-19 với cảm cúm thông thường khá khó khăn với người bình thường, Do đó, nếu có nghi ngờ mắc Covid-19, hay có các biểu hiện ho, sốt, đau mỏi người thì người dân cần đeo khẩu trang y tế, tự cách ly tại nhà, sử dụng vật dụng cá nhân riêng và gọi ngay đường dây nóng của Bộ Y tế để được hướng dẫn, tuyệt đối không nên tự mua thuốc về uống. (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Cứu sống bệnh nhân bị nhồi máu não đã qua giai đoạn vàng

Bệnh viện Gia An 115 vừa cứu sống thành công bệnh nhân H.N.T. (sinh năm 1985, ngụ TP Rạch Giá, Kiên Giang) bị nhồi máu não đỉnh thái dương, đã qua giai đoạn vàng can thiệp.

Do bệnh nhân còn trẻ, chưa rõ nguyên nhân gây nhồi máu não nên các bác sĩ đã đi tìm nguyên nhân để điều trị, tránh nguy cơ tái phát. Anh T. được chỉ định một số cận lâm sàng để truy tìm “thủ phạm” gây đột quỵ.

Siêu âm tim qua thực quản, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân còn tồn tại lỗ bầu dục ở giữa hai buồng tim (tâm nhĩ phải và tâm nhĩ trái), một dạng thông liên nhĩ lỗ nhỏ dễ tạo huyết khối gây đột quỵ. Ngày 31-3, anh T. được can thiệp bít thông liên nhĩ thành công. Sau đó, anh T. tiếp tục được điều trị nội khoa, hướng dẫn tập vật lý trị liệu - phục hồi chức năng và xuất viện ngày 4-4. Tái khám ngày 11-4, tình trạng sức khỏe của anh T. ổn định, các kết quả lâm sàng tốt.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Duy Trang, Trưởng khoa Nội tim mạch - Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Gia An 115 cho biết, truớc đây đột quỵ thường xảy ra ở người lớn tuổi (trên 50 tuổi). Tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang gia tăng. Trong đó, những người mắc bệnh tim mạch có nguy cơ đột quỵ cao hơn gấp 6 lần so với người bình thường. Những người mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, người béo phì, có lối sống thiếu lành mạnh (ít vận động, hút thuốc lá thường xuyên, lạm dụng rượu hoặc các chất gây nghiện…) cũng có nguy cơ đột quỵ não cao. (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Ngứa rát toàn thân do thoa rượu ngâm gừng, nghệ

Sáng 27-4, Bệnh viện Da Liễu TPHCM thông tin vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ bị ngứa rát, sẩn đỏ toàn thân do sử dụng rượu gừng, nghệ thoa lên da sau sinh.

Bệnh nhân H.K.P. (37 tuổi, trú tại quận 7) cho biết, trong thời gian mang thai, chị có nghe đến phương pháp dân gian “rượu gừng nghệ hạ thổ” làm đẹp cho phụ nữ sau sinh, giúp da sáng, cơ thể săn chắc, thon gọn. Chị làm theo hướng dẫn trên mạng, giã gừng và nghệ tươi để ngâm với rượu. Sau sinh vài ngày, chị dùng rượu ngâm này thoa lên da, đến ngày thứ 2 thì toàn thân bị ngứa, rát, sẩn đỏ...

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TPHCM, việc dùng gừng và nghệ ngâm với rượu để làm đẹp hiện chưa được khoa học chứng minh và tiềm ẩn một số nguy cơ. Rượu thoa lên da diện rộng sẽ gây khô da, làm tổn thương lớp thượng bì. Tinh chất trong nghệ và gừng khi ngâm với rượu rất dễ gây kích ứng da, nhất là ở những người có cơ địa dị ứng và làn da nhạy cảm. Ngoài ra, sẽ không an toàn cho làn da của em bé nếu lỡ tiếp xúc với dung dịch này.

“Để khôi phục làn da và vóc dáng sau khi sinh, chị em hãy duy trì chế độ chăm sóc da cơ bản hàng ngày, dành 15 - 20 phút mỗi ngày để tập thể dục và có thể tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu để có phương pháp chăm sóc phù hợp nhất cho tình trạng da của mình”, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng khuyến cáo. (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Xử lý vi phạm trong sử dụng kinh phí phòng chống dịch

Ngày 27-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Y tế, UBND các tỉnh thành khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định lại và thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh… phục vụ công tác phòng chống dịch.

Nhất là các gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế, hóa chất vật tư tiêu hao; nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã điều tra, xác minh làm rõ sai phạm trong quá trình chỉ định thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội và một số đơn vị liên quan. Quá trình điều tra bước đầu xác định, các đối tượng đã câu kết, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 1: “Xử lý nghiêm vi phạm trong sử dụng kinh phí phòng, chống dịch Covid-19”; Tiền phong, trang 2: “Mua máy xét nghiệm Covid-19: Thủ tướng yêu cầu thầm định, thanh tra”; Tuổi trẻ, trang 4: “Thủ tướng yêu cầu thanh tra các gói thầu mua thiết bị vật tư y tế”.

 

Sinh phẩm xét nghiệm nhanh Covid-19 “made in Vietnam” được đánh giá cao

Bộ sinh phẩm xét nghiệm bằng phương pháp tìm gien vi rút của Việt Nam đã được WHO, Vương quốc Anh công nhận chất lượng và có thể được sử dụng trên phạm vi toàn cầu.

Ngày 27.4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã họp bàn về công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới với nội dung chính là công tác xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2.

Hiện, trên thế giới đang triển khai song song 2 phương pháp xét nghiệm xác định người dương tính SARS-CoV-2 là xét nghiệm tìm gien vi rút (phương pháp PCR) và xét nghiệm kháng thể (thường sử dụng để xét nghiệm nhanh).

Bộ sinh phẩm xét nghiệm bằng phương pháp PCR của Việt Nam đã được WHO, Vương quốc Anh công nhận chất lượng và có thể được sử dụng trên phạm vi toàn cầu.

Về phương pháp xét nghiệm kháng thể (xét nghiệm nhanh), theo lãnh đạo Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư vừa qua đã phối hợp với một trường đại học của Nhật Bản nghiên cứu và phát triển thành công loại sinh phẩm xét nghiệm kháng thể có độ nhạy, độ đặc hiệu cao hơn nhiều so với các loại sinh phẩm tương tự mà nhiều nước đang sử dụng. Sinh phẩm xét nghiệm nhanh này sử dụng hệ thống máy xét nghiệm ELISA đã được trang bị từ tuyến T.Ư đến tận y tế tuyến huyện để chẩn đoán người nhiễm HIV, sốt xuất huyết và một số bệnh miễn dịch khác.

Bộ Y tế đánh giá sinh phẩm xét nghiệm nhanh “made in Vietnam” có ưu điểm là dễ sử dụng cho tất cả các tuyến, độ an toàn cao; đặc biệt độ nhạy, độ đặc hiệu đạt khoảng 95% (trong khi sản phẩm của nước ngoài chỉ đạt khoảng 70 - 75%) và nhất là rẻ hơn nhiều so với sinh phẩm nhập ngoại (chỉ khoảng 5 USD/kit xét nghiệm)...

Bộ Y tế đang làm thủ tục công nhận sinh phẩm này để đưa vào sản xuất hàng loạt và hoàn toàn có thể thay thế các loại sinh phẩm tương tự của nước ngoài. Khi sinh phẩm này được công nhận và đưa vào sản xuất hàng loạt, Việt Nam có thể chủ động sử dụng cả 2 phương pháp PCR phát hiện gien vi rút và xét nghiệm nhanh tìm kháng thể. (Thanh niên, trang 3).

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Việt Nam làm chủ các phương pháp xét nghiệm Covid-19”; Nhân dân, trang 1: “Việt Nam sản xuất thành công sinh phẩm xét nghiệm nhanh Covid-19”; Sức khỏe & Đời sống, trang 1: “Việt Nam sản xuất sinh phẩm thay thế hàng nhập khẩu, làm chủ hai phương pháp xét nghiệm”; Hà Nội mới, trang 2: “Việt Nam cố gắng bảo đảm trang thiết bị phòng, chống dịch”.

 

Tổng giám đốc WHO cảm ơn Việt Nam đóng góp 50.000 USD chống dịch Covid-19

Ngày 27.4, trên tài khoản Twitter, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảm ơn chính phủ Việt Nam vì đã đóng góp 50.000 USD hỗ trợ Quỹ ứng phó Covid-19 của WHO.

Tổng giám đốc WHO Ghebreyesus còn chia sẻ trên Twitter bản tin tiếng Anh đăng trên Cổng thông tin điện tử chính phủ Việt Nam với nội dung Việt Nam đóng góp 50.000 USD hỗ trợ Quỹ ứng phó Covid-19 của WHO, nhằm giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch.

“Cảm ơn Việt Nam vì đã đóng góp vào Quỹ ứng phó Covid-19. Cùng nhau!”, ông Ghebreyesus viết.

Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng, chiều 24.4, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã trao tượng trưng khoản đóng góp 50.000 USD của Chính phủ và nhân dân Việt Nam ủng hộ Quỹ ứng phó Covid-19 của WHO.

Việt Nam bày tỏ mong muốn WHO tiếp tục đóng vai trò trung tâm, dẫn dắt và điều phối hiệu quả các nỗ lực quốc tế, đáp ứng mong đợi của các nước thành viên.

Đại diện WHO tại Việt Nam, ông Kidong Park đánh giá Việt Nam là nước đang đi đầu trong lĩnh vực ngoại giao y tế, đồng thời bày tỏ sự cảm ơn tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam về sự giúp đỡ chân thành, quý báu dành cho Quỹ ứng phó Covid-19 của WHO.

Tuy cũng phải đối phó với dịch Covid-19, song song với lo phát triển kinh tế, nhưng trong năng lực của mình, Việt Nam đã hỗ trợ hàng chục nước những vật tư y tế cần thiết và đang khan hiếm để chống dịch.

Việt Nam không chỉ thành công trong việc điều trị các bệnh nhân VN lẫn công dân nước ngoài nhiễm Covid-19, mà còn giúp gửi khẩu trang và các vật tư y tế khác hỗ trợ các nước như Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Anh, Nhật, Lào, Campuchia… nên Việt Nam nhận được sự cảm kích của nhiều nước trên thế giới.

Chính Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng lên Twitter cảm ơn “những người bạn ở Việt Nam” hỗ trợ chống Covid-19, sau khi chuyến bay chở hàng trăm ngàn trang phục bảo hộ phòng chống Covid-19 từ Việt Nam hạ cánh tại Mỹ hồi đầu tháng này.

Cũng trong ngày 27.4, tờ Myanmar Times đưa tin Cố vấn Nhà nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi đã lên tiếng ca ngợi công tác phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả tại Việt Nam, xứng đáng để các nước học hỏi. (Thanh niên, trang 3).

 

Bình Phước tiêu hủy 42.000 khẩu trang y tế sản xuất không phép

Ngày 27.4, UBND TP.Đồng Xoài (Bình Phước) cho biết cơ quan này đã ra quyết định xử phạt hành chính 35 triệu đồng đối với ông Đoàn Văn Bốn (47 tuổi, ngụ TP.Đồng Xoài), chủ cơ sở sản xuất khẩu trang không phép bị lực lượng chức năng phát hiện vào cuối tháng 2.2020.

Trước đó, ngày 28.2, Đội quản lý thị trường số 7, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Phước phối hợp Công an TP.Đồng Xoài tổ chức kiểm tra hành chính cơ sở sản xuất khẩu trang y tế của ông Bốn tại P.Tân Xuân, phát hiện 42.000 chiếc khẩu trang y tế đang chuẩn bị vận chuyển đi tiêu thụ (ảnh). Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy phép liên quan đến hoạt động sản xuất khẩu trang y tế.

UBND TP.Đồng Xoài đã ra quyết định xử phạt ông Đoàn Văn Bốn 35 triệu đồng vì sản xuất khẩu trang không có giấy chứng nhận đủ điều kiện theo quy định, vi phạm điểm a, khoản 4, điều 55, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14.11.2013 của Chính phủ. Ngoài ra, UBND TP.Đồng Xoài cũng ra quyết định buộc tiêu hủy toàn bộ 42.000 chiếc khẩu trang y tế nói trên. (Thanh niên, trang 4).

 

Không chủ quan với bệnh nhân tái dương tính SARS-CoV-2

Sáng 28/4, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam bước sang ngày thứ 12 không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng cộng 130 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Tính đến nay Việt Nam có 270 người nhiễm SARS- CoV-2. Trong đó điều trị khỏi bệnh/ra viện 222 trường hợp, còn lại 48 người bệnh đang điều trị tại 8 cơ sở khám chữa bệnh.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia, hiện Việt Nam có 8 bệnh nhân COVID-19 tái dương tính sau khi khỏi bệnh. PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cho biết về lý thuyết, bệnh nhân dương tính có thể lây bệnh cho người khác.

Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam chưa phát hiện ra những ca lây nhiễm từ những bệnh nhân tái dương tính này. Điều này cũng phù hợp với thực tế và nghiên cứu tại Hàn Quốc, nơi đã có hơn 160 ca tái dương tính.

“Mặc dù vậy, chúng ta vẫn không nên chủ quan do virus SARS-CoV-2 rất mới, "rất biến ảo", khó lường”, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Trước đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Tiểu ban Điều trị đã có Công văn số 507/KCB-QLCT&CĐT ngày 15-4 yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố và các bệnh viện được phân công điều trị COVID-19 theo dõi xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người bệnh COVID-19 đã ra viện. Cụ thể, tiếp tục có các biện pháp chỉ đạo mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn để kiểm tra, quản lý, theo dõi tình trạng sức khoẻ của người mắc COVID -19 sau khi ra viện.

Khi kết thúc 14 ngày cách ly tại nhà của người bệnh COVID -19 kể từ ngày ra viện, bệnh viện đã điều trị người bệnh phối hợp với trung tâm kiểm soát bệnh tật địa phương, cơ quan y tế và đơn vị liên quan nơi người bệnh cư trú tiến hành xét nghiệm lại cho người bệnh (bằng kỹ thuật RT-PCR).

Trên thế giới đang triển khai song song 2 phương pháp xét nghiệm xác định người dương tính COVID-19 là xét nghiệm tìm gen virus (phương pháp PCR) và xét nghiệm kháng thể (thường sử dụng để xét nghiệm nhanh). PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, phương pháp PCR có độ chính xác cao vì phát hiện trực tiếp gen của virus, nên tại thời điểm dương tính thì bệnh nhân chắc chắn đang có virus SARS-CoV-2 trong người.

Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi các khâu chuyên môn hóa cao, cần có chuyên gia thực hiện với nhiều máy móc phức tạp, thời gian cho kết quả lâu (vài giờ). Trong khi đó, phương pháp xét nghiệm nhanh tìm kháng thể có thời gian ngắn, vận hành đơn giản, người làm xét nghiệm không cần thiết phải được đào tạo chuyên biệt, không cần thiết bị đặc biệt kèm theo. Nhưng, phương pháp này có độ nhạy, độ đặc hiệu thấp hơn nhiều so với phương pháp PCR, dễ nhầm và bỏ sót. Vì vậy, phương pháp PCR thường được dùng để khẳng định lại kết quả xét nghiệm nhanh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong công tác phòng, chống dịch bệnh, phối hợp cả 2 phương pháp xét nghiệm phát hiện PCR và xét nghiệm xét nghiệm nhanh sẽ giúp kiểm soát dịch bệnh nhanh, giảm tải áp lực y tế và tập trung nguồn lực vào điều trị những ca thực sự mắc SARS-CoV-2. (Tiền phong, trang 2).

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 6: “Thêm 3 bênh nhân mắc Covid-19 tái dương tính sau khi ra viện”.

 

Món quà thay lời tri ân gửi y bác sỹ tuyến đầu Bệnh viện Thận Hà Nội

Sáng 27-4, Báo An ninh Thủ đô phối hợp với Công ty Cổ phần Tầm nhìn mỹ thuật Đông Dương (Indochine Art) đã tới thăm và tặng quà các y bác sỹ Bệnh viện Thận Hà Nội.

Chia sẻ tại buổi gặp, Phó Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô Chu Quốc Dũng cho biết, xuất phát từ sáng kiến của Công ty Indochine Art, chương trình đấu giá trực tuyến các tác phẩm nghệ thuật “Vượt qua đại dịch Covid-19” đã thu về khoản tiền 530 triệu đồng, gửi tặng y bác sỹ các bệnh viện tuyến đầu chống dịch của Trung ương và Hà Nội, trong đó có Bệnh viện Thận Hà Nội.

"Món quà chứa đựng tình cảm, là lời tri ân của Báo An ninh Thủ đô cùng giới họa sỹ Việt Nam gửi tới các y bác sỹ tuyến đầu, những người đã rất vất vả trong chiến dịch phòng chống đại dịch Covid-19", ông Chu Quốc Dũng nhấn mạnh và bày tỏ vui mừng khi tất cả cán bộ, y bác sỹ bệnh viện đều khỏe mạnh và tràn đầy nhiệt huyết sau khoảng thời gian cách ly đầy cam go.

Đại diện Công ty Indochine Art, Giám tuyển, họa sỹ Vũ Huy Thông cho biết ngay khi phát động, chương trình đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo anh chị em họa sỹ trên cả nước, đồng thời bày tỏ vinh dự khi được có mặt trực tiếp để gửi lời tri ân tới các y bác sỹ tuyến đầu, những "tấm lá chắn" - như biểu tượng của chương trình - trong cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19.

"Hiệu quả của chương trình không phải là những con số cụ thể về số tác phẩm tham gia hay số tiền đấu giá mà là ý thức của giới nghệ sỹ, cũng như các thành phần khác trong xã hội cùng nhau đoàn kết, chung tay chống dịch", họa sỹ Vũ Huy Thông nói.

Tại buổi gặp, đại diện Báo An ninh Thủ đô và Công ty Indochine Art đã trao tặng Bệnh viện Thận Hà Nội hai tác phẩm: Nắng trong vườn (tác giả Lâm Văn Cảng) và Mặt trời của mẹ (tác giả Nguyễn Văn Chung), cùng số tiền 50 triệu đồng.

Đón nhận tấm lòng của Báo An ninh Thủ đô và Công ty Indochine Art, Thạc sỹ - Bác sỹ Phan Tùng Lĩnh - Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Thận Hà Nội bày tỏ xúc động và gửi lời cảm ơn đoàn công tác đã kịp thời quan tâm, chia sẻ với cán bộ, y bác sỹ bệnh viện. Theo lãnh đạo Bệnh viện Thận Hà Nội, trong thời gian thực hiện cách ly toàn bệnh viện 14 ngày (từ ngày 9-4 đến 23-4), bệnh viện đối mặt nhiều khó khăn như cơ sở vật chất chật chội, cùng lúc phải đón nhận tất cả các y bác sỹ bệnh viện, đồng thời phải duy trì chữa trị cho 500 bệnh nhân lọc máu.

Tuy nhiên ban lãnh đạo bệnh viện đã tìm cách tháo gỡ, bố trí đủ nơi ăn, chốn ở cho cán bộ nhân viên trong thời gian cách ly tập trung, đồng thời thực hiện tốt công tác chuyên môn, không để xảy ra ca bệnh biến chứng.

Diễn ra từ 29-3 đến 12-4-2020, chương trình đấu giá các tác phẩm nghệ thuật “Vượt qua đại dịch Covid-19” do Báo An ninh Thủ đô và Công ty Indochine Art phối hợp tổ chức đã thu được 530 triệu đồng thông qua đấu giá các tác phẩm. Tới Ngay sau đó, 100% số tiền này đã được gửi tới các đơn vị y tế tuyến đầu chống dịch Covid-19 của Trung ương và Hà Nội như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cơ sở 2, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Bệnh viện Đa khoa Mê Linh, Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội, Bệnh viện Thận Hà Nội. (An ninh Thủ đô, trang 2).

 

Nguy cơ tiềm ẩn lây lan dịch COVID-19 tại các trụ ATM

Hiện cả nước đã qua giai đoạn giãn cách xã hội, mà vừa thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội nên nguy cơ lây lan dịch bệnh luôn chực chờ.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, cơ chế lây lan virus SARS-CoV-2 là khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện sẽ phát tán virus qua các giọt nhỏ. Người nhiễm do hít phải giọt nhỏ này hoặc do tiếp xúc các bề mặt nhiễm virus và đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

Những khu vực công cộng, trong đó có trụ ATM rút tiền là một trong những nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Nguyên nhân được giải thích là do không gian những trụ ATM này khá nhỏ, không thông thoáng khí; những bề mặt tay tiếp xúc trực tiếp như: khe rút thẻ; phím bấm; tay nắm cửa… tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan virus do tiếp xúc với bàn tay của nhiều người.

Để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố khuyến cáo người dân nên ưu tiên sử dụng các hình thức thanh toán điện tử thay vì dùng tiền mặt; tránh rút tiền tại những trụ ATM có đông người tập trung; giữ khoảng cách với người khác khi đi rút tiền; rửa tay sau khi rút tiền; luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài; khi ho, hắt hơi hãy che kín miệng và mũi; tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng. (Công an Nhân dân, trang 1).

 

Lâm Đồng: Khi chính sách dân số đi vào lòng dân

Trong những năm qua, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự quan tâm phối hợp của các Ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; đặc biệt sự tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân. Nhờ vậy, đã mang lại một số kết quả đáng khích lệ góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chất lượng dân số được nâng cao

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản về chỉ đạo triển khai công tác dân số cũng như đầu tư về vật lực, nhân lực, đặc biệt có nhiều chính sách phù hợp với lòng dân, nhất là hỗ trợ miễn phí vật tư y tế cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS)…

Để người dân nắm bắt kịp thời những kiến thức về dân số một cách cặn kẽ, Phòng Truyền thông, giáo dục của Chi cục DS-KHHGĐ Lâm Đồng chủ động phối hợp với các đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện triển khai các nội dung như: Chăm sóc sức khỏe sinh sản; tác hại của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính khi sinh; lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sàng lọc sau sinh (SLTS&SLSS); Luật Hôn nhân, gia đình; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng chống bạo lực gia đình...

Công tác truyền thông đã có nhiều đổi mới trong công tác tuyên truyền, mang lại hiệu quả cao. Hoạt động truyền thông được triển khai phù hợp với từng đối tượng, từng vùng, cụ thể: Ưu tiên vùng có mức sinh cao, vùng ĐBDTTS, vùng sâu, tập trung cho nhóm đối tượng là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và sinh con một bề, các nhóm đối tượng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nhóm vị thành niên và thanh niên… Song song với công tác truyền thông công tác đào tạo tập huấn về chuyên môn, các chỉ thị, Nghị quyết cho cán bộ, người dân nhất là đội ngũ làm công tác Dân số - Y tế cũng được triển khai đồng bộ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã quan tâm mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.

Nhờ vậy, mà đến nay người dân đã nhận thức được những lợi ích khi thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ. Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã dần chấp nhận quy mô gia đình nhỏ "Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con". Các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội đã quan tâm lồng ghép công tác dân số vào chương trình công tác của từng đơn vị. Chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ trong đội tuổi sinh đẻ đã quan tâm đến sức khỏe của bản thân, chú trọng đến vấn đề sức khỏe sinh sản, khám phụ khoa và tự nguyện tham gia các chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ. Mặt khác, người dân đã hiểu được tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, lợi ích của việc SLTS&SLSS, hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh…

BS Đinh Đức Thọ, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: "Hàng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều ban hành các văn bản liên quan đến công tác dân số và chỉ đạo sát sao với các Sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan lồng ghép công tác dân số vào chương trình công tác và đánh giá hàng năm của mỗi đơn vị; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự tham gia tích cực của những người có uy tín trong cộng đồng, già làng, trưởng bản trong việc vận động người dân thực hiện công tác dân số… nhờ vậy công tác dân số tại Lâm Đồng mới đạt được kết quả trên. Tuy nhiên công tác dân số tại Lâm Đồng trong thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức".

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân

Lâm Đồng cũng như các tỉnh, thành khác trong cả nước đã thực hiện việc sáp nhập Trung tâm Dân số vào Trung tâm Y tế theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập đã làm ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng của một số cán bộ, một số đã xin nghỉ hoặc chuyển công tác khác, điều đáng nói những người chuyển đi là những người đã gắn bó lâu năm với ngành, có thâm niên công tác. Chế độ đãi ngộ còn quá thấp nên đội ngũ cán bộ DS-KHHGĐ cấp xã thường xuyên chuyển công tác; những người mới thay chưa có kỹ năng diễn đạt trước đám đông cũng như nghiệp vụ quản lý công tác DS-KHHGĐ... Vì vậy, công tác tham mưu cho lãnh đạo các cấp còn hạn chế. Hiện nay một số địa phương có tâm lý chủ quan thỏa mãn với những kết quả đã đạt được nên buông lỏng trong việc chỉ đạo cũng như đầu tư kinh phí cho công tác dân số. Một số người dân hiểu chưa đúng về chính sách dân số nên đã chủ động sinh thêm con, trong đó có cả đảng viên, công chức… Mặt khác, hiện nay một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức, hiểu đúng về lợi ích của việc SLTS&SLSS, tác hại của việc tảo hôn và nhân cận huyết thống, ý nghĩa của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, khám phụ khoa…

Để khắc phục những khó khăn nêu trên, trước tiên cần phải triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông, trong đó chú trọng đến các Đề án, chiến dịch, các đợt truyền thông nhóm nhỏ, tại hộ gia đình; lồng ghép tuyên truyền về hệ lụy của việc lựa chọn giới tính thai nhi cho người dân, cấp phát tờ rơi cho các đối tượng, hộ gia đình. Tiếp tục lồng ghép công tác dân số vào cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch"; duy trì và mở rộng 87 mô hình chi hội kiểu mẫu thực hiện gia đình 5 không, 3 sạch với hội phụ nữ gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

Có thể hiểu rằng, công tác dân số không chỉ dừng lại ở việc "đẻ ít, đẻ nhiều" mà phải hiểu dân số bao hàm nhiều vấn đề như: Dân số vàng, chất lượng dân số, quy mô và cơ cấu dân số; mất cân bằng giới tính và những vấn đề mới đặt ra… đúng như tinh thần Nghị quyết 21 là chuyển công tác DS-KHHGĐ sang Dân số và Phát triển.

BS Đinh Đức Thọ chia sẻ: "Để công tác dân số trong thời gian tới thành công, trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chính sách Dân số và Phát triển; nâng cao hiệu quả truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số, SKSS, làm chuyển biến sâu sắc nhận thức, hành động, nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc thực hiện công tác dân số, SKSS/KHHGĐ… Đặc biệt là tránh chủ quan và thỏa mãn với những gì đã đạt được, cung cấp kịp thời các phương tiện, vật tư y tế có chất lượng để phục vụ cho mọi đối tượng khi có nhu cầu". (Gia đình & Xã hội, trang  6).

 

Nhiều nước đặt mua sinh phẩm xét nghiệm PCR của Việt Nam

Thông tin được đưa ra tại cuộc họp sáng 27-4 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng Ban chỉ đạo, chủ trì.

Bàn về công tác xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 để phục vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới, Ban chỉ đạo cho biết hiện trên thế giới đang triển khai song song 2 phương pháp là xét nghiệm tìm gen virus (phương pháp PCR) và xét nghiệm kháng thể (thường sử dụng để xét nghiệm nhanh).

Về phương pháp xét nghiệm PCR, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thời gian đầu Việt Nam sử dụng nguồn sinh phẩm từ nước ngoài, nhưng sau đó Việt Nam đã phát triển được sinh phẩm xét nghiệm PCR thay thế nguồn nước ngoài, đang được sử dụng chủ đạo để xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2.

Tới nay, Việt Nam đã xét nghiệm được khoảng 212.000 mẫu bệnh phẩm, phát hiện 270 trường hợp mắc COVID-19, tỉ lệ phát hiện dương tính khoảng 0,13%, là một trong những quốc gia có tỉ lệ phát hiện dương tính trên tổng số mẫu xét nghiệm cao nhất thế giới.

Bộ sinh phẩm xét nghiệm bằng phương pháp PCR của Việt Nam đã được WHO, Vương quốc Anh công nhận chất lượng và có thể được sử dụng trên phạm vi toàn cầu, nhiều nước đặt mua sinh phẩm xét nghiệm của Việt Nam

Đối với phương pháp xét nghiệm kháng thể (xét nghiệm nhanh), theo lãnh đạo Bộ Y tế, thời gian qua chỉ có Hà Nội triển khai, sử dụng sinh phẩm của Hàn Quốc do doanh nghiệp tài trợ. Theo đó đã xét nghiệm tổng số 18.450 mẫu, phát hiện 50 trường hợp dương tính (kiểm tra lại bằng phương pháp PCR cả 50 trường hợp đều cho kết quả âm tính).

Song song với đó, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã phối hợp với một trường đại học của Nhật Bản để nghiên cứu và phát triển thành công loại sinh phẩm xét nghiệm kháng thể có độ nhạy, độ đặc hiệu cao hơn nhiều so với các loại sinh phẩm tương tự mà nhiều nước đang sử dụng.

Điểm khác biệt rất đáng chú ý là sinh phẩm xét nghiệm nhanh của Việt Nam sử dụng hệ thống máy xét nghiệm ELISA đã được trang bị từ tuyến Trung ương đến tận y tế tuyến huyện để chẩn đoán người nhiễm HIV, sốt xuất huyết và một số bệnh miễn dịch khác.

Là nước thứ 5 trên thế giới sản xuất thành công sinh phẩm xét nghiệm kháng thể, Bộ Y tế đánh giá sinh phẩm xét nghiệm nhanh "made in Vietnam" có nhiều ưu điểm: Dễ sử dụng cho tất cả các tuyến, các cơ sở y tế tuyến huyện có thể xét nghiệm được do sử dụng hệ thống máy xét nghiệm sẵn có; độ an toàn cao (xét nghiệm qua mẫu máu).

Đặc biệt độ nhạy, độ đặc hiệu của sinh phẩm Việt Nam đạt khoảng 95%, trong khi sản phẩm của nước ngoài chỉ đạt khoảng 70-75%. Bên cạnh đó, qua đánh giá ban đầu giá thành của sinh phẩm này rẻ hơn nhiều so với sinh phẩm nhập ngoại (chỉ khoảng 5 USD/kit xét nghiệm). Hiện Bộ Y tế đang làm thủ tục công nhận sinh phẩm này để đưa vào sản xuất hàng loạt.

Như vậy, với phương pháp này, Bộ Y tế khẳng định hoàn toàn có thể thay thế các loại sinh phẩm tương tự của nước ngoài. Đặc biệt là khi sinh phẩm này được công nhận và đưa vào sản xuất hàng loạt, Việt Nam hoàn toàn chủ động phương pháp xét nghiệm để sàng lọc, sớm phát hiện người mắc COVID-19.

Theo đó, các thành viên Ban chỉ đạo thống nhất kiến nghị Chính phủ cho sử dụng thêm loại sinh phẩm này để tiến hành xét nghiệm nhanh, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới. (Tuổi trẻ, trang 4).

Cùng chủ đề Lao động, trang 1: “Việt Nam làm chủ cả 2 phương pháp xét nghiệm Covid-19”; An ninh Thủ đô, trang 6: “Việt Nam có tỷ lệ phát hiện Covid-19 trên tổng mẫu xét nghiệm ở nhóm cao nhất thế giới”.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang