Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 28/8/2015

  • |
T5g.org.vn - Tàu bệnh viện Mỹ khám chữa bệnh cho hàng ngàn dân miền Trung; Cháu bé bị dao đâm xuyên não được xuất viện; Tháng 4-2016 dừng nhận bệnh nhân HIV điều trị ARV mới; Hơn 50% các trường học có cán bộ y tế học đường...

Tàu bệnh viện Mỹ khám chữa bệnh cho hàng ngàn dân miền Trung

Ngày 27.8, Chương trình Đối tác Thái Bình Dương - PP15 chính thức kết thúc tại TP.Đà Nẵng - điểm dừng chân cuối cùng, hoàn thành sứ mệnh nhân đạo thường niên ở vùng Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Ted Osius, Đại sứ Mỹ tại VN, đánh giá cao hoạt động nhân đạo, hỗ trợ y tế của Chương trình PP15, là hoạt động thực sự ý nghĩa, thiết thực kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao VN - Mỹ. “Mỹ và Chương trình Đối tác Thái Bình Dương mong muốn trở thành đối tác lâu dài với VN. Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại với các bạn sau những thành công đáng ghi nhận của PP15”, ông Ted Osius nói.

Trong 12 ngày đêm đến Đà Nẵng, gần 1.500 thành viên thủy thủ đoàn, y bác sĩ Mỹ, Úc, New Zealand của tàu bệnh viện USNS Mercy (A-TH-19) và tàu hộ tống cao tốc USNS Millinocket (JHSV-3) đã khám, điều trị bệnh, phẫu thuật, chăm sóc nha khoa cho hàng ngàn người dân miền Trung; tự tay sơn sửa, nâng cấp cơ sở vật chất cho Trạm y tế xã Hòa Quý (Q.Ngũ Hành Sơn), Làng Hy Vọng (thuộc Trung tâm bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP.Đà Nẵng). Trong ngày 27.8, gần 300 nhân viên y tế, cứu hộ của Chương trình PP15 và Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng đã cùng diễn tập y tế biển đảo, ứng phó với thảm họa sóng thần, với sự tham gia của Đại sứ Mỹ Ted Osius và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Sáng nay 28.8, các tàu này sẽ rời cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). (Tuổi trẻ, Hà Nội mới, An ninh Thủ đô, Thanh niên trang 1)

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống trang 2 “Diễn tập phòng chống thảm họa y tế trên tàu Bệnh viện T-AH 19

 Cháu bé bị dao đâm xuyên não được xuất viện

 Sau 18 ngày nằm viện, cấp cứu tại Nhi đồng 1 vì bị người phụ nữ lạ mặt dùng dao đâm thấu hốc mắt, xuyên sọ, bé Dương Minh Phát (30 ngày tuổi) - bệnh nhi đến từ Vĩnh Long đã vượt qua nguy hiểm và được bác sĩ cho xuất viện.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Trưởng Khoa Ngoại bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, trưởng kíp phẫu thuật đã tiến hành rút dao khỏi đầu cháu Dương Minh Phát cho biết: Sau 18 ngày điều trị, các kết quả kiểm tra cho thấy vùng não bị dao đâm vào đã lành lặn. Qua kiểm tra điện não đồ cho thấy tính đến thời điểm này, não của bé ổn định..Nỗi lo nhiễm trùng vết thương đã may mắn không xảy ra, cháu đủ sức khỏe và được xuất viện.
 Sau xuất viện, cháu Phát không phải dùng thuốc an thần và kháng sinh như điều trị trước đây. Tuy nhiên, để kiểm soát tình trạng sức khỏe, cháu sẽ phải tái khám thường xuyên tại bệnh viện Nhi đồng 1. Còn vấn đề lo ngại về di chứng thần kinh do vết thương sâu, gây tổn thương não, các bác sĩ cho biết chưa phát hiện biểu hiện. Cháu phải tiếp tục được theo dõi sau 2 năm thì mới có kết luận chính xác.
Qua việc theo dõi, chăm sóc trực tiếp cho cháu Phát, bác sĩ Phạm Thanh Tâm – Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh cũng khẳng định, hiện tại cân nặng Phát 3,7kg, bé bú sữa mẹ khỏe và vui vẻ, tươi cười. Các bệnh lý hô hấp, viêm phổi trước đây bé mắc phải đã hoàn toàn bình thường.
Như trước đấy chúng tôi đã đưa tin, bé Dương Minh Phát sau khi sinh bị bệnh lý về phổi, cháu được người nhà đưa vào chữa trị tại bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, (tỉnh Vĩnh Long). Một người phụ nữ lạ mặt đã vào bệnh viện, dùng dao đâm thấu trán cháu Phát trong đêm. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, các bác sĩ bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long đã cầm máu và chuyển Phát về cấp cứu tại bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh. Sau 30 phút tiếp nhận bệnh nhân, bệnh viện Nhi đồng 1 đã tập trung tất cả các bác sĩ giỏi nhất gồm các trưởng, phó khoa Ngoại, khoa hồi sức- gây mê, khoa mắt và chuyên gia từ khoa Ngoại Thần kinh bệnh viện 115 để hội chẩn và tiến hành phẫu thuật, mở hộp sọ, lấy dao ra khỏi đầu để cứu bé.
Bé Dương Minh Phát được cứu sống và xuất viện là điều kỳ diệu mà chính người thân trong gia đình em cũng không ngờ được. Anh Dương Minh Tiền, bố đẻ của Phát xúc động nói: “Đây là phép màu kỳ diệu mà các bác sĩ đã mang lại cho gia đình. Tôi rất cảm ơn tất cả các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1 đã quan tâm, cứu sống cháu, cảm ơn các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ gia đình vượt qua khó khăn. Đến hôm nay, cả gia đình tôi mới thở phào nhẽ nhõm vì nhìn thấy nụ cười của con, dường như Phát được các bác sĩ sinh ra một lần nữa”.
Trong 18 ngày nhập viện, các mạnh thường quân, cá nhân và tổ chức đã trực tiếp đến bệnh viện Nhi đồng 1 để t góp tiền ủng hộ cháu bé. Tính đến thời điểm hiện tại, Phát được ủng hộ 50 triệu đồng. Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh đã thay mặt bệnh viện trao tiền cho mẹ cháu Phát để chăm lo cho cháu về sau. Riêng về viện phí, bệnh viện đã làm việc với Quỹ Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh để thanh toán toàn bộ chi phí cho Phát. Ngoài ra, trong ngày 28.8 Phát sẽ được xe cứu thương của bệnh viện đưa về tận quê tại Vĩnh Long. (Sức khỏe & Đời sống; An ninh Thủ đô, Hà nội mới, Công an Nhân dân trang 2)

 Tỉ lệ mắc bệnh viêm gan đang cao

Chiều 27/8, Bộ Y tế cho biết đã gửi công văn đến Sở Y tế các tỉnh, thành và các cơ sở y tế chỉ đạo tăng cường tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, hiện nay, tỉ lệ mắc viêm gan B trong nhân dân còn cao. Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo để ngăn ngừa lây nhiễm virus viêm gan B và phòng ung thư gan cho người, thì hiệu quả nhất hiện là tiêm phòng vaccine viêm gan B ngay khi trẻ còn sơ sinh và tiêm trong vòng 24h đầu.

Nhiều năm qua, các cơ sở y tế đã thực hiện việc tiêm vaccine cho trẻ tương đối tốt, nhưng gần đây, tỉ lệ tiêm vaccine viêm gan B đạt thấp.

Vì thế, Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế, cơ sở y tế tăng cường chỉ đạo các đơn vị có phòng sinh chuẩn bị tốt và làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tiêm phòng theo quy định; tổ chức việc tiêm phòng viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh; tư vấn tốt cho sản phụ trước và sau sinh để đạt tỉ lệ tiêm vaccine viêm gan B cao. (Tuổi trẻ, Hà nội mới, Công an Nhân dân trang 2)

 Tháng 4-2016 dừng nhận bệnh nhân HIV điều trị  ARV mới

Từ tháng 4-2016 sẽ phải bắt đầu dừng nhận bệnh nhân mới điều trị ARV, trừ các trường hợp có bảo hiểm y tế hoặc các nguồn tài chính khác.

Ông Nguyễn Hoàng Long, cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), vừa lo lắng cho biết như trên.

Theo ông Long, hiện mỗi tháng có thêm 800-1.000 bệnh nhân mới được điều trị bằng thuốc kháng virút ARV miễn phí, từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, nhưng khoản tiền này đang giảm dần và sẽ bị cắt từ cuối năm 2017.

Do tài trợ bị cắt giảm, ông Long cho biết có nguồn tài chính từ quỹ bảo hiểm y tế nhưng hiện chỉ mới có trên 30% người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm. Từ năm 2018, nếu số người nhiễm HIV không có thẻ bảo hiểm y tế chưa tăng thì trên 60% người đang điều trị sẽ phải tự chi trả chi phí và nguy cơ bỏ điều trị sẽ gia tăng.

Theo ông Long, hiện đang cần nhiều chương trình hỗ trợ và vận động người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế, mục tiêu tới năm 2020 có 60% người nhiễm HIV có thẻ, để họ có thể tiếp cận dịch vụ y tế điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội và được cấp thuốc kháng virút theo phác đồ bậc 1 và bậc 2, chi phí khoảng 3-24 triệu đồng/năm, vừa điều trị vừa phòng lây lan ra cộng đồng.

Việt Nam hiện có 96.000 người nhiễm HIV được điều trị ARV miễn phí từ các nguồn tài chính kể trên, nhưng số lượng này chưa đạt 50% trên tổng số người nhiễm HIV. Trong khi nhiều nước trong khu vực số người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV lên tới trên 90%.  (Tuổi trẻ trang 14)

 Thúc đy sn xut vc-xin phòng bnh cho ngưi

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo cho biết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng Dự án đầu tư sản xuất vắc-xin phòng bệnh cho người. Theo đó, để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển việc nghiên cứu khoa học và sản xuất vắc-xin tạo ra sản phẩm vắc-xin phòng bệnh cho người an toàn, hiệu quả, Phó Thủ tướng giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chủ trì, phối hợp Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ xây dựng Dự án đầu tư nhà máy sản xuất vắc-xin quy mô công nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước tháng 12-2015. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính tiếp tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho Chương trình nghiên cứu “Phát triển sản phẩm quốc gia vắc-xin phòng bệnh cho người”. (Nhân dân trang 5)

 Hơn 50% các trưng hc có cán b y tế hc đưng

Ngày 27-8, tại cuộc gặp mặt báo chí giới thiệu công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh trong trường học, năm học 2015 - 2016, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Cả nước có khoảng hơn 40 nghìn trường học, với khoảng 20 triệu học sinh, sinh viên; trong đó mới có khoảng 50% số trường học trên cả nước có cán bộ y tế trường học. Đáng chú ý, tỷ lệ một số bệnh tật học đường như cận thị, cong vẹo cột sống, béo phì đang có chiều hướng gia tăng thời gian qua. Điển hình như, tỷ lệ cận thị trong học sinh, sinh viên chiếm từ 20% đến 25%, tại một số trường học khu vực đô thị lớn chiếm đến 50%. Vì vậy, Bộ Y tế sẽ phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục kiến thức, thay đổi hành vi; tổ chức khám sức khỏe cho học sinh, sinh viên hằng năm nhằm phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời, tránh lây lan trong cộng đồng, nhất là bệnh lây qua đường hô hấp và tiêu hóa... (Nhân dân trang 5)

 Trao kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho giáo sư nước ngoài

Lễ trao kỷ niệm chương do Bộ Y tế tổ chức tại Bệnh viện T.Ư Huế vào ngày 27/8, dành cho giáo sư David Goldstein, Giám đốc Chương trình ung thư thuộc Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ tại Huế.

Ông là chuyên gia cao cấp của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Australia và Hoa Kỳ, người dành nhiều quan tâm đặc biệt đến cải thiện chất lượng chẩn đoán và điều trị ung thư tại Việt Nam. (Tiền phong trang 2)

Mang âm nhạc đổi lấy nụ cười ở bệnh viện

Trong hai ngày 27 và 28/8, tại TPHCM, Mang âm nhạc đến bệnh viện phục vụ cán bộ y bác sỹ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện 175 (phường 3, Phú Nhuận) và Bệnh viện Nhân dân 115 (phường 12, quận 10).

Tham gia chương trình có ca sĩ Quang Hà, Ưng Hoàng Phúc, Nhật Tinh Anh, nhóm hài Anh Vũ, Bích Phượng, MC Quốc Bình, MC Nguyên Khang & Diệp Lâm Anh, Hoàng Bách, ca sĩ hải ngoại Ngọc Liên, Thái Thùy Linh, Tăng Nhật Tuệ và Tino, Giang Hồng Ngọc, Hà Vân, Phan Ngọc Luân, Khánh Hoàng, nhóm xiếc ảo thuật Hoàng Hải… 

Chương trình đã dành tặng những món quà ý nghĩa gồm tiền và hiện vật cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện. (Tiền phong trang 2)

Xử phạt 265 triệu đồng đối với 36 bếp ăn tập thể vi phạm an toàn thực phẩm

Ngày 27-8, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác an toàn thực phẩm (ATTP) bếp ăn tập thể các nhà máy tại Khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Được biết, từ đầu năm đến nay, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội đã thành lập 3 đoàn thanh kiểm tra 111 cơ sở bếp ăn tập thể của 9 KCN của Hà Nội. Qua đây, Chi cục ATVSTTP Hà Nội đã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính về ATTP đối với 36 bếp ăn tập thể với các lỗi vi phạm như: thiết kế và tổ chức bếp ăn không theo nguyên tắc một chiều, hệ thống cống thoát nước không đảm bảo, thực hiện bảo quản thực phẩm không đúng, không có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại, người chế biến không khám sức khoẻ, không lưu mẫu thức ăn…
Theo ông Trần Ngọc Tụ, các bếp ăn tập thể đã cung cấp hơn 72.000 suất ăn trung bình trong một ngày với mức giá suất ăn từ 16.000 – 25.000 đồng/suất, tính trung bình 19.000 nghìn/suất ăn cho công nhân. Qua kiểm tra, 100% bếp ăn tập thể có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP còn thời gian; 97,4% người tham gia chế biến thực phẩm có giấy khám sức khỏe; 97,2% số người sơ chế biến thực phẩm có giấy xác nhận kiến thức ATTP. Đáng chú ý, 100% cơ sở đều có kết quả kiểm nghiệm nước định kỳ dùng cho chế biến thực phẩm; 96,4% cơ sở có giấy kiểm dịch đối với sản phẩm gia súc, gia cầm; 93,7% bếp ăn tập thể có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các loại thực phẩm và 88,3% cơ sở có đủ diện tích phù hợp để bố trí các khu vực bếp ăn tập thể hoạt động bảo đảm các điều kiện vệ sinh. Tuy nhiên, một số chủ doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến bếp ăn tập thể, ít khi kiểm tra các cơ sở bếp ăn tập thể và khắc phục ngay các điều kiện về cơ sở vật chất không đảm bảo. Bộ phận quản lý ATTP của công ty chưa quan tâm nhiều đến việc giao nhận thực phẩm, cân định lượng suất ăn, giám sát, hướng dẫn để người chế biến có thói quen thực hành vệ sinh…
Qua xét nghiệm 56 mẫu (gồm: bàn tay người chế biến, thớt thái đồ chín, nước uống của công nhân, nước dùng chế biến thực phẩm) có 44/56 mẫu (chiếm 78,6%) đạt các chỉ tiêu kiểm nghiệm; 12/56 mẫu (chiếm 21,4%) không đạt về vi sinh vật, trong đó có 7 mẫu bàn tay người chế biến, 4 mẫu thớt thái đồ chín và 1 mẫu nước uống đóng chai nhiễm Coliform, Escherichia Coli (vi sinh vật có trong phân người) lại có ở bàn tay người chế biến.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Ban Quản lý KCN và chế xuất trên địa bàn cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong công tác đảm bảm ATTP. Cùng với đó, BQL cần ra công văn chỉ đạo các KCN về đẩy mạnh đảm bảo ATTP trong các bếp ăn tập thể. Đối với các doanh nghiệp, ông Hoàng Đức Hạnh yêu cầu cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể, tạo điều kiện nâng cấp sửa chữa các bếp ăn không đủ tiêu chuẩn, đặc biệt cần chú ý đến sức khỏe của người trực tiếp chế biến tại bếp ăn, thường xuyên tập huấn kiến thức ATTP đối với những đối tượng này. Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu và đưa ra khung khẩu phần ăn tối thiểu cho công nhân tại các KCN về giá và lượng calo. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra sẽ được tiến hành định kỳ. Hằng năm, Ban chỉ đạo ATVSTP TP Hà Nội sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá công tác ATTP tại các KCN, phối hợp với các đơn vị truyền thông công khai tên đơn vị vi phạm về ATTP. (An ninh Thủ đô, Hà Nội mới trang 7)

Tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước TP Hà Nội giai đoạn 2010-2015: Nghề y lấy đức làm đầu!

27 năm mở phòng khám miễn phí cho bệnh nhân nghèo, lương y Hoàng Gia Trí không nhớ hết mình đã chữa cho bao nhiêu người bệnh, cuốn sổ bệnh án cứ ngày một dày theo năm tháng. Ông tự nhận mình là một người vô danh trong hàng vạn tấm lòng thơm thảo của thành phố nghĩa tình. Bởi ông luôn quan niệm: Nghề y là lấy đức làm đầu! 
Bắc nhịp cầu nhân ái
Phòng khám Đông y Hồng Phúc đường nằm khiêm nhường ở số 2A phố Thể Giao - con phố dài chưa đầy 400m nối từ phố Tuệ Tĩnh cắt ngang phố Tô Hiến Thành ra tới phố Lê Đại Hành (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Người thầy thuốc già với khuôn mặt vuông vức, ân cần hỏi han người bệnh, nhẹ nhàng bắt mạch rồi từ tốn kê đơn. Những loại thuốc đựng trong chiếc tủ gỗ được ông bố trí từng ô ngăn nắp. Khi biết chúng tôi muốn viết về mình, ông từ chối: "Tôi có thành tích gì lớn lao đâu, nghề y lẽ đương nhiên là lấy đức làm đầu!". Thế nhưng, khi chúng tôi nhắc đến người lao động nghèo, ánh mắt ông hiện lên nỗi ưu tư.
45 năm làm việc tại Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương, ông tiếp xúc với nhiều bệnh nhân thuộc các tầng lớp khác nhau. Điều khiến ông luôn đau đáu là có nhiều người rất nghèo khổ, khó khăn, người già không con cái, không nơi nương tựa mắc bệnh trọng không biết trông cậy vào đâu. Ông nói: "Nhiều người đến bệnh viện không có tiền mua thuốc phải lẳng lặng ra về khiến tôi rất đau lòng. Là thầy thuốc, chúng tôi hơn ai hết hiểu trách nhiệm của mình thấy bệnh là phải chữa, tìm mọi cách để chữa. Điều đó thôi thúc tôi phải làm điều gì đó để giúp đỡ họ".
Phòng khám miễn phí của lương y Hoàng Gia Trí mở tại nhà tính đến nay đã hơn 27 năm. Hàng trăm thang thuốc ngày ngày tự tay bốc, rồi kê đơn, ông chữa khỏi bệnh rất nhiều bệnh nhân nghèo. Một người bệnh chia sẻ với chúng tôi: "Ở khu phố này, ai bị ho hen, ai bị chàm, tổ đỉa hay các bệnh về xương khớp… đều tìm đến ông Trí. Tận tâm chữa trị, ông chỉ lấy đúng tiền thuốc còn khám và tư vấn chữa bệnh đều miễn phí. Với bệnh nhân có hoàn cảnh quá khó khăn sẽ được cho thuốc hoặc giảm giá đến mức thấp nhất để người bệnh yên tâm chữa trị".
Ông kể cho chúng tôi về trường hợp bà Nguyễn Thị Lương (75 tuổi) ở Minh Khai (Hà Nội) không có lương hưu, gia đình neo người lại mắc nhiều bệnh. Đến phòng khám, vì không có tiền mà bà không dám cắt thuốc. Biết được hoàn cảnh, ông đã chữa bệnh miễn phí cho bà.
Và rồi giọng ông như nghẹn lại lúc kể về một bệnh nhân nữ ở Ngọc Hồi (Thanh Trì). Chị bị bệnh u buồng trứng, đại tràng, bị sỏi thận và nhiều chứng bệnh kéo theo. Nhà nghèo, chồng chạy xe ôm, chị không có công ăn việc làm, đã thế lại đông con. Gia đình đã phải bán hết tài sản, vay mượn để chữa trị nhưng bệnh không thuyên giảm. Chị đành phó mặc cho số phận. Nhờ người quen giới thiệu, chị tìm đến phòng khám, được lương y tận tình cứu chữa, giảm tiền thuốc, sức khỏe chị đã có tiến triển tốt. Thế nhưng, để chữa khỏi căn bệnh ấy cần phải phí chữa trị rất nhiều.
Vị thầy thuốc ngậm ngùi: “Thương quá, tôi đã kêu gọi giúp đỡ từ các nhà hảo tâm. Lúc ấy, một vị khách nước ngoài từng được tôi chữa trị đã động lòng trước bi kịch của gia đình chị và đã ủng hộ tiền để chị chữa bệnh. Cứ 2 tháng một lần chị đến lấy thuốc mà không phải chi trả một khoản tiền nào". Tất nhiên, không phải ai cũng may mắn được chi trả hoàn toàn tiền thuốc như vậy. Bởi đến khám bệnh nơi ông có nhiều người gia cảnh khó khăn, vì vậy thuốc cần phải dành cho những người nghèo hơn, khổ hơn.
Cứ thế, lương y Hoàng Gia Trí đã thầm lặng bắc một nhịp cầu nhân ái giữa những người có tấm lòng "thương người như thể thương thân" đến với những số phận nghèo trong cơn khốn khó. Vị lương y luôn bảo phải cảm ơn những "Mạnh thường quân" đã cùng ông kề vai sát cánh, giúp bệnh nhân nghèo tìm lại tương lai và niềm hy vọng. "Tiếng lành đồn xa" người bệnh từ khắp nơi tìm đến ông không chỉ bởi tài năng mà còn bởi tấm lòng nhân hậu ông dành cho người nghèo rơi vào cảnh khó khăn bệnh tật.
Nghề gia truyền ân đức
Lương y Hoàng Gia Trí sinh ra trong gia đình đã có tới 3 đời bốc thuốc cứu người nên tấm lòng nhân ái cũng được nuôi dưỡng với chiều dài nghề thuốc. Với kiến thức cha truyền con nối của gia đình; các cụ tiền bối nhà ông Trí, rồi đến ông, đến bây giờ là con trai ông - Tiến sĩ y khoa Hoàng Lam Dương, sinh năm 1970, hiện đang công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương cũng nối nghiệp cao cả ấy. Bản thân ông và những thành viên trong gia đình đã âm thầm, lặng lẽ giữ vững cốt cách lương y với những việc làm nhân ái, không khoa trương.
Chủ nhân của Hồng Phúc đường là người thừa kế kinh nghiệm chữa bệnh của cụ Nguyễn Sỹ Tần với nhiều bài thuốc quý, trong đó nổi tiếng với bài thuốc chữa ho. Tiếng tăm phòng khám không chỉ ở trong nước mà còn lan ra tận nước ngoài. Những vị khách ngoại quốc tìm đến phòng khám của ông rất đông. Thấy bệnh thuyên giảm, khi về nước, họ còn yêu cầu ông chuyển thuốc ra nước ngoài.
Ông kể cho chúng tôi nghe về ông Robert, quốc tịch Sri Lanka - là doanh nhân, từng làm việc tại 50 nước trên thế giới. Trong những ngày tháng ấy, ông Robert đã làm bạn thân tình với người Việt Nam, được lương y Hoàng Gia Trí chữa khỏi bệnh. Trong nhiều lần đến thăm Hồng Phúc đường, động lòng trước những hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân nghèo ông đã bàn với con trai giúp đỡ họ. Và rồi ông Trí đã thống nhất dùng số tiền nhân đạo của ông Robert quy đổi ra thuốc theo định kỳ. Ngoài ra, trích một phần tiền để giúp bệnh nhân có phí đi lại, lấy tiền mua gạo trong thời kỳ chữa bệnh.
Ông Hoàng Gia Trí hỏi chúng tôi: Có biết vì sao ông lại có nguyên tắc chỉ cho bệnh nhân thuốc mà không cho tiền? Rồi giải thích: "Những bệnh nhân nghèo, không có tiền lấy thuốc đã đành, bản thân họ trong nhà cũng không có cái để ăn. Nếu cho họ tiền, chắc chắn rằng họ sẽ dùng số tiền đó mua gạo nuôi con chứ không quan tâm đến sự sống chết của bản thân. Vậy nên, giúp đỡ thuốc chữa bệnh là cách tốt nhất để họ có sức khỏe làm việc và kiếm nhiều tiền hơn". 
Cả đời gắn bó và cống hiến, thầy thuốc Hoàng Gia Trí không chỉ chữa bệnh cứu người mà còn góp phần làm cầu nối đưa Y học cổ truyền Việt Nam ra thế giới. Những năm gần đây, ông Trí còn kết hợp với Công ty du lịch Phượng Hoàng (Hà Nội) để giới thiệu đến khách du lịch nước ngoài những thành tựu của y học cổ truyền Việt Nam.
Trong suốt cuộc trò chuyện, điện thoại của vị bác sĩ già đổ chuông liên tục. Ông cười: "Với quan niệm làm nghề thuốc cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp, nên có thời điểm 3 năm liền tôi làm chuyên gia tư vấn miễn phí cho chương trình Tư vấn Sức khỏe của tổng đài 1080". Có lẽ thế, cho đến tận bây giờ, ngày nào cũng vậy, những cuộc gọi nhờ tư vấn chữa bệnh, đặt thuốc, gửi thuốc… đến từ khắp nơi. Với ông, chuyện giúp đời, giúp người chỉ để làm tròn tâm nguyện của một người thầy thuốc. (An ninh Thủ đô, Hà Nội mới trang 8)

Phòng dịch bệnh mùa tựu trường

Mùa khai trường cũng là thời điểm hàng loạt dịch bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm mùa… bước vào đỉnh dịch.

Mùa khai trường cũng là thời điểm hàng loạt dịch bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm mùa… bước vào đỉnh dịch. Ngành y tế và ngành giáo dục đồng cảnh báo, nếu không chủ động phòng chống ngay từ đầu, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, bùng phát trong trường học là rất lớn.
Ngày 27-8, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên – Bộ GD&ĐT cho biết, hiện chưa ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) nào trong trường học, các dịch bệnh khác cũng được kiểm soát tốt. Tuy vậy, với số lượng trên 40.000 trường học phổ thông trên cả nước và trên 20 triệu học sinh thì môi trường học đường luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây truyền bệnh dịch, đặc biệt là các bệnh đường hô hấp, tay chân miệng (TCM), SXH, cúm mùa… 
Phân tích về các nguy cơ này, ông Nguyễn Đức Khoa, Phó trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, mùa học sinh tựu trường trùng với thời điểm giao mùa từ hè sang thu, đây là thời điểm thuận lợi cho nhiều loại virus, vi khuẩn gây bệnh, muỗi truyền bệnh phát triển. Trong đó, đỉnh dịch SXH thường rơi vào khoảng tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, hiện nhiều địa phương có số mắc tăng cao so với cùng kỳ, nhất là các tỉnh Đông Nam bộ và Hà Nội. Dịch TCM cũng có chu kỳ tăng mạnh trong những tháng cuối năm, trùng với thời điểm học sinh tựu trường. Ông Nguyễn Đức Khoa nhấn mạnh, học sinh, nhất là trẻ mẫu giáo (dưới 5 tuổi) là nhóm có số lượng mắc TCM cao nhất. 
TS Trương Đình Bắc cho biết thêm, vào thời điểm mùa tựu trường, số lượng trẻ mắc các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa cũng thường gia tăng. Do vậy, ngành giáo dục cần phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để tổ chức phổ biến, hướng dẫn kiến thức phòng bệnh, cách nhận biết triệu chứng một số bệnh thường gặp ở trẻ để từ đó tuyên truyền đến học sinh, phụ huynh chủ động phòng bệnh cho trẻ. 
Cụ thể, với bệnh đường hô hấp, cần hướng dẫn học sinh các biện pháp phòng bệnh quan trọng gồm: ăn mặc đủ ấm trong thời tiết chuyển mùa, thường xuyên rửa tay xà phòng, giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn uống đủ chất, che miệng khi hắt hơi, chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine. Với bệnh tiêu hóa, biện pháp phòng bệnh quan trọng là giữ gìn an toàn vệ sinh thực phẩm, không ăn quà vặt trước cổng trường…
Cũng theo ông Trương Đình Bắc, nhiều loại bệnh học đường đang có xu hướng gia tăng mạnh. Tỷ lệ mắc tật khúc xạ trong học sinh ở nước ta đã tăng lên tới 20-30%. Tại các đô thị lớn, nhiều lớp học có đến 50% học sinh cận thị. Tương tự, thừa cân béo phì cũng đang tăng mạnh, chiếm tỷ lệ 15-40%. Đặc biệt, bệnh rối nhiễm tâm trí ở học sinh đang rất báo động với tỷ lệ từ 7-20% học sinh có dấu hiệu rối nhiễm tâm trí... Đây là vấn đề đòi hỏi ngành giáo dục và y tế phải có giải pháp ngăn ngừa hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe cho học sinh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Australia

Từ ngày 24-25/8, đoàn đại biểu cấp cao của Bộ Y tế do PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã thăm chính thức song phương Australia.

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ Australia đã có nhiều hỗ trợ hiệu quả cho ngành y tế Việt Nam như: Dự án phòng chống HIV/AIDS; Dự án Chương trình phát triển nguồn nhân lực y tế do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Úc đồng tài trợ; Dự án Nâng cao năng lực tuyên truyền và cung cấp dịch vụ vệ sinh môi trường bền vững do Chính phủ Úc viện trợ thông qua Ngân hàng Thế giới và nhiều chương trình hợp tác khác. Từ năm 2005 đến nay, hàng trăm cán bộ y tế bao gồm bác sỹ, dược sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên y học thuộc các lĩnh vực y học cơ bản, y học cơ sở và lâm sàng từ các bệnh viện đã được đào tạo về chuyên môn tại các cơ sở y tế hàng đầu của Úc. Hàng năm Quỹ Học mãi của trường Đại học Tổng hợp Sydney do Gs. Marie Bashir, Thống đốc bang New South Wales sáng lập đã tài trợ cho các chuyên gia, giảng viên của Đại học Tổng hợp Sydney và các Bệnh viện của Australia sang Việt Nam giảng dạy và chuyển giao kỹ thuật tại các Bệnh viện, Trường Đại học Y ở Việt Nam.

Chuyến thăm Australia của Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam và đoàn công tác lần này nhằm tăng cường quan hệ hợp tác đối tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam – Úc nói chung và hợp tác trong lĩnh vực y tế nói riêng; học tập và chia sẻ kinh nghiệm về hệ thống y tế của Úc; chăm sóc sức khỏe cho người dân ở vùng sâu vùng xa, kinh nghiệm triển khai thực hiện bảo hiểm y tế cho người nghèo, bảo hiểm y tế toàn dân; mô hình đào tạo đại học và sau đại học. Đây là những lĩnh vực đã được Úc triển khai thành công trong những năm qua. Kinh nghiệm của Úc về cơ cấu tổ chức hệ thống y tế sẽ hỗ trợ hiệu quả cho việc xây dựng chính sách và triển khai công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân Việt Nam trong thời gian tới.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Australia, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế Liên bang Australia Sussan Ley. Hai bên đánh giá cao hợp tác trong lĩnh vực y tế giữa Việt Nam và Australia trong thời gian qua đồng thời mong muốn tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực phòng chống bệnh mới nổi và các bệnh tái xuất hiện, các bệnh không lây nhiễm, đào tạo nguồn nhân lực, trao đổi các đoàn sang chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm về các lĩnh vực hai bên quan tâm.

Đoàn công tác của Bộ Y tế đã tìm hiểu về hệ thống y tế của Australia, hợp tác đối tác công tư trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư xây dựng bệnh viện. Bộ Y tế Australia đã chia sẻ về gói dịch vụ cơ bản chăm sóc sức khỏe toàn dân và gói dịch vụ về dược phẩm; trình bày về công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu ở vùng sâu, vùng xa tại Australia, về quản lý và đàm phán giá thuốc. Hai bên cũng đã trao đổi về cơ hội hợp tác trong tương lai tại các diễn đàn y tế quốc tế quan trọng như Nhóm Công tác Y tế của APEC, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng như Liên minh các nhà Lãnh đạo Châu Á Thái Bình Dương về phòng chống Sốt rét (APLMA) mà Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã tham gia đồng chủ trì cùng Thủ tướng Úc. Hiện tại, Bộ Y tế đang phối hợp với Ban Thư ký APLMA, phía Úc và các bên liên quan xây dựng lộ trình loại trừ sốt rét đến năm 2030 tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương để đệ trình lên Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á 2015 vào tháng 11/2015 tại Malaysia. Việt Nam và Úc cũng đang hợp tác chặt chẽ trong diễn đàn an ninh y tế toàn cầu (GHSA) và thực hiện điều lệ y tế quốc tế (IHR) của Tổ chức y tế thế giới.

Trong thời gian qua Australia cũng tích cực hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo về ngoại giao y tế toàn cầu nhằm giúp Việt Nam chủ động tham gia vào các diễn đàn y tế quốc tế đồng thời Úc cũng bày tỏ ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí thành viên của Hội đồng chấp hành của WHO vào nhiệm kỳ 2016 – 2017. Úc ủng hộ Việt Nam trong vai trò là nước chủ nhà của APEC năm 2017 và cũng đề nghị Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về công tác tổ chức Hội nghị WHO khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63 mà Việt Nam đã tổ chức rất thành công vào năm 2012 để Úc học tập kinh nghiệm tổ chức vào năm 2017. Những hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Úc trên các diễn đàn y tế quốc tế giúp nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam và Úc trong khu vực và trên trường quốc tế, đồng thời thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực y tế.

Đoàn công tác của Bộ Y tế cũng làm việc với Viện Sức khỏe và Phúc lợi xã hội của Australia, một cơ quan độc lập có vai trò thu thập và phân tích thông tin dữ liệu về lĩnh vực y tế trong toàn quốc nhằm giúp cho quá trình hoạch định chính sách y tế dựa trên bằng chứng. Đoàn đã đến làm việc với Trường Y, Sinh học và Môi trường, Đại học Quốc gia Úc (ANU) để tìm hiểu về hệ thống đào tạo y khoa tại Úc; chính sách y tế công và thảo luận về khả năng hợp tác về đào tạo quản lý y tế trong tương lai.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và đoàn công tác đã làm việc với Bộ Dịch vụ con người, tìm hiểu về vai trò của Bộ Dịch vụ con người trong hệ thống chăm sóc sức khỏe; các dịch vụ phúc lợi xã hội cho người dân, bao gồm bảo hiểm y tế, đặc biệt là việc cung cấp các dịch vụ phúc lợi xã hội cho người dân sống ở vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa; các dịch vụ cho người già, trẻ em cũng như tìm hiểu về hệ thống bảo hiểm y tế xã hội của Úc.

Đoàn đại biểu cấp cao của Bộ Y tế đã rời Úc về nước vào ngày 26/8/2015, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Australia. (Sức khỏe & Đời sống trang 1)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang