Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 28/9/2020

  • |
T5g.org.vn - Thêm 5 ca mắc mới Covid-19 được cách ly ngay khi nhập cảnh; Việt Nam mua vắc xin covid- 19 cho toàn dân: 10 USD/liều, cần khoảng 1 tỉ USD; Cứu một ngư dân đột quỵ bằng trực thăng; Kỳ tích chống Covid-19: Sức mạnh của Ý Đảng lòng dân - Bài 1: Chủ động đối mặt!

 

Thêm 5 ca mắc mới Covid-19 được cách ly ngay khi nhập cảnh

Chiều tối 27-9, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày, cả nước đã ghi nhận thêm 5 ca mắc Covid-19 (từ ca thứ 1.070 đến 1.074), đều là người nhập cảnh.

Các ca bệnh trên từ Pháp về Việt Nam trong chuyến bay VN5010, nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) ngày 25-9, được chuyển cách ly tập trung ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Bình Dương và được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Cả 5 ca mắc mới Covid-19 đều là người ở tỉnh Hà Nam.

lTrung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) vừa có văn bản gửi trung tâm y tế các quận huyện về việc giám sát và xét nghiệm đối với bệnh nhân Covid-19 sau xuất viện, người đang cách ly và người sau cách ly phòng chống Covid-19. 

Cụ thể, đối với bệnh nhân sau xuất viện, cần tiếp tục cách ly 14 ngày. Xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 7 và 14 sau xuất viện. Đối với người đang cách ly, trường hợp người tiếp xúc gần với bệnh nhân xác định, bệnh nhân tái dương tính, cần cách ly tập trung. Xét nghiệm ít nhất 2 lần ngay khi cách ly (ngày thứ nhất), lần 2 trước khi hoàn thành thời gian cách ly (ngày thứ 14). Trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam làm việc ngắn ngày, cần thực hiện cách ly nhưng được phép di chuyển theo lịch trình đã khai báo.

Xét nghiệm lần 1 ngay khi về nơi cách ly, lấy mẫu 2 ngày/lần trong thời gian lưu trú tại Việt Nam và trước khi rời khỏi Việt Nam 1 ngày. Trường hợp người nhập cảnh làm việc trên 14 ngày, phải cách ly tập trung 6 ngày tại khách sạn hoặc địa điểm được UBND TPHCM cho phép. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, tiếp tục tự cách ly tại nhà cho đủ 14 ngày. Xét nghiệm lần 1 ngay khi về nơi cách ly tập trung; lần 2 vào ngày thứ 6 tại nơi cách ly tập trung, lần 3 vào ngày thứ 14 kể từ ngày nhập cảnh; lấy mẫu ngay khi có triệu chứng nghi ngờ.

Trường hợp người nhập cảnh khác 2 đối tượng trên, cần cách ly tập trung;  xét nghiệm ít nhất 2 lần, lần 1 ngay khi về nơi cách ly tập trung (ngày thứ nhất), lần 2 trước khi hoàn thành thời gian cách ly (ngày thứ 14); lấy mẫu xét nghiệm ngay khi có triệu chứng nghi ngờ (Sài Gòn giải phóng, trang 9).

 

Việt Nam mua vắc xin covid- 19 cho toàn dân: 10 USD/liều, cần khoảng 1 tỉ USD

Việt Nam đã qua 25 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới ngoài cộng đồng, sau đợt dịch COVID-19 khá mạnh bắt đầu từ Đà Nẵng. Tuy nhiên, số ca mắc trên thế giới đã vượt quá 33 triệu ca và nguy cơ sẽ tăng mạnh trong mùa đông tới đây.

Vì vậy, bao giờ có vắc xin, giá vắc xin thế nào, ai được tiêm... vẫn là mối quan tâm của toàn thế giới. Ở Việt Nam, có 2 nguồn vắc xin chính, sớm nhất có thể có vào năm 2021 tới.

Nhà nước và nhân dân cùng chi trả?

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 27-9, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết hiện có 2 nguồn vắc xin ngừa COVID-19 chính, bao gồm vắc xin trong nước với 4 nhà sản xuất đang chạy đua và đều đang ở giai đoạn thử nghiệm trên động vật.

Nguồn thứ 2 là vắc xin nhập khẩu, với 3 nguồn chính và Việt Nam đều đã đặt hàng, nhận được cam kết sẽ được cung cấp sớm, với giá ưu đãi dành cho nước đang phát triển (khoảng 10 USD/liều tiêm 2 mũi).

Là 1 trong số 4 nhà sản xuất vắc xin trong nước, Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đã phối hợp cùng Đại học Bristol, Anh quốc, tham gia phát triển vắc xin này từ rất sớm. 

Ông Đỗ Tuấn Đạt, chủ tịch Vabiotech, cho biết vắc xin ngừa COVID-19 của nhóm nghiên cứu thuộc Vabiotech đã được thử nghiệm trên chuột nhắt về tính sinh miễn dịch, thử độc tính, dò liều, khả năng bảo vệ... và đều nhận được kết quả có triển vọng. Nhóm đang triển khai tiếp trên chuột Hamster, nếu đúng như kế hoạch, hi vọng 2021 vắc xin của Vabiotech có thể tiêm thử nghiệm trên người.

Tuy nhiên, đang có một khó khăn khiến quá trình thử nghiệm, nghiên cứu vắc xin ngừa COVID-19 tại Việt Nam bị chậm, đó là Việt Nam chưa có khả năng đánh giá hiệu quả bảo vệ của vắc xin trên động vật lớn, cụ thể là trên linh trưởng (khỉ). 

Thế giới cũng chỉ có một số trung tâm thực hiện được việc này nhưng các trung tâm đều đang rất bận rộn, vì cùng lúc có chừng 200 công ty toàn thế giới tham gia phát triển vắc xin ngừa COVID-19, trong đó có 4 công ty Việt Nam.

Trong tình huống này, vắc xin ngoại sẽ được ưu tiên nhập khẩu trong lúc chờ đợi vắc xin "hàng nội". Với chi phí được cho là ưu đãi, 95 triệu người Việt Nam sẽ cần nguồn ngân sách khoảng 1 tỉ USD để mua vắc xin. 

Theo nguồn tin từ Bộ Y tế, các tính toán gần đây đều dựa trên chủ trương mua đủ vắc xin ngừa COVID-19 cho toàn dân. Nhưng trong khi nguồn cung cấp ít ỏi, sẽ tiêm trước cho những người nguy cơ cao nhất, dễ bị lây nhiễm nhất (nhân viên y tế, người làm việc tại khu vực nguy cơ cao...), và những người nếu nhiễm COVID-19 sẽ dễ có biến chuyển nặng (người già, người bệnh mãn tính...) trước.

Chi phí dự kiến 1 tỉ USD này hiện chưa biết sẽ tính toán như thế nào, ai phải chi trả phí tiêm chủng, nhưng rất có thể sẽ được tính theo hướng "Nhà nước và nhân dân cùng làm".

Hi vọng vắc xin Việt

Tháng 8 vừa rồi, đoàn của Bộ Y tế đã đến tham quan dây chuyền sản xuất vắc xin của 1 trong 4 đơn vị đang nghiên cứu sản xuất vắc xin ngừa COVID-19. Đánh giá của Bộ Y tế cho thấy nhóm nghiên cứu đang sử dụng những công nghệ mới nhất, tương đương ở nước ngoài. 

Tại các nhà sản xuất vắc xin chuyên nghiệp như IVAC (Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang) hay Vabiotech, quá trình thử nghiệm trên động vật đều đã trải qua 3-4 vòng, tháng 7 vừa qua, IVAC cũng đã gửi mẫu vắc xin ngừa COVID-19 đi Mỹ để đánh giá...

Việt Nam là quốc gia có công nghiệp sản xuất vắc xin. Hiện vắc xin đang sử dụng trong tiêm chủng mở rộng như vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản, vắc xin ngừa viêm gan B, vắc xin sởi, vắc xin kết hợp sởi - rubella... đều được sản xuất trong nước.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Tuấn Đạt nói rất thận trọng về triển vọng sớm có vắc xin ngừa COVID-19 "made in Việt Nam" cung cấp cho tiêm chủng, nhưng ông cho biết rất hi vọng về dự án này. Đây cũng là lần đầu tiên có một quỹ đầu tư tham gia cấp vốn cho phát triển vắc xin ở Việt Nam.

Có thể nhận chuyển giao công nghệ

Bộ Y tế đang tìm cách tháo gỡ những khó khăn về thử nghiệm vắc xin trên linh trưởng, lý do đang làm chậm tiến độ nghiên cứu vắc xin ngừa COVID-19 ở Việt Nam" - thông tin từ Bộ Y tế cho biết. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể nhận chuyển giao công nghệ để sản xuất vắc xin này tại Việt Nam, ngay sau khi vắc xin này được công nhận trên thế giới.

Sớm có vắc xin tức là sớm có thêm một công cụ hữu hiệu phòng ngừa bệnh, sớm tự do đi lại, giao thương, du lịch, học hành... Và hi vọng lần này có vắc xin sản xuất tại Việt Nam (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Cứu một ngư dân đột quỵ bằng trực thăng

Sáng 27-9, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc Phòng) cho biết, vừa thực hiện chuyến cấp cứu đường không đưa bệnh nhân là ngư dân Trần Quốc Oanh (41 tuổi, tỉnh Bình Định) từ đảo Phan Vinh, huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) bị đột quỵ não về đất liền điều trị. Ngư dân Trần Quốc Oanh là thuyền viên trên tàu cá, hành nghề lưới vây cá ngừ. Vào khoảng 10 giờ 40 phút ngày 25-9, trong lúc đánh bắt hải sản, ông có biểu hiện đau đầu dữ dội, nôn khan, co giật, sùi bọt mép, kích thích đau không đáp ứng.

Đến 14 giờ 30 cùng ngày, ông được các ngư dân trên tàu đưa vào bệnh xá đảo Phan Vinh (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, co giật, đồng tử 1mm, không đáp ứng ánh sáng.

Tại đây, bệnh nhân được các bác sĩ quân y đảo Phan Vinh đã tích cực thăm khám và điều trị bước đầu cho bệnh nhân, đồng thời kết nối cầu truyền hình qua hệ thống Telemedicine với Bệnh viện Quân y 175.

Thông qua hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán ban đầu nhận định ngư dân bị vỡ phình mạch não, chưa loại trừ viêm màng não, tiên lượng rất xấu. Các bác sĩ quyết định cho bệnh nhân thở oxy, dùng thuốc chống phù não, điện giải, đặt ống thông dạ dày, thông tiểu… cho ngư dân.

7 giờ 30 ngày 26-9, trực thăng EC225 mang số hiệu VN8619 của Binh đoàn 18 cùng tổ cấp cứu đường không Bệnh viện Quân y 175 đã bay ra đảo Phan Vinh và tiếp cận bệnh nhân lúc 11 giờ, đưa về đất liền điều trị.

Đến 17 giờ 15 cùng ngày, tổ bay đã vận chuyển bệnh nhân về đến sân bay Tân Sơn Nhất. Bệnh nhân chuyển về  37,7 độ C, tự thở, mạch huyết áp bình thường.

Khuya ngày 26-9, kết quả hội chẩn, chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết não thất 2 bên, phù não nặng. Hiện ngư dân đang được tiếp tục theo dõi và điều trị tích cực (Sài Gòn giải phóng, trang 9).

 

Kỳ tích chống Covid-19: Sức mạnh của Ý Đảng lòng dân - Bài 1: Chủ động đối mặt!

 Việt Nam đã trải qua 2 đợt dịch Covid-19. Mỗi đợt đều có những đặc điểm, quy mô khác nhau, tuy nhiên nhờ chủ động và linh hoạt trong ứng phó, Việt Nam đã cơ bản thành công trong cuộc chiến chống dịch. Mặc dù dịch còn diễn biến phức tạp trên thế giới và vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại trong nước, nhưng chúng ta có niềm tin: Nếu toàn dân đồng lòng thực hiện triệt để đường hướng chống dịch theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ như trong thời gian qua, Việt Nam sẽ tiếp tục chiến thắng. 

Đã hơn 10 tháng kể từ khi bệnh nhân Covid-19 đầu tiên được phát hiện tại Vũ Hán (Trung Quốc). Đó cũng là thời gian Việt Nam phải căng mình chống dịch với quá nhiều nguy cơ tiềm tàng khi nước ta có chung đường biên dài với Trung Quốc và có các hoạt động giao thương rộng khắp thế giới. Tuy nhiên, với tâm thế hoàn toàn chủ động, dưới sự lãnh đạo sát sao và toàn diện của Đảng, Chính phủ đã nhận thức đúng tình hình và thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 với quyết tâm cao nhất “chống dịch như chống giặc”...

Đi trước một bước

Tính đến ngày 27-9, thế giới đã ghi nhận hơn 33 triệu ca mắc Covid-19, gần 1 triệu người tử vong. Nhiều quốc gia vẫn đang vật lộn chống dịch. Nhiều nước đang phải quay lại các biện pháp hạn chế như: không được tụ tập bên ngoài, đóng cửa các cơ sở giải trí, giữ khoảng cách an toàn... Thậm chí, một số quốc gia còn để ngỏ khả năng phong tỏa trở lại.

Còn tại Việt Nam, tính đến hết ngày 27-9, cả nước ghi nhận tổng cộng 1.074 ca mắc Covid-19 (trong đó có 691 ca lây nhiễm trong nước, còn lại là người nhập cảnh); 1.000 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và có 35 trường hợp tử vong. Nếu tính tỷ lệ ca mắc trên tổng dân số và số ca tử vong trên tổng số người nhiễm, Việt Nam được đánh giá là quốc gia kiểm soát dịch thành công.

Đặc biệt, đến thời điểm ngày 27-9, Việt Nam đã trải qua 25 ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Còn tại tâm dịch đợt 2 là TP Đà Nẵng cũng đã 27 ngày không ghi nhận lây nhiễm cộng đồng và hiện cũng không còn người mắc Covid-19 nào (bệnh nhân cuối cùng ở Đà Nẵng đã được công bố khỏi bệnh và cho xuất viện vào sáng 23-9).

Nhìn lại quá trình triển khai phòng chống dịch Covid-19, có thể thấy Việt Nam đã giành được thành quả từ một vạch xuất phát rất đáng lo. Nằm sát biên giới với Trung Quốc, cách không xa tâm dịch Vũ Hán, nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn.

Khi dịch Covid-19 lan nhanh toàn cầu, Việt Nam - một quốc gia có độ mở vào loại cao nhất thế giới, có nguy cơ dịch bùng phát càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, chúng ta đã triển khai chống dịch theo từng bước một cách chắc chắn và hiệu quả; không chỉ bám sát diễn biến dịch bệnh trên thế giới mà ta còn chủ động đi trước một bước, đối phó ở tầm mức cao hơn.

Giữa tháng 1-2020, chỉ 5 ngày sau khi Trung Quốc công bố bệnh nhân đầu tiên chết vì virus lạ gây viêm phổi, hệ thống giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam đã được kích hoạt, mặc dù khi đó Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới chỉ nhận định virus SARS-CoV-2 có khả năng lây từ người sang người ở mức độ hạn chế, chưa có khuyến cáo đặc biệt về hạn chế đi lại. 

Phải sau 6 tháng, khi dịch đã trở thành thảm họa với con số ca mắc và người chết tăng từng giờ, thế giới mới có thể đưa ra 4 giải pháp căn bản: đeo khẩu trang; hạn chế tiếp xúc; rửa tay, sát trùng; cách ly triệt để. Nhưng ở Việt Nam, cả 4 giải pháp đó chúng ta đều đã nhận ra và hành động từ đầu một cách quyết liệt. Trong đó, giải pháp đeo khẩu trang thực sự là một trong những câu chuyện đáng nhớ nhất của mùa dịch, thể hiện rõ nét sự “đi trước một bước” của công tác chống dịch (ngày 16-3, toàn dân Việt Nam bắt buộc phải đeo khẩu trang nơi công cộng). Khi khẩu trang đã trở thành vật “bất ly thân” của mọi người dân Việt Nam mỗi khi ra đường thì cùng thời điểm, người dân nhiều nước còn có thái độ kỳ thị người đeo khẩu trang. Cho đến đầu tháng 7-2020, khi số người lây nhiễm trên thế giới hơn 13 triệu thì câu chuyện về khẩu trang đã thay đổi.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người từng phản đối trong suốt thời gian dài, đã phải đeo khẩu trang khi thăm Bệnh viện quân đội Walter Reed bên ngoài Washington và tuyên bố: “Tôi ủng hộ đeo khẩu trang”. Tương tự, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã ra thông báo, việc đeo khẩu trang là “bắt buộc tại tất cả địa điểm công cộng” từ ngày 1-8. 

Thiết lập “quân lệnh như sơn”

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, nhìn lại, ngay khi có bệnh nhân Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thiết lập cơ chế “quân lệnh như sơn”, yêu cầu quân đội vào cuộc tức thời. Ngay trong chiều mùng 3 Tết Canh Tý, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã gửi thư tới toàn quân nhấn mạnh tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Sau này, khi dịch xảy ra, quân đội đã chịu trách nhiệm chủ đạo trong nhiệm vụ cách ly người nghi nhiễm, tiếp nhận, tổ chức cách ly y tế hàng trăm ngàn người nhập cảnh từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch vào Việt Nam. Toàn tuyến biên giới trên bộ đã có hơn 1.200 tổ, chốt được Bộ đội Biên phòng thành lập, hàng chục ngàn chiến sĩ biên phòng ăn lán, ngủ rừng, dầm mưa thực thi nhiệm vụ đúng như trong thời chiến…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19, đánh giá, Việt Nam chống dịch thành công vì Chính phủ, Thủ tướng ngay từ đầu đã chỉ đạo quyết liệt. Từ ngày 7-3, bắt buộc khai báo y tế với hành khách nhập cảnh vào Việt Nam; từ 10-3, toàn dân bắt đầu thực hiện khai báo y tế; từ 1-4 toàn dân thực hiện giãn cách xã hội… Hàng loạt mệnh lệnh nóng hổi được đưa ra từ những cuộc họp bất kể thời gian của ban chỉ đạo quốc gia, sau đó được triển khai một cách thần tốc đến từng địa phương, từng người dân.

Nhờ vậy, công tác chống dịch đợt 1 của Việt Nam đã có hiệu quả một cách chắc chắn, dập tắt mọi nghi ngờ của dư luận trong và ngoài nước. Số ca mắc ở đợt 1 cực kỳ thấp, chỉ hơn 400 ca. Việt Nam trải qua 6 tháng không có bất kỳ ca tử vong nào - điều được xem là thần kỳ trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát dữ dội trên thế giới. Đến giữa tháng 4-2020, người dân dần quay trở lại cuộc sống bình thường.

Thắng lợi đợt đầu nhưng không chủ quan, Việt Nam vẫn luôn sẵn sàng cho những làn sóng dịch mới. Và không nằm ngoài dự đoán, sau 99 ngày cả nước không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, khi du lịch nội địa được khởi động trở lại, ngày 25-7, Việt Nam công bố ghi nhận bệnh nhân thứ 416 ở quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Thành phố biển với khoảng 1,4 triệu hành khách từ các địa phương đi, đến trong những ngày cao điểm du lịch phút chốc trở thành tâm dịch.

Sáng 25-7, Thường trực Chính phủ lập tức họp về phòng chống dịch. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ yêu cầu bình tĩnh nhưng không chủ quan; khoanh vùng, dập dịch, bằng mọi giá không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng. Từ ngày 28-7, Đà Nẵng phải cách ly xã hội ở mức cao nhất. Cùng với sự tiếp sức kịp thời của ngành y tế và quân đội, Đà Nẵng đã vượt qua đợt dịch một cách khá ngoạn mục, tạo niềm tin rất lớn cho nhân dân.

Tại thời điểm dịch xuất hiện ở Đà Nẵng, khi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, đã bày tỏ ấn tượng với cách Chính phủ, Bộ Y tế và địa phương ứng phó với dịch. Ông Kidong Park nhận định, Việt Nam với hệ thống giám sát y tế hiệu quả nên đã phát hiện sớm, kịp thời các ca bệnh và toàn hệ thống phòng chống dịch bệnh của Việt Nam đã phản ứng rất nhanh chóng, triển khai đồng bộ các biện pháp tổ chức cách ly, giám sát, truy vết, khoanh vùng dập dịch...

Và dù Việt Nam có thêm hàng trăm ca mắc khi đón công dân từ nước ngoài về khiến số ca nhiễm bệnh ghi nhận tại Việt Nam tăng nhanh, nhưng không vì thế làm thay đổi kết quả, thành công trong công tác chống dịch của Việt Nam (Sài Gòn giải phóng, trang 6).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang