Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 29/8/2023

  • |
T5g.org.vn - Đã có hơn 68.000 ca mắc tay chân miệng, 6 biện pháp phòng bệnh khi năm học mới đến gần; Bộ Y tế cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành 355 loại thuốc, gồm những sản phẩm gì?

 

Đã có hơn 68.000 ca mắc tay chân miệng, 6 biện pháp phòng bệnh khi năm học mới đến gần

Số ca mắc tay chân miệng tính đến thời điểm này đang tăng hơn 52% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia khuyến cáo năm học mới đến gần nên phụ huynh tuyệt đối không được lơ là chủ quan, tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan...
Một tuần ghi nhận hơn 5.700 ca mắc tay chân miệng
Theo thống kê, trong tuần 33/2023 cả nước ghi nhận 5.727 trường hợp mắc tay chân miệng, không ghi nhận ca tử vong. So với tuần trước (6.535/0) số mắc giảm 12,4%. Tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 68.096 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 18 tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (44.724/3) số mắc tay chân miệng năm nay tính đến thời điểm này tăng 52,3%, số ca tử vong tăng 15 trường hợp.

Tại TP Hồ Chí Minh, tính từ ngày 14/8- 20/8/2023 (tuần 33), số ca mắc bệnh tay chân miệng giảm với 1.869 ca bệnh được ghi nhận, trong khi ở tuần 31, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 2.401 ca mắc bệnh tay chân miệng, tuần 30 là 2.665 ca mắc.

Các chuyên gia cho hay, bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Bệnh có thể xảy ra trên mọi đối tượng, tuy nhiên có đến 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng và dễ gây các biến chứng và có thể tử vong.

Ở nước ta bệnh tay chân miệng từ đầu năm 2023 đến nay có sự gia tăng tỷ lệ ca mắc dương tính với chủng EV71. Chính đặc điểm này khiến cho các ca mắc bệnh tay chân miệng diễn biến nặng nhiều hơn so với các năm trước đây.

6 biện pháp phòng bệnh tay chân miệng khi năm học mới đến gần

Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay đang là thời gian bắt đầu năm học mới, có nhiều nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng nếu các trường học và đặc biệt các cơ sở giáo dục mầm non, nhà trẻ gia đình không thực hiện tốt các biện pháp cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống bệnh tay chân miệng.

Để tích cực phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh tay chân miệng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, học sinh, ngay từ đầu năm học mới, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mạnh mẽ người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:

Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3)


Bộ Y tế cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành 355 loại thuốc, gồm những sản phẩm gì?

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã liên tục công bố các quyết định cấp giấy đăng ký lưu hành, gia hạn giấy đăng ký lưu hành 355 loại thuốc sản xuất trong nước và nhập khẩu để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh của nhân dân.
Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, TS Vũ Tuấn Cường đã ký liên tiếp 4 quyết định công bố gia hạn, cấp mới giấy đăng ký lưu hành thuốc sản xuất trong nước và nước ngoài. Theo đó có 355 loại thuốc được gia hạn, cấp mới giấy đăng ký lưu hành, trong số này có loại được cấp mới, gia hạn 3 năm, có loại được 5 năm tuỳ theo từng điều kiện cụ thể.

Các thuốc được gia hạn, cấp mới lần này khá đa dạng về nhóm tác dụng dược lý bao gồm các thuốc điều trị ung thư, tim mạch, đái tháo đường, thuốc kháng virus cũng như các thuốc hạ sốt, giảm đau, kháng viêm thông thường khác...

Cục Quản lý Dược yêu cầu cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm sản xuất thuốc theo đúng các hồ sơ, tài liệu đã đăng ký với Bộ Y tế và phải in số đăng ký được Bộ Y tế Việt Nam cấp lên nhãn thuốc.

Chỉ được sản xuất, đưa ra lưu hành các thuốc kiểm soát đặc biệt khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược phạm vi kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở đáp ứng quy định tại khoản 5 Điều 143 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.

Cùng đó, thực hiện việc cập nhật tiêu chuẩn chất lượng của thuốc theo quy định tại Thông tư số 11/2018/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Thông tư số 03/2020/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 11/2018/TT-BYT quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Thực hiện, phối hợp với cơ sở nhập khẩu thực hiện theo đúng quy định tại Công văn số 5853/QLD-CL ngày 19/4/2019 của Cục Quản lý Dược về việc kiểm tra chất lượng nguyên liệu làm thuốc nhóm sartan đối với các thuốc thuộc danh mục tại Điều 1 ban hành kèm theo Quyết định này có chứa dược chất thuộc nhóm sartan.

Cập nhật nhãn thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc theo quy định tại Thông tư số 01/2018/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày ký ban hành Quyết định này, theo hình thức thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BYT.

Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải phối hợp với các cơ sở điều trị để thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về thuốc kê đơn, theo dõi an toàn, hiệu quả, tác dụng không mong muốn của thuốc trên người Việt Nam và tổng hợp, báo cáo theo quy định...

Cơ sở đăng ký thuốc phải bảo đảm duy trì điều kiện hoạt động trong thời gian hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Trong trường hợp không còn đáp ứng đủ điều kiện hoạt động, cơ sở đăng ký phải có trách nhiệm thực hiện thay đổi cơ sở đăng ký theo quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BYT trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ sở đăng ký không còn đủ điều kiện hoạt động.

Trước đó, Cục Quản lý Dược đã nhiều lần thực hiện cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành có hiệu lực 3 năm hoặc 5 năm theo quy định của Luật Dược 2016 cho nhiều mặt hàng thuốc để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh của nhân dân.

Theo Bộ Y tế, hiện có khoảng 22.000 số đăng ký thuốc có visa lưu hành với khoảng 800 hoạt chất các loại. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2)

 

Hà Nội sẽ thanh-kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh Trung thu

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội dự kiến thời gian triển khai thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh Trung Thu từ ngày 28/8 đến ngày 5/10, trên phạm vi 30 quận, huyện, thị xã.
Tết Trung thu năm 2023 đang đến gần, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa yêu cầu các cấp, các ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vi phạm chất lượng và điều kiện vệ sinh an toàn trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, chú trọng vào các cơ sở sản xuất kinh doanh bánh Trung thu.

Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo đúng quy định pháp luật; thanh tra kiểm tra đúng tiến độ, báo cáo đúng thời gian, theo sự chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố.

Trong quá trình thanh tra , kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, quy định pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức cộng đồng về đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội dự kiến thời gian triển khai từ ngày 28/8 đến ngày 5/10, trên phạm vi 30 quận, huyện, thị xã.

Các hoạt động chính là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức và thực hành cho người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết Trung thu.

Tập trung phổ biến, tuyên truyền các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất thực phẩm, chế biến thực phẩm quy định tại các văn bản hiện hành.

Các quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về sử dụng phụ gia, hương liệu, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm/tự công bố sản phẩm, bảo quản sản phẩm thực phẩm.

Đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là cơ sở kinh doanh bánh trung thu tuyên truyền các quy định về điều kiện vệ sinh nơi bày bán sản phẩm, nhập khẩu sản phẩm thực phẩm, công bố sản phẩm phù hợp quy định an toàn sản phẩm thực phẩm, vệ sinh cá nhân người kinh doanh thực phẩm.

Các cơ sở kinh doanh bánh trung thu phải đảm bảo nơi trưng bày, kinh doanh và bảo quản bánh nơi khô ráo, thoáng mát, tránh để bánh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, không để cùng các hàng hóa khác. Tuyệt đối không bán bánh quá hạn sử dụng, bánh mốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đối với người tiêu dùng phổ biến tuyên truyền về quyền lợi và nghĩa vụ của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm.

Các sở, ban, ngành chủ động tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hoặc liên ngành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như: Bánh Trung thu , kẹo, rượu, bia, nước giải khát; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm sản xuất bánh Trung thu, nhân bánh Trung thu, bao bì chứa đựng trực tiếp bánh Trung thu...

Các quận, huyện, thị xã tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hoặc liên ngành kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết trung thu năm 2023 tại các xã, phường, thị trấn.

Kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực thẩm đã được phân cấp trên địa bàn quận, huyện, thị xã. Phúc tra, giám sát các cơ sở do xã, phường, thị trấn đã kiểm tra.

Đồng thời chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2023 tại địa phương và kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực thẩm đã được phân cấp trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn. Tổ chức ký cam kết trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 7)

 

Khám chữa bệnh tại trạm y tế xuống cấp, người dân, cán bộ y tế nơm nớp lo sợ

Trạm Y tế Thái Thủy xuống cấp nghiêm trọng khiến cán bộ y tế và người dân lo lắng khi đến khám, chữa bệnh. Nhiều đoàn công tác đã thực hiện khảo sát và đánh giá mức độ cấp thiết của việc sửa chữa trạm nhưng đến nay vẫn chưa có động thái mới.
Trạm Y tế xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình được xây dựng và đưa vào sử dụng đến nay đã hơn 15 năm. Qua thời gian sử dụng gặp nhiều đợt lũ lụt, thiên tai, công trình này xuống cấp nghiêm trọng.

Phần móng của trạm có hiện tượng sụt lún, mái nhà hư hại khiến nhiều phòng chức năng thấm dột những ngày mưa, tường nhà rất nhiều điểm nứt nẻ, bong tróc và rêu phong phủ kín.

Hệ thống cửa cũng xuống cấp, đặc biệt toàn bộ cửa sổ có hiện tượng mục nát, cán bộ của trạm phải dùng dây thép neo cửa, không dám mở vì sợ rơi. Hệ thống điện cũng không tránh khỏi tình trạng hư hỏng.

Cùng với đó, phần tường bao xuống cấp, phần còn lại được rào tạm bằng dây thép gai. Khu vực chứa rác thải y tế được xây dựng tạm bợ chưa đảm bảo an toàn. Không có khu vực nhà để xe, cán bộ, nhân viên trạm và người dân phải chấp nhận để xe dưới nắng mưa.

Thực trạng này diễn ra trong nhiều năm nhưng đến nay trạm vẫn chưa được sữa chữa, nâng cấp khiến đội ngũ y, bác sĩ và người dân phải thực hiện công tác khám chữa bệnh trong tâm trạng bất an, lo lắng, nhất là mỗi khi mưa, bão về.

"Trạm Y tế xã Thái Thủy được xây dựng từ lâu, xuống cấp nghiêm trọng. Móng nhà nứt nẻ, sụt lún, tường nứt, bong tróc, trần nhà thấm dột. Dù vậy nhưng trạm vẫn chưa được sửa chữa hay nâng cấp gì. Tình trạng hư hại của trạm khiến cán bộ và nhân viên làm việc trong lo sợ", BS. Phạm Vương Thành, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy chia sẻ.

BS. Thành thông tin thêm, xã Thái Thủy là địa phương vùng trung du, địa bàn rộng, địa hình phức tạp. Trạm thực hiện nhiệm vụ khám, điều trị ban đầu cho khoảng 6.400 nhân khẩu. Là địa bàn xa với vùng trung tâm huyện và các cơ sở y tế, nên lượng bệnh nhân đến trạm khá cao so với một số đơn vị cùng tuyến. Trong 6 tháng đầu năm đã có hơn 2.000 lượt khám tại trạm, dự kiến thời điểm dịch bệnh theo mùa và mưa bão, lượng khám, điều trị sẽ tăng cao.

Thực trạng xuống cấp về cơ sở vật chất khiến công tác khám, chữa bệnh gặp không ít khó khăn. Ngày mưa, cán bộ nhân viên trạm ngoài việc tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân còn phải lo di chuyển thuốc, máy móc, tài liệu tránh tình trạng hư hại do thấm dột. Ngày nắng, do hệ thống điện bị hư hại một phần, nhiều phòng chức năng không có điện nên cán bộ y tế phải gộp phòng để sử dụng quạt chống nóng.

Không chỉ cán bộ y tế, người dân Thái Thủy cũng không khỏi bất an, lo lắng khi đến thăm khám tại trạm y tế của xã. Họ lo sợ các tình huống nguy hiểm có thể xẩy ra bất cứ lúc nào.

"Nhìn trạm nứt nẻ, sụt lún người dân đến khám bệnh rất bất an. Vào mùa mưa bão sợ mái tôn bị cuốn, nguy cơ sập tường trạm hiện hữu. Không hiểu sao cơ quan chức năng vẫn không cho phương án xây dựng lại trạm để đảm bảo an toàn cho cán bộ và người dân", chị Trần Thị Kim Luân, trú tại thôn Thanh Sơn, xã Thái Thủy cho biết.

Trước thực trạng đó, lãnh đạo Trạm Y tế Thái Thủy đề xuất, kiến nghị tới chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan để sớm có giải pháp. "Các đoàn của tỉnh, huyện cũng tới kiểm tra và nhận định trạm xuống cấp nghiêm trọng, cần sớm được sửa chữa, nâng cấp. Nhưng đến nay không thấy đơn vị nào về xử lý. Chúng tôi mong muốn các đơn vị sớm xem xét, để không còn bất an mỗi khi làm việc như bây giờ", Trạm trưởng Trạm Y tế Thái Thủy nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Thuận Văn, Chủ tịch UBND xã Thái Thủy cho biết, chính quyền địa phương nhiều lần có ý kiến, làm tờ trình tới các đơn vị chức năng để bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp trạm y tế.

"Việc sửa chữa, nâng cấp trạm y tế là rất cần thiết vì đang phục vụ trực tiếp cho hàng ngàn người dân. Xã nhiều lần làm tờ trình, đề xuất lên các cấp, các ngành để xin phương án nâng cấp, sửa chữa và xây dựng thêm phòng chức năng. Đơn vị còn nhiều khó khăn nên kinh phí hạn hẹp, nhờ vận động người dân nên trước đó có xây dựng được một phần nhỏ khuôn viên. Còn kinh phí sửa chữa, nâng cấp phần còn lại rất lớn nên cần nguồn từ trên phân bổ về", Chủ tịch xã Thái Thủy cho biết. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang