Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 29/6/2020

  • |
T5g.org.vn - Chống dịch bạch hầu bằng kinh nghiệm chống dịch Covid-19; Chủ động ngừa sốt xuất huyết, không để thành dịch; Số ca mắc Covid-19 thế giới vượt mốc 10 triệu; Còn sức khỏe còn hiến máu cứu người…

 

Tiến tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân

Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam năm 2020 có chủ đề: "Thực hiện nghiêm Luật BHYT hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân". Tuy nhiên, làm thế nào để tiếp tục nâng cao hơn nữa trách nhiệm và năng lực tổ chức thực hiện chính sách pháp luật BHYT; tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về chính sách, pháp luật BHYT, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tích cực tham gia để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân...? Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam PHẠM LƯƠNG SƠN (trong ảnh) về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Sau gần sáu năm thực hiện Luật BHYT sửa đổi, đồng chí đánh giá thế nào về những kết quả đã đạt được? Theo đồng chí, đâu là thành tựu lớn nhất của chính sách BHYT tính đến nay?

Ðồng chí Phạm Lương Sơn: Ngày 13-6-2014, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT số 46/2014/QH13, có hiệu lực từ ngày 1-1-2015. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, thành tựu nổi bật của chính sách BHYT đó là: Tính đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đã đạt gần 90% dân số; nhận thức của người dân, doanh nghiệp, người lao động và cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) về BHYT đã được nâng cao rõ rệt, việc tuân thủ pháp luật BHYT ngày càng tốt; quyền lợi của người tham gia BHYT được bảo đảm, người dân tin tưởng và hài lòng khi sử dụng thẻ BHYT. Nếu như năm 2014, mới có 2.111 cơ sở KCB ký hợp đồng KCB BHYT với cơ quan BHXH, thì đến tháng 6-2020, số cơ sở KCB BHYT là 2.571 cơ sở KCB, tăng 22% so năm 2014. Ðặc biệt là, số cơ sở KCB tư nhân tham gia KCB BHYT đã tăng gần gấp đôi từ 424 cơ sở KCB năm 2014 lên 835 cơ sở KCB năm 2020. Bên cạnh đó, số lượt KCB BHYT được quỹ BHYT chi trả cũng tăng mạnh từ 136,5 triệu lượt KCB năm 2014 lên khoảng 184,5 triệu lượt KCB năm 2019; ước tính sáu tháng đầu năm 2020 số lượt KCB BHYT đề nghị thanh toán là khoảng 76,4 triệu. Phạm vi hưởng BHYT cũng được mở rộng, đến nay đã có hơn 18 nghìn dịch vụ kỹ thuật, hơn 1.000 thuốc hóa dược, sinh phẩm và hàng trăm thuốc đông y, thuốc từ dược liệu được quỹ BHYT thanh toán. Nhiều trường hợp người bệnh đã được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB BHYT trong năm lên đến hàng tỷ đồng… Có thể khẳng định, chính sách BHYT đã thật sự trở thành một trong các trụ cột an sinh xã hội không thể thiếu trong đời sống của người dân.

PV: Tuy nhiên, còn không ít khó khăn để chúng ta đạt được mục tiêu BHYT toàn dân. Theo đồng chí, cần phải tập trung vào những vấn đề gì để các mục tiêu này trở thành hiện thực?

Ðồng chí Phạm Lương Sơn:Thời gian tới, để đạt được mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, cần sự đặc biệt quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội. Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, cơ chế chính sách về BHYT, nhất là chính sách hỗ trợ tham gia BHYT đối với người lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp tham gia BHYT theo diện gia đình, quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ khi tham gia BHYT. Xây dựng cơ chế quản lý Quỹ BHYT hiệu quả, phòng chống lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT. Ðồng thời, tăng cường chỉ đạo công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật BHYT, BHXH; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về BHYT, BHXH…

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, BHXH Việt Nam hiện cũng gặp nhiều khó khăn, như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật BHYT còn chưa đồng bộ, hoặc thiếu, hoặc không còn phù hợp thực tiễn nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, dẫn đến đôi khi chưa bảo đảm được quyền lợi của người tham gia BHYT. Bộ Y tế chưa ban hành đầy đủ quy trình chuyên môn, phác đồ điều trị, hướng dẫn điều trị…, thiếu căn cứ giám định bảo đảm quyền lợi trong KCB BHYT, khó khăn trong giám định, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT giữa cơ quan BHXH và cơ sở KCB.

Cùng với đó, công tác phát triển đối tượng cũng gặp khó khăn khi tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT của chủ sử dụng lao động xảy ra ở hầu hết các địa phương gây ảnh hưởng quyền lợi BHYT của người lao động; vẫn còn tình trạng "lựa chọn ngược" khi ốm đau mới tham gia BHYT. Trong khi đó, chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc tham gia BHYT chưa đủ sức răn đe, dẫn đến việc tuân thủ pháp luật của người dân không nghiêm…

Ngoài ra, phạm vi quyền lợi hưởng BHYT được thiết kế khá cao so với mức đóng, ảnh hưởng đến khả năng cân đối quỹ BHYT (quỹ BHYT thanh toán hơn 18 nghìn dịch vụ kỹ thuật (DVKT), hơn 1.000 thuốc hóa dược, sinh phẩm và hàng trăm thuốc đông y, thuốc từ dược liệu nhưng chỉ có 140 DVKT, 187 thuốc hóa dược, sinh phẩm và 19 thuốc đông y, thuốc từ dược liệu có quy định điều kiện, tỷ lệ thanh toán… Bên cạnh đó, cơ quan BHXH mới chỉ được giao thẩm quyền thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT, chưa được giao chức năng thanh tra chuyên ngành về KCB BHYT, dẫn đến khó khăn trong việc xử lý kịp thời các vi phạm trong công tác KCB BHYT.

PV: Nguồn quỹ BHYT an toàn và sử dụng hợp lý là điều kiện quan trọng để bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Ðồng chí đánh giá thế nào về thực trạng sử dụng quỹ KCB BHYT hiện nay?

Ðồng chí Phạm Lương Sơn: Trong những năm qua, BHXH Việt Nam luôn thực hiện đúng các quy định của Luật BHYT, Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện về cơ chế quản lý tài chính liên quan đến quản lý và sử dụng quỹ BHYT, đặc biệt là các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính đối với BHXH Việt Nam. Bắt đầu từ ngày 1-1-2010, thực hiện lộ trình BHYT theo quy định của Luật BHYT, tăng đối tượng tham gia BHYT theo hình thức bắt buộc, mức đóng BHYT được điều chỉnh bằng 4,5% mức tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc mức lương cơ sở; số thu BHYT tăng hằng năm, trong sáu năm liền từ năm 2010 đến 2015, quỹ BHYT liên tục có kết dư.

Từ năm 2016 đến nay, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế kết cấu thêm phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật và chi phí tiền lương của nhân viên y tế cùng với thực hiện chính sách thông tuyến KCB tuyến huyện, trong bối cảnh nền y tế ngày càng phát triển đã làm gia tăng đáng kể chi phí KCB BHYT, quỹ BHYT mất cân đối thu chi trong năm. Tuy nhiên, nguồn quỹ BHYT vẫn bảo đảm cho KCB BHYT.

Ðể duy trì nguồn quỹ BHYT bảo đảm cho KCB trong thời gian tới, BHXH Việt Nam đang phối hợp Bộ Y tế đề xuất Chính phủ nâng mức đóng BHYT phù hợp thực trạng chi cho y tế ngày càng gia tăng, hướng tới nâng cao chất lượng KCB BHYT và quyền lợi hưởng của người tham gia BHYT. Ðịnh hướng này phù hợp quy định mức đóng BHYT tối đa bằng 6% tiền lương tháng/mức lương cơ sở tại Luật BHYT.

PV: Chủ đề của Ngày BHYT Việt Nam năm 2020 được chọn là "Thực hiện nghiêm luật BHYT hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân". Theo đồng chí, chúng ta cần có những điều kiện và giải pháp nào để đạt được mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân thông qua chính sách BHYT?

Ðồng chí Phạm Lương Sơn: Thời gian qua, BHXH Việt Nam luôn xác định việc phát triển đối tượng tham gia BHYT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, tiếp tục triển khai Nghị quyết 68/2013/QH13 ngày 29-11-2013 của Quốc hội 2013 về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân và Quyết định 1167/QÐ-TTg ngày 28-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020, đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra (là đến năm 2025 tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số). Theo đó, BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh phối hợp chặt chẽ các ngành trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Tổ chức hội nghị hoặc làm việc trực tiếp với lãnh đạo HÐND, UBND tỉnh, các sở, ngành địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp để bàn về các giải pháp phát triển đối tượng. Tăng cường công tác tuyên truyền; phối hợp các đại lý thu bảo hiểm triển khai các hình thức như phát động lễ ra quân, tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tiếp với người dân, vận động, khuyến khích tất cả các thành viên thuộc hộ gia đình tham gia BHYT để được giảm trừ mức đóng; mở rộng hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT đến xã, phường. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ việc chấp hành các quy định tại BHXH các tỉnh/thành phố; thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT...  (Nhân dân, trang 4).

 

Số ca mắc Covid-19 thế giới vượt mốc 10 triệu

Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 8 giờ 30 phút sáng 28-6 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 10.081.545 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (Covid-19), trong đó có 501.298 ca tử vong. Có 5.458.369 bệnh nhân đã phục hồi, trong khi còn khoảng 57.748 người đang trong tình trạng bệnh nặng và nguy kịch.

Trong vòng 24 giờ qua, Mỹ, Brazil và Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới ở mức năm con số, trong khi các quốc gia khác cũng ghi nhận số ca mắc mới gia tăng đáng báo động.

Cụ thể, tại châu Mỹ, trong 24 giờ qua, nước Mỹ ghi nhận thêm 43.557 mắc Covid-19 và 512 ca tử vong, tiếp tục vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 với tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 là 2.596.533 ca và 128.152 ca tử vong.

Tình hình dịch diễn biến theo chiều hướng xấu khiến hàng loạt bang tại Mỹ tạm dừng việc chuyển tiếp giai đoạn mở cửa lại nền kinh tế.

Ngày 27-6 (giờ địa phương), Thống đốc bang Washington Jay Inslee thông báo cơ quan y tế đã quyết định ngừng tạm ngừng việc chuyển sang giai đoạn 4 (hoạt động trở lại bình thường, mở cửa lại hoàn toàn nền kinh tế) tại các hạt của bang này. Trong thông cáo đưa ra, nhà chức trách bang nêu rõ việc số ca mắc nhiễm tăng lên khắp bang và những mối quan ngại về tình trạng lây lan của Covid-19 khiến việc chuyển sang giai đoạn 4 là “bất khả thi” vào thời điểm này.

Người đứng đầu cơ quan y tế bang Washington John Wiesman cũng kêu gọi người dân làm chậm lại đà lây lan của dịch bệnh bằng cách đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội và thực hiện các biện pháp vệ sinh.

Trước đó, đã có tám hạt tại bang Washington được phép chuyển từ giai đoạn 3 sang giai đoạn 4 mở cửa lại nền kinh tế. Trong thư gửi tới các chính quyền địa phương bị ảnh hưởng, ông Wiesman nhấn mạnh việc chuyển sang giai đoạn 4 có nguy cơ làm tăng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại những cộng đồng có tỷ lệ lây nhiễm thấp.

Thống kê của CNN cho thấy, tính đến ngày 27-6, tổng cộng có 12 bang của Mỹ gồm Arizona, Arkansas, Delaware, Florida, Idaho, Louisiana, Maine, Nevada, New Mexico, North Carolina, Texas và Washington đã tạm dừng kế hoạch mở cửa trở lại.

Cùng ngày, bang Florida, ở Đông Nam Mỹ, đã ghi nhận thêm 9.585 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 132.545 ca. Đây là số ca mắc Covid-19 cao nhất trong ngày tại bang này. Số ca tử vong do Covid-19 đã tăng thêm 24 ca lên 3.390 ca. Theo thống kê trong bảy ngày qua, bang Florida đã ghi nhận đà tăng các mắc Covid-19 với 38.748 ca, tương đương 30% tổng số ca mắc Covid-19 trong bang. Nhằm làm chậm lại đà lây lan của dịch bệnh, Thống đốc bang Florida Ron DeSantis đã yêu cầu đóng cửa các quán rượu. Các bang Georgia, Nam Carolina và Nevada ngày 27-6 cũng chứng kiến số ca mắc Covid-19 trong ngày cao nhất từ trước đến nay.

Hiện hơn một nửa số bang của Mỹ, đặc biệt là ở miền Nam và miền Tây, đã ghi nhận số ca nhiễm tăng trở lại, khiến các nỗ lực nhằm mở cửa nền kinh tế trở nên khó khăn.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã quyết định hủy các sự kiện liên quan đến chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nặng nề nhất, đồng thời hoãn các kế hoạch mở lại nền kinh tế.

Khu vực Mỹ Latinh, Bộ Y tế Mexico cũng thông báo số ca mắc Covid-19 đã tăng thêm 212.802 người, trong đó có 26.351 ca tử vong, tăng tương ứng 9.851 ca bệnh và 1.291 ca tử vong trong hai ngày qua, và 67.099 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh. Bên cạnh số ca tử vong trong nước, hơn 1.400 công dân Mexico đã tử vong do Covid-19 tại Mỹ. Thống kê cho thấy, trong vòng 25 ngày qua, trung bình Mexico ghi nhận hơn 4 nghìn ca mắc mới và hơn 500 ca tử vong mỗi ngày. Mexico đã tiến hành 551.052 xét nghiệm và như vậy có tới 38,62% số người xét nghiệm cho kết quả dương tính. Hiện tại, tỷ lệ tử vong trên số ca mắc Covid-19 ở Mexico cao thứ 3 thế giới với 12,38%.

Brazil tiếp tục đứng đầu Mỹ Latinh về số ca bệnh khi ghi nhận thêm 38.693 ca nhiễm mới và 1.109 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 1,3 triệu người và 57.070 ca tử vong.

Peru đứng thứ 2 trong khu vực về số ca bệnh với 272.364 trường hợp, trong đó có 8.939 ca tử vong; và Chile xếp thứ 3 với 267.766 ca nhiễm bệnh, trong đó có 5,347 ca tử vong.

Tại khu vực Trung Mỹ, bất chấp những biện pháp mạnh của chính phủ, số ca mắc Covid-19 ở Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador tiếp tục tăng mạnh với tổng số ca bệnh là 70.767 người, trong đó có 1.832 ca tử vong. Hiện khu vực Mỹ Latinh hiện vẫn là điểm “nóng” toàn cầu mới về đại dịch Covid-19, với số ca tử vong vượt 100.000 người và các ca nhễm bệnh đã tăng lên hơn 2 triệu người.

Tại châu Âu và châu Á, Nga và Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca mắc bệnh mới ở mức cao. Đây cũng là hai nước nằm trong số năm nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19 với tổng số ca mắc bệnh tính đến thời điểm hiện tại ở Nga là 627.646 và ở Ấn Độ là 529.577 ca. Đứng thứ 5 thế giới về số ca mắc Covid-19 là Anh với 310.250 ca, trong đó có 43.514 ca tử vong.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) sáng 28-6 thông báo đã ghi nhận 17 ca nhiễm mới tại Trung Quốc đại lục trong ngày 27-6, trong đó có 14 ca lây nhiễm trong nước và baca từ nước ngoài nhập cảnh. Toàn bộ các ca nhiễm trong nước đều được ghi nhận tại thủ đô Bắc Kinh. Trung Quốc đại lục tiếp tục không ghi nhận ca tử vong mới trong ngày.

Kể từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bùng phát cuối năm ngoái, đến nay Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 83.500 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong.

Sáng 28-6, Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo Hàn Quốc ghi nhận thêm 62 ca, nâng tổng số ca nhiễm của cả nước lên 12.715 ca, trong đó 282 ca tử vong. Thông tin tích cực là đã có thêm 47 bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, đưa tổng số ca được chữa khỏi lên 11.364 ca. Trong số 62 ca mắc mới có 40 ca lây nhiễm trong nội địa. KCDC cho hay, 11 ca mắc Covid-19 mới trong ngày có liên hệ tới một nhà thờ ở Anyang, một thành phố nằm ở phía nam vùng thủ đô Seoul.

Nhà chức trách Hàn Quốc vẫn cảnh giác với tình trạng lây nhiễm tại vùng thủ đô Seoul khi khu vực này vẫn gia tăng số ca mắc mới liên quan tới hai nhà thờ và một vài cụm lây nhiễm nhỏ khác.

Tại Đông-Nam Á, Chính phủ Myanmar cuối ngày 27-6 thông báo kéo dài các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 tới ngày 15-7. Theo đó, quy định này sẽ không ảnh hưởng tới các biện pháp đã được nới lỏng như khôi phục hoạt động sản xuất, mở cửa lại các cửa hàng và khách sạn. Quy định kéo dài mới này áp dụng với các biện pháp hạn chế như cấm tụ tập theo nhóm có từ năm người trở lên và một số hạn chế khác. Báo cáo cập nhật của Bộ Y tế và Thể thao Myanmar cho biết, nước này hiện ghi nhận 293 ca mắc Covid-19 và sáu ca tử vong.

Tại châu Đại dương, Bộ Y tế New Zealand sáng 28-6 thông báo bốn ca mắc Covid-19 mới. Tất cả bốn ca mắc mới đều trở về từ nước ngoài và đã được cách ly. New Zealand hiện có 20 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị. Hiện nước này chưa ghi nhận ca mắc mới nào trong cộng đồng.

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã lên tiếng cảnh báo người dân về hành vi bất cẩn trước những diễn biến nguy hiểm còn tiếp diễn do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Thủ tướng Merkel nhấn mạnh mối đe dọa từ virus vẫn còn nghiêm trọng, bà Merkel đồng thời lặp lại một cách rõ ràng lời kêu gọi của mình từ đầu cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 giữa tháng 3 rằng người dân Đức cần nghiêm túc đối phó với dịch bệnh. Thủ tướng Đức nhấn mạnh rằng, người dân đã lãng quên mối nguy hiểm một cách dễ dàng bởi vì Đức đã vượt qua cuộc khủng hoảng một cách hợp lý, nhưng điều đó không có nghĩa là người dân đã được an toàn và mối nguy hiểm đã được đẩy lùi. Tính đến nay, Đức ghi nhận tổng cộng 194.689 ca mắc Covid-19, trong đó có 9.026 tử vong.

Cơ quan y tế Zurich, Thụy Sĩ ngày 27-6 đã ra lệnh cách ly 10 ngày đối với gần 300 khách và nhân viên của một hộp đêm sau khi một người báo cáo xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và đã được xác định là đã lây nhiễm cho những người khác trong chuyến đi chơi của anh ta. Theo cơ quan y tế Zurich, người đàn ông đã ở Câu lạc bộ Flamingo vào ngày 21-6 và đã được xác định mắc Covid-19 vào ngày 25-6. Năm người khác đã ở hộp đêm này với anh ta cũng đã mắc Covid-19.

Như các quốc gia châu Âu khác đã nới lỏng các hạn chế, Thụy Sĩ đang chứng kiến tình trạng gia tăng các ca Covid-19. Bộ Y tế Thụy Sĩ cho hay, trong tuần này, số ca mắc Covid-19 mới đã tăng hàng ngày từ 18 ca vào hôm thứ Hai (22-6) lên mức 69 ca vào ngày thứ Bảy (27-6).

Cơ quan y tế Zurich cảnh báo, trong trường hợp có thêm các ca mắc mới, việc đóng cửa các hộp đêm phải được xem xét.

Bộ Y tế Thụy Sĩ cho biết, cho đến nay nước này đã ghi nhận 31.555 ca mắc Covid-19 với 1.682 ca tử vong.

Trong ngày 27-6, Bộ Quốc phòng Serbia thông báo Bộ trưởng Quốc phòng nước này Aleksandar Vulin đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và đã tự cách ly.

Trong vài ngày qua, Serbia đã chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm mới. Trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 227 ca nhiễm mới và hai ca tử vong, nâng tổng số trường hợp mắc Covid-19 tại nước này lên 13.792 ca Covid-19, với 267 ca tử vong. (Nhân dân, trang 8).

Cùng chủ đề Sài Gòn giải phóng, trang 10: “Số ca mắc Covid-19 trên thế giới vượt 10 triệu”; Thanh niên, trang 1: “Covid-19 vượt mốc 10 triệu ca”.

 

Còn sức khỏe còn hiến máu cứu người

Mặc dù là người khuyết tật nhưng anh Cao Đức Trâm (38 tuổi, ở thôn Tiến Thọ, xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn luôn gắng sức vượt lên hoàn cảnh để sống có ích cho gia đình và xã hội. Không chỉ vậy, anh đã 23 lần tình nguyện hiến máu cứu người.

Sinh ra trong gia đình nghèo, học xong trung học, anh Trâm không thể tiếp tục theo đuổi việc học, nên chú tâm lao động phụ giúp gia đình, vừa sản xuất nông nghiệp vừa đi làm thuê, kiếm tiền nuôi các em ăn học. Năm 2006 anh vào làm công nhân tại một nhà máy gạch ở Nam Cường (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Nhưng chỉ vài tháng sau, anh không may bị máy cắt gạch nghiền nát cánh tay trái, khiến phải cắt bỏ một tay. Sau tai nạn, nghĩ đến thân phận người khuyết tật, lòng anh đau đớn vô cùng, luôn có tâm trạng ức chế, nhiều ngày tháng liền anh chỉ quanh quẩn ở trong nhà, bi quan chán nản.

Được sự chân thành động viên của gia đình, bạn bè, anh dần nguôi ngoai nỗi đau, xốc lại tinh thần, cố gắng vượt khó. Lúc này, chính quyền và đoàn thể quan tâm vận động, tạo điều kiện giúp đỡ để anh tham gia công tác tại địa phương. Anh vừa làm Bí thư chi đoàn thôn Tiến Thọ, vừa làm bảo vệ tại trường cấp 1-2 của xã. Từ đó, anh đã thoát được tâm lý mặc cảm, tự ti, có động lực sống mạnh mẽ, phấn khởi, yêu đời. Anh Đào Quang Bình, Bí thư Đoàn xã Yên Hồ, cho biết: “Anh Trâm luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, có nhiều đóng góp, hăng hái đi đầu trong mọi công việc chung của thôn, xã. Không chỉ gương mẫu trong phong trào đoàn và xây dựng nông thôn mới ở địa phương, anh Trâm còn nhiệt thành hiến máu tình nguyện và vận động nhiều người cùng tham gia. Đến nay, anh Trâm đã có 23 lần tình nguyện hiến máu và cũng là một trong những cá nhân tiêu biểu có số lần tình nguyện hiến máu cứu người nhiều nhất ở huyện Đức Thọ. Lâu nay, hễ cứ hay tin ở đâu đó có người bệnh, người bị tai nạn cần truyền máu gấp nhóm máu O, là anh Trâm sẵn sàng đến hiến máu ngay, dù là ngày hay đêm, xa hay gần”.

Nói về việc hiến máu nhân đạo, anh Trâm chia sẻ: “Tôi đã từng bị tai nạn lao động đến mất một cánh tay, nên thấu hiểu tình cảnh người bệnh, người bị tai nạn nguy kịch rất cần được truyền máu kịp thời. Do vậy, tôi đã nhiều lần tình nguyện hiến máu, trong đó có nhiều lần hiến máu trực tiếp. Tôi nghĩ việc mình tình nguyện hiến máu là việc rất bình thường và là việc nên làm, không phải để được mọi người khen thưởng, hay để nhận về vật chất. Hiến máu là để góp phần cứu sống và tiếp thêm nguồn sống cho người bệnh, người bị tai nạn, giúp họ vượt qua ranh giới sinh tử. Tôi vẫn tâm nguyện còn sức khỏe là tôi sẽ còn hiến máu cứu người”.

Ông Nguyễn Kim Toan, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Yên Hồ, cho biết: “Nhiều năm qua, anh Trâm luôn động viên, thu hút được đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia sinh hoạt đoàn, tích cực lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới, khu dân cư mẫu. Anh còn tham gia nhiệt tình các công tác vệ sinh môi trường, xây dựng mô hình kinh tế mới. Đặc biệt, với nghĩa cử nhân văn, nhiệt thành hiến máu nhân đạo cứu người, anh Trâm rất xứng đáng là tấm gương điển hình để mọi người học tập, noi theo. Anh Trâm đã nhiều lần được các cấp ở huyện Đức Thọ và tỉnh Hà Tĩnh khen thưởng, vinh danh là cá nhân tiêu biểu có những việc làm nhân văn cao đẹp”. (Sài Gòn giải phóng, trang  3).

Cùng chủ đề Báo Phụ nữ Việt Nam, trang 5: “Lan tỏa tinh thần hiến máu cứu người trong cộng đồng”

 

Chống dịch bạch hầu bằng kinh nghiệm chống dịch Covid-19

Chiều 28-6, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu đoàn công tác Bộ Y tế tới kiểm tra công tác phòng chống dịch bạch hầu tại xã Quảng Hoà, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng chỉ đạo các lực lượng tham gia chống dịch tại Đắk Glong áp dụng những kinh nghiệm quý báu trong việc khống chế thành công dịch Covid-19 để ngăn chặn dịch bạch hầu tại địa phương.

Theo Sở Y tế Đắk Nông, từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã phát hiện 12 ca dương tính với bạch hầu. Trong đó 4 ca mắc tại xã Đắk Sor từ ngày 3 tới 8-6; 8 ca mắc tại hai xã Quảng Hòa và Đắk R’ Măng, huyện Đắk Glong. 1 ca tử vong là bé gái 9 tuổi sinh sống tại thôn 6 xã Quảng Hòa.  Các ổ dịch trên không có mối liên quan dịch tễ với nhau, các trường hợp mắc bệnh chủ yếu là đồng bào dân tộc H’ Mông.Ngay sau khi phát hiện ra ổ dịch tại Đắk Nông, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên tổ chức các đội đáp ứng nhanh đến trực tiếp làm việc tại ổ dịch để hỗ trợ triển khai các biện pháp chống dịch bệnh, giám sát tình hình dịch bệnh.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo hệ t hống chính trị và ngành y tế huyện Đắk Glong phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên thực hiện ngay các biện pháp khoanh vùng, dập dịch; truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch tới người dân, đồng thời thực hiện việc tiêm chủng bổ sung vaccine TD phòng bệnh bạch hầu, uốn ván cho người dân trong độ tuổi từ 7-40 sinh sống tại khu vực có dịch.

Trung tâm CDC Đắk Nông đã tăng cường giám sát chặt chẽ các ổ dịch, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần, có liên quan tới các ca dương tính; rà soát thống kê, khám bệnh, thực hiện lấy 562 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm; khử khuẩn môi trường 2 lần/ngày.  Từ 19 giờ ngày 19-6, ổ dịch tại đội 2 thôn 6 xã Quảng Hòa đã được khoanh vùng cách ly. Cơ bản sau 7 ngày kể từ khi phát hiện ca bệnh cuối cùng ngày 21-6, tới nay tại Đắk Nông không phát hiện thêm ca mắc bạch hầu mới. (Sài Gòn giải phóng, trang 9).

Cùng chủ đề Tiền phong, trang 6: “Kiểm tra việc chống dịch bạch hầu ở Tây Nguyên”; Tuổi trẻ, trang 15: “Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Không để dịch bạch hầu bùng phát trở lại”; Công an Nhân dân, trang 1: “Bộ Y tế chỉ đạo ngăn chặn dịch bạch hầu”; Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Không để dịch bạch hầu bùng phát trở lại ở huyện Đăk Glong”.

 

Vắc xin do VN  nghiên cứu đáp ứng miễn dịch phòng Covid-19

Chiều 28.6, trao đổi với Thanh Niên, TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH MTV vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH, Bộ Y tế), cho biết đơn vị này đã phát triển thành công dự tuyển vắc xin phòng Covid-19 ở quy mô phòng thí nghiệm.

Từ tháng 4 vừa qua, lô vắc xin dự tuyển đã được tiêm thử nghiệm trên chuột, đánh giá khả năng sinh kháng thể chống lại vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Sau 2 tháng thử nghiệm, kết quả cho thấy, kháng nguyên của dự tuyển vắc xin có đáp ứng miễn dịch trên động vật, nghĩa là vắc xin đảm bảo tính an toàn và hiệu quả, phòng được Covid-19. Cụ thể, có 8 lô chuột thí nghiệm được tiêm vắc xin Covid-19 đã tạo được miễn dịch sau tiêm. Kết quả trên khẳng định, vắc xin Covid-19 “made in VN” tạo được đáp ứng miễn dịch chống lại vi rút SARS-CoV-2 trên động vật thí nghiệm.

Trong thời gian tới, các nhà khoa học sẽ tiếp tục định lượng kháng thể, đánh giá về khả năng bảo vệ bền vững, tính ổn định của vắc xin. Quá trình thử nghiệm tiếp theo này có thể cần 8 - 9 tháng và nhóm nghiên cứu cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện, tối ưu hóa quy trình công nghệ sản xuất vắc xin để có thể sản xuất quy mô lớn với số lượng hàng triệu liều. Trước khi được thử nghiệm lâm sàng (trên người tình nguyện), vắc xin dự tuyển tiếp tục được thử nghiệm trên động vật. Với tiến độ như vừa qua, vắc xin Covid-19 do VABIOTECH nghiên cứu phát triển dự kiến sẽ hoàn thiện trong năm 2021.

Trước đó, từ tháng 2, VABIOTECH đã hợp tác cùng các nhà khoa học của Đại học Bristol (Anh) tiến hành nghiên cứu vắc xin phòng bệnh Covid-19 dựa trên công nghệ vector vi rút. Nghiên cứu đã thành công trong việc tạo chủng mang vùng kháng nguyên đặc hiệu của vi rút SARS-CoV-2. Đây là “nguyên liệu” quan trọng cho sản xuất vắc xin. Kháng nguyên của SARS-CoV-2 trong thành phần vắc xin khi tiêm sẽ giúp cơ thể sinh ra kháng thể chủ động chống lại SARS-CoV-2, tránh nguy cơ bị mắc bệnh Covid-19.

Cùng lúc đó, thế giới cũng tiếp tục chạy đua phát triển vắc xin phòng Covid-19. Hiện có hơn 100 vắc xin đang được thử nghiệm trên toàn cầu, và một số ít đang thử nghiệm trên người, bao gồm vắc xin của AstraZeneca (Anh), Moderna (Mỹ), CNBG và Sinovac Biotech (Trung Quốc). CNBG cho biết đang chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 3 vắc xin vào ngày 30.6. Trước đó, vắc xin của Hãng AstraZeneca là một trong những vắc xin đầu tiên tiến vào giai đoạn 3, được WHO đánh giá là ứng viên dẫn đầu trong nỗ lực phát triển vắc xin phòng Covid-19. Vắc xin của hãng Moderna và Sinovac Biotech cũng sẽ bước vào giai đoạn 3 trong tháng 7. (Thanh niên, trang 2).

Cùng chủ đề báo An ninh Thủ đô, trang 2: “Việt Nam thử nghiệm thành công vaccine Covid-19 trên chuột”; Sức khỏe & Đời sống, trang 10: “Vắc-xin COVID-19 made in Viet Nam vượt tiến độ dự kiến”

 

Cung cấp 10.000 liều vắc xin chống dịch bạch hầu

Bộ Y tế cho biết chiều 28.6, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã kiểm tra công tác phòng chống dịch bạch hầu tại xã Quảng Hòa (H.Đắk Glong, Đắk Nông). Từ đầu tháng 6 đến nay, tại Đắk Nông đã phát hiện 12 ca mắc bạch hầu, trong đó 4 ca tại xã Đắk Sor, 8 ca tại 2 xã Quảng Hòa và Đắk R’ Măng, H.Đắk Glong; 1 ca tử vong là bé gái 9 tuổi sinh sống tại thôn 6, xã Quảng Hòa.

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch tại Đắk Nông, các đội đáp ứng nhanh Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên đã về địa phương, phối hợp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Đắk Nông khẩn trương khoanh vùng, dập dịch; tiêm chủng bổ sung vắc xin Td phòng bệnh bạch hầu, uốn ván cho người dân trong độ tuổi từ 7 - 40 tại khu vực có dịch. TS Văn Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên, cho hay Viện đã thực hiện 550 mẫu xét nghiệm, cung cấp cho Đắk Nông 10.000 liều vắc xin uốn ván bạch hầu, trợ giúp 60 bộ quần áo phòng dịch và 200 chai dung dịch rửa tay diệt khuẩn. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông đã giám sát chặt các ổ dịch, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần, có liên quan tới các ca dương tính; rà soát thống kê, khám bệnh, thực hiện lấy 562 mẫu xét nghiệm; khử khuẩn môi trường 2 lần/ngày. Hiện 7 ngày kể từ khi phát hiện ca bệnh cuối cùng (ngày 21.6), tại Đắk Nông không phát hiện thêm ca mắc bạch hầu mới.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền và ngành y tế Đắk Nông để ngăn chặn bệnh bạch hầu bùng phát tại địa bàn. (Thanh niên, trang 3)

 

Tiếp tục siết chặt quản lý các tuyến biên giới phòng dịch Covid-19

Chiều 28.6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban chỉ đạo) cho biết, trong ngày, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới. Như vậy, đã 73 ngày liên tiếp Việt Nam không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.

Hiện 9.048 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe; 330/355 bệnh nhân (93%) tại Việt Nam đã được điều trị khỏi. Ngoài ra, 25 bệnh nhân (BN) Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (H.Đông Anh, Hà Nội) có số lượng BN đông nhất (11 trường hợp).

Về sức khỏe BN 91 (nam phi công người Anh), Ban chỉ đạo cho hay đến nay, BN đã trải qua 102 ngày điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM và BV Chợ Rẫy (TP.HCM). Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đã có đề nghị gửi Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và Tiểu ban Điều trị thuộc Ban chỉ đạo đề nghị cho BN 91 hồi hương trên chuyến bay ngày 12.7 của Vietnam Airlines. Chuyến bay sẽ đi Anh đón công dân Việt Nam.

Theo Ban chỉ đạo, đến ngày 28.6, thế giới đã ghi nhận hơn 10 triệu ca mắc Covid-19. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, dịch Covid-19 đang bước vào giai đoạn mới, bùng phát nhanh và nguy hiểm hơn cách đây vài tháng. Để ngăn chặn dịch xâm nhập, việc kiểm soát người nhập cảnh phải được đặt lên hàng đầu, tất cả các ca nhập cảnh phải được cách ly phù hợp, thực hiện xét nghiệm theo đúng quy định, đảm bảo không để nguồn bệnh xâm nhập, lây nhiễm vào Việt Nam; tiếp tục siết chặt quản lý các tuyến biên giới, quản lý người nhập cảnh, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. (Thanh niên, trang 3).

Cùng chủ đề Tiền phong, trang 6: “Dịch Covid-19: 73 ngày không có ca lây nhiễm cộng đồng”.

 

Mối nguy từ thuốc gia truyền trôi nổi

Dù đã có nhiều cảnh báo về hậu quả của việc tự ý sử dụng thuốc đông y gia truyền không rõ nguồn gốc để trị bệnh, nhưng thời gian qua, các ca biến chứng, nhập viện trong tình trạng nguy kịch do tự ý trị bệnh bằng thuốc nam, thuốc bắc vẫn diễn ra. Để tránh nguy cơ “tiền mất, tật mang”, người dân không nên đặt cược sức khỏe, tính mạng của mình vào những bài thuốc gia truyền trôi nổi được quảng cáo, đồn thổi vô căn cứ.

Biến chứng do tự chữa bằng thuốc nam

Chỉ hơn 1 tuần, Bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp nhận liên tiếp 3 bệnh nhi bị bệnh thận nhập viện trong tình trạng nguy kịch, sau khi gia đình tự ý điều trị bằng thuốc nam. Điển hình là trường hợp của bệnh nhi N.N.Q. (15 tuổi, ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ) được chẩn đoán suy thận mạn từ tháng 4-2020. Bệnh nhi này được bác sĩ chỉ định điều trị thận bằng lọc máu, song gia đình đã bỏ điều trị và cho trẻ về nhà uống thuốc nam do người quen mách bảo. Kết quả, sau 2 tuần sử dụng thuốc nam, Q. phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng rối loạn điện giải, thiếu máu nặng, khó thở, nhịp tim chậm.

Ngoài 3 trường hợp trên, bác sĩ Nguyễn Thị Kiên, Khoa Thận - Lọc máu (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, khoa đã từng tiếp nhận nhiều trẻ mắc bệnh với biến chứng rất nặng, do cha mẹ tự chữa trị bằng các bài thuốc nam được quảng cáo trên mạng internet hay các bài thuốc được mách bảo, truyền miệng không có cơ sở khoa học. “Việc tự ý dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc, trôi nổi sẽ mang lại những tổn hại không nhỏ đến sức khỏe của cả trẻ nhỏ và người lớn”, bác sĩ Nguyễn Thị Kiên lưu ý.

Tương tự, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội vừa phẫu thuật thành công cắt bỏ khối u vú “khủng” đường kính 15cm cho bà D.T.T. (73 tuổi, ở phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai). Bà T. kể: “Khoảng 20 năm trước, khối u xuất hiện chỉ nhỏ như quả trứng chim cút. Nghe nhiều người mách bảo, tôi đã tự điều trị bằng uống thuốc nam, uống mật gấu, cao hổ cốt, xạ đen…, nhưng khối u ngày càng to dần”.

Theo bác sĩ Vũ Kiên, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Ngoại vú - Phụ khoa (Bệnh viện Ung bướu Hà Nội), với những trường hợp như bệnh nhân T., ban đầu có thể chỉ là khối u lành tính, nhưng do không được điều trị kịp thời và đúng cách, đã biến chuyển thành u ác tính. Không riêng bệnh nhân T., tâm lý nhiều bệnh nhân khi phát hiện cơ thể có khối u thường không muốn phẫu thuật, đụng chạm dao kéo. Thay vào đó, họ lại nghe theo sự mách bảo, quảng cáo về các loại thuốc nam, thuốc đông y gia truyền không rõ nguồn gốc. Hậu quả là nhiều bệnh nhân đã bỏ lỡ việc điều trị ở giai đoạn sớm. Khi nhập viện, bệnh đã tiến triển xấu, thậm chí khối u đã di căn, khiến việc điều trị khó khăn hơn.

Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng từng tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị ngộ độc chì, do sử dụng các loại thuốc cam gia truyền trái phép được quảng cáo chống còi xương, suy dinh dưỡng, biếng ăn, chậm lớn... Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, chì là chất cực độc, khó thải loại, nhất là trong trường hợp ngộ độc cấp tính. Khi vào cơ thể, chì sẽ theo máu đến gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ… gây các triệu chứng thiếu máu, suy nhược cơ bắp, liệt chi, suy thận... Không chữa bệnh tùy tiện

Trên mạng internet hiện có hàng trăm website, mạng xã hội (Facebook, Zalo…) kinh doanh thuốc đông y gia truyền, với đủ loại đặc trị các bệnh, trong đó có cả những bệnh nan y. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, việc này rất nguy hiểm vì hầu hết người bán không có chuyên môn và chỉ chạy theo lợi nhuận. Trong khi đó, người bệnh do không được thăm khám trực tiếp để có thể chẩn đoán chính xác, nên rất dễ dẫn đến tình trạng “bệnh một đằng, chữa một nẻo”. Chưa kể, thuốc đông y trôi nổi, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng, thậm chí còn bị ngâm tẩm hóa chất độc hại để chống mốc, chống nấm..., khiến người bệnh uống vào có thể nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.

Bác sĩ Trần Tuấn Anh, Khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn và chăm sóc vết thương (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) cho rằng, trong nhiều loại bệnh, việc điều trị thuốc đông - tây y kết hợp sẽ mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, việc dùng bất kỳ loại thuốc gì cũng đều phải thận trọng, không tùy tiện chữa bệnh. Bởi, dù thuốc đông y có lành tính, nhưng nếu hàm lượng thuốc thừa hoặc thiếu so với quy định cũng gây độc hại cho người dùng. Trong khi đó, nhiều người vẫn cho rằng, dùng thuốc đông y là bổ, lành, an toàn nên có thể tự mua về dùng. Đây là một quan niệm sai lầm, cần phải thay đổi.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung khuyến cáo, y học cổ truyền có những bài thuốc quý đã chứng minh được hiệu quả. Tuy nhiên, đó là những bài thuốc đã được kiểm chứng và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, chứ không phải là bài thuốc đông y gia truyền không rõ nguồn gốc, trôi nổi. “Dù lựa chọn đông y hay tây y, người bệnh cũng phải đến các cơ sở y tế được cấp phép rõ ràng, bảo đảm về mặt chuyên môn để tránh tiền mất, tật mang”, ông Trần Văn Chung lưu ý. (Hà Nội mới, trang  5).

 

Gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm do nắng nóng

Thời tiết nắng nóng như hiện nay là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn gây tiêu chảy, ngộ độc đường ruột sinh sôi, nảy nở, xâm nhập vào thực phẩm. Chính vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên chủ động lựa chọn, sử dụng, bảo quản thực phẩm đúng cách, tránh nguy cơ gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nhập viện do sử dụng thực phẩm không nguồn gốc

Trong đợt nắng nóng cao điểm những ngày qua, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện do ngộ độc thực phẩm. Đơn cử như trường hợp bà T.T.L. (64 tuổi ở quận Đống Đa) nhập viện trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, mất nước do tiêu chảy, tụt huyết áp và suy thận. Trước đó, bà L. đã ăn một quả đào mua của người bán hàng rong; khi ăn, bà L. không rửa, không gọt vỏ và chỉ ít lâu sau, bà L. xuất hiện các biểu hiện ngộ độc thực phẩm.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ngộ độc thực phẩm do ba nguyên nhân chính. Đó là thực phẩm nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn, vi rút) hoặc độc tố của vi sinh vật (độc tố vi khuẩn); thực phẩm bị nhiễm hóa chất và bản thân thực phẩm có độc (như: Nấm độc, cá nóc…). Ngoài ra, nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm còn do khâu bảo quản thực phẩm, khâu chế biến của người nội trợ. Chế biến thức ăn qua nhiều khâu thủ công, nấu thức ăn giàu đạm không chín kỹ, để nhiễm bẩn giữa các thực phẩm với nhau...

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết thêm, giai đoạn nắng nóng cũng là mùa cao điểm của ngộ độc thực phẩm. Bởi thời tiết này là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh. Thêm vào đó, không ít người không tuân thủ nguyên tắc bảo đảm an toàn thực phẩm, như: Ăn chín, uống sôi, rửa sạch rau, củ, quả, thực phẩm trước khi ăn và chế biến… Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, sức khỏe con người có phần giảm sút, do đó khi tiếp xúc với thực phẩm nhiễm vi khuẩn sẽ dễ bị ngộ độc. “Trường hợp của bà L., chúng tôi nghi ngờ do hóa chất tồn dư trong quả đào hoặc có thể do độc tố vi khuẩn nhưng khả năng này thấp hơn”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhận định.

Ngộ độc thực phẩm thường biểu hiện dưới hai dạng: Cấp tính và mạn tính. Ngộ độc cấp tính là tình trạng bệnh lý cấp tính do ăn phải thực phẩm có chất độc xảy ra đột ngột, biểu hiện bằng những triệu chứng tại dạ dày, ruột, như: Buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy… và những triệu chứng khác tùy theo tác nhân gây ra ngộ độc với những biểu hiện đặc trưng của từng loại, như: Tê liệt thần kinh, rối loạn hô hấp, tuần hoàn, vận động... Ngộ độc mạn tính không có dấu hiệu rõ ràng và không phát tác ngay. Sau khi ăn, các chất độc sẽ tích tụ lại trong cơ thể, gây ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, vì tác nhân gây độc rất nhiều nên triệu chứng của ngộ độc thực phẩm cũng khá đa dạng. Tùy nguyên nhân gây độc mà triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện sớm hoặc muộn; hầu hết triệu chứng thường bắt đầu từ đường tiêu hóa. Các biểu hiện thường gặp của ngộ độc thực phẩm là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng quằn quại, nhức đầu, có thể sốt hoặc không..., xảy ra vài phút, vài giờ, thậm chí một ngày sau khi ăn. Trường hợp nặng, người bệnh có thể khó thở, da tím tái, trụy mạch, ngưng thở, hôn mê…

Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, cách tốt nhất là chế biến thực phẩm vừa đủ và ăn ngay sau khi chế biến. Khi chưa sử dụng ngay thì cần che đậy, bảo quản thực phẩm cẩn thận (dùng màng bọc PE, hộp nhựa, lồng bàn, tủ lạnh...) để tránh ruồi, nhặng, gián… làm tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh qua đồ ăn. Nếu để thức ăn sau 2 giờ phải hâm nóng lại trước khi sử dụng. Không nên để thực phẩm qua đêm và hâm đi hâm lại nhiều lần. Ngoài ra, người tiêu dùng cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm; bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ, thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm vệ sinh; đặc biệt là thực hiện ăn chín, uống sôi.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra lưu ý, nhiều người có thói quen tích trữ đủ thứ thức ăn sống - chín, rau củ, thịt cá trong tủ lạnh. Đây cũng là nguy cơ dẫn đến ô nhiễm chéo do tiếp xúc giữa các thực phẩm. Tủ lạnh là một phương tiện bảo quản thức ăn rất tiện lợi cho mỗi gia đình. Tuy nhiên, các bà nội trợ đừng coi tủ lạnh là "bảo bối". Bởi, tủ lạnh cũng chỉ bảo quản thực phẩm được một thời gian nhất định. Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đề cao đạo đức trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Theo Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), khi bị ngộ độc thực phẩm, để hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể, biện pháp sơ cứu đầu tiên nên làm là kích thích để người bị ngộ độc nôn những thức ăn trong dạ dày ra ngoài. Có thể dùng tay đã rửa sạch đặt vào lưỡi người bệnh để kích thích gây nôn. Nôn được càng nhiều thức ăn trong dạ dày ra càng tốt. Sau khi người bệnh nôn và đi ngoài thì cơ thể sẽ bị mất nước. Chính vì vậy, cần tiến hành bù nước bằng cách cho bệnh nhân uống nhiều nước lọc, uống nước oresol hoặc uống nước gạo rang. Trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nặng thì nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất trước khi quá muộn. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Uống nhầm axit, bé 2,5 tuổi nguy cơ không thể tự ăn

Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM vừa tiếp nhận một trường hợp bé trai uống nhầm axit sulfuric do người nhà đựng trong chai trà xanh không độ, bị bỏng chít hẹp đường ăn.

Bé trai N.T.Ph (2,5 tuổi, ngụ tại Tiền Giang) nhập viện trong tình trạng nôn ói, không thể ăn cơm cháo được. Bệnh sử ghi nhận trước đó, trẻ chơi đang trong sân vườn trước nhà, sau đó khát nước chạy vào nhà. Bé thấy chai trà xanh không độ để trên bàn tưởng nước ngọt nên uống, không ngờ chai đó chứa axit sunfuric loãng (H2SO4) của người lớn chưa kịp cất.

Sau khi uống trẻ ho sặc sụa, ói ra dịch hóa chất vừa uống, được người nhà cho uống nước súc miệng. Sau đó trẻ không có biểu hiện gì tiếp tục chơi đùa. Sau 2 ngày trẻ ăn cơm thì bị ói, chỉ ăn được cháo nhưng thỉnh thoảng ói ra và than đau rát vùng bụng trên rốn (thượng vị) nên được mẹ đưa vào bệnh viện khám.

Tại đây các bác sĩ thăm khám và tiến hành nội soi đường tiêu hóa của trẻ, thấy thực quản, dạ dày bình thường, nhưng vùng môn vị sưng đỏ, chít hẹp, khó đặt ống thông đi qua. Các bác sĩ đã phải đặt ống thông qua da vào dạ dày, luồn qua chỗ hẹp môn vị, xuống ruột non để cung cấp dinh dưỡng cho trẻ và để giữ môn vị không bị chích hẹp thêm.

Môn vị là bộ phận như một van cơ bắp, nằm ở cuối dạ dày chỗ tiếp nối với hành tá tràng, giữ thức ăn trong dạ dày cho đến khi thức ăn sẵn sàng để được chuyển xuống ruột non và tiếp tục quá trình tiêu hóa

Hiện trẻ tỉnh táo, được các bác sĩ dinh dưỡng cho chế độ ăn thích hợp qua ống thông này và tiếp tục theo dõi, nội soi tiêu hóa đánh giá tổn thương hẹp vùng môn vị để quyết định nong chỗ hẹp, giúp bảo tồn môn vị cho trẻ sau này vì nếu cắt bỏ sẽ gây khó khăn tiêu hóa, hấp thu thức ăn cho trẻ về sau.

BS CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết, axit sulfuric là hóa chất hàng đầu, có tính phá hủy rất cao. Trường hợp này bé uống lượng ít, được pha loãng nên axit chưa kịp phá hủy thực quản, dạ dày.

Các bác sĩ đặc biệt lưu ý cha mẹ, người lớn không nên để hóa chất trong các dụng cụ, chai đựng thức uống vì dễ làm trẻ nhầm lẫn với nước uống, thức uống. Phụ huynh cũng lưu ý để thuốc và hóa chất xa tầm với trẻ hoặc cất trong các tủ có khóa, tránh cho trẻ tiếp cận, gây hậu quả đáng tiếc. (Nông thôn ngày nay, trang 5).

 

Hành trình cứu bệnh nhân phi công người Anh

Trong 355 bệnh nhân mắc COVID-19, nam phi công người Anh nhận được sự quan tâm đặc biệt của không chỉ dư luận trong nước mà còn của thế giới, đặc biệt là Chính phủ và nhân dân quê hương nơi anh sinh ra. Bởi đây là bệnh nhân mắc COVID-19 nặng nhất, phức tạp nhất, cận kề sinh tử nhất, điều trị tốn kém và dài ngày nhất tại Việt Nam.

Đây cũng là bệnh nhân mà ngành Y tế Việt Nam tập trung nhân lực đông nhất để điều trị. Một chuyên gia đầu ngành về Hồi sức cấp cứu và chống độc của Việt Nam chia sẻ với phóng viên “có thể coi đây là trường hợp đặc biệt của y văn thế giới, chúng ta nên làm báo cáo khoa học đối với quốc tế”.

Giành giật sự sống từ virus gây bệnh COVID-19

Nam phi công người Anh, 43 tuổi, phát hiện nhiễm COVID-19 ngày 18-3 sau khi anh này đến quán bar Buddha (TP Hồ Chí Minh). Bệnh nhân nhập viện tại BV Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh với yếu tố nguy cơ là béo phì (BMI +30,9), diễn biến nặng lên rất nhanh. Bệnh nhân điều trị ở phòng áp lực âm, tuy nhiên có diễn biến nặng dần lên suy đa tạng. Giai đoạn bi quan nhất là khi người bệnh tổn thương nhanh toàn bộ 2 bên phổi, kèm theo đó là sự suy giảm các chức năng của các tạng khác như thận, gan và rối loạn đông máu. Giai đoạn này, không chỉ phi công người Anh, tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng có 5 bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch. Ban Chỉ đạo Quốc gia yêu cầu ngành Y tế tập trung cứu chữa những người mắc bệnh ở mức cao nhất (cả cơ sở vật chất và nhân lực), không phân biệt người dân Việt Nam hay người nước ngoài. Bộ Y tế đã thành lập Hội đồng chuyên môn tập hợp những thầy thuốc có kinh nghiệm tham gia xây dựng phác đồ, hội chẩn trực tuyến, thường xuyên nhằm đưa ra những giải pháp tối ưu cho người bệnh qua từng thời điểm.

Trước diễn biến ngày một xấu của nam phi công, Bộ Y tế, BV đã huy động toàn bộ các phương tiện hồi sức tích cực hiện đại như thở máy chức năng cao, ECMO – tim phổi nhân tạo, lọc thận và can thiệp giải quyết hậu quả của bệnh COVID-19 để lại như rối loạn đông máu, tắc mạch… Ngày 5-4, bệnh nhân đặt ống nội khí quản, lọc máu liên tục, tuy nhiên thở máy không hiệu quả nên sang ngày 6-4 phải dùng hệ thống ECMO. Bệnh nhân bị hội chứng giảm tiểu cầu do Heparin, chạy máy ECMO bị đông máu và tắc màng lọc liên tục.

Trong 4 ngày đầu phải thay 3 màng lọc, trong khi đó tại bệnh viện cũng như ở Việt Nam không có thuốc chống đông khác, các bác sĩ một mặt buộc cầm cự với thuốc Xarelto (Rivaroxaban) đường uống, mặt khác Bộ Y tế chỉ đạo nhập khẩu khẩn cấp thuốc chống đông Agatroban nên hệ thống ECMO của bệnh nhân vẫn được duy trì đến sau này.

Thời điểm này phổi của bệnh nhân đông đặc gần hết thì lại thêm biến chứng tràn khí màng phổi phải và nhiễm trùng do trực khuẩn mủ xanh đa kháng, nhiều cuộc hội chẩn dùng thuốc kháng sinh với vi khuẩn đa kháng, phải sử dụng thuốc kháng sinh mới (Zerbaxa), đồng thời an thần bằng Midazolam + Fentanyl ít tác dụng, cần phải tăng liều truyền liên tục. Bộ Y tế chỉ đạo cho nhập khẩu khẩn cấp thuốc an thần mới Dexmedettomindin để dùng cho bệnh nhân.

Khi virus gây bệnh COVID-19 mới xuất hiện, việc đầu tiên chúng ta làm là  phải tìm ra đối sách để chống lại kẻ thù. Nhưng kẻ thù này lại quá mới, quá nguy hiểm, nên áp lực với người thầy thuốc cũng vô cùng nặng nề. Kể từ khi tiếp nhận bệnh nhân phi công người Anh, kíp điều trị trực tiếp tại có 24 người, gồm 8 bác sĩ, 12 điều dưỡng của BV Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, cùng 4 bác sĩ của BV Chợ Rẫy sang hỗ trợ đã liên tục theo dõi, chăm sóc 24/24, ngoài ra còn hàng chục nhân viên y tế ở vòng ngoài.

Theo chia sẻ của BSCKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, BV Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, từ khi tiếp nhận bệnh nhân 91, họ không còn định nghĩa thời gian. Cuối cùng, bệnh nhân cũng thoát khỏi COVID-19 khi 7 lần liên tiếp xét nghiệm âm tính. Song với ổ vi khuẩn ở phổi đã dẫn đến bệnh nhân bị nhiễm trùng đa tạng, đưa người đến bờ vực sinh tử.  

Cuộc tổng lực cuối cùng

Trong lúc cận kề sinh tử, một trong những phương án cứu bệnh nhân tối ưu nhất lúc bấy giờ là ghép phổi nếu như phổi của bệnh nhân không hồi phục. Bệnh nhân được chuyển sang BV Chợ Rẫy khi xét nghiệm âm tính với virus gây bệnh COVID-19 để tiếp tục hồi sức và chuẩn bị ghép phổi. Khi chuyển viện, tình trạng suy sụp miễn dịch của nam phi công tiếp diễn, bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Bukhoderia và khi cấy máu tìm thấy nhiễm nấm, nguy cơ rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn. Theo chuyên gia về Hồi sức cấp cứu, với người cấy máu thấy nấm, trên toàn thế giới đều đưa ra một con số tử vong là 60%.

Theo chia sẻ của một chuyên gia trong Tổ hội chẩn, bệnh nhân hỏng cả phổi, hỏng cả gan, hỏng cả thận, rối loạn đông máu, gọi là suy sụp đa phủ tạng (suy 5 tạng), nên các thầy thuốc và chuyên gia đều nhận định nguy cơ tử vong 85-90%. “Lúc đó báo chí hỏi có chữa được không, không trả lời được, chỉ biết là cố thôi, qua được ngày nào hay ngày nấy”, chuyên gia này cho biết.

Tuần đầu tiên chuyển sang BV Chợ Rẫy là thời điểm cân não nhiều nhất khi điều trị cho bệnh nhân. Các bác sĩ tích cực điều trị với hy vọng cao nhất cứu bệnh nhân, bởi theo nhận định, bệnh nhân mới 43 tuổi, bệnh cấp tính, may ra thoát được nguy hiểm, hy vọng khả năng hồi phục vẫn còn. Vì vậy, đã có một quyết định tổng lực, được hoặc thua trong tuần này, điều trị phối hợp từ 2-3 loại thuốc liều cao. Quyết định cân não đó cuối cùng đã mang lại hiệu quả, ghi vào lịch sử y học nước nhà. Nam phi công bắt đầu có dấu hiệu hồi phục và sau đó là hồi phục một cách kỳ diệu, đáng kinh ngạc. PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị cho biết, bệnh nhân đã được kết hợp điều trị tất các các chuyên khoa, chuyên ngành từ nội khoa, ngoại khoa, dinh dưỡng, phục hồi chức năng, y học cổ truyền để giúp phục hồi nhanh nhất cho người bệnh.

Đến nay, nam phi công trải qua 101 ngày điều trị, phổi của bệnh nhân đã khỏi, đã đi được vài bước, đang hồi phục chức năng để sớm xuất viện về nước.

Những yếu tố thành công

Theo chia sẻ của GS.TS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ Hội chẩn, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam tại buổi hội chẩn gần đây nhất, trải qua hơn 3 tháng điều trị, rất nhiều lần chúng ta hết hy vọng về bệnh nhân, nhưng bằng trí tuệ tập thể, đặc biệt là sự cố gắng của đội ngũ điều trị trực tiếp của 2 bệnh viện, đến thời điểm này không chỉ thành công cứu sống bệnh nhân mà đó còn thể hiện tính nhân văn của chúng ta trong chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân người nước ngoài. Rất nhiều người quan tâm, ủng hộ, đăng ký hiến phổi cho bệnh nhân. Điều này cho thấy, người dân Việt Nam nghèo về mặt tiền bạc nhưng lại giàu về mặt nhân ái.

 Theo Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, quá trình cứu chữa cho bệnh nhân 91 chúng ta mới hiểu rõ, mới có kinh nghiệm trong điều trị bệnh COVID-19 nặng, từ đó có thêm kiến thức, rút ra kinh nghiệm để sau này viết, cập nhật lại các phác đồ chẩn đoán, điều trị bệnh COVID-19.

Việc chuyển bệnh nhân sang điều trị tại BV Chợ Rẫy không phải là bước ngoặt, mà là một chiến lược, một quá trình điều trị liên tục đã được Hội đồng chuyên môn, tổ hội chẩn của Bộ Y tế tính toán kỹ.

 Sự hồi phục của bệnh nhân phi công người Anh đã thể hiện tinh thần quyết tâm không buông bỏ người bệnh của Chính phủ, của Bộ Y tế và của các bệnh viện. Trong cuộc chiến với COVID-19, mặc dù chúng ta có nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch, nhưng chưa có ca nào tử vong. Đây là niềm tự hào của Y tế Việt Nam, ghi dấu ấn với y văn thế giới. (Công an Nhân dân, trang 7).

 

Chủ động ngừa sốt xuất huyết, không để thành dịch

Hiện nay, thời tiết đang nắng nóng và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) phát triển và truyền bệnh.

Một số địa phương có nhiều ca mắc cao và đã có người tử vong do SXH. Để chủ động phòng bệnh, các địa phương đang tích cực vào cuộc để không xảy ra dịch chồng dịch.

Không thể chủ quan

Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 26.857 trường hợp mắc SXH tại 58 tỉnh, thành phố. Tính riêng tại Hà Nội có 155 ca mắc SXH tại 105 xã, phường của 24 quận, huyện.

Từ đầu tháng 5/2020, Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch phòng chống SXH trên địa bàn nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do SXH, khống chế kịp thời không để dịch lớn xảy ra. Lãnh đạo TP. Hà Nội yêu cầu tiếp tục củng cố, bố trí đủ, ổn định và nâng cao năng lực của các cán bộ y tế tham gia hệ thống giám sát dịch từ thành phố đến cơ sở với mục tiêu phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời trước mọi diễn biến của bệnh dịch, không để dịch lan rộng. Đảm bảo sẵn sàng trang thiết bị, vật tư, hóa chất cho công tác xử lý ổ dịch.

Người dân cần đồng hành với ngành y tế

Tại xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, theo báo cáo, số bệnh nhân mắc SXH tăng nhanh trong những ngày gần đây, tính đến hiện tại đã ghi nhận 81 ca mắc, đây là khu vực có số ca mắc SXH cao nhất của thành phố với quy mô cấp xã. Huyện Phúc Thọ cũng đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt như tăng cường công tác điều tra, bao vây khoanh vùng xử lý ổ dịch, giám sát véc-tơ, giám sát bệnh nhân tại cộng đồng; Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, TYT tổ chức các đợt phun hóa chất diệt muỗi, vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy thu gom phế liệu, phế thải, lật úp các dụng cụ chứa nước không sử dụng tại hộ gia đình.

Qua kiểm tra tại một số hộ gia đình trên địa bàn xã, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, các dụng cụ chứa nước vẫn còn các ổ bọ gậy, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát SXH là rất cao. Chính vì vậy, cần rà soát lại địa bàn dân cư, thống kê cụ thể, đặc biệt là khu vực công cộng như đình, chùa... để quản lý tốt việc phòng chống dịch. Cần có bộ phận thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, tổ chức giao ban với các tổ xung kích mỗi ngày 1 lần để kịp thời nắm bắt và có biện pháp xử lý. Công tác giám sát véc-tơ truyền bệnh, giám sát bệnh nhân cần được triển khai một cách quyết liệt hơn nữa nhằm khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời, hiệu quả.

Để bệnh SXH không lan rộng, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền yêu cầu, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt hơn nhằm sớm khoanh vùng, khống chế, xử lý các ổ dịch kịp thời, không để bùng phát tại cộng đồng. Cần huy động cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, sự đồng thuận của người dân thì công tác phòng chống dịch bệnh nói chung, công tác phòng chống SXH nói riêng mới đạt hiệu quả cao. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy để phòng dịch bệnh.

Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân cách phòng ngừa SXH

Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt bằng cách: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy. Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần. Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

Phòng chống muỗi đốt: Mặc quần áo dài tay. Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày. Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi... Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi. Cho người bị SXH nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác. Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang