Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 29/6/2022

  • |
T5g.org.vn - Ý kiến trái chiều về “yêu cầu viết cam kết nếu không tiêm vaccine”; Dân sống khổ sở cạnh 'bệnh viện ma'; Bị vòng tránh thai 'rơi' từ tử cung vào bàng quang và… hóa sỏi; Số ca sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao ở TPHCM; Ngăn chặn dịch sốt xuất huyết bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh

 

Ý kiến trái chiều về  “yêu cầu viết cam kết nếu không tiêm vaccine”

Những ngày vừa qua, một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Bình Phước yêu cầu người dân nếu không tiêm vaccine phòng COVID-19 phải ký cam kết chịu trách nhiệm nếu để bệnh lây lan, đồng thời báo cáo số lượng người dân không đồng ý tiêm ngay sau đợt cao điểm kết thúc, điều này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Việc yêu cầu người dân ký cam kết chịu trách nhiệm như vậy có đúng với quy định hay không?

Theo chị Bùi Thị Hạnh (Tây Hồ, Hà Nội), việc yêu cầu ký cam kết nếu để  bệnh lây lan do không tiêm vaccine phòng COVID-19 là vô lý. Bởi có rất nhiều người đã tiêm 3 mũi vaccine vẫn mắc COVID-19, nếu ký cam kết không tiêm mà để lây lan dịch bệnh thì cũng phải yêu cầu cam kết ngược lại “đã tiêm thì không mắc COVID-19”.

Đồng quan điểm với chị Hạnh, nhiều người cho rằng, yêu cầu này không khả thi và không nhận được sự đồng thuận. Bởi nhiều người cho rằng, tiêm rồi thì ai ký giấy cam kết đảm bảo người đó không bị nhiễm COVID-19, không lây lan cho người khác. “Việc tiêm vaccine mũi 3, 4 chỉ nên vận động chứ không nên “ép buộc”, bắt ký cam kết như trên”, anh Phạm Văn Đức, Hà Nội nêu quan điểm.

Thời gian vừa qua, dịch COVID-19 tại Việt Nam đã được kiểm soát tốt, số ca mắc mới, số bệnh nhân nặng và tử vong đều giảm mạnh, cuộc sống đã trở về trạng thái bình thường, nhiều người đã mắc COVID-19, đã tiêm vaccine mũi 2, 3 từ chối tiêm mũi tăng cường, mũi 4. Ở nhiều tỉnh, thành phố còn tồn đọng nhiều vaccine, nguy cơ phải hủy bỏ vaccine do sắp hết hạn.

Việc yêu cầu người dân không tiêm vaccine phải ký giấy cam kết như trên liệu có phù hợp với tình hình thực tiễn chống dịch hiện nay và có đúng với quy định hay không? PGS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: "Việc ký cam kết giúp nâng cao trách nhiệm hai bên trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình. Chúng ta thấy rằng ký kết thực hiện tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là yêu cầu phòng, chống dịch. Việc ký cam kết nêu rõ trách nhiệm giữa các bên là cần thiết. Việc ký cam kết này để chính quyền, người dân hiểu rõ hơn về các biến thể mới và hiệu quả của vaccine cũng như ứng phó biến thể mới”, ông Lân nói.

Trước đó, Bộ Y tế thông báo kết luận của Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về việc kiểm điểm tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19. Trong đó có nội dung thống nhất quan điểm truyền thông về tiêm vaccine là tiêm vaccine phòng, chống dịch; địa phương nào không tiêm, người dân nào không tiêm để xảy ra dịch phải chịu trách nhiệm. Người dân không đồng ý tiêm phải ký giấy cam kết.

Với việc xuất hiện biến thể phụ BA.5 ở Việt Nam, nhiều người lo ngại nếu chủ quan, lơ là sẽ xuất hiện đợt dịch mới. Vậy biến thể phụ BA.5 có nguy hiểm không? Theo GS Phan Trọng Lân, tính lây lan của biến chủng này được đánh giá lây lan nhanh hơn so với các biến chủng cũ. Còn về độc lực, biểu hiện nặng hiện vẫn chưa có nghiên cứu bài bản được công bố chính thức. Trước diễn biến mới của dịch, Bộ Y tế sẽ tiếp tục có các biện pháp giám sát, điều chỉnh biện pháp chống dịch phù hợp.

Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, qua theo dõi, biến thể phụ BA.5 lây lan nhanh, nhưng không gây bệnh nặng và tử vong nhiều. Tuy nhiên, chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân tiêm mũi tăng cường, mũi bổ sung, đặc biệt là người cao tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch… để phòng bệnh trước các biến chủng mới có thể xuất hiện trong tương lai.

Nói về hiệu quả của vaccine, Ths.BS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, các bằng chứng khoa học cho đến nay đã chỉ ra rằng, hiệu quả bảo vệ của vaccine để phòng COVID-19 là trên 50%. Một nghiên cứu gần đây đăng trên tạp y khoa hàng đầu thế gới NEJM cho thấy hiệu quả của vaccine sau tiêm mũi 3 có giá trị trong vòng 3 tháng.

Sau tháng thứ 3, hiệu quả giảm rất rõ rệt. Đặc biệt là với biến chủng Omicron ở tháng thứ 3 hiệu quả đạt đỉnh điểm, chỉ 51%, sau đó giảm dần, thậm chí có nghiên cứu cho thấy hiệu quả chỉ còn 10-20%. “Như vậy, đến thời điểm hiện nay việc tiêm nhắc lại mũi 4 rất cần thiết”, ông Dương cho biết (Công an nhân dân, trang 2).

 

Dân sống khổ sở cạnh 'bệnh viện ma'

Hàng trăm hộ dân khu 1, 2 thuộc phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đang phải sống khổ sở với khu bệnh viện bị bỏ hoang gần chục năm nay.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hạ Long tọa lạc trên sườn đồi khu 2, phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long với quần thể công trình nhà 4 tầng và khu điều trị, cấp thuốc, trung tâm giải độc và phục hồi chức năng. Dự án có tổng diện tích lên đến gần 40.000m2 và có mức tổng đầu tư gần 70 triệu USD.

Mặc dù được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt từ năm 2003, nhưng chủ đầu tư là Cty TNHH Bệnh viện quốc tế Hạ Long chỉ triển khai xây dựng cầm chừng được vài năm đầu và sau đó bỏ không cho cỏ mọc. Đến nay đã gần 10 năm, dự án chưa đi vào hoạt động chính thức một ngày nào.

Qua ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, hiện tại toàn bộ dự án chỉ duy nhất còn 1 người trông coi công trình. Công việc hằng ngày của người này là lên khu vực cổng bệnh viện rồi mắc võng nằm ngủ.

“Nhà tôi và một số hộ dân khác sinh sống phía dưới rất sợ mỗi khi trời mưa vì đất đá ở khu bờ kè sẽ lăn xuống nhà. Khu bệnh viện này được xây trên đồi cao nhưng hệ thống bờ kè đã xuống cấp sau gần 10 năm bỏ hoang. Nguy cơ sạt lở rất cao mỗi khi mưa to gió lớn. Công trình không khác gì... tòa nhà ma”, ông L.H.H (64 tuổi, sống gần bệnh viện) bức xúc nói. Được tọa lạc ở một vị trí đắc địa, “view” hướng vịnh Hạ Long nhưng gần 10 năm nay khu bệnh viện này trở thành điểm nghẽn trong giải quyết khiếu nại của người dân. Hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp đến dự án. Họ có đất nhưng không làm được sổ đỏ, có sổ đỏ lại không được xây dựng nhà.

“Chúng tôi rất đồng tình với việc triển khai dự án. Tuy nhiên, dự án triển khai trong thời gian dài, đến nay không đủ điều kiện bồi thường GPMB cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Do đó, việc chia tách thửa cũng như xây dựng, sửa chữa nhà ở của người dân gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều năm nay nhưng không được giải quyết”, ông Đ.V.H, cán bộ hưu trí thuộc khu 2 phường Hùng Thắng nói.

Để tìm hiểu rõ hơn về dự án bệnh viện này, phóng viên đã tìm đến địa chỉ đăng ký trụ sở của Cty TNHH Bệnh viện quốc tế Hạ Long tại tổ 3A, khu 1, phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Nhưng tại đây không có dấu hiệu nào cho thấy có sự xuất hiện của Cty này. Nhiều người dân đều lắc đầu không biết tên Cty, họ chỉ biết khu “bệnh viện ma” nằm trên đồi có tên giống Cty này.

Trao đổi với đại diện lãnh đạo UBND thành phố Hạ Long, vị đại diện này cho biết: dự án này đã trải qua mấy đời chủ tịch nhưng vẫn chưa có hướng xử lý triệt để. Mới đây, thành phố đã có văn bản trình lên UBND tỉnh Quảng Ninh về phương án xử lý chủ đầu tư và dự án vì không thực hiện theo tiến độ cam kết ban đầu. Hiện thành phố vẫn đang chờ chỉ đạo của tỉnh (Tiền phong, trang 10).

 

Bị vòng tránh thai 'rơi' từ tử cung vào bàng quang và… hóa sỏi

Ngày 28-6, bác sĩ Tạ Hữu Nghĩa - phó trưởng khoa ngoại và liên chuyên khoa Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu - cho biết ê kíp của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công ca bệnh khá hiếm gặp khi vòng tránh thai "rơi" từ tử cung vào bàng quang của một phụ nữ, vòng tránh thai này đã hóa sỏi.

Trước đó, bệnh viện tiếp nhận nữ bệnh nhân L.H.T. (36 tuổi, ngụ huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) trong tình trạng khó tiểu, tiểu gắt, tiểu buốt không rõ nguyên nhân.

Qua thăm khám sàng lọc và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ chuyên khoa phát hiện bệnh nhân có một chiếc vòng tránh thai nằm trong bàng quang đã hóa sỏi nên đã chỉ định mổ nội soi tán sỏi bám và lấy vòng tránh thai qua ngả niệu đạo.

Sau phẫu thuật, hiện tại bệnh nhân tiếp xúc tốt, sức khỏe đã hồi phục, dự kiến có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Bác sĩ Nghĩa - đồng thời là phẫu thuật viên chính của nữ bệnh nhân - cho biết nếu không xử trí kịp thời ca bệnh trên sẽ gây nhiễm trùng bên trong. Đặc biệt có một số trường hợp rơi vào ổ bụng gây những biến chứng nguy hiểm như rò ruột, rò tử cung hoặc thủng ruột.

Ông Nghĩa khuyến cáo phụ nữ khi đặt vòng tránh thai nên thăm khám định kỳ 6 tháng một lần và thay vòng đúng hạn 5 năm để tránh những biến chứng nguy hiểm (Tuổi trẻ, trang 4).

 

Số ca sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao ở TPHCM

Ngày 28-6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, trong tuần 25 (từ 17-6 đến 23-6), số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) có xu hướng giảm, tuy nhiên số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) vẫn có xu hướng gia tăng. 

Đến nay, thành phố ghi nhận 18.976 ca mắc SXH, tăng 151,6% so với cùng kỳ (7.542 ca). Số ca nặng là 311 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc SXH đến tuần 25 là 1,6% (311/18.976), tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ là 0,4% (33/7.542).

Trong tuần này, thành phố ghi nhận 2.548 ca SXH, tăng 611 ca (31,6%) so với trung bình 4 tuần trước. Số ca SXH tăng ở cả trường hợp điều trị nội trú và khám ngoại trú. Trong tuần ghi nhận 1 ca tử vong do SXH. Như vậy từ đầu năm đến nay, có 10 ca tử vong do SXH, tăng 7 ca so với cùng kỳ.

Số ca SXH tiếp tục tăng cao ở 21/22 quận huyện và TP Thủ Đức (trừ quận 12). Những phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường Cô Giang (quận 1), phường 11 (quận 3), phường 15 (quận 8), xã An Phú Tây (huyện Bình Chánh), phường 11 và phường 22 (quận Bình Thạnh), phường 1 (quận Gò Vấp).

Tuần qua, thành phố ghi nhận thêm 825 ca TCM, giảm 217 ca (20,8%) so với trung bình 4 tuần trước đó. Tính đến tuần thứ 25, thành phố ghi nhận 7.634 ca TCM, với 21/22 quận huyện có số ca bệnh trong tuần giảm so với số ca trung bình 4 tuần trước (trừ huyện Nhà Bè) (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Ký cam kết tiêm vaccine Covid-19 thể hiện trách nhiệm

Liên quan tới việc một số địa phương yêu cầu người dân không đồng ý tiêm vaccine Covid-19 mũi 3, 4 phải ký cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân cho rằng, việc tiêm vaccine là yêu cầu của phòng chống dịch và người dân cần đi tiêm đúng lịch. Ngày 28-6, Bộ Y tế cho biết, trong ngày cả nước ghi nhận 769 ca mắc Covid-19 (tăng 132 ca so với ngày trước đó) tại 37 tỉnh thành. Cả nước có thêm 9.505 người khỏi Covid-19 và 3 ca tử vong.

Liên quan tới việc một số địa phương yêu cầu người dân không đồng ý tiêm vaccine Covid-19 mũi 3, 4 phải ký cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân cho rằng, việc tiêm vaccine là yêu cầu của phòng chống dịch và người dân cần đi tiêm đúng lịch. Ký cam kết thể hiện chúng ta đặt vai trò cao hơn của người dân trong công tác phòng chống dịch giai đoạn bình thường mới và khi xuất hiện các biến thể mới. Việc ký cam kết nêu rõ trách nhiệm các bên là cần thiết; đặc biệt để chính quyền và người dân hiểu rõ hơn về các biến thể mới, hiệu quả của vaccine cũng như ứng phó trong thời gian tới với biến thể mới. Virus SARS-CoV-2 liên tục biến hóa khôn lường nên cần tiêm vaccine để ứng phó với các biến thể mới gây bệnh.

Trong khi đó, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Dương Thị Hồng khẳng định, quan trọng nhất giai đoạn này là việc người dân tiêm nhắc mũi 3, 4. Tới đây, các địa phương tiếp tục nhận vaccine với mong muốn đạt tỷ lệ bao phủ tiêm chủng mức cao nhất để người dân chủ động phòng chống những biến thể trong thời gian tới. Thực tế vừa qua, cả nước có hơn 40 triệu liều vaccine đã được tiêm mũi 3 và hơn 3,4 triệu liều tiêm mũi thứ 4, đảm bảo an toàn. Người dân nên đi tiêm mũi nhắc lại để đạt miễn dịch bền vững (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Ngành y tế cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, vì sức khỏe nhân dân

Chiều 28/6, Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Tổng Công ty Dược Việt Nam và trao Huân chương Lao động Hạng Nhất cho Tổng Công ty, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với những khó khăn của ngành y tế hiện nay, nhưng cũng yêu cầu ngành y tế phải biết sốt ruột trước tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế hiện nay ở 41 địa phương. Cho rằng, tình trạng này không phải do cơ chế mà là tinh thần trách nhiệm của ngành, nguyên nhân chủ quan là chính, Chủ tịch nước chỉ đạo ngành y tế nhanh chóng khắc phục tình trạng này.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương những thành tích Tổng công ty Dược Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên trong hơn 50 năm qua, góp phần phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam và sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Nổi bật là những đóng góp quan trọng trong việc bình ổn giá thuốc, bảo đảm cơ cấu, chủng loại, số lượng, chất lượng thuốc và cân đối cung cầu thuốc phòng, chữa bệnh cho nhân dân; thực hiện tốt nhiệm vụ được giao về dự trữ, lưu thông thuốc quốc gia. Tổng công ty đã chủ động phân phối các trang thiết bị y tế và thuốc phòng, chống dịch, góp phần chung tay cùng nhân dân cả nước đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu một số khó khăn hiện nay của ngành y tế, như việc nhân viên y tế nghỉ việc chuyển công tác và tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế. Cho rằng những khó khăn mà ngành y tế đang gặp phải chỉ là tạm thời, Chủ tịch nước nêu rõ, Đảng và Nhà nước rất quan tâm giải quyết những thách thức và vướng mắc mà Ngành y đang gặp phải. Chủ tịch nước đề nghị ngành y tế và Tổng công ty Dược Việt Nam trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần bảo đảm dịch vụ y tế thông suốt để người bệnh an tâm và an toàn.

“Chúng ta thấy một tình hình nhân viên y tế, bác sĩ nghỉ việc việc rất đông. Báo hôm qua đăng, thành phố Hà Nội có 800 nhân viên y tế nghỉ việc chuyển công tác do một số nguyên nhân: chế độ đãi ngộ, mức thu nhập nhân viên hạn chế so với doanh nghiệp và các đơn vị y tế ngoài công lập hoặc cơ sở y tế thuộc bộ ngành; và có nhiều hiện tượng không bình thường khác.

Tôi yêu cầu ngành y tế Việt Nam nêu cao tinh thần cách mạng, vì sức khỏe của nhân dân, sốc lại đội ngũ, làm tốt công tác tư tưởng, động viên cán bộ, nhân viên toàn ngành vì Đảng, vì dân mà phục vụ. Tinh thần là không để làm sai, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật. Ai làm sai pháp luật phải xử lý. Còn ai không làm sai, vì người dân, thì cứ yên tâm làm việc”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Trước bối cảnh nhiều cơ sở khám chữa bệnh cả nước thiếu thuốc và vật tư y tế, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chính phủ và ngành y tế cần sớm giải quyết tình trạng này. Chủ tịch nước nêu thực tế, sơ bộ có 41 tỉnh, thành phố thiếu thuốc, vật tư y tế. Trong đó, 33/182 cơ sở khám chữa bệnh tại TPHCM và 42/189 cơ sở khám chữa bệnh tại Hà Nội thiếu thuốc và vật tư y tế. Có nguyên nhân khách quan của tình trạng này, nhưng theo Chủ tịch nước, nguyên nhân chủ quan là chính.

Năm 2019 trở về trước, khi chưa có dịch, cơ bản không xảy ra thiếu thuốc, chứ không phải chúng ta nói chúng ta thiếu thể chế. Năm 2019 cũng thể chế đó, chúng ta vẫn hoàn thành vấn đề thuốc và vật tư. Hàng năm trước khi có dịch bệnh, có khoảng 50 triệu người dân khám chữa bệnh. Trong 6 tháng đầu năm nay có khoảng 22 triệu người khám chữa bệnh thì có khoảng 59 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT.

“Chúng ta hiểu rằng, BHYT là sự ưu việt của chế độ ta, của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Chúng ta có 91% số người tham gia BHYT, rất thành công. Theo nguyên tắc, đã đóng BHYT là để được mua thuốc. Nhưng khi bị bệnh lại không có thuốc, nhất là bệnh ung thư, tim mạch… Có đau lòng không các đồng chí?!. Ngành y tế phải nóng ruột việc này. Cán bộ, công ty ngành dược có nóng ruột trước việc này hiện nay không. Không làm việc này thì quyền lợi của nhân dân, quyền lợi của người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, họ trách ngành y tế của chúng ta”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Cùng với đó, Chủ tịch nước đề nghị ngành y tế phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là cơ chế tài chính để nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ dịch vụ y tế, cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện. Mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế toàn dân, và phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế, quan tâm các đối tượng chính sách, người nghèo. Chấn chỉnh hoạt động xã hội hóa nguồn lực trong phát triển y tế ở các bệnh viện công lập. Tăng cường y tế dự phòng, y tế cơ sở, thúc đẩy hệ thống khám chữa bệnh từ xa.

Cùng với đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế cả về chuyên môn nghiệp vụ, y đức, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, Chủ tịch nước đề nghị ngành y và các địa phương quan tâm, động viên hơn nữa đến đội ngũ y bác sĩ, dược sĩ trong cả nước rèn luyện, có nghị lực phấn đấu nâng cao trình độ, tinh thần trách nhiệm phục vụ người bệnh. Bên cạnh đó, phát triển chương trình khoa học công nghệ trọng điểm về dược liệu, chú trọng ứng dụng công nghệ và phát triển nguồn gen, dược liệu quý hiếm, phát triển một số vùng dược liệu quy mô lớn, tạo những nền tảng và tiền đề cần thiết để thúc đẩy ngành công nghiệp dược Việt Nam.

Nhấn mạnh, ngành y tế cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, cần nêu gương người đứng đầu trong công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng, hệ thống y tế, các y bác sĩ, dược sĩ, cán bộ, ngành y tế sẽ phát huy truyền thống 77 năm thành lập; đặc biệt là 50 năm truyền thống của Tổng Công ty Dược Việt Nam với tinh thần dám nghĩ, dám làm và làm đúng để phục vụ nhân dân tốt hơn (Công an nhân dân, trang 1; Tuổi trẻ, trang 4).

 

Ngăn chặn dịch sốt xuất huyết bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh

Bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Số ca mắc và những ca chuyển nặng liên tục tăng trong những tháng gần đây tại hầu hết các địa phương trên địa bàn thành phố. Việc thiếu thuốc đặc trị sốc sốt xuất huyết khiến cho công tác phòng, chống dịch bệnh này ở thành phố Hồ Chí Minh càng gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, số ca mắc sốt xuất huyết ở thành phố tăng mạnh kể từ khi bước vào mùa mưa. Nhận thấy sự phức tạp, ngành y tế thành phố đã có những giải pháp quyết liệt hơn nhằm kìm hãm sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết trước khi bước vào những tháng cao điểm của bệnh này.

Số ca bệnh tăng nhanh

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, tính đến tuần 25 (từ ngày 17/6 đến 23/6), thành phố ghi nhận 18.976 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 151,6% với cùng kỳ năm 2021. Số ca nặng là 311 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc đến tuần 25 là 1,6%, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Riêng trong tuần 25, thành phố ghi nhận 2.548 ca mắc, tăng 611 ca (31,6%) so với trung bình bốn tuần trước, và ghi nhận một trường hợp chết. Như vậy, số người chết do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay ở thành phố là 10 trường hợp, tăng bảy ca so với cùng kỳ năm 2021. Cũng trong tuần 25, toàn thành phố ghi nhận 174 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 89 phường, xã thuộc 18/22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức, tăng 38 ổ dịch mới so với tuần 24.

Tại Bệnh viện quận 8, bác sĩ chuyên khoa II Trần Quốc Hùng, Giám đốc bệnh viện cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã ghi nhận 89 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue nhập viện điều trị. "Địa bàn quận 8 có nhiều kênh, rạch dẫn đến công tác rà soát các điểm nguy cơ chưa được toàn diện. Tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, nếu không quyết liệt sẽ tăng số lượng bệnh nhân nhập viện, có thể gây khó khăn cho công tác điều trị", bác sĩ Trần Quốc Hùng cho hay.

Cũng theo bác sĩ Trần Quốc Hùng, nhân lực của bệnh viện đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh sốt xuất huyết, nhưng phần lớn là bác sĩ trẻ, gặp khó khăn trong xử lý những ca bệnh nặng. Bệnh viện đã tiến hành hội chẩn với bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhằm hỗ trợ trong công tác điều trị các ca bệnh nặng.

Huyện Hóc Môn hiện là một trong những địa bàn "nóng" nhất của Thành phố Hồ Chí Minh về bệnh sốt xuất huyết. Các trường hợp đến khám và điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện trên địa bàn huyện Hóc Môn liên tục tăng trong những tháng gần đây. Bác sĩ Nguyễn Thị Trúc Chi, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn cho biết, trong sáu tháng đầu năm 2022, số lượt bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám và điều trị tại bệnh viện là 995 trường hợp, tăng gần 300% so với cùng kỳ. Hiện, có 46 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện; số giường bệnh có thể lên 60 đến 80 giường nếu bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện tăng lên trong thời gian tới.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, tỷ lệ các ca sốc sốt xuất huyết Dengue năm 2022 là 21,22%, tăng gấp đôi so cùng kỳ các năm trước. Tỷ lệ tử vong cũng tăng cao hơn so với các năm trước. Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhận định, so sánh cùng kỳ năm 2019 cho thấy xu hướng bệnh tăng cao từ tháng 4 đến nay, tình hình diễn biến phức tạp hơn các năm trước. Khó khăn hiện nay của đơn vị là nguồn cung ứng thuốc điều trị sốt xuất huyết. Các loại dung dịch sử dụng để điều trị sốt xuất huyết như HES 200, Dextran 40, Dextran 70 và các thuốc vận mạch (như Dopamin) chưa tìm được nguồn cung ứng. Trong khi đó, việc dùng dung dịch cao phân tử HES 130 thay thế để điều trị sốc sốt xuất huyết lại chưa được cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam chấp thuận thanh toán bảo hiểm y tế…

Cần sự vào cuộc của cộng đồng

Trước diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã sớm tham mưu UBND thành phố về đánh giá tình hình bệnh sốt xuất huyết năm nay không giống như những năm trước, có nguy cơ bùng phát cao, từ đó thành phố có những văn bản chỉ đạo kịp thời, đẩy mạnh việc phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, Sở Y tế đã tiến hành tập huấn cho khối dự phòng về xử lý ổ dịch từ tuyến thành phố cho đến trạm y tế và tập huấn cho khối điều trị đối với tất cả các đơn vị công lập và ngoài công lập. Sở Y tế cũng lập đoàn kiểm tra các quận, huyện, tham mưu cho lãnh đạo UBND quận, huyện về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế đã bàn bạc nhiều giải pháp mới nhằm kìm hãm sự phát triển của dịch bệnh. Từ kết quả phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, để phòng, chống sốt xuất huyết không chỉ giao cho ngành y tế mà cần sự vào cuộc của ban chỉ đạo phòng, chống dịch ở các địa phương, của từng hộ dân, cộng đồng thì mới mang lại kết quả. "Chúng tôi đã kiến nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh đổi tên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế thành phố thành Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế để nhấn mạnh ý nghĩa phòng, chống dịch, trong đó có sốt xuất huyết và dịch bệnh khác trong thời gian tới", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng cho hay.

Qua kiểm tra, giám sát phòng, chống sốt xuất huyết, ngành y tế thành phố nhận thấy bất cập tồn tại lớn nhất đó là các vật chứa có nước, loăng quăng vẫn còn nhiều. Người dân chưa xem phòng, chống sốt xuất huyết là việc làm thường xuyên, là thói quen hằng ngày. Từ thực tế trên, thành phố đã có kế hoạch phát động chiến dịch tổng vệ sinh, triệt nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Đợt tổng vệ sinh được thực hiện từ đầu tháng 7/2022 đến hết tháng 9/2022 và có thể kéo dài hơn tùy theo tình hình dịch bệnh. Đây là nhiệm vụ căn cơ của thành phố trong thời gian tới nhằm ngăn chặn nguồn lây bệnh sốt xuất huyết. Song song đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh có lực lượng giám sát hằng tuần việc triển khai tổng vệ sinh tại các quận, huyện, tránh việc các địa phương chỉ làm hình thức.

Để công tác phòng, chống sốt xuất huyết đạt kết quả tốt, Sở Y tế thành phố kiến nghị Bộ Y tế có nguồn kinh phí của bệnh viện tuyến cuối trong vai trò chỉ đạo tuyến để tiến hành tập huấn cho đội ngũ y, bác sĩ ở các tỉnh về nhận định và điều trị sốt xuất huyết, hạn chế tình trạng chuyển viện. Bộ Y tế cần có giải pháp giải bài toán thiếu thuốc, dung dịch điều trị sốt xuất huyết; đồng thời cho các tỉnh, thành phố có quỹ dự phòng mua sắm thuốc quý hiếm để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh (Nhân dân, trang 8).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang