Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 30/8/2015

  • |
T5g.org.vn - Hướng tới xã hội hóa chương trình methadone; Nâng cao kiến thức về quản lý bệnh đái tháo đường; Vệ sinh môi trường đẩy lùi dịch bệnh lây truyền nguy hiểm…

Hướng tới xã hội hóa chương trình methadone

Sau gần sáu năm triển khai, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone tại Việt Nam đã mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe, kinh tế và an ninh xã hội. Đây là cơ sở vững chắc để đạt mục tiêu đến hết năm 2015 sẽ có 80 nghìn người nghiện các chất dạng thuốc phiện tại hơn 40 tỉnh, thành phố được điều trị bằng methadone, tương đương 42% tổng số người nghiện ma túy trên toàn quốc.

Một vốn bảy lời

Vượt gần 70 km cung đường gập ghềnh sỏi đá, chúng tôi đến xã đặc biệt khó khăn Ẳng Nưa, huyện Mường Ẳng (Điện Biên). Đi bộ thêm 5 km đường lầy lội vì hai ngày mưa rả rích, chúng tôi đến nhà anh chị Lò Văn Cường ở bản Cang. Hai vợ chồng anh đang xới lại mảnh đất sau nhà để tăng gia thêm rau ăn. Một bé trai chừng tám tuổi và bé gái hơn 10 tuổi chạy quanh khoảng sân lớn nô đùa. Để có khung cảnh yên bình đó, là cả một sự cố gắng vượt qua chính bản thân để chiến đấu với ma túy. Anh Cường nhớ lại: Thời gian dính vào hê-rô-in đã bảy năm rồi. Sau ba năm thì phát hiện nhiễm HIV. Kể từ khi phát hiện bị nhiễm HIV, tôi hoang mang và chán nản, càng lao vào ma túy. Bệnh tật và ma túy đã cướp đi những phút giây hạnh phúc của gia đình nhỏ. Tài sản cứ “đội nón” ra đi, làm được đồng nào cũng chỉ để hút, chích hê-rô-in. Thậm chí có những hôm trong túi không còn tiền mua ma túy, tôi về nhà đánh đập vợ con lấy tiền để đi thỏa mãn cơn nghiện. Đến một ngày Cường lếch thếch trở về, thấy hai đứa con đang khóc khản giọng, mặt mũi nhem nhuốc, nói mẹ đang cấp cứu ở bệnh viện huyện. Vì tuyệt vọng khi bao lần khuyên nhủ chồng không được nên người vợ trẻ đã quyên sinh. May mắn, hôm đó bà ngoại lên trông cháu đã kịp thời phát hiện đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Sau hôm đó, tôi đã thức tỉnh và quyết tâm làm lại cuộc đời vì chính bản thân và gia đình. Được sự giúp đỡ của các bác sĩ Trung tâm y tế huyện Điện Biên, ngoài việc uống thuốc ARV (thuốc kháng vi-rút), tôi còn được giới thiệu tham gia chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone. Hiện nay, sức khỏe của tôi đã ổn định. Ngoài việc uống methadone miễn phí, chúng tôi cũng được vay vốn từ ngân hàng dành cho hộ gia đình khó khăn và được hướng dẫn đầu tư phát triển mô hình vườn, ao, chuồng (VAC) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vợ anh Cường, khuôn mặt ửng hồng hạnh phúc, ôm đứa con trai vào lòng, nuớc mắt rưng rưng nói: “Tôi không nghĩ gia đình mình có được sự bình yên như hôm nay. Sau bao nhiêu năm sống trong nước mắt và đau khổ, có những lúc tưởng chừng như không gắng gượng nổi. Vậy mà, giờ đây chúng tôi đã có cuộc sống yên ổn, kinh tế phát triển, con cái được học hành, chăm sóc đầy đủ”.

Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Điện Biên Hoàng Xuân Chiến cho biết: Điện Biên là một trong những tỉnh, thành phố triển khai mô hình điều trị methadone từ rất sớm. Tính đến tháng 8-2015, toàn tỉnh hiện có bảy cơ sở, điều trị cho gần hai nghìn người bệnh. Phần lớn người bệnh đều tuân thủ điều trị tốt và kết quả rất khả quan. Bên cạnh việc duy trì hoạt động của bảy cơ sở, sắp tới Điện Biên sẽ triển khai thêm ba cơ sở nữa.

Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long cho biết: Được triển khai từ tháng 5-2008 với sáu trung tâm tại TP Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh. Sau ba năm thí điểm chương trình được mở rộng đến 49 tỉnh, thành phố có tỷ lệ người nghiện và nhiễm HIV cao như: TP Hà Nội, Quảng Ninh, TP Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Điện Biên... với 187 trung tâm, nâng tổng số người được điều trị lên đến gần 35 nghìn người và tỷ lệ duy trì là 95%. Cái được nhất của điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone là giảm hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm người nghiện, chích hê-rô-in ra ngoài cộng đồng. Bên cạnh đó, chất lượng cuộc sống của những người nghiện được cải thiện rõ rệt, với tỷ lệ thất nghiệp, tội phạm, tệ nạn xã hội liên quan tới ma túy giảm từ 35,96% xuống 24,1%, điểm đánh giá sức khỏe thể chất tăng từ 68 đến 75. Ngoài ra, người nghiện hê-rô-in giảm hoặc ngừng sử dụng hê-rô-in, giảm viêm gan B, C và tử vong do sử dụng quá liều hê-rô-in; kiềm chế được bản thân, giảm các hành vi phạm pháp; cải thiện tình trạng sức khỏe; cải thiện và ổn định các mối quan hệ với gia đình và xã hội, có công việc ổn định hơn và có ích cho cuộc sống. Theo các nghiên cứu trên thế giới một USD chi cho chương trình methadone, sẽ tiết kiệm được bảy USD cho các vấn đề khác phát sinh như pháp luật, y tế.

Gỡ khó cho chương trình methadone

Hiện rất nhiều địa phương nhận ra hiệu quả của chương trình methadone, tuy nhiên việc mở rộng cơ sở điều trị còn rất nhiều khó khăn do kinh phí còn hạn hẹp. Hai năm gần đây, nguồn tài trợ dành cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS đã bị cắt giảm và sau năm 2015 sẽ cắt giảm hoàn toàn, vì Việt Nam cơ bản đã kìm hãm được số ca nhiễm HIV mới. Trong khi đó, nhu cầu điều trị ở nước ta là rất lớn, còn hơn 63 nghìn người bệnh đang chờ để được điều trị. Sẽ đáp ứng được khi chương trình điều trị methadone được mở rộng khắp 63 tỉnh, thành phố. Song, phần lớn các địa phương hiện đang gặp khó khăn về kinh phí đầu tư cho cơ sở điều trị methadone. Đáng chú ý, nhiều tỉnh chưa xây dựng được cơ sở điều trị methadone, cho nên những người có nhu cầu điều trị hằng ngày phải sang tỉnh bên cạnh để lấy thuốc. Để sang lấy thuốc, một ngày người bệnh đi hàng chục km, cho nên có những người bỏ ngang không theo đủ chương trình điều trị nên đã quay lại sử dụng hê-rô-in.

Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone là một giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay cho công cuộc phòng, chống lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, thời gian tới, chương trình sẽ không được cung cấp methadone miễn phí nữa do các nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế bị cắt giảm. Để chương trình đạt hiệu quả, chúng ta cần áp dụng mô hình xã hội hóa tại các cơ sở điều trị. Khi đó, người bệnh hằng ngày sẽ cùng chi trả một phần kinh phí cho điều trị (hiện nay đã có tỉnh thực hiện theo mô hình này và người bệnh chi trả khoảng 10 nghìn đồng/ngày). Bên cạnh đó, nên lồng ghép tối đa vào các cơ sở sẵn có, đó là dạng cơ sở hai trong một hoặc ba trong một, khi vừa xét nghiệm tự nguyện, vừa điều trị HIV và methadone. Mở rộng cơ sở methadone về cộng đồng, người tham gia có thể đến cơ sở điều trị gần nơi họ sống và làm việc, như vậy tỷ lệ tiếp cận được cơ sở điều trị cũng tăng lên. Đáng chú ý, hiện nay, thuốc methadone đã được sản xuất trong nước, cho nên các địa phương có nhu cầu mở và mở rộng thêm các cơ sở điều trị cần chủ động dành một phần kinh phí từ nguồn ngân sách của tỉnh cho chương trình điều trị methadone.(Nhân dân trang 5)

Nâng cao kiến thức về quản lý bệnh đái tháo đường

Trong hai ngày 29 và 30-8, tại TP Cần Thơ, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Hội Nội tiết đái tháo đường TP Hồ Chí Minh tổ chức lớp đào tạo cho nhân viên y tế về quản lý bệnh đái tháo đường. Đây là lớp đào tạo thứ tư do chính các giảng viên đã được đào tạo từ ba lớp tập huấn từ năm 2012 đến nay tham gia giảng dạy. Đến nay, chương trình đào tạo về đái tháo đường đã đào tạo được 300 giảng viên và hơn 600 nhân viên y tế về quản lý bệnh đái tháo đường.

Tại nước ta, trong khi tỷ lệ người mắc đái tháo đường tiếp tục tăng thì một thách thức lớn trong việc tiếp cận và cung cấp các dịch vụ y tế về chăm sóc bệnh đái tháo đường là trình độ cán bộ y tế còn hạn chế. Việc đào tạo lại, đào tạo liên tục, cập nhật những kiến thức mới, chuyên sâu về bệnh đái tháo đường chưa đáp ứng được nhu cầu điều trị.( Nhân dân trang 5)

Vệ sinh môi trường đẩy lùi dịch bệnh lây truyền nguy hiểm

Vệ sinh cá nhân tốt, không còn tình trạng phóng uế bừa bãi, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, nhất là cải thiện tình trạng ô nhiễm nguồn nước ăn uống, sinh hoạt… được coi là những giải pháp hữu hiệu, góp phần giảm nguy cơ mắc một số dịch bệnh nguy hiểm lây truyền. Tuy nhiên, tại nhiều khu vực nông thôn ở nước ta, việc thiếu nước sạch, ô nhiễm nguồn nước, người dân thiếu kiến thức trong vệ sinh cá nhân đã dẫn đến tỷ lệ người dân mắc các dịch bệnh lây truyền còn cao.

Phó Cục trưởng Phụ trách Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế), TS Nguyễn Thị Liên Hương nhận định: Tại Việt Nam, một số bệnh dịch nguy hiểm, lây truyền vẫn chưa được khống chế một cách triệt để, cho nên nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, giun, sán, tay - chân - miệng… có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong năm. Nguyên nhân, các bệnh dịch này đang lưu hành do ở nhiều địa phương chưa làm tốt công tác vận động người dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; chưa chấm dứt được tình trạng phóng uế bừa bãi ở nhiều vùng nông thôn, nhất là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Việc thiếu nước sạch, vệ sinh cá nhân kém cũng dẫn đến tỷ lệ người dân mắc các bệnh liên quan đến nước và ô nhiễm môi trường còn cao, nhất là các dịch, bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa. Trung bình hằng năm, cả nước ghi nhận khoảng gần một triệu ca tiêu chảy; tỷ lệ nhiễm phối hợp từ hai đến ba loại giun ở miền bắc lên tới từ 60% đến 70% số dân. Điển hình, tình trạng nhiễm giun ở trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo (từ hai đến năm tuổi) đang ở mức báo động, như: Nghệ An (77,9%); Thanh Hóa (76,4%); Điện Biên (53%); Lai Châu (54%)... Việt Nam vẫn chưa thanh toán được bệnh giun sán và là một trong những nước có số người nhiễm giun đường ruột cao nhất châu Á, với khoảng từ 20 đến 40 triệu người... Đáng chú ý, ở nước ta đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong công tác vệ sinh như quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự gia tăng dân số, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu; môi trường sống nhiều nơi ở nông thôn, thành thị, khu công nghiệp, khu dân cư, làng nghề bị ô nhiễm bởi các hóa chất công nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, chất thải trong sản xuất và sinh hoạt. Ngoài ra, ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, bảo đảm vệ sinh môi trường của người dân còn hạn chế…

Nhằm từng bước cải thiện nguồn nước, khắc phục tình trạng phóng uế bừa bãi, nhà tiêu không hợp vệ sinh, cũng như nâng cao ý thức của người dân trong việc vệ sinh cá nhân, nhất là thực hiện Chỉ thị của Chính phủ về việc triển khai Phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch liên ngành và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; các dự án về phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nhà tiêu hộ gia đình, vệ sinh trong lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp. Hằng năm, Bộ Y tế tổ chức phát động chiến dịch hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân (ngày 2-7), theo các chủ đề ưu tiên để giải quyết những vấn đề cấp thiết về vệ sinh liên quan đến sức khỏe... Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng... tiếp tục vận động người dân thực hiện tốt vệ sinh trong nông nghiệp, bảo đảm thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng được an toàn, vệ sinh. Kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và mất vệ sinh trong các làng nghề, khu vực dân cư, nhất là thay đổi tập quán, ý thức trong việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường. Kiểm tra việc thực hiện quy hoạch cấp nước, thoát nước và quản lý chất thải rắn tại các đô thị trên địa bàn toàn quốc... Ngành y tế thường xuyên tổ chức các chiến dịch truyền thông, trong đó tập trung việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như rửa tay bằng xà-phòng, vệ sinh răng miệng, vệ sinh thân thể; thực hiện nếp sống vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, ở sạch và rèn luyện thân thể thông qua các phong trào “năm không, ba sạch”. Các địa phương đẩy mạnh quản lý nước thải, rác thải sinh hoạt, rác thải làng nghề và tổ chức định kỳ các đợt tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm; tổng vệ sinh cơ quan, trường học, nơi công cộng và nhà dân để tạo thói quen và nền nếp vệ sinh trong nhân dân…

Những năm qua, với sự đầu tư của Chính phủ cho việc cung cấp nước sạch và cải thiện các điều kiện vệ sinh nông thôn; sự nỗ lực của ngành y tế và các bộ, ngành, các tổ chức xã hội, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, nhà tiêu hộ gia đình đã có những cải thiện đáng kể. Hiện nay, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 60%; sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 82% và nhiều chỉ số về sức khỏe của người dân đã được nâng cao rõ rệt. Công tác vệ sinh môi trường, từng bước đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống của người dân trên mọi miền đất nước.

Nguyễn Thanh Long

Thứ trưởng Y tế

( Nhân dân trang 5)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang