Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 03/4/2020

  • |
T5g.org.vn - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ tình nguyện tham gia hiến máu; Dịch lan ra cộng đồng, có thể không tìm được F0; Hà Nội đã sẵn sàng cho cấp độ 4 phòng dịch

 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ tình nguyện tham gia hiến máu

Năm 2020 là tròn 20 năm Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định lấy ngày 7-4 hằng năm là Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện (7-4-2000 - 7-4-2020). Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước NGUYỄN PHÚ TRỌNG đã gửi Thư tới đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.

Nhân Ngày “Toàn dân hiến máu tình nguyện, 07-04-2020”, tôi nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao nghĩa cử cao đẹp đầy lòng nhân ái, tính nhân văn sâu sắc của những người hiến máu tình nguyện; các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho công tác hiến máu tình nguyện, điều đó thể hiện trách nhiệm, tình cảm của mỗi người đối với cộng đồng, xã hội.

Tôi được biết trong những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện đã phát triển rộng khắp trên cả nước với nhiều hoạt động phong phú, cụ thể, thiết thực và thu được những kết quả đáng khích lệ, giúp cho người bệnh kịp thời có máu để điều trị. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi, nhiều thời điểm ở các bệnh viện vẫn còn nhiều trường hợp người bệnh phải chờ máu hoặc không đủ máu và sản phẩm từ máu để truyền. Đây là thiệt thòi lớn cho người bệnh cần máu và làm giảm hiệu quả chữa bệnh.

Máu là loại thuốc đặc biệt, máu an toàn chỉ có thể hiến tặng từ chính những người khỏe mạnh, tình nguyện và hiến máu thường xuyên.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, bộ, ngành, đoàn thể và toàn xã hội tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện đẩy mạnh phong trào hiến máu tình nguyện phát triển hơn nữa. Vì sức khỏe cộng đồng và vì sức khỏe của chính mình, tôi kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, mỗi người khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn hãy luôn sẵn sàng, hăng hái tham gia hiến máu và tích cực vận động mọi người cùng hiến máu thường xuyên cứu người để giúp cho mỗi người kiểm tra được sức khỏe của mình, cứu giúp người bệnh, vì một xã hội khỏe mạnh và nhân văn, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, sự phát triển bền vững của đất nước.

Thân ái,

NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

(Nhân dân, trang 1; Sài gòn giải phóng, trang 1; Sức khỏe & đời sống, trang 2; Lao động, trang 1; Thanh niên, trang 3, Tiền phong, trang 15; Hà nội mới, trang 1; An ninh thủ đô, trang 2)

 

Dịch lan ra cộng đồng, có thể không tìm được F0

Ngày 2.4, Bộ Y tế công bố thêm 9 ca bệnh Covid-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tại VN lên 227 người. Chuyên gia nhận định, dịch Covid-19 lan ra cộng đồng.

Trong số 9 bệnh nhân (BN) mới (từ BN thứ 219 đến 227) được công bố, có 3 BN lây nhiễm trong cộng đồng, liên quan tới ổ dịch tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai. Cụ thể, BN 219 (nữ, 59 tuổi) là con dâu của BN 161 (88 tuổi, là người bệnh tại Khoa Thần kinh BV Bạch Mai, được công bố nhiễm bệnh vào 27.3). Tới thời điểm hiện tại, đã có 4 người trong gia đình BN 161 nhiễm Covid-19, ngoài BN 161 còn có BN 162 (con dâu), BN 163 (cháu gái BN), BN 219 (con dâu). Ngoài ra, BN 227 cũng liên quan tới BN 161. Cụ thể, BN 227 là con của BN 209 (nhân viên Công ty xăng dầu khu vực I, Q.Long Biên, Hà Nội) mà BN này được cho là bị lây bệnh từ BN 163 (cháu gái BN 161 nói trên).

Ngay sau khi BN 219 được công bố vào trưa qua, tỉnh Hưng Yên đã quyết định khoanh vùng cách ly thôn Chí Trung (là nơi cư trú của gia đình BN 219) với diện tích 2,5 ha và 1.404 người để làm xét nghiệm cho các trường hợp F1, F2.

Một BN khác cũng liên quan tới ổ dịch BV Bạch Mai là BN 223. BN 223 (29 tuổi, quê Nam Định), là người nhà chăm sóc BN tại Khoa Phục hồi chức năng BV Bạch Mai từ 11.3, thường xuyên đi ăn uống và mua đồ tạp hóa ở căn tin, có tiếp xúc với đội cung cấp nước sôi của Công ty Trường Sinh. Ngoài ra, các BN còn lại đều là các trường hợp từ nước ngoài trở về, được sàng lọc và cách ly ngay sau khi nhập cảnh, do đó không có nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Không để dịch thành đám lửa lớn

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, dịch Covid-19 nếu giai đoạn đầu 70% các ca bệnh là mầm bệnh xâm nhập và từ nước ngoài về thì hiện tại các ca mắc trong nước đang tăng lên. Để chống lây lan, lúc này y tế cơ sở là rất quan trọng. Cần lập các tổ công tác tại địa phương “rà từng ngõ, gõ từng nhà”; lập danh sách, cách ly, theo dõi sức khỏe những người có nguy cơ.

Phân tích chi tiết hơn về diễn biến dịch, ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, cho rằng: “Giai đoạn đầu chúng ta có thể biết được nguyên nhân là ca nào, ổ dịch nào, nguyên nhân do đâu, là phát hiện được ca đầu tiên. Nhưng hiện nay chúng ta không phát hiện được ca đầu tiên nữa. Ví dụ, như ổ dịch ở Bạch Mai, chúng ta cũng không biết ca đầu tiên nhiễm ở đâu”, ông Phu đánh giá và nhìn nhận: “Bất kỳ một nước nào rồi cũng đến giai đoạn như vậy chứ không phải chỉ VN. Chúng ta kéo dài được giai đoạn 1 và 2 đến nay là rất tốt rồi. Nhưng giai đoạn này là giai đoạn phải quyết liệt hơn. Và quyết liệt hơn không chỉ là các giải pháp về y tế mà các giải pháp tổng thể. Ví dụ như, chúng ta tiếp tục duy trì việc phát hiện sớm, cách ly và tiến tới sẽ xét nghiệm nhiều hơn để phát hiện được nhiều hơn tại cộng đồng. Và từng chỗ nào có ổ dịch chúng ta phải khoanh vùng. Chúng ta có thể có nhiều các đốm lửa nhưng không thể để thành đám lửa lớn, vì như vậy sẽ vỡ trận về điều trị như một số nước”.

Thực hiện nghiêm cách ly xã hội

Ông Phu phân tích thêm, nếu trước đây, chống dịch chỉ là đưa những người nghi nhiễm vào cách ly như toàn bộ những người nhập cảnh, người nghi ngờ nhiễm thì bây giờ phải giải quyết các việc phòng bệnh, bằng cách rất cụ thể, trong đó thực hiện cách ly xã hội. Thực hiện các giải pháp không cho người bị nhiễm tiếp xúc với người lành và người lành không tiếp xúc với người bị nhiễm để tránh lây. Vì dịch này lây truyền qua giọt bắn, qua tiếp xúc gần, qua việc đụng vào các vật dụng đã bị người mang vi rút ho, hắt hơi, nói… thải ra. Việc phòng bệnh này, cần áp dụng rất nhiều các biện pháp mà Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt.

“Quan trọng nhất trong lúc này là ngành y tế cần tiếp tục phát hiện, cách ly, khoanh vùng, chặn dịch và người dân cần ý thức thực hiện. Mỗi người cần hạn chế đi lại, hạn chế giao tiếp, hạn chế tụ tập đông người… một cách triệt để hơn. Làm sao người dân càng ít tiếp xúc với nhau càng tốt. Chỉ có như thế, chúng ta mới dập dịch được”, ông Phu nói và đặc biệt lưu ý: “Vai trò của người dân là rất quan trọng để chống dịch thành công, mỗi người cần ý thức tự giác. Đồng thời, ý thức trách nhiệm trong chỉ đạo đôn đốc của chính quyền, kể cả là những vấn đề cần xử phạt mạnh tay các vi phạm để chúng ta dập dịch được, trong vòng 15 ngày cách ly xã hội, chúng ta phải thực hiện thật nghiêm túc các vấn đề đó”.

Còn theo ông Đỗ Xuân Tuyên, từ nay đến 15.4 đang là thời điểm vàng chống dịch, nếu thực hiện đầy đủ các biện pháp đã được Đảng, Chính phủ chỉ đạo, người dân vào cuộc, thực hiện tốt khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, chắc chắn dịch sẽ được kiểm soát, tiến tới kết quả phòng chống dịch sẽ tốt hơn nữa. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy những ngày gần đây, các ca bệnh mới phát hiện trung bình 9 - 12 BN/ngày, có xu hướng giảm và đi ngang, so với giai đoạn của 10 ngày trước (có thời điểm lên đến 19 BN mới/ngày). Ông Tuyên cho biết Ban Chỉ đạo quốc gia chống dịch Covid-19 sẽ sớm có hội nghị riêng để đánh giá về diễn biến dịch. (Thanh niên, trang 4; Tiền phong, trang 3).

 

Hà Nội đã sẵn sàng cho cấp độ 4 phòng dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu Hà Nội chuẩn bị các phương án tiếp nhận bệnh nhân điều trị tại các cơ sở y tế của Thủ đô. Hà Nội đã chuẩn bị các phương án điều trị như thế nào? Báo Sức khỏe&Ðời sống đã phỏng vấn TS. Trần Nhị Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội về vấn đề này.

PV: Thưa bà, các cơ sở y tế toàn thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 đến nay như thế nào?

TS. Trần Nhị Hà: Hà Nội đã sẵn sàng trang thiết bị, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để điều trị cho 1.000 người mắc COVID-19 cùng một lúc. Trong đó, 30% bệnh nhân nặng phải thở máy. Không chỉ vậy, chúng tôi còn chuẩn bị các kịch bản xấu hơn như 2.000 - 3.000 người mắc COVID-19. Ở tình hình đó, Hà Nội hoàn toàn đáp ứng khả năng cứu chữa bệnh nhân.

Đối với các bệnh viện có trách nhiệm thu dung và điều trị bệnh nhân như Bệnh viện Bắc Thăng Long, hiện nay, hơn 300 bệnh nhân của BV này đã được cho ra viện hoặc chuyển sang các bệnh viện khác trước khi BV được chuyển đổi sang trạng thái chỉ phục vụ cho việc tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân COVID-19. BV đã phân các khu thu dung điều trị, cách ly và khu hành chính dã chiến, trang thiết bị được đầu tư bổ sung với hơn 30 máy thở, lọc máu và chụp Xquang tại giường. Hiện BV đang điều trị cho 5 trường hợp nghi ngờ và gần 20 người F2.

Đối với BVĐK Đức Giang, để chuẩn bị cho việc phân loại, sàng lọc và điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, đã dành khu nhà với 150 giường bệnh, 30 bác sĩ và hơn 60 điều dưỡng để khám, điều trị. BV này được yêu cầu chịu trách nhiệm điều trị cho bệnh nhi và sản phụ mắc COVID-19.

Hà Nội đã chuẩn bị cho kịch bản ứng phó với cấp độ 4 của dịch, theo phương châm 4 tại chỗ. Đảm bảo nhân lực tham gia điều trị được tập huấn phác đồ điều trị, chuyên môn, kỹ thuật kiểm soát nhiễm khuẩn với mục tiêu cứu chữa khỏi cho người bệnh và giảm tối đa tỷ lệ bệnh nhân tử vong, đặc biệt là phòng chống lây nhiễm trong khối bệnh viện, các cán bộ y tế, giữa các nhân viên phục vụ và người bệnh.

Sở Y tế Hà Nội đã triển khai việc phòng, chống dịch tại các bệnh viện, sàng lọc, phân luồng, phân tuyến, cách ly điều trị ca bệnh tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện như thế nào?

Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc tăng cường công tác sàng lọc, phân luồng, phân tuyến, cách ly điều trị ca bệnh COVID-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Trước hết là tổ chức thực hiện việc đón tiếp, sàng lọc, phân luồng, cách ly người nghi nhiễm COVID-19, phải sàng lọc người bệnh ngay khi đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; phân luồng người có dấu hiệu lâm sàng, yếu tố dịch tễ tới phòng chờ khám bệnh, phòng khám bệnh riêng, đảm bảo các điều kiện cách ly theo quy định...

Về phân tuyến điều trị, từ ca bệnh số 1-300 của Hà Nội, chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để điều trị cách ly. Từ ca bệnh tiếp theo, tiếp nhận điều trị cách ly trên nguyên tắc lấp đầy cơ số giường bệnh của từng bệnh viện sẽ chuyển sang BV khác theo thứ tự: Bệnh viện Bắc Thăng Long (230 giường); Bệnh viện dã chiến Mê Linh (200 giường); BVĐK Đức

Giang (150 giường); Bệnh viện Thanh Nhàn (200 giường); BVĐK Hà Đông (140 giường); BVĐK Đống Đa (80 giường).

Với các BV trong và ngoài công lập, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu bố trí phòng khám, khu cách ly có lối đi riêng biệt để tiếp nhận người bệnh đến khám; tiếp nhận các trường hợp có dấu hiệu ho, sốt, khó thở... đến khám theo hướng dẫn của Bộ Y tế và lấy mẫu xét nghiệm.

Để bảo vệ cán bộ y tế và gia đình, chúng tôi đã tổ chức tập huấn nhiều lần cho cán bộ, người lao động từ bảo vệ, trông giữ xe, lái xe, hộ lý... về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân, chăm sóc người bệnh, hướng dẫn ngăn ngừa và điều trị cho bệnh nhân COVID-19...

Ngành y tế sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện sàng lọc, phân luồng và cách ly người bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn và đình chỉ hoặc đình chỉ tạm thời; rút giấy phép hoạt động/chứng chỉ hành nghề đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cá nhân không thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch bệnh.

Trân trọng cảm ơn bà! (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).

 

TPHCM tăng cường kiểm soát ổ dịch

Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, tính đến ngày 2-4, TP có 50 ca mắc Covid-19, trong đó 15 trường hợp đã được khỏi bệnh.

Riêng trong ngày 2-4, TP ghi nhận thêm 1 ca nhiễm mới từ ổ dịch quán bar Buddha (quận 2, TPHCM). Đây là ca 224, nam, 39 tuổi, quốc tịch Brazil, cư ngụ tại phường Thảo Điền, quận 2, TPHCM. Bệnh nhân có thời gian sống cùng phòng với bệnh nhân 158 tại chung cư Masteri. Dù không có triệu chứng lâm sàng nhưng từ ngày 27-3, bệnh nhân được cách ly tập trung tại Trường HUFLIT, huyện Hóc Môn.

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi cách ly, điều trị. Như vậy, tính đến nay, tại ổ dịch quán bar Buddha đã ghi nhận 16 trường hợp mắc Covid-19. Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh, điều tra, khoanh vùng để kiểm soát, chặn đứng sự lây lan của ổ dịch này.

Liên quan ổ dịch Covid-19 tại quận 8, ngành y tế TPHCM đã lấy 306 mẫu xét nghiệm, bao gồm những người tiếp xúc gần và những người cùng đi lễ tại Thánh đường trong vùng, tất cả cho kết quả âm tính; 176 người được cách ly tập trung tại khu cách ly Đại học quốc gia TPHCM, 122 người được cách ly tại nhà. Từ ngày 15-3 đến nay không phát hiện thêm ca bệnh mới tại ổ dịch này.

Đối với nhóm tham dự lễ tang ở huyện Bình Chánh liên quan đến bệnh nhân 153, đã có 180 trường hợp tiếp xúc có kết quả xét nghiệm âm tính. Hiện tại những người tiếp xúc gần đang được cách ly. Từ 23-3 đến nay không phát hiện ca bệnh mới.

Theo Sở Y tế TPHCM, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố đang nỗ lực xác minh, điều tra các trường hợp từng đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 13-3 đang sinh sống tại TPHCM. Các trường hợp này đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Riêng về việc rà soát, xác minh người nhập cảnh từ 8 -3 chưa cách ly tập trung, Sở Y tế TP cho biết đã xác minh, tiếp cận 5.285 người; lấy mẫu xét nghiệm 2.486 người, phát hiện 1 trường hợp dương tính Covid-19.

Về tình hình cách ly kiểm dịch trên địa bàn TP, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số người cách ly tại các điểm cách ly tập trung của quận/huyện là 1.071, trong đó có 602 người hết thời hạn cách ly và 469 người vẫn đang tiếp tục cách ly. Còn tại các điểm cách ly tập trung của thành phố, tổng số người cách ly là 10.177 người, trong đó còn cách ly 8.673 người, hết thời gian theo dõi 1.504 người. Riêng những người cách ly tại nhà hiện còn 1.842 người và đã có 4.472 người hết thời gian theo dõi.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), sau thời gian ngắn đưa vào vận hành, những khu cách ly tập trung của thành phố đã dần hoạt động ổn định. Nhằm tăng cường phát hiện sớm người mắc bệnh, những người được cách ly cũng được kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể kịp thời phát hiện những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ. Với những trường hợp chuẩn bị hết hạn cách ly đều được thăm khám, lấy mẫu xét nghiệm, chụp X-quang nhằm đánh giá tổng quan sức khỏe trước ngày rời khỏi khu cách ly tập trung.

Ngày 2-4, Sở Y tế TPHCM cho biết đã chính thức đưa vào sử dụng phần mềm “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19” nhằm giúp cán bộ, nhân viên y tế đang tham gia quản trị các khu cách ly tập trung và các bệnh viện điều trị Covid-19 dễ dàng quản lý thông tin, theo dõi diễn tiến tình trạng sức khỏe, quá trình điều trị của người cách ly hoặc người bệnh từ lúc vào cho đến khi rời khỏi…

Bên cạnh đó giúp Sở Y tế theo dõi thông tin về tình hình dịch Covid-19. Cụ thể, tại Sở Y tế, người sử dụng có thể tổng hợp số người được cách ly, người bệnh, bao gồm cả cách ly kiểm dịch và cách ly điều trị; tổng hợp số người cách ly, người bệnh đang hiện diện tại các khu cách ly và bệnh viện; có thể tra cứu chi tiết về thông tin của người cách ly kiểm dịch, cách ly điều trị, tổng số người đã rời khỏi khu cách ly hoặc xuất viện, tổng số trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính (bao gồm số cộng dồn và số phát sinh mới trong 24 giờ qua), số ca tử vong, danh sách các ca chuyển từ khu cách ly đến các bệnh viện điều trị, tổng số các ca chuyển về các bệnh viện khác vì các lý do khác, tổng số ca dự kiến sẽ xuất viện trong ngày; tra cứu các giường còn trống của các khu cách ly để tiện cho việc điều phối; tra cứu thông tin người cách ly theo các tiêu chí khác nhau: họ tên, quốc tịch, phương tiện và số hiệu phương tiện di chuyển, tình trạng bệnh,… cho đến theo dõi tình hình nhân lực tại các khu cách ly, điều phối nhân lực giữa các khu cách ly (khi cần). (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Chúng ta đã bước sang giai đoạn 3 của “cuộc chiến” chống COVID-19

Ðến thời điểm này, chúng ta đã bước sang giai đoạn 3 của “cuộc chiến” chống dịch COVID-19. Việc Thủ tướng ký quyết định công bố dịch bệnh COVID-19 trên toàn quốc nhằm làm tăng thêm tinh thần trách nhiệm của các lực lượng chống dịch trên từng địa bàn, trong từng ngành; đồng thời để người dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tham gia phòng chống dịch...

Nếu thực hiện nghiêm, đúng chỉ đạo thì chắc chắn sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, ngay từ đầu, Việt Nam đã chủ động áp dụng các biện pháp sớm, cao hơn khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới áp dụng khai báo y tế bắt buộc với người nhập cảnh từ Trung Quốc vào ngày 8/2 và với tất cả những người nhập cảnh từ ngày 7/3). Việt Nam cũng là một trong số ít nước áp dụng biện pháp ngừng miễn visa, hạn chế nhập cảnh. Đặc biệt, Việt Nam áp dụng hình thức cách ly tập trung với người nhập cảnh từ hoặc đi qua các vùng dịch và với tất cả mọi người nhập cảnh từ ngày 21/3/2020.

Vào thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam chưa thể thực hiện triệt để được các biện pháp ngăn chặn từ bên ngoài như nhiều quốc gia khác. Vì vậy trước ngày 21/3/2020, đã có hàng trăm ngàn người nhập cảnh vào Việt Nam, đã đi khắp đất nước và tiếp xúc với rất nhiều người nên thực tế là đã có mầm bệnh thâm nhập vào cộng đồng.

Vì vậy, Việt Nam đã thiết lập các cơ chế để phát hiện những người nhiễm bệnh, truy vết những người có nguy cơ lây nhiễm để cách ly, khoanh vùng nhanh nhất có thể. Cơ chế này dần được hoàn thiện và đã giúp xác định các ổ dịch, ổ dịch tiềm năng từ đó tập trung dập ngay từ sớm.

Ban Chỉ đạo nhận định, đến nay số ca nhiễm ở Việt Nam không tăng theo quy luật của thế giới, bởi chúng ta có những giải pháp phòng chống dịch hiệu quả cao. Hiện nay còn 2 ổ dịch đang được theo dõi sát sao là quán Bar Buddha ở TP. Hồ Chí Minh và BV Bạch Mai. Về cơ bản 2 ổ dịch này đã xác định được nguồn lây chính và đang tiến hành thống kê, rà soát các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm.

Nếu chúng ta thực hiện đúng, nghiêm sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia thì chắc chắn sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng.

Theo đó, mỗi người dân cũng cần thực hiện các hướng dẫn của ngành y tế đặc biệt là hạn chế tối đa tiếp xúc, chỉ đi ra ngoài khi thực sự cần thiết và nếu phải đi ra ngoài thì luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

Giãn cách xã hội là hết sức cần thiết

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, chúng ta đã áp dụng các biện pháp theo từng cấp độ, nhịp độ phát triển dịch tễ của đất nước.Đây là một trong những động thái quan trọng để ngăn chặn dịch xâm nhập.

Ở trong nước, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Chỉ thị 16 về cách ly xã hội vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành rất quan trọng và rất kịp thời để ứng phó với tình huống dịch bệnh có thể lây lan mạnh trong khoảng 2 tuần tới. “Bản chất cách ly xã hội có nghĩa là giãn cách xã hội” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói. Những người dân không thực sự cần thiết thì không nên ra đường. Chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết và phải thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn dịch tễ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đó là cần giữ khoảng cách giữa người và người tối thiểu 2m, đeo khẩu trang - đó là một trong những biện pháp rất quan trọng để chúng ta khống chế, kiểm soát lây nhiễm COVID-19 ở Việt Nam. “Đây là một chỉ thị kịp thời đáp ứng được theo yêu cầu hiện nay. Trong 2 tuần tới là thời điểm quan trọng để ngăn chặn dịch.” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Cũng về vấn đề này, PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam chia sẻ, cách ly xã hội là làm sao hạn chế một cách tối đa việc người bị bệnh tiếp xúc với những người lành hoặc là hạn chế tối đa những người lành tiếp xúc với người bệnh để không lây nhiễm sang nhau, bởi vì virus lây theo tiếp xúc gần, khi chạm vào dụng cụ, bề mặt có virus của người bệnh thải ra bám vào”- PGS. TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Công an Hà Nội: Triển khai lực lượng giám sát việc cách ly xã hội tại 30 chốt ra vào cửa ngõ Thủ đô

Trực tiếp đi kiểm tra từng chốt tại các cửa ngõ này, Trung tướng Đoàn Duy Khương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội đã yêu cầu CBCS thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần “chống dịch như chống giặc” mà Thủ tướng đã phát động. Cùng đi kiểm tra với Giám đốc còn có Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc CATP.

Quán triệt và chủ động thực hiện hiệu quả Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Chỉ thị 05 của UBND TP Hà Nội, ngay trong tối 1-4, CATP Hà Nội phối hợp Sở GTVT triển khai lực lượng tại 30 điểm chốt đường bộ cửa ngõ ra vào Thủ đô và các tuyến đường sắt, đường sông để tuần tra kiểm soát giám sát việc thực hiện cách ly xã hội phòng, chống dịch Covid-19.

Trực tiếp đi kiểm tra từng chốt tại các cửa ngõ này, Trung tướng Đoàn Duy Khương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội đã yêu cầu CBCS thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần “chống dịch như chống giặc” mà Thủ tướng đã phát động. Cùng đi kiểm tra với Giám đốc còn có Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc CATP.

Kiểm soát chặt, phát hiện sớm

Sáng sớm 2-4, Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc CATP Hà Nội đã cùng với Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc đi đến từng chốt để kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của CBCS. Tại chốt trực trên phố Đàm Quang Trung, quận Long Biên, dẫn lên cầu Vĩnh Tuy vào trong nội thành, Trung tướng Đoàn Duy Khương hài lòng với tinh thần chủ động và việc triển khai nhanh chóng công tác dựng lều bạt dã chiến của CBCS tại đây.

Đồng chí Giám đốc trực tiếp vào kiểm tra trong lều bạt dã chiến, chỉnh nắn từng nút buộc, đồng thời lưu ý CBCS những vấn đề rất nhỏ liên quan đến hậu cần, trang cấp các thiết bị nhằm phục vụ cho công tác ứng trực, chiến đấu.

Ở đầu phía Nam cầu Chương Dương cũng được Đội CSGT số 1, Phòng CSGT, CATP Hà Nội phối hợp với các đơn vị chức năng dựng lều dã chiến để thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, kiểm tra thân nhiệt các lái xe ra vào thành phố.

Trong lều bạt dã chiến này, đồng chí Giám đốc hỏi chỉ huy Đội CSGT số 1 áo mưa phản quang, gang tay, khẩu trang của CBCS có đủ dùng không? Ngay cả chuyện bình nước uống, thực hiện hậu cần sau chiến đấu cũng được Trung tướng Đoàn Duy Khương hỏi cặn kẽ chỉ huy đơn vị và chỉ đạo Phòng Hậu cần giải quyết ngay những thắc mắc, kiến nghị đề xuất.

Lưu ý CBCS trong việc kê dựng những dụng cụ, trang thiết bị trong lều cho khoa học, Giám đốc CATP Hà Nội yêu cầu ngoài khẩu trang, tất cả những CBCS tham gia làm nhiệm vụ tại những chốt này đều phải đeo gang tay y tế. Quá trình dừng phương tiện, kiểm tra phải được thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo các yếu tố an toàn mà Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã ban hành.

Quốc lộ 18 Hà Nội – Bắc Ninh là tuyến đường huyết mạch nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc, Đông Bắc. Tại đây, Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng Phòng CSGT, CATP Hà Nội đi cùng với Giám đốc CATP kiểm tra từng chốt, đã báo cáo với Trung tướng Đoàn Duy Khương về vị trí lập chốt, dựng lều bạt dã chiến.

Với tuyến đường này, cũng như tất cả các vị trí khác, yêu cầu mà Phòng CSGT quán triệt đến tất cả các CBCS đó là phải đảm bảo tuyệt đối an toàn. Vị trí làm nhiệm vụ phải có tính bao quát, khống chế, giám sát được tất cả những phương tiện đi lại trên tuyến, thực hiện thuận lợi cho các đơn vị khác dừng xe, kiểm tra y tế.

Xử lý nghiêm những hành vi chống đối

Là một trong những tuyến đường cửa ngõ quan trọng của Thủ đô, chốt trực trên đường vành đai 3 hướng về cầu Thanh Trì vào trong trung tâm thành phố cũng được CATP Hà Nội bố trí lực lượng làm nhiệm vụ. Khi thấy CBCS của Đội CSGT số 14, Phòng CSGT cùng với CSCĐ, TTGT triển khai lực lượng, dựng lều bạt dã chiến tại đây, Giám đốc CATP Hà Nội lưu ý không chỉ chọn vị trí an toàn mà còn phải đảm bảo yếu tố về sức khỏe cho CBCS.

Cụ thể, Giám đốc yêu cầu phải có bạt chống thấm nước che phủ trên mặt đất, đảm bảo vệ sinh môi trường cho lực lượng làm nhiệm vụ. Những vị trí đặt các thiết bị kiểm tra, bàn, ghế ứng trực cũng được người đứng đầu CATP Hà Nội yêu cầu chỉ huy các đơn vị phải nghiên cứu nhanh chóng triển khai, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.

Trao đổi với CBCS trực tiếp tại các chốt, Trung tướng  Đoàn Duy Khương nhấn mạnh: Nhiệm vụ quan trọng nhất của 30 chốt trên đó là phối hợp Sở Y tế tổ chức xét nghiệm nhanh Covid- 19; Kiểm tra, dừng hoạt động xe bus, taxi, xe ôm, xe công nghệ, xe khách liên tỉnh; Bảo đảm an ninh trật tự, hướng dẫn phân luồng giao thông tại các cửa ngõ ra vào Thủ đô; tuyên tuyền vận động người dân thực hiện nghiêm các nội dung của Chỉ thị 16 Chính phủ, Chỉ thị 05 của UBND Thành phố; xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm theo quy định. Khi phát hiện các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật; kịp thời thông báo cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý nghiêm theo quy định.

Không chỉ lưu ý các phòng nghiệp vụ và lực lượng làm nhiệm vụ phải chủ động thực hiện và đảm bảo tuyệt đối các yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch, Giám đốc CATP Hà Nội cũng chỉ đạo: Tại tất cả 30 chốt này, ngoài những thiết bị đo thân nhiệt lái xe, cần phải bố sung ngay máy phun thuốc diệt khuẩn trong trường hợp phát hiện xe, người nghi nhiễm Covid-19. Phương án đưa người nghi nhiễm, phương tiện này về đâu từng CBCS ở các chốt phải thực hiện theo đúng kế hoạch, yêu cầu chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP cũng như Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Quốc gia.

Đặt ra các tình huống, giả thuyết trong công tác kiểm tra phòng, chống dịch Covid-19, Giám đốc CATP Hà Nội yêu cầu tại 30 chốt kiểm tra này phải được trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật chuyên dụng, nhanh chóng khống chế, bắt giữ, xử lý đối với những trường hợp cố tình vi phạm, chống đối.

“Tinh thần thực hiện nhiệm vụ của toàn CATP Hà Nội nói chung và 30 chốt kiểm tra nói riêng theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Chống dịch như chống giặc”. Bộ Công an, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô cũng như cả nước đang đặt niềm tin tuyệt đối vào các lực lượng Quân đội, Y tế, Công an..., chính vì lẽ đó, mỗi CBCS phải là lá chắn thép trong phát hiện, ngăn chặn, cô lập, xử lý, tiêu diệt dịch bệnh Covid-19”- Trung tướng Đoàn Duy Khương nhấn mạnh.

Trước đó, CATP Hà Nội đã khuyến cáo và yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng... (An ninh thủ đô, trang 5).

 

Chung sức, đồng lòng để chiến thắng đại dịch Covid-19

Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài chung sức, đồng lòng để chiến thắng đại dịch Covid-19, những ngày qua, mỗi người dân Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đều phát huy cao độ tinh thần "Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”.

“Toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh.”... Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng như thúc giục mỗi người dân Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng cần có hành động cụ thể để chung tay góp sức sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng với Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 05/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo rất rõ hệ thống chính trị cũng như mỗi người dân Thủ đô cần làm gì lúc này để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Trong đó, cần nhanh chóng triển khai, thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện cách ly xã hội từ 0h ngày 1 đến 15-4, bởi đây là "giai đoạn vàng" trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Đánh giá kết quả những ngày đầu thực hiện cách ly xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho biết, người dân đã bày tỏ sự đồng thuận cao, đồng lòng, nghiêm túc thực hiện bằng việc hạn chế ra đường, không tụ tập đông người.

Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Lê Trung Kiên cũng thông tin, ngay khi có hướng dẫn thực hiện cách ly xã hội, nhân dân huyện Đông Anh rất ủng hộ và bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào sự chỉ đạo của Trung ương, thành phố.

Thể hiện sự nhất trí cao trong việc thực hiện cách ly xã hội, bà Ngô Kim Thủy (60 tuổi, tại quận Nam Từ Liêm) bày tỏ: “Việc ở trong nhà lúc này là an toàn nhất, chỉ khi hạn chế người ra đường thì mới ngăn chặn được dịch Covid-19. Tôi rất nhất trí, đồng tình với chủ trương cách ly xã hội”.

Từ ngày 1-4, tinh thần nội dung trong Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 05/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã lan tỏa tới tất cả 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội. Nhiều địa phương có những cách làm sáng tạo, linh hoạt bên cạnh việc vận động, tuyên truyền giúp nhân dân hiểu đúng việc cách ly xã hội.

Các quận, huyện, thị xã đã đồng loạt ban hành các văn bản hướng dẫn chính quyền cơ sở triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 05/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố. Sau khi được các cấp chính quyền tuyên truyền cụ thể hơn về hình thức cách ly xã hội, người dân không còn tập trung đông mua sắm, tích trữ hàng hóa.

Lãnh đạo các địa phương cũng đều khẳng định, trong những ngày tới sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ như tuyên truyền người dân hạn chế ra khỏi nhà, phát huy tinh thần mỗi người dân là một "chiến sĩ", đoàn kết chống "giặc" Covid-19; lập các chốt kiểm tra y tế để kiểm tra sức khỏe của người dân, đồng thời quan tâm chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội. (Hà Nội mới, trang 2).

 

Thương lắm thầy thuốc ở tuyến đầu chống dịch

Khi ta nói chống dịch như chống giặc thì phải có những người ở tuyến đầu cuộc chiến. Họ là ai? Một đội ngũ rất dễ nhận biết là những bác sĩ, y sĩ, y tá, hộ lý, điều dưỡng viên ... làm nhiệm vụ chống dịch COVID - 19 trong mấy tháng đầu năm 2020 vừa qua.

Đất nước ta nói riêng cũng như cả thế giới nói chung đang trải qua một mùa xuân đầy bất ổn. Hoàn lưu cơn bão đen mang tên COVID - 19 ngày thêm rộng lớn, từ châu Á sang châu Âu, châu Phi, châu Mỹ. Hàng trăm nghìn người bị nhiễm vi rút Corona biến chủng, hàng chục nghìn người bị tử vong, không kể đẳng cấp, quốc gia, màu da, sắc tộc, chủng tộc, tôn giáo ... Dịch COVID - 19 không biên giới, nó có thể tấn công vào bất cứ quốc gia, vùng lãnh thổ nào, dù giàu mạnh đến mấy. Hàn Quốc, Italia, Đức, Mỹ ... là những minh chứng sinh động cho điều tôi vừa nói.

Để phòng tránh và chống COVID - 19, việc cách ly và chữa bệnh cho những người bị phơi nhiễm là rất cần thiết. Ai trực tiếp tổ chức thực hiện những việc đó nếu không phải là những thầy thuốc, bộ đội, công an ... được giao nhiệm vụ. Tôi nghĩ tới một cuộc chiến không có tiếng súng, chẳng máu chảy xương tan nhưng cũng cực kỳ cam go phức tạp đang thử thách họ. Từng ngày, từng đêm trôi qua là mỗi khoảng thời gian đối mặt với sự bất an không lường hết được. Đã có những bác sĩ bị lây nhiễm, bị hi sinh trong đại dịch nguy hiểm này. Chúng ta đã giật mình, lo lắng khi biết tin một bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã bị phơi nhiễm COVID -19. Bệnh viện Bạch Mai bỗng nhiên trở thành một địa chỉ được quan tâm khi có người dương tính với vi rút quái ác đó.

Là một người lính trải qua chiến tranh, tôi hiểu vị trí của những chiến sĩ ở tuyến đầu. Thành, bại của cuộc chiến phụ thuộc rất lớn vào họ. Nếu không có những anh hùng, dũng sĩ đi đầu trong cuộc chiến, họ trở thành lá chắn, người lính xung kích thì làm sao có khúc khải hoàn ca chiến thắng được. Mỗi giọt mồ hôi họ đổ xuống hôm nay mấy người nhìn rõ. Nỗi nhớ cha mẹ, vợ con, người thân của họ đâu phải ai cũng tận tường. Có những thầy thuốc hàng mấy tuần liền không về nhà. Ngày. Đêm. Không ai cả, họ phải căng sức gồng mình bên bệnh nhân. Bởi thế ta không lấy làm lạ khi trong mấy tháng qua, đông đảo nhân dân cả nước đã hướng về các thầy thuốc, những người được tôn vinh là những anh hùng thầm lặng trên trận tuyến chống giặc COVID -19. Sự tôn vinh đó hoàn toàn đúng, thể hiện tính nhân văn của một dân tộc từng trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, những bão giông thế cuộc trong hành trình dựng nước và giữ nước đầm đìa máu, mồ hôi và nước mắt.

Trong chiến tranh, tiền tuyến lớn cần có hậu phương lớn. Trong cuộc chiến chống đại dịch hôm nay, những người ở tuyến đầu, trong đó có các thầy thuốc cũng rất cần điểm tựa tinh thần. Đó chính là lòng yêu thương, sự chia sẻ, đồng cảm của nhân dân với đội ngũ y tế chúng ta. Yêu thương, chia sẻ, đồng cảm bằng những lời nói, việc làm, bằng ứng xử ấm áp với các bác sĩ, y sĩ, y tá, hộ lý, điều dưỡng viên đang trực tiếp phòng chống COVID - 19. Mỗi lời nói, mỗi việc làm, mỗi ứng xử đẹp sẽ làm ấm lòng họ, động viên cổ vũ họ vượt qua gian khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong thế giới phẳng, sự kết nối tương tác trên mạng xã hội tạo ra được những hiệu ứng nhiều chiều. Nếu hiệu ứng tương tác kết nối tốt đẹp sẽ tạo ra không khí, năng lực tinh thần hữu ích cho xã hội và như vậy chúng ta đã góp phần động viên cổ vũ các thầy thuốc thân yêu. Sức mạnh tinh thần sẽ biến thành sức mạnh vật chất; điều đó thật cần thiết cho cuộc chiến chống COVID -19 biết bao nhiêu.

Tuy vậy, hình như trong thời gian qua, dù ít ỏi nhưng đó đây cũng có những ứng xử không đúng với các thầy thuốc tham gia phòng chống COVID -19. Tôi nghĩ, có lẽ bắt đầu bằng sự sợ hãi quá mức đối với con vi rút Corona biến chủng gây viêm phổi cấp tính này. Sự sợ hãi thái quá, làm cho ít người bỗng nhiên kỳ thị các thầy thuốc trực tiếp tham gia chống dịch. Họ coi các thầy thuốc trực tiếp điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID -19 cũng là một nguồn lây bệnh. Thận trọng là đúng nhưng không nên đánh đồng sự cảnh giác đề phòng bệnh với sự kỳ thị, dẫn tới những xa lánh vô lối. Kỳ thị hay xa lánh các thầy thuốc trực tiếp làm nhiệm vụ chống dịch COVID - 19 là làm tổn thương tinh thần họ, những người xứng đáng được nhận sự yêu thương, trân trọng, chia sẻ sâu sắc của mỗi chúng ta. Tình thương, trân trọng các thầy thuốc không bao giờ thừa cả, nhất là khi đất nước ta đang dồn hết tâm sức chống dịch như chống giặc hiện nay. (Sức khỏe & Đời sống, trang 12).

 

Vụ nhắc đeo khẩu trang bị hành hung tại Phú Thọ: Công đoàn Y tế Việt Nam đề nghị xử lý nghiêm

Ban Thường vụ Công đoàn Y tế Việt Nam đã có văn bản gửi Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Thọ, đề nghị phối hợp và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối tượng tấn công đoàn viên công đoàn ngành Y tế.

Theo thông tin trên báo chí, vào đêm 30/3/2020, tại chốt an ninh trước trung tâm cấp cứu, bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ), nhân viên Nguyễn Phi Long đã nhắc nhở 01 người không đeo khẩu trang khi vào viện. Khi được nhân viên của bệnh viện hướng dẫn đeo khẩu trang và ngồi chờ tại khu vực dành cho người nhà bệnh nhân, nam thanh niên này liền quay ra chửi bới, xúc phạm, xông vào đấm, xô ngã khiến anh Long bị choáng, thâm tím vùng mắt và phù nề mặt.

Trong giai đoạn cả nước cùng ngành Y tế chung tay chống dịch Covid-19, việc đảm bảo môi trường an toàn cho cán bộ y tế, những “chiến sỹ áo trắng” tuyến đầu là hết sức quan trọng để giúp cán bộ y tế toàn tâm toàn trí để cứu chữa cho người bệnh. Vụ việc trên đã gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng cho cán bộ y tế, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh có diễn biến phức tạp như hiện nay. (Lao động, trang 5).

 

Yêu cầu tạm đình chỉ Phó giám đốc BVĐK huyện Hương Khê, Hà Tĩnh

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ra văn bản số 2066/UBND-NC tạm đình chỉ công tác và xem xét kỷ luật trách nhiệm đối với ông Lê Anh Hùng, Phó giám đốc BVĐK huyện Hương Khê.

Theo đó, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tuấn Nghĩa đã ký văn bản số 2066/UBND-NC gửi Sở Y tế Hà Tĩnh yêu cầu Giám đốc Sở Y tế tạm đình chỉ công tác đối với Lê Anh Hùng theo phân cấp thẩm quyền và khẩn trương xác minh làm rõ nội dung phản ánh của dư luận xã hội. Báo cáo UBND tỉnh Hà Tĩnh trước ngày 10/4/2020.

Trước đó, trên một số cơ quan báo chí có phản ánh về việc gia đình ông Lê Anh Hùng, Phó giám đốc BVĐK huyện Hương Khê, Hà Tĩnh tổ chức đám cưới cho con trai vào sáng 31/3/2020, có dấu hiệu vi phạm quy định cấm tập trung đông người để phòng chống dịch, bệnh COVID-19. Sức khỏe & đời sống, trang 6; (Thanh niên, trang 8).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang