Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 3/7/2015

  • |
T5g.org.vn - Trẻ sinh non, nhẹ cân cũng cần được tiêm chủng; Nhiều trẻ nhập viện vì bị say nắng, say nóng; Giảm một phần ba thời gian cấp phép nhập khẩu trang thiết bị y tế; Đưa vào sử dụng chuỗi thiết bị y tế hiện đại...

Trẻ sinh non, nhẹ cân cũng cần được tiêm chủng

Đây là ý kiến của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, sau khi tại Đà Nẵng có phản ứng sau tiêm chủng với một trẻ sinh non nhẹ cân. Theo đó, ngày 2-7 cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu có thông báo cho biết tai biến gây tử vong sau tiêm xảy ra với một bé trai 3 tháng tuổi (có tiền sử sinh non) ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng là trường hợp tử vong ngẫu nhiên, không liên quan tới văcxin.

Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đưa ra hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới cho rằng đối với trẻ sinh non, nhẹ cân khi sinh cũng cần được tiêm chủng để chủ động phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ. “Với những trẻ này, cán bộ y tế cần thăm khám kỹ hơn và các bà mẹ cần chủ động thông báo cho cán bộ y tế, đồng thời lưu ý chăm sóc trẻ sau tiêm chủng một cách cẩn thận hơn như cho trẻ bú mẹ đầy đủ, theo dõi nhiệt độ và tình trạng ăn ngủ, hoạt động của trẻ.

Nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường về sức khỏe như quấy khóc kéo dài, li bì, bú ít, tím tái, khó thở... cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế” - ông Nguyễn Văn Cường, chuyên gia cao cấp của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, khuyến cáo. Chiều 2-7, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến - phó giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng - cũng cho biết liên quan trường hợp trẻ tử vong sau tiêm Quinvaxem nêu trên, nguyên nhân được nghĩ nhiều đến là bệnh cảnh lâm sàng khác trên nền trẻ có tiền sử sinh non, nhẹ cân (Tuổi trẻ trang 3).

Nhiều trẻ nhập viện vì bị say nắng, say nóng

Mấy ngày qua, Hà Nội nắng nóng gay gắt khiến nhiều trẻ phải nhập viện với biểu hiện ốm sốt, cảm nhiệt. Bác sĩ Nguyễn Đông Hải, Phó trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, số trẻ bị các bệnh lý đường hô hấp chiếm hơn 50% tổng số trẻ đến khám, trong đó có nhiều trường hợp ốm sốt do say nóng. Nguyên nhân chủ yếu là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc hoạt động trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao, cũng có thể do thay đổi nhiệt độ đột ngột. Cũng theo bác sĩ Nguyễn Đông Hải, để phòng bệnh, cha mẹ cần chú ý hạn chế cho trẻ đi ra ngoài trời nắng. Những người đang ở trong phòng điều hòa không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài (An ninh thủ đô trang 16).

Giảm một phần ba thời gian cấp phép nhập khẩu trang thiết bị y tế

Ngày 2-7, Bộ Y tế khai trương dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế. Theo đó, các doanh nghiệp thực hiện khai báo và gửi hồ sơ cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế lên hệ thống và thực hiện thanh toán lệ phí trực tuyến mà không phải đến nộp hồ sơ và chờ đợi như trước đây. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 sẽ giúp giảm được một phần ba thời gian cấp giấy phép; góp phần tiết kiệm công sức và chi phí cho doanh nghiệp.

Theo lộ trình, từ nay đến ngày 30-9-2015, hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 này được triển khai đối với các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu trang thiết bị y tế. Từ ngày 1-10, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 "Cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế" sẽ chính thức kết nối với cổng thông tin Hải quan một cửa Quốc gia (Nhân dân trang 5, Sức khỏe & Đời sống trang 2).

Đưa vào sử dụng chuỗi thiết bị y tế hiện đại

Chiều 2-7, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đưa vào sử dụng hệ thống ba máy chẩn đoán hình ảnh hiện đại nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Bộ ba máy chẩn đoán hình ảnh hiện đại bao gồm: máy CT Scanner 128 dãy; MRI 1.5 Tesla và máy DSA hai bình diện. Việc trang bị thêm hệ thống máy móc hiện đại trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh góp phần thúc đẩy bệnh viện phát triển trong thời gian tới. Bệnh viện cũng đã chuẩn bị một đội ngũ các bác sĩ lành nghề để vận hành, sử dụng các trang bị hiện đại này trong công tác khám, chữa bệnh cho người dân ( Nhân dân trang 5, Nông thôn ngày nay trang 2).

Thầy thuốc của dân

Năm 2002, anh Lâm Văn Trạch tốt nghiệp Trường đại học Y Tây Nguyên (chuyên ngành Bác sĩ đa khoa) và được tuyển dụng làm việc tại Trạm Y tế thị trấn Phước Dân (Ninh Phước, Ninh Thuận).

Bác sĩ trẻ Lâm Văn Trạch luôn nỗ lực trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng nông thôn và được bà con tin tưởng, thương yêu. Anh tâm niệm, nghề y là nghề đặc biệt, là nghề cứu người, cho nên bản thân phải học tập, không ngừng trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn. Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng anh quyết tâm khắc phục mọi điều kiện, nỗ lực theo học lớp đào tạo Chuyên khoa Nhi I tại Trường đại học Y Dược (TP Hồ Chí Minh) trong hai năm 2007-2009. Sau khi tốt nghiệp, anh về làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Ninh Phước và được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Nhi I.

Ở cương vị mới, bác sĩ Lâm Văn Trạch càng nỗ lực nghiên cứu, tìm ra các giải pháp chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt hơn. Năm 2014, bác sĩ Trạch có sáng kiến mới về thước đo chiều cao ở tư thế nằm dành cho trẻ em dưới một tuổi, được lãnh đạo ngành y đánh giá cao. Anh chia sẻ: Khi chưa có thước đo, bệnh viện rất khó khăn để xác định chiều cao cho trẻ, bây giờ, vấn đề đó đã được xử lý. Nhờ đó, cán bộ của khoa Nhi I dễ dàng chẩn đoán bệnh lý, chiều cao ở lứa tuổi này và tư vấn cho cha mẹ kịp thời bổ sung đủ chất dinh dưỡng để trẻ có thể trạng tốt, tăng sức đề kháng với các bệnh truyền nhiễm.

Với tác phong nhanh nhẹn, cởi mở, chân thành, đầy nhiệt huyết, bác sĩ Lâm Văn Trạch đã đóng góp nhiều thành tích trong công tác, luôn được đồng nghiệp và lãnh đạo cấp trên tin tưởng.

Ngoài công việc chung, bác sĩ Trạch còn là Chi hội trưởng Chi hội Thầy thuốc trẻ và Bí thư Đoàn của đơn vị. Anh đã tuyên truyền, vận động lực lượng thầy thuốc trẻ và đoàn viên, thanh niên cơ quan tích cực tham gia hiến máu nhân đạo, nhận nuôi trẻ mồ côi nghèo hiếu học, xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, trồng cây xanh ở các thôn, xã trên địa bàn huyện... trở thành tấm gương điển hình cho những bác sĩ trẻ học tập và noi theo.

Anh tâm sự: Với tôi, không có gì hạnh phúc hơn khi thấy bệnh nhân nhanh chóng phục hồi sức khỏe và sớm xuất viện trong thời gian điều trị ngắn nhất (Nhân dân trang 5).

Sáng kiến tiếp cận y tế Clinton trong phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam

Trong hai ngày 2-3/7, cựu tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton sang thăm Việt Nam dự Lễ kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Nhân dịp này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS điểm lại những đóng góp của Sáng kiến tiếp cận Y tế Clinton trong phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Sáng kiến tiếp cận y tế Clinton (CHAI) được thành lập năm 2002, nhằm giúp bệnh nhân tăng cường tiếp cận các sản phẩm y tế chất lượng cao và hiệu quả nhất với mức chi phí chấp nhận được, đồng thời đảm bảo duy trì được sự bền vững ở những quốc gia đang phát triển. Đến nay, sau 13 năm, CHAI đã có mặt ở 38 quốc gia trên khắp thế giới với mục tiêu thay đổi sức khỏe toàn cầu. 

Ở Việt Nam, CHAI được thành lập năm 2006, tập trung vào phát triển các dịch vụ y tế dựa trên hệ thống quốc gia sẵn có, thay vì xây dựng một hệ thống song song sẽ ngừng hoạt động khi không còn nguồn kinh phí tài trợ. CHAI vận động Bộ Y tế phát triển các mô hình chăm sóc HIV lấy gia đình làm trung tâm, đem lại các dịch vụ lồng ghép, tiện lợi cho bệnh nhân và mang đến một phương thức bền vững hơn ở Việt Nam. Hoạt động này vẫn đang tiếp tục thông qua giải quyết những thách thức chủ chốt bằng các phương thức sáng tạo. Đóng góp nổi bật nhất của CHAI là đã hỗ trợ Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam đưa 4.558 trẻ em nhiễm HIV vào điều trị thuốc kháng virus (ARV) tính đến cuối tháng 12 năm 2014, chiếm 86% số trẻ nhiễm HIV, tăng từ 245 trẻ (9% số trẻ nhiễm HIV) vào giữa năm 2006 khi CHAI mới bắt đầu thành lập. Trong giai đoạn 2006 – 2011, CHAI đã tài trợ 100% thuốc ARV cho trẻ em và công cụ chẩn đoán sớm cho ở Việt Nam; hỗ trợ kỹ thuật cho các bác sĩ và điều dưỡng tại 23/63 tỉnh trọng điểm về HIV; tổ chức tập huấn cho hàng nghìn nhân viên y tế về chăm sóc và điều trị, chuỗi cung ứng thuốc, hệ thống xét nghiệm, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, dinh dưỡng, dự phòng lao và nhiều nội dung khác.

Từ năm 2013, CHAI hỗ trợ VAAC và các tỉnh trong việc phân cấp chăm sóc và điều trị cho trẻ em từ tuyến trung ương đến tuyến tỉnh và tuyến quận/huyện, nhằm tăng tỷ lệ bệnh nhân duy trì điều trị, đồng thời giúp làm giảm chi phí đi lại của bệnh nhân khi đi tái khám và lĩnh thuốc ARV. Để cải thiện tỉ lệ sống còn của trẻ nhiễm HIV, CHAI đã hỗ trợ Bộ Y tế triển khai chương trình Chẩn đoán sớm (EID) cho trẻ bằng việc xây dựng và triển khai hướng dẫn quốc gia về EID, tập huấn cho các nhân viên y tế, cung cấp công cụ ghi nhận và báo cáo. Hiện tại, chương trình EID được triển khai tại 84 phòng khám ở 55 tỉnh/thành phố, khoảng 1.800 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được chẩn đoán sớm hàng năm (8% dương tính) và 79% trẻ chẩn đoán dương tính với HIV được bắt đầu điều trị ARV. Nếu không có chương trình chẩn đoán sớm điều trị ARV, 50% trẻ nhiễm HIV sẽ tử vong trong vòng 2 năm đầu đời.

Để giúp làm giảm tỉ lệ mắc lao ở trẻ nhiễm HIV, CHAI đã hỗ trợ chương trình điều trị dự phòng lao bằng isoniazid (IPT) ở trẻ em thông qua việc hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng và triển khai hướng dẫn quốc gia, tập huấn đào tạo, cung cấp các công cụ giám sát và báo cáo IPT, và cung cấp thuốc isoniazid và vitamin B6. Qua đánh giá cho thấy việc điều trị IPT đã làm giảm tỉ lệ trẻ mắc lao tới 97% đối với trẻ được điều trị cả IPT và HIV so với trẻ không được điều trị. Cho đến nay, phần lớn trẻ đang điều trị ARV đã được điều trị IPT. CHAI đã hỗ trợ triển khai chương trình tư vấn xét nghiệm HIV do cán bộ y tế đề xuất (PITC) ở 3 bệnh viện nhi lớn nhất Việt Nam (ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), nơi đang có số lượng bệnh nhi điều trị ARV đông nhất toàn quốc. Hoạt động này nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp trẻ em nhiễm HIV nhưng chưa được chẩn đoán sau khi sinh do mẹ không biết tình trạng nhiễm HIV của mình khi mang thai hoặc khi sinh, và những trẻ này chỉ đến bệnh viện khi có triệu chứng liên quan tới HIV. Năm 2013, học tập kinh nghiệm từ chương trình PITC ở trẻ em, CHAI bắt đầu hỗ trợ triển khai PITC ở các bệnh viện đa khoa tỉnh ở một số tỉnh.

Trong vòng 9 năm qua, CHAI đã hỗ trợ các hoạt động xét nghiệm chẩn đoán tại Việt Nam thông qua cải thiện chất lượng, tăng cường hệ thống chuyển gửi mẫu bệnh phẩm, triển khai hệ thống xét nghiệm tại chỗ, và giảm thời gian trả kết quả xét nghiệm (TAT), tập trung vào việc xây dựng các phòng xét nghiệm khẳng định HIV, xét nghiệm CD4 để xác định tiêu chuẩn điều trị và theo dõi điều trị ARV thường quy. Ngoài ra, CHAI đã đàm phán việc giảm giá trang thiết bị và sinh phẩm xét nghiệm chẩn đoán, hỗ trợ cung cấp miễn phí sinh phẩm xét nghiệm nhanh, sinh phẩm xét nghiệm CD4 và sinh phẩm xét nghiệm PCR DNA, và các vật tư liên quan khác thông qua UNITAID.

CHAI đã hỗ trợ VAAC triển khai Hệ thống Tiếp cận Thông tin Chăm sóc (ACIS), một phần mềm qua internet để gửi tin nhắn SMS qua điện thoại di động để chuyển tiếp bệnh nhân giữa các dịch vụ và nhắc nhở hỗ trợ bệnh nhân đến đăng ký điều trị và tuân thủ điều trị. Hoạt động này giúp làm tăng tỷ lệ chuyển gửi thành công từ 37% (trên toàn quốc) lên 79% tại 112 cơ sở tư vấn xét nghiệm tự nguyện (VCT) và phòng khám ngoại trú. Hiện nay, phần mềm ACIS đang được thực hiện ở trên 300 cơ sở HIV và cơ sở điều trị lao tại 25 tỉnh/thành phố (Gia đình & Xã hội trang 16).

Nghệ An: Cứu sống thai nhi 33 tuần tuổi khi mẹ bị tai nạn giao thông

Chiều 2.7, Bác sĩ Đinh Văn Sinh - Trưởng khoa sản BVHN ĐK Nghệ An cho biết: Bệnh viện vừa cứu sống một thai nhi 33 tuần tuổi, khi người mẹ bị chấn thương sọ não nghiêm trọng do tai nạn giao thông. Theo đó, vào ngày 21.6, sản phụ Nguyễn Thị Tuyết (22 tuổi, trú tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh cùng với chồng bị tai nạn trên QL1A đoạn qua huyện Diễn Châu, Nghệ An. Khi bị tai nạn, chị Tuyết văng ra khỏi xe máy, đầu đập mạnh xuống mặt đường sau đó đã bị hôn mê sâu, lúc này chị đang mang thai tuần thứ 33. Khi nhập viện, chị Tuyết bị đa chấn thương, xây xát vùng mặt, sưng nề vùng trán, đặc biệt bị chấn thương sọ não, xuất huyết dưới nhện lan tỏa, tiên lượng rất xấu.

Sau 2 ngày nỗ lực duy trì, đến tối ngày 22.6, bệnh nhân xuất hiện những cơn co tử cung, dọa sinh non, và được bệnh viện mổ cứu thai nhi 33 tuần tuổi. Khi vừa chào đời, bé trai - con của sản phụ Tuyết nặng 2kg, không khóc, tím tái toàn thân, phổi thông khí kém do ngạt thở, phản xạ sơ sinh yếu, trương lực cơ nhão. Bác sĩ khoa Sản nhanh chóng đặt nội khí quản, bóp bóng, đặt Catheter tĩnh mạch rốn, ống sonde dạ dày, nỗ lực chạy đua với thời gian giành giật sự sống cho bé. Hiện tại, bé trai đã tiến triển tốt, tự thở và bú tốt, đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm và có thể được xuất viện về nhà. Trong khi đó, sản phụ Nguyễn Thị Tuyết vẫn trong tình trạng nguy kịch, hôn mê và đang được theo dõi, điều trị tại khoa Hồi sức Tích cực chống độc, BVHN ĐK Nghệ An ( Lao động online, Tuổi trẻ trang 4).

75 bệnh nhi được mổ bằng phương pháp phẫu thuật nội soi robot

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương vừa thực hiện thành công phẫu thuật u nang ống mật chủ bằng nội soi robot cho bé Trần Thị Hà Linh, 18 tháng tuổi, nặng 9,4 kg. Đây là bệnh nhân thứ 75 và là bệnh nhân nhẹ cân nhất được thực hiện nội soi bằng robot, một kỹ thuật hiện đại bậc nhất và là niềm tự hào của  y tế của Việt Nam.

TS BS Phạm Duy Hiền, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật nội soi (BV Nhi TW) là người trực tiếp điều khiển robot phẫu thuật nội soi cho bé Trần Thị Hà Linh, (Thái Bình) cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng, bụng trướng, biếng ăn, được chẩn đoán là u nang ống mật chủ. Nếu không được cấp cứu và xử lý kịp thời bệnh nhân sẽ bị vỡ ống mật, nguy hiểm đến tính mạng. Phương pháp phẫu thuật nội soi robot là phẫu thuật nội soi được thực hiện bởi người máy điều khiển từ xa. Thay vì các thao tác phân tích, cắt, khâu nối… bởi phẫu thuật viên trực tiếp thực hiện, robot thực hiện dưới sự điều khiển bởi phẫu thuật viên từ buồng điều khiển.

TS Hiền giải thích thêm, ưu điểm của phương pháp phẫu thuật nội soi robot so với phương pháp nội soi thông thường là tính chính xác cao, do góc phẫu thuật rộng 580 độ, robot có thể di chuyển tự do ở 6 góc độ. Bên cạnh đó, phương pháp này đặc biệt an toàn và đem lại hiệu quả cao đối với những bệnh lý phức tạp như nang ống mật chủ, phình đại tràng bẩm sinh, thận ứ nước, teo đường mật…do vùng phẫu thuật thu hẹp, ít xâm lấn, ít gây chảy máu và bệnh nhân khỏi bệnh nhanh, rút ngắn thời gian sau mổ. Đối với bệnh nhi là con gái thì phẫu thuật nội soi robot còn đảm bảo tính thẩm mỹ cao.

Chị Đinh Thị Huyền Trang, 27 tuổi, mẹ của bệnh nhân Trần Thị Hà Linh hoàn toàn yên tâm vào trình độ của các phẫu thuật viên Trung tâm phẫu thuật nội soi. Chị Trang cũng hoàn toàn bất ngờ khi biết, con được hưởng một kỹ thuật cao bậc nhất hiện nay ở Việt Nam với mà chỉ phải thanh toán bằng giá của nội soi thông thường.

Để có được điều đó, bệnh viện đã phải tự bù thêm một phần kinh phí không nhỏ để cháu Hà Linh được hưởng dịch vụ kỹ thuật cao nhất  tại bệnh viện. Trung bình giá mổ bằng nội soi robot từ 50-80 triệu đồng/ca. Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, phát triển kỹ thuật nội soi robot và ưu tiên cho đối tượng nhi khoa thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và  Ngành y tế đối với sự phát triển khỏe mạnh của thế hệ trẻ (Vov online, Gia đình & Xã hội trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang