Y tế nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ
Sáng 31/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế dẫn đầu đoàn công tác đã về Quảng Ninh chỉ đạo công tác khắc phục hậu quảđợt mưa lũ lớn nhất trong vòng 40 năm qua trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người dân. Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện để chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người mất tích, mai táng người bị thiệt mạng, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại; cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị thiếu đói, hộ còn bị cô lập, chia cắt, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, hộ nghèo, gia đình chính sách, không để người dân bị đói, khát; tăng cường thông tin truyền thông, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động ứng phó; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn; chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở triển khai công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, huy động lực lượng quân đội, công an, thanh niên hỗ trợ người dân dựng lại nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường ngay sau khi lũ rút.
Phát huy phương châm 4 tại chỗ để kịp thời ứng phó
Trước thiệt hại lớn về người và của trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn dẫn đầu đã đi thực địa một số địa điểm bị mưa lụt, đến tận nới thăm hỏi, động viên, tặng quà, chia sẻ mất mát đối với các gia đình bị thiệt hại, thăm hỏi một số người bị thương đang nằm điều trị tại các bệnh viện, thắp hương chia buồn với các gia đình có người tử vong.
Báo cáo với Thứ trưởng và đoàn công tác, ông Vũ Xuân Diện - Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, ngay khi mưa lớn xảy ra, Sở Y tế đã chủ động vào cuộc. Trong thời gian diễn ra thiên tai mưa lụt, lực lượng y tế đã có mặt tại hiện trường tích cực tham gia công tác cứu hộ cứu nạn, phân luồng vận chuyển nạn nhân, đảm bảo nhanh chóng kịp thời. Cùng đó thực hiện xử lý vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn thực phẩm. Trước tình hình thiệt hại nặng nề về người và của tại Quảng Ninh, Bộ Y tế đã cấp xuất 1 xuồng cứu nạn và 40 cơ số thuốc phòng chống lụt bão (PCLB); 40 bộ dụng cụ PCLB; 150 áo phao cứu sinh; 1.000.000 viên khử khuẩn cloramin B; 200.000 viên khử khuẩn aquatabs; 10 nhà bạt (loại 16m2 và 24m2) cho Sở Y tế Quảng Ninh. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng hỗ trợ Ban Quân dân y - Quân khu III 30 cơ số thuốc PCLB; 500.000 viên khử khuẩn cloramin B và 100 chiếc áo phao cứu sinh.
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và ngành y tế Quảng Ninh, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đánh giá cao sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ninh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cho công tác phòng chống lụt bão trước, trong và sau mưa lũ lịch sử. Đồng thời ghi nhận sự nỗ lực của ngành y tế Quảng Ninh, thể hiện được tính chuyên nghiệp cao, tinh nhuệ và rất có kinh nghiệm trong đợt mưa lũ vừa qua. Thứ trưởng yêu cầu ngành y tế Quảng Ninh tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thời tiết, có kế hoạch chủ động phát huy phương châm 4 tại chỗ để phòng chống và ứng phó kịp thời với các tình huống xấu; tập trung chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm để đảm bảo sức khỏe người dân. Tổ chức trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn khi có yêu cầu.
Mưa lũ trên diện rộng tiếp tục tàn phá các tỉnh miền Bắc
Theo thống kê ban đầu, tại Quảng Ninh, mưa lũ đã gây ngập lụt khoảng 37.000 hộ dân, trường học, cơ sở y tế, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng. Khoảng gần 1.000 lồng bè, nhiều diện tích ao, đầm nuôi thủy sản, hoa màu bị thiệt hại và ảnh hưởng. Trên địa bàn tỉnh có 18 người chết, 7 người mất tích, nhiều người bị thương.
Một số tuyến đường giao thông, trong đó có những tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh bị sạt lở gây tắc nghẽn, chia cắt. Hàng loạt khu vực bị cô lập vì ngập sâu từ 1,5-2m, thậm chí có nơi lên đến hơn 10m ở đảo Bản Sen, huyện Vân Đồn. Ước tổng thiệt hại về tài sản khoảng 2.000 tỷ đồng.
Báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, ngày 2/8, tại các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang và Sơn La, mưa lũ đã làm thêm 3 người chết, 4 người bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị hư hại. Hơn 3.536ha diện tích lúa, hoa màu bị ngập, thiệt hại; khoảng 14.584 con gia súc, gia cầm bị chết. Về thủy lợi có 10.871m kênh mương, 6 hồ chứa, đập bị thiệt hại; 64 công trình thủy lợi nhỏ bị sập, cuốn trôi; đường giao thông bị sạt lở, thiệt hại 140.500m3.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, từ 2-4/8, ở các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to diện rộng. Tổng lượng mưa ở khu vực Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ 50-100mm (riêng vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định 150-250mm). Tổng lượng mưa cả đợt ở khu vực Việt Bắc và Tây Bắc 150-250mm; có nơi trên 300mm. Ở tất cả các tỉnh vùng núi phía Bắc (đặc biệt là: Quảng Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình) có khả năng xảy ra lũ ống, lũ quét và giông, lốc diễn biến phức tạp khó lường, cần chủ động đề phòng.(Sức khỏe & Đời sống (trang 2).
Công tác ATVSTP phải quyết liệt hơn nữa...
Thời gian tới công tác đảm bảo ATTP cần được thực hiện quyết liệt hơn nữa, nhất là cần đẩy nhanh thí điểm thanh tra ATTP tại cấp cơ sở, tiến tới thực phẩm cung cấp cho Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tương đương chất lượng xuất khẩu” - đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành TW về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 diễn ra cuối tuần qua.
Gần 2.500 người nhập viện vì ngộ độc thực phẩm trong 6 tháng đầu năm
Báo cáo của Ban Chỉ đạo TW về ATVSTP cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2015, cả nước đã thành lập được 20.441 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 344.390 cơ sở, phát hiện 68.025 cơ sở vi phạm, chiếm 19,8% (năm 2014 là 21,3%) nhưng mới chỉ có 12.690 cơ sở bị xử lý, chiếm 18,7% (năm 2014 là 18,2%), bao gồm cảnh cáo 6.215 cơ sở, phạt tiền 6.618 cơ sở với số tiền trên 17,7 tỉ đồng.
Cập nhật đến hết tháng 6/2015, cả nước ghi nhận 90 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.595 người mắc, 2.444 người đi viện và 16 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2014, số vụ giảm 8 vụ (8,2%), số ca mắc giảm 138 người (5,0%) và số tử vong giảm 10 người (38,5%). Nguyên nhân gây tử vong do ngộ độc thực phẩm chủ yếu là do độc tố tự nhiên như cá nóc, ốc biển, cóc, nấm độc...
Ngoài việc thanh, kiểm tra theo kế hoạch, các bộ, ngành đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra đột xuất theo chuyên ngành. Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý trên 5.000 vụ vi phạm về ATVSTP, phạt hành chính trên 17 tỉ đồng. Lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường trong toàn quốc đã phát hiện 1.068 vụ vi phạm pháp luật về ATVSTP, xử lý hành chính 872 vụ với số tiền phạt là 5,33 tỉ đồng.
Trong công tác kiểm nghiệm, giám sát và phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, đã có 34 tỉnh, thành phố có phòng kiểm nghiệm được công nhận ISO 17025; 17 tỉnh đang triển khai xây dựng. Bộ Y tế đã chỉ định được 10 phòng kiểm nghiệm phục vụ quản lý Nhà nước về ATVSTP.
Các đoàn liên ngành đã lấy 7.914 mẫu để kiểm nghiệm tại phòng kiểm nghiệm (4.296 mẫu kiểm tra chỉ tiêu lý hóa, 3.618 mẫu kiểm tra chỉ tiêu vi sinh vật), kết quả cho thấy, 338/4.296 số mẫu không đạt yêu cầu về các chỉ tiêu lý hóa, chiếm 7,9% (năm 2014 là 13,4%), 634/3.618 số mẫu không đạt yêu cầu về các chỉ tiêu vi sinh vật, chiếm 17,5% (năm 2014 là 8,9%).
Người dân bức xúc vì tình trạng gian lận trong kinh doanh thực phẩm
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng điều người dân đang bức xúc hiện nay đối với vấn đề ATVSTP không chỉ là công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm, cơ sở hạ tầng đảm bảo ATVSTP yếu kém mà còn là tình trạng gian lận thương mại và người sản xuất bất chấp tất cả để chạy theo lợi nhuận. Vì thế dẫn đến tình trạng bơm nước vào thịt, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, cơ sở cung cấp suất ăn tập thể sử dụng thực phẩm ôi thiu, kém chất lượng...
Tại cuộc họp, các thành viên của Ban Chỉ đạo cũng thẳng thắn cho rằng, việc đảm bảo ATTP thời gian qua chưa có nhiều đột phá và kết quả đạt được chưa nổi bật. Nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng về ATTP vẫn xảy ra, trong khi đó chỉ có gần 20% cơ sở vi phạm về ATTP bị xử lý. Việc tái kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm, thủy sản từng bị xếp loại C chưa được triển khai tích cực tại các địa phương nên 6 tháng qua, đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương tái kiểm tra vẫn còn 36/52 cơ sở vẫn xếp loại C. Đặc biệt, theo kết quả giám sát của Bộ NN&PTNT, có 9 mẫu cá tra thương phẩm trong tổng số 433 mẫu thủy sản nuôi bị nhiễm dư lượng chất cấm.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành Trung ương tập trung thực hiện cho được việc tái kiểm tra 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm, thủy sản từng bị xếp loại C; nếu cơ sở nào không chuyển biến, phải đề nghị chấm dứt hoạt động.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đảm bảo ATVSTP phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, vừa đảm bảo chặt chẽ, đầy đủ về các văn bản pháp luật để việc thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm phát huy hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, kiên trì vận động nhân dân thông qua các đoàn thể và phương tiện thông tin đại chúng. “Điều quan trọng hiện nay mà bước đầu chúng ta đã tiếp cận là thiết lập lại hệ thống đảm bảo ATTP, quản lý ATTP theo cách của các nước trên thế giới đang làm là tiếp cận các nguy cơ có thể xảy ra, tức là các mối nguy”- Phó Thủ tướng nêu rõ.
7 tháng đầu năm xử phạt hơn 2,1 tỷ đồng vi phạm về ATTP
Trong 7 tháng đầu năm, Cục ATTP đã ra quyết định xử phạt 112 cơ sở vi phạm về ATTP với tổng số tiền phạt 2,1 tỷ đồng, trong đó có 95 cơ sở vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) bị xử phạt hơn 1,7 tỷ đồng.
Riêng trong tháng 7/2015, Cục ATTP đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP 23 công ty với tổng số tiền phạt gần 481 triệu đồng. Bên cạnh đó, Cục ATTP cũng thu hồi hiệu lực 2 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP và 2 Giấy xác nhận nội dung quảng cáo.
Theo TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP, các hành vi vi phạm về ATTP được phát hiện gồm: quảng cáo TPCN mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung; quảng cáo không phù hợp với nội dung đã đăng ký được cơ quan có thẩm quyền xác nhận; không duy trì việc kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm theo quy định; vi phạm về điều kiện bảo quản và sản xuất thực phẩm... (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).
Tập trung phát triển đối tượng tham gia BHYT, BHXH và giảm nợ đọng
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trong tháng 6, số người tham gia BHXH, BHYT là 443.776 người, đưa số người tham gia BHXH, BHYT đến hết tháng 6/2015 đạt 65.275.458 người, tăng 409.275 người so với cuối năm 2014 và tăng 2.872.296 người (4,6%) so với cùng kỳ năm 2014. Đây là những thông tin được đưa ra tại hội nghị giao ban triển khai công tác tháng 8/2015 của BHXH Việt Nam cuối tuần qua...
Tình trạng nợ đọng BHYT, BHXH tiếp tục gia tăng
Số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong tháng 6/2015 đạt 21.092,1 tỷ đồng, đưa số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp lũy kế đến 30/6/2015 đạt 97.849,1 tỷ đồng, đạt 48% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 7.439,2 tỷ đồng (8,2%) so với cùng kỳ năm 2014. Từ đầu năm đến hết tháng 6/2015 đã thực hiện chi trả chế độ khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho 10.327.458 lượt người, lũy kế đến hết tháng 6/2015 là 60.568.802 lượt người.
Trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2015, BHXH Việt Nam tiếp tục chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục thực hiện Luật BHXH và triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Một số vướng mắc phát sinh trong triển khai Luật BHYT đã được BHXH Việt Nam và Bộ Y tế phối hợp và nỗ lực giải quyết, nhất là các vướng mắc trong việc phát triển đối tượng và việc tham gia BHYT theo hộ gia đình...
Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác thu và phát triển đối tượng tham gia còn một số tồn tại, hạn chế như: Số đối tượng tham gia BHXH vẫn tăng chậm so với cùng kỳ năm 2014, đạt khoảng hơn 20% tổng lực lượng lao động; số đối tượng tham gia BHYT mới chiếm khoảng 71,9% dân số; tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT vẫn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp và xảy ra ở tất cả các địa phương làm cho số nợ BHXH, BHYT tiếp tục tăng cao. Đến 30/6/2015 số nợ là 10.837,2 tỷ đồng, chiếm 5,79% so với tổng số phải thu; tăng 457,9 tỷ đồng (4,4%) so với cùng kỳ năm 2014; toàn quốc có 22 địa phương có tỷ lệ nợ cao so với tỷ lệ chung...
Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
Trong 6 tháng đầu năm, công tác tuyên truyền của ngành tiếp tục được đẩy mạnh, tập trung về các nội dung mới của Luật BHXH (sửa đổi), về kết quả bước đầu và một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và các hoạt động hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập BHXH Việt Nam,... Nhiều hình thức tuyên truyền về chế độ, chính sách BHXH, BHYT với các nhóm đối tượng được tổ chức phong phú, phù hợp, góp phần nâng cao nhận thức của chủ sử dụng lao động, người lao động và nhân dân.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, công tác cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin được BHXH Việt Nam đặc biệt quan tâm và quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành; công tác tin học hóa BHYT được triển khai khẩn trương với sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Y tế, trong đó phần mềm giám định BHYT được xây dựng, thí điểm triển khai tại 3 địa phương đã đạt được kết quả nhất định trong liên thông dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa cơ quan BHXH, cơ sở y tế và đang được thẩm định, đánh giá; cấp mã định danh và làm sạch dữ liệu quản lý thu, sổ BHXH, thẻ BHYT được triển khai tại 6 địa phương để phục vụ cho công tác tin học hóa trong BHYT...
Phát biểu kết luận giao ban, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh: Các đơn vị rà soát lại nhiệm vụ được giao của mình, đẩy nhanh tiến độ công việc, tăng cường công tác quản lý, tích cực trong các mối quan hệ phối hợp,... để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời các đơn vị trong ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHXH sửa đổi; tổng hợp, đề xuất giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; tiếp tục chỉ đạo, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị; Đề án “Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020”; “Chỉ thị số 058/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT; đẩy mạnh công tác thu, phát triển đối tượng, giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động, ngăn ngừa hành vi lạm dụng, trục lợi, đảm bảo cân đối quỹ; phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đặc biệt là tỷ lệ bao phủ BHYT tối thiểu là 75% dân số.
Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Ủy ban Trung ương MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại các địa phương. Toàn ngành BHXH tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin theo yêu cầu của Chính phủ, trong đó, tập trung đánh giá phần mềm khám chữa bệnh BHYT, phối hợp với ngành y tế hoàn thành triển khai tin học hóa trong khám chữa bệnh BHYT và thống kê, lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình... (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).
Giảm hàng trăm lần ca mắc sởi so với cùng kỳ năm ngoái
7 tháng đầu năm 2015, cả nước ghi nhận 80 trường hợp mắc bệnh sởi, rải rác tại 37 tỉnh, thành phố và không ghi nhận ổ dịch sởi nào, giảm hàng trăm lần so với cùng kỳ năm ngoái. Có được kết quả này là do Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tổ chức thành công Chiến dịch tiêm miễn phí vắc-xin sởi - Rubella cho trẻ từ 1 - 14 tuổi trong cả nước. Chiến dịch tiêm sởi - Rubella cho trẻ 1-14 tuổi (bắt đầu từ tháng 9/2014) được đánh giá là chiến dịch có quy mô và số đối tượng lớn nhất từ trước đến nay. Đến nay, tỷ lệ tiêm chủng đạt 98,2%; trong đó chỉ còn 5 xã có tỷ lệ tiêm chủng đạt 80-90% đang tiếp tục tiêm vét.
Chiến dịch huy động nguồn nhân lực rất lớn với hơn 300.000 lượt cán bộ y tế tham gia, lực lượng tình nguyện lên đến hơn 600.000 người. Nhờ đó, trong 7 tháng đầu năm nay, cả nước chỉ ghi nhận 80 ca sởi rải rác tại 37 tỉnh, thành; không ghi nhận ổ dịch sởi nào. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái dịch sởi bùng lên mạnh mẽ ở hầu hết các tỉnh thành: toàn quốc ghi nhận đến hơn 15.000 ca sởi tại tất cả các tỉnh thành với hơn 100 bệnh nhi tử vong tại nhiều ổ dịch. Điều đó cho thấy chiến dịch năm nay mang lại hiệu quả lớn, được các tổ chức quốc tế, Bộ Y tế đánh giá thành công và đảm bảo an toàn cao. “20 triệu trẻ được tiêm chủng, nhưng chỉ có tỷ lệ khiêm tốn có phản ứng sau tiêm là một thành công của chương trình tiêm vắc-xin này, có thể nói mức độ an toàn cao hơn hẳn so với các chiến dịch tiêm năm 2005 và 2008” - TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó Trưởng ban Quản lý dự án tiêm chủng mở rộng khẳng định.
Cũng theo TS. Dương Thị Hồng, tháng 7/2015, đoàn chuyên gia quốc tế về tiêm chủng đã điều tra độc lập tại Việt Nam và đưa ra đánh giá 98% trẻ em được tiêm vắc-xin, trong đó có lấy số liệu từ đợt tiêm vắc-xin sởi - Rubella. Thực tế, tỷ lệ trẻ được tiêm vắc-xin sởi - Rubella từ tháng 9/2014 đến tháng 5/2015 đạt 98,2%. Hà Nội và TP. HCM là hai địa phương lúc đầu gặp khó khăn trong vận động trẻ đi tiêm, nhưng sau đó tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đạt rất cao, tính lan tỏa của chiến dịch rất tốt do mọi công tác từ khâu tuyên truyền, vận động đến các biện pháp phòng chống sốc, phản ứng sau tiêm, đội cấp cứu lưu động... đều được chuẩn bị và chu đáo đến từng chi tiết. Tỷ lệ trẻ tiêm vắc-xin sởi - Rubella lần này có phản ứng sau tiêm thấp hơn nhiều so với tiêu chí mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhà sản xuất vắc-xin này và Bộ Y tế đưa ra.
TS. Hồng cũng cho biết, dự kiến sau khi tiêm vét, Chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn còn khoảng 3 triệu liều vắc-xin sởi - Rubella. Số vắc-xin này sẽ được dành để tiêm cho khoảng 2 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (16-35 tuổi) ở những nơi có nguy cơ mắc bệnh cao như: nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong nhiều năm qua, vùng giáp biên giới, khu công nghiệp có nhiều phụ nữ làm việc. Mục đích là ngừa nhiễm Rubella cho những bà mẹ tương lai, từ đó phòng hội chứng Rubella bẩm sinh ở trẻ. Viện Vệ sinh dịch tễ đang xây dựng kế hoạch, hướng dẫn chi tiết để trình lãnh đạo Bộ. Dự kiến sẽ triển khai tiêm vào quý IV/2015 đến quý I/2016 (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).
Tiêm miễn phí vaccine sởi - rubella cho 2 triệu phụ nữ
Theo thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, chiến dịch tiêm vaccine sởi-rubella quy mô lớn nhất từ trước đến nay cho 25 triệu trẻ em 1-14 tuổi trên cả nước đã sắp hoàn thành. Đến nay số vaccine dự trù cho chiến dịch này còn lại khoảng 3 triệu liều. Toàn bộ số vaccine này sẽ được dùng để tiêm miễn phí cho khoảng 2 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-35 tuổi). TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, vì số lượng vaccine có hạn nên dự kiến sẽ ưu tiên tiêm ở những vùng có nguy cơ cao như: nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong nhiều năm, vùng giáp biên giới, biến động dân cư lớn, khu công nghiệp, vùng có diễn biến dịch tễ phức tạp... Mỗi trường hợp chỉ cần tiêm 1 mũi sởi-rubella đã có tác dụng phòng bệnh. Dự kiến, sẽ triển khai tiêm cho các đối tượng trên vào quý IV-2015. (An ninh thủ đô (trang 2).
BVĐK Hà Tĩnh: Ðiều trị trật khớp háng hoàn toàn cho bệnh nhân nước ngoài
BS. Nguyễn Viết Đồng, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, ngày 31/7/2015, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân nam, quốc tịch Anh, mang tên Savoy Aaron Amadeus, sinh năm 1994 bị trật khớp háng trái hoàn toàn do tai nạn giao thông. Do bệnh nhân là người nước ngoài, lại không có hướng dẫn viên đi cùng, lãnh đạo bệnh viện đã báo cáo sự việc với Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội phối hợp giải quyết. Song song với quá trình làm việc cùng các cơ quan liên quan, BVĐK tỉnh đã điều trị giảm đau, bất động khớp bị trật, nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch cho bệnh nhân. Đến 23 giờ cùng ngày, sau khi tiến hành gây tê tủy sống, bệnh nhân đã được các bác sĩ kéo, nắn lại khớp háng trái và cố định chân, khớp háng trái bằng bột chống xoay. Hiện tại, bệnh nhân đã ổn định, ngày 2/8 sẽ chuyển về Vương quốc Anh điều trị tiếp.
Theo BS. Nguyễn Quang Trúc, Trưởng khoa Chấn thương Bệnh viện đa khoa tỉnh: “Những trường hợp bệnh nhân bị trật khớp háng hoàn toàn là một chấn thương nặng, nếu không được xử lý kịp thời sẽ để lại hậu quả nặng nề, nhưng nếu được xử lý sớm, đúng quy trình thì đưa lại kết quả tốt, thường sau khi nắn chỉnh lại khớp, chụp phim kiểm tra khớp vào ổ khớp tốt, thì sau cố định 4 tuần, bệnh nhân có thể tiến hành tập luyện và đi lại bình thường”. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).