Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 04/2/2020

  • |
T5g.org.vn - Thủ tướng chính phủ chỉ đạo: Phải cách ly tuyệt đối các trường hợp nhập cảnh để phòng chống dịch bệnh do nCoV; Tp.HCM lập 2 bệnh viện dã chiến 500 giường

 

Thủ tướng chính phủ chỉ đạo: Phải cách ly tuyệt đối các trường hợp nhập cảnh để phòng chống dịch bệnh do nCoV

Trước tình hình dịch do chủng mới vi rút corona diễn biến phức tạp có khả năng lây lan nhanh, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Thực hiện việc cách ly phòng chống dịch đối với các trường hợp nhập cảnh, kể cả người nước ngoài nhập cảnh đến từ hoặc đi qua 31/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc trong vòng 14 ngày qua.

Cụ thể, đối với các trường hợp nghi nhiễm nCoV lập tức cách ly tuyệt đối tại các cơ sở y tế.

Đối với những người nhập cảnh đến từ hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc phải được coi như trường hợp mắc bệnh và tiến hành khoanh vùng cách ly ngay tại các cơ sở do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ định, áp dụng các biện pháp tuyệt đối không để lây nhiễm trong các cơ sở cách ly.

Đối với các trường hợp khác thực hiện cách ly tại nhà hoặc cơ sở lưu trú dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, kiên quyết không để các trường hợp này ra khỏi nhà hoặc cơ sở lưu trú và tiếp xúc với người xung quanh. Đối với những người sống trong gia đình, làm việc trong các cơ sở lưu trú có người bị cách ly, thực hiện các biện pháp phòng bệnh, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người bị cách ly và với bên ngoài.

Thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, các biện pháp tiêu độc, khử trùng các gia đình, các hộ có tiếp giáp trực tiếp (liền kề) và cơ sở lưu trú nơi có người bị cách ly. Lập danh sách toàn bộ những người đã tiếp xúc với người bị cách ly, với người trong gia đình, người làm việc trong cơ sở lưu trú có người bị cách ly để theo dõi, giám sát chặt chẽ về sức khỏe.

Bộ Công an khẩn trương chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với các ngành, cơ quan liên quan rà soát tất cả các trường hợp nhập cảnh và thực hiện việc cách ly các trường hợp nhập cảnh như trên. 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương chỉ đạo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát toàn bộ các cơ sở lưu trú thực hiện việc cách ly các trường hợp nhập cảnh như trên, yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh để tránh tụ tập đông người.

Bộ Y tế khẩn trương triển khai các biện pháp kỹ thuật để sàng lọc nhanh nhất người bị cách ly. Bộ Y tế theo thẩm quyền áp dụng các biện pháp điều trị mới, điều phối thuốc, trang thiết bị bảo đảm không bị thiếu tại các cơ sở điều trị, không để xảy ra tử vong. Đồng thời, được phép điều chuyển cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị phục vụ cho việc cách ly, điều trị người nhiễm nCoV.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo triệt để khoanh vùng và dập dịch ngay tại địa điểm có người nhiễm hoặc nghi nhiễm nCoV. Đối với trường hợp đến từ hoặc có đi qua tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc trong vòng 14 ngày phải được coi như trường hợp nhiễm bệnh.

UBND các địa phương chỉ đạo các đơn vị công an, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch và các cấp, các ngành, các đơn vị trên địa bàn thực hiện việc cách ly như trên. Đồng thời, chỉ đạo rà soát tất cả người nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Trung Quốc trong vòng 14 ngày để thực hiện các biện pháp cách ly nêu trên. Huy động nguồn lực để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo phục vụ việc cách ly. 

UBND các địa phương khi có trường hợp mắc bệnh  phải công bố dịch ngay. Thực hiện việc học sinh, sinh viên nghỉ học và dừng tất cả các hoạt động tập thể, tập trung đông người, các lễ hội theo chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Tp.HCM lập 2 bệnh viện dã chiến 500 giường

Hai bệnh viện dã chiến quy mô 500 giường bệnh đặt tại huyện Củ Chi và Nhà Bè được gấp rút xây dựng, hoàn thành trước ngày 15-2 để phòng số ca nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra trên địa bàn TP.HCM vượt hơn 500 ca.

Chiều 3-2, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chủ trì buổi họp kiểm tra công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra với lãnh đạo các sở ban ngành, lãnh đạo 24 quận huyện trên địa bàn TP.HCM.

Tại buổi họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết TP đang tiến hành xây dựng 2 bệnh viện dã chiến nhằm phòng chống dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra.

Ông Bỉnh cho biết hiện nay các bệnh viện cấp TP, quận huyện đã sẵn sàng các phương án phòng chống và điều trị người bệnh. TP cũng đang xây dựng, lắp ráp 2 bệnh viện dã chiến với quy mô 500 giường bệnh sẽ hoàn thành vào ngày 15-2.

Theo ông Bỉnh, trường hợp sử dụng 2 bệnh viện dã chiến khi số ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra vượt quá khả năng điều trị tại các khoa, bệnh viện có phòng cách ly. 

Hiện Bộ Tư lệnh và Sở Y tế TP.HCM đang phối hợp khẩn trương xây dựng hai bệnh viện dã chiến với quy mô 500 giường bệnh, trong đó có 30 giường bệnh hồi sức tích cực.

Cụ thể, bệnh viện cơ sở 1 được đặt tại xã Nhuận Đức, huyện Củ chi với quy mô 300 giường bệnh, có ít nhất 20 giường hồi sức tích cực. Cơ sở 2 được đặt tại xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè với quy mô 200 giường bệnh, có ít nhất 20 giường hồi sức tích cực. (Tuổi trẻ, trang 2).

 

Cách ly tất cả những người đến từ 31 tỉnh có dịch của Trung Quốc

Những người nhập cảnh vào Việt Nam từ 31 tỉnh có dịch virus corona của Trung Quốc được coi như 'trường hợp mắc bệnh' và phải cách ly ngay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu.

Trước những diễn biến của dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra, ngày 3-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cách ly tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam từ 31 tỉnh có dịch của Trung Quốc, kể cả người nước ngoài đến hoặc đi qua 31 tỉnh này trong vòng 14 ngày qua.

Riêng với người nhập cảnh vào Việt Nam từ Hồ Bắc hoặc đã đi qua Hồ Bắc (Trung Quốc) trong 14 ngày phải coi như trường hợp mắc bệnh và khoanh vùng cách ly ngay tại cơ sở do chủ tịch UBND tỉnh thành chỉ định.

Những trường hợp được cách ly tại nhà hoặc cơ sở lưu trú, tuyệt đối không để tiếp xúc với người xung quanh. Đồng thời đảm bảo tiêu độc, khử trùng tại cơ sở.

Thủ tướng cũng yêu cầu địa phương có trường hợp mắc bệnh phải công bố dịch ngay, cho học sinh - sinh viên nghỉ học và dừng tất cả các hoạt động tập thể, tập trung đông người theo chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ. (Tuổi trẻ, trang 3).

 

Việt Nam đã có 8 bệnh nhân dương tính với corona

Bệnh nhân thứ 8 là nữ, 29 tuổi và là bệnh nhân mới nhất được Bộ Y tế xác nhận, là công nhân ở Vĩnh Phúc cùng đoàn đi tập huấn 8 người ở Vũ Hán về nước ngày 17-1. Trước đó 3 người trong đoàn cũng đã nhiễm bệnh.

Sáng sớm nay 3-2, Bộ Y tế thông báo ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán do virus corona mới nhất, ca thứ 8. Bệnh nhân là V.H.L., 29 tuổi, sống tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. 

L. nằm trong đoàn công nhân đi tập huấn tại Vũ Hán, Trung Quốc trong thời gian 2 tháng và đã về nước ngày 17-1. Trước đó 3 người trong đoàn này đã được xác nhận mắc bệnh, L. là người thứ tư.

Theo Bộ Y tế, ngày 17-1 đoàn của L. về Việt Nam bằng đường hàng không qua sân bay Nội Bài, tất cả cùng bay chuyến bay CZ 8315 của Southern China Airlines, sau đó được xe công ty đón về trụ sở công ty. 

Tại công ty có nhóm họp, bao gồm cả bệnh nhân và 7 người trong đoàn. Kết thúc cuộc họp, L. về nhà riêng cùng 1 đồng nghiệp trên chuyến xe.

Ngày 31-1 vừa qua, sau khi 3/8 người trong đoàn có kết quả dương tính với corona virus, Bộ Y tế đã cử đoàn về điều tra tại Vĩnh Phúc, có 2 trong 5 người còn lại trong đoàn tiếp tục có biểu hiện bệnh, trong đó có bệnh nhân. Tất cả những người này đã được cách ly và ngày 3-2 Bộ Y tế xác nhận thêm mẫu bệnh phẩm của L. tiếp tục dương tính với corona.

Như vậy đoàn công tác này có 8 người, 4 người đã nhiễm bệnh. Tình trạng của L. hiện ổn định, đang cùng được điều trị với 2 bệnh nhân khác tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, 1 người trong đoàn điều trị tại Thanh Hóa. (Tuổi trẻ, trang 3; Thanh niên, trang 4).

 

Khoảng 3 triệu chiếc khẩu trang được sản xuất mỗi ngày

Chiều 3.2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và đại diện các bộ, ngành đã làm việc tại một số đơn vị sản xuất khẩu trang y tế trên địa bàn Hà Nội, phục vụ phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

Báo cáo đoàn công tác, đại diện Công ty CP Tanaphar cho biết quy mô sản xuất của công ty này đạt 70.000 chiếc khẩu trang/ngày.

Từ ngày mùng 6 tết đến nay, công ty tăng ca 24/24 giờ, đẩy nhanh tiến độ sản xuất đáp ứng nhu cầu. Tại Công ty CP Đại Uy, đại diện nhà sản xuất cho biết tại đây còn khoảng 600 kg nguyên liệu màng lọc là nguyên liệu quan trọng cho sản xuất khẩu trang. Nếu hoạt động hết công suất 3 ca/ngày, doanh nghiệp sản xuất được khoảng gần 100.000 chiếc/ngày.

Tuy nhiên, theo tiến độ này, khoảng trong 10 ngày nữa đơn vị sẽ hết nguyên liệu. Theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, Bộ Công thương đang liên hệ tìm nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang tại các thị trường Nam Phi, Ai Cập, Ấn Độ... cung ứng đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước.

Các đơn vị cũng cần nỗ lực, cố gắng, chủ động tìm nguồn cung cấp nguyên liệu, đồng thời thực hiện chặt chẽ việc cung ứng, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng.

Theo báo cáo của các nhà sản xuất trong nước lên Bộ Y tế, quy mô sản xuất mỗi ngày trung bình của các doanh nghiệp là khoảng 3 triệu chiếc khẩu trang. Với tiến độ sản xuất này, nguồn cung khẩu trang sẽ ổn định. (Thanh niên, trang 5; Tiền phong, trang 5).

 

Bệnh nhân dương tính virus corona tại Thanh Hoá xuất viện

Sau 10 ngày cách ly, theo dõi điều trị, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa chữa thành công cho nữ bệnh nhân người Yên Định dương tính với vi rút nCoV, kết quả xét nghiệm lần 2 hiện đã âm tính với vi rút nCoV.

Bệnh nhân N.T.Tr, nữ, 25 tuổi, quê tại tại xã Định Hòa, Yên Định, là công nhân Công ty Nihonplas. Bệnh nhân cùng với 8 công nhân được Công ty cử sang quận Đông Tây Hồ, Vũ Hán (Trung Quốc) đi đào tạo cách đây khoảng 2 tháng, ngày 17/1, về Việt Nam bằng đường hàng không qua sân bay Nội Bài, sau đó được công ty đón bằng xe công ty di chuyển về trụ sở tại xã Thiện Kế, huyện Bình Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày 23/1/2020 bệnh nhân bắt xe ra bến xe Giáp Bát và di chuyển bằng xe khách về xã Định Hòa, huyện Yên Định lúc 18h00 cùng ngày, đến khoảng 22h00 bệnh nhân có biểu hiện viêm long hô hấp, sốt nhẹ, ho. Đến 13h00 ngày 24/1/2020 bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Định khám và được chuyển xuống điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng tỉnh táo, sốt cao, nhiệt độ 39,2°C, ho nhiều, tức ngực, khó thở nhẹ, mạch 100 lần/phút, huyết áp 120/70 mmHg, ngay khi nhập viện bệnh nhân đã được đưa vào khu điều trị cách ly theo đúng quy định và thực hiện các biện pháp phòng hộ cho bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế của khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trực tiếp thăm khám, điều trị bệnh nhân.

Sau 4 ngày được chăm sóc, điều trị tích cực theo phác đồ điều trị và hướng dẫn của Bộ Y tế, đến chiều ngày 28/1/2020 (mùng 4 tết Canh tý) bệnh nhân đã hết sốt, không khó thở, giảm ho, các chỉ số sinh tồn đều trong giới hạn bình thường. Đến chiều ngày 30/1/2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thông báo kết quả xét nghiệm của bệnh nhân dương tính với vi rút nCoV.

Sáng 31/1/2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã lấy mẫu xét nghiệm vi rút nCoV lần 2 và đến chiều ngày 2/2/2020 có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV.

Ngoài bệnh nhân N.T.Tr, hiện tại Bệnh viện đang theo dõi, điều trị cách ly cho 4 bệnh nhân nghi ngờ khác. Các bệnh nhân đều có yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch bệnh. (Tiền phong, trang 4; Lao động, trang 4).

 

50 tỉnh, thành cho học sinh nghỉ học phòng chống virus Corona

Thống kê của Bộ GD-ĐT, đến 16 giờ 30 chiều nay, 3.2, đã có 50 tỉnh, thành phố quyết định cho học sinh nghỉ học để phòng dịch bệnh do virus Corona. Trong đó, mới nhất là các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Hải Dương, Quảng Trị,... với thời gian nghỉ từ 4 - 9.2, và tỉnh Hà Tĩnh với thời gian nghỉ từ 4.2 đến khi có thông báo tiếp theo. (Tiền phong, trang 5).

 

TP. Hồ Chí Minh: Sẽ cung ứng đủ khẩu trang y tế, người dân không nên lo lắng

Nhiều cửa hàng chợ thuốc tây lớn nhất TPHCM (quận 10) hôm qua, 3.2, treo biển “không bán khẩu trang” hoặc “khẩu trang y tế hết hàng”. Đại diện Cục Quản lý Thị trường TPHCM nhận định, việc khan hiếm khẩu trang y tế trên địa bàn TPHCM chỉ xảy ra cục bộ ở một số cửa hàng và một số thời điểm, chứ  TPHCM không thiếu.

Khẩu trang vải cũng bắt đầu đắt hàng

Theo ghi nhận của Lao Động, nhiều quầy hàng tại khu chợ thuốc trên đường Nguyễn Giản Thanh (quận 10, TPHCM) đã không còn bán khẩu trang y tế và nước rửa tay khô. Các biển hiệu “khẩu trang y tế hết hàng”, “nước rửa tay hết hàng”, “ở đây không bán khẩu trang” được treo ở nhiều cửa hiệu.

Trong vai một khách tìm mua khẩu trang, PV Báo Lao Động được anh Hoàng Văn Anh - nhân viên cửa hàng dụng cụ y tế trên tuyến đường Nguyễn Giản Thanh - cho biết, cửa hàng hiện “không còn một cái khẩu trang nào”. Khách hàng muốn có khẩu trang thì phải đợi đến tuần sau. Tương tự, một số chủ cửa hàng khác cũng thông báo hết khẩu trang.

Tuy nhiên, trên tuyến đường này, vẫn còn cửa hàng số 38E đường Nguyễn Giản Thanh bán khẩu trang “nhỏ giọt”. Ghi nhận vào đầu giờ chiều ngày 3.2 tại địa chỉ trên, rất đông người dân đang ngồi chờ đợi trước cửa của cửa hàng. Cửa hàng thông báo 14 giờ sẽ bán lại và cam kết đủ hàng cho khách. Theo đó, mỗi khách chỉ được mua 5 hộp khẩu trang và 1 chai nước rửa tay với giá niêm yết, không tăng giá. Khẩu trang xanh 4 lớp kháng khuẩn có giá 35.000 đồng/hộp, khẩu trang xanh 4 lớp thì 30.000 đồng/hộp, còn khẩu trang than kháng khuẩn thì 36.000 đồng/hộp.

Không chỉ riêng khẩu trang y tế, mặt hàng khẩu trang vải cũng có nhiều người tìm mua. Tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TPHCM), khẩu trang vải bày bán nhiều, có cả cho người lớn và trẻ em và giá không tăng cao so với thời điểm trước Tết. Giá khẩu trang trẻ em từ 10.000 - 15.000 đồng/cái tùy theo vải, khẩu trang người lớn chỉ đủ chụp miệng và mũi giá 10.000 đồng/cái, loại to che cả tai lên 15.000 đồng/cái.

Chỉ khan hiếm cục bộ

Trao đổi với Lao Động về tình trạng khan hiếm khẩu trang trên địa bàn TPHCM, ông Nguyễn Văn Bách - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM - nhận định, đây chỉ là việc xảy ra cục bộ ở một số cửa hàng và một số thời điểm, chứ TPHCM không thiếu khẩu trang y tế vì nhiều cửa hàng vẫn bán khẩu trang bình thường. Thậm chí, một số nơi còn phát khẩu trang miễn phí cho người dân.

Theo giải thích của ông Nguyễn Văn Bách, việc khan hiếm khẩu trang cục bộ xuất phát từ việc do thời điểm trước Tết, nhiều cửa hàng nhập hàng về có giới hạn. Trong khi đó, trước tình hình dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra diễn biến phức tạp trong những ngày qua, nhu cầu mua khẩu trang của người dân thành phố tăng cao nên nhiều cửa hàng tạm thời hết hàng. Mặt khác, nhiều nhà sản xuất nghỉ Tết chưa sản xuất lại kịp. Hiện các nhà sản xuất đã hoạt động trở lại nên chỉ một hai ngày nữa, khẩu trang sẽ cung ứng đủ cho nhu cầu của người dân. Do vậy, người dân yên tâm, không nên quá lo lắng thiếu khẩu trang.

PV đặt câu hỏi, liệu có hay không tình trạng một số cửa hàng bán sỉ “bắt tay nhau” găm hàng? Ông Nguyễn Văn Bách cho rằng, những ngày qua, lực lượng quản lý thị trường TPHCM tung quân đi kiểm tra rất sát sao và chưa phát hiện tình trạng găm hàng, không bán. “Khi người dân phản ánh cung cấp bằng chứng hoặc chúng tôi kiểm tra phát hiện cửa hàng nào còn nhiều khẩu trang mà treo biển hết khẩu trang, cố ý găm hàng, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy định” - ông Nguyễn Văn Bách nhấn mạnh. (Lao động, trang 4).

 

Nỗ lực kiểm soát các trường hợp nghi nhiễm nCoV

Ngày 3-2, Bộ Y tế thông báo, Việt Nam có thêm một trường hợp dương tính với nCoV. Người bệnh V.H.L (nữ 29 tuổi, trú tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) là công nhân trở về từ TP Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Hiện, người bệnh được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở Đông Anh và đang trong tình trạng ổn định.

Theo điều tra dịch tễ, người bệnh L đi cùng bảy người Việt Nam khác được Công ty TNHH Nihon Plast của Nhật Bản cử sang Trung Quốc tập huấn tại TP Vũ Hán, trong đó có ba trường hợp được xác định dương tính với nCoV, cùng trở về Việt Nam trên chuyến bay CZ8315 của Southern China qua sân bay Nội Bài (ngày 17-1-2020). Như vậy, tính đến ngày 3-2, tại Việt Nam, có tám người nhiễm nCoV; 304 trường hợp nghi ngờ được cách ly theo dõi, trong đó, 214 trường hợp đã xét nghiệm loại trừ, còn 90 trường hợp nghi ngờ đang được cách ly điều trị chờ kết quả xét nghiệm, phòng, chống lây nhiễm tại cơ sở y tế. Số tiếp xúc gần đang theo dõi là 270 người.

Đáng chú ý, cùng ngày, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, mẫu bệnh phẩm xét nghiệm lại của người bệnh N.T.Tr (25 tuổi), quê tại xã Định Hòa, huyện Yên Định, Thanh Hóa cho kết quả âm tính với nCoV. Người bệnh đã được xuất viện, tiếp tục được chăm sóc cách ly tại gia đình. N.T.Tr cũng là công nhân Công ty TNHH Nihon Plast được cử sang TP Vũ Hán dự khóa đào tạo hai tháng, về nước ngày 17-1-2020. Ngày 23-1, N.T.Tr có biểu hiện viêm long hô hấp, sốt nhẹ, ho. Ngoài ra, bệnh viện đang theo dõi, điều trị cách ly bốn người bệnh có yếu tố dịch tễ liên quan. Bệnh viện bảo đảm thu dung, cách ly điều trị, quản lý các ca bệnh theo nguyên tắc “bốn tại chỗ”.

Chiều 3-2, UBND thành phố Hồ Chí Minh họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị. Hiện, TP Hồ Chí Minh có ba trường hợp nhiễm nCoV, 12 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính và 15 trường hợp tiếp xúc gần với người mắc đang được cách ly. Ngoài ra, tiếp tục cách ly, giám sát tám nhân viên khách sạn và tám khách còn lưu trú tại khách sạn mà Việt kiều Mỹ ở để theo dõi đến hết ngày 15-2. Tuy nhiên, có một người rời khỏi nơi theo dõi, di chuyển đến Cam-pu-chia. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đang trình UBND thành phố “Kế hoạch thành lập Bệnh viện dã chiến” tại huyện Củ Chi và huyện Nhà Bè. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị thành phố phải giám sát, chủ động cách ly những người chưa có biểu hiện, truy rõ nguồn gốc những người từ vùng dịch về, ngăn chặn những người mang nguy cơ để tránh dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Chiều 3-2, UBND thành phố Hà Nội tổ chức họp về tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV. Đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với nCoV. Trong số 29 người nghi ngờ nhiễm, có 27 người có xét nghiệm âm tính với nCoV. Hai người đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư chưa có kết quả xét nghiệm. Trong số 104 người tiếp xúc gần các trường hợp nghi nhiễm đã kết thúc giám sát 93 người, 11 người đang tiếp tục giám sát. Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo, từ ngày 4-2, Hà Nội tiếp tục thực hiện các biện pháp khử khuẩn tại các cơ quan, bệnh viện, các địa điểm công cộng... Đây là giải pháp hữu hiệu, tránh lây nhiễm chéo. Mặc dù trên địa bàn Hà Nội chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh, nhưng nguy cơ lây lan dịch rất lớn. Do đó cần tăng cường tuyên truyền, cấm các hộ kinh doanh buôn bán động vật hoang dã, người dân không nên ăn thịt chó, mèo...

Ngày 3-2, Sở Y tế Hà Nội ban hành Kế hoạch đáp ứng với các tình huống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV trên địa bàn, với bốn cấp độ dịch bệnh, nhằm phát hiện sớm các trường hợp nhiễm nCoV; xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc và chết trên địa bàn.

Trước thông tin Bộ Y tế công bố ba người bệnh bị nhiễm nCoV có địa chỉ thường trú tại Vĩnh Phúc, là công nhân Công ty TNHH Nihon Plast Việt Nam có trụ sở tại xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, ngành y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức khoanh vùng, khử trùng đối với các địa điểm nghi ngờ và điều tra, giám sát, theo dõi các trường hợp có nghi ngờ nhiễm nCoV. Thông tin từ hai gia đình có người bệnh bị nhiễm nCoV tại Vĩnh Phúc cho biết, mặc dù tiếp xúc thường xuyên với người bệnh nhưng đến nay, các thành viên trong hai gia đình sức khỏe ổn định, không có biểu hiện sốt, ho.

Ngày 3-2, các trung tâm y tế tỉnh Hải Dương tập huấn cho cán bộ y tế tuyến xã và sẽ tổ chức các lớp tập huấn tại các xã, thị trấn cho toàn bộ cán bộ y tế thôn, khu dân cư. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người của TP Hải Dương đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống dịch như tổ chức phun tiêu độc khử trùng tại các trụ sở làm việc, cơ sở giáo dục trên địa bàn. Trung tâm Y tế Gia Lộc sau hơn một tuần tiếp nhận ca bệnh nghi mắc viêm đường hô hấp cấp do nCoV đã chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho công tác thu dung và điều trị cách ly. Đội xung kích của đơn vị sẵn sàng ứng phó và hỗ trợ tuyến dưới khi có ca bệnh nghi mắc.

Ngày 3-2, UBND thành phố Hải Phòng ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp công tác phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV. Đồng thời ban hành văn bản yêu cầu tạm dừng nhập cảnh hành khách và các chuyến bay từ vùng có dịch bệnh do nCoV đến Hải Phòng tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi. Theo Sở Y tế Hải Phòng, đến trưa 3-2, tại Hải Phòng, có ba trường hợp nghi nhiễm viêm nCoV đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Các trường hợp này sức khỏe ổn định, sẽ được ra viện; còn 10 trường hợp khác đang được cách ly điều trị, chờ kết quả xét nghiệm. Hiện, Sở Y tế Hải Phòng đã thành lập bảy đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh do nCoV tại Sở Y tế và các bệnh viện: Việt Tiệp, Trẻ em, Kiến An. Ngày 3-2, lãnh đạo UBND thành phố đã tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch bệnh do nCoV tại một số trường học và doanh nghiệp.

Ngày 3-2, TP Móng Cái (Quảng Ninh) lên kế hoạch thực hiện việc tiêu độc, khử trùng trên toàn thành phố. Ngành y tế Quảng Ninh tập trung lực lượng điều chuyển lắp đặt các trang thiết bị y tế, các phương tiện phòng, chống dịch, khu cách ly điều trị tại Trung tâm Y tế TP Móng Cái để sẵn sàng phương án thu dung, phân loại và cách ly người bệnh; bố trí điều động một số đội đáp ứng nhanh của tỉnh và các địa phương khác về TP Móng Cái để sẵn sàng phối hợp triển khai các tình huống phòng, chống dịch. Tỉnh Quảng Ninh cũng đã thành lập Bệnh viện cách ly đặc biệt phòng, chống dịch tại TP Móng Cái.

Sở Y tế tỉnh Nam Định cho biết, có hai trường hợp xuất hiện biểu hiện ho, sốt, đau đầu giống một số triệu chứng ban đầu của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV đang được cách ly, theo dõi tại Trung tâm Y tế huyện Trực Ninh và Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định. Trường hợp thứ nhất là người bệnh Ngô Sừi Chân, SN 2000, tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Người bệnh đã cùng mẹ là Lê Thị Thắm (người Việt Nam) từ Trung Quốc về nhà người thân tại xóm An Ninh, xã Trực Cường, huyện Trực Ninh đón Tết Nguyên đán. Người này có biểu hiện ho, sốt, đau đầu từ ngày 22-1. Hiện nay, người bệnh tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không ho, không khó thở, không sốt. Trường hợp thứ hai 32 tuổi, làm việc tại một công ty da giày có vốn đầu tư nước ngoài. Người này đã tiếp xúc với hai chuyên gia từ tỉnh Hồ Bắc cách đây ít ngày.

Ngày 3-2, Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cho biết, trên địa bàn có bốn người bệnh nghi nhiễm nCoV hiện đang được cách ly tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu-ba Đồng Hới. Trong đó có một người từ Trung Quốc trở về, một người từ Mỹ về có quá cảnh tại Hồng Công (Trung Quốc) và hai người còn lại có tiếp xúc với những người nêu trên. Hiện, mẫu bệnh phẩm của số người bệnh này được gửi đến Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu IV, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình được giao tiếp nhận 230 công dân từ vùng dịch trở về Việt Nam. Đơn vị này đang xây dựng kế hoạch, báo cáo lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng dự kiến chọn Tiểu đoàn 42, Trung đoàn 996 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) làm địa điểm tiếp nhận và bố trí nơi ăn ở cho các công dân.

Ngày 3-2, Bệnh viện Phổi TP Đà Nẵng chính thức thu dung các trường hợp mới nghi nhiễm nCoV nhằm giảm quá tải tại Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng. Khu vực thu dung điều trị có quy mô 30 giường bệnh. Bệnh viện Phổi TP Đà Nẵng đã thành lập đội phản ứng nhanh có nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn cho cán bộ, viên chức, lao động trong bệnh viện và tham gia công tác phòng, chống bệnh viêm phổi cấp do nCoV, tiếp nhận thông tin, sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết xảy ra trong phạm vi bệnh viện và khu lân cận. Đến chiều 3-2, bệnh viện thu dung điều trị cho 20 người bệnh là người Việt Nam. Bệnh viện đã thành lập tài khoản zalo và người bệnh nghi nhiễm nCoV đang được cách ly, theo dõi tại bệnh viện được sử dụng tài khoản zalo này để cập nhật tình hình sức khỏe cho bác sĩ. Hiện, Đà Nẵng đang theo dõi 25 trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV, gồm 24 trường hợp người Việt Nam và một người Trung Quốc.

Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh do nCoV, tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh làm việc với các doanh nghiệp tạm ngừng tiếp nhận lao động từ vùng dịch tại Trung Quốc về Việt Nam. Đối với những trường hợp lao động đã trở lại Việt Nam thì yêu cầu phải cách ly trong thời gian 14 ngày. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập thêm hai đội cơ động phản ứng nhanh, nâng tổng số đội cơ động phản ứng nhanh trên địa bàn tỉnh lên 20, đáp ứng đầy đủ lượng hóa chất dùng cho việc tiêu độc khử trùng.

Đến ngày 3-2, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã phát hiện hai trường hợp nghi nhiễm nCoV tại huyện Kim Bôi và đang được cách ly điều trị tại bệnh viện, giám sát dịch tễ các đối tượng đã tiếp xúc người nghi nhiễm. Đến nay, người bệnh đã ổn định, hết sốt.

Tỉnh Sơn La đã chỉ đạo hạn chế các hoạt động vui chơi, lễ hội có tính chất đông người, thành lập tổ công tác, lập đường dây nóng, tích cực tuyên truyền phòng, chống dịch. Đến thời điểm này, Sơn La chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm nCoV. Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh có hai trường hợp nghi nhiễm nCoV đang được cách ly điều trị.

UBND huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) vừa quyết định thành lập Chốt kiểm dịch liên ngành tạm thời tại xã Quảng Lâm để giám sát hành khách từ ngoài địa bàn vào huyện Mường Nhé, lập danh sách các trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV, khử trùng, tiêu độc phương tiện vận chuyển hành khách... Chốt kiểm dịch thực hiện kiểm soát dịch 24 giờ/ngày, tất cả các ngày trong tuần, bắt đầu từ ngày 2-2 đến khi hết dịch. Huyện biên giới Mường Nhé có lối mở A Pa Chải giáp huyện Giang Thành (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Công tác kiểm soát phòng, chống dịch đang được thực hiện hết sức nghiêm ngặt, không để người, hàng lưu thông qua lối mở A Pa Chải từ ngày 31-1.

Tại Tuyên Quang, Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang có gần 170 lao động đến từ Trung Quốc. Dịp Tết Canh Tý, có 80 công nhân Trung Quốc về nước đón Tết. Hiện đã có hai người quay trở lại công ty để làm việc và đang được cách ly để theo dõi sức khỏe. Đối với 78 lao động chưa quay lại làm việc, công ty đã gửi thông báo yêu cầu những lao động ở trong vùng có dịch chưa được quay lại địa phương. Những gia đình lao động không nằm trong vùng có dịch được liên lạc và xác nhận tình trạng sức khỏe thường xuyên, nếu bảo đảm đủ sức khỏe sẽ được công ty bố trí xe đến đón tại cửa khẩu. Công ty chuẩn bị một khu nhà cách ly để đón số lao động Trung Quốc quay trở lại làm việc, phun thuốc khử trùng phòng dịch tại khu vực làm việc, nhà công vụ hai lần/ngày và phối hợp Bệnh viện đa khoa Tuyên Quang kiểm tra thân nhiệt những người này.

Tối 2-2, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang tiếp nhận hai người bệnh tại xã Xín Chải, huyện Vị Xuyên có biểu hiện mệt mỏi, ho, sốt, khó thở. Trong đó có một người bệnh sinh sống tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) mới về Việt Nam từ ngày 29-1. Hiện nay, hai bệnh nhân đang được cách ly để theo dõi, điều trị. Tại Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy tạm thời dừng các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy và các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh Hà Giang đang triển khai lực lượng phối hợp chính quyền các xã, thị trấn vùng biên nắm bắt tình hình, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân.

Ngày 3-2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn thông tin, ba trường hợp người địa phương đi lao động tại Trung Quốc về có triệu chứng ho, sốt, đau họng đã được xét nghiệm, kết quả không bị nhiễm nCoV. Trước đó, ngày 1-2, Trung tâm Y tế huyện Ba Bể, Trung tâm Y tế Pác Nặm tiếp nhận ba người bệnh, gồm: T.M.L (SN 1992) và T.M.C (SN 1992), cùng trú tại xã Bành Trạch; A.V.T (SN 1972), trú tại xã Nghiên Loan.

Cùng ngày, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch nCoV Lâm Đồng họp để có các phương án chủ động phòng, chống dịch bệnh do nCoV. Theo đó, các địa phương thành lập ngay BCĐ phòng, chống dịch bệnh do nCoV; không tổ chức lễ hội, hội chợ; tập trung công tác vệ sinh làm sạch môi trường, nhất là tại các cơ sở giáo dục. Du khách đến Đà Lạt - Lâm Đồng rất đông, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện để xử lý kịp thời các ca bệnh.

Chiều 3-2, đoàn công tác của Bộ Y tế và một số bộ, ngành liên quan do Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường dẫn đầu kiểm tra việc sản xuất trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch bệnh do nCoV tại một số đơn vị sản xuất trên địa bàn Hà Nội. Đại diện các doanh nghiệp mà đoàn làm việc cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là tìm nguồn nguyên liệu để bảo đảm sản xuất. Do đó mong muốn được hỗ trợ tìm nguồn nguyên liệu để tăng cường sản xuất hết công suất trong thời gian tới. Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, hiện nay, Bộ Công thương đang liên hệ tìm nguồn nguyên liệu tại các thị trường Nam Phi, Ai Cập, Ấn Độ... để có đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, bản thân các đơn vị cũng cần cố gắng để chủ động tìm nguồn cung cấp nguyên liệu, đồng thời thực hiện chặt chẽ việc cung ứng theo những đơn hàng đã có hợp đồng trước đó, tránh tình trạng đơn vị khác mua nhiều đầu cơ, găm hàng...

Trước tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do nCoV đang diễn biến phức tạp, lực lượng công an nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã tổ chức phát khẩu trang miễn phí cho người dân. Tại TP Hà Nội, 75.000 khẩu trang được phát miễn phí cho người dân ở những nơi tập trung đông người. Lãnh đạo Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang vừa trao tặng 20 nghìn chiếc khẩu trang y tế của tỉnh Hà Giang và 20 nghìn chiếc khẩu trang y tế của TP Hải Phòng cho đại diện Văn phòng Ngoại sự huyện Malypho, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Tại Nghệ An, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức phát khẩu trang y tế miễn phí cho người dân khi tham gia giao thông. Trong đó, tập trung phát cho lái xe và hành khách khi di chuyển trên đường, qua các ngã ba, ngã tư và khu vực có tín hiệu đèn giao thông. Tại Đồng Nai, Đội Cảnh sát giao thông, Công an TP Biên Hòa đã tổ chức phát khẩu trang y tế miễn phí cho người đi đường tại một số giao lộ, tuyến đường có đông công nhân lưu thông trên địa bàn. Tại Đắk Lắk, một số đơn vị của Công an tỉnh tổ chức cấp phát hàng nghìn khẩu trang y tế miễn phí cho người dân khi đến làm thủ tục hành chính.

Một số nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp phát miễn phí khẩu trang y tế cho người dân. Tại huyện biên giới Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), Huyện đoàn Hồng Ngự phối hợp Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thường Phước (huyện Hồng Ngự) tổ chức phát khẩu trang y tế miễn phí cho người dân hai nước qua lại biên giới; Huyện đoàn Hồng Ngự phát khẩu trang miễn phí cho người dân xã biên giới Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự. Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp lập biên bản vi phạm năm cơ sở kinh doanh khẩu trang y tế, nước sát trùng do không ghi đầy đủ nhãn hàng hóa, không niêm yết giá bán theo quy định, chờ xử lý.

Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh đã ra quyết định xử phạt 15 cơ sở với tổng số tiền 20 triệu đồng vì không niêm yết giá sản phẩm khẩu trang, nước sát khuẩn. Tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương tổ chức 23 điểm bán khẩu trang bình ổn giá phục vụ người dân. Bên cạnh đó, ngày 3-2, tỉnh Bắc Ninh đã quyết định đặt may 700.000 khẩu trang vải để phục vụ công tác phòng, chống dịch cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tạm dừng tổ chức Tuần Văn hóa, Du lịch Bắc Ninh - Hà Nội 2020 và các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; dừng các hoạt động đưa đón khách du lịch, không đưa lao động Việt Nam sang Trung Quốc làm việc; giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV.

Ngày 3-2, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong 10 ngày tới, Vinatex sẽ cấp phát miễn phí cho người lao động và nhân dân khoảng 500 nghìn chiếc khẩu trang phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do vi-rút corona (nCoV) gây ra tại một số điểm trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố có nhà máy, doanh nghiệp đứng chân. (Nhân dân, trang 8).

 

Hà Nội sẽ làm hết khả năng để phòng dịch viêm phổi Vũ Hán

Chiều 3-2, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Trưởng Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra đã chủ trì họp và yêu cầu các bước tiếp theo cần làm ngay để tiếp tục phòng chống có hiệu quả dịch bệnh này.

Chủ động phòng ngừa

Báo cáo Chủ tịch UBND TP, Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện tại, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp dương tính với nCoV.

Số trường hợp giám sát tại bệnh viện là 29 trường hợp nghi ngờ nhiễm virus nCoV (6 trường hợp đến từ Vũ Hán, 19 trường hợp đến từ Trung Quốc, 4 trường hợp công tác tại sân bay Nội Bài); trong đó, 27 trường hợp xét nghiệm âm tính với nCoV (2 trường hợp đã ra viện, 22 trường hợp tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, 2 trường hợp tại Bệnh viện E, 1 trường hợp tại Bệnh viện Đống Đa); 2 trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm hiện đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Theo đánh giá, với điều kiện khí hậu mùa đông xuân lạnh ẩm rất thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát sinh và phát triển. Bệnh chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu dựa vào vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân.

Tại Hà Nội, UBND thành phố đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để chủ động phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập. Sở Y tế và UBND các quận, huyện, thị xã đã chủ động ban hành kế hoạch phòng, chống dịch theo chỉ đạo của UBND thành phố...

Tại cuộc họp, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, hiện nay chưa ghi nhận có trường hợp khách du lịch nào có biểu hiện nghi ngờ mắc dịch bệnh nCoV. Hiện lượng khách đến du lịch đã giảm 30-50%...

Theo đại diện Trung tâm phòng chống dịch bệnh, giải pháp để có thể kiểm dịch tốt nhất là cần nắm bắt được những đối tượng đi về từ vùng dịch và cách ly trong 14 ngày. Cùng đó, biện pháp khử khuẩn ở cơ quan, xí nghiệp, bệnh viện, trường học... cần phải làm thường xuyên, liên tục bởi vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường là 2 yếu tố phòng bệnh quan trọng cần triển khai để phòng bệnh.

Về công tác bình ổn thị trường khẩu trang trên địa bàn Thành phố, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trên địa bàn Thành phố hiện có 10 đơn vị, 4 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế, 5 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang thường, 1  doanh nghiệp nhập khẩu.

Trước tình trạng lợi dụng dịch bệnh, nhiều cơ sở kinh doanh khẩu trang đã găm hàng, tăng giá bán, Cục Quản lý Thị trường đã kiểm tra và xử lý nghiêm những đơn vị này...

Tiếp tục khử khuẩn nơi công cộng

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện tại, trên địa bàn TP chưa có trường hợp nào lây nhiễm chéo từ vùng dịch hay từ Vũ Hán về Việt Nam.

Bước đầu, thành phố đã triển khai các biện pháp phun, tẩy rửa, khử trùng hơn 3.000 trường học trên địa bàn trong 3 ngày qua. Thành phố cũng đã chỉ đạo cho học sinh nghỉ học đến 9/2 và diễn biến tiếp theo như thế nào TP sẽ tính toán các giải pháp tiếp theo.

Cùng với đó, đã thực hiện các biện pháp tuyên truyền hướng dẫn người dân trong phòng, chống dịch cúm nCoV.

Giải pháp tốt nhất là tuyền truyền đến từng người dân, người đi du lịch đến vùng bệnh, học sinh, công nhân đến từ vùng bệnh nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch, hiểu tường tận cách phòng chống, nhận biết các dấu hiệu ban đầu, thông tin cho đường dây nóng về dịch để có sự hỗ trợ. Cần tiếp tục mời các chuyên gia y tế, hiểu sâu sắc về bệnh dịch này để chia sẻ trên báo đài để người dân nắm rõ.

Từ ngày mai (4/2), Hà Nội tiếp tục thực hiện các biện pháp khử khuẩn tại các trụ sở cơ quan, bệnh viện, nơi công cộng, bến xe... nằm trên địa bàn nào, quận, huyện đó chịu trách nhiệm thực hiện phun  khử khuẩn.

Chủ tịch UBND TP đặc biệt lưu ý, mặc dù ở Hà Nội chưa phát hiện trường nào mắc bệnh nhưng nguy cơ lây lan dịch trên địa bàn là rất lớn.

Do đó, cần tuyên truyền hộ kinh doanh không buôn bán, kinh doanh động vật hoang dã, khuyên người dân không nên ăn thịt chó, mèo... Sở Y tế tiếp tục phối hợp với sân bay Nội Bài trực 24/24h kiểm tra hành khách xuất nhập khẩu; Công an Thành phố chủ trì phối hợp với các lực lượng thống kê được khách du lịch về từ vùng dịch và tổ chức cách ly.

“Sau cuộc họp này, Chủ tịch UBND các quận huyện chỉ đạo tất cả 584 các trạm y tế cần được khử khuẩn và chuẩn bị phòng cách ly với các trường hợp công nhân, người dân, học sinh sinh viên từ vùng dịch về, chuẩn bị cho phương án xấu nhất”, Chủ tịch UBND TP nêu.

Sở Y tế phải chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn cho các quận huyện, đơn vị để hướng dẫn người dân cách phòng dịch, sử dụng khẩu trang, nước sát khuẩn... Đồng thời tuyên truyền cho người dân hiểu để tránh hoang mang; cập nhật phác đồ điều trị của thế giới; Bộ Y tế; rà soát các thiết bị sẵn có để phòng chống dịch.

Chủ tịch UBNDTP Hà Nội khẳng định: "TP là sẽ làm hết khả năng. Tất cả hệ thống chính trị các cấp, người dân cùng vào cuộc, quyết tâm không để xảy ra trường hợp nào mắc nCoV; chuẩn bị mọi phương án cho tình huống xấu. Đồng thời, cần công khai minh bạch tình hình hằng ngày...". (An ninh thủ đô, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang